Sanh ra trên tấm thớt — Dien Dan Forum

 

Sanh ra trên tấm thớt

 

Tôi rời xa quê, mang theo ký ức làm hành trang.

Có bóng đò đưa, mưa cuốn trôi thành phố cổ.

Có tiếng ve mùa hè cắn xé miên man.

Tiếng ve sầu không sầu như tiếng khóc. Con ve sầu còng lưng gồng gánh khúc hoan ca.

Tôi cúi xuống bên đường, nhặt một chiếc lá khô.

Mạ tôi nói. “ Đó là cái xác ve. ”

Tôi hỏi mạ. “ Răng mà khô quắt như ri ? Cái xác ở đây chừ con ve ở mô ? ”

Người đàn bà gù lưng dẫn đường lặng thinh.

Mười hai tuổi tôi rời xa Huế. Đôi chân gạt bùn gửi lại Đông Ba. Giấc mơ đổi đời rửa không sao hết đi mùi cá.

Tôi cúi xuống bên đường, nhặt một hòn đá nhẵn.

Mạ tôi nói. “ Đó là linh hồn con ve. ”

Tôi hỏi mạ. “ Răng trơ lì như ri ? Hồn ở đây chừ con ve ở mô.”

Người đàn bà gù lưng dẫn đường ho khúc khắc.

Con đường trưa mùi hắc ín gắt nồng. Tôi mang đôi dép nhựa mòn gót đứt quai, hân hoan dẫm bước chân mình lên những con đường của thành phố mới. Thành phố mới, những đàn bà gù lưng lẫn vào khói đen. Những bàn tay khô héo múc từng muỗng nhựa nóng đổ lên bộ xương con đường. Những đôi vai cong quèo nhẫn nhục cúi gập bên những khối ung bướu bốc hơi. Con đường suy dinh dưỡng, thân thể lở loét đầy những khối u. Mọc chỗ này rồi lặn. Mọc chỗ kia rồi vỡ toang. Những người đàn bà gù lưng vá mãi tấm áo vá, phủ lên một bộ xương tật nguyền. Tôi không muốn trở thành một người gù xấu xí chui rúc trong ổ chuột. Tôi không muốn còng lưng gồng gánh tủi nhục, ì ạch đi trên con đường đầy khói bụi.

Tôi cúi xuống bên đường, nhặt một mảnh ve chai.

Mạ tôi nói. “ Đó là tiếng hát của con ve.”

Tôi hỏi mạ. “ Răng vô tình mà bén ngót như dao ? Tiếng hát ở đây chừ con ve đi mô.”

Mạ đã hoá thành con ve lưng còng. Con ve không linh hồn chỉ có cái xác khô và tiếng hát. Người đàn bà dẫn đường kéo tay tôi bước. Tôi nắm chặt tiếng hát con ve trong lòng bàn tay. Mảnh ve chai bén ngót cắm vào da thịt.

Mười hai tuổi, tôi chưa kịp biết khuôn mặt thành phố mới để mà say mê thành phố mới. Mười hai tuổi tôi chưa kịp biết khuôn mặt cuộc sống để mà căm thù cuộc sống. Người đàn bà gù lưng dẫn tôi đi. Tấm khăn bịt ngang mắt màu đen, thành phố mới chỉ có màu đen. Người đàn bà gù lưng rao bán tôi cho khách. Đồng tiền nhỏ thơm mùi phấn sáp. Đồng tiền to thơm mùi quyền lực. Tôi nằm trong căn phòng thơm tho mùi quyền lực, như con cá bị cạo sạch vảy, chạy trốn cuộc sống rơi tòm vào cái lỗ chết. Như con cá bị cắt cụt vây, nhọc nhằn bơi ra khỏi tấm lưới rồi ngoạm phải lưỡi câu. Cuộc sống bán tôi đi. Đạo đức mua tôi về, làm trò vui hoan lạc. Tôi cắn răng nghe tiếng cười tàn bạo của những gã đàn ông xả lũ. Lũ tràn qua đời mình. Lũ tràn về thành phố, cuốn những người đàn bà lưng còng ra biển.

Mười hai tuổi, thành phố mới cũng tanh nồng mùi cá. Mười hai tuổi, tôi không căm thù cuộc sống, tôi bám vào một cọng rác, thả đời mình ngụp lặn trôi đi.

Mười hai tuổi, tôi như cái xác ve nằm vất vưởng bên lề cuộc đời. Thành phố mới sáng rực đèn hoa, dìu dập tiếng hát reo vui. Những con ve sặc sỡ, tiếng ca hân hoan gặm nhấm linh hồn cuộc sống. Những ước mơ trở nên ngứa ngáy và ghẻ lở. Những nỗi đau buông chèo cắm cọc vào trong nỗi đau. Những dòng sông tù đọng đen ngòm, cánh hoa ung thư hé nhuỵ vật vờ.

Giấc mơ đổi đời, vấp phải hòn đá rơi xuống bùn đen. Những con đường đầy đá và bùn đen.

Giấc mơ đổi đời, không bay lên tới ngọn đèn đường. Ngọn đèn đường hoa liễu gù lưng đón khách mua sương bên những con đường mù loà. Chợ Cầu Muối câm điếc gù lưng cõng những ngọn đèn đứt bóng.

