Nguyễn quang thân
Ngoài khơi Miền đất hứa
Bích và một người đàn bà Tàu đứng tuổi lúi húi nấu ăn dưới bếp. Họ ngồi uống nước, hút thuốc lá quanh bộ xa lông gỗ. Những tay ngai cong sờn véc-ni vì bị tì vào nhiều. Lớp gỗ lát hoa đắt tiền lộ ra làm bộ xa lông vẫn giữ nguyên vẻ sang trọng vốn có.
Một ông già mặc bộ comlê đắt tiền, không thắt cà vạt, bắt chéo chân, ngả người ra phía sau hút thuốc. Hai ngón tay bụ bẫm kẹp điếu Hero hờ hững. Lúc Tuấn và Thảo đặt chân xuống sân, họ nhìn thấy ông già nhổm lên lộ vẻ mừng rỡ. Ông nhầm người khách ông đang chờ đợi. Khi nhận ra hai chàng thanh niên lạ mặt, ông lại ngồi xuống. Ông không đưa tay cho Tuấn và Thảo lúc Bích giới thiệu với ông tên tuổi hai người. Bây giờ ông cũng không nói gì nhiều. Cả cách ông hút thuốc cũng vậy. Điếu thuốc cứ tự nhiên cháy, mang một đoạn tàn trắng, dài. Tuấn nhìn ông, thử đoán ông đang nghĩ gì. Thảo đưa mắt cho anh, nháy nháy, tỏ vẻ đồng lõa. Tuấn nghĩ: chắc ông này đang hồi hộp, tự đoán xem tối nay mình có được ngủ lại đây không? Khi Tuấn và Thảo chạy xuống bếp chào Bích, nàng đã kịp giới thiệu ông già kia với hai người. Đó là vị chủ tịch tỉnh nọ, sắp sửa hạ cánh. Trước khi về hưu ông còn một số công việc riêng tư, ông đến đây để nhờ vả một nhân vật có thế lực giúp ông hạ cánh được an toàn. Hơn nữa, chắc ông cũng muốn thả mình hưởng vài ngày vui vẻ ở một thành phố lớn như thành phố này trước khi biến mất khỏi vũ đài chính trị. Theo Bích nói thì từ chiều đến giờ ông đang nóng lòng chờ đợi nhân vật có thế lực kia. "Hình như có chuyện gì quan trọng về tiền nong gì đó" Bích nói với Tuấn.
Người thứ hai có mặt trước bọn Tuấn là một tay giám đốc trẻ. Nhìn qua ai cũng biết anh ta là thủ hạ thân tín trước đây của ông chủ tịch sắp về hưu. Anh ta toát lên vẻ hãnh tiến của người mới được cất nhắc nhưng chưa hưởng trọn mùi vinh hiển. Nghe Bích giới thiệu Thảo là nhà văn, Tuấn là "một nhà doanh nghiệp", mắt anh ta sáng lên. Anh hăng hái kể lại công việc kinh doanh rộng lớn, "có tính Bắc Nam" của mình. Tất cả câu chuyện đều hướng về tiêu điểm là anh ta và công ty của anh ta. Bằng mọi cách, anh ta cho bọn Tuấn hiểu, chính anh ta là người trả tiền cho bữa ăn đang thơm lừng lên từ dưới bếp và cả điếu HERO Tuấn và Thảo đang ngậm nơi miệng nữa. Không hiểu sao khi nghe anh ta nói với vẻ nhiệt tình Tuấn thấy anh ta rất giống con chìa vôi và muốn thử tóm anh ta bằng một cái dò nhựa như hồi nhỏ anh vẫn đánh nhựa lũ chìa vôi vào những ngày nước lớn trên cánh đồng làng.
Người thứ ba là anh lái xe. Anh ta gầy, vẻ nghèo khổ, nhưng đôi mắt láu lỉnh như mắt ông thầy cúng. Đôi mắt ấy nói: tôi biết, tôi biết... Anh ngồi thu lu vào góc nhà, trên cái ghế thấp, hút thuốc lào với cái điếu ngắn cỡn bằng ống pháo sáng mang theo.
- Trời thật đẹp - ông chủ tịch sắp về hưu nói khi ông vẫn chăm chú nhìn vào bức tường quét vôi xanh trước mặt.
- Vâng, đẹp thật - anh giám đốc trẻ nói, vẫn nhìn vào bức tường.
- Tại sao ông ấy chưa đến nhỉ? - Ông già hỏi vẻ sốt ruột.
Tuấn có cảm giác ông ta đang khó chịu vì một người như ông mà phải lệ thuộc vào ai đó. Ông cũng khó chịu vì ở đây ông hoàn toàn không có quyền lực mà chỉ là một vị khách đang chờ ăn.
- Này cậu Phong - ông hướng về anh lái xe - cậu đưa cái cặp của tôi vào rồi chứ?
Thấy việc thực thi quyền lực của mình với anh lái xe không được chú ý mấy, ông nói với Tuấn:
- Này, các anh bạn trẻ. Thành phố các bạn đẹp lắm, sạch lắm. Nhưng con gái ở đây đi ra đường mà ăn mặc như ở nhà. Như thế là quá lắm, đường phố không phải là buồng ngủ. Hồi trước, chúng tôi diệt sạch bọn quần loe, bố trí vài chục trạm gác với những chiếc kéo thật sắc, hễ anh nào mặc quần loe là a lê hấp, cứ cho một đường từ gấu đến bẹn.
- Bây giờ họ chuyển qua quần tuýp rồi, bác - Thảo nói.
- Nhưng mặc quá chật như các cô gái ở đây tôi thấy cũng không nên, nó kích thích dục vọng của dân chúng. Dạo đó tỉnh chúng tôi trị bọn họ bằng cách này, cứ giao cho mỗi trạm gác một chai bia, hễ ống quần anh chị nào đút không lọt chai bia là rọc ra hết. Thế mà kết quả mỹ mãn đấy.
Anh giám đốc trẻ góp lời:
- Dạ, thưa thủ trưởng, hồi đó chứ bây giờ cũng nên chiếu cố cho thanh niên...
- Tất nhiên, bây giờ thì cũng không nên nghiêm khắc quá. Nhưng hồi đó đất nước có bao nhiêu triệu phụ nữ vắng chồng, ăn mặc như vậy là không có lợi. Hồi đó, chúng tôi sử dụng sức mạnh tổng hợp kia. Anh Tuyển này - ông nói với người giám đốc trẻ - anh còn nhớ tỉnh đã cho Sở Văn hóa in áp phích như thế nào không? Chính anh thảo áp phích và tôi ký mà...
- Cháu quên rồi ạ. Hồi đó làm thư ký riêng cho bác, cháu học hỏi ở bác được nhiều điều.
- Vậy mà tôi còn nhớ đấy. Thế này: "Nhân dân tỉnh ta không tiếp xúc, không bán hàng, không giao thiệp với những kẻ quần loe và đầu bù tóc rối". Tôi còn nhớ hồi đó anh đề nghị dùng chữ những phần tử quần loe, nhưng tôi sửa lại, căng quá không có lợi.
Ông nói với Thảo:
- Đó là những kinh nghiệm tốt - rồi ông tấm tắc - Thành phố các bạn đẹp thật, to rộng thật, nhưng giá chính quyền chú ý đến ăn mặc của dân chúng ít nữa thì tuyệt.
- Bác khen quá lời - Thảo nói - tôi thì cho rằng thành phố này là một cái làng lớn nhất thế giới.
- Anh khiêm tốn quá, anh bạn, hay là anh phủ nhận? Các ông nhà văn các anh là hay có khuynh hướng phủ nhận lắm đấy. Phải biết tự hào, miễn là tự hào có chọn lọc. Tự do phải có khuôn khổ - ông cao giọng khi nhìn thấy Bích ra sân múc một gáo nước trong cái bể nước mưa - phải thế không cô Bích?
Bích không hiểu ông hỏi chuyện gì, đáp liều: "phải ạ!" Tuấn nghĩ bụng: trong đầu ông chủ tịch đầy ắp: Bích, Bích, Bích!
- Nhưng tại sao ông ấy chưa đến nhỉ? Hay là ông ấy không đến? - Ông chủ tịch hỏi anh giám đốc vẻ lo lắng.
- Ông ấy đã y hẹn với cô Bích từ hôm kia rồi ạ - anh giám đốc nói.
Tuấn tranh thủ ưu thế "người nhà" của mình, anh nói với ông chủ tịch:
- Xin lỗi các vị, tôi xuống bếp giúp cô bạn tôi một tay.
Ông chủ tịch vẫn ngồi yên vị, chỉ đưa mắt lườm Tuấn. Đôi mắt có túi của ông lúng liếng, khởi sắc. Nhưng chân Tuấn đã nhanh hơn đôi mắt của ông.
Bích đang xào hay rán món gì đó trong chảo. Dưới ánh đèn và lửa, mặt nàng đỏ hồng, đáng yêu và tận tụy. Tự nhiên Tuấn thấy thương Bích. Anh không hiểu nổi vì mục đích gì mà nàng có thể kiên trì chịu đựng những vị khách của nàng quanh năm. Anh đứng bên nàng, cùng nàng chăm chú nhìn vào cái chảo, trong chảo những miếng hành tây lẫn thịt bò đang lăn lộn vì bỏng, kêu xèo xèo. Mùi tỏi ngào ngạt lẫn với mùi khói từ những gắp chả bà đầu bếp người Tàu đang nướng trên bếp than cạnh hai người.
- Hai ông khách của em đợi ai đấy? - Tuấn hỏi.
Bích khẽ dịch người ra, cánh tay nóng bỏng chạm vào lưng Tuấn.
- Một nhân vật quan trọng sắp đến. Họ muốn gặp anh ta để bàn chuyện làm ăn.
- Có bọn anh liệu vướng họ không?
- Không sao. Ông chủ tịch chỉ cần nhận được một lời hứa, sau đó phải là một chiến dịch tỉ mỉ kia. Anh và anh Thảo chưa đủ trình độ hiểu được họ đâu.
- Chuyện gì thế?
- Ông chủ tịch sắp về hưu. Trước đây ông có lén gửi vào ngân hàng ngoại thương thành phố mình một hai chục ngàn đô la gì đó. Ông ấy muốn cuỗm để về hưu một cách êm thấm. Chuyện ma ăn cỗ anh quan tâm làm gì. Nhân vật quan trọng hứa sẽ giúp ông ta hạ cánh an toàn.
- Chở quá trọng tải thế thì hạ cánh an toàn thế nào được.
- Họ cụm với nhau lại thì gì họ cũng làm được hết. - Bích nói và nàng ôm lấy cổ Tuấn kéo nahnh anh sát gần mình - chỉ có anh là ngốc thôi!
- Vâng, anh ngốc! - Tuấn vuốt khẽ lên má Bích rồi lên nhà trên.
Ông chủ tịch có vẻ vui khi nhìn thấy Tuấn từ dưới bếp lên. Ông nói bâng quơ:
- Ông ấy chưa đến nhỉ?
Anh giám đốc trẻ, Huy Thảo và anh lái xe đánh bài tú khơ, cỗ bài nhàu nát của anh lái xe. Từ dưới bếp mùi tỏi chao mỡ vẫn bốc lên nồng nặc. Tiếng xèo xèo như mưa rơi trên mái nhà. Bích từ ngoài sân đi vào. Tay nàng vẫn cầm đôi đũa. Nàng cũng có vẻ sốt ruột.
- Chúng tôi được ăn chưa bà chủ? - Thảo hỏi.
- Năm pích, ăn đi! - Anh giám đốc nói, vẻ say mê.
- Chờ thêm chút nữa, anh Thảo! - Bích nói. Nàng bước lên thềm, sáng rỡ dưới ánh điện. Nàng đưa mắt liếc nhanh ông chủ tịch, cái liếc làm ông cựa quậy trên ghế như chạm phải lửa. Bích nói với Tuấn:
- Anh Tuấn chuẩn bị đồ pha cà phê hộ em đi.
Tuấn không đánh bài. Anh tìm phin cà phê, lọ đường. Anh lấy chiếc khăn trắng muốt trên bàn xa lông chùi mấy cái chén nhỏ. Ông chủ tịch bắt chuyện với Tuấn:
- Đến đây lần này tôi muốn tìm mua một con béc-giê. Cảnh già không ai bảo vệ, sợ lắm. ở tỉnh tôi trộm cướp cũng không thua gì thành phố các anh đâu.
- Sao làm chủ tịch mà bác không diệt hết bọn trộm cướp đi? Tuấn buột mồm - như diệt bọn quần loe tóc rối ấy.
- ồ, lũ trộm cướp khó diệt hơn bọn quần loe nhiều. Nhưng giá tôi không phải về hưu thì trước sau gì tôi cũng không chịu bọn chúng.
Nếu không có một ông khách mới đến thì có lẽ ông chủ tịch còn hào hứng nữa. Tuấn nhận ra người mới đến là Tòng, giám đốc ngân hàng ngoại thương, bạn rất thân của Bích. Tòng có tiếng là một người rất nguyên tắc. Anh ăn mặc chỉnh tề trong bộ comlê màu hồng nhạt, nghiêm chỉnh như một đồng hai trăm mới.
Tòng bắt tay ông già rồi lần lượt từng người. Anh có vẻ khó hiểu khi nhìn thấy Tuấn và Huy Thảo. Hình như Tòng không thích Thảo lắm. Tòng bảo cánh nhà văn thường xung khắc với nghề nghiệp ngân hàng.
Ông chủ tịch đứng dậy, bắt tay Tòng và rời ghế. Ông ngồi đối diện với Tòng qua chiếc bàn nhỏ. Trông ông vẫn cao ngạo, thỏa mãn. Tuấn đang đoán xem trong hai người, ông chủ tịch và Tòng, ai là khách hàng của ai.
- Anh ấy chưa đến ạ? - Tòng hỏi ông chủ tịch.
- Chúng tôi đang sốt ruột chờ đây - ông chủ tịch nói. - Nhưng giá anh ấy không tới thì quý anh cũng đủ giúp chúng tôi rồi.
Tòng nhăn mặt:
- ồ, khó lắm. Tôi chỉ có thể làm những gì anh ấy cho phép. Đây là nguyên tắc ngân hàng.
Tòng lảng tránh bằng cách quay sang nói chuyện với Tuấn. Anh không hề hỏi Tuấn về chuyện được tha. Anh sợ Tuấn khó chịu. Anh nói về vườn cây thế của họa sĩ Bằng, về bầy chó của ông nọ, cuối cùng là tình hình tiền mặt căng thẳng. Trên tấm chiếu Thảo đang ngáp. Anh không thể nào đánh bài quá mười lăm phút đồng hồ. Anh gọi Tòng thay chân cho anh. Thảo vươn vai, rủ Tuấn ra vườn chơi. Nhà Bích có một miếng vườn nhỏ. Bích thuê người trồng toàn hoa hồng. Có lần nàng bảo Thảo là sẽ làm một cái biển đồng nhỏ gắn vào cổng: biệt thự hoa hồng. Hai người ngồi xuống một khúc gỗ thông Bích mua về chữa nhà. Phía sau dãy phố là vườn. Phố Bờ Sông nhà nào cũng có một miếng vườn nhỏ như vườn của Bích. Thảo nói:
- Mình chịu, không biết trong số này ai là tình nhân của Bích.
- Bích không duyệt nổi thằng nào trong bọn này - Thảo quả quyết. - chỉ là chuyện séc, tiền mặt vòng vèo, chuyển khoản.
- Kệ họ. Mình chỉ muốn biết ai là tình nhân của Bích.
- Tốt nhất là hãy nghĩ đến bữa ăn - Tuấn nói - ai là tình nhân của ai thì bữa ăn cũng sẽ có nhiều thứ tuyệt vời. Hãy chú ý con vịt tần.
- Chắc ông chủ tịch đang tính chuyện ngủ lại - Thảo nói.
- Không đâu. Ông ấy lo chuyện hạ cánh. Máy bay chở quá tải mà.
Thảo cười nhưng anh không hiểu lắm. Anh nói:
- Bích giỏi ở chỗ là nàng làm cho người nào cũng hy vọng được ngủ lại. Mà chẳng ai được ngủ lại hết. đó là một đường lối cư xử hết sức cao tay.
Có tiếng Bích gọi họ từ trong nhà. Khi họ vào thì mâm cơm đã dọn, Tuấn hoa mắt, không thể định hướng được, đánh giá được những thứ đĩa và bát đặt trên tấm khăn trải bàn ni lông có những bông hoa vẽ rất to và thô. Những chiếc ly Tiệp Khắc. Ba chai rượu Tây, một cao, một lùn, một nhỡ. Chai cao có lẽ là Napoléon, hai chai kia là một loại vang nhẹ và rượu nặng ARARát.
