Trời Sài gòn oi nồng, tức tưởi không mưa. Bầu không khí chỗ bán vé xe đò ngột ngạt nặng nề với tiếng ồn ào bụi bặm xông lên từ mọi phía. Bà già gầy gò tất bật chen lấn với mọi người không bằng sức mạnh mà bằng mớ tuổi đời
phô ra bởi đường rãnh cày xới trên khuôn mặt võ vàng buồn bã.
- Bà già muốn mua vé đi đâu?
- Tui đi thăm con tui.
Chữ "tui" kéo bày tỏ quyền sở hữu thiêng liêng khó ai chiếm đoạt.
- Ơ thì bà đi thăm con hay thăm bồ gì cũng được, hễ còn chỗ thì tui bán. Con bà ở đâu?
- Ơ La cu La gì đó.
Người bán vé nháy mắt:
- La cu la dái.
Nhiều tiếng cười nổi lên. Bà cụ có vẻ qúynh, nhếch mép ngô nghê. Người bán vé dịu gịong:
- Thôi được, La dái để lần sau. Lần này tui bán cho bà đi La cu. Mấy người?
- Tui đi mình ênh.
Trời hắt nước ào ạt xuống trạm xe đò Pleiku. Bầu trời sụp xuống gần mặt đất. Từng cơn gió dạt dào rên rỉ trên mái tôn mấy sạp hàng bày lèo tèo vài món bánh trái rẻ tiền. Bà già ngơ ngác ôm chặt giỏ quà bánh che cho khỏi ướt. Ðất đỏ cao nguyên nhầy nhụa bám vào đôi chân thương nhớ tìm con. Không ai bận tâm đến nét mặt lo âu của bà. Ðôi mắt có vẻ sợ sệt bôi rối cũng không giúp bà nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của mình. Bà hỏi thăm nhiều người với giọng hổn hển, kêu cứu. Cuối cùng một viên sĩ quan cũng đi đón thân nhân cho bà quá giang xe jeep về trại bộ binh.
Tại bộ tham mưu, người ngồi ở bàn có mang hoa mai vàng trên cổ áo lật tìm hồ sơ và cho biết là con bà đang hành quân. Bà thất vọng hỏi nhẹ như hơi thở:
- Chừng nào nó dià hả ông?
Tránh nhìn ánh mắt của bà, người ấy ngần ngừ:
- Có thể... một tuần. Có thể lâu hơn.
Bà kêu lên:
- Một từng? Làm sao tui ngồi đây chờ nó được?
Người ấy vỗ về:
- Tốt nhất là bác nên về nhà, đừng chờ. Khi nào cậu ấy có phép thì sẽ về thăm bác.
Bà thở ra:
- Ưà thì phải dià thôi chớ có guen biết ai ở đây đâu mà ở. Ông làm ơn biểu nó xinh phép dià thăm tui một chiếng. Lâu guá hổng gặp, tui nhớ nó guá chừng.
Hơn nửa năm sau, con bà về thăm. Nó chạy ào vào nhà như cơn lốc trong khi bà đang ngất ngư vì sốt:
- Má ơi, má, con được lên lon. Con đem dià cho má nè!
Bà lụp chụp ôm chầm lấy con, ngỡ ngàng hỏi:
- Lon gì con?
Dụi mắt nhìn tờ giấy con chìa ra trước mặt, bà ngạc nhiên:
- Cái gì dậy? Lon mà sao...
Thằng con cười:
- Lon là... là cũng như lên chức đó má, chớ hổng phải như cái lon đong gạo đâu.
- Ưà ưà... lên chức. Chức gì? Lớn hông con?
Thằng con vẻ kiêu hãnh:
- Chức hạ sĩ nhức má à. Lớn lắm.
Bà cười, đôi môi nhăn nhúm giãn ra úp tròn lên lợi:
- Nhức lậng? Con của má giỏi thiệc!
