DongThiep

ĐỒNG THIẾP

Tiếng chân vang vang tôi giật mình thức dậy.  Như bao lần,  chắc thiên hạ tìm ai chớ đoái hoài gì mình, lại ngủ tiếp, vật vờ.

Chợt tiếng đàn bà nói nó đây nè, nó đây nè. Bàn tay chạm người tôi giật nẩy. Vừa hiểu thiên hạ tìm mình cũng là lúc bị kéo xuống, hoảng hốt bám cột nhà chẳng kịp. Họ bồng tôi đi. Ôi, cảm giác nằm trong tay ai thật êm dịu... Tôi nín thở hoang mang mắt lim dim chập chờn hạnh phúc. Bỗng dưng đời thay đổi.

Tôi chưa hề suy ngẫm cuộc đời cũng chưa có dịp tiếp xúc thế giới hỗn mang con người. Tiến bộ thoái hoá, văn minh hoang dã, chính trị xã hội... của vũ trụ bao la nhân loại đối với tôi hoàn toàn lạ lẫm. Chỉ nghe loáng thoáng các ông nhà giáo  dãy phố bên kia, chẳng hiểu gì. Họ có thứ ngôn ngữ bác học khô khan, sắc sảo dèm xiểm, dửng dưng rạch ròi quá đỗi, không phải ngôn ngữ chúng tôi dãy phố bên này thường dùng, bị cho là đỏm dáng,  là "tiểu thuyết". Thời thơ ấu tôi chắc chẳng có gì đáng nói, nếu viết, mẹ chỉ tả vài giòng. Còn hiện tại cô gái hăm ba chờ đợi  "ý trung nhân" thì chuyện hoang đường. Không quá khứ huy hoàng tưởng nhớ, không tương lai như mộng để mơ -  tôi có gì thắc mắc về mình ? Bao nhiêu năm nằm xó tối, khép kín đời vẻ dửng dưng, như tận cùng thâm tâm chẳng ao ước có ngày trời run rủi ban ơn cho gặp một người. Nhiều khi hận, cho mẹ là người vô trách nhiệm : sinh ra mẹ phó mặc tôi ẩn nhẫn một mình trong căn nhà  quạnh hiu thiếu sáng. Người ta nói vì tôi không ra gì nên mẹ nản, bỏ đi đâu chẳng biết.  Nhà bên cạnh có cô hàng xóm, trời ơi, khách khứa đón đưa mời mọc cô mệt mỏi rạc người ! Trông cô bắt đầu tả tơi. Thà thế, ai lại cứ ru rú quạnh hiu ! Chắc trong đời ít ai hẩm số như tôi, ngay cả đám triết gia già và các nhà sử học lụ khụ dãy phố bên kia. Người đời dửng dưng đến thế thì việc chi lòng tôi vướng bận ? Và thế có đáng gì tôi phải mòn mỏi mấy mươi năm ?

Tiếng nói nhè nhẹ lao xao, người ta làm tôi chóng mặt. Không quen sự di chuyển bềnh bồng. Tôi kêu nhưng chẳng ai lưu ý. Nhắm nghiền mắt bám chặt cánh tay ai cứng cáp. Sự đụng chạm khiến tôi dễ chịu và lạ lùng chưa, cảm nhận sự có mặt của người  khác phái. Tim vỡ ra, phơi phới lâng lâng. Ơ, cuối cùng gái thuyền quyên cũng gặp đấng anh hùng ! 

Khi mở mắt trời ơi, sao kỳ diệu ! Chàng nhìn tôi dịu dàng,   hạt nắng lung linh trên mi chàng đẹp đến nao lòng. Chàng vuốt ve người tôi mặt sáng trưng không nói nhưng đầy diễn cảm. Nằm gọn trong lòng chàng, tôi  lẩm nhẩm tạ ơn trời, tạ ơn chàng đã cho tôi nhìn thấy ánh sáng. Vậy mà cứ như ông thần bị nhốt ngàn năm trong chiếc chai thần thoại, tôi nguyền rủa cuộc đời, nguyền rủa con người, lòng nhủ lòng nếu trải qua trăm năm mòn mỏi, tôi sẽ trả thù kẻ nào vô phúc rớ vào mình. Người ta đụng đến, tôi sẽ tan nát thịt xương từng mảnh nhỏ, những mảnh thịt da mốc meo bột xám ...

