GuomDan

GƯƠM ĐÀN

Gío luồn qua những thớ đất ẩm ngai ngái sau trận mưa rào. Ngồi xổm, Bổn cầm cây que nhỏ vẽ dọc ngang bất định. Anh thấy xốn xang, một nỗi xốn xang kỳ bí không giải thích nổi, cũng chẳng thể tâm sự với ai.

Bỗng dưng Bổn lo sợ. Thủ phó có ý gì khi lành lạnh nhìn anh thòng câu "Lạ, hai lần cậu trực đêm thì đúng ngay hai mạng đi đứt !". Bổn thở dài, bất giác nhìn lên trời. Bầu trời sau cơn mưa trong xanh, ngun ngút xa vời. Bổn nhìn mãi, tìm kiếm chờ đợi cái gì có thể giải thích nỗi lo sợ hoang đường. Nhưng càng nhìn anh càng sợ, thấy trong cái mênh mông sâu thẳm của thìên nhiên có cái gì kỳ bí mà con người không thấu hiểu nổi, mà con người chỉ là nạn nhân, mà con người phải chấp nhận dù ngờ là không thực. Trời sao mà xanh, một màu xanh huyền ảo không mây. Nhưng trong cái trong suốt của buổi chiều, Bổn có cảm giác như trăm ngàn con mắt đang dọi xuống mình cái nhìn hững hờ mà nghiêm khắc, không xôn xao mà hàm ý. Gió đuổi nhẹ hàng keo bên hè, thầm thì chỉ trỏ nói gì anh. Rùng mình, Bổn tự hỏi không biết vì trời chiều se lạnh hay vì hồn mình bất định ? Anh bỗng thấy cô đơn kỳ lạ...

Chợt Bổn đứng bật dậy nóng ran người, mắt long lanh rảo bước về phía nhà ông Từ. Phải rồi, chỉ có cách ấy, ừ, ít nhất cũng giải thích được cái gì...

- Dạ chào ông !

Ông Từ hấp háy qua cặp kính lão rồi ngừng tay nặn tượng, gỡ điếu thuốc khỏi môi :

- A ! Chú lại tới lục soát gì nữa chớ gì ?

- Dạ không. Cháu... cháu có chút chuyện muốn hỏi ông.

Dửng dưng, ông Từ gắn điếu thuốc vào hai môi nhão toét, bập bập rồi thong thả phà làn khói mỏng manh như giải lụa mềm lên mũi. Bổn bước tới bức tượng đàn ông :

- Ông nè, cái tượng này là ai hả ông ? Có râu quai nón, mắt sáng, cầm kiếm, coi oai quá !

- Ai đâu. Nặn chơi vậy mà.

Dù ông Từ vẫn chỉ chăm chú vào con bò đang nặn trên tay mà tự nhiên Bổn nhìn tránh sang chỗ khác, ngập ngừng :

- Ơ... có bao giờ ông nghĩ là mấy cái tượng này di chuyển được không ông ? Ơ... ý cháu muốn nói như... như chuyện cổ tích vậy mà !

Ông Từ nhướng mắt nhìn anh công an trẻ : chú chàng này có ý đồ gì đây ? dọ ý để kết án là mình mê tín dị đoan rồi cấm không cho nặn tượng nữa chăng ? Quai xăng-đan bầm dập ôm mấy ngón chân móng dài cáu bẩn, bộ đồ vàng bệch bạc với một cúc áo đùt, chiếc nịt sờn gãy, hai bàn tay thư sinh lấm láp và nét mặt dù có vẻ thật thà nhưng ánh mắt bối rối, môi run run ... Nói chuyện với ông già thì có gì mà dao động ? Không, chắc chắn chú chàng có ý đồ gì. Đây là thành phần nguy hiểm.

- Tui không biết chú ơi, nặn thì nặn cho vui. Già cả chẳng biết làm gì.

Khẽ khàng đặt con bò xuống đất, ông Từ vớ tay lấy chổi quét nhà. Bổn bối rối, biết ông Từ muốn đuổi khéo mình. Mà Bổn thì chưa muốn về. Tự nhiên anh cứ muốn hỏi chuyện ông Từ, về người đàn ông anh đã gặp ở cơ quan trong hai đêm bất hạnh, về bức tượng, về chính cuộc đời ông. Tự nhiên Bổn muốn cạy miệng ông, muốn ông phải thốt những điều minh muốn nghe. Tự nhiên anh nghĩ trong cái đầu lưa thưa tóc bạc kia hẳn che dấu rất nhiều điều. Nên làm như không hiểu, Bổn giả vờ thản nhiên hỏi tiếp :

- Hồi giờ ông chuyên môn nặn tượng hả ông ?

