Tchekov

Đào Tuấn Ảnh dịch

Hạnh phúc

 

Tặng Ia. P.Polonski

 

Trên con đường rộng của thảo nguyên, thường được gọi là đường mòn lớn, có một đàn cừu đang ngủ đêm. Trông coi đàn cừu là hai mục đồng. Một người là ông lão tám mươi, móm mém, mặt mũi run rẩy, nằm xấp giữa  đường, đặt hai cánh tay lên đám lá mã đề đầy bụi; người kia là một gã trai lông mày đen, không ria, áo quần may từ vỏ bao gai thô, nằm ngửa, gối đầu lên cánh tay, mắt nhìn trời, nơi hướng thẳng xuống mặt là giải ngân hà và những ngôi sao đang thiếp ngủ.

Nhưng không chỉ có những người chăn cừu. Cách họ chừng sazen, một con ngựa thắng yên sẫm lại trong bóng đêm trải khắp con đường, cạnh nó một người đàn ông đứng tựa vào chiếc yên. Anh ta đi đôi ủng lớn, mặc chiếc áo khoác ngắn, nhìn bề ngoài, có vẻ là một nhân viên kiểm lâm của ông chủ nào đó. Căn cứ theo thân hình thẳng đuỗn và bất động, theo cung cách và lối đối xử với những người chăn cừu, với con ngựa, xem ra anh ta là một người đàng hoàng, có suy nghĩ và hiểu được phẩm giá của mình. Thậm chí trong bóng tối cũng nhận thấy ở anh ta dấu vết nhà binh và cả cái cung cách oai vệ - trịch thượng của một người thường xuyên tiếp xúc với các ông chủ hay những tay quản lý.

Những con cừu đã ngủ yên. Trên cái nền xám nhạt của bình minh đang bắt đầu phủ lên bầu trời phía đông, đó đây in rõ bóng những con cừu không ngủ. Chúng đứng bất động, đầu cúi xuống nghĩ ngợi về điều gì đấy. Những ý nghĩ của chúng kéo dài lê thê, khiến chỉ có thể liên tưởng tới thảo nguyên  mênh mông và bầu trời, về những ngày và những đêm. Những ý nghĩ đó dường như làm chính chúng bị tê liệt, đè nén chúng đến độ vô cảm, nên giờ đây chúng đứng đó như thể bị chôn chân xuống đất, không nhận thấy sự có mặt của người lạ, lẫn sự lo lắng của những chú chó săn.

Trong không gian mơ màng, ngưng đọng, vang lên một tiếng ồn nhiều gam độ, mà thiếu nó sẽ không có một đêm hè thảo nguyên; tiếng dế kêu ra rả, những con chim cút huyên náo chuyện trò, và ở khe hẻm cách đàn cừu chừngmộtvesta, nơi có một con suối và những cây dương liễu, những con hoạ mi  lười biếng cất giọng hót.

Viên kiểm lâm dừng lại xin lửa những người chăn cừu để hút thuốc. Anh ta im lặng hút hết một tẩu, sau đó, không nói một lời, đứng tựa lưng vào yên ngựa nghĩ ngợi. Gã mục đồng trẻ không mảy may để ý tới viên kiểm lâm, vẫn tiếp tục nằm  nhìn trời, còn ông lão thì nhìn anh ta hồi lâu, rồi hỏi:

- Anh có phải là Panchelei ở ấp nhà Makarovski không?

- Vâng, chính tôi.- Viên kiểm lâm trả lời.

- Tôi cũng đoán vậy. Không nhận ra anh nữa, nom anh dạo này có vẻgiầu sang tợn. Anh từ đâu tới vậy?

- Tôi từ  Kovylei tới.

- Xa đấy nhỉ. Khu đất ấy họ cho phát canh?

- Các kiểu: phát canh thu tô, thuê đất. Còn tôi tới kiểm tra những cối xay ở đó.

Một con chó chăn cừu già lông bờm sờm màu trắng bẩn, gần mắt và mũi có những chiếc lông cứng nhọn như gai, cố tỏ vẻ thờ ơ trước sự hiện diện của người lạ, bình thản lượn quanh con ngựa ba lần, bất thình lình tức giận nhẩy bổ từ phía sau lên viên kiểm lâm với tiếng gầm gừ già nua. Những con chó còn lại cũng không giữ được bình tĩnh, nhao nhao nhảy dựng lên khắp các phía.