Tôi hả hê nằm gọn trong lòng chàng, cô gái hăm  ba đang độ lỡ thì. Bây giờ, như ông thần trong chai, ngoan ngoãn tuân theo ý muốn và nguyện sẽ mang cho chàng vô vàn hạnh phúc. Mắt chàng hối hả chăm chú người tôi duỗi dưới nắng, cong cớn vũ điệu của mèo. Vẫn là nắng, nhưng nắng hôm nay khác hẳn, ấm áp, vàng tươi, rực rỡ reo vui lừng lựng mùi thơm. Tôi hả dạ nắm tay chàng. Chàng mỉm cười, nụ cười ngọt ngào mang mang vời vợi. Và lần đầu tiên tôi thấy có mặt trời.

Lâu lắm, chúng tôi ngắm nhìn vuốt ve nhau, mặc dù lời câm nhưng mắt nói vô cùng. Lần đầu tiên hiểu cái huyền nhiệm của đôi đồng tử. Trời trên cao, hoa lá bên ngoài lao xao dính bóng lên khuôn mặt khôi ngô có chiếc nốt ruồi đậu dưới chuôi mắt trái. Tôi kêu lên :

- Anh ơi, như vậy dám là chúng mình sẽ không đoàn tụ được. Cái nốt ruồi đó là "thương thê trích lệ" rồi, là anh sẽ khóc vợ, em sẽ xa anh rồi !

Có phải thời xưa đâu mà tôi cứ như cô Tiên Dung tự cho đã là vợ  chú Chử Đồng Tử ! Không trả lời, chàng nheo mắt nhìn, ôm tôi sát gần hơn. Dù chẳng hiểu gì tình cảm thế giới bao la nhân loại nhưng nghe hoài cô giáo dạy tâm lý cách nhà ba dãy phố, cũng hiểu chữ "xa" ít mang nghĩa an vui. Tôi đâm tư lự, bắt đầu sống cảm giác không mấy êm đềm. Nhưng thà cứ thế, được biết rồi đau khổ vì nhau vẫn hơn hai thanh song song vô duyên con đường sắt dù tàu tất bật ngàn đời cũng không nối chúng được điểm gần.

Để xua đuổi tình cảm mới mẻ buồn buồn này, thứ tình cảm chắc không chỉ con người mới có, tôi ngồi lên bôi kem chống nắng, đội mũ  bắt đầu  chạy.  Chân tập tễnh vào đời, đã gặp chàng trong thế giới nhiêu khê phiền toái, tôi nên làm theo lời mẹ như đĩa hát rè lặp đi lặp lại.  Chiếc cúp. Chiếc cúp. Chiếc cúp.  Chàng chạy bên cạnh. Chim vành khuyên rũ cánh líu lo. Nắng tháng sáu đùn mồ hôi dưới chân râu trai tráng và mái tóc ngắn ngời óng mặt trời.  Mọi thứ, và quá khứ nghèo nàn buồn bã của tôi... trong giây lát lùi lại, nhỏ bé biến mất. Tôi phải chạy như Forrest Gump, miệt mài tới khi các miếng nẹp chân tự động bung ra, rơi xuống.  Tôi phải chạy cho năm tháng cô đơn chỉ là lớp bụi bám ngoài, theo gió bay đi. Tôi phải chạy, phải chạy,  phải đoạt chiếc mề đay đem về đặt dưới chân chàng như Cléopâtre đặt đứa con trai đầu lòng trước mũi dép César. Chóp mũi xẻ gió lao đi. Phía trước không gian nam châm cực mạnh hút chúng tôi vận tốc kinh hồn. Trống ra quân rộn rã lồng ngực, cánh đại bàng gắn siết vai, gióvần vũ khắp nơi và chân lửa nổi.  Dưới nắng, cái nắng rực rỡ mùa hè nóng hơn gai sắc, hàng cây bên đường chỉ là  mũi tên mờ nhạt tất tả vun vút ngược chiều...

