DskCuChocVanHoaPhapMy

NHÂN VỤ DSK :

CÚ SỐC VĂN HOÁ

GIỮA HAI NỀN DÂN CHỦ PHÁP-MỸ

 

Vụ án Dominique Strauss-Kahn, một trong những nhân vật thế lực nhất hành tinh, đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là cú sốc văn hoá Pháp - Mỹ. Nổi cộm nhất là sự ngạc nhiên của dân nói tiếng Anh về thái độ của báo chí Pháp trước vụ việc một VIP người Pháp bị còng trước khi bị xử “có tội”. Và người ta chợt phát hiện ra rằng hai hệ thống tư pháp có nhiều khác biệt. Tờ L'Indian Express ví von là quan niệm đạo đức của  hai bên cách xa mênh mông như đại dương đã ngăn chia hai  nước.

Nhiều tranh cãi nhập nhòe, do đó, cứ chất chồng lên mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông.

*

Thật ra, về nguyên tắc pháp lý, Mỹ và Pháp đều giống nhau, vì đều là những chế độ dân chủ lâu đời. Cả hai đều chủ trương chỉ có một nền công lý chung cho mọi công dân; cả hai đều đòi hỏi phải tôn trọng quyền con người của bên nguyên cũng như bên bị. Cái khác nhau là hai xã hội vẫn có những tập quán và thủ tục khác biệt về nhiều vấn đề liên quan đến việc áp dụng công lý.

Phân tích kỹ, vấn đề công lý cốt lõi ở đây là “giả định vô tội” trước khi xét xử mà mọi nghi can đều có quyền được hưởng.

 

Báo chí Pháp cho rằng khi còng tay DSK và tung hình ảnh ấy ra khắp nơi, nền công lý Mỹ đã xử DSK có tội trước phiên tòa (vài blog Pháp còn dùng từ “lynché”, ám chỉ thói treo cổ không cần xét xử thời Viễn Tây ở Mỹ), trong khi ở Pháp nghi can còn được che mặt để tránh các hậu quả xã hội vội vã.  

 

Khách quan mà nói, đây chỉ là một khác biệt về tập tục.

 

Ở Mỹ, nếu bị khởi tố, nghi can sẽ bị còng tay đưa vào tù chờ ngày xét xử (tàn dư của thời gangsters Chicago còn hoành hành và nguy hiểm chăng?) Lúc bị bắt trên máy bay, DSK không hề bị còng; ông ta chỉ bị còng sau khi một quan tòa đã nghe cả hai bên nguyên / bị, và kết luận rằng đã có đủ lý do để chính thức khởi tố. Và nền tư pháp Mỹ không có lý do gì phải thay đổi một thủ tục từng được áp dụng cho mọi nghi can VIP Mỹ khác (Michael Jackson chẳng hạn), chỉ vì lần này nghi can là Strauss-Kahn, một VIP Pháp! Hơn nữa, nếu đã từng nhìn thấy cảnh sát Pháp hành động, khó lòng chối cãi là họ cũng rất thuần thục trong việc múa dùi cui và còng số 8, ngay ở giai đoạn bắt bớ nghi can. Mặt khác, việc che chắn có cần thiết không, khi nghi phạm là một nhân vật ai cũng biết mặt? Và nếu cho rằng DSK bị “lynché”, thì e rằng ông ta thực ra đã bị “lynché” bởi chính đồng bào của mình hơn là bởi truyền hình Mỹ, nếu chịu khó đọc những “tiết lộ” hay “bỏ nhỏ” chính trị trên báo Pháp trong những ngày qua.   

*

Ngoài thủ tục pháp lý trên, những vấn đề khác nêu ra đều có thể được xem là thuộc lĩnh vực văn hoá xã hội, dù ít nhiều có liên quan đến pháp lý và tư pháp.

 

1) Đầu tiên là sự tôn trọng quyền con người và địa vị xã hội. Về lý thuyết, cả Mỹ lẫn Pháp đều là quốc gia hàng đầu về sự tôn trọng nhân quyền; trên thực tế, cả hai đều vẫn gặp không ít vướng mắc khi áp dụng.

