ĐÊM GIAO THỪA

Truyện ngắn của Vĩnh Hiền

 

Quán nửa khuya vắng vẻ, chỉ có hai người khách. Lão già ngồi ở chân bậc cấp phía đông của quán, đàng trước là biển cả bao la rì rào tiếng sóng. Chàng nghệ sĩ ngồi bên trong quán, ở một cái bàn kê gần hàng hiên, ngay trước ghềnh đá cao có một cây cổ thụ nghiêng mái bù xù che phủ mái ngói, gần như kín cả mé tây này. Nửa đêm trừ tịch, quán không còn đón khách vãng lai. Ông chủ quán đang ngủ trên ghế bố kê ngay giữa phòng, gần hòn non bộ có ba tảng đá châu đầu lại thành cái thế thiên địa nhân, ôm lấy ông Phật Di Lặc đang ngoác miệng cười vô tư. Mọi vật yên tĩnh, chìm sâu vào không gian mờ tối, hư ảo của đêm giao thừa vắng lặng. Chàng nghệ sĩ nâng ly rượu Martel lên, nhìn nghiêng, thấy đã gần cạn. Chai rượu còn hơn hai phần ba, để cạnh gói Lucky, ly nước đá và đĩa hạnh nhân đã vơi quá nửa. Chàng rót thêm rượu vào ly, đứng dậy, đi quanh quán tìm xô đá ban nãy ông chủ đã tới lấy đi. Xô đá nằm ngoài bậc cửa phía đông, chỗ lão già đang ngồi bất động. “Xin lỗi,” chàng nói khẽ, “tôi lấy chút đá.” “Ừ…đá…đá một đời rong rêu. Lăn hoài mà vẫn còn nhiều tồn sinh.” Lão già lầm bầm, bỗng cười khúc khích khi quay đầu lại nhìn chằm chằm vào chàng nghệ sĩ đang ngồi xổm lấy đá bỏ vào ly soda. “Ông còn rượu không?” lão già hỏi. Chàng nghệ sĩ nhìn vào ly đá không đặt kề ly rượu đã cạn của lão già. “Ừ, còn. Trong kia,” chàng nói và đứng dậy, tay cầm theo xô đá. Chàng liếc nhìn lão già đoạn nói, “Trời đang trở lạnh đấy. Hay ông vào trong kia ngồi uống với tôi. Rượu Remy Martel còn hơn nửa chai. Uống một mình cũng phí.” Lão già lồm cồm đứng ngay dậy, hai tay cầm hai ly không đung đưa trước mặt. “Tửu mà không phùng tri kỷ được hả? Remy Martel. Cao cấp. Tôi đang uống rượu ngọc dương đặc sản của quán. Lạt phèo như nước ốc. Bỏn xẻn một đời lão chủ.” Hai người đi vào quán, ngồi xuống cái bàn của chàng nghệ sĩ. Rượu được rót ra ly. Nâng cốc chạm nhau. “Sắp qua năm mới. Chúc ông,” chàng nghệ sĩ nói và uống một hơi. “Chúc nhau một chén vô thường. Thường đâu thì cũng con đường long rong,” lão già nói chậm chạp, cố nốc hết ly rượu. Giữa quán ông chủ bỗng thức giấc, lục đục một đỗi rồi nói vọng lên, “Sắp giao thừa rồi. Chúc mừng năm mới hai vị.” Phía xa xa bên trên thành phố pháo hoa bỗng nổ lụp bụp, bắn những chùm ánh sáng màu đỏ đẹp mắt lên bầu trời đêm tối thẩm. “Chúc mừng năm mới, ông chủ Lưu,” chàng nghệ sĩ nói và lại rót rượu vào hai ly. Im lặng. Pháo hoa càng lúc càng thi nhau bắn vọt lên trời từ đủ hướng. Không khí se lạnh xung quanh. Mái đầu cổ thụ rì rào cùng sóng biển bên dưới, xa ngoài kia. “Ông đang nghĩ gì vậy?” lão già chợt hỏi. “Tôi?” chàng nghệ sĩ nhìn lão già một đỗi rồi nói, “Không nghĩ gì cả.” “Ha!” lão già chồm người tới trước, nhón lấy một hạt hạnh nhân bỏ vào miệng, vừa nhai