Bỗng bầu trời sạm xuống, đổi màu.  Gió rít chát chúa kéo theo sấm chớp. Vài giọt mưa bỡ ngỡ rơi giữa cái nóng thiêu đốt. Tôi vẫn nhào về  trước nhưng cánh tay ai gọn gàng ôm vào lòng. Chàng kéo áo che tấm thân mảnh dẻ đầu cúi gần hơn để không giọt mưa cộng gió nào lọt tới da tôi. Nấp trong ngực chàng tôi nhắm mắt, sung sướng hạnh phúc bất ngờ. Bóng tối và mùi mồ hôi nồng nàn chiếc cổ cứng cáp nam nhi khiến tôi ngây ngất...

... Tôi hối hả vào phòng tắm, chàng dõi mắt nhìn theo. Chậm chạp, tôi cởi bỏ nẹp chân, hy vọng chàng hiểu nỗi  hổ thẹn không cùng.  Nhưng chàng vẫn nhìn, chăm chú, ung dung, không thấy phải phơi bày trước chàng chiếc chân tàn tật khiến tôi bối rối. Thôi đành. Không thể  dấu diếm. Đàn bà dưới mưa trông tội nghiệp, dưới vòi sen chắc đáng yêu, gợi cảm. Tôi đứng nghiêng,  chân tàn tật bên trong. Mái tóc mẹ gọi "suối" xổ tung, đổ xuống lưng thon. Tóc ướt quấn quýt bên hông, trước ngực.  Ngước mặt đón nước, bộ ngực thanh tân chưa hề ai đụng tay lồ lộ ngẩng cao. Nước ào ạt dọc thân thể  xoá sạch mọi nỗi nhục nhằn. Mặc cảm chiếc chân trái trôi đi. Bong bóng xà phòng lơ đãng đập đầu vào tường, vỡ tung sảng khoái. Tôi chéo hai tay trước ngực, uốn éo vũ điệu nhân ngư.

Bỗng chàng đặt tay lên người tôi, xoa nhè nhẹ. Tôi run rẩy, kích động. Cảm giác rạo rực chưa bao giờ biết trong đời con gái bỗng làm tôi suýt khóc. Dưới nước mà nghe lửa cháy rực người. Nhắm mắt, mở mắt, quýnh quáng chẳng biết phải làm sao. Tôi lụp chụp ghì hai tay chàng, nhẩn nha cắn ngón tay thô bạo gợi tình. Cổ họng phát tiếng kêu rên  là lạ... Quên, cô giáo tâm lý học khuyên nên làm gì lúc này ? Thôi, tôi sống cho tôi, cho riêng mình chỉ cần lời con tim... Chầm chậm, tôi bắt đầu khám phá cuộc đời... Cứ thế, mặt chàng đỏ rực. Mắt dại đi. Hơi thở gấp gáp, ngắt quãng. Buông ra, quay mặt. Tôi té nằm dưới chân chàng,  xấu hổ, bất mãn, ân hận. Nằm im, lấm lét nhìn khuôn mặt an bình kia giờ có vẻ lo âu mệt mỏi. Tôi sợ. Chàng cho tôi là thứ trắc nết lăng loàn.  Khe khẽ ôm chân chàng mếu máo thanh minh :

- Anh ơi... anh à... anh này... nếu anh biết đây là lần đầu tiên em gặp... đàn ông !

Vẫn dửng dưng... Lát sau quay lại, xô tôi ra đóng mạnh cửa phòng tắm. Ông thi sĩ xóm dưới nói gì... à hình như Vừa biết tên chàng biết tuổi chàng, mà sầu trong dạ đã mang mang... Tôi chưa biết tên chàng, chưa kịp nói lời gan ruột đã bị bỏ bê  trong xó tối... Tôi khóc.