Mọi người ngồi quanh cái bàn tròn. Tòng ngồi cạnh ông chủ tịch sắp mất chức. Bên trái Tòng là anh giám đốc trẻ. Anh này ngồi rất gần cửa đi xuống nhà dưới. Cạnh anh là cậu lái xe. Ba cái ghế trống. Cho hai người và chắc là nhân vật quan trọng mà mọi người vẫn chờ, hiện chưa tới. Bích đi lại, lúc nàng sửa sang hoa trong bình cắm, lúc xếp mấy cái chén uống trà. Nàng bối rối, lo âu, nén lại những nụ cười vốn được ban phát hào phóng. Tuấn có cảm giác là nàng mong vị khách quan trọng hơn tất cả mọi người trong phòng này. Sự chờ đợi làm nàng trở nên cực kỳ hấp dẫn. Tuấn nhìn thấy điều đó trong đôi mắt không được bình thường lắm của ông chủ tịch. Ông này mong mỏi nhân vật quan trọng đến để lo chuyện hạ cánh của ông. Thảo và Tuấn cũng mong anh ta để được ăn vì đã quá đói. Còn Bích, nàng mong anh ta làm gì? Tuấn đủ tinh tường để thấy sự mong mỏi của nàng hoàn toàn không chỉ là chuyện bà chủ mong mỏi một vị khách cho bữa tiệc công phu của mình. Hình như đối với Bích mọi công sức của nàng chuẩn bị cho bữa tối nay sẽ thành tro bụi nếu nhân vật kia không đến. Anh ta là ai?
Qua khung cửa, Tuấn nhìn thấy người đàn bà Tàu đang lúi húi dưới bếp. Dạo trước Bích có hỏi Tuấn xem có nên giữ bà ta giúp việc không. Tuấn bảo nên. Đó là một trong những người đàn bà Tàu còn sót lại trong thành phố sau cuộc di cư năm 1979. Nên, vì sẽ có những món ăn Tàu thứ thiệt chứ không phải giả cầy nhan nhản ngoài phố khi người Việt gốc Hoa ra đi.
Bữa tiệc thật đáng giá. Chắc chắn bà nấu bếp rất có ý thức truyền bá văn minh Trung Hoa. Tuấn nghe sực nức mùi ngũ vị hương. Quả thật, dùng tiền của anh giám đốc trẻ kia mà truyền bá văn minh Hoa Hạ là một việc rất nên làm.
Thảo vốn háu đói. Anh ngồi xuống một cách uể oải nhưng cầm đũa lên với vẻ hăng hái của Triệu Tử Long. Bích vẫn không ngừng theo dõi Tuấn từ lâu với đôi mắt kín đáo, riêng tư của nàng, nhắc Thảo:
- Chờ em một chút nữa, nhà văn. Còn một vị nữa.
- Anh ấy hứa với tôi rồi - anh giám đốc trẻ nói.
- Em chắc anh ấy nhất định sẽ đến - Bích nói.
Tuấn theo dõi nét mặt nàng và có cảm giác như nàng muốn nói: "Anh ấy sẽ đến là vì em chứ không phải vì các anh đâu". Anh thấy nghẹn trong cổ. Bây giờ thì anh hiểu rõ ràng là Bích muốn giấu anh và Thảo tên tuổi nhân vật quan trọng, người tất cả đang chờ.
Thảo đặt đũa xuống khi có tiếng còi ô tô đầu ngõ. Người khách quý đi một mình, bước bệ vệ trên lối đi, dưới ánh sáng yếu ớt của ánh đèn cửa sổ nhà hàng xóm chiếu ra.
Tuấn đưa mắt nhìn Thảo. Cả hai cùng nhận ra người mới đến. Người đó là Thục. Sau một phút định thần, Tuấn hết sức ngạc nhiên. Tuy có một đôi lần Chi nói với anh: "Anh không biết anh Thục mạnh đến chừng nào đâu!”. Nhưng anh vẫn ngạc nhiên. Từ tối đến giờ anh hoàn toàn không tưởng tượng được nhân vật quan trọng mà mọi người chờ đợi lại là Thục.
Mọi người, kể cả ông chủ tịch sắp mất chức rục rịch đứng dậy đón người khách quý. Tất nhiên trừ Tuấn và Thảo. Bích đứng dựa vào tường, nhìn Thục đi vào, dửng dưng, lạnh nhạt nhưng kiêu hãnh.
- Xin lỗi, xin lỗi! - Thục cười rất tươi, đưa tay ra, bàn tay múp míp của anh trắng như ngà.
Thục nhìn thấy Tuấn và Thảo. Anh hơi sửng sốt, nhưng anh lấy lại bình tĩnh rất nhanh.
- Chào hai bạn - Thục ứng xử tuyệt vời - lâu lắm rồi không gặp hai cậu. Chúc mừng cậu Tuấn đã về.
Ông chủ tịch sắp về hưu nhìn hai người với vẻ trọng nể. Chút phản quang của Thục làm họ có giá hẳn lên.
Bích không nói gì. Nàng vẫn dựa lưng vào tường, quên mất nhiệm vụ bà chủ. Tòng là người tỉnh táo và chủ động nhất. Anh đưa tay tóm chai vang:
- Nào! Xin mời các vị!
Mọi người bắt đầu uống và ăn. Thảo đã kịp nhận ra con vịt tần trong cái đĩa lớn. Anh quyết định tàn phá nó vì anh biết chắc có một bà Tàu đã tần con vịt này. Anh bổ nhào vào nó với tất cả tính háu ăn của anh.
Nhưng Thảo đã tính toán nhầm. Con vịt tần không ngon như anh tưởng. Vì lâu lắm, có lẽ từ năm 1979, lúc người Hoa ra đi, sau đó có chiến tranh với Trung Quốc, Thảo không được ăn vịt tần lối Tàu nên không thấy ngon nữa. Bây giờ, con vịt lẫn mùi quy, hồi, và quế chi, thảo quả trở nên lạ hoắc với khẩu vị sành ăn của anh. Nhưng lý do chính anh ăn không thấy ngon là sự xuất hiện của Thục. Thảo hoàn toàn không ngờ anh quen và thân Bích. Anh nghĩ là giữa Thục và Bích còn hơn cái tình thân ấy nữa. Nhưng tại sao từ trước đến nay Bích không hề nói gì với anh về Thục? Tại sao anh vẫn thường đến chơi, ăn cơm ở nhà Bích, với cả Tuấn nữa. Nhưng chưa hề gặp Thục ở đó. Thục đến nhà Bích vào lúc nào?
Thức ăn quá nhiều. Rượu cũng thế. Mọi người ăn uống hăng hái nhưng không xuể. Tốc độ tàn phá chậm dần. Khi cái miệng nhai uể oải và rượu bắt đầu ngấm thì lưỡi ai cũng hoạt động rất hăng. Thảo chỉ nghe những lời tán tụng Thục, tán tụng và cám ơn. Anh đã giúp đỡ cái này, cứu nguy cho cái kia, anh hào phóng, anh rộng lượng, kể cả việc anh thiệt thòi... Thảo nghe câu được câu chăng và anh bỏ qua trong mâm rượu mọi sự lố bịch, quê mùa, vụ lợi sỗ sàng. Thục ăn rất ít. Anh cũng không uống nhiều mặc dù anh giám đốc trẻ tán dương rượu Napoléon mà anh được một chú em là Việt kiều mới về nước đưa biếu. Thục biết làm mọi người vừa lòng và thông cảm dù sự ăn uống không hết mình của anh. Có lẽ vì rượu vào nên ông chủ tịch sắp về hưu không kiên nhẫn được nữa. Ông nhắc khéo đến chuyện nhờ vả Thục, có lẽ trừ Thảo và anh lái xe, còn mọi người trong bàn tiệc đều biết đó là chuyện gì.
Thục mỉm cười rất tươi, rất lịch thiệp. Ông chủ tịch và anh giám đốc trẻ nhìn anh. Họ biết là anh sắp nói ra điều họ mong mỏi trước khi đến thành phố này.
- Rất tiếc là... - Thục nói, anh đưa mắt cho ông chủ tịch, người sắp bị anh tuyên án tử hình - tôi không thể giúp bác được. - Anh đưa tay khi thấy ông chủ tịch mấp máy môi - xin lỗi, tôi chỉ nói một lời. Quả là không thể. Xin mời các vị cứ vui vẻ cho, tôi rất tiếc là không thể giúp bác đây, người đàn anh tình nghĩa của tôi.
Tuấn và Bích cùng nhìn ông chủ tịch. Anh nghĩ là ông sẽ chửi thề, sẽ nguyền rủa. Ông biết là Thục không dại gì gia ân cho một cây gỗ mục. Không chỉ Thục mà rất nhiều người quen biết ông đều không muốn giúp đỡ ông khi ông cần đến họ. Bởi vì ông là một cây gỗ đang mục ruỗng. Ông sắp về hưu. Ông có chết ngay trước mặt họ cũng mặc. Nhưng vốn là một nhà chính trị lão luyện ông giấu kín được những ý nghĩ cay đắng đó trước mặt mọi người. Ông không nói gì hết, nâng chén rượu tợp một ngụm cạn hết. Bích hiểu điều gì xảy ra qua bản án Thục vừa công bố. Nàng đến bên ông chủ tịch. Nàng thấy mình có bổn phận an ủi ông khi ông đang sụp đổ và thất vọng. Bích rót cho ông một chén rượu khác, đưa ông chiếc khăn thơm nức và khi thấy ông lúng túng vì xúc động, nàng lau miệng hộ ông như chăm sóc một đứa trẻ.
Cử chỉ hơi khác thường ấy là giọt nước làm tràn cốc nước. Ông chủ tịch đứng dậy. Ông muốn tỏ cho Thục biết là ông bất cần, ông đến đây để sống, để vui vẻ chứ đâu chỉ có vì mục đích vụ lợi và nhờ vả chàng trai đang hãnh tiến và có tâm địa sắt đá kia. Mặt ông đỏ hồng đến mức không đỏ lên được nữa. Ông nâng chén rượu Bích vừa rót cho mình lên, quay ngang người đối diện với Bích.
- Cháu ơi! - Ông nói, giọng mềm đi vì rượu, mơn trớn và dịu dàng - xin nâng cốc...
- Chén! Chén chứ không phải là cốc - Thảo bật nói. Lạ thay, cả cái giọng gây gổ của anh cũng rất dễ thương, không thô lỗ hay ác ý chút nào.
- Vâng, xin nâng chén - ông già nói vẻ cam chịu, ông bỏ qua thái độ gây gổ của Thảo như bọn Đức vòng qua chiến lũy Maginô, ông bước nửa bước đến thẳng mục đích - Việc của ông bây giờ là phải làm cho Thục, người đã đối xử tệ hại với ông biết rằng ông không việc gì phải để tâm đến chuyện đó, ông nói - xin nâng chén chúc sức khỏe EM! - Ông nói tiếng Em bị dồn nén, mạnh mẽ bất ngờ, cái tiếng mà có lẽ hàng chục năm chấp chính ông đã thèm muốn được nói to lên một cách công khai giữa mọi người khi ông ngắm một cô thư ký, một cô chiêu đãi viên khách sạn...
Sự xả láng của ông già chỉ có Thục và một người nữa hiểu được nguyên nhân, người đó là Tuấn. Tuấn coi sự liều mạng của ông là câu trả lời đích đáng với Thục, ông đang bất cần, ông đang được giải phóng khỏi mọi sự ràng buộc. Thục cần phải biết điều đó. Nhưng những người khác, kể cả anh giám đốc ngân hàng ngoại thương không hiểu như vậy. Họ bị kích thích tính phóng đãng vốn sẵn có trong mỗi người. Tiếng la ó, những thân người ngả nghiêng, anh giám đốc trẻ hôn đánh chụt một cái lên má anh lái xe, Thảo chồm lên bàn, máu nghệ sĩ của anh sôi sục:
- Cháu, cháu chứ! - Anh giám đốc trẻ la hét.
- Xin lỗi - ông chủ tịch quay người lại nhìn Tuấn vì ông tưởng Tuấn vừa hét. Bích tranh thủ đưa tay xếp lại cổ áo. Nàng nhăn mặt, cái nhăn mặt tuyệt vời của Tây Thi - tôi xin tặng người đẹp hai câu thơ...
- Xứ này nhiều thằng làm thơ quá rồi - Thảo hét. Anh đã nhiều lần thịnh nộ vì những bài thơ thối thỉnh thoảng lại xuất hiện trên các báo.
Ông già như không nghe Tuấn nói, đưa chén rượu lên môi uống cạn, đặt chén xuống mép bàn, nói như ngâm nga:
- Nếu không gọi bác bằng ANH - Thì như bác đã hy sanh cuộc đời...
Giọng nói ông, nét mặt ông hồn nhiên và rất dễ thương. Anh giám đốc trẻ, nhà kinh doanh thường vẫn nhạy cảm với khía cạnh thực dụng của vấn đề, vỗ tay hào hứng:
- Hôn! Hôn bố già một cái đi thôi!
Tuấn nhìn Bích, sững sờ, chờ xem phản ứng của nàng. Thục nhăn mặt, cái mũi của anh chun lại. Bích sửa lại cổ áo. Nàng mỉm cười, đặt chén rượu trên tay xuống chiếc khăn trải bàn nhăn nhúm. Rồi nàng hắng giọng:
- Tôi xin hôn! - Nàng nhón chân, vòng tay qua cổ ông chủ tịch sắp về hưu, đặt cặp môi mọng đỏ của mình lên môi ông già. Nàng hôn. Tất cả, trừ Thục đều hét lên vì sung sướng bất ngờ.
Khuôn mặt ông già mềm mại đi. Trong cơn choáng váng vì rượu ông vẫn cảm thấy lờ mờ là mình vừa được an ủi sau lời từ chối của thằng khốn nạn hãnh tiến đó (ông nghĩ về Thục trong tiềm thức như vậy), ông biết Bích muốn nâng đỡ, an ủi ông. Đôi mắt ông nhòe ướt. Bích hiểu ra điều đó. Nàng nói:
- Bác về hưu là phải. Bác không làm chính trị suốt đời được đâu. Cháu quen biết nhiều nhà chính trị nhưng chưa thấy ai dám hôn cháu giữa chỗ đông người.
Anh giám đốc trẻ hưng phấn đến cực độ vì trong khi mọi chuyện xẩy ra thì anh đã tranh thủ nốc gần một nửa chai ararát bị bỏ quên. Anh đã tìm được đỉnh núi cứu rỗi sau cơn hồng thủy là lời từ chối giúp đỡ mà anh cho là rất tàn nhẫn của Thục.
- Còn chỗ vắng thì sao? - Anh hỏi Bích.
- Có - Bích nói, tự nhiên, cũng giản dị như chính sự thật nàng vừa nói ra.
- Còn tôi nữa! - Anh giám đốc trẻ lấy tay đẩy anh lái xe ra khỏi ghế. Anh, cái ghế không người và Bích - Đồng chí hôn tôi đi, đồng chí người đẹp... - anh nói, dịu dàng, tha thiết và ríu lưỡi nhờ chai ararát(*) gần cạn tới đáy. Nửa chai rượu đang biến thành ảo vọng mơ hồ, những giấc mộng đế vương, triệu phú hay một cái thang trần trụi mà nấc thang chính là những chức vụ anh hằng mơ tưởng.
Không đắn đo, Bích choàng tay qua cổ anh giám đốc trẻ và hôn anh ta.
- Xin hôn anh vì anh là người trả tiền rộng rãi cho cơn điên của chúng ta hôm nay.
Tất cả mọi người biết ai trả tiền tối vui hôm nay. Anh giám đốc trẻ cảm động vì anh rất muốn thực khách bữa tiệc thân mật biết điều đó. Tuấn nhăn mặt, anh nghĩ: "Không, không phải anh ta là người trả tiền!". Anh nhớ lại thằng bé mười tám tuổi vẫn bắt các ông già trong tù gọi nó bằng anh. Nó ăn cắp một chiếc xe đạp tàng giá chỉ bằng hai con vịt tần mọi người xâu xé hôm nay. Nó được phát hai cuốn lịch và đang đếm từng ngày trong nhà lao trung tâm. Anh thấy buồn nôn.
Sau cái hôm đó, cả căn nhà như sụp đổ. Bích xin lỗi, nàng bỏ tất cả chạy trên từng bậc thang gác xoắn ốc lên lầu. Mọi người buông đũa, lau miệng bằng những tờ giấy xanh nhăn nheo nhưng tinh khiết của Nhật Bản. Tuấn nghe được tiếng nhạc rốc từ cái cát-xét đặt trên mặt tủ ly. Có lẽ anh lái xe đã bật lên từ bao giờ. Tiếng nhạc to dần lên khi mọi người bắt đầu tỉnh cơn điên vì rượu đã tạo nên trong đầu họ những cầu vồng ảo ảnh. Thảo trở lại chú ý đến Thục. Thục ngồi đó, bình thản, khuôn mặt bụ bẫm của anh vẫn bình thường, thậm chí hơi xanh xao. Anh có vẻ lo lắng.
Tất cả chuyển chỗ, ngồi quây quần quanh bộ xa lông với những chiếc ghế bọc vải giả da đồ sộ để uống trà. Người đàn bà Tàu bưng lên những cái bát đựng ly cà phê ngâm trong nước sôi. Hơi bốc nghi ngút trên miệng ly. Cà phê đen nổi váng. Tuấn uống cà phê. Ông chủ tịch uống chè. Bắt đầu xuất hiện những câu nói nhạt nhẽo. Tuấn ngồi chung trên ghế đi văng với Thục. Thục không chạm vào anh. Hai người ngồi chung một ghế mà xa lạ. Vở bi kịch mênh mông của cuộc đời lôi kéo vào sân khấu của nó đủ loại diễn viên dù họ có muốn tham gia hay không. Tạo hóa, người đạo diễn, xua họ vào vở với tất cả sức mạnh siêu nhiên và huyền bí. Thảo nhìn hai người đều là bạn anh ngồi cạnh nhau, và nghĩ.