- Suỵt, con vật đáng nguyền rủa! - Ông già rít lên, chống tay nhỏm dậy. - Sao mày không chết đi cho rồi, đồ yêu tinh quỷ quái!

Khi những con chó bình tĩnh trở lại, ông già lại nằm theo thế cũ, nói bằng giọng bình thường:

- À, ở Kovylei, ngay trước lễ Phục sinh, lão già Efim Zmenia lăn ra chết. Không chờ được đến đêm. Tội lỗi những người như thế làm uế tạp cả ngày lễ. Lão  này là đồ bỏ. Anh biết lão chứ?

- Không, tôi không biết.

- Lão Zmenia là chú của gã thợ rèn Stepan. Cả vùng ai chả biết. Một lão già đáng nguyền rủa. Tôi biết lão đã sáu mươi năm nay, từ cái đận rước Sa hoàng Aleksandr,* người đánh đuổi quân Pháp, từ Taganrog bằng đường sông về Mạc Tư Khoa. Chúng tôi cùng đi đón vị vua vừa mới băng hà. Khi đó xà lan không đi tới Bakhmut, mà từ Esaulovski tới Gorodise, và ở đó, nơi bây giờ là Kovylei, cơ manlà tổ sáo đá, đặt chân vào đâu đụng tổ sáo ở đó. Ngay từ hồi ấy tôi đã để ý thấy lão này không bình thường, trong người lúc nào cũng như có ma quỷ. Tôi nhận thấy: hễ gã mugic nào mà cứ im như thóc, hay làm những việc của các bà, lại phải sống một mình, thì chẳng có gì hay ho cả, mà cái lão Zmenia, ngay từ khi trẻ, lúc nào cũng im ỉm, im ỉm, cấm nhìn ai bao giờ, chỉ độc liếc xéo, lúc nào trông cũng cứ như  đang giận dỗi, bực tức. Cánh trai trẻ chúng tôi đi nhà thờ hay chơi bời đàn đúm trên phố, la cà các quán rượu, lão không theo thú ấy, chỉ ở một mình hay chuyện trò to nhỏ với mấy bà già. Trai trẻ vậy mà lại đi làm thuê ở trại nuôi ong và ở các khu vườn. Có những người đứng đắn kể lại, họ tới vườn chỗ hắn làm, thấy những quả dưa hấu, dưa hồng của hắn huýt sáo. Có bận hắn bắt được một con cá măng trước mặt mọi người, con cá này cứ  hô-hô-ha-ha cười sằng sặc...

- Có những chuyện như thế - Panchelei nói.

Gã mục đồng trẻ xoay người nằm nghiêng, dướn đôi lông mày đen nhìn chằm chằm vào lão già rõ lâu.

- Thế tự ông đã nghe thấy dưa hấu huýt sáo bao giờ chưa? - Gã hỏi.

- Nghe thì chửa được nghe, ơn Chúa, - Lão già thở dài, - ấy là nghe  người ta kể lại. Chả có gì thông thái ở đây cả... ma quỷ mà muốn thì đến đá cũng huýt sáo được nữa là. Thì đấy, ma quỷ chả làm cho cả tảng đá tướng rú rít suốt ba ngày ba đêm liền là gì. Tai tao nghe thấy. Còn cá măng cười là bởi lão Zmenia thay vì cá lại bắt được quỷ.

Chợt nhớ ra điều gì, lão ngồi bật dậy, quỳ lên gối, người co ro như bị lạnh, hai tay lồng vào nhau, liến thoắng nói giọng mũi như đàn bà:

- Xin Chúa hãy cứu vớt chúng con, xin hãy rủ lòng thương xót! Có lần tôi đi trên bờ sông ở Novopavlovski. Lúc ấy trời giông bão, cơn bão mới ghê gớm làm sao, lạy Đức mẹ chí thánh trên trời... Tôi mót quá, vội tìm một chỗ, nhìn quanh, thấy giữa những bụi mận gai - lúc đó mận gai đang độ ra hoa, có một con chó trắng đang đi. Bụng hỏi dạ: không biết chó nhà ai mà lại lạc tới tận đây nhỉ? Nó đi, đuôi vẫy vẫy, kêu mu-u-u! Tôi chạy tới chỗ nó, các cậu có biết không, vừa mới đuổi kịp, nhìn vào mặt nó, thì, ối trời ơi, không phải là chó mà là Zmenia. Tôi hoảng hồn cầu cứu đủ loại thánh thần, làm dấu thánh lia lịa, còn lão thì trố cái mắt nhài quạt ra mà nhìn tôi. Tôi đi cạnh lão run như cầy sấy, sợ vãi linh hồn, cấm dám nói một câu nào với lão, trời thì sấm nổ đùng đùng, chớp nhằng nhịt, những cây liễu uốn xuống tận mặt nước, - bất thình lình, các cậu có biết không, trời phạt tội tôi, chết không sám hối, có một con thỏ chạy đằng trước... Đang chạy, bỗng dừng lại, nói bằng tiếng người: “Xin chào mấy bác mugic!”. Cút đi chỗ khác, con vật đáng nguyền rủa! - Lão già quát con chó già lông bờm sờm lại đi vòng quanh con ngựa. - Sao mày không chết đi cho rảnh!

- Chuyện như thế vẫn xảy ra, - viên kiểm lâm nói, lưng vẫn tựa vào yên ngựa, bất động. Anh ta nói bằng một giọng không vang, khàn khàn, như những người đang mải nghĩ ngợi vẫn thường nói.

- Chuyện như thế vẫn xảy ra , - anh ta nhắc lại một cách khẳng định và đầy ý tứ sâu xa.

- Lão đó như loài chim chuyên ăn xác thối! - Lão già tiếp tục, nhưng không còn sôi nổi như trước. - Năm năm trước, sau cái đận lãobị người ta cho một trận rồi đuổi khỏi chỗ làm, để báo thù lão làm cho cả vùng Kovylei bị bệnh yết hầu, số người chết không đếm được, hệt như cảnh dịch tả...

- Thế lão truyền bệnh bằng cách nào vậy? - Gã mục đồng hỏi sau một lúc im lặng.

- Cách làm của lão quá rõ. Khó gì đâu, chẳng cần phải đầu óc tài giỏi gì, chỉ cần muốn là được. Lão Zmenia bỏ bùa, bỏ bả mọi người bằng một loại mỡ khốn kiếp. Mà bùa bả cũng chả phải cần đến mỡ, chỉ cần tinh thần thôi cũng đủ chết người rồi

- Đúng đấy, - Panchelei đồng tình.

- Khi ấy cánh trai trẻ muốn giết lão lắm, song những người già không cho. Không thể giết lão, vì lão biết chỗ chôn kho báu. Ngoài lão ra không một ai biết cả. Những kho báu do bị yểm bùa, nên không nhìn thấy đố mà tìm ra, cha này đã nhìn thấy. Thỉnh thoảng trên bờ sông hay ở trong rừng, dưới những bụi rậm hay những đám cây mục thường có những đốm lửa, những đốm lửa, đốm lửa... Những đốm lửa như thể lưu huỳnh bị cháy ấy.  Già này cũng đã tận mắt nhìn. Tất cả mọi người chờ lão Zmenia chỉ chỗ kho báu hay tự lão đào, còn lão, như  vẫn thường nói, chó không ăn được, khư khư giữ miếng - cứ thế lăn đùng ra chết: chẳng đào bới, chẳng chỉ chỗ cho ai.

Viên kiểm lâm lại hút thuốc và trong khoẳnh khắc ánh lửa soi rõ hàng ria rậm và cái mũi to, nhọn, cân đối của anh ta. Những vòng lửa nhỏ nhảy từ tay anh ta tới chiếc mũ lưỡi trai, chạy qua chiếc yên, dọc theo lưng con ngựa rồi biến mất ở chỗ bờm gần tai nó.

- Ở những chỗ như chỗ đó có nhiều kho báu lắm, - anh ta nói.

Và, chậm rãi vươn vai, anh ta nhìn xung quanh, dừng mắt ở phía đông, nơi bầu trời đã trở nên bềnh bệch, nói thêm:

- Chắc chắn phải có những kho báu.