Không đếm được thời gian, nhưng tạ ơn trời, chàng lại đến ! Kéo mạnh đặt tôi trần truồng tênh hênh trên bàn, dưới nắng,  bỏ đi. Gió luồn song cửa mơn man lông măng con gái. Cảm giác nhồn nhột khiến tôi  cười vang vang quên thẹn thùng. Tôi phất phơ tay bên phải bên trái, bắt mà nắng chẳng đậu giọt nào. Lạy Trời hạnh phúc này đừng mỏng manh trêu ngươi như thế. Tôi duỗi soải tứ chi nắng phủ chụp ấm áp cả người, bỏ ghét tháng năm dài trong vùng mịt mù tăm tối, chỉ vểnh tai nghe ngóng mọi điều chẳng biết hư thực thế nào.  Cảm giác thật dễ chịu. Tôi hát nho nhỏ bài tình ca thì chàng trở lại, hăm hở...

Bằng động tác nhanh mạnh,  bàn tay thanh niên lướt qua làn da con gái. Mọi tế bào vùng lên,  bỡ ngỡ hân hoan. Tôi hổn hển lịm đi. Nhưng trời ơi, tay kia chàng lăm le con dao nhỏ dài nhọn hoắc. Tôi nhắm mắt run rẩy. Ý nghĩ lướt qua chiếc đầu bé nhỏ ngu ngơ : chàng thuộc loại bạo dâm hay tên bịnh hoạn ? Ðã nghe nhiều các luật sư dãy phố bên kia. Tên bịnh hoạn sẽ giết chẳng vì sao. Người bạo dâm thích hành hạ đàn bà trước khi làm công việc giống nòi. Lạy trời chàng thuộc loại sau...Nghĩ cho cùng, nếu mũi dao oan nghiệt kia làm da thịt tôi tan nát thì có gì ghê gớm ? Giáo sư dạy sử kể bao nhiêu cái chết vô tội, oan uổng, trẻ con chưa rời vú mẹ, thanh niên chưa biết đời, bô lão suốt đời chưa hề phạm tội ... Họ chết bất ngờ trong chiến tranh do quyết định từ ai, từ đâu đâu. Tôi nếu chết vì chàng, vì tình, thì tạ ơn trời, ít ra cũng có nghĩa ! Bắt đầu tư duy chết sống cõi người. Góc phố bên kia, ông sư bảo cái chết chỉ là tiếp nối cái sống, rằng trong cái sống đã cưu mang nỗi chết, rằng... thôi, nhiêu khê quá đỗi ! Tôi chỉ nghiệm một điều : mình sẽ chết trong tay chàng, vì tay chàng,  sau đó phó mặc, giòng đời tiếp tục trôi và con hẽm buồn hắt hiu vẫn sẽ chẳng gì thay đổi.

Chàng lướt dao khắp người tôi, hả hê. Đôi mắt ánh tia thú vị, nôn nao. Gió vờn tóc phủ trán trong khi chàng say sưa vờn thân thể tôi nhạy cảm. Con cá nhỏ trên thớt muốn vuốt ve môi chàng run run, nhưng vô phương vì chàng đè mạnh quá. Chịu trận. Ngay cả sắp chết, tôi cũng chẳng làm được gì. Một mình, nhà trong ngõ khuất. Cố dằn thất vọng, tôi sống cảm giác bàn tay chàng sờ soạng khắp người... Ít nhất cũng sảng khoái.  Mọi cái đối với tôi đều là cảm giác sống lần đầu...  