Trong khi Tuấn nhấm cà phê và Thảo suy nghĩ thì ông chủ tịch sắp mất chức đã hơi tỉnh. Thoáng qua, ông cảm thấy mình hơi sa đà. Và ông quyết định đề cập tới một chuyện chính trị nào đó để mọi người thấy ông vẫn là một người tỉnh táo. Vả lại, ông không thể nhịn được quá lâu mà không nói chuyện chính trị được. Ông nói với Thục:
- Tôi cho pêrextrôika là trò mèo. Chỉ là lớp này hất lớp kia, thế thôi. Còn glaxnốt là vạch áo cho người xem lưng, anh đồng ý chứ? Báo chí của ta cũng bắt đầu mất dạy rồi. Chuyện gì cũng bới lên mà ngửi à? Tôi phản đối.
Thục hơi hoảng. Anh không chuẩn bị để nói chuyện này. Vả lại, trước mặt ông chủ tịch là một nhà văn, người mà chính Thục cũng gờm. Vì phép lịch sự, anh góp:
- Riêng tôi thì tôi thích cải tổ và công khai lắm. Công khai, cần thiết vô cùng.
Thảo thấy Tuấn động đậy bên cạnh Thục. Tim Thảo đập mạnh. Anh quan sát những thay đổi rất nhanh trên mặt Tuấn. Bỗng Tuấn nói với giọng rành rọt:
- Vậy là anh rất thích công khai? Anh Thục?
- Đúng thế - Thục đáp.
Thảo rợn người. Tuấn có thể nói ra hết những điều dại dột. Anh đá vào chân Tuấn. Tuấn làm như không biết đến cái đá ấy, lặng lẽ lấy ngón tay chấm vào chén nước, vẽ nguệch ngoạc lên mặt bàn, mặt tái xanh.
Mọi người ngớ ra sau câu chuyện chính trị rất không đúng lúc của ông già và Thục. Bích từ trên gác xuống. Nàng đã thay một bộ đồ khác. Một chiếc áo phông úc loại đắt tiền nhất mới xuất hiện trên vài sạp tư nhân ở đường Huyền Trân Công Chúa. Quần nhung màu da bò thẫm. Bích mới mẻ, sôi sục và tự chủ, trong giây phút nàng làm mờ nhạt cả glaxnốt lẫn pêrextrôica của Thục và ông chủ tịch. Nàng xin lỗi rồi ngồi xuống đi văng đối diện với đi văng của Thục và Tuấn, giữa ông già và anh giám đốc trẻ. Anh lái xe cũng như trước đến nay, tìm một cái ghế góc nhà, ngồi im lặng, tay ôm cái điếu cày vàng bóng vì làm bằng thứ tre núi già gác bếp lâu ngày.
Bích nói với anh lái xe:
- Anh chuẩn bị xe để đón các thủ trưởng về khách sạn. Tôi đã nhờ cô bạn đăng ký chỗ chiều nay rồi.
Ông chủ tịch ngọ nguậy trên ghế đi văng như bị kiến đốt. Anh giám đốc trẻ nghệt khuôn mặt bắt đầu ngấm rượu. Nhưng anh tỉnh ra rất nhanh. Hãy còn cách vớt vát:
- Cậu đánh xe về nhận chỗ trước đi. Bọn mình đi bộ cũng được. Có bao xa! - anh nói với lái xe.
Tòng đứng lên:
- Cho tôi về nhờ với - anh nói vẻ chán nản. Trong buổi tối hôm nay anh là người ít nói nhất. Nói rõ ra là anh đã thu rất nhiều mà chi rất ít.
Anh lái xe đi ra liền. Anh chỉ cần ngủ một giấc, đơn giản thế thôi. Tòng chào Bích, đưa tay cho nàng, cho tất cả rồi ra theo. Bích không giữ anh lại.
- Em xin cám ơn bác và anh - Bích nói với hai vị khách - Em hơi nhức đầu. Vả lại bác và anh cũng cần phải nghỉ ngơi. Em rất tiếc là anh Thục của chúng em đây đã không thể giúp được các vị như anh hứa.
Anh giám đốc trẻ đã tỉnh hẳn. Anh sực nhớ là công chuyện nhờ vả không thành và ông chủ tịch không được ngủ lại như anh đã khuếch khoác với ông trước khi ra đi. Anh nói:
- Còn sớm chán! Chúng tôi không bỏ rơi cô bạn cho các vị đâu.
Câu đùa hơi sỗ sàng của anh rơi tõm trong không khí đã bắt đầu rữa ra sau tiệc rượu.
Thục đứng dậy:
- Tôi xin phép! Sáng mai tôi phải cắt băng khánh thành một cây cầu.
Bích đưa tay ra:
- Em mời anh Thục ở lại.
- Chúng tôi... - Thảo đứng lên, nói vẻ yếu ớt.
- Cả anh. Anh Tuấn nữa. Em mời tất cả ba anh ở lại.
Thục ngồi xuống. Thảo bứt rứt, nhấp nhổm trên cái đệm bọc da mềm. Tuấn như người mộng du, vẫn vẽ nguệch ngoạc bằng ngón tay trỏ mấy cái vòng tròn lồng vào nhau.
- Xin lỗi bác và anh - Bích quay về anh giám đốc trẻ và ông chủ tịch - Em xin cám ơn nhiều. (Nàng với tay lấy một gói nhỏ trên mặt tủ) em xin hoàn lại anh cái gói. Không một ai ăn cơm ở nhà em mà phải trả tiền. Em xin hoàn lại.
Giọng Bích đượm buồn:
- Anh cầm lấy đi. Còn phải tiêu nhiều ở thành phố đắt đỏ này - Bích nói tiếp, dúi vào túi áo ngực anh giám đốc trẻ gói tiền - Còn phải quay vòng.
Anh giám đốc trẻ im lặng.
Ông già đứng lên. Như là ông vừa ngủ dậy và tự hỏi vì sao mình lại có mặt ở đây, giữa bọn trẻ kỳ quái này. Anh giám đốc trẻ đứng lên theo.
- Ngày mai gặp lại em - anh nói, đưa tay cho Bích - ở ngân hàng.
- Quên hộ em mấy cái hôn đi nhé - Bích nói - Rượu nó hôn, anh chấp làm gì.
Ông già cũng đưa tay ra cho Bích. Cho tất cả, lần lượt. Cả hai cùng đi ra, vui vẻ chứ không buồn. Họ vừa qua một cơn điên, một giấc mơ và mừng rỡ nhận ra đó chỉ là giấc mơ chứ không phải đời thực. Anh giám đốc trẻ mừng vì gói tiền (chắc không ít) vẫn nằm trong túi áo. Ông già đăm chiêu, trở về với chuyện hạ cánh đầy nguy hiểm của ông mà không được giúp đỡ. Máy bay của ông chở quá nặng.
Thảo nhìn Tuấn, nhìn Thục và Bích lo lắng. Không biết chuyện gì sẽ xẩy ra nữa đây. Con vịt tần đáng nguyền rủa. Hôm nay là ngày đầu tháng, đáng lẽ không nên ăn vịt mới phải.
Ô tô nổ máy. Tất cả đều nhận ra tiếng chiếc Uát đẫm bụi đường của các vị khách. Tiếng xe xa dần.
- Các anh - Bích nói. Giọng nói của nàng vẫn đượm buồn - hôm nay là ngày sinh nhật của em. Không ai nhớ đến ngày sinh nhật của em cả - nàng rút một điếu HERO, quẹt diêm, hút một cách khó khăn - mà cũng phải. Chính em cũng vẫn thường quên nữa là. Ngày mai em tròn hai mươi tám tuổi.
Thảo lúng túng mở cái túi xách anh vẫn cầm theo. Anh lấy ra một cuốn sách, đưa cho Bích:
- Cuốn Đồi Gió Hú, xin tặng em nhân ngày sinh. Anh đã đề tặng sẵn. Như vậy là anh vẫn nhớ ngày sinh nhật của em.
- Cám ơn anh - Bích cảm động đỡ cuốn sách - Anh là người em ít thân thiết nhất ở đây. Vậy mà chỉ có anh biết coi em là một con người.
- Thôi đi - Thục nói - em quá quắt lắm, Bích.
- Em làm gì mà quá quắt? - Bích nói - Em quyết định là từ ngày mai, em sẽ không sống tồi tệ như thế này nữa.
- Thì có gì đâu mà em gọi là tồi tệ? - Thục nói.
- Có chứ! Các anh chờ em chút, đừng sốt ruột - Bích quay lại, lấy cái túi xách da cá sấu, một loại túi rất đắt tiền, quà biếu xén của một ông chủ nhiệm tổ hợp có chuyện tiền nong với ngân hàng của nàng, cái túi đặt trên mặt tủ - xin các anh nghe đây...
Thục so vai. Bộ comlê đóng rất vừa và đúng mốt, màu cà phê sữa trang nhã và sang.
Bích rút trong túi ra một tờ giấy, đọc:
-... Em thương yêu... em hãy gửi bé cho ai đó một thời gian vừa đủ cho anh thu xếp. Anh còn quá nhiều việc phải làm, em yêu, phải hoãn ngày cưới lại cũng vì hạnh phúc của chúng ta...". Thư này gửi cho em. Bây giờ thì các anh biết là em đã có con. Cháu đã lên sáu. Nhưng chẳng có ai cưới "em thương yêu" cả. Cô em thương yêu đã bị lừa.
Vở bi kịch bắt đầu được trình diễn. Thảo vốn là người không chịu nổi bi kịch, ngồi im trên chiếc ghế đệm mềm. Tuấn thôi không vẽ lên mặt bàn, hai tay khoanh trước ngực, bình thản. Thục nhún vai. Bích nói:
- Các anh đã gặp cháu. Thằng Bình vẫn gọi mẹ nó là dì Bích, nó đã phải mạo danh một đứa trẻ mồ côi cả bố lẫn mẹ, được nuôi nấng ở nhà anh trai em. Nó vẫn mong có ngày người ta cưới mẹ nó. Và đây, lá thư khác, viết cách đây không xa và cách lá kia gần sáu năm: "... em thương yêu... Chi đã phản bội anh, anh biết tất cả. Anh sẽ giết nó hoặc cho nó vào tù. Chắc em biết, anh muốn là được. Anh sẽ ly dị. Anh sẽ cưới em...". Anh Thục! - Bích quẳng đầu mẩu thuốc lá vào góc nhà - anh hãy ly dị và cưới tôi đi, cưới em thương yêu đi! Anh Tuấn ra tù rồi, đang ngồi cạnh anh đó, hãy giết anh ấy đi. Anh thích công khai mà, thì đó, chẳng giấu giếm nhau làm gì!
Thục nhún vai lần nữa. Bộ comlê không còn hợp với vai kịch anh bắt buộc phải đóng trước mặt ba người thân của anh. Bộ comlê cũng biết nhăn nhó.
Thảo không còn khả năng tư duy nữa. Tất cả đều quá mới mẻ, đều ngoài sức tưởng tượng của anh.
- Anh hãy làm đi! Anh muốn là được mà - Bích rút một điếu thuốc khác, bật diêm nhưng diêm không cháy. Nàng đặt điếu thuốc lên gạt tàn.
- Em điên hả Bích? Tại sao em lại có thể...
Thục nói ấp úng. Giá anh đừng nói thì hơn. Bích cười một khóe miệng, nàng dướn lông mày, đôi lông mày không hề được tô vẽ. Hoa hậu nào cũng thèm muốn có một đôi lông mày như thế. Nàng chộp lấy câu nói của Thục như người thợ săn sung sướng ngắm con thú vừa được xua ra quãng trống.
- Tôi không điên, nhiều lúc tôi cũng tưởng tôi điên. Tôi hiểu anh, anh Thục ạ, vậy thì tôi còn sáng suốt. Người điên thì làm sao hiểu nổi một nhà chính trị đang lên như diều được gió cỡ anh.
Tuấn đứng dậy:
- Tôi...
- Không, anh ở lại, anh Tuấn. Anh ấy sẽ không giết anh đâu. Anh ấy đang chuẩn bị lên một chức rất to, anh ấy không muốn ra tòa đâu, dù là một phiên tòa ly hôn ở quận - Bích nói.
Thảo thường thấy ít khi Tuấn chịu nghe sự điều khiển của đàn bà. Nhưng anh đã ngồi xuống. Anh không muốn Bích hiểu là anh sợ.
- Chính bây giờ tôi cũng không hiểu là tôi có yêu anh hay không, anh Thục. Người con gái nào cũng muốn có một người chồng. Tôi đã vụng trộm nạp mạng vào miệng hùm, tôi đã có con với anh, tôi muốn làm vợ để có quyền làm mẹ. Nhưng anh đã không cưới tôi. Sẽ không bao giờ anh cưới tôi. Vì anh yêu Chi phải không? Xin các anh đừng vội nhầm. Anh Tuấn, nếu có người nào đó cướp Chi trên tay anh, anh có giết hắn không?
- Tôi sẽ giết - Tuấn nói như người mộng du. Thảo cũng như người mộng du, cả anh, cả Tuấn đều không được chuẩn bị để nghe sự thật. Thục cũng vậy, người biết rõ sự thật nhưng đã rúc đầu vào cát, con đà điểu đáng thương đang hốt hoảng trước mặt trời sa mạc quá quen thuộc với nó nhưng chói chang.
- Vậy anh Thục, quyền lực anh lớn như vậy cơ mà, tại sao anh không giết? Vì anh không yêu Chi, có phải thế không? Anh giết thì dễ quá. Đệ tử của anh có thể làm được mọi việc trên đời. Anh chỉ cần bỏ tù anh Tuấn thôi, vì anh rất tôn trọng pháp luật mà. Anh đã tặng cho tình địch của anh những chứng cớ giả tạo đến công an cũng phải bé cái nhầm kia. Còn anh Tuấn thì chỉ biết trả giá.
Thục ngồi xuống, dịch ra xa Tuấn một chút. Anh lặng lẽ nhìn Bích.
- Không nên nói một nửa sự thật phải không các anh?
- Cô thật trâng tráo! - Thục nói. Nhưng anh phạm sai lầm lần nữa.
- Vũ khí của tôi là trâng tráo, anh chưa biết à? Sáu năm trời phải nói dối con, phải lừa dối mọi người, sáu năm trời được nuôi bằng ảo tưởng, tôi có quyền trâng tráo với anh chứ, chỉ với anh thôi! Hồi đó, anh chưa phải là anh bây giờ, anh phải gắn bó với tôi vì những đồng vốn của tôi, những miếng vàng lá bố tôi nhặt nhạnh và tôi thừa hưởng. Anh cần vàng và cái nhà này để tụ bạ, để tổ chức làm ăn. Anh không yêu Chi, nhưng anh tìm mọi cách để cưới Chi. Vì sao vậy? Nói ngắn thôi nhưng để anh Tuấn và anh Thảo hiểu. Vì Chi là con gái cưng của một ông lớn. Con người đó đã đỡ anh từ bậc thang này lên bậc thang khác như người vú em, bây giờ vẫn đỡ anh. Kể ra một người tài ba như anh thì chẳng cần phải thế. Nhưng anh cần chiếm lĩnh những vị trí thật cao trong thời gian ngắn nhất. Tôi biết điều đó đã quá muộn và tôi chắc chắn là anh sẽ không bao giờ dám bỏ Chi. Anh sẽ không bao giờ cưới tôi. Có phải thế không anh thương yêu?
Thảo cảm thấy thương Thục. Giá như anh biết tất cả những chuyện này mà không được chứng kiến cảnh hôm nay thì anh sẽ chỉ còn biết khinh bỉ Thục. Nhưng giờ đây, chính anh cũng không chịu nổi sự thật được nói ra từ miệng Bích huống gì Thục.
Nhưng Thục đã lấy lại bình tĩnh. Anh không còn đáng thương mà đáng sợ.
- Giữa cô và tôi thế là hết - anh nói với Bích, vẻ đàng hoàng như một người trong trắng nhất đời. Rồi anh quay sang phía hai người bạn - Tôi đã tha thứ. Nhưng tôi sẽ không tha thứ nữa. Bạn với bè các anh!
Anh đứng lên và đi ra. Lần này Bích không giữ anh lại nữa. Nàng nhìn theo Thục:
- Tôi đã làm mất uy tín của anh ấy. Nhưng tôi có muốn thế đâu! Vì tôi không còn thì giờ nữa.
- Không lo - Thảo nói - chẳng ai người ta tin cô đâu.
Bích ôm đầu, vai nàng xoãi xuống mệt mỏi. Hai người không thể ra về. Họ đưa Bích lên lầu rồi xuống nhà dọn dẹp căn phòng, pha mỗi đứa một cốc cà phê đặc. Họ quyết định cùng ở lại. không thể bỏ Bích một mình trong tình trạng như thế.
