BOB DYLAN - Nobel Văn Học 2016
Bob Dylan đoạt Nobel Văn Học 2016 là một sự kiện phức tạp, tạo nên nhiều tranh luận. Tóm lại, vấn đề cần bàn - Bob Dylan có phải là một nhà thơ đã đóng góp và nâng cao thi ca bằng nghệ thuật ngôn từ và ý thức sáng tạo ? Trả lời câu hỏi này trước tiên cần trình độ chuyên môn văn học, sau đó là một kinh nghiệm cộng tâm hồn phóng khoáng của kẻ thưởng lãm sành điệu. Suy nghĩ và tranh luận, đây là điều tốt trong không gian văn hóa công cộng; nhưng ta đừng quên tham khảo các ý kiến có trọng lượng như Christopher Ricks, Billy Collins, Greil Marcus, Joyce Oates, Salman Rushdie…
Chắc chắn người ít ngạc nhiên nhất khi nghe tin Nobel Văn Học 2016 về tay Bob Dylan là Christopher Ricks. Vị giáo sư Nhân Văn tại đại học Boston University kiêm giáo sư Thi Ca Oxford là nhân vật chính trong công cuộc sưu khảo, biên soạn và bình phẩm giới thiệu sự nghiệp sáng tác ca khúc của Bob Dylan - Shakespeare của chúng ta hôm nay theo nhận định của giáo sư Ricks. Giới yêu chuộng Bob Dylan ở Mỹ hoặc Anh vẫn gọi ông là The Bard - danh xưng dùng riêng cho Shakespeare xưa nay.Trong bài nhập đề cho vựng tập ca khúc của Bob Dylan - THE LYRICS,do Simon&Schuster xuất bản năm 2014 do công lao biên tập của Christopher Ricks, Lisa & Julie Nemrow, Giáo sư Ricks đã nhận xét như sau về nhà thơ-nhạc sĩ Bob Dylan: "provocative, mysterious, touching, baffling, not-to-be-pinned-down, intriguing, and a reminder that genius is free to do as it chooses" (khiêu khích, bí ẩn, gây xúc động, đầy nghi vấn, khó thể định vị, và nhắc cho ta biết rằng thiên tài hoàn toàn tự do muốn làm gì thì làm).
Học đàn ghita từ mười tuổi vừa chơi harmonica cùng nhiều loại nhạc cụ tự học, Bob đã biến ca nhạc thành đam mê lớn trong đời. Bỏ học sau sáu tháng học bổng tại University of Minnesota, chàng ca sĩ tài tử bắt đầu giang hồ ca hát tại mấy quán rượu bình dân vừa học hỏi các bậc đàn anh trong hai dòng dân ca folk song cộng country music như Woody Guthrie, Hank Williams...đồng thời tiếp thu một cách thông minh điệu blues với những bài hát da Đen thống thiết của Rabbit Brown, Big Joe Williams, Leadbelly.. Hành vi tượng trưng khai mạc tiểu sử nghệ sĩ Bob Dylan là chuyến viếng thăm thần tượng của mình là Woody Guthrie tại bệnh viện Greystone ở New Jersey tháng 2-1960. Ca sĩ sáng tác đàn anh này là đỉnh cao dân ca Mỹ đã đưa xa truyền thống ca từ ballad Anh nhờ biết kết hợp linh động ca nhạc blues da đen.
Lần đầu sang East Coast, bước chân phiêu lưu đã đưa Bob đến New York, nơi ông bắt đầu sáng tác các ca khúc ballad nhuộm blues về nỗi buồn đô thị và tâm trạng lạc loài của dân nghèo tha phương như bài Talkin’ NEW YORK...khi ông hát dạo kiếm sống quanh Greenwich Village;
Winter time in New York town
The wind blowin’ the snow around
Walk around with nowhere to go
Somebody could freeze right to the bone
…
I walked down there and ended up
In one of them coffee-houses on the block
…
Well, I got a harmonica job, begun to play
Blowin’ my lung out for a dollar a day…
Phố xá New York mùa đông
Gió thổi tuyết bay khắp nơi
Loanh quanh chả biết đi đâu
Lạnh thấu xương bà con ơi
…
Tôi ra đường rồi dừng chân
Nơi một quán cà phê trên phố
…
Họ muốn tôi chơi harmonica
Một ngày trả lương một đô
Thế là tôi bắt đầu phình phổi thổi…
Đề tài lưu lạc giang hồ nhảy tàu ngủ bến quen thuộc với dân nghèo vô gia cư trong loạt hobo song của Woody Guthrie hay Peter Seeger lúc ấy có thêm tiếng vang nhờ tiểu thuyết ON THE ROAD của Kerouac cùng ảnh hưởng văn học Beat phóng túng hoang đàng; và Bob Dylan tung ra ngay đĩa nhạc đầu với các ca khúc lừng danh như Highway 51, Freight Train Blues hoặc Down the Highway thê thiết chất blues sầu muộn và tuyệt vọng...