rào rạo vừa nói, “Sao ông biết ông không nghĩ gì? Con người ta sinh ra có một khối óc màu xám xù xì và một quả tim màu nâu đỏ cũng xù xì. Óc và tim không cho phép con người ta không được suy nghĩ gì. Khi ông nói ông không suy nghĩ gì là ông đang nghĩ về chuyện ông không suy nghĩ gì, phải vậy không? Óc và tim đâu có bao giờ cho phép con người không suy nghĩ gì dù chỉ trong một sát na. Ha! Vậy ông làm nghề gì?” lão già lỏ mắt ngó chàng nghệ sĩ chăm bẳm, “Làm nghề gì để có tiền uống Remy Martel?” Chàng nghệ sĩ xoay xoay ly rượu trong tay rồi nói, “Làm người.” Lão già bật cười, “Ha! Làm người…tôi đi chân rụng hai hàng. Kịch đời múa máy chưa tàn canh thâu.” Ông chủ Lưu bỗng đi ra đứng gần mái hiên, nói trổng, “Pháo hoa đẹp nhỉ!” Lão già ngước mắt lên nhìn bầu trời đêm đang lung linh những chùm pháo hoa đủ màu sắc. “Pháo hoa mà đẹp cái gì?” lão nói, “Chẳng qua chỉ đủ lì xì đầu năm.” “Tôi làm nghệ sĩ hát rong,” chàng nghệ sĩ bỗng nói, “Và tôi kiếm ra tiền  nhờ làm nghệ sĩ hát rong.” Chàng ngửa người ra sau lưng ghế. “Ha!” lão già nói, “Trót làm nghệ sĩ hát rong. Cho nên ông cứ thong dong có tiền!” Ông chủ Lưu xịch đến bên bàn của họ, “Hai vị có dùng chút bánh chưng dưa món không?” “Món nào cứ hãy chưng ra. Bằng không trong bụng xót xa cũng phiền,” lão già nói và đứng dậy. “Ngồi với nghệ sĩ chán phèo. Chẳng thà ta cút một lèo cho xong.” Chàng nghệ sĩ vươn tay ra nắm lấy tay lão già, “ Ông là người ưa đi náo hoạt cuộc đời đó hả?” “Gì?” lão già ngó xuống, hấp háy đôi mắt tinh anh sau cặp kính cạn dày mo. “Ông muốn làm thơ không?” lão hỏi giọng nhừa nhựa , “Muốn thì làm với tôi.” “Không, tôi chưa muốn làm thơ,” chàng nghệ sĩ nói,”Ít ra là lúc này…làm với ông.” “Rất hay!” lão già lại ngồi xuống ghế, nhìn chăm bẳm vào chai rượu Remy Martel, “Rất hay giữa lúc giao thừa. Bỗng dưng lại muốn làm thơ chúc đời. Chúc ông một tuổi nên người. Chúc tôi một tuổi lại mười người nên. Chúc anh chúc chị tân niên. Chúc bà con cô bác tiền đầy rương. Chúc tôi một cõi vô thường. Lúc về lại nhớ con đường mình đi.” Lão tự rót rượu cho mình và chàng nghệ sĩ. Lão nâng ly lên nói, “Ông may mắn có tôi trong đêm giao thừa này. Cũng như tôi may mắn có ông trong đêm giao thừa này. Ha! Ta về mộng mị ban sơ. Ra đi như thể chưa bao giờ ở đây.” Lão cụng ly vào ly chàng nghệ sĩ đánh cạch một cái, đưa ly lên miệng uống cạn rồi đứng dậy, hơi loạng choạng, đi thẳng đến giữa quán, gần cái ghế bố ông chủ Lưu đang ngồi. “Chào bạn già cả già nua,” lão nói lớn hết cỡ, “Chúc bạn năm mới te tua cái lòng. Còn tôi thì cứ long rong. Đến khi nào hết lòng thòng te tua.” Lão già đi xuống các bậc cấp, ra giữa sân, nhảy cẩng lên, hai tay vung quanh mình. “Chúc mừng hội tụ đất trời. Chúc mừng ta lại gặp người đãi ta. Đãi ta một cõi ta bà. Để rồi năm tháng còn là gì đâu/’