Thảo thiu thiu ngủ trên chiếc đi văng. Tuấn đổ thêm nước sôi vào phin, chờ uống một cốc cà phê loãng nhưng phải thật ngọt. Anh ngồi nhìn những giọt nước màu hồng nhạt rơi xuống cốc. Một đêm kỳ quái! Cuối cùng người chịu đựng tất cả mọi thứ lại là anh. Phải quyết định rời khỏi thành phố này thật nhanh, bước vào cuộc đời mới. Chưa bao giờ anh tự trách tính nhu nhược do dự của mình như khi anh ngồi nhìn những giọt nước màu hồng rơi một cách kiên nhẫn xuống cốc. Đi thật nhanh, không chia tay, không bịn rịn và biến mất vào cái khoảng trống anh chưa hề biết, chưa từng tưởng tượng ra nó sẽ như thế nào.
Thím Voòng từ trên lầu đi xuống, bước chân thận trọng và lo âu, như thím đi trên đầu những ngón chân nhỏ bé của thím.
- Cô thế nào hả thím? - Tuấn hỏi khẽ, không muốn làm Thảo thức giấc.
- Cô bảo mời ông lên lầu cho cô nói chuyện... - thím nói rất khẽ và Tuấn hiểu là Bích chỉ muốn anh lên một mình. Anh quên cốc cà phê, rón rén lên cầu thang. Mọi thứ phải được yên tĩnh, xung quanh anh đều phải được yên ổn tồn tại, còn anh, anh sẽ biến mất.
Bích đang nằm, vội nhỏm dậy khi anh tới ngồi lên cái ghế đặt đầu giường nàng.
- Anh Tuấn - nàng thõng hai chân, khẽ đu đưa, ngập ngừng và buông thả - em nhắc lại lần nữa là anh làm thủ tục chuyển hộ khẩu đến nhà em. Anh có nghe em không, anh Tuấn?
- Cám ơn Bích. Nhưng không thể được, Bích ạ, không thể được.
- Anh ngại Chi phải không? Rồi em sẽ nói với chị ấy. Bây giờ thì em chưa thể nói, nhưng rồi chị ấy sẽ hiểu vì sao em lại mời anh đến ở đây. Bích nhìn anh, đôi mắt nàng chứa đựng một trời u ẩn làm Tuấn rùng mình - em yêu anh, anh biết rồi đó. Cái hôm đầu tiên ấy, em nhìn thấy anh giữa đám người bu kín ghi-sê lĩnh tiền, không hiểu sao em chợt nhận ra chính anh là người đàn ông em đang tìm kiếm và chờ đợi. Em quen sống giữa những người giàu có và quyền thế, em chán ngấy những tâm hồn trống rỗng, họ quyền thế mà bạc nhược, họ nhiều tiền mà nghèo nàn đến thảm hại. Và em dễ nhận ra anh giữa đám người là nạn nhân của cái thế giới quyền lực kia. Bắt đầu chỉ là một chút mủi lòng nhưng sau đó là tình yêu đối với anh, anh trở thành niềm khát khao không bờ bến của em, sự đời vốn phức tạp và rối rắm như vậy. Nhưng em không có phước, em chẳng là cái gì đối với anh cả. Vậy thì, anh yêu của em, em chỉ còn biết làm những gì gọi là phải đạo, anh đang cần giúp đỡ, em muốn mọi điều tốt lành cho anh. Anh đừng giận, đừng tự ái, anh đang cần sự giúp đỡ ấy. Vả lại...
Bích không nói hết câu. Tuấn chợt nhận ra là từ chiều đến nay Bích đã bỏ lửng nhiều câu lẽ ra nàng phải nói hết. Tự dưng trong người anh trào lên một tình thương mạnh mẽ. Anh thấy trước mặt mình một người mẹ, người chị, một cô em gái... cảm giác này chưa hề có khi anh ở bên Chi. Anh đặt bàn tay khô rám của anh lên lưng bàn tay Bích.
- Anh cám ơn Bích lần nữa, về chuyện chỗ ở của anh và những lời tâm sự. Nhưng anh thu xếp xong đời anh rồi. Anh không thể chiều ý em được - anh đứng lên, tránh không nhìn vào mắt Bích, chạy trốn cuộc nói chuyện mà anh biết là sẽ bị dồn vào tường trước tình thương yêu anh cảm nhận được rất rõ ở Bích. - Em ngủ ngon và quên buổi tối tai quái này đi, anh cảm thấy có chuyện gì đó không ổn, không bình thường. Em chợp mắt tí đi, khuya rồi.
Anh bước ra khỏi căn phòng như chạy trốn, cảm giác tê tái, buồn bã. Giá như lúc đó linh tính đừng tê liệt thì anh đỡ hối hận bao nhiêu.
Thảo và Tuấn bàn nhau làm một số việc để đỡ cho Huy. Việc đầu tiên cần phải làm là đến nơi xảy ra sự kiện. Chiều hôm đó họ đến quán cà phê Cây Táo. Bà chủ và cô Lan Hương nhạt nhẽo lấy làm ái ngại khi biết tay du đãng hung hãn kia lại là người nhà của hai người khách quen. Bà ngồi tiếp chuyện Tuấn và Thảo nhưng không uống. Bà kể:
- Tôi đang sửa soạn pha cho hai cậu ấy hai tách nâu. Hôm ấy khách đông ơi là đông phải phục vụ hai cậu ấy trước vì đó là khách quen biết. Anh Cầm, người bị cậu Huy đâm là thủy thủ tàu viễn dương. Anh ấy ít khi lên bờ vì là con của ông phó chủ tịch nên vài tháng lại được sang Nhật và Hồng Công một chuyến. Chẳng giấu gì hai anh, anh ấy có để ý đến cháu Lan Hương nhà tôi. Có hôm anh ấy ngồi suốt buổi tối, uống cà phê một mình chỉ để trò chuyện với cháu. Tôi nói là hôm ấy khách rất đông. Các anh không bán hàng không biết chứ bọn tôi thì không bao giờ nghe thủng được chuyện gì của khách. Chỉ vểnh tai nghe họ gọi gì, cà phê đen, đen đá, đen nóng, sữa trứng hoặc sữa trứng cà phê. Tôi không nghe gì hết. Họ ngồi ở góc kia, hai người đều lầm lì. Và thế là khi cháu Hương bưng hai ly cà phê ra đã thấy họ đứng dậy. Cả hai đều to con, đều dữ. Trước hết họ đánh nhau bằng tay. Sau đó, anh Cầm túm lấy một cái vỏ bia trên bàn, thế là cậu Huy rút con dao nhíp ra. Chưa ai nhìn thấy gì thì đã thấy máu... Sợ quá, hai anh ạ. Quán tôi chưa hề có chuyện đâm chém nhau như thế bao giờ.
Bà chủ quán ôm mặt. Chắc là bà chưa từng ra trận.
ở Viện kiểm sát quận, anh kiểm sát viên trẻ, hăng hái như mọi sinh viên mới ra trường cho hai người biết là hồ sơ đã được chuyển lên trên. Đội hình sự của Sở đã tiếp nhận, hy vọng khớp được những đoạn trống về một vụ án nào đó. Thảo có đặt vấn đề với anh ta là luật sư có thể được tham gia vào cuộc điều tra từ những bước đầu tiên như luật tố tụng hình sự cho phép hay không, anh kiểm sát viên nói rằng sang năm luật mới có hiệu lực nên yêu cầu này hiện nay không chấp nhận được. Anh chép miệng: "Vả lại, luật vẫn là luật mà thôi!" Tuấn ngán ngẩm lắc đầu trước câu nói vô tư đó.
- Trong ca này - anh kiểm sát viên nói - bọn tôi không còn biết làm gì hơn. Sự việc đơn giản, bề ngoài thì thế thật. Bây giờ bọn họ đâm chết nhau vì một điếu thuốc lá là thường. Nhưng trong vụ này, tôi cảm thấy cơ quan điều tra muốn phanh phui một chuyện gì khác.
- Theo tôi - Thảo nói, vì là nhà báo nên anh hay quan tâm đến vấn đề tố tụng và tự cho mình có hiểu biết chút ít về pháp luật - nên tách rời hai vấn đề ấy ra. Nếu chỉ căn cứ vào tội danh hành hung có thương tích thì viện có thể căn cứ vào thân nhân người vi phạm mà cho tại ngoại. Nếu việc cần, tôi có thể xin đứng ra bảo lãnh.
Anh kiểm sát viên cười và Thảo nẩy ra một nhận xét là tuy mới ra trường anh đã quen với công việc xiết bao.
- Yêu cầu của anh như vậy là quá cao, không thể đáp ứng được. Vì có vấn đề nghi vấn kia nên chuyện thăm nuôi cũng khó. Nhưng anh cứ làm đơn xem, tôi sẽ giúp anh đưa đến nơi đến chốn, anh nhà báo ạ.
Thảo lại đến gặp ông viện trưởng viện kiểm sát cấp thành phố. Ông rất niềm nở. Nhưng "thả ra thì không được - ông nói - thằng em anh đâu chỉ có đánh lộn với đâm người ta!". Thảo thấy trong giọng nói của ông chứa nhiều tình cảm hằn học. Có thể bọn tội phạm đã làm ông điên đầu bao phen. Cũng có thể trong trường hợp này, ông bố của nạn nhân đã có tác động cách gì đó đến ông Viện trưởng.
- Nhưng nó chưa có tiền án - Tuấn nói. Anh muốn kiếm một chuyện gì đó để gây với ông Viện trưởng. Anh chưa gặp ông ta, nhưng anh biết Thục (nếu Bích nói đúng) đã qua tay ông ta để nhốt Tuấn đúng hai trăm năm mươi ngày chẵn.
- Đồng ý - ông viện trưởng hay mở đầu câu với hai tiếng đồng ý - nhưng tôi đã bảo mà, đâu chỉ có chuyện đâm chém.
Thấy thái độ buồn bã của hai người hay chợt nhớ Thảo là nhà văn kiêm nhà báo, ông Viện trưởng níu họ lại khi họ định ra về:
- Thế này, nếu nhà văn thuyết phục được ông bố nạn nhân, tức là ông phó chủ tịch thì sự việc đã giảm nhẹ được một nửa. Anh thử đến gặp đồng chí ấy xem.
Họ gõ cửa nhà ông phó chủ tịch vào chiều thứ bảy. Ông đang ngồi nghe câu chuyện cảnh giác. Cạnh ông là bà vợ, một người có học, hiền từ, đeo kính cận. Trông bà có vẻ là một nhà giáo. Thảo rất mừng vì gặp họ ở nhà, như vậy có nghĩa là vết thương cậu ấm không có gì nguy hiểm.
Thảo nghĩ tốt nhất để mở đầu câu chuyện là hai người thay mặt gia đình bị can đến xin lỗi và thăm hỏi gia đình nạn nhân.
- Chúng tôi rất lấy làm tiếc! - Thảo nói.
Ông phó chủ tịch rút thuốc lá mời họ, nói vui vẻ:
- Chẳng có gì! Chúng tôi rất mừng là tính mệnh cháu không hề hấn gì. Đó là nhờ hồng phúc các cụ để lại cho gia đình chúng tôi. Chính tôi đã đề nghị với quận thả cậu Huy ra nhưng họ đã chuyển lên trên mất rồi. Tôi có hỏi bên công an thì họ nói họ phải làm cho ra nhẽ, gia đình nạn nhân cũng không thể thay luật pháp. Trong thâm tâm tôi không hề muốn em anh đi ở tù làm gì, anh hiểu cho.
Thảo tin ông thành thực, con người thật như đếm, dễ chịu và tốt bụng. Nhưng chắc là ông chưa biết lý do cơ quan điều tra chưa thể thả Huy ra. Ông chỉ nghĩ đây là một vụ đánh lộn bình thường.
- Lớp trẻ bây giờ khó lắm các anh ạ - ông nói - tôi có định cho thằng Cầm nhà tôi đi viễn dương đâu, nhưng anh em họ cứ bàn vào mà nó thì ham quá thể. Đấy, như câu chuyện cảnh giác họ vừa phát trên đài hôm nay đấy, mình chỉ lơ là một tí là tội ác xảy ra ngay. Chuyện cảnh giác hay thật. Các anh vẫn nghe đều đấy chứ? Tôi thì không bao giờ tôi bỏ, chẳng cần phải đọc sách đọc báo gì nhiều rách việc ra, chỉ cần anh nghe cho tôi mỗi tuần một chuyện cảnh giác là anh tránh được mọi thứ tai vạ. Vậy mà thằng Cầm nhà tôi nó có nhớ lời bố nó đâu.
Hai người ra về, yên tâm là ông phó chủ tịch sẽ không bé xé ra to như họ tưởng. Đó là con người không muốn gây thù oán với ai, không muốn kiện cáo ai. Tuy vậy, Thảo nghĩ, với cương vị phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội mà ngoài chuyện cảnh giác, ông còn đọc thêm được một vài cuốn sách nữa thì nền văn hóa xứ này được nhờ to.
- Ông ta trước là giáo viên. Hai vợ chồng đều là nhà giáo - Tuấn nói - một người hiền lành và đạo đức.
- Đúng thế - Thảo nói. Anh biết, sau thời gian vừa qua, Tuấn rất kính trọng những người hiền lành - ít nhất thì ông ta cũng không có gan diệt bọn quần loe.
- Chúng ta có quá nhiều những người được làm nhưng không làm được, được học nhưng không học được. - Tuấn nói - Thảo này, cậu có tin cái ông viện trưởng kiểm soát hồi nãy hiểu biết nhiều về bọn tội phạm hay không? Bọn thằng Huy ấy mà, cả mình và cậu nữa, chúng mình chưa hiểu gì lắm về bọn chúng nó đâu.
Họ chuyện gẫu về đề tài đó một lúc. Rồi Thảo nghĩ đến một người: Thục. Có thể đến Thục. Nhưng sau buổi tối ở nhà Bích, Thảo không muốn nhắc tới Thục trước mặt Tuấn. Anh do dự, nghĩ không biết có nên bàn với Tuấn chuyện đến nhờ Thục không? Mấy hôm nay Tuấn tránh mặt Chi. Cuộc đối đầu với Thục tối hôm đó đã làm Tuấn day dứt. Anh chưa biết sẽ nói với Chi như thế nào để làm nàng khỏi buồn. Nhưng Tuấn đã đọc được ý nghĩ của Thảo. Anh vẫn thường biết Thảo đang nghĩ gì, tình bạn lâu năm cho anh có khả năng đó. Anh biết, đối với Thảo, sự tự do của Huy đang là chuyện quan trọng bậc nhất, day dứt tâm não của anh. Anh đứng lại khi hai người đến một chỗ rẽ:
- Cậu đến Thục đi! Nó kéo được thằng Huy ra đấy. Nó có thể bỏ tù ai đó thì chắc là nó cũng có khả năng thả người nào đó ra. Sức mạnh vạn năng mà!
Thảo nhìn Tuấn, đôi mắt biết ơn. Anh biết Tuấn hiểu mình và phải cố gắng lắm, tình sâu nghĩa nặng lắm với anh và Huy mới nói chuyện nhờ vả Thục.
- Liệu nó có muốn giúp không?
- Nó sẽ giúp. Nó đang muốn chứng minh cho Bích cho cậu và mình biết nó vẫn là người rộng lượng.
Anh đưa tay cho Thảo:
- Tạm biệt. Cậu đến Thục đi. Nếu gặp Chi đừng nhắc gì đến mình cả.
Tuấn rẽ trái. Anh mong Thục nhận lời giúp Thảo. Trong thâm tâm anh rất buồn về chuyện Huy bị nhốt. Anh không tin tưởng rằng sau khi ở tù ra con người sẽ tốt hơn lên, nhất là những người năng động và đang bối rối trước cuộc đời chật chội như Huy và lớp tuổi nó. Anh chua chát nghĩ: "Với những kẻ mạnh mẽ, có bản lĩnh cao cường như Thục, nếu được ở tù một vài năm cũng hay!". Đó là một ý nghĩ nghiêm túc. Vì anh tự cho mình là một trong những người hiếm hoi hiểu được Thục. Chi hiểu rất ít về Thục. Nàng chỉ biết Thục giàu, Thục rất mạnh thế, Thục là một người đàn ông quá giỏi giang tuy cũng có nhiều tính xấu và không hợp khi chung sống với nàng. Hiểu như vậy có nghĩa là đã hiểu rất ít.
Thục ở Đông Âu về được ba ngày thì gặp lại Tuấn sau mấy năm xa cách kể từ ngày tựu trường ở chân một quả đồi Bắc Thái. Trong một buổi tiếp khách tình cờ ở trụ sở cơ quan nọ. Tuấn nhận ra Thục ngay. Tuy hơn Tuấn mấy tuổi, nhưng nhờ sống ở nước ngoài, Thục vẫn như ngang ngang cùng lứa. Anh xởi lởi, hào hoa và rất nổi bật giữa đám đông. Những cô gái dán mắt vào anh. Người ta xì xào bên cạnh Tuấn: "Cậu ấy mới về. Bằng đỏ đấy!". Miền Nam vừa giải phóng. Cả nước mộng mơ sau những năm tháng kinh hoàng. Cũng không trách. Người ta đã đau khổ nhiều, chịu đựng nhiều. Khát vọng tương lai bị chiến tranh nén lại, đang sổ lồng, tung cánh. Chính trong buổi tiếp khách hôm đó, một ông đã vào miền Nam công tác về, hào hứng nâng cốc lên và nói như đinh đóng cột:
- Từ nay trở đi chúng ta muốn khổ, Đảng cũng không cho phép chúng ta khổ nữa.
