GHI CHÉP ÁPRILIS -2017
Nhận được một tin vui, tin rất vui. Không vì mình được khen ngợi mà vì sẽ tôn vinh một người mình yêu mến, một "tác phẩm cuộc đời" cao hơn chính bản thân đời sống của cá nhân ấy. Năm tháng là đất nền, quanh ta, nhưng từ đất ai xây ngôi nhà như thế nào để tinh thần mình trú ngụ trong đó lại là chuyện khác. Những cuộc đời cao cả dạy người khác cách sống cao cả. Chỉ cần ta biết hướng tới cái cao cả mà thôi.
( 2017. március. 06)
Hôm nay trò chuyện với một bạn trẻ về dịch thơ, bèn giở mấy tác giả trước đây hay dịch ra xem. Hồi ấy giống như một kẻ"nhập thất" -không hề liên hệ với thế giới bên ngoài, suốt ngày đêm chỉ đọc sách và dịch. Đọc hết văn xuôi lại đến thơ. Đọc nhiều tác giả và từ từ nhận ra mình thích đọc ai hơn cả. Đọc các tuyển tập thơ của từng tác giả, đánh dấu những bài mình thích, một lúc nào đó sẽ mở ra dịch. Lâu lắm rồi tối nay mới mở thơ ra xem, và (tất nhiên) nhìn thấy nhiều bài đã đánh dấu. Bâng khuâng chút....Tất cả chỉ nói lên một điều: dành toàn bộ thời gian công sức cho việc định làm, chỉ lúc đó mới ra kết quả mà thôi. Không có cách khác. ( 2017. 03.07)
Một diễn từ khắc vào đêm chưa đủ làm bình minh hài lòng bởi sự tôn vinh thầm lặng chưa óng ánh long lanh trong sương phơi trên cỏ. Làm lại đi. ( 03.07)
Đàn bà- một sinh linh trong sức mạnh tận cùng định mệnh và của sự yếu đuối: có thể ngất đi khi thấy một con chuột hoặc con nhện, nhưng lại đương đầu bất khuất rất nhiều lần với những nỗi khủng khiếp lớn của cuộc đời” (Denis Diderot)- 2017.03.08
Cứ như thể cùng lúc tôi nhập định vào cả hai thế gian: của vật chất và của tinh thần. Vào thế gian vật chất: là lúc thực hiện các nghi lễ trong các mối quan hệ với người sống: đi dạy học, sống cùng người thân, gặp gỡ bạn bè, duy trì đời sống thường nhật. Vào thế giới tinh thần: đọc sách, những sách càng khó càng tốt (triết, thần học, kinh sách). Dịch, những gì mình thích (thơ, triết, thần học). Viết. Và sau đó bắt đầu ngẫm nghĩ. Cố gắng hiểu thế giới siêu hình của sách tương đồng như thế nào với các hiện tượng diễn ra trong đời sống hàng ngày. Cố gắng tìm ra mối liên hệ trong các phạm trù mang những cái tên khác nhau của các tôn giáo. Cố gắng hiểu đằng sau các khái niệm ấy, thật sự con người muốn gì khi trình bày chúng.
Ừ, thế còn thế giới xúc cảm đâu? Ra thiên nhiên để vui buồn cùng hòa cảm với đất trời cây cỏ chim muông...Tôi sẽ nói đến những phương cách bồi bổ tâm hồn mình cho các bạn nghe nhé. Đợi chút, hôm nay nói thế thôi-ngày Phụ nữ- nên có thể trình bày mình thoải mái....