Sờ vào vai áo bạc màu sờn rách của con, bà chép miệng:
- Chèng ơi, áo xống gì mà rách bươm. Má có dành dụm chút tiềng, con đi may áo mới đi.
Nhưng thằng con không chịu, bảo quần áo lính là của quân đội cho, không phải may. Còn tiền thì phải để dành lúc má ốm đau cho có mà chạy thuốc.
Cơn sốt bịnh trở thành cơn sốt hạnh phúc biến dạng bà. Suốt tuần lễ có con ở nhà, bà trẻ ra chục tuổi. Bà cười nói huyên thiên, nhìn mọi người với ánh mắt lúc nào cũng long lanh âu yếm. Bà quấn qúit bên con không rời, trừ những lúc hiếm hoi lê la chốc lát bên hàng xóm cốt chỉ để nói về cái tốt của con. Con bà xách nước, nấu cơm, giặt giũ cho mẹ. Bà hóm hém cười:
- Con hy xinh cho má guá chời.
Rồi thằng con lại ra đi. Bà lại buồn, lại thơ thẩn vào ra một mình ít cười ít nói. Có mấy củ tỏi củ hành ngày ngày bưng đi từng nhà chào bán. Bữa được bữa không. Bà sống hẩm hiu âm thầm như một bóng ma cho tới khi nhận được thư con gởi về. Bà hớn hở nhờ con bé hàng xóm qua đọc giúp. Hai mái tóc hai màu chụm vào nhau dưới ánh đèn tù mù không đủ sáng.
- Cái gì có chữ ku hả bà?
- La cu. Chú ở La cu. Ðọc tiếp đi con, lẹ lên!
"La cu ơ ngày bảy tháng hai, má ơi, má có khoẻ ơ mạnh không, có ăn ngủ đều ơ không má, hôm qua con được thượng ơ cấp khen là anh ơ dũng, ổng hứa sẽ xin cho con cái ơ huân chương bội ơ tinh...". Con bé ngừng đọc, hỏi là cái gì vậy bà? Bà cười sung sướng:
- Là cái lon cái lá gì đó như kỳ chước chú đem dià cho bà đó mà. Chú đứng nhức hoài à. Ðọc nữa đi con. Còn dài hông?
Khi con bé đọc xong thư, bà kéo vạt áo lên chặm mắt:
- Tội nghiệp thằng nhỏ. Ai cũng nói đi lính cực khổ lắm mà hổng bao giờ nghe nó thang. Chắc chú mày xợ bà buồng.
Rồi lấy trên bàn thờ thường được bà kính cẩn thắp nhang van vái mỗi chiều, quyển vở bụi bám mà bà cầm nó trang trọng như cầm nắm một sinh linh:
- Con biêng dùm bà ích chữ gởi cho chú.
Con bé tròn mắt chờ đợi, bà chẩm rãi nói:
- Con biêng là má là Ðược...
- Chấm xuống hàng không bà?
- Lên xuống gì tì con. Rồi chưa? gởi cho con là Của...
- Ðể chấm thương ôi không bà?
- Con muốn để chấm gì thì để. Má nhớ con lắm. Rồi chưa? Ráng dià thăm má. Rồi chưa? chiếng này má phải lo chiệng dợ con cho con... Cái gì? chiệng dợ con cho con. Rồi chưa? chớ má đơn chiếc... chết nay sống mai. Rồi chưa? má chờ ông chời kêu biểu đi. Rồi chưa? là đi. Rồi ai lo cho con. Rồi chưa? con hy xinh cho má nhiều rồi. Rồi chưa? hun con. Nhớ dià thăm má.
Bà chỉ lá thư con trai gửi về:
- Con biêng như dầy. Chú thường dặng là mình cứ biêng như chú biêng chỗ người gởi, gởi cho chú thì chú thành người nhận.
Con bé đọc bao thư, kêu lên:
- Bà ơi, chắc chú Của viết lộn rồi. Con nghe ba con thường nói K.G.B. chớ sao chú lại đề K.B.C. hở bà?