Lúc đó Tuấn không mấy tin ở con người ngây thơ một cách dốt nát và dốt nát một cách ngây thơ này. Nhưng anh cũng thấy lây cái hào hứng của ông ta và bỏ qua những gì nếu như ở một nơi khác anh sẵn sàng chế giễu. Ông ta còn nói rằng có một cái kho vô tận nào đó - dự trữ chiến lược của Mỹ - ta chưa khui ra, nếu khui ra thì "cả nước ngồi ăn cũng được vài năm!".Ông ta nói, đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có đủ lương thực nuôi cả Đông Nam á, cá thì vô tận, khí hậu "té ra cũng là tài nguyên" và tài nguyên đó cũng vô tận... vân vân. Lúc đó Tuấn thấy thương hại con người này hơn là muốn chế giễu ông như anh vẫn làm trong trường hợp khác.
Vậy mà, ngồi bên cạnh anh, Thục sôi nổi tán đồng mọi câu nói của ông ta và mặt anh luôn luôn bừng sáng như được thắp bằng tinh thần lạc quan của con người trứ danh đó. Tuấn bỗng đâm nghi ngờ trí tuệ của người bạn mà anh vẫn nghĩ là rất thông minh và hiểu biết. Vài hôm sau anh nghe tin Thục đã được nhận vào cơ quan của cái ông lạc quan nọ. Thục là kẻ nịnh bợ ư? Khó tin quá. Anh sinh viên có bản lĩnh, dám thực hiện ý nguyện du học năm nào làm Tuấn nghi ngờ chuyện đó. Chẳng nhẽ, sống giữa không khí tự do (tương đối) của một nước xã hội chủ nghĩa Âu châu trong nhiều năm, Thục lại có thể biến ra một người không thể ngờ được như vậy?
Một thời gian sau, Tuấn gặp Thục. Họ kéo nhau vào một quán cà phê.
- Hôm trước gặp nhau hấp hổi không tâm sự được. Tuấn, cậu sống được chứ?
- Tôi vẫn sống đấy thôi - Tuấn đáp - Như mọi người vẫn sống.
- Như mọi người là thế nào? Tại sao lại như mọi người cơ chứ?
- Làm thế nào khác được?
Thục cười gằn. Hàm răng trắng muốt, đẹp và đều đặn, sít sao. Giống như một hàm răng giả.
- Không được, Tuấn ạ. Đừng thỏa mãn. Con người không chết vì thiếu mà chính là vì thỏa mãn - Thục triết lý.
Tuấn không có gì để phản bác Thục. Anh vẫn biết thế, thường vẫn nghĩ như thế. Nhưng anh không có cách sống khác đi được. Là một kỹ sư có bằng cấp, có việc làm ở một xí nghiệp của Nhà nước, lương tạm đủ sống (hồi đó lương của anh tạm đủ sống). Tuấn không thể làm gì hơn.
Thục im lặng nhấp cà phê.
- Không thể được, không thể được - Thục đăm chiêu nhắc lại, gọi trả tiền và hai người ra khỏi quán.
- Chỗ cậu làm có gì trục trặc à - Tuấn hỏi.
- Không, không có gì. Nhưng không thể được - Thục chỉ nói thế và bắt tay Tuấn.
Một thời gian sau họ lại gặp nhau. Thục không kéo Tuấn vào quán cà phê mà vào một mẹt bia tụ bạ trên vỉa hè với những bà bán hàng săm sắn, nhễ nhại mồ hôi vì mải quạt than nướng mực, những tay nhậu béo tròn sủi lên như một vại bia hơi. Thục uống rất nhiều, năm cốc vại to. Càng uống Thục càng năng động, lợi khẩu. Anh khác rất nhiều so với hồi mới về. Tuấn mừng vì Thục đã hòa nhập được với cuộc sống thành phố.
- Để tớ nói cậu nghe - Thục nói, đôi mắt hơi lờ đờ, bàn tay úp lên miệng cốc bia uống dở - Đời con người là canh bạc. Một canh bạc sát phạt nhau chí chết, tàn bạo. Đời là cái chiếu xóc đĩa. Không ai suốt đêm chỉ đặt vào một cửa bao giờ.
Thục cởi mở hơn. Thân ái hơn. Không phải nhờ bia. Mà có lẽ Tuấn làm anh tin cậy, đáng thương. Trước Thục, Tuấn chỉ là thằng khờ.
- Ngày về nước, bọn chúng nó thằng nào cũng muốn mua cả nước người ta về nhà. Một lũ thiển cận. Tớ không có tiền mua bán. Bao nhiêu tiền ném vào du lịch và quầy rượu. Tớ học sống sang trọng như người châu Âu. Đi du lịch với một cô bạn gái, chà, cũng tốn kém như ở nhà uống cà phê mà kèm thuốc ba số vậy. Tớ quan sát, suy nghĩ về châu Âu. Châu Âu là gì? Là không thể được. Ngôn từ khập khiễng phải không? Nhưng đúng như thế. Triết lý cao nhất của người châu Âu chỉ có ba chữ không thể được. Cậu hiểu ý tớ rồi chứ?
- Hiểu - Tuấn đáp.
- Còn cậu thì sao? Cậu ngồi phơi nắng và hễ bắt được con rận nào béo là đã vênh mặt lên rồi. Người ta bắt cậu đeo vào chiếc xe đạp một cái biển số và khi chạy vạy xong được việc đăng ký đó thì cậu mừng như vừa tìm ra châu Mỹ.
Tuấn nhăn nhó như đang nhai mà gặp một hạt sạn kêu đánh cốp một cái trong miệng mình, hai hàm răng tê dại. Tuấn vẫn quen nghe mọi người nói là dân tộc ta tuyệt vời, mọi người trên thế giới "mỗi sáng tỉnh dậy muốn trở thành người Việt Nam...". Anh là một người Việt trăm phần trăm.
- Đừng trách cứ mình - Thục xòe bàn tay có đeo một chiếc nhẫn vàng tây rất đẹp ở ngón út, anh nắm lấy miệng cốc bia - ở xa, mình nhớ, mình mong được về nước. Nhớ không chịu nổi. Nhưng bao lâu nay mình nhận ra dân tộc này có quá nhiều nhược điểm, phải không Tuấn?
Tuấn gật đầu.
- Để lại chuyện đánh Tây, đánh Mỹ sang một bên. Cái đó thì khỏi nói. Nhược điểm của dân mình là thế nào cũng được. Có phải thế không?
Tuấn chưa suy nghĩ nhiều về đề tài này. Anh không trả lời câu hỏi của Thục. Mãi đến sau này, anh mới biết suy nghĩ của Thục hồi đó là có lý.
- Chính cậu cũng là một loại thế nào cũng được. Cậu tìm tòi, nghiên cứu, ăn khổ như sư để rồi mỗi năm đẻ ra vài sáng kiến hay phát minh. Rồi cậu nộp những thứ đó cho một thằng ngu như bò nhưng đầu óc đầy rẫy âm mưu tước đoạt. Nó gặm hết thịt màu mỡ, còn xương nó vứt lại cho cậu nhá. Cậu chìm đắm trong suy tư khoa học thần thánh trong khi giun đũa chúng biểu tình trong bụng cậu vì đói, vì chúng không chịu nổi những tư tưởng lãng mạn của cậu. Đến bây giờ mà cậu ăn mặc vẫn không khác gì thời sinh viên. Vậy mà cậu bảo: sống được?
- Chỗ này cậu đúng. Chỗ cậu nói về bản thân mình ấy. - Tuấn nói. Quả thực anh không có nổi một bộ quần áo ra trò để mặc đi dự đám cưới. Anh xổ giun nhiều lần, nhưng thuốc không tác dụng và anh tự nhủ: "Cho chúng nó sống nhờ chút cũng chả chết ai".
- Cậu sẽ chửi mình, sẽ lên án mình là thô trọc, thực dụng, đủ thứ. Nhưng mẫu người trí thức ngu lâu dốt dài như cậu cũng là vứt đi, vứt đi hết - Thục kết luận.
Giá Tuấn nghĩ là mọi thứ đều không thể được thì anh biết làm gì bây giờ? Anh dí súng vào ghi-sê ngân hàng để xoay tiền mua quần áo chăng? ở khắp nơi người ta đều chỉ bán độc mỗi thứ thuốc giun ấy. Anh biết làm thế nào bây giờ?
Những cốc bia thật tuyệt vời. Chính hôm đó, Thục đã say mê kể cho Tuấn nghe anh đã sống như thế nào với cái triết lý không thể được của anh.
Thục bắt đầu cuộc sống cũng như mọi người khác đi nước ngoài về. Cũng qua một vài ngày trăng mật, thăm hỏi bà con, ăn tiêu xả láng, thuốc lá thơm Duhill mua ở Karasi bảy đôla một tút, đưa mời từ anh hải quan ở sân bay Nội Bài đến người hàng xóm đến thăm. Sau đó là cuộc sống. Cái cuộc sống đã quên hẳn ngay từ lúc đặt chân xuống sân bay nước ngoài năm năm về trước. Rồi một công việc đúng ngành nghề ghi trong văn bằng. Một chỗ ở trong khu tập thể. Một cuốn sổ gạo, vài tờ bìa mua hàng cung cấp... Ngay từ ngày đầu tiên Thục nhận ra một điều: người lãnh đạo cao nhất cơ quan, người mà mọi người gọi là thủ trưởng, được tâng bốc, xun xoe, nịnh hót, biếu xén, người thường xuyên dạy dỗ, nói vong mạng về mọi thứ từ chính trị cao cấp đến khoa học di truyền, từ đạo đức cộng sản đến người máy, vi điện tử... thì lại không hề hiểu là mình đang nói gì. Con người đó đã từng tin và tuyên truyền khắp nơi về cái kho bí mật của Mỹ ở miền Nam, về tài nguyên vô cùng vô tận, vậy mà con người đó lại chỉ huy, ra lệnh và ban phát công đức cho anh.
Thục trằn trọc ba đêm liền, không hiểu vì sao và từ đâu đến mà con người dốt nát đó lại có thể lãnh đạo và dẫn dắt anh, can thiệp vào cuộc đời anh. Anh bật dậy khỏi cái giường một trong căn phòng tập thể. Không thể được. Sống thế này là không thể được. Thục mua một chiếc Honda 67 tàng tàng, ngày chủ nhật phóng về ngoại thành. Anh nhận sửa chữa, từ bảo dưỡng đến đại tu những chiếc máy bơm, máy kéo Bông Sen. Tiền bắt đầu rủng rỉnh trong túi. Điều ấy cũng chẳng quan trọng lắm vì anh đang có tiền. Điều đáng kể là bắt đầu thoát ly được sự ám ảnh về một thằng ngu ngồi chồm hỗm trên đầu. Bắt đầu thấy đời sống có ý nghĩa. Vì nó là của mình. Cuộc đời của mình. Đồng tiền do mình làm ra. Nghĩa là được trả tiền. Nhanh chóng. Đúng mức. Mồ hôi của anh đổ ra được kính trọng.
Nhưng Thục lại mất ngủ. Không thể được. Vẫn không thể được. Người làm thuê có cái vui, cái sướng của người làm thuê. Nhưng vẫn chỉ là người làm thuê. Thục đến cơ quan, mỉm cười với tất cả mọi người. Hòa nhã, thân ái với tất cả mọi người. Nghỉ ngơi, uống chè cho qua tám giờ hành chính. Có dịp là anh lấy HONDA phóng đi làm ăn. Như vậy đâu phải là sống. Đồng tiền làm ra anh tưởng là chính đáng hóa ra chẳng chính đáng chút nào. Mà cũng không có là bao. Không thể được. Anh chiêu tập vài kỹ sư, vài thợ máy nổ. Anh đến nhận máy ở khách hàng. Ký hợp đồng với họ. Anh thuê lại đám kỹ sư và thợ máy đang thiếu việc làm, đang sống dở, chết dở với đồng lương còm hàng tháng.
Tiền rủng rỉnh hơn. Những ngày thường bận rộn hơn. Nhưng cuộc sống vẫn như đang ở phía trước, rất xa, mơ hồ và ngoài tầm tay với. Cuộc sống hiện hữu chỉ là sự trải qua, tạm bợ hoặc giả vờ. Mục đích còn tắp tít mù xa. Không thể được! Trong nháy mắt, Thục mời các chiến hữu đến quán bia, thanh toán với anh em mọi khoản. Giải tán! "Tao sinh ra không phải để làm cai đầu dài". Đó là câu cuối cùng anh nói với các chiến hữu.
Đúng thế. Thục cảm nhận được đâu đó trong tiềm thức rằng anh sinh ra không phải để làm một tay chạy mánh vặt hay một ông tiểu chủ dù trong ngày sinh anh không ai đồn đại là anh có vầng hào quang trên đầu. Bà Nhàn, mẹ anh cũng không nói với anh điều đó. Bố chết sớm, mẹ nuôi anh ăn học, anh luôn là cây cờ nổi bật lên giữa bó đũa học sinh trong làng. Người có trí óc nhất trong đám bạn bè cùng lớp. Thục tin trong anh có một sức mạnh tiềm ẩn chưa phát hiện ra.
Anh bắt đầu tìm kết bạn mới. Trong một buổi uống bia với hai đứa bạn cùng ở bên kia về, Thục lọt vào mắt xanh một anh chàng đeo phù hiệu hải quan. Hôm đó ba đứa anh đã uống đến vại bia thứ bốn mươi chín. Trước mặt họ là một đống vỏ thuốc lá ba số, Malơbơrô. Họ nói tiếng Đức với nhau không phải vì say, vì để khoe khoang mà chỉ là muốn sống lại cuộc sống đã bị bỏ lại ở chân trời châu Âu mịt mù không biết bao giờ mới trở lại. Đến vại bia thứ năm mươi thì anh chàng hải quan kia nhập cuộc. Anh ta kéo ghế lại bàn bọn Thục, lấy trong chiếc túi dưới chân hai chai Mác-ten.
- Nào, các bạn chưa quen biết. Xin mời! Xin đừng vội khen ngợi sự hào phóng của tôi. Đây là hai chai rượu không phải trả tiền. Tôi là nhân viên hải quan. Chúng tôi thường uống không phải trả tiền.
Ngay lúc đó Thục cảm thấy tất cả cử chỉ hào hiệp này là chỉ nhằm vào anh, chỉ cho riêng anh. Tan cuộc, người nhân viên hải quan bảo anh ngồi lên sau chiếc xe Cub 70 đời 81, đưa anh về tận khu tập thể. Bảy ngày sau, anh ta lại đến. Anh ta đến lần nữa vào chín ngày sau đó. Thời gian vừa đủ để họ biết nhau, cùng nhau nhâm nhi, rung đùi trước những tư tưởng triết học mới mẻ đối với họ, những người rất ít đọc triết học.
- Người ta ngu, nhưng chúng ta không ngu - anh hải quan nói.
- Người ta nói: có thể được. Còn tớ, tớ bao giờ cũng nói: không thể được - Thục nói - nào nâng cốc cho những người bao giờ cũng nghĩ là không thể được!
Vài ngày sau đó, Thục, anh nhân viên hải quan, một đại úy công an và một trung úy hải quân (cho đến bây giờ chính Thục cũng bán tin bán nghi không hiểu hai anh chàng này có phải là sĩ quan công an và hải quân không? những cái lon trên vai họ thật hay giả) và một anh thợ máy, tất cả lên một chiếc ca nô loại nhỏ. Họ ra biển, hướng về vùng biển quốc tế ngoài phao số không. Tất cả những chi tiết nhỏ nhất của chuyến đi đã được tính toán kỹ càng. Họ cập mạn một con tàu vừa từ cảng Kôbê về, mới thả neo trong vùng biển ngoài lãnh hải.
Hàng hóa được chuyển từ trên tàu xuống chiếc ca-nô. Radio - cátxét, xe máy đời mới nhất, quạt bàn, những kiện thuốc lá, thuốc tây, thuốc kích dục nhãn hiệu mặt trời, đồng hồ điện tử và pin dùng cho những đồng hồ đó, quần áo Lewis đủ bộ, kể cả mũ cao bồi và roi da dùng cho cao bồi cưỡi ngựa, nịt vú Nhật và những thứ dùng cho đàn bà dưới nịt vú... Chiếc ca-nô trở về đất liền, cập vào một bãi sú. Hàng hóa được đưa lên xe du lịch, xe máy, xách tay, chuyển sang thuyền câu, mục tiêu cuối cùng là chợ và những ổ buôn lậu ẩn mình trong tiếng nhạc buồn rầu của các quán cà phê tranh tối tranh sáng. Nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát đặc sắc của Khánh Ly bỗng trở thành kẻ đồng lõa, bao che cho một con suối ngầm chảy lặng lẽ ngày đêm bên dưới cuộc sống được những tờ báo hiền lành mô tả như một vườn hồng. Thục tiến bộ rất nhanh trong công việc mới. Anh định giá chất lượng các mặt hàng thành thạo hơn những chuyên gia lành nghề, nhặt ra những đồng đôla giả trong đêm tối. Và nhanh chóng bao quát được một thị trường rộng lớn của những người buôn lậu các cỡ.