Có tiếng sột soạt đâu đó, trên kia. Tiếng cắt giấy rạch ròi khiến tôi lo căn phòng nhỏ mẹ làm kiểu Nhật. Nhưng rất nhanh,  yên trí chàng không xẻ thịt mình dù con dao vẫn lướt qua nhè nhẹ. Thân thể tôi bị lật tới lật lui. Hơi lâu. Chắc giấy dán căn phòng nhỏ đã rách vụn. Giấy xanh màu nước điểm hoa cúc trắng, một lần mẹ về hỏi tôi thích không. Trong căn phòng đó, cạnh chiếc bàn thấp rải rác mấy chiếc gối thêu đối với tôi là vùng đất cấm. Chỉ đứng ở cửa nhìn tấm hình bố nghiêm nghị buồn buồn hờ hững trên tường. Có người nói bố Nhật Bản, một lần mẹ du lịch Tokyo... Người ta nói tôi ra đời do sự "hoang tưởng" của mẹ, mẹ người mơ mộng,  không thực tế, người đàn bà văn chương hơn nội trợ. Gì thì gì, mẹ cứ là mẹ ... Giật mình thở phào khi chàng buông dao ôm gọn tôi... Bạo dạn nắm tay áo chàng, nũng nịu lời chẳng ra lời. Lại buông, đi đâu. Ðánh bạo gọi anh ơi, anh đi đâu đó, đừng bỏ em mà, vì dù trong tay chàng tôi cũng miên man nỗi nhớ. Lát sau chàng trở lại máy hình trong tay. Lật ngang ngửa tấm thân trinh nữ. Những tấm hình đầu tiên trong đời, tôi sung sướng, cùng lúc xấu hổ  phải phô bày thân thể không kín đáo... Hình như nghệ thuật. Chẳng biết gì những cái xa xôi đó, chỉ nhớ ông thầy triết bên kia thường nói chúng ta có nghệ thuật để không chết vì thực tế...

Chàng chồm qua người tôi mở cửa sổ. Bên ngoài trong veo óng ánh lừng lững sao đêm. Cũng bóng tối, nhưng bóng tối khu tôi thật ảm đạm. Các dãy phố khô khan bụi bặm không  bóng cây và tiếng chân tất tả vào ra thay xe cộ. Cái nghèo bao phủ dân cư như tấm lưới chụp đám cá, dửng dưng vô tình không màng tiếng thở dài.  Và ngay cả tiếng thở dài cũng cam phận, nhẫn nhục e dè. Ở đó, tôi ngủ vật vờ mơ tưởng cõi nhân sinh. Đối với chúng tôi con người thay quyền thượng đế, tạo ra rồi hủy diệt, khen chê bình phẩm chẳng kiệm lời. Người  ta ba hoa đủ điều và từ đó, chúng tôi, những kẻ sinh sau đẻ muộn mang một cái tên. Dưới ánh đèn, tôi duỗi soãi trên bàn nghĩ xóm giềng trong hẻm. Dù ít hẩm số như tôi, nói chung chẳng ai có cuộc đời huy hoàng cho lắm. Tôi đã âm thầm tìm hiểu thế nào là cuộc hành trình, thế nào là cuộc viễn du... và thèm thuồng ngay cả số phận  Dế Mèn nhà ai cũng phiêu lưu viết ký. Chú Phi Lạc sang tận bên Tàu, chạy tuốt qua Hoa Kỳ đại náo. Ông Tôn Hanh Giả bay tuốt lên trời ăn vụng đào tiên... Còn tôi chẳng dám ao ước đi đâu, chỉ thèm được gặp một người...

Đêm mênh mông vời vợi chúng tôi kề cận nồng nàn. Dõi mắt nhìn cây gì cao lớn xum  xuê chao lượn ngoài sân, da thịt rờn rợn cảm giác được ve vuốt ngắm nhìn.  Ngón tay phù thủy khiến từng tế bào nhức buốt, khẩn trương.  Nhớ loại sách, loại phim ảnh mẹ cấm xem, cho bậy bạ. Giờ tôi đang diễn. Điều ông sư thường nói Đức Phật dạy  "bây giờ-ở đây" bỗng nhiên tôi ngộ ra, quý báu.  Lần đầu tiên trong đời  không hằn học còn cám ơn sự bỏ bê của mẹ. Nếu có đây mẹ sẽ mắng mỏ lắm lời trách không "treo giá ngọc". Không tình cảm thì liên hệ làm gì mà phải treo giá,  nếu thương yêu nhau thì treo giá làm gì ? Rõ rắc rối, rõ kiểu con người ! Tôi sống kiểu tôi, nếu giờ này mẹ bất chợt về cũng sẽ không vì mẹ rời bỏ chàng. Xin mẹ tha lỗi cho con. Nếu con có "hư hỏng" cũng vì mang dòng máu mông lung cha và da thịt "hoang tưởng"  mẹ. Con đang thương yêu và được thương yêu, làm gì khác được ! Nếu mẹ, mẹ sẽ làm sao ? Tôi nhẩn nha tìm ngôi sao mình. Nếu nó nhỏ bé tối tăm làm sao giải thích phút giây  hạnh phúc rạng rỡ  này ? Tôi kể chàng nghe những kín đáo nhất đời mình, chàng nhìn tôi trong tình huống cực kỳ thân ái. Trong tay chàng, tôi rướn người, hơi thở đặc quánh thương yêu thoát cùng lúc niềm phơi phới hân hoan đồng thiếp... Chàng tắt đèn, đóng kín cửa phòng.  Đêm tối đen tôi nín khe hứng nhận hơi thở nồng ấm của chàng...