Bà hấp háy mắt xoay ngược xoay xuôi bao thư:
- Ưà thì ba con chữ nghĩa hơn chú chắc ba con nói phải. Con muống biêng xao thì biêng.
- Bà ơi, ai ở K.G.B. là giỏi lắm đó bà. Ba con nói.
Bà cười tươi tắn:
- Ưà, chú cứ đứng nhức hoài à.
Gần ba tháng sau, một người đàn ông và một người đàn bà cùng bận đồ nhà binh tới tìm. Lúc đó bà đi bán tỏi vừa về. Từ xa, bà vội quăng rổ tỏi, đôi chân khẳng khiu cuống quít chạy về nhà. Nhưng không ai hớn hở gọi bà bằng má. Họ nói một cánh nghiêm trang là con bà đã hy sinh, và đưa cho bà cái ba lô nói là di vật của con bà, kèm theo một số tiền.
Bà cười rạng rỡ, mắt sáng như trẻ thơ:
- Tui biếc mà. Thằng con tui bao giờ cũng hy xinh lắm. Tiềng nữa? Ðó, hễ có tiềng là nó cho tui liềng hà. Tội nghiệp, nó hổng giữ lại, nhằm khi gió máy.
Hai người khách ái ngại ra về. Trời bỗng sụp tối. Vài cơn gió trái mùa rung cây cho lá ngập ngừng rơi. Tiếng trẻ con trong xóm vẫn đùa nghịch mỗi ngày bỗng có cái gì sắc gọn hơn, đau nhức hơn. Mấy củ tỏi khi nãy bà vất rổ vội vàng, đã âm thầm để gió lùa trôi xuống cống. Và nước muôn thuở đen ngòm dưới cống chừng như quánh lại, ngừng trôi. Nhưng những cái đó không ảnh hưởng mảy may tới niềm vui bao la trong vắt của bà cụ. Bà tất bật ra đầu hẻm mua cái bánh rán và gọi con bé hàng xóm:
- Nè, chú Của gởi tiềng cho bà nhiều lắm, bà đãi con cái bánh ngon. Có giấy tờ gì cả xấp, tờ nào cũng có hình cái cờ. Chắc là chú Của lại được thưởng cái gì đó. Con dià nhờ ba gua coi giấy tờ dùm bà.
- Ai tới thăm bà vậy?
- Họ nói gì bà guên, mà chắc là bạng chú Của. Có là bạng thì chú mới dám gởi tiềng dià cho bà chớ. Cô đó người Ang nam. Ngộ ghê, con gái mà cũng đi lính. Còn cái ông đó thì nói giọng trọ trẹ như ông Tư, bà nghe hổng hiểu mấy.
Bố con bé hàng xóm gật đầu mỗi câu bà cụ hoan hỉ khen con. Mắt anh nhìn bà dịu dàng bao bọc như cái nhìn người mẹ. Khi đọc xong giấy tờ, anh xếp để vào quyển vở trên bàn thờ, cẩn thận ngăn nắp như sắp một linh hồn. Anh kính cẩn đốt ba cây nhang cắm vào bình, nói không nhìn bà:
- Mọi việc tốt đẹp hết bác à. Thôi cháu dià. Cần gì thì bác cứ kêu cháu gua.
Và anh về dặn con:
- Từ nay nếu bà biểu biêng thơ cho chú Của, con đưa ba nghe.
- Chi vậy ba?
- Ơ thì... ba coi...
- Ba thường nói coi thơ lén của người khác là xấu lắm mà?
- Không phải ba coi lén. Nhưng ba biêng địa chỉ... cho đúng để thơ không bị trả lại và... biêng thêm ích chữ dặng dò chú biêng... cái này cái nọ cho bà dui. Tội nghiệp, bà già guá rồi!
MIÊNG
Paris, 7 Mars 1995.