- Còn phải nói, - lão già thở dài. Mọi dấu hiệu đều cho thấy có những kho báu, có điều không ai đào. Không một ai biết chính xác chỗ của chúng, cho đến tận hôm nay những kho báu đó vẫn bị yểm bùa. Để nhìn thấy và tìm được những kho báu này cần phải có bùa giải. Không có bùa giải thì đến thánh cũng chịu. Lão Zmenia có những chiếc bùa ấy. Nhưng đồ quỷ sứ ấy có mà hỏi,  lão ta giấu kín lắm, chẳng ai có thể tìm thấy được.

Gã mục đồng toài người chừng hai bước chân tới chỗ lão già, tay chống cằm, nhìn chằm chằm vào mặt lão. Nỗi sợ hãi trẻ thơ cùng sự tò mò ánh lên trong đôi mắt tối sẫm và trong bóng đêm dường như kéo dài và đè dí những đường nét trên khuôn mặt trẻ măng, thô kệch của gã. Gã trai nghe một cách căng thẳng, hồi hộp.

- Cả trong các thư tịch cũ đều viết rằng ở vùng này có nhiều kho báu, - lão già tiếp tục. - Điều đó khỏi phải bàn... mà cũng chả có gì đáng nói. Có  một lão lính già ở Novopavlovski được người ta cho xem một tấm sơ đồ, trong đó đánh dấu rõ chỗ kho báu, thậm chí còn ghi có bao nhiêu pút* vàng và được đựng trong những bình, vại nào; theo sơ đồ này đáng ra người ta phải tìm được kho báu từ lâu rồi, có điều, kho báu bị yểm bùa, nên không thể đến gần nó được.

- Tại sao lại không đến gần được hở ông? - Gã trai hỏi.

- Chắc là phải có một lí do nào đó mà lão lính này không chịu nói. Phải có thần chú... bùa giải.

Lão già nói một sách say sưa, như muốn cởi lòng trước mặt vị khách vãng lai. Lão nói bằng giọng mũi, và vì không quen nói nhiều, nói nhanh, nên lão cứ lắp bắp. Cảm thấy trong lời nói của mình thiêu thiếu cái gì đó, lão cố  làm đẹp nó bằng điệu bộ của cái đầu, đôi tay và đôi vai gầy nhẳng. Cứ sau mỗi cử động là cái áo may từ bao bì gai của lão lại rúm lại, kéo lên phía trên, để hở tấm lưng gày gò, đen đúa vì nắng gió và tuổi già. Lão kéo chiếc áo xuống, song ngay lập tức nó lại bị kéo lên. Cuối cùng, chắc không chịu nổi sự ngoan cố của chiếc áo không biết nghe lời, lão đứng bật dậy, khoa tay, làm một tràng:

- Hạnh phúc mà làm gì, một khi nó bị chôn xuống dưới đất? Cái tốt bị mất đi phí phạm, chẳng đem lại ích lợi gì, chỉ như trấu, như phân cừu mà thôi! Mà hạnh phúc, chàng trai ạ, nhiều vô kể, nhiều đến độ có thể chia đều cho khắp mọi người trong vùng, ấy thế mà chưa một ai nhìn thấy nó! Mọi người chờ cho tới lúc các ông chủ đào nó lên hay quốc khố tịch biên nó. Các ông chủ cũng đã cho đào những mộ cổ... Bắt đầu đánh hơi thấy rồi đấy! Lòng tham của họ muốn cướp hạnh phúc của cánh mugic! Nhà nước cũng có cách tính có lợi cho mình. Trong luật có ghi rằng hễ người dân nào đào được kho báu là phải đem nộp cho nhà chức trách. Hãy chờ đấy - rồi cũng chẳng sơ múi gì đâu! Miếng sang chả tới miệng hèn được đâu!

Lão già cười khinh bỉ và ngồi xuống đất. Viên kiểm lâm lắng nghe và đồng tình, song bằng vào những cử động của thân hình, bằng sự im lặng của anh ta, thấy rõ tất cả những điều lão già kể chẳng có gì mới đối với anh ta cả, rằng từ lâu anh ta đã nghĩ kỹ và biết nhiều hơn nhiều so với lão.

