THUỐC LÁ

 

Việt nam sẽ  Nghiêm cấm hút thốc lá từ 1-1-2010 ở lớp học, nhà trẻ, cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, khu vực sản xuất và làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên phương tiện giao thông công cộng”. (TT, 15-12-2009)

 

Bên Pháp đã  áp dụng từ đầu tháng 2-2007 sắc lệnh cấm hút thuốc tại “nơi công cộng”, kéo dài 11 tháng sau trong cà phê, quầy bar và tiệm ăn. Trên lý thuyết người phạm lỗi bị phạt giữa 68 và 135 euros, nhưng hiếm khi ai bị phạt. Làm sao cũng có người trách móc. Bị cấm bên trong, nhân viên ra sân, hút xong búng đót thuốc ra đường thì người dọn vệ sinh lại than phiền. Hội “Quyền của người không hút thuốc” yêu cầu cảnh sát đích thân đến nơi công cộng làm thống kê các vi phạm, kiểm soát thái độ người nào không tôn trọng luật.

Từ tháng 1-2009, bà bộ trưởng y tế Roselyne Bachelot đã đề cập việc in trên bao thuốc hình ảnh gây sốc như phổi bị tàn hại  vì thuốc lá, răng sâu đen đúa do chất ni cô tin …, để cảnh tỉnh những kẻ thích hít hà. Một nghị định sẽ ra đời từ đây đến cuối năm xác định kích thước hình ảnh và vị trí trên gói thuốc. Nghị định ra thời hạn 12 tháng để áp dụng, nhà sản xuất đòi ít nhất 18 tháng để thay đổi bao bì, nghị định muốn hình ảnh chiếm 50% gói thuốc, trên cao, cả hai mặt trước sau, thì chỉ còn 40% , mặt sau, bên dưới. Như vậy  khách hàng không nhìn thấy khi thuốc bày trên quầy, không nhìn thấy 7000 lần trong một năm nếu ngày hút 20 điếu. Canada, Brésil, Thái Lan, Bỉ, Anh, Lỗ Ma Ni đã áp dụng, Tây Ban Nha đang nghiên cứu. Dân Pháp thì vẫn còn thích phì phèo. Các nhà bán thuốc lá không muốn hình ảnh to, vì chẳng hay ho gì thấy kệ thuốc lá giống phòng thờ người chết. Nhưng kích thước hình ảnh thế nào cũng không bằng kích thước sự tàn hại do thuốc lá gây ra.

Hội “Quyền của người không hút thuốc” cũng đề nghị cấm cà phê sân thượng có sưởi do sự gia tăng đáng ngại, 30000 năm 2007 vọt lên 45000 năm 2009. Lý do là các cà phê này thường rất ồn ào ô nhiễm (cà phê nào chẳng ồn ào ô nhiễm?). Hội đã đệ đơn kiện chục quán không tôn trọng lệnh cấm hút, và trong các bar vẫn bán chicha là loại thuốc thơm, hoàn toàn mâu thuẫn với sắc lệnh. Che bạt và có sưởi rất mời mọc dân hít khói, cà phê sân thượng  trở thành nơi rộn ràng, doanh thu hấp dẫn. Sắc lệnh Bertrand ngày 15-11- 2006 cho phép hút thuốc ở cà phê loại này, với điều kiện phải có phần mở thông thoáng, trên mái hoặc mặt chính. Nhưng dĩ nhiên ít quán nào theo sát lời dạy bảo.

Để bào chữa cho việc hút xách, dân nghiện sẵn sàng trả tiền phạt, biện hộ rằng mọi người đều có tự do chọn lựa cách sống ; rằng họ ít tốn kém cho nhà nước nếu chết sớm, không tốn tiền hưu ; rằng nếu có hại thì chỉ hại chính mình chứ không hại tha nhân ; rằng hít khói thuốc người khác là một cách hút thụ động phổi cũng bị nguy hại, là nói dối.

Có lần báo chí Việt nam đăng tin nước ta mỗi năm đốt 7000 tỉ đồng vào khói thuốc. Bên Pháp chung chung mỗi người tiêu thụ khoảng 140 euros một tháng. Vừa qua giá thuốc đã tăng 6%, tức trung bình 30 xu một gói. Tin này được tổng thống Sarkozy loan báo cùng lúc với Chương trình ung thư 2, cho thêm… ấn tượng. Để đỡ tốn kém, dân nghiện mua qua Internet, chỉ 2 lần bấm chuột là có thuốc trong thùng thư. Hoặc nhập cảng chính thức như mua trên máy bay, hay nhập lậu. Theo nghiên cứu của British American Tobacco, 22% thuốc lá tiêu thụ bên Pháp (12 tỉ euros) được mua ở ngoại quốc. Nhà nước mất 3, 4 tỉ  trên số đó.  Mới đây BAT đã thủ đắc lệnh cấm bán thuốc qua internet với đề nghị hấp dẫn mỗi tút chỉ 8,50 euros so với trung bình 50 euros trong tiệm.

Dân Pháp túi vỏn vẹn 5 euros là đành nhịn. Malboro là hiệu bán chạy nhất giá 5,60 euros nên 49% đến từ Tây Ban Nha giá 3,45. Thuốc nhập lậu do các băng nhóm có tổ chức ít ảnh hưởng ở Pháp mà là ở  xứ bắc Âu, bọc trong người bán ngoài đường hoặc trường học.

Ngày nay 30% phụ nữ, 40% nam giới hút thuốc và mỗi năm 4 triệu người chết trên khắp thế giới vì thuốc lá. 1 điếu cướp đời ta 7 phút. Chẳng thế mà các cụ trăm tuổi thường không rượu chè hút xách. Rồi có người thắc mắc thế sống để làm gì mà dai thế ?

 

Xuân Sương

Paris, Déc. 2009