SÁU MƯƠI

 

 

 

-         Ôi! Buồn cười quá! chị đã sáu mươi rồi  cơ á?-

-         Cái gì ? mày? sáu mươi?

-         Chúc mừng bạn!

-         Nhanh nhỉ?....

Bạn bè gõ phím cười rúc rích tứ phương.

 

-         Cậu nghĩ gì vậy trong ngày trọng đại này?- Chúng hỏi.

-         Tớ nghĩ gì hả:

 

1/  „Một chục quả hồng nuốt bà lão sáu mươi”- (Đồng dao VN)

hahahahahahahaha….

 

2/ Thế là ta đã biết Quý Tỵ là năm như thế nào?

 – Chẳng hề giống năm ta sinh ra, theo lời mẹ kể, tuyệt đối không hề giống chút nào!-

Mẹ kể: Lúc đó bố và mẹ đều đang ở CHIẾN KHU ( gì vậy? à: trong rừng). Bố bị điều đi theo chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất (a, vụ này con biết, đọc rất kỹ nữa là khác), mẹ ở nhà một mình với một đứa con nhỏ ( bà chị gái đây!), và một con chó.  Mẹ thấy nhâm nhẩm đau, bèn chuẩn bị quang gánh: một bên vài cái nồi, ít gạo, mấy bộ quần áo, đồ dùng cần thiết, một bên là…cô con gái lớn.

Không có truyện cổ tích nào xúc động hơn cổ tích này: trong rừng, một người đàn bà đến ngày sinh, quẩy đôi quang gánh, một bên lơ thơ những đồ dùng hàng ngày, một bên là một bé con hai tuổi, người đàn bà chệu chạo giữ thăng bằng, bước từng bước khó nhọc với quang gánh trên vai, lần mò đến trạm xá, lẵng nhẵng theo sau là con Vện trung thành….

 

Mỗi người MẸ đến lần sinh nở là một lần cổ tích bắt đầu, không bao giờ giống nhau, không lặp lại lần nữa, duy nhất chỉ một lần MÀY ra đời trong hình hài ấy, từ người mẹ ấy.

Từ đó suy ra: kiếp này của mày chỉ có một lần, dù mày đã ( tưởng) gặp lại năm sinh…

Nhớ! ĐỪNG CÓ HÃO!

 

 

3/ Sau sáu mươi năm, NÓ mới hiểu ra điều này:

MẶT TRỜI là thứ đáng yêu nhất, nguồn năng lượng yêu thương vô tận, tia ấm áp duy nhất không bao giờ nhạt phai, và (chừng nào) NÓ còn thở, chừng đó MẶT TRỜI không bỏ đi, ngày mỗi ngày sưởi ấm cho NÓ và ĐỒNG LOẠI của nó:

hỡi bầy đàn! chúng ta không thể sống thiếu nhau- bầy đàn, đồng loại, cộng đồng, nhân loại, loài người…đều chỉ là một nghĩa duy nhất: con người không thể sống một mình.

Tại sao (khám phá) này quan trọng thế?

Vì trong những ngày tháng Chín năm hai nghìn không trăm mười ba này , nó đã  nhận thức được một điều lớn lao:

Cô đơn chỉ là công cụ để con người tìm ra sức mạnh của chính mình để ĐẾN VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC.

NÓ cũng như nhiều người, khi hiểu ra điều này đã tự chữa lành bệnh cho mình. NÓ đã hết cảm giác lẻ loi, đi tìm ý nghĩa sống, mà người ta hay gọi là cô đơn…

CHÚC MỪNG NGÀY SINH! TA ƠI!

 

                                                                  Nguyễn Hồng Nhung

                                                           ( Budapest. 2013. szeptember. 28)