6.

Gửi anh,

Em sắp mất anh thật rồi. Còn có thể nói gì với anh đây ?

Chủ nhật vừa rồi em đi dạo trên con đường chúng ta vẫn thường đi mỗi khi anh ghé  qua đây. Hoa mận vẫn trắng nguyên màu trắng ấy như hồi ta bên nhau, màu trắng dường như mặc định để không bao giờ thay đổi. Lúc đi bên cạnh anh em không thể nào ngờ được lại sẽ có một ngày như hôm nay, em viết thư cho anh để nói những chuyện như thế này.

Hôm qua em đọc được trên internet đoạn này, của một blogger vô danh, hình như anh ấy cũng là giáo viên :

Đừng sợ làm họ đau. Không đau làm sao họ có thể thức tỉnh ? Những lời ve vuốt đường mật chỉ khiến họ chìm sâu hơn vào giấc ngủ. Và nếu tất cả chúng ta cứ chìm mãi trong giấc ngủ mụ mị thì nhắm mắt cũng nhìn thấy các hậu quả. Chẳng phải mọi vấn nạn hiện nay đều là hậu quả của giấc ngủ mê mệt của tất cả chúng ta hay sao ?

Đừng sợ làm họ đau. Dù rằng khi đau họ cũng sẽ tìm cách làm ta đau. Nhưng việc họ làm ta đau có thấm gì, chẳng phải ta đã đau một hay nhiều nỗi đau còn lớn hơn thế sao ? Chẳng phải ta buộc phải làm họ đau vì chính ta đã đau cả nỗi đau của họ sao ? Chẳng phải chính ta đang cảm nhận nỗi đau chung của tất cả chúng ta sao ?

Đừng sợ làm họ đau. Dù rằng khi đau họ sẽ trừng phạt ta, bằng đủ mọi cách. Khi trừng phạt ta, có thể một vài trong số họ cũng cảm thấy đau. Nếu không tất cả chúng ta đã chết từ lâu rồi. Đừng sợ đau, nếu không ta sẽ không thể nào tỉnh dậy được.

Anh ấy viết trên blog như vậy. Trong khi đồng nghiệp của anh muốn mọi người thức tỉnh, anh lại bắt đầu chìm vào giấc ngủ thế kia. Có vẻ anh sẽ ngủ rất sâu và rất lâu. Rồi trong giấc ngủ anh lại sẽ mơ đúng những giấc mơ mà chỉ một thời gian ngắn trước đây anh từng phủ nhận. Nhưng đó có thể sẽ chẳng còn là những giấc mơ trong lúc ngủ, mà sẽ là những ảo mộng trong đời sống tỉnh thức.

Em còn đọc thấy trên facebook một entry khác của một bạn trẻ, nhìn avatar thấy bạn ấy còn rất trẻ. Một cô gái có khuôn mặt bầu, da rám nắng. Em chép lại đây, anh đang càng ngày càng xa dần cái thế giới vốn trước đây là của anh :

Những vị giáo sư đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy sản xuất ra hàng đống sách mà đố tìm thấy dòng nào trong đó chuyển tải một cái gì là của riêng họ. Theo dòng tăng lương, tăng chức vụ và danh vị, họ đều đều sản xuất ra những bài báo, những giáo trình xào đi xào lại mớ chữ cũ rích, rách nát hình hài và  xác xơ chất liệu, cằn cỗi nội dung, áp đặt tinh thần nô lệ lên những đầu óc non trẻ của sinh viên. Nếu họ còn một chút xấu hổ hẳn họ đã ngừng viết từ lâu. Nhưng liêm sỉ thì teo dần teo dần cùng với trí não, và dạ  dày thì càng phình to phình to cũng với hỗn hợp sệt trộn lẫn sợ hãi và lòng tham, tham sống, tham vật chất, tham tình, tham quyền lực, tham danh vọng.

Em có linh cảm buồn rồi đây anh sẽ thuộc về tầng lớp những vị giáo sư như vậy đó.

Ông bác sĩ của anh… Ông ấy nhân danh việc tôn trọng sự khác biệt để chấp nhận mọi thứ xấu xa tồi tệ xung quanh, để khỏi phải nhìn thấy mình cũng tham gia vào cái công cuộc đốn mạt làm cho con người trở nên hèn hạ, để khỏi phải thấy chính sự hèn hạ của mình. Ông ấy dẫn trường hợp Aliosa, mà ông ấy cho là người không bao giờ phán xét ai, như một vật đảm bảo, để khỏi phải phán xét những người xung quanh và khỏi phải phán xét chính mình. Ông ấy quên hay cố tình quên mất chính Aliosa đã đòi giết, đòi kẻ giết người phải chết, đã sẵn sàng vi phạm pháp luật để cứu người vô tội, ông ấy cố tình quên rằng Aliosa đã phán xét bằng chính hành động của mình.