Tất nhiên, Pháp không thể bị nghi ngờ là thiên vị trên bàn cân công lý. Đây là nước đã giết vua, triệt quý tộc, đòi “tự do, bình đẳng, thân thiện” cho mọi người mà! Nhưng nếu hài hước, nhà phân tâm không khỏi nghĩ rằng, có lẽ vì bị những hồn ma quá khứ đó ám ảnh, nhiều người Pháp nay bỗng thấy nặng lòng với các tài năng trong mọi lĩnh vực. Chỉ cần mang một cái tên được viết tắt – JJSS[1] xưa hay DSK nay, dấu hiệu của “tầng lớp quý danh” mới, không cần de này, de nọ – là bạn sẽ nhận thẻ của “Hội Hoàng gia” Pháp ngay. Rủi có bị nghi là già hoang, sẽ được khối kẻ nhảy ra bênh vực – như triết gia nhiều nhu cầu quậy Bernard Henry-Levy vậy, trước đã động lòng trắc ẩn vì Roman Polansky, giờ lại thấy bất nhẫn vì DSK (cùng một tội danh)! Báo Guardian cho rằng Hội đồng Thính Thị Tối cao[2] Pháp muốn ngăn phát sóng cảnh DSK bị còng (dưới cớ tội danh này chưa được xác lập) trong khi hình ảnh này đã bay khắp thế giới, là bằng chứng hiển nhiên cho thấy sự thiên vị của truyền thông Pháp đối với một VIP đồng bào có tầm vóc quốc tế, không ngó ngàng gì đến cô bồi phòng da màu nạn nhân. Xuyên tạc!, như báo Pháp đã rêu rao ầm ĩ chăng? Điều trái khoáy ở đây là Gisèle Halimi (luật sư Pháp chuyên binh vực nữ quyền) lại lớn tiếng cho rằng vụ bê bối này phải là cơ hội xác định lại phẩm giá của người nữ và bảo vệ kẻ yếu thế; bà còn quả quyết rằng nếu một vụ tương tự xảy ra trên đất Pháp, thì nó đã chìm xuồng! Như vậy là phía Mỹ, người ta không hề thiên vị tầng lớp thượng lưu chăng? Có thể đúng lắm! Điều trái khoáy ở đây là bao nhiêu nghi can  trung lưu, khoan nói đến hạ lưu, có khả năng trả hàng triệu đô la để được tại ngoại không?   

 

2) Vấn đề thứ hai là “quyền được biết” của dân chúng và “luật im lặng” ít nhiều có tính chất mafia.

Ở vào thời đại mà cả thế giới chỉ còn là một cái “làng toàn cầu” (planetary village, Mc Luhan), “quyền được biết” là thử thách, đồng thời là con ngựa chiến của và trong mọi nền dân chủ lớn. Tất nhiên, cả Mỹ lẫn Pháp đều đề cao thứ quyền này, và nhân danh nó, người ta từng gửi ký giả săn ảnh đến cả nơi khỉ ho cò gáy, vào hang động biểu diễn sex cấm chụp hình, dưới nơi bom rơi đạn khạc, và... dưới gầm giường của đủ thứ siêu sao... để “nhân dân” có cái khoái lạc thấy tất cả mọi ngõ ngách cuộc đời trên chiếc ghế bành thoải mái. Trong bối cảnh đó, có cái gì... hơi Trung cổ trong lời chỉ trích truyền hình Mỹ đã phát sóng DSK bị còng sau khi bị truy tố của báo Pháp, vì đây chỉ là một thủ tục hợp pháp, vừa dân chủ (áp dụng cho mọi người, từ thường dân tới tổng thống), vừa thể hiện rốt ráo “quyền được biết”.

 

Thật ra, Pháp khó lòng cạnh tranh với Mỹ trên việc thể hiện quyền này. Khoan nói đến những vụ việc phải phanh phui dân mới biết (như tài sản của kẻ lãnh đạo), ngay cả chuyện ai cũng thấy như bộ mặt sưng húp của Tổng thống Pompidou khi bị bệnh trong nhiệm kỳ (1969-1974), dân Pháp cũng không được thông tin, không những phải tìm hiểu qua tin đồn, mà còn bị trấn an dối trá bởi nhiều thông cáo báo chí![3] Nhưng điều này không có nghĩa là phía Mỹ, người ta “không có xác chết nào giấu trong tủ”[4]. Ai giết Tổng thống Kennedy? Tại sao không công bố hình và nơi vất xác Bin Laden? Tại sao lại tìm mọi cách bịt các vụ rò rỉ thông tin, từ Pentagone Papers xưa đến WikiLeaks ngày nay?