Lão đi thẳng xuống con đường độc đạo dẫn lên quán rượu trên đỉnh đồi. Từ xa còn nghe giọng lão loáng thoáng vọng lại:”Còn là gì đâu mà cầu? Có chăng là chút rượu bầu túi thơ…”

Chàng nghệ sĩ bỗng nói với ông chủ Lưu, “Tôi bỗng có một ý lạ để làm ra một cái gì đó mới mẻ hơn, ông chủ Lưu à.” “Ờ,” ông chủ Lưu nói và  tự rót cho mình một ly rượu whisky pha soda.

 

 

 

 

XUÂN GỌI

Truyện ngắn của Vĩnh Hiền

 

Hai người ngồi trên hàng hiên của sân thượng ngó xuống vườn. Nắng xuân rọi chiếu lên bãi cỏ làm sáng lấp lánh màu xanh lục non đang nhấp nhô đùa giởn theo những cơn gió ban mai từng đợt thổi đến từ mặt sông phía sau khuôn viên. Người già hơn nhấp một ngụm cà phê, đặt tách xuống, ngả người ra sau lưng ghế dựa, thong thả nói, “Ta có thể nghe và cảm được mùa xuân đang réo gọi, đang thúc giục ta phải làm một cái gì đó tinh khôi, mới mẻ cho đời ta.” “Chỉ cho đời ta thôi sao?” người trẻ hơn mỉm cười hỏi. “Ừ,” người già hơn châm điếu Vinataba, hít một hơi và nói, “Chỉ cho đời ta.” Y nhìn xuống sân vườn rực nắng hồi lâu rồi nói tiếp, “Một điều gì đó lạ kỳ, lôi cuốn, dị thường, độc đáo, duy nhất, dễ thương và vân vân các cái = điều gì đó đang khởi động trong vô thức và cả trong ý thức rõ ràng nhất, thảy đều xuất phát ở tự tâm. Chứ không lẽ anh đòi hỏi tha nhân nào ở đây, ở cái giây phút hiện tiền xuất thần nảy sinh ra trong tim người nghệ sĩ?” “Ừ nhỉ,” người trẻ tuổi hơn bật cười nói, “Không thể xã hội hóa hay nhân loại hóa cái giây khắc sáng tạo độc lập và duy nhất = không phải, duy chỉ có ở người nghệ sĩ khi anh ta đang nhập thần vào…cái gì nhỉ?” “Nhập thần vào thế giới sáng tạo của mình,” người già hơn mỉm cười nói, “Đó là cái lúc ta đại định, nói như nhà Phật. Khi ta bỗng tự nhiên như nhiên buông bỏ tất cả mọi công thức và lý luận mà đời khoác lên ta để nhập thần vào khoảnh khắc hiện tiền của trực giác sáng tạo.” Y châm nước sôi vào bình trà, nhìn lên bầu trời đầy mây trắng đang bay tản lạc trên cao như những cụm bông gòn đi lang thang không mục đích. Bên trong nhà, người đàn bà đang mở một đĩa nhạc hòa tấu cổ điển. Sicilano = Vivaldi. “Khi bạn nghe và cảm nhận được một bản nhạc,” người già hơn trầm ngâm nói, “đó là khi bạn thụ hưởng thành quả lao động của người khác đã tạo ra những chuỗi nốt nhạc ấy, và bạn lắng lòng mình để cảm cho hết cái tinh túy, cái phẩm chất tuyệt đẹp mà bản nhạc đang phơi ra trước thế giới mà bạn đang sống, dù bản nhạc ấy được làm ra cách thời gian bạn nghe cả hàng trăm năm. Đó gọi là sự diệu thường của nghệ thuật mà không gian và thời gian không có khoảng cách. Chẳng hạn bạn đang nghe một bản nhạc mà bạn thậm chí không biết đầu đề cũng như tác giả của nó, một bản nhạc mà bạn mới nghe lần đầu tiên.” Y ngừng lại giây lát đoạn nói tiếp, “Ừ, hồi đó tôi mới 25 tuổi, ngồi trong một quán cà phê với một ông bạn già, đang nghe một bản nhạc cổ điển. Ông bạn già nói với tôi, ‘Anh không biết gì về  nhạc phẩm này và tác giả của nó, anh cũng không biết gì về nhạc lý, nhưng anh hãy thử trải lòng mình ra, thật nhẹ nhàng, thật thanh thoát, không suy nghĩ gì khác, mà để cho bản nhạc thấm vào anh. Anh sẽ tự cảm nhận ra bản nhạc đang nói điều gì với anh.’” “Rồi sao?” người trẻ hơn hỏi khi người già hơn im lặng không nói tiếp. “Sao à?” người già hơn mỉm cười nói, “Và tôi đã nghe và cảm nhận lần đầu tiên trong đời một nhạc phẩm hòa tấu cổ điển. Tôi nghe và thấy mùa xuân đang trải ra và réo gọi quanh tôi. Tôi thấy một dòng suối đang chảy róc rách qua một khe núi xanh um cây cỏ, qua một trảng rừng đầy muông thú đang sống, ăn, uống và nhảy nhót, nô đùa. Tôi thấy một làng quê yên tĩnh nằm hiền hòa dưới nắng xuân, với những cánh cò trắng bay nhởn nhơ trên cánh đồng xanh, với những đứa bé chơi đùa quanh những con đường làng quanh co, khúc khuỷu dưới những lùm tre rợp bóng và những bụi hoa dại màu tím, màu đỏ có những con bướm lượn lờ vui vẻ, với hình bóng thấp thoáng của những bà mẹ già ôm những thúng rau tươi trên đường đến chợ làng. Tôi thấy mùa xuân réo gọi trên thành phố đầy ngập ánh sáng xanh đỏ của những ngọn đèn, mùa xuân chạy trên những khu phố chợ phồn hoa, mùa xuân múa trên những sắc màu đô thị, mùa xuân cười trên các tà áo thiếu nữ dịu dàng tha thướt, trên môi hồng và má đỏ của thanh xuân. Tôi thấy một không gian sáng sủa bao la với bầu trời mùa xuân đầy mây trắng như lúc này đây, với nắng xuân sáng lấp loáng trên bãi cỏ, trên cây cối, trên những mái nhà tranh và nhà ngói, trên những con người đang đi đứng nói cười chỗ này chỗ nọ. Tôi thấy mùa xuân đang níu lấy tôi, ấn vào tay tôi một sứ mạng cao cả: sứ mạng làm CON NGƯỜI trong thế giới ngày nay : cái thế giới mà hiện giờ sau 40 năm, tôi đang sống và đang góp phần sống tốt đẹp nhất của mình vào cho nó.”

