Csáth Géza
Những câu chuyện kết thúc không hậu
Câu chuyện thứ nhất
Chàng học trò chăm chỉ học. Chàng học lần lượt các động từ ngoại lệ, đọc lại nhiều lần cách chia đuôi. Rồi đến cách đặt câu. Chàng đặc biệt chú ý chương dạy cách nhấn mạnh trọng tâm phát âm của câu, phần từ trước tới nay chàng chưa đạt xuất sắc, mới chỉ đạt loại giỏi. Rồi chàng gấp sách và lấy cuốn khác ra.
Chàng vừa định tiếp tục công việc miệt mài này, chợt nghe tiếng bước chân nhẹ nhàng sau lưng. Chàng ngoảnh lại. Một cô gái tóc vàng xinh đẹp đi về phía đó, chàng học trò- đã hết bé dại, khi chiêm ngưỡng một sắc đẹp – chàng nhìn theo, và tự nhủ:
-Nàng đẹp quá!
Nhưng chàng phải học, vì thày giáo đã nói, mai đến lượt chàng trả bài. Thế là chàng không để ý tới cô gái.
Chàng học xong cuốn sách thứ hai, định mở cuốn thứ ba, bỗng nhìn thấy cô gái tóc vàng lần nữa. Nàng bước ra từ phòng , tay ôm một đống đồ chơi. Trong tay nàng, nào khẩu súng lục nhỏ, nào đồng hồ đeo tay – thứ quý giá nhất của chàng – rồi những chú lính chì và nhiều đồ chơi tuyệt diệu khác.
Chàng học trò yêu hết thảy những thứ này, chưa bao giờ chàng nghĩ đến chuyện đem cho. Nhanh như cắt, chàng chạy theo sau cô gái đang rảo bước xuống cầu thang. Túm lấy nàng, chàng hét lớn:
Kẻ trộm! kẻ trộm!
Cô gái ngước đôi mắt xanh biếc nhìn chàng, khiến máu trong huyết quản chàng trai đông lại.
Miệng mỉm cười, nàng lên tiếng:
Ta là thần chết đây – nàng nói- chúng ta đi thôi
Và lấy tay túm lấy chàng trai.
Câu chuyện thứ hai
Người ta gọi chàng là József. Chàng trưởng thành, nhưng không gặp phu nhân Putifár. Làm thế nào bây giờ? Chàng trở thành kẻ căm thù đàn bà.
Tôi cần nhấn mạnh, József không sống ở Budapest. Một khẳng định nghiêm túc, Budapest có thể cứu József thoát khỏi tai nạn này. Nhưng Königsberg lại không thể. Bởi chàng sống ở Königsberg.
Các chàng József – Ôi sự không hoàn hảo của người đời! – không chịu được ý nghĩ phải đóng vai trò kẻ làm thuê tại nhà phu nhân Putifár, nhưng các chàng cũng phát ốm, nếu không hội ngộ cùng khả năng này.
Thế là József trở thành kẻ căm thù đàn bà. Chàng công khai tuyên bố sự khinh bỉ các bà các cô của mình, chàng miệt mài xây dựng những lý thuyết màu xám về sự tầm thường của đàn bà, chứa trong những tập bản thảo dày cộp.
Chàng hẳn sẽ tan mềm ra, nếu chẳng may nhìn thấy một cô gái đẹp. Nhưng bọn con gái không vội vã tiến về phía chàng, vì József, ngoài những lỗi lầm riêng, còn bắt đầu hói trán, và kiểu gì cũng không thể gọi, đấy là một bạn chơi dễ chịu. Ôi, anh chàng József!!
Ấy thế mà một ngày, chàng vứt đống bản thảo vào lửa, đem là lại chiếc mũ ống, chiếc áo choàng dài, và chải đầu cẩn thận…chàng đi hỏi vợ.
Lúc đó chàng năm mươi hai tuổi. Chàng bước vào một thế giới khác. không ai dùng kiểu áo tay xòe, kể cả các bà già, thậm chí áo chẽn phụ nữ thắt dây lưng cũng lỗi mốt (tôi kể những thứ này ra đây để tả lại thời đó).
Chỉ còn đúng một sự việc vẫn như ngày xưa, khi mẹ cô gái nói với chàng:
Ngài quá cứng tuổi, thưa đức ông, con gái tôi không thể làm vợ ngài!
József đi về nhà, cởi áo choàng, khều những mảnh sót lại của tập bản thảo cháy đen trong lò sưởi, và rút bút. Chàng cắm bút vào nghiên mực, viết lên tờ giấy dòng chữ to tướng:
„ Tội ác của giới đàn bà”. Tác giả và người xuất bản: József
Chàng thức rất khuya để viết.
Câu chuyện thứ ba
Chàng bác sĩ trẻ trung, nhận bằng khen sau vòng thi hai năm một, lần thứ ba, bắt đầu thận trọng nghĩ đến việc lấy vợ.