 

“Quyền được biết của dân chúng vạn, vạn tuế!” Tất nhiên. Trừ phi nó đụng vào... những vấn đề nhạy cảm của nhà nước, nhiều khi chỉ đơn giản là của phe đảng lãnh đạo!

 

3) Vấn đề thứ ba là sự phân biệt đời công-đời tư trong giới chính trị, nhất là ở kẻ cầm quyền và trong vấn đề tính dục[5].

 

Ở Mỹ, do truyền thống thanh giáo (puritan), mặc dù sự phân biệt đời tư / đời công vẫn có, muốn nắm và giữ được các chức vụ lớn, ứng cử viên phải tỏ ra mẫu mực, không thể bị chê trách trong cả hai. Vì vậy, trong mọi cuộc tranh cử, hình ảnh gia đình sum vầy hạnh phúc là một điểm son. Khi đã nhậm chức, áp lực cũng không bớt mà còn tăng thêm như trong vụ Bill Clinton - Monica Lewinski, nhất là khi ông Clinton lại dan díu với cô tập sự trong Nhà Trắng là một công thự chứ không phải khách sạn. Ở đây, hình như chỉ có một ngoại lệ cần lôi dân Mỹ ra phân tâm: tằng tịu với cô đào Marilyn Monroe, J. F. Kennedy chẳng những không gây sóng gió mà còn có vẻ được ngưỡng mộ!

 

Pháp có truyền thống gauloise trái ngược. Ngay cả dân chúng chứ không riêng gì chính giới có thói quen cho rằng “phần từ thắt lưng trở xuống không thuộc về chính trị”, và luật chơi ngầm ở đây dường như là “làm gì thì làm, miễn đừng để bị kẹt (pháp luật)”. F. Mitterrand, N. Sarkozy đều nổi tiếng là coureur (không có nghĩa là tay đua mà là cây chim gái). Ông Mitterrand còn có con riêng. Dù bị gài bẫy hay không[6], DSK dở hơn đàn anh ở chỗ vừa lãnh nghi án phạm luật hình của Mỹ, vừa chắc chắn đã vụng về phạm luật chơi của chính giới Pháp. Ông có cái mũi của người đẹp Cleopatra chăng ?

*

Rốt cuộc, ý kiến hay nhất trong cuộc lời qua tiếng lại vừa rồi có lẽ là khẳng định sau: bà già dân chủ Pháp dường như còn thua cô cộng hòa Mỹ trẻ một bậc vì sự nghèo nàn về cơ chế “văn hoá phản quyền lực”. Nói nôm na, ngoài sự tồn tại của loại hội đoàn phi chính phủ không ngần ngại dấn thân làm điều đáng làm trong xã hội dân sự[7], dù phải đương đầu với chính quyền, bộ máy tư pháp của Mỹ còn thực sự độc lập và mạnh ngang với bộ máy chính trị và bộ máy kinh tế.  

 

Có thể đúng như lời của một nhà báo: trong lịch sử Pháp, tòa án được dựng lên nhằm bảo vệ tài sản và con người, chứ không phải để làm cột trụ của chế độ dân chủ. Cho nên hầu hết dân Pháp đều không ngần ngại thú nhận: nếu xảy ra ở Pháp, vụ Watergate không thể nào dẫn đến cùng một kết quả như ở Mỹ. Sau nhiều vụ bê bối khác (vụ lén bán khí giới cho Angola gọi là Angolagate[8], nghi án Chirac trả lương khống cho nhân viên ma hồi làm Thị trưởng Paris, nghi án Woerthe-Bettencourt[9]), bây giờ bà Gisèle Halimi lại quả quyết rằng, nếu vụ Sofitelgate xảy ra ở Pháp, thì sẽ không ai biết! Thật là không mấy danh giá cho bà già Marianne. Nhưng đúng là trên vấn đề phân quyền[10], Pháp còn phải qua nhiều “gates” nữa mới đạt đến trình độ dân chủ của Mỹ, dù nguyên tắc này là con đẻ của Montesquieu và mang quốc tịch Pháp trong sách vở. 