…Yes, I’m walkin’ down the highway with my suitcase in my hand
Lord, I really miss my baby, she’s in some foreign land
…
Yes, I been gamblin’ so long, Lord, ain’t got much more to lose
Right now I’m havin’ trouble, please don’t take away my highway shoes
…
So, I’m a-walkin’ down your highway, just as far as my poor eyes can see
Yes, I’m a-walkin’ down your highway, just as far as my eyes can see
From the Golden Gate Bridge all the way to the Statue of Liberty (2)
Tay xách va li tôi bước trên xa lộ
Em xuất ngoại đi đâu, Chúa ơi, tôi nhớ em quá
Đã lâu dính vào bài bạc, tôi chẳng còn gì để mất, Chúa ơi
Nay tôi đang khốn đốn, còn đôi giày đi đường xin đừng lấy của tôi
Vậy là tôi bước theo xa lộ, đi đến cuối tầm mắt mỏi
Tôi cứ thế bước trên xa lộ đi theo tầm mắt của tôi
Tôi cắm đầu đi từ cầu Golden Gate đi miết tới tượng Tự Do Thần Nữ.
Từ Golden Gate- West Coast qua Statue Of Liberty –East Coast, chàng thi sĩ tuổi 20 với cây đàn ghita đã lắng nghe các tiếng nói và âm thanh của đất nước qua bài tình buồn của anh trai làng nghèo như Girl from the North Country, lời than thở của thợ thuyền hay nhà nông không nuôi nổi gia đình túng thiếu như North Country Blues, Ballad of Hollis Brown hoặc Maggie’s Farm... Sự trưởng thành nghệ thuật của Bob Dylan gắn bó hữu cơ với các biến động lịch sử của thập niên sáu mươi, đặc biệt là cuộc đấu tranh dân quyền civil rights da đen và phong trào phản chiến chống Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam. Từ đó ra đời các ca khúc thế sự quan trọng đánh dấu cả một thế hệ thanh niên Mỹ như hitsong quen thuộc Blowin' in the Wind –
How many roads must a man walk down/ Before they call him a man ?
...
How many times must a man look up/ Before he can see the sky?
…
How many deaths will it take till he knows/ That too many people have die ?
Phải lang thang bao nhiêu nẻo đường, ta mới xứng với danh hiệu Con Người ?
Phải bao nhiêu phen ngước mắt nhìn lên , ta mới thấy được trời cao ?
Phải lên đến bao nhiêu con số tử vong, ta mới hay quá nhiều người đã chết ?
Ca từ trong những bài hát thế sự ta thán thân phận con người hôm nay như A Hard Rain ‘s A-Gonna Fall, phản biện lịch sử cùng tôn giáo da trắng trong Gates of Eden, Bob Dylan's 115th Dream; chất vấn bạo lực xâm lăng của phương Tây như When the Ship comes in, With God on our Side; cảnh cáo chiến tranh toàn cầu trong Talkin' World War III Blues....hay mối nguy vũ khí hạt nhân Masters of War... mang chất thơ bình dị chân thực rất gần Jacques Prévert, Erich Fried, và đặc biệt Bertold Brecht.
Come you masters of war
You that build the big guns
You that build the big planes
You that build all the bombs
You that hide behind walls
You that hide behind desks
…
You play with my world
Like it’s your little toy
(Masters of War)
Bớ các chủ nhân của chiến tranh
Các người đúc súng đại bác
Lắp ráp máy bay to
Thiết kế mọi quả bom
Các người trốn sau những bức tường
Các người ẩn náu sau bàn giấy
Các người đùa với thế giới của tôi
Như nghịch món đồ chơi nhỏ của các người.
Oh the history books tell it
They tell it so well
The cavalries charged
The Indians fell
The cavalries charged
The Indians died
Oh the country was young
With God on its side
…
But now we got weapons
Of chemical dust
If fire them we’re forced to
Then fire them we must
One push of the button
And a shot the world wide
And you never ask questions
When God’s on your side
(With God on Our Side)
Chuyện đó được sử sách kể lại
Sách sử kể lại thật tài
Đoàn kỵ binh phóng tới
Đám thổ dân ngã quị
Đoàn kỵ binh phóng tới
Đám thổ dân chết rạp
Than ôi đất nước còn non trẻ
Nhưng thuộc về phe của Chúa Trời.
