NhungTramNgam

 

Những trầm ngâm

 

Ta phải chăng đã hiểu ? Để chợt dừng lại những thư dài tha thiết, với bao bày tỏ nỗi lòng, vừa âu yếm, vừa đau khổ, vừa tuyệt vọng. Như thể con người tự hành hạ mình. Bằng cách tự treo thân xác mình, lên bức tường đóng đinh, hay tự vả vào mặt, hoặc (nên thơ) hơn, đăm đăm hứng chịu luồng gió lạnh buốt thốc vào tim.

Ta phải chăng chợt hiểu ? Nỗi đau khổ thế nào, tuyệt vọng ra sao, với cùng ai gánh vác. Thậm chí, có đôi điều, ta còn chưa nhận diện bao giờ.

Bởi viết trả lời, là điều khó có thể. Bởi bản năng hồn nhiên, ngay lập tức đáp lại nhau tín hiệu – là giá trả cho một đời gốc rễ.

 

Nghe để hiểu, đọc để hiểu. Một cách mang máng cũng là hiểu. Một cách không trọn vẹn cũng là hiểu. Và ơ thờ nhất, những bức thư tình có thể đọc như những dòng văn thơ.

Nhưng viết - trả lời.

Ta lạnh toát người khi chợt nhận ra một nỗi niềm tuyệt vọng.

 

Ngôn ngữ này không phải tiếng mẹ đẻ. Chỉ giông giống mà thôi. Bởi môi trường nuôi đã phụt tắt. Đã từng có, đã tắt từ lâu, đã được khơi lại, đã được bồi đắp, nhưng như núi lửa hơn một lần câm lặng, chỉ còn lại thạch nham, còn quặng, chỉ còn lại những gì được biến hóa từ đất lửa nung mà thôi. Còn lửa táp làm sao nhen nhóm lại từ đầu ?

Mỗi, đọng lại cùng ta, tiếng mẹ đẻ đã biến hóa tự lúc nào.

 

Ta, loài cỏ cây đất Việt bứt gốc rễ từ xa. Loại cỏ cây dai dẳng mầm sống, chựng lại dần năm tháng , bỗng một ngày muốn nhú rễ, đâm chồi ?

 

Ta đi tìm, gặp lại nhau trong nỗi ưu tư ốm yếu, nỗi ưu tư phiền muộn bứt gốc, chặt cành,

 tự mình hay từ người khác ?

 cũng thế thôi.

Chỉ biết rằng đó là cớ gây ra nỗi u sầu, vất vưởng, nghiện ngập, từng lúc, từng ngày. Nghiện ngập, vất vưởng, u sầu, nhưng không biết chính xác vì thiếu gì hay thừa gì trong đời ?

 

Một sáng thức dậy, thấy nhớ ra cái gì mang máng. Từ tuổi thơ : tiếng rao của hàng quà rong trên phố ? Hay một phút lặng nhìn, thấy cha ngồi đọc báo, bên ấm trà mạn mẹ pha ? hay chỉ một mảng mây trôi lừ lừ, từ khung cửa sổ bé xíu, ấu thơ ?

Một tối chưa ngủ được, bỗng thoảng hương nhài từ đâu bay tới. Hay hàng phượng vĩ thắm, gọi ve ra rả bên hồ thành phố, khiến nôn nao ? Hay tiếng mưa tý tách, vẳng một giọng thơ trên đài, cô vắng theo đêm ? Hay một chiều đông thất thểu gói, khăn, theo sau mẹ về quê, đi hoài mải miết trên con đê gió lùa thông thống ?

 

Mọi mênh mang ký ức quện lại, dính vào tâm hồn và tâm tính kẻ lưu vong.

 

Nó luôn luôn quần quật. Từ biểu hiện sống đến lối mòn suy nghĩ. Đầu óc nó mải miết, từ lúc mở mắt đến lúc ngáp dài, lăn ra giường. Nó luôn luôn hớt hải, từ cách đi, đứng, ngồi, ăn, uống, trò chuyện. Nó giống miếng cao su, lúc quăn tít, lúc dão ngoét, tự quăng mình xuống bất kỳ nơi nào âm thầm nhất của đất, của đám đông, của cuộc sống. Nó tránh ánh sáng như tránh tà, tránh những niềm vui đon đả ngày thường, của nắng lên từ hừng đông, của gió phơi phới trên các ngọn cây, của tiếng chuyện trò ngồi lê đôi mách bám theo dân bản xứ trên tàu điện, dưới metro, tránh tất cả những gì tự nhiên nhất của đời sống con người diễn ra xung quanh nó.