Tại sao cần suy nghĩ về chuyện này?- những người tỉnh táo có thể hỏi như vậy.
Đúng thế, vì chàng yêu một cô gái, vâng đúng thế, một cô gái có bờ vai xuôi tròn, và tấm lưng đầy đặn ( chưa ăn thua gì, nhưng đứng về mặt giải phẫu học, đấy là một da thịt tốt), nàng có mái tóc đen và đôi mắt cũng đen, vân vân.
Một ngày nọ họ đi đăng ký.
Đúng lúc đó, cô gái đâm phải tay mình. Chàng bác sĩ trẻ lấy khăn tay giấy thấm giọt máu, một giọt máu đào, rỏ xuống từ đầu ngón tay xinh, rồi chàng hôn vào đó. Nhưng điều này chỉ là phụ.
Quan trọng hơn, hôm sau, chàng bác sĩ nhớ ra chiếc khăn giấy thấm máu. Chàng nghĩ một chút. Rồi lấy ra một kính hiển vi. Chàng lau gương kính, thổi vào chiếc ống màu vàng, sáng chói, vặn lại các đinh ốc. Chàng cắt mảnh giấy có vết máu, cho vào một cốc thủy tinh. Rồi đổ vào đó một chất, từ một lọ bí mật có ghi dòng chữ kỳ quái- tôi muốn nói là kỳ quái đến sởn gai ốc – vì có ghi dòng chữ: C H O –NaOH –C H N S –
Chàng bắt tay vào việc. Chàng hỳ hục thấm ướt, hong khô, một cách không mệt mỏi, rồi soi nghiêng ngả dưới kính hiển vi. Xong, chàng làm lại từ đầu. Chàng rên rỉ, lẩm bẩm, đổ mồ hôi. Rồi sau cùng vô hồn nhìn vào khoảng không. Đến tận bình minh, vẫn thấy chàng đang suy nghĩ bên cạnh chiếc kính hiển vi bí mật.
Nhưng chàng đã quyết định xong, bởi vì nếu không, bao mệt mỏi đã trải qua, chẳng có nghĩa lý gì.
Chàng rút nhẫn từ ngón tay giáp út, cho vào phong bì, gọi người – và gửi trả lại.
Câu chuyện thứ tư
Đằng kia, nơi màn sương xanh mờ ngả ngốn trên bờ biển – xanh mờ, vì bụi mặt đất chẳng bao giờ vấy bẩn được nó: từ một mỏm đá chất đầy một góc bờ- chàng trai trẻ tóc vàng đẹp đẽ đang đứng.
Chàng có đôi vai rộng vạm vỡ, khuôn mặt trắng như sữa hiền dịu, và mái tóc vàng óng ánh. Chỉ đôi mắt chàng đen bóng, rực lửa. Chàng nổi bật đặc biệt, giữa một miền mờ sương xanh.
Nhưng điều đặc biệt, đâu chỉ có thế.
Chàng thanh niên đẹp đẽ, trên bờ biển, đăm đăm ngắm nước xanh vô tận và mặt trời hoàng hôn ngả bóng – những tia nắng đỏ ối cuối cùng của nó biến sương xanh mờ thành màn sương tím biếc- bỗng chàng nhìn thấy một cái gì đó kỳ lạ. Một cái đầu thiếu nữ, rất xa, trên mặt biển.
Một mái đầu đẹp tuyệt vời, đầy quyến rũ. Cái đầu nhấp nhô nhịp nhàng, rạng sáng theo từng cơn sóng sắc cầu vồng. Miệng thiếu nữ mỉm cười, tia chớp trong ánh mắt của nàng đâm thẳng vào tim chàng trai trẻ.
Chàng tóc vàng run lên, rồi, không kịp suy nghĩ chàng vội vã cởi quần áo. Chàng vứt quần áo xuống đất. Làm vài động tác khởi động, chàng xoa bóp toàn thân, từ bờ vai lực lưỡng đến bắp chân rắn chắc, đến những thớ thịt căng, vững chãi, và lao mình xuống biển bằng một động tác đẹp tuyệt trần.
Ta sẽ đuổi kịp nàng trong năm phút – chàng tự nhủ, khi nhỏm đầu khỏi mặt nước lạnh, rồi tim đập thình thình, chàng bắt đầu sải những cánh tay rắn chắc như thép.
Trong nắng chiều đỏ tím, chàng lao vào những đợt sóng ầm ầm vô tận, và liên tục nhỏm lên nhìn theo mái đầu xinh đẹp của cô gái.
Lát sau, chàng thấy cần phải đổi, bơi sang cánh tay trái. Điều này làm chàng hơi bực bội:
Thế là thế nào- chàng nghĩ – bình thường, mình bơi một phía những hơn tiếng đồng hồ kia mà.