Lại gỡ điếu thuốc khỏi môi, cái điếu thuốc ố vàng, đuôi mỏng tang lúc nào cũng dính một bên mép như chút thịt thừa, ông Từ dấm dẳn :

- Trước kia giữ chùa thì ngày ngày nhang đèn cho Phật. Từ ngày gia đình bộ đội vô lấy chùa, đập phá hết tượng thì nặn cho vui. Gọi là quen tay, có gì đâu mà vặn !

Ông lại dán điếu thuốc bên mép. Bổn vẫn kiên trì, giọng nằn nì dỗ dành :

- Không phải cháu vặn. Cháu xin lỗi ông. Nhưng mà ông à... trong vùng này có... ai giông giống bức tượng này rồi ông nặn theo, hay chỉ là ông tưởng tượng ?

- Tui không biết !

Bổn không cách nào tìm hiểu gì trên khuôn mặt sạm nắng lẩn cùng màu với chiếc cột góc nhà. Một màu nâu đồng trầm tĩnh, kín đáo không sẵn sàng cho tình cảm nào bộc lộ. Đôi mắt hãy còn tinh anh như hai cửa sổ khép, không để ai rình mò dòm ngó bên trong. Nhưng đôi môi nhăn nhúm kia đang run run mà tự nhiên Bổn có linh tính vì xúc động âm thầm chớ không vì giận. Vừa hoang mang vừa sợ hãi muốn khóc, Bổn quên cảnh giác, bước tới nắm hai bàn tay dính đầy đất sét nói nhỏ nhẹ như một lời thú tội :

- Ông ơi, không biết cháu có bị ma ám hay gì không, mà sao hai lần cơ quan có người bị giết cháu đều thấy thủ phạm đi vào nhà ông, mà giống bức tượng này ghê lắm. Cháu sợ quá ông ơi !

Lặng lẽ rút tay ra, ông Từ thè lưỡi gỡ điếu thuốc dán lên cột - cây cột đầy rẫy những đuôi tàn thuốc như sò hến bám lưng cá voi. Mặc Bổn với lời tâm sự bất ngờ, ông bỏ ra sân...

x

Bầu không khí đặc quánh như hồ lỏng, ngay cả trăng cũng khó nhọc bước xuống trần. Chưa bao giờ cái nóng lại tức tưởi đến độ. Ngay cả mảnh sân sau nhà, ngay cả bốn bức tường loang lổ, ngay cả các bức tượng cũng ứa mồ hôi, hâm hấp thở nhọc nhằn. Tất cả đều rín rít, ngầy ngật, rũ rượi.

Ông Từ tựa lưng vào cây ổi còi, cây ổi bất động sửng sốt dưới cái nóng dộp da. Thỉnh thoảng ông với tay múc nước trong lu tu ừng ực xong xối lên người. Nước rớt xuống làm mặt đất sủi lên, phừng phực hăng hăng. Trong đời, ông ít thấy cái nóng gì mà kinh khiếp. Ông ngước nhìn trăng cầu cứu, chú Cuội đang tất bật quạt cho chị Hằng và hai má chị ửng hồng, cũng rạc người vì nóng. Cả bầu trời trong vắt từ từ mang màu lửa, lửa nhen nhúm, lửa reo vui, rồi lửa hừng hực bao trùm vạn vật. Mi mắt ông Từ sụp xuống nặng nề...

Trong cái mê mê tỉnh tỉnh, chợt đâu đây thoang thoảng một mùi hương. Thú vị, ông Từ nhủ thầm đã bao năm rồi chưa được ngửi mùi hoa bưởi ? Không, mà không phải hoa bưởi, chắc hoa lài. Lại cũng không phải, chắc dạ lý hương... Gì thì gì, mùi thơm ngon lành quá muốn ăn được, muốn ôm vào người, muốn nhốt vào lòng. Trong đêm đặc quánh, mùi hương mang lại chút gío hây hây dịu ngọt, một cảm giác lâng lâng sảng khoái, một hơi hướm giãn nở mời mọc. Tất cả mọi chân lông trên người ông nở ra, tiếp luồng hương thơm vào từng tế bào, từng mạch máu. Lớp da nâu đồng cằn cỗi của ông được mùi hương mơn trớn hồi sinh tái tạo. Con tim già nua được mùi hương xoáy loạn lên sống động, nôn nao...