... Tôi hân hoan chạy. Lằn ranh và chiếc cúp gần kề. Chiếc cúp bạc lóng lánh đâu đó, một lần nhìn nó lẳng lơ trên tay cô gái tỉnh khác. Dù không có nhà, lúc nào mẹ cũng thường trực đâu đó canh chừng, ra lệnh. Chiếc cúp về nhà sẽ nâng mặt mẹ vốn nhìn xuống vì chiếc chân trái của con. Chúng tôi, những người may mắn còn một chân lành lặn, khuyến khích cổ động nhau chạy cho nhanh, phải sống vượt cảm giác một chân tê bại. Lúc nào cũng chờ nhau một bước cùng về, cùng huề, không tranh hơn thiệt. Nhưng lần này tôi không chờ bạn, không nhường bạn. Chợt hiểu điều ông giáo sư dạy sử giải thích tại sao người ta không thể đặt hai vua lên cùng một ngai vàng. Con người rất sợ làm khác hình ảnh thiên hạ chờ đợi mình. Tôi biết điều thiên hạ, bây giờ thêm chàng, chờ đợi nơi tôi. Hình như cõi con người phải bước dẫm lên nhau mà tiến.  Con đường tôi chạy vô tình đi vào cõi nhân sinh, cõi của chàng, tôi không thể làm khác mọi người. Trò nhường nhịn chỉ trong tiểu thuyết.  Ông giáo sư dạy triết thường nói người ta như ngọn lúa mì, càng chín đầu càng gục.  Tôi chưa chín, phải ngẩng lên, cùng lúc đầu mẹ cũng sẽ không cúi nữa...

Tôi ngoái nhìn bạn chạy sau vài chục thước,  cố gắng, mệt mỏi, thất vọng.  Dưới nắng rực rỡ mặt bạn tối tăm khiến tôi chột dạ.  Làn da rám nắng ươn ướt, từng giọt mồ hôi óng ánh mặt trời như kim cương cũng không giúp khuôn mặt đó sáng sủa hơn. Không thấy mặt mình, tôi nghĩ chắc cũng tối tăm không kém. Bạn tôi mặt bên trái hơi chệch, là "thứ" tôi phải dẫm lên ? Ánh mắt trong veo, miệng  lúc nào cũng mỉm cười  thật thà tôi  thua "người ta" thì nhục ? Thân hình mỏng manh xiêu vẹo không đáng lãnh mề đay, căn nhà nghèo nàn không chỗ ngồi cho chiếc cúp ? Mẹ ơi, ý nghĩ đó mẹ nhét vào đầu con không thấm... Cái gì nghèn nghẹn đẩy tôi về vùng kỷ niệm ngọt ngào với bạn bỗng bùi ngùi phạm tội. Tôi nuốt cái gì trong cổ khô cứng, gai góc. Bỗng chiếc địa bàn không còn phương hướng nữa. Cảm giác này khiến tôi khựng lại, tròng mắt đảo điên. Môi không mím nữa, tôi thở hắt, thanh thản bất ngờ. Thôi, nắng cứ nắng.  Chiếc cúp cứ lẳng lơ. Mẹ cứ hoang tưởng. Chàng cứ  thất vọng về tôi. Tình yêu cứ là tình yêu và tôi vẫn là tôi. Không vô tình bỏ bạn không đánh mất chính mình. Cái thắng ở đâu kìm chân tôi lại - hai chân qủy ám từ sáng đến giờ. Tôi chạy chậm chờ với cái nhìn ngỡ ngàng sung sướng của bạn, trên da vẫn đầy hạt kim cương lóng lánh sức người . Và một và hai và ba bước... Như bao lần, chúng tôi nắm tay nhau cùng vượt lằn ranh giữa tiếng hoan hô vang trời dậy đất...