Bây giờ chúng ta có vũ khí
Thả bụi hoá chất mù trời
Nếu buộc phải bấm cò
Thì ta phải bấm thôi
Chỉ cần nhấn nút một cái
Tiếng nổ lan trùm thế giới
Và chúng ta chả bao giờ thắc mắc
Khi ta thuộc về phe của Chúa Trời.
Ca khúc vừa trích dẫn trên đây tả đúng phản ứng của siêu cường USA ngày xưa lập quốc bằng chính sách diệt chủng thổ dân và hôm nay tiếp tục đường lối can thiệp quân sự sắt máu tại Trung Đông và Trung Á từ cả chục năm qua với danh nghĩa của Chúa Trời!
Còn mấy lời ca dưới đây vô tình mà minh họa chính xác cho các làng biển miền Trung sau vụ Formosa khi sông biển nhiễm độc, dân lành bị phản bội, giáo xứ cha cố bị hành hung bắt bớ trong khi bọn hung thủ sát nhân thì giấu mặt –
I’ll walk to the depths of the deepest black forest
Where the people are many and their hands are all empty
Where the pellets of poison are flooding their waters
Where the home in the valley meets the damp dirty prison
And the executioner’s face is always well hidden
Where hunger is ugly, where the souls are forgotten…
(A Hard Rain ‘s A-Gonna Fall)
Tôi sẽ đi tận vào rừng sâu tăm tối
Nơi có đông dân chúng với hai bàn tay trống không
Nơi thuốc độc vò viên tràn ngập suối sông
Nơi nhà tù ướt bẩn gặp mái nhà trong thung
Và bộ mặt kẻ hành quyết bao giờ cũng giấu kín
Nơi đó nỗi đói tàn tệ còn các linh hồn thì không ai nhớ đến…
Là nghệ sĩ-công dân trong một quốc gia đa chủng tộc, Bob Dylan đứng về phía dân thiểu số với ý thức đấu tranh chống các vi phạm nhân quyền. Như bài ca ballad tự sự The Lonesome Death of Hattie Carroll bình phẩm vụ ông chủ da trắng Zanziger cầm gậy đập chết bà đầy tớ da đen Hattie mà chỉ mang án sáu tháng tù; kẻ ở trọ nài nỉ chủ nhà gia hạn cư trú trong bài Dear Landlord, ca ngợi người hùng John Wesley Harding hai tay hai súng bênh vực dân nghèo, trong khi các bài hát To Ramona hay I Pity the Poor Immigrant giàu cảm xúc về số kiếp di dân , đặc biệt từ vùng Nam Mỹ, nhọc nhằn đuổi theo giấc American Dream khó vươn tới –
Ramona come closer
Shut softly your watery eyes…
Your cracked country lips
I still wish to kiss…
But it grieves my heart, love
To see you tryin’ to be a part of
A world that just don’t exist
It’s all just a dream, babe…
( To Ramona)
Nhích tới gần thêm Ramona
Cặp mắt ướt át của em hãy nhắm lại
Đôi môi gái quê khô nứt của em
Tôi vẫn còn thèm hôn hít
Nhưng em yêu ơi
Tôi đau lòng khi thấy em
Cố hội nhập vào cái thế giới hư ảo kia
Đó chỉ là giấc mộng em ơi !
Nhưng nhân vật chính, vừa đồng lõa vừa nạn nhân của Giấc Mộng Hoa Kỳ chính là dân da trắng trung lưu mà nhà thơ-ca sĩ của chúng ta rất am tường qua chính trải nghiệm bản thân. Bị kỳ thị áp bức hay bị thua thiệt gạt ngoài lề, số kiếp người lao động thấp hèn và tình cảnh đám di dân nhọc nhằn độ nhật dù sao cũng dễ cảm thông vừa yêu cầu các giải pháp xã hội-pháp luật phân minh. Nhưng các giai tầng từ trung lưu trở lên gánh vấn đề hiện sinh phức tạp hơn - họ cần khẳng định liên tục diện mạo qua thu nhập cùng hưởng thụ tiện nghi của nền văn mình tiêu thụ quá đa dạng. Các chứng stress, thần kinh rối loạn hay suy nhược vì lối sống American way of life là đề tài của các nhà tâm lý trị liệu - trong thơ văn đó là bầu khí từng ám ảnh Fitzgerald với The Great Gatsby , Nathanaël West với Miss Lonelyheart, Allen Ginsberg cùng nhóm bạn thi sĩ Beat trong nhiều thi phẩm... Để minh giải các ca khúc trữ tình chính sự của Bob Dylan, thính giả phải kinh qua lối sống thường ngày ở Mỹ, nhất là nhịp độ đại đô thị. Tiêu biểu nhất có lẽ là album HIGHWAY 61 REVISITED vào khoảng 1964-65 khi Bob Dylan hiện lên như một ca sĩ kiêm nhà thơ dissident, phê phán và mai mỉa một cách trào lộng lối sống vật chất kiểu Mỹ - một kiểu đánh mất chính mình cho dù sự tha hóa ấy có phong lưu đến đâu.