( 2017. március. 08)
SUY NGHĨ SAU MỘT BUỔI TRÒ CHUYỆN VỀ SÁCH
Thực ra người đọc và dịch giả luôn trò chuyện với nhau qua trang sách đã được chuyển ngữ. Tác giả khi viết là viết cho mình. Tác giả đích thực không quan tâm những người khác sẽ nói gì khi đọc mình, bởi tác giả không hề quen biết người đọc. Còn người đọc và dịch giả chung nhau thưởng thức tinh thần của người viết. Dịch giả thêm vào bản chuyển ngữ trí tuệ, khả năng sáng tạo của mình, và ngoài tác giả văn bản gốc ra, dịch giả cũng không hề quen biết bạn đọc. Nhưng người đọc, thông qua một văn bản chuyển ngữ biết cùng lúc cả ba đối tượng: tác giả, người dịch và chính mình. Như vậy nhiệm vụ của người đọc là cùng một lúc cần thẩm thấu cả ba tầng tri thức này. Nhiệm vụ của người đọc như vậy khó khăn hơn cả. Cần ngẫm nghĩ thật lâu, thật nhiều và thật chắc chắn....( Hà nội 2017.03.18)
Món quà quý sau cuộc toạ đàm 3 cuốn sách tái bản lại của dịch giả Nguyễn Hồng Nhung.
Chỗ ngồi gần và sát, chẳng có rào cản về không gian. Casth Geza, Buổi Vũ Hội Đêm Hè ấn tượng và được nói nhiều hơn so với Phép Lịch Sự (Halak' Laszlo') và Tấm Gương cong (Frigyes) Tính thần bí, hư vô bởi cái đẹp thoáng vụt của nhà văn này gây ngờ vực, khiến ai cũng tò mò phải hỏi cho rõ. Theo lời cô Nhung, việc dịch Geza là một khó khăn bởi để hiểu nhà văn quá đặc biệt này cần phải có thời gian, sự từng trải, kiến thức, song song đấy là một khoảnh khắc khó lường đột nhiên ướm trúng và xóa tan mọi sương mù. Các truyện Cái Chết Của Một Phù Thủy, Một Tối, Cái Lò Sưởi, Tôi Đã Gặp Mẹ cùng hai truyện nổi tiếng là Thuốc Phiện và Kẻ Giết Mẹ không dễ đọc và không dễ dịch. Nhà văn này nửa âm nửa dương, kẻ mang triệu chứng trầm kha của bệnh điên, mang trong mình quá nhiều chất thiên tài và cũng ận số vì thứ thiên tài đầy khổ sở đấy. Có một số người sinh ra chỉ để sống ngắn, thăng hoa không ngừng trong mọi khoảnh khắc, vấn đề là không được để phí phạm thời gian, tận dụng chúng để cháy bằng cạn. Phép Lịch Sự là cuốn sách dạy, được viết trong thời Hungary vẫn Cộng Sản, người viết cuốn đấy tặng dịch giả Hồng Nhung bản quyền và nói rằng ông tự hào vì đã sống qua hai thời kỳ, XHCN trước và khi tan rã. Tôi cho rằng đây mới là con người Cộng Sản thực sự, từ máu huyết, và tất nhiên cũng là một tư cách lớn, một trí thức cộng Sản đáng tôn trọng. Phải có can đảm chấp nhận rằng Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ là một giai đoạn, khi nó cần biến mất sẽ phải biến mất, tương tự việc Laszlo' nói rằng cô Hồng Nhung có thể cắt hoặc không dòng cuối trong sách "người của Xã Hội Chủ Nghĩa phải biết đẩy cánh cửa lên khi nó đóng xuống" và dịch giả đã cắt, bởi rằng Hungary đã thôi Cộng Sản. Tấm Gương cong là một cuốn sách biếm chỉ và phiếm chỉ bởi tính hài hước. Chưa thể nói nhiều vì cuốn này nếu chưa ai đọc và cười theo cách cười của người biết cười. Những thảo luận sau là về đề tài tôn giáo và phi tôn giáo. Anh Sao Bắc, có nói rằng Việt Nam chưa hề có tôn giáo chính thức. thời kỳ của phật giáo từ đời Lý, quá ngắn, và bị thay đổi bằng Nho Giáo, Thiên Chúa Giáo, đến thời Xã Hội chủ Nghĩa thì không còn tôn giáo nào. Cô Hồng Nhung có bàn rằng "Thiên Chúa giáo đã tách rời hẳn khỏi tôn chỉ ban đầu và trở thành một tổ chức vì lợi ích" (cộng đồng), sự tan rã bắt đầu từ Châu Âu khi không ai còn tha thiết với nhà thờ, mọi người còn bị gõ cửa và bắt buộc đến nhà thờ. Tôi nghĩ hơi khác, Phật giáo thì đã không còn nữa, chỉ còn những lễ nghi truyền đời vị biến tướng thành nghi lễ đuổi phật, còn Thiên Chúa giáo vẫn là một thứ quá xa lạ. Việc Thiên Chúa Giáo can thiệp vào chính trị, lập tức đã đánh mất mình, thành lập nhiều tổ chức dân sự dưới hình thức tôn giáo. Dù việc can thiệp này là tốt, khi đất nước vẫn vô minh, thiếu một chỗ bấu víu để được bảo vệ, và lên tiếng. Đáng tiếc, chính những người trong đạo còn hiểu không hết kinh thánh, và tôi hồ nghi rằng họ làm theo lời Chúa hay làm sai lời Chúa? Có lẽ cần một cuộc trò chuyện khác với cô Hồng Nhung về vấn đề tôn giáo, nhưng phải có ai đó đã đọc, hết, và thấu về Hamvas Bela.