Giai đoạn "hàn vi" đó, Tuấn không biết Thục giàu có đến mức nào. Nhưng chắc chắn Thục giàu lên rất nhanh. Một buổi tối, Thục đến rủ Tuấn đi uống cà phê, cho Tuấn một xếp tiền, một cái quần Hara, một chiếc áo phông màu cà phê sữa nhãn hiệu úc. Thục nói: "Bây giờ thì có thể được rồi, tạm gọi là có thể được rồi. Tao đã bỏ ra nửa cây vàng để liên hoan, thanh toán các khoản và chia tay với thằng hải quan, tay đại úy và trung úy không biết thật hay dởm kia. Chúng nó đang phất, đang lao vào như điên thì tao bỏ, tao biết thế nào là cái lim của cuộc đời". Nhâm nhi điếu Đunhin, giọng Thục đầy âm hưởng triết học: "Bây giờ là một giai đoạn mới. Tao sẽ vào Đảng tháng ba năm nay, trước tháng ba thì hơi sớm, nhưng sau tháng ba thì có lẽ muộn. Tháng ba là thời điểm mùi vị con buôn trong tao bốc hơi đến mức tao gần như trở thành người tinh khiết". Tuấn nói: "Nhưng vào Đảng đâu có phụ thuộc vào ý muốn của cậu?". Thục nói: "Tao đã có tiền, tao có tự do và điều kiện. Rồi mày xem!".
Tháng ba năm đó Thục vào Đảng thật. Anh mua một căn phòng khiêm tốn, nguyên là gian nhà của một nha sĩ có tiếng. Sau khi ông này chết, căn phòng bỏ không vì con cái không đứa nào thèm ở. Chúng nó đành bán lấy tiền chia nhau. Tuấn đến thăm Thục sau khi anh dọn đến nhà mới nửa tháng. Phòng không bày biện gì. Cả tủ áo cũng không. Như nơi ở của một sinh viên nghèo. Thục ăn mặc giản dị đến ngạc nhiên. Một bộ quần áo bảo hộ như mua đại đâu đó ngoài đường phố. Anh hút thuốc Sông Cầu, mời Tuấn thứ thuốc ai cũng hút ấy. Anh pha trà với vẻ chăm chú của những người có thói quen thận trọng, chín chắn. "Phải thế, Tuấn ạ. Phải thế. Ngay cả một con mèo hen nó cũng biết co mình lại, giấu vuốt đi trước khi vồ mồi". - Thục nói như để giải đáp những câu hỏi trong mắt Tuấn. "Trước khi lấy của ai cái gì thì phải biết cho cái đã" - Thục nói tiếp, giọng vẫn đầy âm hưởng triết học. Thục định lấy cái gì, Thục đang cho ai cái gì, hôm đó Tuấn chưa biết. Anh chỉ biết là Thục rất giàu, Thục đã lấy của người đời lắm thứ. Nhưng của cải Thục biến đi đâu? Trước mắt Tuấn chỉ là một anh kỹ sư nghèo, có một căn phòng trống huơ trống hoác. Mãi sau này Tuấn mới nghĩ ra là giai đoạn đó Thục đang chơi con bài đạo đức. Mà đạo đức ở xã hội ta thường được quan niệm đồng nghĩa với sự nghèo, dù là cái nghèo giả tạo. Thục tiễn chân Tuấn đến đầu ngõ. "Này, Tuấn - anh nói như vô tình nhưng không giấu nổi vui vẻ - cái ca nô và ba thằng bợm kia bị hốt cách đây nửa tháng rồi. May không? Tớ đã kịp thời dừng lại ở cái lim!". Một tháng sau Thục báo tin cho Tuấn là anh đã "rút khỏi nhà giam một thằng!". Giọng anh tự nhiên như vừa rút cái bút bi ra khỏi túi. "Tay này nó biết về tao quá nhiều, phải rút nó ra" - anh nói. Tuấn đoán có lẽ là tay hải quan. Nhưng Thục không cho biết anh rút chiến hữu ra bằng cách gì.
Một thời gian khá lâu Tuấn không gặp Thục. Hai người vẫn ở cùng một thành phố. Nhưng Tuấn không thấy có nhu cầu gặp lại người bạn lớn tuổi. Nhiều lúc Tuấn nghĩ Thục có lý. Nhưng trong tình cảm, Tuấn không chấp nhận được cái lý ấy. Vì thế Tuấn ngại gặp anh.
Mãi đến tháng mười năm đó, trong một cuộc họp, Tuấn mới biết Thục vừa được nhấc khỏi xí nghiệp lên làm thư ký riêng cho một ông lớn. Một nhân vật nổi tiếng nhờ chức vị, với bầy chó béc-giê và con chó TốT sung sức. Trong một buổi chuyện gẫu ngoài hành lang một cuộc đi tham quan, Thục đã lộ ra khả năng hiểu biết của anh về những con béc-giê lai Đức. Anh lọt vào mắt xanh của vị thủ trưởng kia. Ông liền bảo tổ chức thay viên thư ký riêng của ông hiện đang dùng, tuyển Thục thay thế. Thục được ông yêu nhờ tài dạy chó với phong độ tài tử, nhờ sự mẫn cán, thông minh, nhờ các văn bản, bài báo sắc sảo của anh ký tên thủ trưởng. Người ta khen Thục đủ điều. Giàu có, lịch sự, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi họ có việc với đồng chí thủ trưởng kia. Mà giúp đỡ một cách vô tư, không vòi vĩnh, không đòi hỏi, bắt bí hay chiếu tướng bất kỳ ai như anh thư ký trước. Nhiều người mang ơn Thục. Cả một xí nghiệp hay một cơ quan, một cá nhân nào đó khi có việc với thủ trưởng của anh đều ít nhiều hàm ơn anh, người thư ký riêng dễ chịu và tử tế. Nhiều người trong giới viên chức nói với nhau rằng chàng trai trẻ bặt thiệp, đẹp trai, có tài và hiểu biết này chỉ là một vị lãnh đạo trẻ đến làm trợ lý để thực tập cho quen việc trước khi nhận một chức vụ xứng đáng đang chờ anh ta. Có kẻ phòng xa đã bắt đầu kết thân với anh, hào hiệp và rất hết mình, thậm chí còn nịnh bợ anh nữa.
Riêng Tuấn, anh chỉ cảm thấy không ưa Thục như trước, không muốn cùng uống cà phê với Thục như trước, thế thôi.
Mãi sau này, do tình cờ Tuấn mới nghe được câu chuyện đổi đời của Thục xẩy ra chiều hôm đó khi ông thủ trưởng đang ăn trái cấm với một bà nổi tiếng. Thục được cử làm giám đốc một xí nghiệp rất béo bở. Anh đổi nhà, đổi cách ăn mặc, kể cả lời ăn tiếng nói và thái độ cư xử. Anh không còn là một chàng sinh viên nghèo, một thư ký riêng mực thước, chay tịnh. Anh hiện ra trước mắt mọi người như là một giám đốc trẻ có mã ngoài hiện đại rất đáng thèm muốn, có phong độ một nhà doanh nghiệp, biết làm ăn, biết tiêu tiền để làm ra tiền và năng nổ, sôi sục. Hình ảnh Thục đáp ứng những yêu cầu mới của những người chọn tuyển cán bộ lãnh đạo hợp thời. Cái gia tài chắc chắn to lớn do Thục kiếm được nhờ chiếc ca nô đã cho anh điều kiện để sống, để nhào nặn bản thân mình theo yêu cầu của cuộc sống và những quan điểm về con người đang thay đổi.
Cuối cùng là Thục hiện ra với con chó Tây, con chó Bốp đẹp mã và thông minh mà ai cũng biết là anh vừa được sang tên một cách bí ẩn. Anh dắt con chó đi dạo trên đường phố, tự tin, như trêu trọc những ông giám đốc dốt nát và vất vả, tất bật vì chính sự dốt nát ấy.
Hôm đó, Tuấn đi với Chi trên vỉa hè, gặp lại Thục với con chó. Hồi đó Chi mới chuyển về, đang cô đơn vì thiếu bạn. Nàng có ấn tượng rất sâu sắc về anh chàng giám đốc trẻ mà nàng gọi riêng với Tuấn là người đàn ông với con chó lớn, nhại lại tên một truyện ngắn về tình yêu của Sê-khốp mà nàng rất mê.
Rồi đến đám cưới của hai người. Tuấn mất Chi, mất một cách tự nguyện vì chính anh đã hiến tế nàng cho Thục. Như xưa kia người ta vẫn thả những cô gái đẹp nhất làng xuống sông cho Hà Bá. Tuấn buồn khổ, xa lánh cả hai người. Để chống lại nỗi buồn chính bản thân cũng không lường được ấy, Tuấn xin biệt phái vào Nam một năm. Lúc trở về, Thục đã trở thành "người hùng" của thành phố. Địa vị cao sang, gia tài kếch sù, thế lực mạnh của Thục đã làm Tuấn sửng sốt. Có lẽ trong số bạn bè cùng tuổi chưa ai làm nổi một phần những gì Thục đã làm được cho bản thân mình. Về quyền lực và của cải. Về danh vọng và sự hâm mộ. Về những giai thoại trong quán nước vỉa hè hay giữa các cuộc họp quan trọng nhất. Đồng thời, Thục cũng biến mất khỏi Tuấn, hay nói một cách hình ảnh hơn, Thục đi hẳn khỏi lòng Tuấn. Cũng chỉ vì những cá tính đỏng đảnh của Tuấn: anh không ưa chơi bời với những kẻ giàu sang và hãnh tiến.
Người ta biết Tuấn vốn là bạn thân của vợ chồng Thục. Nhiều người lân la làm quen với anh. Họ hy vọng được gặp Thục ở nhà anh. Hoặc nhờ anh chuyển cho Thục một lời nhắn làm thân, một lời thỉnh nguyện. Họ nói với vẻ lơ đãng hay vô tình nhưng có mục đích hẳn hoi: họ bắn lời khen ngợi về phía Thục như những mũi tên mà Tuấn là dây cung. Qua những trò mèo của cuộc sống hiện đại đó Tuấn dần dần hình dung ra thế và lực của Thục trong xã hội nhỏ của giới viên chức. Có những điều Tuấn không tưởng tượng nổi. Thục có thể, bằng cách nào đó, thông qua một dây chuyền phức tạp nào đó, bán cho người này người kia một chiếc Cub phi mậu dịch với giá bằng một nửa, thậm chí một phần ba giá thị trường. Thục có thể viết một thư tay để cứu ra khỏi hải quan những kiện hàng chỉ có trời mới biết chứa những gì, từ giấy cuốn thuốc lá đến bột B.12 hay máu khô. Thục có thể bằng cách nào đó thật khó hiểu, làm thay đổi nhân sự ở những bộ phận nhạy cảm nhất, nghĩa là béo bở, thơm tho nhất ở một cửa hàng, một xí nghiệp hay công ty... Huyền thoại của đời sống nảy sinh hàng ngày từ khả năng nghìn tay nghìn mắt của Thục, một người còn quá trẻ để tích tụ được trong con người bé nhỏ, hữu hạn của mình quyền lực khó tin được của ma quỷ hay thần thánh.
Câu chuyện ấy xảy ra từ một buổi chiều. Chi mới từ Hà Nội chuyển về được hai mươi hôm. Chưa có hộ khẩu, tứ cố vô thân, chưa có bạn bè.
Trong giới trí thức, những người hay đọc báo, người ta biết Chi sẽ về công tác ở thành phố này trước một tuần lễ. Không phải Chi là một minh tinh màn bạc. Chưa ai biết mặt nàng. Cái tin hấp dẫn đó tung ra từ đâu đó rồi lan truyền trong các quán cà phê thường tụ bạ giới viên chức vốn rỗi rãi. Cô gái đầu lòng của nhân vật quan trọng nọ được ngưỡng vọng không chỉ nhờ tên tuổi của ông bố mà còn chính vì bản thân sự kiện lạ này. ở thành phố trước nay chưa hề có một cậu ấm, cô chiêu nào cỡ đó về sinh cơ lập nghiệp. Không vị nào có cương vị như ông cụ thân sinh ra Chi lại để cô con gái một của mình về làm việc nơi chân trời góc biển này.
Tuấn gặp Chi trong một cuộc họp. Sau một giờ bị tra tấn bởi bài nói cũ rích, nhàm chán, không có mấy thông tin của diễn giả, hết chịu nổi, Tuấn lần ra hành lang. Anh sững sờ khi nhìn thấy Chi ngồi buồn rầu trên một cái ghế dựa, hờ hững nhìn ra đường.
- Anh cũng trốn à? - nàng hỏi Tuấn để làm quen. Câu hỏi giao đãi ấy thoát ra từ một cái miệng thanh tú như sinh ra không phải để ăn, để nói mà là một công trình nghệ thuật cho người đời chiêm ngưỡng.
Tuấn mời Chi ra phố uống cà phê.
- Phải đấy - nàng vui vẻ hưởng ứng - cứ lân la ở đây họ lại bắt vào nghe thì nguy to.
Những tư tưởng lớn gặp nhau. Tuấn đáp:
- Nếu phải tuyên án thằng nào tôi sẽ bắt hắn ngồi im nghe ông ta diễn thuyết vài ngày.
Chi chuyển sang nói về trại giam, tòa án, đời sống nhà tù. Nhờ nàng Tuấn mới biết trong nhà tù cũng có thi đua.
- Đối với tôi - nàng chậc lưỡi - nghe rao giảng đạo đức là một hình phạt nặng nề.
Chỉ cạn nửa cốc cà phê là Tuấn biết lai lịch người bạn gái mới gặp. Chi đúng là cô gái bọn Tuấn bàn tán với nhau trước đây một tuần. Tuấn cảm thấy chính vẻ quý phái, học thức đã làm anh choáng váng khi gặp Chi ở hành lang chứ không phải vì sắc đẹp lụa là, rực rỡ của nàng. Chi nói nàng mới về đây, đang ở nhờ vợ chồng cô bạn làm báo. Tuấn biết cô bạn đó, một cô nhà báo tính tình phóng túng, đang có vài tai tiếng nhỏ về yêu đương, tuy vậy những bài cô ta viết thường được chú ý. Chi nói, chưa bao giờ nàng thấy Hà Nội ngột ngạt như những ngày này, cái Hà Nội thân thiết của nàng. Nàng phải bỏ thủ đô ra đi cũng là bất đắc dĩ. Vì nàng không chịu nổi gia đình. Bố nàng là một người quá nghiêm khắc. Vì quyền lực của ông lớn nên ông phải có đạo đức tương ứng. Ông cấm không cho nàng để tóc kiểu này, đội mũ kiểu kia, mặc quần áo kiểu nọ. Ông vẫn thỉnh thoảng bắt nàng ngồi quay mặt vào tường để viết bản kiểm điểm về một câu nói hỗn nào đó. Ông thành thật tin rằng phương pháp rèn giũa con người những năm năm mươi là có kết quả rất khả quan.
Chi phải vật lộn gay go để được chuyển về đây. Vật lộn như thế nào, giọt nước nào đã làm tràn cốc nước, mãi về sau, khi đã trở nên thân thiết với Tuấn nàng mới nói. Còn hôm đó, trong quán cà phê vẫn còn nghe oang oang tiếng vị thủ trưởng từ trong hội trường vọng ra, Chi chỉ nói qua như thế.
Sau đó họ gặp nhau vài ngày một lần. Khi thì do tình cờ. Hoặc Chi, hoặc Tuấn tìm gặp nhau. Sau giờ làm việc, họ thả bộ dọc một đoạn phố, vào quán uống chút gì đó, nói với nhau câu chuyện bâng quơ, nhiều lần Tuấn thú vị nghe Chi quở trách về một cái cúc áo cài lẫn hay cái cổ áo là cháy. Cũng có lúc họ cùng im lặng đi bên nhau, nghe nhau qua hơi thở. Những lúc đó Tuấn thấy mình đang sống trong một cuộc đời khác, anh không nghe thấy tiếng xe cộ và mọi thứ rì rầm trên đường phố.
Tuấn mãi mãi không hiểu được tình yêu là gì. Anh càng nghĩ, càng muốn phân tích về tình yêu bao nhiêu thì anh càng không hiểu được nó. Anh loay hoay cứ tự hỏi là có phải mình đã yêu Chi, yêu nàng ngay từ hôm gặp mặt đầu tiên hay chỉ là một tình bạn thân thiết bình thường. Anh chỉ hiểu ra những điều đó khi đã quá muộn.