 

Nguyễn Văn Khoa

Paris, Mai 2011

 



[1] Jean-Jacques Servan-Schreiber, chính trị gia Pháp sáng chói trong những năm 70, sau mất giá vì vô tình tiết lộ bản chất kỳ thị chủng tộc ngay trong một cuộc phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình.

[2] Conseil Supérieur de l’Audiovisuel, được thành lập năm 1989 để điều phối hệ thống truyền thanh, truyền hình Pháp.

[3]  Người bệnh có quyền giữ bí mật về bệnh tình của mình, và bác sĩ cũng có bổn phận bảo mật. Nhưng người dân có quyền biết kẻ lãnh đạo còn đủ sức thi hành nhiệm vụ hay không. Giấu bệnh là đặt quyền lợi riêng trên quyền lợi quốc gia. Chỉ từ sau khi quyển “Ces malades qui nous gouvernent” (Những kẻ bệnh hoạn đang cai trị ta) của Pierre Accoce và Pierre Rentchnick được phổ biến và gây tranh cãi, các tổng thống Pháp sau mới công khai hóa bệnh tình của mình.

[4]  “Avoir un cadavre dans le placard”, thành ngữ Pháp có nghĩa là có một bí mật nào đó phải giấu kín.

[5]  Điểm son cho cả hai bên là, dù ở Pháp hay ở Mỹ, không công dân nào bị bắt khẩn cấp dưới cớ đã xâm phạm vào đời tư ông lớn hay gia đình ông lớn, chỉ vì đã dám tố cáo quan chức thụt két hay nhắm mắt để người nhà ăn hối lộ như tại một số nước Á Phi còn bị cai trị  bởi loại băng đảng hay bộ lạc hủ lậu.

 

[6]  Nếu đúng là bị gài bẫy thì quá tệ, vì trong trường hợp này, ông  chẳng khá hơn loại lĩnh tụ nước nhỏ, được nước lớn mời sang chơi rồi khi về bảo ký gì cũng ký, vì đã lỡ trót dại trên đất khách! 

[7]  Pháp làm cách mạng năm 1789, nhưng mãi đến năm 1901 luật căn bản để tổ chức hội đoàn trong xã hội dân sự mới được hoàn tất và có giá trị cho đến nay. Nghĩa là trong suốt 112 năm, ông nhà nước ở Pháp vẫn ít nhiều ôm mộng làm tất cả, kiểm soát tất cả!

[8] Vụ bán lén khí giới của Liên Xô cũ cho chính quyền của Tổng thống José Eduardo dos Santos trong bối cảnh nội chiến ở Angola năm 1994. Trị giá của gói hàng lên tới 790 triệu đô la, trong đó nhiều nhân vật hàng đầu của Pháp tham gia và nhận hoa hồng, như Jean-Christophe Mitterrand (con trai Tổng thống Mitterrand) và Charles Pasqua (cựu Bộ trưởng Nội vụ), Arcadi Gaydamak, Pierre Falcone (nhà kinh doanh), Jean-Charles Marchiani (cựu dân biểu)...

[9]  Ông Bộ trưởng Eric Woerth bị tình nghi đã nhận hối lộ dưới nhiều hình thức (việc làm tốt cho vợ là Florence Woerth, tiền cho cuộc vận động tranh cử tổng thống của Nicolas Sarkozy) từ bà Liliane Bettencourt (tài sản lớn thứ 3 ở Pháp).

[10]  “Phân quyền” ở đây là phân cách (séparation) quyền lực của ba bộ máy hành pháp, lập pháp và tư pháp để bảo đảm sự độc lập của mỗi thứ quyền, chứ không phải là phân chia công việc  (répartition) như một nhà lãnh đạo Á châu cho tới bây giờ còn hiểu sai!