Rồi mùi hương đến gần ông, gần lắm khiến khối óc mù mờ chợt nhớ nó đã từng len lách giữa các viên gạch trong nhà, giữa những sợi tranh trên nóc, giữa những hiu hắt gió đêm... và nhất là, nhất là giữa tiếng nấc nghẹn ngào bi thiết đàn bà dập dờn trong khuya vắng. Thỉnh thoảng lại văng vẳng tiếng đàn dìu dặt khi nhặt khi khoan dúng dắng, ngập ngừng. Các thứ trêu ngươi ấy quyện lấy nhau, nhịp nhàng sôi nổi, đã làm một người chai đá như ông cũng phải cảm thấy lạnh buốt ở lưng. Ông đã thức bao đêm chờ đợi, rình mò tìm kiếm mà chưa bao giờ gặp. Ông biết cái thứ mùi ma quái và tiếng khóc tỉ tê âm hồn ấy có đâu đó trong nhà, trong vườn, rất gần gũi ông mà cứ tránh né hù doạ, lúc nổi lúc chìm cho ông búc rức. Đêm nay nó còn ngát hơn, ngọt hơn khiến giữa cơn thiêm thiếp, mũi ông phập phồng như hai cánh bướm đêm. Rồi ông Từ cố hé mắt tìm hướng cái mùi sung mãn ấy. Bỗng mắt ông mở to ra, to mãi, nhìn sừng sững trước mặt mình một màu gì trắng toát không phải màu trăng...

Ông sẽ giữ mãi kỷ niệm tuyệt diệu ấy cho riêng mình - một cõi riêng tư đã khiến những ngày cuối đời ông rực rỡ, một điều bí mật làm giàu nỗi cô đơn và cuộc đời quạnh quẽ của ông, một chút nồng nàn hâm nóng con tim giá lạnh. Mùa trăng đó tưởng chừng vô tận...

Tới mùa trăng sau ông Từ vẫn chưa hết bịnh. Hàng xóm bảo hậu quả người ướt sũng mà ông nằm suốt đêm ngoài sân của đêm nóng trời tháng trước, là ác. Để đáp công những bò cái bò nghé và gà vịt ông Từ đã nặn, cha mẹ thằng Cu cho con qua để ông có bạn. Thằng Cu đặt bàn tay học trò vụng dại lên trán ông nóng hổi, vừa kể ông nghe chuyện lặt vặt ở trường. Ông ậm ừ với nó mà mắt thì dán trên khung cửa sổ sứt mẻ chờ đợi. Ánh trăng nhàn nhạt non nớt bò từ từ lên phần cao khung cửa. Màu trăng chưa trang điểm, chưa mãn khai, chưa kiêu hãnh. Ông Từ vẫn nằm im, vẫn thở khò khè nghe thằng Cu kể chuyện.

Nhưng khi vầng trăng tròn trịa đêm rằm ung dung ngự giữa trời, ông Từ bị một luồng điện chạy qua, bật dậy bất ngờ mạnh mẽ và tựa vào đôi vai nhỏ bé của thằng Cu, mằn mò ra sân. Với bước chân yếu đuối chậm chạp nhưng cương quyết, ông tới ngồi tựa vào cây ổi còi, thở hổn hển đứt hơi và ngước mặt nhìn trời...

- Cu à, chỗ, này nè, con, bà ấy, ngồi đây, áo, trắng tinh, tóc xoã, dài đen, nhánh...

Thằng Cu dáo dác nhìn quanh rồi áp thân hình bé bỏng sát vào tấm thân xiêu lệch :

- Ai hở ông ?

- Ờ, tội quá, bà, lạy ông, nói cám, ơn, ông, đã cứu, mạng, hai vợ, chồng, bà, rồi đàn...

- Ông cứu ai vậy ông ?