Aliosa, chàng trai có trái tim trong trắng và tâm hồn thánh thiện ấy, đã đòi bắn. Anh không nhớ sao ? Anh có cuốn « Anh em  nhà Karamazov » ở trên giá, em biết rõ mà, lẽ ra anh phải kiểm tra trước khi tin một cách vô điều kiện vào ông bác sĩ của anh. Anh còn nhớ đoạn đối thoại giữa hai anh em Ivan và Aliosa không ? Em không thể nào quên đoạn văn ấy, lúc Ivan đòi Aliosa phải cho biết thái độ của mình trước một sự việc. Ivan kể câu chuyện về đứa bé làm què chân một con chó của một vị tướng cao ngạo và khinh người. Ông ta đã bắt lột truồng nó trong một buổi chiều rét mướt, xua nó chạy và cho đàn chó săn đuổi theo, cắn xé nó tan xác trước mắt người mẹ tội nghiệp. Viên tướng đó chỉ bị giám hộ mà thôi. Ivan đã hỏi dồn Aliosa : « Chứ… còn biết bắt ông ta đền tội thế nào nữa ? Xử bắn ư ? Để thỏa mãn tình cảm đạo đức, phải xử bắn ư ? Nói đi, Alisosa ! » Và Aliosa trả lời không một chút đắn đo :  « -Bắn ! Aliosa khẽ thốt lên, môi tái nhợt méo xệch đi trong một nụ cười, ngước mắt nhìn anh. »

Aliosa đã phán xét như vậy đó. Không chỉ phán xét, còn đòi xử tử. Đối với Aliosa, một kẻ như thế không đáng được sống. Cũng Aliosa ấy đến cuối truyện đã giúp anh trai mình vượt ngục, dù không chứng minh được, chàng cũng biết rằng anh trai mình không phạm tội, rằng tòa án đã hủy diệt công lý khi kết tội Dmit’ri. Chỉ còn cách vi phạm pháp luật để đòi lại công lý. Aliosa đã không ngại làm việc đó. Đấy không phải phán xét thì là gì ?

Ôi Dostoievski vĩ đại, làm sao ông có thể ngờ rằng người ta sẽ dùng thuyết phức điệu của ông để ngụy trang cho sự hèn hạ và tội lỗi. Làm sao ông có thể ngờ rằng người ta sẽ dựa vào ông và nhân vật của ông để biện minh cho tội lỗi và để tìm kiếm sự thanh thản, sự thanh thản mà nhân vật của ông không biết đến. Cứ theo lý thuyết của ông bác sĩ của anh, thì anh sẽ phải yêu quý cả một vị sếp như viên tướng đó, viên tướng đã xua cả đàn chó cắn xé một đứa trẻ bị lột trần truồng, viên tướng mà Aliosa đã đòi xử bắn. Anh sẽ yêu mến viên tướng đó chứ, và sẽ làm cho hắn yêu mến anh chứ ? Viên tướng đó giết một đứa trẻ. Còn nhiều đồng nghiệp của anh, dù họ có ý thức được hay không, có thể đã làm băng hoại trí tuệ và tinh thần của nhiều thế hệ.

Anh còn có thể nói cho em biết anh ghét gì không ? Hay đã đến lúc anh yêu hết mọi thứ rồi ? Đã đến lúc sự giả dối, bất công, tàn bạo không còn làm anh day dứt nữa ? Mà có thể anh đã yêu cả những thứ đó chăng ?  Không những thế, vượt quá giới hạn vô cảm anh sẽ lấn sang một ranh giới khác, ranh giới của những gì đã được Gorki miêu tả : « tất cả những gì mang tính thú vật đều được chính phủ cổ vũ », « tất cả những gì có tính người đều bị truy bức ». Em thấy rằng, bằng công cuộc « chữa bệnh » này, anh đang truy bức tất cả những gì thuộc về tính người ở trong anh. Để làm gì vậy, để tránh cho chính phủ khỏi phải truy bức anh nay mai ư ?