Đừng để phí khoảnh khắc nào trong đời, bởi cuộc đời không quá ngắn và không bao giờ dài quá mười ngón tay, cần tận dụng.Lúc khoảnh khắc tuyệt đến và được chép xuống, nó sẽ được sống rồi được tái tạo lại trong một phút bất chợt, hoặc là để ta thấy lại mình, hoặc hủy đi. Mrs. Rose nhắn sắc rằng "hãy biết trân trọng bản thân và từng khoảnh khắc của bản thân, và tìm sự thức tỉnh"Sắp tới, cô sẽ vào Sài gòn và có cuộc gặp với một nhân vật đắt khách trong đấy, chờ đi, sớm thôi. Một hứa hẹn về những cuộc tranh luận sôi sục về tarot và triết học, tôn giáo.
P/s: Lúc cô kể về Kẻ Giết Mẹ, thiếu mất chi tiết hai bọn trẻ mổ giết con cú mèo, trước khi gặp cô gái nhà thổ và giết mẹ mình, con cú mèo đã bị hiến tế. Con vật này mang biểu tượng gì trong văn hóa Hungary, đây có phải cái chết của thứ thuộc về tôn giáo và lịch sử? Có một điều em chưa trao đổi, giữa Geza vs Bela có một sự chênh lệch về vị trí. Geza là nhà văn còn Bela là nhà hiền triết. Nhà văn khó thoát khỏi cái cũi ngục của mình còn hiền triết thì khác, họ đứng trên nóc nhà thế giới và nhìn xuống, bao quát hết thảy.
( TRU SA- 2017.03.18)
NỬA NGÀY HÀ NỘI
Ngồi với dân làm sách, thấy rằng trong cái mê cung cấm đoán của sự toàn trị nảy sinh lắm cảm hứng bất ngờ cũng như những dự định lớn lao của những cá nhân ao ước sự bất tử qua chữ.Ngồi với dân đang sử dụng niềm tin tâm linh như một tổ chức xã hội-kinh tế thấy mạng nhện sinh nghiệp dấy nghiệp tạo nghiệp đan chồng chéo vào nhau rối tinh rối mù như một tâm hồn mê muội. Ngồi trong quán cafe một sáng Xuân hiếm hoi Hà nội (hiếm hoi vì NHN chỉ được về nhà vào hè hoặc trước Noel) thấy vỉa hè dọn sạch ít nhất cho nó cái diễm phúc thấy lá rời cành xoay tròn và rơi xuống đất hay cuốn theo gót chân kẻ đi bộ, những tưởng chỉ mơ từ ký ức Hà nội xưa....