- Trong đời mình già này đã từng cả chục bận đi tìm hạnh phúc, - lão già nói, ngượng ngùng gãi gáy. - Lão tìm ở những chỗ có thật, nhưng hiềm nỗi toàn rơi vào những kho báu bị yểm bùa. Cả cha lão, anh lão cũng đã từng đi tìm - Nhưng chẳng tìm thấy quái gì, chết mà chẳng biết mùi hạnh phúc. Anh lão, ông Ilia, cầu cho hương hồn ông ấy được bình an, được một ông thầy tu mách cho trong pháo đài Taganrog có một kho báu chôn ở chỗ ba tảng đá, và kho báu này cũng bị yểm bùa. Nhưng thời ấy, lão còn nhớ, khoảng những năm ba tám, ở Matviev Kurgan có một gã người Acmeni chuyên bán bùa giải. Ông Ilia mua mấy lá bùa, kéo thêm hai chàng trai nữa tới Taganrog. Nhưng mà, cậu có biết không, khi ông ấy tới được chỗ ba tảng đá, thì đã thấy một người lính cầm súng đứng gác ở đấy rồi...

Trong không gian tĩnh lặng bỗng một âm thanh vang lên, tung toé khắp thảo nguyên. ở đằng xa có cái gì đó kêu đánh ùng một tiếng đe doạ, đập vào đá và chạy trên thảo nguyên, vãi ra những tiếng: “tặc!tặc!tặc!”. Khi những âm thanh đó tắt lịm, lão già dò hỏi nhìn viên kiểm lâm vẫn bình thản đứng yên.

- Trong mỏ có cái thùng bị vỡ, - nghĩ một lúc, gã trai trẻ giải thích.

Rạng sáng. Con đường mòn bềnh bệch, ít nhiều tan ra như tuyết, làm nhoè đường nét của mình. Bầu trời ảm đạm, đùng đục, không còn biết là nó tinh khiết hay bị mây che phủ hoàn toàn. Chỉ căn cứ vào cái dải sáng bóng nơi chân trời đằng đông, và những ngôi sao còn sót lại mới hiểu được sự tình.

Ngọn gió ban mai đầu tiên không tiếng động, dè dặt rung những cọng cỏ non màu hung nâu của đám cỏ dại năm trước, rồi chạy dọc theo con đường.

Viên kiểm lâm như bừng tỉnh khỏi những ý nghĩ, lắc lắc đầu. Hai tay anh ta sửa lại yên, sờ cái đai dưới bụng ngựa, và hình như chưa muốn ngồi lên lưng ngựa, anh ta lại chìm vào suy nghĩ.

- Phải, - anh ta nói, - miếng ăn tới miệng mà không được ăn... Hạnh phúc có đấy, nhưng chẳng có ai nghĩ đến việc tìm kiếm.

Và anh ta quay mặt về phía những người chăn cừu. Khuôn mặt nghiêm nghị của anh ta đượm buồn và giễu cợt, như mặt một kẻ đã chán chường, thất vọng.

- Phải, chết mà không thấy được mặt mũi cái hạnh phúc nó ra sao... - anh ta nói, đặt chân trái lên bàn đạp. - Ai còn trẻ còn có thể chờ được, chứ như cánh ta đây đã đến lúc phải vứt cái ước vọngấy đi rồi.

Vuốt hàng ria dài ướt sương đêm, anh ta buồn bã ngồi lên lưng ngựa với bộ dạng dường như quên chưa nói nốt điều gì đó, nheo mắt nhìn về phiá xa.  Xa xa một màu xanh nhàn nhạt, nơi ngọn đồi cuối cùng còn thấy rõ lẫn vào màn sương mù, không một vật chuyển động; những điếm canh và những ngôi mộ cổ rải rác đó đây, hằn lên đường chân trời và trên thảo nguyên mênh mông, nom u ám, chết chóc; trong thế đứng bất động và im lìm của chúng cảm thấy được những thế kỷ và sự thờ ơ hoàn toàn đối với con người; hàng nghìn năm nữa có qua đi, hàng triệu người nữa có chết đi, chúng vẫn đứng trơ trơ như đã từng đứng, chẳng chút xót thương những kẻ chết, chẳng chút  đoái hoài đến những người sống, và không một ai hiểu được vì sao chúng lại đứng đó và bí mật gì của thảo nguyên bị chúng giấu ở dưới chân.