Người ta đọc tên và tiếng vỗ tay ồn ào khiến tôi chóng mặt. Chiếc mề đay  chao lượn trong tay ông Tỉnh trưởng. Men yêu và men chiến thắng đến với tôi cùng lúc, bất ngờ. Khuôn mặt  bạn ngay tầm nhìn, rực nắng, mãn nguyện an vui.  Chàng đứng đó, lồ lộ giữa bao khuôn mặt. Tôi hả dạ  đứng lên, bỗng thấy mình sừng sững cao lớn giữa mọi người ngồi. Tất cả sức nóng, tất cả ánh sáng dồn vào bục gỗ, hừng hực, chói chan. Hào quang rực rỡ quanh tôi. Bậc thứ ba bỗng vời vợi chín tầng. Tôi vấp té . Tiếng kêu. Tiếng chân chạy tới. Tôi xấu hổ ngước nhìn,  mặt chàng đỏ gay như vừa chạy quãng đường dài, chán nản mỏi mệt, bỏ đi. Tôi gọi thất thanh. Chàng không quay lại. Và tôi ngất xỉu...

Cửa xe cứu thương đóng sầm, nhốt tôi vào thế giới âm u. Tôi nằm im, nhắm nghiền mắt vì vốn không quen di chuyển bềnh bồng. Nước mắt trào ra, trào ra không ngớt. Chàng hẳn xấu hổ vì tôi lắm. Xin anh tha lỗi cho em, xin anh tha lỗi cho em. Chưa được bao ngày mà em đã sống với niềm yêu và nỗi khổ khôn cùng.  Đó có phải thói thường nhân loại  ?

Ở bịnh viện, người ta cho tôi nằm trong căn phòng bưng bít. Tay chân như bị trói. Bên ngoài có tiếng lao xao. Người ta đang trò chuyện.

- Đỡ chưa con ?

- Dạ, khá hơn rồi mẹ.

- Mày phải đi khám lại, chớ áp huyết cứ cao như vầy nguy hiểm quá. Bữa nay con bị mệt mấy lần ?

- Hôm qua một lần bữa nay một lần chớ mấy mẹ. Tại con chăm chú đọc cho nhanh nên hơi mệt.

- Một lần chớ mấy ! Sao, đã đọc hết chưa ?

- Dạ rồi mẹ. Cho xong, mai trả.

- Được không ?

- Bà này không thành công mấy, nhưng vì luận án về các tác giả thế kỷ hai mươi thành con phải để tên bà vào, phải đọc, chớ bà chết rồi mà chỉ có một quyển thôi. (Cười) Mấy chục năm  rồi mà ở thư viện này chưa ai mượn, có trang con phải rọc giấy.

- Bộ con không phải dẫn chứng đoạn văn nào sao mà mai đã trả ngay ? Thư viện cho mượn cả tuần mà ?

- Cần đoạn nào con đã chụp rồi mẹ à. Trả để mượn quyển khác.

- Chuyện ra sao ? Được không ?

- Dạ tàm tạm, mẹ.  Chuyện cô gái khuyết tật, chân trái bị liệt, phải mang nẹp. Nhưng cô cố tập chạy thi dành cho người cùng hoàn cảnh. Đáng lẽ về nhất, lại thương bạn nên chờ cùng về. Lúc lãnh mề đay xúc động quá vấp té, xỉu, phải đưa vào bịnh viện... Thấy thương.

 

 

MIÊNG

Paris, Nov. 2001