Có vẻ em trích dẫn người khác hơi nhiều trong thư này. Em chỉ muốn nói rằng anh vẫn có « mọi người » xung quanh, anh vẫn có một cộng đồng xung quanh, dù ít ỏi, chứ đâu phải có một mình. Nhưng anh trên đường từ bỏ cộng đồng thiểu số đó để đến với cái cộng đồng đang là số đông và đang hưởng lợi trên sự ngủ vùi của chính họ, ngủ thật hoặc vờ như đang ngủ, bất chấp việc lợi ích mà họ hưởng thụ ngày hôm nay cũng chính là vực thẳm đen tối sẽ mở ra trong tương lai cho con cháu họ.

Em có linh cảm xấu rằng cái cộng đồng ít ỏi kia, cái cộng đồng đang nỗ lực trong tuyệt vọng để cứu vãn sự lụn bại của đất nước anh sẽ bị cản trở bởi chính những người như cái con người mà anh sắp trở thành. Có thể bạo lực không làm những người đang đấu tranh lùi bước, đàn áp và tù tội không làm họ giảm ý chí, nhưng chính cái cộng đồng mà anh sắp gia nhập lại là trở lực lớn nhất đối với họ, bẻ gãy họ, vô hiệu hóa họ và làm họ tổn thương một cách sâu sắc. Đó chính là điều mà ông bác sĩ đang làm đối với anh hiện nay. Chẳng khó khăn gì để hình dung rằng anh sẽ tiếp tục làm như thế với những người khác trong nay mai. Con người mà anh sắp trở thành đó, con người ấy mới thực sự nguy hiểm đối với dân tộc của anh. Bởi người ta sẽ nhìn thấy rõ những kẻ bán nước, những kẻ tham lam và tàn bạo, nhưng người ta sẽ nhầm lẫn, sẽ bị lừa bởi những kẻ giả dối, những kẻ biết nâng sự lừa đảo lên thành nghệ thuật, những vị giáo sư, những nhà khoa học, những nhà văn, những trí thức, những người làm giáo dục… thuộc loại  đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy.

Mai đây anh sẽ thuộc về số những người đi hàng hai, bởi trí tuệ của anh vẫn buộc anh phải nhìn ra một số thứ bất chấp anh có giả vờ mông muội đến mức độ nào, nên anh sẽ phải vừa đi bên này vừa đi bên kia. Mỗi bước chạng hảng của anh sẽ đè nặng lên đầu người dân xứ anh và khiến họ chìm đắm sâu hơn nữa. Anh sẽ nhận tiền bạc và những cái vuốt ve của chính quyền để viết những diễn ngôn nhừa nhựa, những phát ngôn đúng muôn thuở, nhưng cũng sẽ chẳng có một tác động nào đối với nhận thức, chính là vì chúng không bao giờ sai, và vì chúng luôn ở giới hạn được phép. Chẳng phải anh đã nói trường học nào cũng dán lên tường câu khẩu hiệu : « khiêm tốn, thật thà, dũng cảm », và đó là những đức tính mà nhà trường xứ anh không thể dạy được cho học sinh, chẳng phải như vậy sao ?

Rồi đây, anh sẽ viết và diễn thuyết về lòng trung thực và can đảm, trên mọi tờ báo và khắp mọi diễn đàn, nhưng những người đọc anh và nghe anh sẽ chẳng bao giờ học được những đức tính đó, chẳng bao giờ  tự hình thành cho mình những đức tính đó. Trái lại họ sẽ học được sự khôn ngoan. Hành động của anh sẽ chứng tỏ anh thừa khôn ngoan và thiếu cả can đảm lẫn trung thực. Đó là điều đã giúp anh thành công. Người học cũng muốn thành công như anh, và họ sẽ học đúng cái thứ mà họ thấy rõ là đã giúp anh thành công : sự khôn ngoan.

Bây giờ em lại ước rằng giá như anh đừng quay trở lại. Nếu anh không trở về ít nhất anh còn cứu được chính mình. Khi anh cứu được chính mình anh sẽ không tàn hại những người khác.

Con người sẽ không thoát khỏi bị phán xét. Dưới hình thức này hay hình thức khác. Bởi người này hoặc bởi người khác. Bởi Chúa hay Quỷ.

Nhưng con người có thể thoát khỏi sự phán xét của chính nó. Mọi bi kịch và tội lỗi sẽ bắt đầu từ đó, từ lúc con người đánh mất khả năng tự phán xét chính mình.

Anh đừng ngạc nhiên khi tới đây không còn nhận được thư trả lời của em. Nếu không muốn nói dối tốt nhất em sẽ không nói gì cả. Hơn nữa, giờ đây dù em có nói gì, mọi điều cũng dường như đều vô ích đối với anh.

Xin anh dừng trị liệu.

       Một ngày cuối thu, lá không còn vàng hơn được nữa