Những con quạ thức giấc, im lặng trong cô đơn, lượn là là trên mặt đất. Cả trong dáng bay lười biếng của loài chim sống dai ấy, lẫn buổi ban mai lặp đi lặp lại cẩn thận từng ngày, cũng như sự bất tận của thảo nguyên - không ở đâu có được ý nghĩa. Viên kiểm lâm cười mỉa, nói:

-  Trời đất rộng lớn nhường này! Đi mà tìm hạnh phúc! ở ngay đây - anh ta tiếp tục, khẽ hạ giọng, vẻ mặt nghiêm nghị, - hình như cũng có hai kho báu. Các quan không biết đến chúng, chứ đám mugic, nhất là những ông lính, biết chúng rất rõ. Đâu đó ở chỗ này này, viên kiểm lâm lấy roi ngựa chỉ về một phía,  ngày xưa có một toán cướp tấn công đoàn chở vàng; người ta chở vàng từ Peterbua cho đại đế Piotr khi đó đang xây dựng chiến thuyền ở Voronev. Bọn cướp giết sạch những người chuyên chở, còn vàng thì đem chôn xuống dưới đất, sau này không tìm lại được. Kho báu thứ hai do những người Kazac sông Đông chôn giấu. Năm 1812 họ cướp được của quân Pháp bao nhiêu là vàng bạc. Trên đường trở về họ nghe tin quan trên muốn lấy lại số vàng bạc đó. Việc gì phải cống nộp vô ích những thứ mình kiếm được, họ bàn bạc rồi quyết định chôn đám của, chẳng thà để con trẻ nó đào được. Nhưng họ chôn ở đâu, không ai biết.

- Tôi cũng có nghe về những kho báu đó, - lão già rầu rĩ nói.

- Phải, - Panchelei lại chìm vào suy nghĩ. - Phải...

Im lặng bao trùm. Viên kiểm lâm đăm chiêu nhìn về phía xa, cười khẩy và lại sờ chiếc đai dưới bụng ngựa, như thể quên chưa nói nốt điều gì. Con ngựa miễn cưỡng bước. Đi chừng trăm bước, Panchelei lắc mạnh đầu, thoát khỏi những ý nghĩ và đập vào mông ngựa, chạy nước kiệu.

Còn lại những người chăn cừu.

- Anh chàng Panchelei này làm thuê cho trang ấp nhà Makarovski, - lão già nói. - Mỗi năm lĩnh được 150 rúp, ăn mặc chủ nuôi. Một người có học...

Những con cừu thức giấc - chúng có khoảng gần ba nghìn con - không có việc gì để làm, chúng miễn cưỡng gặm những vạt cỏ không cao lắm, đổ rạp xuống phân nửa. Mặt trời còn chưa lên, song đã nhìn thấy rõ tất cả những ngôi mộ, và xa xa, giống như một đám mây là Mộ thủ lĩnh Saur với cái tháp nhọn phía trên. Nếu như leo lên trên mộ, thì từ đó có thể nhìn được khắp bình nguyên, cũng bằng phẳng và mênh mông như bầu trời, nhìn thấy những trang trại của các ông chủ, xóm người Đức, trại vắt sữa, thôn làng, người Kalmưc mắt tinh còn nhìn thấy cả phố xá và đường xe lửa. Chỉ có đứng ở đó mới thấy được rằng trên thế gian này, ngoài thảo nguyên câm lặng và những ngôi mộ im lìm  hàng thế kỉ, còn có cuộc đời khác, một cuộc đời không hơi sức đâu để ý tới hạnh phúc bị chôn vùi và những suy nghĩ của đàn cừu.

Lão già sờ tìm cây gậy có mấu phía trên ở bên cạnh mình rồi đứng dậy. Lão im lặng suy nghĩ. Trên mặt của gã mục đồng chưa mất đi vẻ sợ hãi và tò mò con trẻ. Những gì nghe được ban đêm đã gây cho gã ấn tượng mạnh và gã nóng lòng chờ đợi những câu chuyện mới.

- Ông ơi, - gã nhỏm dậy hỏi, tay với lấy cây gậy của mình, - thế ông anh Ilia của ông đã làm gì với người lính?