 

Vì nó là dân lưu vong.

 

Đến từ một miền đất lạ. Và ngượng nghịu ngồi lại, không mọc rễ được xuống đất, cũng chẳng lan bò như tằm gửi quanh gốc sồi. Nó co rúm lại một góc, lặng lẽ hiện hữu, lặng lẽ sinh tồn, lặng lẽ nhân giống.

Nhân giống từ những đứa con được bốc đến từ một khoảng chân trời trời xa lạ. Từ một miền biển thấp thoáng những dãy núi đá vôi, từ một cách đồng trũng cứ mùa lụt tới là trắng xóa như biển, hay từ dãy phố nghèo chật hẹp, mỗi lần sắp về đến cổng nhà, lại đụng phải một cái miếu bỏ hoang bên cây si rễ tỏa sum suê. Những miền đất không liên quan gì đến xứ sở bốn mùa rõ rệt này, những gia phả họ tộc, không chút tơ vương gì với những người khác tiếng, đi lại xung quanh nó.

Nó ở lại đất người, nhưng trong cái hình hài dúm dó vì lao động, vì mưu sinh và vì thương nhớ này, quê hương bỏ quên lúc nào cũng hiện hình đầy ăm ắp. Khiến nó lủi thủi, đơn độc khi chiều tan, lúc trở về nhà, nó luýnh quýnh tìm đồng hương khi rảnh rỗi, văng vẳng trong lòng một giọng nhạc quen xưa khi nghe chim hót, hoặc trĩu nặng chiều ba mươi Tết lúc đông buồn, thả tuyết rơi mênh mang… rồi ước mình chỉ đang ngủ mê, giấc mê xứ lạ ngắn ngủi mà thôi .

 

Bởi nó là kẻ lưu vong.

 

Nó cứng cỏi như cây, bởi đôi chân đi xa, vượt biển, cưỡi mây, đi từ góc này của quả đất sang góc kia quả đất, nhưng vĩnh viễn mắc lại trong tim, trong óc, một khoảng đất trời khác, một khoảng không gian khác, với muôn vóc hình nỗi quằn quại sinh tồn.

Nó biến dạng. Giống như loài hoa hoặc sinh vật biến màu, biến mùi để thích nghi với điều kiện thiên nhiên ở mỗi miền sinh thái khác nhau. Chỉ ngơ ngác đọng lại, những gì ấp ủ vấn vương. Da diết tình thương của mẹ, và bỏng rát vị nhớ, như nhấm nháp một ngụm trà xanh quê.

 

Nó trả giá cho sự phân thân này.

Bằng nỗi đau ngôn ngữ. Cả của người lẫn của ta.

Ký ức đất quê ngủ quên, bỗng hồn nhiên thức giấc.

Vô thức đòi đi đến tận cùng nỗi chơi vơi, bởi chiều nay ngực buốt.

 

Cái gì vậy ?

 

Nỗi buồn lưu vong chẻ đôi con người, chẻ đôi tiềm thức, chẻ đôi khát vọng hòa hợp yên bình với tồn tại hữu hạn mỗi ngày.

Chừng nào chưa nhận ra buồn này, nó còn tuyệt vọng. Còn đi tìm nơi bấu viu, còn đau, còn mộng ước…

Biết làm sao ?

 

Dù sau rồi, người yêu lại nhau với nỗi thức tỉnh hấp hối, muộn mằn.

Ai trở lại niềm vui ai, khi ngày u uất ?

Ai trở lại giấc mộng ngắn ngủi ai, lúc hừng tỉnh lạ, một bình minh ?

 

Dù hạnh phúc sau cùng, ước mong những kiếm tìm nguồn đau cùng thức dậy

 như sao rơi trên biển dịu dàng giao nhau, trước giờ tan biến vào cõi xanh hư vô,

 trao nhau chút mỏng manh ngày sống,

 giữa một giấc lưu vong,

 

 đúng không, bạn ?

 khi ta viết ra, một nỗi buồn không viết…

 

( 2008-06-24. HN)