Từ mấy tháng nay khắp nước Pháp đã, đang và sẽ còn đình công xuống đường của nhiều giới, nhưng không có cuộc tổng đình công

 

 

Từ mấy tháng nay khắp nước Pháp đã, đang và sẽ còn đình công xuống đường của nhiều giới, nhưng không có cuộc tổng đình công nào có tầm cỡ như hồi tháng 5-1968 năm nay để kỷ niệm 40 năm, truyền hình Pháp đã chiếu lại những bước đi của nó, khởi đầu chỉ là tình cờ nhưng cuối cùng đã đi vào lịch sử và có tên riêng “Mai 68”. Vì được xem là sự kiện quan trọng nên bắt đầu từ ngày 13 đến 30-5 năm nay, tại Paris có rất nhiều cuộc hội nghị bàn luận về phong trào này mỗi ngày, nhiều nơi, có khi một ngày vài ba nơi cùng tổ chức. Thành phần tham luận gồm nhũng người trong mọi lãnh vực như triết gia, công đoàn, xí nghiệp, giáo sư, nghệ sĩ, nhà báo, sinh viên... đã trực tiếp tham gia Mai 68.

 

 

CUỘC TỔNG ĐÌNH CÔNG LỊCH SỬ

 

 

Nhờ  «Mai 68» mà  Pháp đã thực hiện rất nhiều thay đổi về sau, nhất là cải cách giáo dục, giải phóng phụ nữ và giới thanh niên. Sở dĩ được vậy vì họ vẫn có truyền thống đình công, tự do tụ họp và biểu tình. Truyền thống này được công nhận và bảo đảm bởi Hiến pháp (quyền bất khả xâm phạm), và được luật hoá (… công viên chức nhà nước phải báo trước 5 ngày, ngày giờ biểu tình và lộ trình phải được ghi rõ…).

 

«Mai 68» đã đi vào huyền thoại, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử đương đại của Pháp. Các sinh viên đốt xe hơi, gỡ đá lót đường ném vào xe cảnh sát thời đó giờ đã thành các cụ lục tuần mà mỗi lần nhắc đến nó họ vẫn còn sôi nổi kích động. Bởi vì chưa có cuộc đình công nào cùng lúc mang tính chất văn hoá, xã hội và chính trị, để chống lại tập tục xưa cũ và chống tức khắc là thế lực chính quyền đương nhiệm. Khởi đầu từ sự nổi dậy của sinh viên Paris, nó ảnh hưởng ngay đến giới thợ thuyền rồi cùng lôi kéo tất cả mọi tầng lớp xã hội xuống đường, cương quyết muốn thay đổi đời sống hiện thời mà người dân cho là gò bó, bất công và nhàm chán.

 

«Mai 68» đòi đả phá tập tục (thuốc ngừa thai chỉ mới bán tại Pháp năm 1967, con gái muốn phá thai phải chạy qua Thụy Sĩ), đả phá xã hội tiêu thụ métro-boulot-dodo (tàu điện-việc làm-ngủ), đổi mới phương cách giáo dục dưới nhiều khía cạnh. Nó đã làm tê liệt hoàn toàn nước Pháp trong nhiều tuần lễ từ đầu tháng 5 đến gần cuối tháng 6, tạo ra các cuộc tranh luận bàn cãi sôi nổi khắp nơi.  Sự bùng dậy này là một phối hợp rối rắm có khi dữ dội nhưng thường là vui chơi lễ hội, nó như một khoảnh khoắc của ảo tưởng cách mạng trữ tình, của niềm tin mãnh liệt cùng lúc không tưởng là có thể thay đổi tận gốc rể đời sống thế giới. Có những biểu ngữ rất ấn tượng hãy còn trong tâm khảm mọi người: « Cấm cấm » (Không được cấm đoán), «Hãy chạy đi, thế giới già nua đằng sau bạn»… Sinh viên chiếm xóm học La Tinh, và mặc dầu cờ xí biểu ngữ rầm rộ hay đặt chướng ngại trên đường như bất kỳ cuộc cách mạng nào, thực tế Mai 68 chẳng có ý định chinh phục quyền lực hay cố tình tạo ra nội chiến.

 

Nguyên nhân :

 

1.     Về kinh tế, cho đến thời điểm đó nước Pháp sống trong nhung lụa. Sau thế chiến thứ II Pháp hãy còn thuộc địa, xứ Algérie chưa nổi lên đòi độc lập. Dân chúng quen sống trong xã hội tiêu thụ lúc đó mới chợt ý thức có sự bóc lột, sự bất quân bình trên thế giới, sự nghèo khó ngay tại các quốc gia giàu. Trong vòng 1967, nạn thất nghiệp bắt đầu tăng nhiều và ảnh hưởng giới sinh viên vừa tốt nghiệp, lương bổng trở nên thấp, thợ thuyền lo lắng điều kiện làm việc, và những khu nhà ổ chuột vẫn còn nhan nhản…

2.     Về chính trị, Charles de Gaulle cầm quyền từ tháng 5-1958, đến 1968 đã 78 tuổi, chính sách đối ngoại và chủ nghĩa quốc gia một thời của ông  không còn đáp ứng được những mong đợi về vật chất, văn hoá và xã hội của phần lớn dân Pháp nữa. Biểu ngữ «10 năm, quá đủ rồi !» diễn tả sự chán ngấy của dân chúng. Chủ trương chống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam của giới trẻ, chống chiến tranh lạnh, chống bom nguyên tử rầm rộ khai sinh.