Ông không còn sức kể và cũng không tả được cảm giác lúc nghe đàn. Tiếng đàn não nùng mà kinh động, lạ lẫm mà quấn quýt, tỏ bày mà kín đáo, trăn trở mà ngọt ngào... Tiếng đàn lúc thanh tao thoát tục như hạc như mây, lúc sầm sập giục giã như thác sa gềnh đổ. Tiếng đàn lúc vướng víu như sương khói tơ trời lúc rạch ròi như gió quất... Tiếng đàn lúc diệu vợi đuổi xô lúc cận kề mơn trớn... Tiếng đàn tựa quả ngọt mùa xuân, tựa giá tuyết mùa đông, đổ xuống, đổ xuống che lấp cõi người... Lưng rờn rợn lạnh. Tóc dựng trên đầu. Da phồng lên, mỗi chân lông là một lỗ tai căng ra hứng tiếng đàn huyền nhiệm. Rồi nước mắt đã khô bỗng tựa tiếng đàn tuôn ra, tuôn ra ướt đẫm khuôn mặt đã trải qua trọn kiêp nhân sinh...

Mắt long lanh, ông Từ lúc lắc đầu kiểu sắp lên đồng, thân hình co giật, hai cánh tay khẳng khiu quờ quạng trong không tựa người mù tìm lối đi. Rồi bằng động tác nhanh gọn như có người vô hình lôi kéo, ông bò lết vào bực cửa. Thằng Cu cuống quýt lẽo đẽo theo sau. Ông Từ nằm dài ở đó, mắt đăm đăm vào dãy tượng góc nhà, đôi môi quắt queo run rẩy rất khó nhọc :

- Rồi bà, vào, đây, lạy, chồng...

Thằng Cu nghi ngờ :

- Toàn là tượng đất chớ chồng gì đâu ông ?

Ông Từ cố gượng chắp hai tay :

- Sau đêm, đó, ông, tướng không, còn, nữa...

Một con chim đêm ngoài sân vô tình kêu thét lên. Thằng Cu giật bắn người mếu máo :

- Ông ơi đừng làm con sợ !

Quên bẵng thằng bé, ông Từ dán mắt vào góc nhà và sống với thế giới riêng bí mật của mình. Ông đã nắn tượng người đàn ông với lòng trân trọng và trách móc không nguôi. Già tưởng chỉ một mình già ngu, nghe lời xúi dại của đàn bà. Té ra tướng công đường đường một đấng anh hùng mà cũng nhẹ dạ ! Nên già nặn tướng công cho có bạn, cho vui. Một mình một cõi ngang dọc tung hoành, bao nhiêu quân dưới trướng, đi đến đâu triều đình khiếp vía đến đấy... Chỉ một cái quắc mắt của tướng công là bao nhiêu người run sợ, chỉ một lời tướng công đủ làm máu đổ đầu rơi, chỉ một cái vẩy tay đủ ban bố bao nhiêu ân huệ... Vậy mà trời ơi, chỉ vì lời lẽ đàn bà đã làm tướng công mất hết, mất hết công lao năm năm oanh liệt ! Cái đời hèn mọn của già này bị đàn bà xúi dại, cho là hay ho gì cái nghề nặn tượng, cho là sống sao nổi với nghề nặn tượng... Rốt cuộc già thất bại hết, rồi bị phụ bạc, phải nương nấu cửa chùa. Chuyện cũng thường. Còn tướng công... trời ơi !

Hết trách móc, ông Từ lại tủm tỉm lẩm bẩm... râu hùm, được, hàm én, được, còn mày ngài thì chẳng đẹp đẽ gì cho bậc tướng đâu, nhưng cũng được đi. Có điều chẳng hiểu thước tấc ngày xưa làm sao mà vai chỉ năm tấc rộng mà thân tới mười thước cao lận ? Già phải làm sao cho tướng công đường bệ đẹp trai chớ ! Với lại ... (ông e hèm vài tiếng) thuở xưa cứ quân triều đình là tướng công xuống tay. Bây giờ (ông bật cười dòn tan) thì chỉ có công an thôi !... Và ông đã sơn phết cho bức tượng một màu da phong trần - màu da dính đủ bốn mùa thời tiết...

Rồi một lần, hai lần, ông Từ thấy đôi mắt ông tướng quắc lên giữa bóng đêm, đảo điên. Cho là vài giọt rượu buổi cơm chiều làm quáng mắt, ông Từ cười cười :

- Được như vậy thì già này mừng lắm. Xin mời tướng công một ly !