( Hà nội 2017.03.21)
Bận sau tao không thèm đi hãng mày nữa! Chỉ có thể thốt lên như vậy. Đi Sài Gòn, đeo đúng một balô. Em cân hành lý bảo cô đặt lên đi. Gượm, để tao bỏ laptop. Không, laptop cũng phải cân, cô gần tám cân này, cô đóng tiền và gửi hành lý, một cân đến mười lăm cân 350 nghìn. Ơ, tức quá cãi: Hàng không nước nào nào cân laptop? Bọn cháu. Sau khi lôi laptôp dây dợ của nó ra, của cô hơn sáu cân. Em sờ tập hóa đơn. Ngốc Hungary vẫn chưa chịu hiểu: Thế bọn xếp hành lý lục balô của tao lấy giấy tờ tài liệu tao đi họp thì tao báo cáo báo chồn bằng cái gì?Em nhìn con ngốc hỏi nhiều rất chán chường: Thôi cô cầm đi! Lôi thôi lếch thếch ôm các thứ qua các vòng và đang ngồi đợi lên máy bay đây, cầu Chúa ...hãy xảy ra theo đúng quy trình chuyến bay của con!
( 2017.03.22)
Libra and Gemini
thành phố quá ồn
quá bụi
quá chật chội người
quá chừng xa lạ
thời gian tan như viên đá
thời gian tan như những viên đá
trái đất tròn
có dốc ngược thế giới cũng không tìm ra khởi điểm
vạch đường thẳng trên mặt phẳng cong
rốt cuộc chúng ta chỉ loay hoay tìm cách đặt ra câu hỏi
trong câu chuyện nối dài nối dài
có người đàn ông áo thụng, vô hình, khoanh tay im lặng tham gia
thỉnh thoảng ông đi tới đi lui rút vài quyển sách cổ
từ đám bụi lửng lơ
thỉnh thoảng ông giở sổ tay vạch vài biểu tượng
thỉnh thoảng ông châm dầu cho ngọn đèn
thắp sâu trong cõi chết
(Lê Minh Chánh -2017. 03.2017)
Khi đang đọc và dịch Hamvas Béla, tôi đặc biệt chú ý đến cái tên: Karl Jaspers. Phải nói ngay tôi không phải dân Triết nên tôi không hề có khái niệm gì về lịch sử triết học với các nhân vật tiêu biểu. Nhưng trong các bài tiểu luận viết về thời hiện tại của HB ít nhiều đều đề cập tới tư tưởng của Karl Jaspers. Tôi bèn hỏi anh Bùi Văn Nam Sơn. Thay vì giải thích về tác giả này anh hỏi: thế HB có dịch bài nào của Karl Jaspers không? Tôi trả lời: có chứ ạ, thậm chí những kẻ ngưỡng mộ Hamvas Béla còn cho rằng bản dịch Karl Jaspers của HB là một trong những bản dịch hay nhất trong các bản dịch ra nhiều thứ tiếng. Cần nói thêm là trong bài giới thiệu Minh Triết Thiêng Liêng anh BVNS đã nói khá nhiều và khá rõ về Karl Jaspers. Tất nhiên là tôi đã (cố đọc và cố hiểu) nhưng gần như...không hiểu gì cả. Chưa nói đến nội dung, cáckhái niệm trong bài đó (bằng tiếng Hung) làm tôi hết hồn. Bởi vậy hôm nay tìm được một cuốn khá cơ bản của Karl Jaspers, thật mừng rỡ. Đọc bằng tiếng mẹ đẻ một tác phẩm hoặc tác giả khó bản thân nó đã là một ân sủng rồi. Lật mấy trang đọc lướt qua thấy văn phong của dịch giả Lê Tôn Nghiêm giản dị dễ hiểu chính xác, trực tiếp...Tuyệt. Sẽ đọc kỹ. ( 2017.03.23)
……………………………………..
Hôm nay là ngày sinh của Hamvas Béla. Đang làm khách ở thành phố nóng bỏng phương Nam VN nghĩ đến điều này, đồng nghĩa với việc giải mã những mối quan hệ người được tạo ra bởi HB. Lờ mờ hình thành từ sau cuốn Câu chuyện vô hình và Đảo, những nhân cách thoạt nhìn bên ngoài có vẻ cũng rất lờ mờ tự tìm đến nhau. Mờ nhạt không chỉ vì khoảng cách rụt rè giao tiếp giữa dịch giả và những cá nhân( chính là người đọc), mà lờ mờ chỉ vì những nhân cách như lòng núi lửa ấy chưa có dịp thổ lộ, tuôn trào những gì đã chứa chất sẵn trong họ.