“Một nhạc phẩm rất hay phải không?”người trẻ tuổi hơn nói, “Và bây giờ thậm chí anh cũng không biết nó là nhạc phẩm gì và nó là do ai sáng tác?” “Hoàn toàn không biết,” người già hơn nói, “Tôi phải cảm ơn điều đó. Tôi cũng nên cảm ơn ông bạn già năm xưa đã khai thị cho tôi vào thế giới trực cảm.” “Ừ,” người trẻ tuổi hơn mơ màng nói, “Mùa xuân đang gọi anh và gọi tôi. Không phải để làm điều gì đo cho mình, nhưng trước hết phải cho mình cái đã, thì người khác mới hiểu và cảm nhận được chứ?” Người già hơn rót trà ra hai tách. “Không có nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh ở đây. Không có phạm trù này hay lý luận nọ ở giây phút hiện tiền khi ta thăng nhập vào thế giới. Cái đó  nhà Phật gọi là ngộ được Tánh Không thì không thấy có không cũng không thấy có hữu. Không thấy cái mình thấy và cũng không thấy cái mình không thấy là thấy và không thấy của cái không thấy.”

Người trẻ hơn bật cười, “Vậy anh thấy gì ở mùa xuân đang đến trước mặt anh?” Người già hơn hớp một ngụm trà rồi cười sảng khoái, “Tôi thấy mùa xuân đang gọi. Xuân gọi hai anh em mình hãy đi xuống phố và gặp mùa xuân ở bất kỳ một nơi nào đó với bất kỳ một người nào đó và với một tâm cảnh bất kỳ.”

Hai người lửng thửng đi bộ ra khỏi khu vườn đầy cây lâu năm đang ưởn mình tắm gội dưới nắng xuân lấp lánh, qua bãi cỏ xanh mướt trải rộng đến bờ rào cây dâm bụt đang nở những đốm đỏ tươi lập lòe sáng trong màu xanh lục dịu của lá mùa xuân.