Họ vẫn gặp nhau, Tuấn không biết là anh đã yêu nàng. Thời gian đó anh chỉ làm những gì tình cảm anh đòi hỏi. Anh muốn nhìn thấy nàng, muốn được nghe nàng nói, nghe nàng quở trách thân ái đầy quyền lực mà không hề có ý thức nàng là sở hữu của anh, riêng anh mà thôi. Anh chưa hiểu đó là đặc thù không lẫn được của tình yêu muôn thuở. Sau này, khi đã mất nàng rồi anh mới biết một điều giản dị là anh không thể sống thiếu nàng. Nhưng đó cũng là một điều đã muộn.
Thế rồi chiều hôm đó, họ gặp Thục trên đường phố. Thục dắt con chó Bốp theo sau. Bốp đang ở tuổi đầy năm, nhìn đời với con mắt khờ dại của con vật biết rõ vinh dự được dạo chơi trong xã hội loài người. Mãi sau này, khi đã chứng kiến nhiều cảnh bi hài của những con người hai chân hẳn hoi quỵ lụy, nịnh hót ông chủ còn hơn cả nó, con Bốp mới nảy sinh ra cái tính khinh mạn, coi thường con người. Chứ hồi đó, trông nó thật dễ thương. Đôi mắt màu tro, cái lưỡi cũng chưa đỏ hỏn hung bạo, nó ve vẩy đuôi với Chi và Tuấn ngay sau khi Thục vồn vã đưa tay ra. Cả Thục, ông chủ của nó cũng dễ thương, vồn vã không kém. Thục kêu ca là tại sao Tuấn ít đến thăm anh. Trong khi nói với Tuấn anh vẫn thỉnh thoảng liếc nhìn Chi, cái liếc rất đàn ông, đàng hoàng và duyên dáng. Hai người không thể bứt ra khỏi Thục được nữa. Thục mời họ vào quán ăn, gọi bia hơi, sò huyết, mực nướng, giá biển xào và cuối cùng là mỗi người tráng miệng một bát sủi dìn làm đúng kiểu Tàu. Con Bốp ngoan ngoãn nằm cạnh chân Chi. Nó gác mõm lên chiếc dép xốp rất gợi cảm của nàng. Thục có vẻ hài lòng về con chó. Anh mua một bát xương nhừ, đặt bát xuống đất, trước mõm nó. Chi nhìn con Bốp và Thục với đôi mắt thiện cảm. Thỉnh thoảng nàng mỉm cười.
Ăn xong, cả Chi và Tuấn đều không muốn về nhà ngay. Thục nói anh cũng thế. Anh nói với Chi rằng nếu về nhà nằm xuống cái giường trống thì đi dạo còn hơn. Nhất là sau khi ăn xong, được đi dạo thật tuyệt vời.Trời tối rồi, họ vẫn lang thang, mỗi người đều cố viện ra một lý do gì đó để khỏi về nhà. Đối với họ, mái nhà là một biểu tượng gò bó. Thế hệ Tuấn trôi qua một nửa thời trai trẻ ở quán nước và đường phố. Anh của họ ở Trường Sơn. Bố họ ở nhà tù và rừng thiêng nước độc Sơn La, Lao Bảo. Họ ra đường từ tuổi còn thơ và chẳng có ai kèm cặp họ.
Khi chia tay với Tuấn trước thềm nhà cô bạn, Chi nói: "Em nhớ ra rồi! Một cái gì rất Sê-khốp. A, đúng rồi, anh ấy là người đàn ông với con chó lớn". Tuấn mỉm cười, thấy trái tim con người có thể lầm lạc đến nguy hiểm. Nhưng ngay lúc đó anh cảm thấy thế nào rồi cũng có một chuyện gì sẽ xảy ra.
Sau đó, Thục thường tự lái xe đưa Chi về Hà Nội thăm gia đình mỗi tháng một lần. Trong những cuộc đi như thế Thục lái lấy xe, không nhờ tài xế. Tốc độ cuốn như bão. Tuấn không nói về chiếc xe mà là về "quá trình tất yếu" của tình yêu, của một trái tim nhầm lẫn. Sự đam mê cháy trong mắt Thục cùng ý chí mãnh liệt tiềm ẩn trong đôi mắt ấy đã đốt cháy lý trí của Chi. Vả lại, phong độ ấy của chàng trai đã làm nao núng bản năng của cô gái đã từng sinh ra trong nhung lụa. Tuấn đã không làm gì để cứu Chi ra khỏi ngọn lửa ma quái ấy. Anh biết Thục đang say mê Hương, đang tìm mọi cách để có Hương. Theo Tuấn, tình yêu của Thục với Hương có thực hơn, nguyên thủy hơn tuy Thục chưa bao giờ ngỏ ý muốn cưới Hương cả. Nhưng Tuấn không làm gì hết. Chi thì không kịp đắn đo, Tuấn không kịp suy nghĩ và hành động. Anh tin một điều không có căn cứ: Nếu Chi yêu anh thì sớm hay muộn nàng sẽ đến với anh. Nhưng nàng đã không là của anh. Nàng bị ám ảnh bởi hình tượng người đàn ông và con chó lớn. Định mệnh đã ngăn Tuấn lại, biến Tuấn thành kẻ hoài nghi, rụt rè và mất tự tin. Và anh đã mất nàng, đau đớn cực kỳ nhưng bề ngoài vui vẻ và dịu ngọt.
Không thể quên ngày Chi nói với anh về chuyện đó. Nàng muốn trì hoãn thêm một ngày. Chi hẹn Tuấn ra đảo với nàng trong một chuyến công tác ngắn. Tuấn đã từ chối. Vì hôm đó những tấm ảnh màu sắp hiện lên trên mặt mi-ca. Một chương mới trong kỹ thuật in trên nhựa đang mở trang đầu tiên trước mặt Tuấn, người săn tìm những điều kỳ diệu, người luôn luôn nghĩ rằng mình và đồng nghiệp của mình không có lý do gì để thua người Nhật Bản. Tuấn đã từ chối chuyến đi. Chi khóc thầm. Nàng hiểu lời từ chối ấy có ý nghĩa khác. Tuấn là một người tinh tế. Tuấn phải biết nàng mời anh ra đảo để làm gì và không một người đàn ông đang yêu nào lại có thể từ chối một dịp như thế. Nàng hy vọng trong khung cảnh hoang vắng, xa cuộc sống thường ngày, Tuấn sẽ phải bộc lộ mình rõ hơn, can đảm hơn. Nhưng Tuấn đã từ chối. Đối với Chi, đó là sự từ chối thẳng thừng. Tuấn đã không muốn cho nàng biết điều nàng muốn biết.
ở đảo về Chi không tìm đến Tuấn ngay. Mấy hôm sau, họ gặp nhau trong dịp Thục mời cả hai đi Bãi Cháy bằng chiếc ô tô của xí nghiệp anh. Một ngày chủ nhật. Nắng kinh khủng. Bãi tắm rất vắng người. Chi nói công nhân mỏ than không có tiền để qua phà đi tắm biển ngày chủ nhật. Biển chỉ dành cho ai ở đâu đâu đến như người lạ. Chi khắc khoải về chuyện đó và nàng hơi buồn. Thục, Tuấn, Chi và con chó Bốp. Họ thuê hai phòng ở khách sạn để nghỉ trưa. Chiếc xe Jeep Mỹ đưa từ miền Nam ra của xí nghiệp Thục đỗ dưới bóng mát hàng thông trước khách sạn. Ngồi lái chiếc xe Jeep trông Thục mạnh mẽ, hấp dẫn như một diễn viên phim đuổi bắt.
Họ xuống biển tắm. Uống bia hơi, thứ hàng xa xỉ ở khu mỏ. Chi kể rằng cách đây vài năm địa phương có một kế hoạch làm nhà máy bia nhưng bố nàng đã bác đi. Ông yêu cầu khu mỏ dành vốn để mua thêm máy móc khai thác. Đối với ông, việc làm nhà máy bia là một biểu hiện về ý thức hệ, nhân chuyện này ông phàn nàn với Chi rằng ở nhiều địa phương người ta đang khuyến khích tâm lý tiêu dùng mang tính tư sản, một biểu hiện làm nản lòng trong sự nghiệp tích lũy cho bước đi ban đầu. Chi cãi ông. Nàng nói với bố rằng bước đi ban đầu là một khái niệm mơ hồ, còn công nhân mỏ đang cần bia để giải thoát CO2 ứ đầy bắp thịt làm họ mệt mỏi. "Chúng ta tích lũy để làm gì - nàng nói, quên hẳn là đang nói với bố mình - khi thế hệ hôm nay đang gầy mòn đi vì thiếu ăn. Con nghi ngờ cái thiên đường của bố!". Ông cụ đập bàn: "Mày nghi ngờ hả? Ai thì được chứ mày là con tao, mày không có quyền nghi ngờ!". Ngay sau đó ông bắt nàng ngồi, quay mặt vào tường để viết một bản tự kiểm điểm.
Câu chuyện của Chi làm họ xích gần nhau lại. Không ai lên án ông già. Họ cảm thông những định kiến khắt khe trói buộc suy nghĩ của ông. Họ chỉ buồn cười về bản tự kiểm điểm. Chi nói là nàng ngồi vào bàn, chép lại một bài thơ tình của Léc-môn-tốp, lúc quay lại thì xe đến đón ông cụ đi họp từ bao giờ. Nàng viết vào cuối bài thơ một câu bằng tiếng Nga: "Thiên đường sẽ không có nếu những người xây dựng thiên đường đang đói và chia rẽ như đám con của Nôê xây tháp Babel. Ai biết điều đó?". Nàng xé vụn tờ giấy cho vào sọt rác rồi đi ngủ.
Họ cậy sò huyết do một bà buôn bày trên cái mẹt đan bằng cây dành dành, nhắm với bia. Rồi lại xuống biển. Lâu ngày không ra biển, Tuấn như cá xuống nước. Biển đối với anh là tất cả niềm vui, niềm ham sống trên đời cộng lại. Anh có thể bơi lội suốt ngày như một con cá. Nhưng Thục và Chi không biết bơi. Tuấn sải ra lớp sóng bạc đầu hiếm hoi. Bãi Cháy chỉ là một cái hồ lớn bị ngăn cách với biển qua những hòn đảo nhiều màu sắc của vịnh Hạ Long. Tuấn bơi một lúc, quay lại nhìn. Trên bãi vắng, hai bóng người nhỏ bé, xa tắp đang ngồi sát lại gần nhau. Anh nhìn thấy Thục quàng tay qua vai Chi. Xa lắm, nhưng anh vẫn nhìn thấy. Rồi Thục hôn Chi. Lúc đó đã bơi ra xa hơn, nhưng anh vẫn nhìn thấy họ hôn nhau. Con Bốp ngoan ngoãn và buồn rầu nằm bên cạnh trông xa như một búi cỏ héo. Tuấn thấy nghẹn. Anh bơi, bơi ra xa, đè lên những lớp sóng bạc đầu. Anh bơi đến lúc không còn nhìn thấy họ nữa. Anh muốn bơi mãi nhưng rồi vòng về phía hòn Trấu. Anh định lên bờ cách bãi tắm ba cây số, sẽ đi bộ một mình dọc theo con đường nhựa ven núi về khách sạn. Nhưng một chiếc ca nô cứu sinh đuổi theo anh. Nó rẽ sóng trắng xóa, chìm mất rồi lại nhô lên. Nó quyết bắt kịp anh bằng được. Anh biết mình đã vượt quá xa ranh giới an toàn bơi vào vùng biển nguy hiểm. Người ta bắt anh lên ca-nô. Thục và Chi đợi anh trên bờ. Cả hai vẫn mặc quần áo tắm. Anh thấy một khoảng trống lớn trong ngực khi nhìn thấy Chi. Nàng trong bộ đồ tắm Bikini, một băng vải tím trên ngực, một băng khác phía dưới. Đó là tất cả vải vóc trên người nàng. Trong hai mầu vải đó nàng lộ ra như một pho tượng cẩm thạch nhoáng nước. Anh khóc. Anh muốn sụp đổ hoàn toàn trước vẻ đẹp của thân hình nàng mà giây phút này anh mới nhận ra. Giây phút anh mất nàng.
Nàng ôm chầm lấy anh vừa từ cõi chết trở về. Chi nói như khóc: "Trời ơi, em tưởng anh chết đuối mất rồi". Chính nàng bắt Thục đi gọi ca-nô và anh phải trả một số tiền không nhỏ cho công ty cứu hộ. Trưa hôm đó Tuấn nhường phòng cho hai người. Họ ngủ chung phòng đến bốn giờ chiều mới dậy. Khi họ ngủ trong phòng, Tuấn lang thang trên bờ biển. Anh ý thức được mình vừa mất mát một cái gì trọng đại, thân thiết nhất trên đời. Anh không có nhiều thời gian để suy ngẫm. Nhưng anh biết rõ nếu hôm đó cùng ra đảo với Chi anh sẽ không có mất mát này. Đó cũng chỉ là giả thiết - anh tự nhủ - biết đâu Chi không yêu mình và mình đã mất cái mình không hề có. Anh không xuống biển lần nào suốt buổi chiều. ở đây biển đối với anh quá mặn và nước có vị đắng.
Trong bữa ăn tối khách sạn dọn riêng cho ba người, Thục thanh minh:
- Vì mai mới về được nên mình đã đặt cơm. Cậu có khó khăn gì với xí nghiệp không?
- Tôi có thể đi với ông bà suốt tuần trăng mật - Tuấn nói.
Chỉ có Chi nhận ra mùi vị chua chát trong câu nói ấy của anh. Thục không chú ý vì anh đang ngây ngất.
- Thôi, nói phắt đi cho rồi - Chi mạnh mẽ, dứt khoát như xưa nay nàng vẫn thế - Trưa nay anh Thục đã hỏi và em đã nhận lời.
Họ làm lễ cưới một tuần sau đó. Tuấn đã quen sự vội vã của Chi trong nhiều chuyện đời. Cái hôn vội vã. Hiến dâng vội vã. Và đám cưới vội vã. Chỉ đối với riêng anh, nàng đến, đúng hơn, nàng trở lại quá muộn màng như là chưa bao giờ nàng vội vã. Khi đã yêu Chi, có Chi, Tuấn mới hiểu sự không vội vã ấy chính là vì nàng yêu anh.
Chi không tin cho gia đình biết mặc dù Thục van nài. Thục van nài đến mức Chi phải gắt lên: "anh còn ý định ấy thì em cắt đó! Cũng không mấy người được mời, tuy có bao nhiêu người muốn đến dự và mừng cưới đôi tân nhân. Tuấn đến dự bữa cơm thân mật, tặng hai người một cái đĩa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Sáng, vẽ một con gà vuông, cái mồng gà tuyệt đẹp, màu đỏ ấy chỉ có thể so sánh với những bông chuối rừng mà Thục và Tuấn đã từng được nhìn thấy trên những mái đồi Bắc Thái. Hôm ấy, Tuấn tưởng Chi đã có bầu nên đám cưới được tổ chức vội vã.
Nhưng không phải thế. Một năm sau, Chi tìm đến Tuấn vào một buổi trời mưa, một buổi chiều thứ bảy. Nàng có vẻ hấp hổi, giận dữ và quyết liệt. Nàng nói với Tuấn một câu ngắn: "Em sẽ ngủ lại đây với anh!". Tuấn không thấy đột ngột, cũng không sợ hãi. Chi dậy vào lúc năm giờ sáng để kịp chuyến tàu đầu tiên đi Hà Nội. Tuấn còn lại một mình, ngủ tiếp. Chi đã trở lại rồi, châu đã về Hợp phố. Suốt đêm Chi không ngủ. Cái giường một chật quá, phòng đằng kia dãy nhà tập thể ông bảo vệ thỉnh thoảng lại ho. Chi nói: "Đáng lẽ em đến với anh từ lâu, anh biết không, chỉ một tháng sau ngày cưới là em đã quyết định sẽ đến với anh. Em đã thua, anh yêu, em muốn kiêu hãnh mà không được". Nàng nghĩ ngợi, nói tiếp: "Em sẽ không có con với Thục đâu, không bao giờ!".
Dạo đó, Thục đã rời chức giám đốc xí nghiệp để nhận một chức vụ cao hơn trong thành phố, mọi người sửng sốt vì bất ngờ và thèm muốn.
Thảo quyết định gặp Thục. Tự do của Huy đang là chuyện hệ trọng đối với anh. Thực ra, có lẽ việc quan trọng nhất là phải viết xong cuốn sách. Nhưng cuốn tiểu thuyết dù có được hoàn thành đúng thời gian anh đã hứa với nhà xuất bản cũng chẳng có ý nghĩa hay đưa lại lợi ích cụ thể bằng việc của Huy. Thảo tự hỏi: anh tìm mọi cách để cứu Huy là đúng hai sai? Câu hỏi đơn giản nhưng chẳng thể dễ dàng trả lời, nếu tìm câu giải đáp trên bình diện xã hội. Chỉ có một lý lẽ thuyết phục nhất đó là, nếu anh bị bắt giam vì một lý do nào đó thì Huy và Tuấn sẽ làm tất cả những việc có thể làm để cứu anh. Anh tin là Huy sẽ không đặt ra câu hỏi đó và anh thấy xấu hổ vì cái tính hay phân tích, biện minh của mình.
Huy sẽ chạy vạy đủ cách để cứu mình mà không bao giờ tự hỏi việc nó làm đúng hay sai. - Anh tự nhủ.