Không nghe rõ câu hỏi, lão già lơ đãng nhìn gã trai, lầm bầm trả lời:

- Sanka ạ, ông cứ nghĩ mãi về cái sơ đồ mà người ta cho lão lính xem ở Ivanovka ấy. Ông không nói cho Panchelei biết, kệ hắn. Sơ đồ đó chỉ chỗ kho báu rõ đến nỗi đàn bà cũng tìm được. Cháu có biết chỗ nào không? ở Bagataia Balochka, chỗ đất nhô ra như hình mỏ ngỗng ấy, chiều dài ước chừng ba cái dầm xà, kho báu nằm ở chính giữa.

- Sao, ông sẽ đào chứ?

- Ông cũng tính thử vận may lần nữa xem sao...

- Thế ông định làm gì với kho báu đó, một khi đào được?

- Ông á? - Lão già cười gằn. - Hừm... Cái chính là phải tìm được, - lúc đó  ông sẽ cho bàn dân thiên hạ biết tay, ông biết phải làm gì...

Nhưng lão già không biết trả lời sẽ làm gì với kho báu đào được. Câu hỏi đặt ra cho lão trong buổi sớm mai này chắc hẳn là lần đầu tiên trong cả cuộc đời lão. Nét mặt thờ ơ và khinh xuất của lão cho thấy, đối với lão, câu hỏi đó không quan trọng và chẳng đáng để nhọc lòng suy nghĩ. Trong đầu gã trai Sanka lại ngọ ngoậy một điều khó hiểu: tại sao chỉ có những người già mới đi tìm những kho báu và hạnh phúc trần gian cần cho họ để làm gì, khi bất cứ lúc nào họ cũng có thể chết vì tuổi già? Song gã không dám nêu câu hỏi, vả lại, đã chắc gì ông lão trả lời được.

Một mặt trời to lớn đỏ tươi bị bao bọc trong màn sương mờ đục. Những  dải nắng đang còn lạnh lẽo tắm mình trong đám cỏ ướt sương đêm, kéo mãi ra, với bộ dạng vui vẻ, dường như muốn chứng tỏ trò chơi đó chưa chán, chúng nằm dài xuống đất. Những cây ngải cứu ánh bạc, những bông sibulka màu xanh, hoa cải dại màu vàng, những bông cúc trắng đồng nội tinh khiết - tất cả cùng vui vẻ sặc sỡ, ngỡ ánh nắng mặt trời là nụ cười của chính mình.

Lão già và gã trai trẻ tản ra đứng ở hai đầu đàn cừu. Cả hai đứng yên lặng như những cây cột, nhìn xuống mặt đất và nghĩ ngợi. Người thứ nhất không rời được ý nghĩ về hạnh phúc, còn người thứ hai nghĩ về những điều nghe được trong đêm; gã không quan tâm tới bản thân hạnh phúc, thứ gã chẳng cần và không hiểu, gã chỉ quan tâm tới tính viễn tưởng, tính thần thoại của hạnh phúc loài người.

Hàng trăm con cừu giật mình và hình như sợ hãi điều gì đó, chúng tách khỏi đàn, chạy dạt sang một bên. Và cả Sanka, hình như bị những suy nghĩ lê thê của cừu trong chớp nhoáng nhập vào, nên cùng với một nỗi hoảng sợ thú vật khó hiểu đó, cũng nhảy bổ sang một bên. Nhưng ngay lập tức gã trấn tĩnh lại, gào to:

- Chiu, bọn chết tiệt! Chúng bay hoá dại cả rồi hay sao, không yên được với chúng mày.

Nhưng khi mặt trời hứa hẹn một ngày dài oi ả, nung nấu mặt đất, thì tất cả những gì sống, hoạt động ban đêm và phát ra những âm thanh, giờ đây chìm vào giấc ngủ. Lão già và Sanka cùng với cây gậy của mình đứng đối diện ở hai đầu đàn cừu. Họ đứng bất động như những cây đèn trong buổi lễ, và chìm trong những suy tư. Họ không còn để ý tới nhau nữa và mỗi người sống cuộc đời riêng của mình. Những con cừu cũng  đang suy nghĩ...

 

 

 

 



* Sa hoàng Aleksandr I (1777-1825) chết ở Taganrog(ND) 

* Mỗi pút bằng 16,38 kg