Đúng thật chàng đã bơi một tiếng đồng hồ. Nhưng cái đầu thiếu nữ vẫn xa vời vời như trước. Cái đầu mời mọc, mỉm cười chờ đợi, rồi dập dềnh bơi về phía bờ. Chàng trai nhìn theo, chàng sải tiếp những cánh tay, bơi.
Trời đã tối sập xuống, màn đêm bắt đầu bao phủ mặt biển, nhưng chàng cho rằng mình vẫn đang nhìn thấy mái đầu nàng con gái, rồi tuyệt vọng gắng hết sức, chàng tiếp tục bơi về phía trước.
Cả đêm, chàng bơi quằn quại trong nỗi mệt mỏi kinh hoàng
Ta cần đuổi kịp nàng dù ân hận cả đời đi chăng nữa – chàng tự nhủ thầm nhiều lần, động viên mình.
Chàng nóng lòng đợi bình minh, để nhìn cho đúng hướng. Khi đã tuyệt vọng vẫy vùng theo những con sóng, chàng nhìn thấy mặt trời, lúc những tia nắng đầu tiên nhảy nhót trong chiếc gương biển khổng lồ, chàng nhớn nhác tìm kiếm mái đầu người thiếu nữ.
Nhưng không còn chút dấu vết nào.
Chàng tìm kiếm bờ, không thể nhìn thấy: xung quanh chàng chỉ toàn nước, trong xanh, xanh ngắt một cách giận giữ.
Chàng trai vẫn cố gắng gỏi nói:
Ta đã phạm sai lầm. Ta đã không đuổi kịp nàng, cả đời ta sẽ ân hận!
Nói rồi chàng ngả người ra phía sau.
Câu chuyện thứ năm
Ông lão đã già lắm rồi, vô cùng già, nhưng vẫn hạnh phúc nhường nào khi mùa xuân đến.
Ngày ngày lão run rẩy, lẩy bẩy, dựa vào chiếc gậy, dạo chơi trong vườn với niềm vui thơ trẻ. Ông lão vuốt ve những khóm cây đang tý tách đâm chồi, lão nhìn chằm chằm những thân cây già nua, sự sống tỏa ra héo hắt từ những nhánh rễ xù xì xấu xí, vậy mà trên cao, từ những cánh tay vươn xa, những mầm xanh đang nhú.
Những lúc đó, dưới vành mũ rộng, xám, lão tủm tỉm cười như muốn nói:
-Đúng rồi, cuộc đời, cuộc đời, tất cả đều đẹp, khi con người ngủ đẫy giấc, và đầy rẫy con cháu.
Lão không nghĩ đến cái chết, vì lão đang vui. Lão hòa vào niềm vui sống của thiên nhiên đang hồi sinh, đến mức không thể nghĩ về cái chết. Sáng, lão uống cạn ly cafe, đọc hết tờ báo, rồi từ tốn, chậm rãi, lão tìm chiếc mũ dạo chơi của mình và bắt đầu đi chiêm ngưỡng thiên nhiên.
Lúc đó là đầu tháng năm: loại hoa lão yêu nhất, bông hồng vào lễ phục sinh đỏ thắm nở đầu tiên.
Đúng ngày đó, đứa chắt nội của lão ra đời. Lão hít hà, ngắm nghía đóa hoa hồi lâu
Ta sẽ cắt nó – lão lẩm bẩm – rồi mang đến cho Margit bé bỏng; ta sẽ thăm mẹ nó, và đứa chắt của ta.
Lão rút dao nhíp, và khẽ khàng cắt cuống bông hồng.
Giữa chừng, bỗng lão cảm thấy mình vừa làm một việc độc ác. Lão thơm bông hoa, xếp cành và lá, rồi cuộn vào một miếng vải nhỏ, sạch.
Cả ngày lão cảm thấy ân hận vì hành động của mình. Những lúc khác, lão vẫn cắt hoa, nhưng lần này, đột nhiên lão thấy mình làm một việc vừa độc ác vừa không hiểu nổi.
Sáng sáng, với trái tim lo âu, lão vội vã tiến lại ngắm nhìn bông hoa. Rồi tha thiết van lơn:
Đừng giận ta, tất cả chỉ là ngẫu nhiên mà thôi: làm sao một người già sắp xuống lỗ như ta lại có thể nghĩ đến chuyện giết một ai đấy.
Nhưng bông hồng không chịu khỏi bệnh. Vô ích mọi chăm sóc.
Một sáng, nó rũ xuống, những cánh mềm rụng lả tả từ tấm thân vàng vọt của cành. Những chiếc lá cũng thế, rơi lả tả.
Không có gì đáng ngạc nhiên trong điều này.
Cũng như, không có gì đáng ngạc nhiên, khi vào mùa xuân năm sau, ông lão đã ngủ yên dưới đất.
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
(2008-09-07)