Trần Mộng Tú
Bó Chiếu Về Quê
Tuổi Trẻ trên mạng ngày hôm nay mở ra có một tấm hình hai người đàn ông và một người đàn bà đang cột một món hàng dài vào chiếc xe gắn máy giữa một cái nền sân loang lổ đen, bẩn. Đọc hàng chữ bên dưới mới biết món hàng dài đó là một xác người, được gia đình quấn chăn, bó chiếu, mang về nhà sau khi chết ở Bệnh Viện Lao và Bệnh Phổi ở Sơn La.
Hình ảnh cái sân vắng ngắt bẩn thỉu chỉ có ba người quấn xác thân nhân vào xe, hai người đứng, một người ngồi lom khom bên dưới, họ đang cột cái xác sao cho an toàn trên xe, cái túi vải vứt dưới đất, tuột ra ngoài một trang giấy màu trắng, có lẽ đó là giấy xuất viện. Trên bậc thềm, góc phải, có thêm một người người đàn ông cắp tay sau lưng đứng nhìn.
Cái hình như một tấm bích chương quảng cáo hình ảnh một phim sắp được phát hành.
Đây không phải là lần thứ nhất tôi đọc được trên trang mạng chuyện bó chăn đem xác ở bệnh viện về chôn.
Hãy nhìn trên tấm hình này: một người đàn ông cô đơn trên con đường vắng ngắt bóng người. Cái ánh sáng trong hình và sự tĩnh lặng của khu phố, cho thấy là một sáng tinh sương. Anh chở thân nhân sau lưng, không phải là một người còn sống, ngồi, ôm qua lưng anh ấm áp, mà là một cái xác bó chiếu lạnh tanh, lòi hai cái chân ra ngoài còn mang theo đôi dép cao su.
Có ai nhìn thấy nước mắt của người đàn ông lái xe chở xác đang dàn dụa hay không, có ai nghe thấy tiếng trái tim anh đang đập bi ai, cảm được ruột anh đang quặn lại từng cơn đau không? Có ai hiểu được cái cô đơn cùng cực của anh khi có một người thân sau lưng trong hoàn cảnh đó không? Còn cái con người bất hạnh vừa từ giã đời sống nghiệt ngã này, hồn còn lẩn khuất dưới tấm chiếu hay không? Cái hồn đó có đang cúi xuống nhìn cái thân xác đáng thương của mình, ước ao được sống lại hay không?
Nếu hình ảnh chở xác trên xe gắn máy đi qua một thành phố đổ nát, mờ khói súng đạn trong một đất nước đang có chiến tranh, mình bắt buộc phải chấp nhận. Nhưng cái xe này đang đi trong một thành phố thanh bình.
Có ai nói cho tôi biết tại sao sau bốn mươi năm hết chiến tranh rồi dân Việt của tôi còn có người sống khổ như thế, còn có người chết khổ như thế!
Tôi nghĩ tới một loại phim rất ngắn kể tất cả câu chuyện không quá năm phút. Phim đoạt giải về nội dung và hình ảnh.
Cái lý do Bệnh Viện không có xe, không có đủ điều kiện giúp gia đình đưa xác thân nhân về được cắt nghĩa bằng cách nào chăng nữa, cũng cho ta thấy đất nước mình đang được những con người không có trái tim cai trị.
Giang sơn gấm vóc, rừng vàng biển bạc, người dân được đánh giá hạnh phúc chỉ là những sáo ngữ được thốt ra trên miệng một ai đó hay trên những khẩu hiệu giăng ngang phố.
Dân tộc tôi còn bị lừa dối đến bao giờ?
tmt
(*) Hai tấm hình và Tin trên Tuổi Trẻ online. 9/16/2016