Bến Đông Ba. Bến Đông Ba mưa mù trong ký ức. Dòng sông Hương nắng đục mưa trong. Mạ tôi gù lưng trên sạp cá đầy sình và máu. Con dao nhọn rạch xoàn xoạt lên mấy cái bụng cá trắng phều. Con cá quặn mình rồi chết. Mạ quặn mình sanh ra tôi, trên tấm thớt sần sùi mang mùi ruột cá và ruột mạ. Tôi tò mò hít thở hương vị đầu tiên của cuộc sống. Mạ đau đớn giã từ cuộc đời tanh tưởi, câm lặng ra đi. Bến Đông Ba. Bến Đông Ba tanh nồng mùi cá. Dòng sông Hương khi đục khi trong.

Người đàn bà gù lưng vỗ vào mông tôi. Khóc đi. Khóc đi, con.

Tôi không khóc. Tôi nằm trên tấm thớt bầy nhầy ruột cá, trần truồng bất động. Tôi nằm trên tấm thớt sứt mẻ hằn dấu dao của bà, dấu dao của mạ, dấu dao của ngàn năm văn hiến. Tôi nằm im co quắp, sợ phải đem theo gia tài tơi tả của mạ làm hành trang.

Tiếng ve mùa hè miên man, miên man.

Mạ tôi nói, con ve sầu sẽ sanh ra sâu bọ. Con ve nói, loài sâu bọ sẽ lột xác thành con ve sầu. Sự giả dối hiện ra, khi con sâu cất tiếng hát và con ve nhe răng đục khoét. Sự thật hiện ra khi con sâu cất cánh bay và con ve cúi đầu trốn chui vào lòng đất. Tôi đánh mất lòng tin giữa phiên chợ cá. Thành phố mới, thật giả lẫn lộn. Tôi quặn mình đau giữa phiên chợ trưa. Con gái tôi sanh ra trên tấm thớt, câm nín bất động. Chợ Cầu Muối cũng tanh nồng mùi cá. Tôi giã từ cuộc đời tanh tưởi, hoá thành con ve, ngày đêm ca hát. Không còn biết đau. Không còn linh hồn. Chỉ còn tiếng hát.

Người đàn bà gù lưng vỗ lên mông đứa con gái nhỏ. Khóc đi. Khóc đi nhỏ.

Con gái tôi không khóc. Tấm khăn đen bịt kín ngang mắt. Con gái tôi ôm giấc mơ đổi đời, lê bước đi trên đôi dép nhựa mòn gót đứt quai của tôi. Người đàn bà dẫn đường đưa nó vào căn phòng màu trắng. Tường trắng, thảm trắng, giường nệm trắng, hoa phong lan trắng. Căn phòng thơm mùi hoa phong lan. Nó nằm co quắp bất động, trần truồng, như con cá bị cạo sạch vảy. Khi người đàn ông cất tiếng cười, tôi nhận ra con thú đã cắn nát tuổi thơ của mình. Khi người đàn ông cởi tấm áo đạo đức, tôi nhận ra con đường ghẻ lở. Và, tôi cất tiếng hát, như tiếng rên của con ngựa già kéo xe phân lên núi. Tiếng cười hả hê của gã đàn ông phè phỡn cỡi trên lưng ngựa. Tiếng cười hả hê của quyền lực và thoả mãn cỡi trên lưng những người đàn bà gù. Đàn ve giấu mặt đồng thanh cất tiếng ca, yêu thương cuộc sống. Những trái tim màu đỏ quàng khăn đỏ nhảy nhót hoan lạc. Mười hai tuổi, con gái tôi nằm trên tấm thớt tanh tưởi bầy nhầy. Nó không quàng khăn quàng đỏ. Nhưng nó biết nằm im và không khóc, chỉ cắn chặt răng.

Tôi ôm con mình về bến sông xưa. Thành phố nát tan sau cơn bão lũ, những ngôi nhà thương tật gãy gập sống lưng. Những người đàn bà gù lưng bị nước cuốn trôi ra biển, mãi mãi không quay về. Những đứa trẻ mồ côi rách rưới, ngồi cạo vảy cá bên sông, mơ những giấc mơ đổi đời. Những người đàn ông xả lũ phè phỡn ngồi trong những chiếc xe lương tâm. Chiếc xe lương tâm bóng loáng phóng đi êm ru trên những con đường ghẻ lở.

Thân thể con tôi chìm giữa dòng sông, mỏng manh, tả tơi như cái xác ve. Khóc đi con. Khóc đi con. Con tôi không khóc, nó cúi đầu nhìn sững vào dòng nước đục. Con gái của nó nằm đó. Con gái của nó trong dòng bạo lực, câm lặng và tím tái. Người đàn bà chít khăn tang vỗ vào mông đứa nhỏ. Khóc đi. Khóc đi, mày. Tôi nghẹn ngào hát, khóc đi, khóc đi con. Khóc để thành người.

Khóc để thành người. Khóc đi con.

Con gái của con gái tôi không khóc. Mảnh khăn đen bịt ngang mắt. Mười hai tuổi nó ôm giấc mơ đổi đời lê bước đi trên đôi dép nhựa mòn gót đứt quai của con gái tôi. Con gái của con gái tôi nằm trong căn phòng tuyệt đẹp. Tôi nhận ra người đàn ông ấy. Con gái tôi nhận ra người đàn ông ấy. Ông ta nói với đứa trẻ mười hai tuổi, đây là căn phòng đẹp nhất trong lịch sử, thơm tho nhất trong lịch sử.

Những đứa trẻ bị chiếm đoạt tuổi thơ cất tiếng hát – đẹp nhất – thơm tho nhất.

Những con sâu nhe hàm răng nhọn cất tiếng hát – đẹp nhất – thơm tho nhất – đẹp nhất – thơm tho nhất – đẹp nhất – thơm tho nhất.

Đó là bản bi ca cho loài người không còn tiếng khóc.

11.09

Lưu Thuỷ Hương