Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du
Bùi Văn Nam Sơn
Chấn Hùng đại ca nhã giám,
Mùa xuân đi chơi miền cỏ thơm. Tả cảnh ấy, danh họa không cần vẽ đồng cỏ thơm lẫn người du ngoạn mà chỉ vẽ đôi cánh bướm rập rờn quấn quít quanh chân ngựa ngát hương đang lững thững trở về. Nằm nhà, lại được hân hạnh cho thưởng thức trước bài du ngoạn Thanh Hoa Trì của đại ca, đệ thấy mình là cánh bướm…
Em từ sử lịch thuyền quyên
Tây Thi Việt nữ diện tiền Quý Phi
Tây Hồ Tây tử tương nghi
Đạm trang nùng mạt Dương Phi não nùng
Tại sao Đoàn Quỳ dịch tuyệt vời Bài Tựa truyện Kiều của Chu Mạnh Trinh (“Giả thử ngay khi trước Liêu Dương cách trở…”) mà lại (cố tình?) không dịch một câu cũng tuyệt vời trong bài (lấy tứ từ một bài thơ của Tô Tử): “Tham bắc bộ chi phong tao, tiếu đề diệc vận; thiện Nam triều ư phấn đại, nùng đạm tương nghi” (có cái phong nhã của gái Bắc phương, khóc cười đúng điệu; sành sỏi nét phấn son của gái Nam triều, đậm nhạt đều xinh), khiến Bùi Giáng thấy tiếc mà nhắc lại? Đoàn Quỳ không nỡ dịch? Bùi Giáng không nỡ bỏ? Đó là chỗ kỳ tuyệt mà họ Bùi gọi là “bất khả tư nghì !” của những tay thượng thủ.
Rồi còn Tản Đà nữa! Nhắc đến Tản Đà, Bùi Giáng viết mấy câu ngắn gọn: “Nếu Tiên sinh còn sống, ắt tại hạ xin được phép cùng tiên sinh nhậu nhẹt một trận lu bù. Thơ của Tiên sinh làm, chẳng có chi xuất sắc. Nhưng bản dịch “Trường Hận Ca” của Tiên sinh quả thật là vô tiền khoáng hậu”.
Nguyên tác viết: “Dương Gia hữu nữ sơ trưởng thành” là… kê khai lý lịch, cho biết nàng đang ở… tuổi teen. Tản Đà chơi một câu: “Nhà Dương có gái mới choai”! Choai choai mà “lạ gì của tuyết đông ngọc đúc”! Lạ gì việc ông thầy thuốc đạo mạo bỗng chốc méo mó nghiệp nghề kiểm tra kỹ lưỡng “ba vòng” nhân trắc học! Nguyên tác viết: “Vân mấn hoa nhan kim bộ dao, phù dung trướng noãn độ xuân tiêu”. Qua tay Tản Đà thành:
“Vàng nhẹ bước lung lay tóc mái
Màn phù dung êm ái đêm xuân”
“Tóc mái”? là “mái tóc” đảo trang cho hợp vận? Không! Chỉ có thể là tóc… mái của gái choai, chứ không thể là mái tóc vô duyên của một chàng đực rựa!
Quy lai trì uyển giai y cựu
Thái Dịch phù dung Vỵ Ương liễu;
Phù dung như diện liễu như mi…
Cảnh xua dương liễu, phù dung
Vị Ương, Thái Dịch hồ cung vẹn mười
Phù dung đó, mặt ai đâu tá ?
Mày liễu đâu ? Cho lá còn như…
“Cho lá còn như”? Câu thơ chặt mà… lỏng, cổ kính mà hiện đại, dư vang bất tuyệt…
Trì trì chung cổ sơ trường dạ
Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên
Tiếng canh tối tùng tùng điểm trống
Năm canh dài chẳng giống đêm xưa
Sông Ngân lấp lánh sao thưa
Trời như muốn sáng, sao chưa sáng trời ?
Câu tường thuật hay lời thở than, bức rức?
Đến mấy câu này nữa thì thật là sơn cùng thủy tận:
Lãm y thôi chẩm khởi bồi hồi
Châu bạc ngân bình di lý khai
Vân kết bán thiên tân thuỵ giác
Hoa quan bất chỉnh há đường lai
Cầm áo dậy thẩn thơ buồn bực
Vén rèm châu bình bạc lần ra
Bâng khuâng nửa mái mây tà
Thềm cao xuống chiếc mũ hoa lệch đầu…
Sau khi bàng hoàng “mũ hoa lệch đầu thềm cao xuống chiếc” tiếp đón sứ giả, nàng khóc (nàng bây giờ là cô tiên Thái Chân ở Bồng lai mãi mãi không chịu dứt nợ trần!):
Phong xuy tiên duệ phiêu phiêu cử
Do tự Nghê Thường vũ y vũ
Ngọc dung tịch mịch lệ lan can
Lê hoa nhất chi xuân đới vũ
Phớt tay áo bay màu ngọn gió
Giống Nghê Thường khúc múa năm xưa
Lệ dàn mặt ngọc lưa thưa
Cành lê hoa trĩu hạt mưa xuân đầm!
Còn nói gì được nữa? Ta chợt quên hết, quên hết mọi tính toán thiệt hơn “nếu…nếu” của trần gian bụi bặm:
Cõi trần ngoảnh lại mà hay
Trường An chẳng thấy, thấy đầy bụi nhơ!
Bất kiến Trường An kiến vụ trần!
Trần gian thì không thiếu gì chốn:
… Chốn hai miệng đinh ninh một lúc
Chốn vầng trăng vằng vặc giữa trời
Chốn nào chốn nọ chốn nơi
Tầm sương sái diện chốn nơi nào là
Và vì thế, vẫn phải cứ hỏi đi hỏi lại như Bùi Giáng:
Trần gian du hý chốn nào là nơi?
Bởi chốn phải là nơi! Xin hãy đọc xuống hàng chậm chậm:
Trần gian du hý
Chốn
Nào
Là
Nơi
để thấy chút nũng nịu hoang mang trong lời hờn trách:
Nhìn em thấy núi thấy non
Mất em còn thấy núi non nỗi nào
… Nhớ em nhớ suốt mây trời
Suốt trăng vĩnh viễn suốt nơi nào là
… Tới nơi chốn? tới nơi nào
Chốn nào chỗ nọ bước vào nơi kia
Nơi nào?
Tôi từ thương đất thương trời
Tình yêu dẫn dắt về nơi tôi về
Chốn nào?
Chốn nào cỏ mọc tháng ba
Liên tồn xây dựng kim thoa từ đầu
Chốn nào ở kín nơi đâu
Âm thanh phơi mở xiết bao nhịp mùa
Nhịp mùa ẩn kín khi chỉ còn “nghe mùa xuân không đổ lục bên hường”, khi chỉ thấy “màu con mắt bên màu xuân xiêu đổ”:
Mùa xuân lại với chim về đã mỏi
Với cá về mây nước cũng lang thang
Nhịp mùa phơi mở khi ta cùng nhau “mở cõi ra chơi”:
Mai sau còn chốn còn nơi
EM về chễm chệ trên Ngôi thượng thừa
Hẹn cùng nhau nhé:
Mai sau hẹn với ban đầu
Chờ nhau ngõ khác ngó màu Nguyên Xuân…