Anh gạt bỏ những ấn tượng nặng nề sau bữa cơm tối ở nhà Bích, đạp xe đến nhà Thục. Thục không ở nhà. Chi cho biết là vài tuần nay anh không ngủ ở nhà. Anh có tạt qua nhà vài ngày một lần, hỏi han mẹ mấy câu, vuốt ve con Bốp, đưa tiền cho Chi rồi lên xe đi. Anh nói với Chi là công việc ngập đầu, anh không về nhà ngủ được. Thảo biết là Thục đã bắt đầu ly thân trong vẻ nhã nhặn muôn thuở nhưng rất quyết liệt đúng như tính cách của Thục. Đành chờ sáng mai đến cơ quan vậy.
Thảo gửi xe ở góc đường, đi bộ lại cơ quan. Người gác cổng không hỏi giấy khi Thảo đòi vào gặp "anh Thục". Thảo thấy tự tin hơn. ở chốn công đường, những người bạn cũ vẫn thấy khó xử trong thái độ và cách xưng hô với người bạn thành đạt của mình. Nhưng Thục đã gỡ rối cho anh. Như không hề có bữa cơm tối nặng nề hôm nọ, Thục ôm lấy vai Thảo mà lắc:
- Sao không gọi điện cho tớ? Chúng mình phải gặp nhau ở quán bia mới được. Cậu đến đây làm gì. ở đây chỉ có chính trị, kiện cáo, làm ăn, áp phe, không khí đặc sệt lên rồi, không phải chỗ của bạn bè đâu.
Thảo tìm được lối thoát trong xưng hô:
- Tôi có chút việc. Hôm ở nhà Bích tôi bị sốc dữ quá.
-Cậu cả nghĩ làm gì - Thục rót nước vào chén, tay anh run run, một cô phục vụ trẻ măng bước vào, đỡ cái ấm trong tay anh - mình không sốc thì thôi chứ cậu ăn nhằm gì - anh nói với cô gái đang đứng ngây ra vẻ hối lỗi vì chậm chạp - em để đấy tất cả cho chúng tôi. Bảo cậu Thành chuẩn bị xe cho tôi. Tôi đi một mình, cho cậu ấy về nhà nhé.
Thục đứng dậy, mặc thêm chiếc bơludông mùa hè bên ngoài chiếc áo pun Thái Lan. Thục mặc gì cũng đẹp, cũng hợp. Chiếc bơludông làm anh biến hẳn từ một quan chức thành một người thành thị sang trọng, trẻ trung.
Trong lúc Thục mặc thêm áo, Thảo ngồi nhấp chén nước tự hỏi xem mình nhắc lại chuyện hôm trước có sỗ sàng và gây khó cho Thục không. Anh thấy mình đúng. Nếu anh không nhắc lại chuyện đó thì Thục sẽ nghĩ là anh thiếu trung thực và khách sáo.
Thảo bước vào chiếc Toyota Thục lái lấy. Anh là thủ trưởng duy nhất thỉnh thoảng vẫn tự lái lấy xe trong thành phố này. Chiếc xe của anh làm nhiều người ghen tỵ vì màu sơn cánh gián sang trọng và hệ thống điều hòa nhiệt độ hoàn hảo. Nghe nói anh tự bỏ thêm vàng để mua đô la cho vay góp vào tiền mua xe vì cơ quan không đủ tiền.
Chiếc xe bon trên đường ra bờ biển. Trước mặt họ là con đường nhựa bóng loáng như đổ nước. Dân tắm biển và tài xế các nơi ca ngợi con đường đạt tiêu chuẩn quốc tế này. Thục là người khởi xướng và tích cực đấu tranh để nâng cấp con đường này mấy năm trước.
- Cũng nhân có cậu mà ra biển một chút - Thục giảm dần tốc độ để nói chuyện với Thảo - từ hôm ở nhà Bích đến nay mình muốn gặp các cậu quá, nhưng không hở ra được chút nào. Mình muốn có một cuộc nói chuyện giữa đàn ông với nhau.
Thảo im lặng. Anh đang nghĩ không biết bắt đầu câu chuyện của Huy như thế nào cho phải.
- Vậy là giữa chúng mình lại diễn ra vở bi kịch muôn thuở. Cậu nói với Tuấn là mình không giận cậu ấy. Mình cũng không giận cả cậu nữa, cậu biết tất cả nhưng giấu mình. Bởi vì yêu ai là quyền của Chi. Mình không có ý định hại Tuấn. Mình có viết cho Bích như vậy thật, nhưng đó là ý nghĩ mà thôi. Lẽ ra, sau khi Tuấn bị bắt mình có thể giúp đỡ cậu ấy. Nhưng cậu hiểu cho, chúng ta là những con người.
Thảo thấy im lặng là đúng nhất. Vả lại chiếc xe vẫn bon đi rất nhanh, tuy máy móc mới tinh nhưng ngồi trong xe vẫn phải chịu đựng tiếng động và khung cảnh này hoàn toàn không phù hợp để nói những chuyện như thế.
- Mình nói với cậu nhiều lần rồi. Bọn chúng mình phải có ý thức về thời đại. Thời đại này là của thế hệ chúng ta. Chúng ta không thể làm trẻ con mãi mà cũng không thể để cho người ta coi mình là trẻ con mãi. Học hành chu đáo, có khả năng, đang độ tuổi sung sức, chúng ta chứ không ai khác phải nắm lấy cơ hội này. Các ông già thì huy hoàng đấy, nhưng mỏi mệt, quá khứ vinh quang không cứu nổi hiện tại. Họ giữ chặt vị trí của họ và họ sợ chúng mình. Phải có phương pháp, Thảo ạ, là nhà văn cậu chẳng lạ gì, lịch sử chỉ lựa chọn những người có phương pháp. Đừng lên án mình vì mình có phương pháp tối ưu hơn các cậu, hãy thông cảm với mục đích của mình... mà bỏ qua phương tiện đi.
Thục đỗ xe dưới một rặng dừa. Một vài người đi tắm biển chào Thục khi thấy anh mở cửa xe bước xuống. Anh chào lại họ, nụ cười độ lượng, ban phát. Thục lấy trong cốp xe chiếc túi chuyên dùng đi tắm biển có in hình con mèo của Canada. Anh rút từ trong túi hai chiếc quần tắm. Một bộ Bikini đắt tiền dính theo. Thục cầm lấy, vo tròn bộ quần áo tắm phụ nữ, đỏ mặt lên. Họ thay quần áo ngay trong xe, lội xuống biển. Hai người nằm trên bãi, chỗ chân sóng. Thỉnh thoảng sóng ào lên người để lại một lớp bọt vàng vàng. Không gian tràn ngập hương vị phóng đãng của biển.
- Mình muốn cậu giúp đỡ một thằng em - Thảo nói, tự tin vì tình cảm của Thục, anh đổi cách xưng hô - nó bị bắt, thằng em vợ của mình.
- Chuyện gì thế? - Thục hỏi.
- Nó đánh nhau, đâm một thằng vào bả vai bằng con dao nhíp nhưng không có án mạng. Mất một ít máu thôi. Chỉ hiềm là... thằng kia là con ông...
- à - Thục ngồi dậy, người anh đầy cát. Cát ẩm len đầy bộ ngực lông lá của anh - mình biết vụ này rồi. Cũng may, ông Nựu phó chủ tịch là người tử tế.
- Mình nghĩ thằng em mình không đến nỗi.
- Nó làm gì?
- Đi lính về, không có việc. Buôn lậu.
- Phụ tùng xe đạp à?
- To hơn thế. Nó chỉ là tay sai. Nhưng nó vẫn dính vào những dây to. Cậu không lạ gì những dây buôn lậu ở thành phố này.
- Thuốc phiện à?
- Hơn thế.
Đôi mắt Thục sáng lên, tò mò. Có lẽ những chuyến ca-nô từ buổi hàn vi đang sống lại trong ký ức. Anh đứng dậy, đi vài bước trên bãi rồi quay ngoắt lại. Anh nhìn Thảo, rõ ràng anh nóng lòng muốn biết thằng em của Thảo vẫn thường dính vào những công chuyện gì.
- Còn gì hơn thế? - Anh hỏi.
Thảo đắn đo. Nhưng một phép tính đơn giản lóe lên trong đầu Thảo. Nếu cái linh tính xưa nay của Thảo đúng thì cần cho Thục biết anh không ngu, một thằng ngốc như anh cũng biết người ta đang làm ăn như thế nào trong bóng tối. Anh phải có một quyết định:
- Mật người - Thảo nói, hoặc Huy sẽ được cứu ra hoặc tất cả sẽ sụp đổ, anh nghĩ.
Thục ngồi xuống như anh vừa bị đốn ngã. Hai tay bám vào cát, anh bốc lên hai nắm cát lẫn nước biển rồi quẳng ra xa, cười ngất:
- Sức tưởng tượng kỳ tài! óc tưởng tượng của cậu phi thường thật. Rồi cậu sẽ đi xa trong nghề văn.
Thảo nghiêm giọng:
- Mình không tưởng tượng đâu. Mật của con em dân tộc này đang bán trên thị trường thế giới.
Có lẽ thấy câu chuyện chuyển hướng quá nặng nề, Thục lặng đi một lúc rồi đổi hướng:
- Giá có thế thì cũng không sao. Thị trường hiện đại có bán đủ thứ. Máu người, mắt, tim và các loại gien... Có thêm mật nữa cũng chẳng là gì. Nhưng thằng em cậu cũng chẳng phải tay vừa. Bây giờ cậu muốn gì, tớ sẽ giúp.
- Mình muốn nó được ra. Một cuộc ẩu đả giữa bạn bè, cảnh cáo hay phạt vi cảnh là xong. Nhốt nó làm gì.
- Để mình thử xem. Nhưng cậu hiểu cho, không phải việc gì tớ cũng làm được.
Xe quay về cơ quan Thục thì thành phố đã lên đèn. Thảo bước xuống, nhìn thấy Hương đứng ở cổng.
- Hương! - Thục bối rối - em đến tìm bọn anh phải không?
- Em chào hai anh - Hương nói - em đợi các anh đã lâu.
- Mời vào! - Thục đánh xe vào gara, tắt máy, loay hoay với tấm cửa sắt.
Thảo hỏi Hương:
- Em đến gặp anh Thục hay tìm anh?
- Em tìm anh Thục. Bạn anh Huy bảo em hãy đến lạy van anh Thục, anh ấy có thể cứu anh Huy.
- Anh vừa nói chuyện với anh ấy xong. Hình như sự việc không phụ thuộc hoàn toàn vào anh ấy.
- Không phải thế - Hương có vẻ tự tin - bạn anh Huy bảo anh Thục gỡ vụ này được. Phải gỡ từ đầu, anh ạ.
Thảo nhìn cô gái đang yêu say đắm, lo sợ. Anh biết Hương dám làm mọi thứ để đưa Huy ra. Thục đến, ý nghĩ bị ngắt quãng, Thảo đưa tay cho Thục:
- Mình về - anh nhắc lại - cậu lưu ý hộ mình.
Anh quay sang Hương:
- Em nói với anh Thục mọi chuyện đi. Chúc em thành công.
Thảo trở về nhà. Căn phòng trống đến lạnh lẽo. Tuấn vẫn chưa về, không biết lặn đi đâu. Thế là cuối cùng Tuấn đã biết con người đã đạp lúc anh ngã là ai. May mắn người đó lại là Thục. Tuấn sẽ không còn hào hứng để trả thù. Chỉ có thể khinh bỉ chứ không cần phục thù. Chắc Tuấn sẽ tìm cách cho Chi biết chuyện đó. Đây là thời điểm cuối cùng của cuộc chung đụng giả dối với Thục. Điểm chót của cuộc tồn tại của một gia đình bất hạnh.
Tuấn trở về trong trạng thái tinh thần ổn định, vui vẻ. Thảo đã dự kiến điều đó.
- Mọi việc đã xong - Tuấn nói - Thượng đế đã an bài.
- Cậu lặn đi đâu?
- Tớ đi với Chi. Lần đầu tiên bọn tớ lang thang với nhau trên đường phố. Tớ kể lại cho Chi nghe buổi tối hôm ở nhà Bích.
Tuấn châm thuốc hút.
- Thằng Lanh thì vô vọng. Nó gàn quá, quân tử Tàu. Làm thế nào hả Thảo?
- Nó tôn trọng luật chơi - Thảo nói.
- Hồi hai đứa còn bị giam chung, nó nói với mình: "Thằng Tuyên muốn giúp em, em không nỡ!". Nó nhất định không chịu khai thằng Tuyên ra.
Tuấn ủ rũ, châm thuốc hút. Thảo nói:
- Cậu định đi thật à?
- Chắc chắn.
- Không có cách gì khác nữa ư?
- Không.
- Họ sẽ phải hối hận vì mất một người như cậu.
- Họ không cần nhà phát minh, không cần nghệ sĩ. Họ chỉ cần đầy tớ.
- Vừa rồi cũng rất nhiều người giúp đỡ cậu, muốn cứu cậu ra đấy thôi. Và cậu đã ra.
- Mình cầu mong có ngày những người như thế làm được nhiều việc có ích hơn là cứu một thằng kỹ sư vô tội ra khỏi nhà giam.
- Rồi sẽ tới ngày đó. Tuấn, cậu hãy tin đi. - Thảo nói.
- Tớ tin. Nhưng sự ngu dốt và tha hóa không bao giờ tạm thời. Nó trường cửu như cái ác, cái thiện, trường cửu. - Tuấn nói.
- Thì đấu tranh với nó, cuộc đấu trường cửu.
- Có nhiều cách để chống lại nó, cái ác, Thảo ạ. Cậu nhớ cho điều đó. Có nhiều cách.
- Trừ việc đi đãi vàng.
- Không - Tuấn nói - kể cả việc đi đãi vàng. Rồi cậu sẽ thấy mình đúng. Mình sẽ tồn tại xứng đáng với mình, với Chi và với cậu.
Thảo sẽ làm gì? Lần đầu tiên trong ngày anh nghĩ về cuốn sách viết dở. Anh muốn đấu tranh với cái ác trên từng trang sách. Nhưng anh đã làm gì được đâu. Sự thật hiện ra nhợt nhạt, chữ nghĩa nhợt nhạt, và cái ác ở ngoài đời mỗi ngày một trầm trọng thêm. Dù có viết cho xong - anh nghĩ - rồi cũng là một cây nến nham nhở, không được thắp đến tận cùng.
Hương gõ cửa phòng vào lúc một giờ sáng. Thảo đang viết dòng cuối cùng chương 13 cuốn sách của anh, về một người hát rong có số phận đắng cay. Khi viết chương này anh thường nghĩ đến Hương, mặc dù Hương không phải là một cô gái hát rong hay ca sĩ. Nhưng giọng hát của Hương ám ảnh anh cùng với vẻ hồn nhiên có chiều sâu ở đôi mắt, nụ cười. Có lẽ câu chuyện bên bờ vực thẳm hôm đó đã khắc sâu vào ký ức Thảo. Một lần Hương đã thắng được sự quyến rũ của vực thẳm. Hương chới với và đứng trụ lại bên bờ.
Cũng như Tuấn, Thảo không ngờ Thục lại đeo đuổi Hương dai dẳng đến thế. Anh đâu có ngờ một anh chàng bạt thiệp, từng trải, từng ở Đức năm năm, hiện đang có trong tay một người vợ đẹp và hàng tá nhân viên hấp dẫn lại có thể say mê một cô gái như Hương. Có tình yêu ở đây không? Có - Thảo tự trả lời và anh cũng không băn khoăn nếu như điều đó là có thật.
Hương bước vào như một kẻ không nhà không cửa đi tìm chỗ trú. Mái tóc nhàu nát, chiếc áo thun rộng chảy xuống làm lộ một cái cổ cao, hơi xanh, bí ẩn nhờ những mạch đập khe khẽ. Hương ngồi lên chiếc ghế xa lông cạnh Thảo. ở góc nhà, Tuấn quay người vào vách. Anh chưa ngủ, nhưng không muốn dậy lúc Hương bước vào. Thảo đặt bút:
- Sao em về khuya thế? - anh hỏi.
- Vì phải thế - Hương nói, bình thản - Cho em cốc nước, anh. Em khát quá.
- Anh Thục nói sao?
- Anh ấy đồng ý rồi. Anh ấy đã hứa.
Thảo lặng đi. Anh lấy chai nước nguội rót cho Hương một cốc đầy. Tay anh run run. Hương uống ừng ực như hàng năm nay không được uống.
- Anh đưa em về, anh Thảo. Em sợ. Em phải đi xích lô đến đây, em đến cho anh biết là anh Thục đã nhận lời để anh yên tâm. Anh ấy nói là vì anh và vì cả em nữa.
Thảo khóa cửa bên ngoài, dắt xe cùng Hương ra đi. Đường phố vào lúc khuya khoắt thế này không an toàn lắm. Nhưng Thảo biết anh đã không bảo vệ được Hương dù anh đã lường trước mọi chuyện xẩy ra. Bây giờ thì anh mong mình đã nhầm lẫn và cổ anh nghẹn lại.