Hamvas Béla mới có ba đầu sách xuất bản ở VN thôi, nhưng quả thật đã mang một chất xúc tác có sức công phá lớn lao. Bên cạnh các tác phẩm của ông ở VN, những người bạn gặp nhau, những tình bạn hình thành hết sức tự nhiên và rất lạ, trong mối quan hệ tưởng chừng rất ảo giữa sách và người này mang lại cho mỗi cá nhân một sức mạnh kỳ lạ của sự TỰ DO. Tôi có thể điểm lại từng kỷ niệm với từng người bạn mới mà tôi quen từ HB, tôi nhận ra, chỉ với thời gian vô cùng ít ỏi, hai ba năm thôi, nhưng những người bạn ấy và chính tôi cũng"thăng hoa" không ngờ. Hôm nay, lần này về nhà gặp lại những người bạn thấy các bạn đều lột xác, tách vỏ, mỗi người dường như đều tìm thấy một cách thể hiện đặc thù riêng cái nội dung tinh thần bên trong trước kia các bạn ấy dấu nó dưới những màn sương ngập ngừng...
Ôi, cái gì vậy?
Từ tiếp thu tinh thần, trí tuệ, tri thức của sách Hamvas Béla, chúng ta đã tìm ra cách tiếp cận tinh thần, trí tuệ tri thức tự do riêng của chính mình? Sống là thưởng thức cái đang khám phá- tôi còn chưa hiểu hết về chính tôi để khái quát hóa mình, làm sao tôi phân tích nổi về các bạn, những người bạn đọc Hamvas Béla cùng tôi? Chỉ biết rằng chúng ta rất vui vì đã gặp nhau, và trong mối quan hệ dịch giả- độc giả này tôi còn nhiều việc phải tiếp tục. Một tác phẩm cuộc đời-gắn với ngày sinh của một cá nhân ưu tú- như một tượng trưng của sự bất tử hiện hữu bằng thời gian mà chúng ta, hiện thân của thời gian hiện tại đang tiếp tục kéo dài nó?
( 2017.03.23- nhân ngày sinh thứ 120 của Hamvas Béla- NHN)
Thời gian là cát lọt giữa khe tay, chưa bao giờ nắm đầy bởi không thể....
Tháng trước giờ này còn cười tý toét với bạn bè trong Sài gòn. Ở cùng với một cô gái cực kỳ thông minh, hài hước, bốn năm giờ sáng hai đứa đi đi lại lại trong phòng nói chuyện không ngớt như hai kẻ mộng du, quên tối hôm trước toàn mười một giờ đi nằm. Gặp các chàng trai ai cũng nhẹ như gió thổi. Như những buổi tối Sài gòn lộng gió lang thang.
Và một buổi trao giải thưởng không thể ly kỳ hơn: căn phòng họp lạnh như một tủ đá (tủ lạnh chào thua), các bài diễn văn dài dằng dặc mặc kệ sự khiêm tốn xin thời gian của chủ khách, bài của mình sau cùng và ngắn nhất, để ai nấy lảo đảo đứng lên ra về. Vớ được Bùi Chát bèn thều thào hỏi: có gì được gọi là chất ngọt không cho miếng, sắp ngất vì tụt đường huyết rồi? may sao bạn ấy có một cái kẹo cao su. Đủ sức bay ra phố cùng lũ bạn gặp đúng kỳ Sài gòn làm trong sạch thành phố ban đêm, cả lũ nheo nhóc như con bị mẹ bỏ đói...hahahaha...giờ lại thành kỷ niệm ...ngọt như đường phèn cơ chứ các bạn của tôi ơi!!!!!!!!!!!!!!!!!
( 2017-04-23)
NGUYỄN HỒNG NHUNG