3. Về văn hoá,  sự nặng nề trong giáo dục, sự lên ngôi của văn hoá giải trí, của phương tiện truyền thông, 92% sinh viên là giới trưởng giả, chủ nghĩa gia trưởng khắp nơi,… đã góp phần nhanh chóng vào việc muốn cải cách. Con chiên muốn nhìn lại vấn đề thực hành giáo lý. Sách của các triết gia viết về con người, về giới tính, về xã hội mới, rất ảnh hưởng đến tầng lớp trẻ. Chán nước Nga Cộng sản đàn anh mà thực ra chẳng khác đế quốc, họ đặc biệt đắm đuối nhìn về thế giới thứ ba với những nhà cách mạng Hồ Chí Minh, Che Guevara, Fidel Castro như mẫu mực, họ nhìn với đôi mắt lãng mạn các nước nhỏ này can đảm thách thức các đế quốc. Trong khi đó hồng vệ binh tràn ngập trên sân khấu Trung Hoa  cho họ ảo tưởng rằng giới trẻ có thể có quyền lực chính trị trong xã hội, và đặt lại vấn đề quyền hạn của người lớn và của giới cầm quyền. Họ cũng theo dõi phong trào giải phóng dân da đen bên Mỹ, phong trào hippie, phong trào sinh viên ở các nước khác…, tính chất quốc tế của các biến động đó đã lồng những hiện tượng riêng tư của Pháp vào quỹ đạo rộn ràng thế giới.

 

Về nguyên nhân tức thời thì vì có sự đàn áp «Phong trào 22 Tháng Ba» chống chiến tranh Việt Nam. Đòi hỏi chung của giới trẻ là giải phóng và bảo vệ tự do cá nhân, điếu này rất bị xã hội thời đó xem là xa lạ, đáng chỉ trích. Tóm lại, cuộc nổi dậy rất đa dạng và không có tổ chức chủ đạo nào.

 

Cuộc tổng đình công tượng trưng ngày 13-5-68  không ngừng ở đó, nhanh chóng tràn lan những ngày kế tiếp : nó đánh dấu một cuộc tổng đình công không báo trước đầu tiên trong lịch sử. Cũng là lần đầu tiên một cuộc tổng đình công làm tê liệt đất nước đã đạt đến mức sống phong lưu. Nhiều cuộc đàm đạo gay cấn liên tục nổ ra ngoài phố giữa những người xa lạ, giữa mọi thế hệ. Trong mấy tuần lễ liền như thể người ta sống chỉ để được ăn nói thả cửa, phát biểu những suy nghĩ trong đầu không ngần ngại.

 

Nếu lúc đầu chỉ có sinh viện và thợ thuyền trẻ, thì từ từ giới nghệ sĩ, chính đảng, công đoàn… đều tham dự. Cả triệu người xuống đường. Cơn sốt bỗng mang bộ mặt cách mạng.  Người ta sợ đất nước thành cộng sản, thành vô chính phủ, xảy ra nội chiến. Cả nước Pháp lo lắng nhìn về Paris, cả Paris nhìn về khu La tinh. Dùng kế ly gián, thủ tướng Pompidou nhượng bộ mọi đòi hỏi của công đoàn, rồi Tổng thống De Gaulle nhất quyết không từ chức tuy chấp nhận bầu cử lại Quốc Hội. Phe ủng hộ chính phủ hồi sinh, cũng cả triệu người xuống đường. Cuối cùng, nỗi lo hỗn loạn đã giữ phe hữu ở lại QH với số ghế chưa từng thấy.

 

Rồi sau sự thất bại của cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4-1969, de Gaulle thoái vị tức khắc vì dân chúng không muốn ông nữa : là lãnh tụ kháng chiến tài ba trong thời chiến, và dù đã đem lại giàu sang cho dân chúng trong 10 năm tại chức, cái nhìn của ông về thế giới bên ngoài hay dân chúng bên trong không còn hợp thời nữa. Và Georges Pompidou bước vào điện Élysée.

 

Trong những ngày đó người Pháp đã học được một điều thú vị : điều chiến thắng thực sự trong cuộc khủng hoảng là nhận ra rằng không chính thể nào không đánh đổ được, de Gaulle không phải là người không thay thế được, mặc dầu ông có công to với đất nước, đã tạo ra và đi vào lịch sử từ khi còn sống. 

 

Xuân Sương

Paris, Mai 2008