You’ve been with the professors, they all like your looks
With great lawyers and scholars you’ve discussed lepers and crooks
You’ve been through all of F. Scott Fitzgerald’s books…
Yes, but something is happening and you don’t know what it is
Do you, Mister Jones ?
(Ballad of a Thin Man)
Ông từng quen các giáo sư và họ đều thích phong thái dung mạo của ông
Với các luật sư danh tiếng cùng các đại học giả ông từng tranh luận về bọn lừa bịp và lũ hủi
Sách của Scott Fitzgerald ông đọc không sót cuốn nào...
Vậy mà chuyện đang xảy đến ông chẳng biết trời trăng chi cả
Có đúng không, Mister Jones ?
Một chữ thường hiện đi hiện lại trong các bài hát là circus=gánh xiếc khiến những kẻ ái mộ Bob Dylan nhớ đến khoảng đời cầm ca lang bạt của ông trước khi thành ngôi sao độc sáng. Nhưng trò xiếc circus còn là ẩn dụ để ví von không gian dystopia của văn minh tranh đua vật chất trống vắng các ý nghĩa và giá trị. Một ca khúc đặc trưng là Desolation Row trong album nói trên (bạn đọc quan tâm chỉ cần tìm bài hát này trên Youtube để thưởng thức trọn vẹn một bài thơ kiệt tác) khi nghệ thuật ngôn từ được Bob Dylan trau chuốt cộng lời tự sự đan dệt thời cuộc với nhiều điển cố, danh nhân… Còn có thể trích dẫn vô vàn những câu những đoạn đầy chất thơ, xin mời bạn đọc thong thả tham khảo trên sách báo, internet càng ngày càng phong phú sau sự kiện Nobel vừa qua. Riêng cá nhân tôi, điệp khúc này cứ trở đi trở lại trong đầu từ khoảng 40 năm qua , Like a Rolling Stone –
…How does it feel
To be without a home…
…How does it feel
To be on your own
With no direction home
Like a complete unknown
Like a rolling stone?
(Like a rolling stone)
Không nhà không cửa
Mi cảm thấy thế nào
Lúc vô phương hướng
Chẳng biết cậy nhờ ai
Mi cảm thấy ra sao
Đúng là hoàn toàn vô danh
Như đá lăn hoài lăn mãi ?
Vừa sáng tác vừa biên soạn dân ca, sự nghiệp ca khúc của Bob Dylan trên dưới khoảng năm trăm bài, đề cập đến mọi đề tài trên trời dưới đất, từ cõi nhân sinh thống khổ đến các phương trời triết lý-tôn giáo siêu phàm - trong đó có nhiều bài thơ giá trị như Mr. Tambourine Man, Gates of Eden, Along the Watchtower, Desolation Row, Farewell Angelina, Lay down your Weary Tune... Kế thừa di sản giàu có của dân ca Anh-Mỹ cùng kho tàng âm nhạc blues da đen, đứa con tinh thần của văn hóa Beat và trào lưu hiện sinh Âu-Mỹ đã vươn vai thành kẻ khổng lồ - gọi ông là The Bard thật không quá đáng vì chủ thể trữ tình sáng tạo Bob Dylan có thể sánh vai với Shakespeare, William Blake hay Victor Hugo trong cố gắng truyền đạt bằng nghệ thuật ngôn từ một ý thức nhân văn cao thượng. Bài viết này chỉ phác họa vài nét về Bob Dylan xuyên qua những sáng tác ca nhạc của thập niên 60 - chuỗi năm tháng đã khắc họa chân dung và cốt cách của một tài năng ngoại hạng . (Chủ đề lý thú khác mà tác giả bài này không bàn thêm được ở đây là TÌNH CA - một thế giới tình cảm được diễn đạt bằng thủ pháp và phong cách country-folk đặc thù của Bob Dylan, cũng độc đáo không thua các tình khúc Leonard Cohen hoặc Jacques Brel, Serge Gainsbourg trong làng nhạc Pháp).
CHÂN PHƯƠNG