Đêm đêm, ông yên lặng chờ đợi, tắt đèn, hai ly con con đầy rượu. Trong hơi men với đôi tai không còn tinh tế nữa, ông Từ nghe tiếng giáp bào rộn rã, tiếng chân nặng nề chậm chạp, và ánh mắt ai long lanh trong đêm tịch mịch... Rượu hực ấm người tuồng hơi thở ai bên cạnh muốn to nhỏ điều gì. Và đom đóm vào nhà hay ánh kiếm loé xanh trong căn nhà xiêu vẹo ? Ông Từ cũng cười cười :

- Tướng công thuận tay trái à ? Xin lỗi, để già sửa.

Nhiều lần tiếng dao loảng xoảng rơi trong bếp. Tiếng ai thở gấp và mạnh. Tiếng di chuyển về đêm của thú trong chuồng. Tiếng kim khí rộn rã nhọc nhằn. Gío bật tung cửa. Một luồng khí lạnh xoắn vào lưng làm ông Từ sởn ốc. Một luồng sáng xẹt lên. Đôi mắt mèo linh hoạt ngời ánh dữ dằn. Rồi bước chân ai vang vang xa dần trong đêm yên tĩnh... Nhưng ngoài những lúc ấy, ông Từ nghe bên tai tiếng phàn nàn bất mãn. Có uẩn khúc nào trong hơi thở khắc khoải đứt khúc, dồn dập, nghẹn tức. Những âm thanh phẫn nộ của tiếng nghiến răng, chát chúa nhọn sắc. Rồi những luồng âm khí mịt mù đen đậc bao trùm căn nhà nghèo nàn, biểu lộ nỗi căm phẫn tột cùng. Có cái gì không lời khiến con tim già nua đau đớn, thổn thức. Ông Từ chợt hiểu...

Rồi một đêm đông tối như bưng, ông Từ bỗng nghe có tiếng sột soạt ngoài hiên. Ban đầu tưởng mèo hàng xóm săn chuột, nhưng tiếp theo là tiếng rên rỉ nhẫn nhục đàn bà làm ông ngạc nhiên lần mò ra cửa. Dưới ánh sáng vài lằn chớp trên cao, ông hoảng hốt lùi lại, dụi mắt nhìn người đàn bà đang quỳ, áo mây, sương khói , ẩn hiện với cây quỳnh bên góc. Lá quỳnh ốm yếu chao chao trong bóng đêm tựa bộ xương người. Mặt bà cúi xuống, vai rung rung vì nấc. Cố định thần, ông Từ khe khẽ hỏi bà là ai, làm gì ở đây vào đêm khuya khoắc ? Văng vẳng bên tai ông lời thầm thì trách móc :

- Vì Người tạo ra thiếp với lòng căm giận, thiếp không mang một linh hồn trọn vẹn...

Ông Từ chau mày. Người đàn bà này ông chưa gặp bao giờ. Ông cố chọc thủng bóng đêm bằng đôi mắt không mấy tinh anh. Vài giọt mưa bắt đầu lộp độp trên mái, ngập ngừng. Gío khe khẽ rít. Người đàn bà chợt ngẩng lên. Dưới cái mờ mờ của lằn chớp trong mưa, mặt bà nhạt nhoà phẳng lì không mắt mũi, không môi miệng. Vậy mà ông Từ cảm nhận hai vành môi kia mếu máo. Đôi mắt là hai hốc đen sâu hoắm vừa đón giọt mưa vội vã hắt vào. Vậy mà ông Từ cảm nhận cái nhìn bà thấu suốt vào mình. Tóc bời bời ngang dọc vướng víu một vành tang trắng, gío ở đâu cứ đong đưa giải vải về ông. Toàn thể người đàn bà toát ra những mũi kim nhỏ sắc chích vào da thịt ông rờn rợn... Trong cơn hãi hùng, tai nghễnh ngãng của ông Từ vẫn nghe rõ mồn một những lời than thở :

- Phận hèn đức mỏng... Nhờ trời cho gặp người tri kỷ rộng lòng thương xót... Thiếp nào dám tráo trở hai lòng... Những tưởng là cơ hội cho tướng quân hiên ngang đường bệ, xứng đáng kiếp anh hùng...

Gan dạ như ông Từ mà cũng quỵ xuống, bất tỉnh. Theo những giọt mưa, bóng người đàn bà tan loãng. Chiếc áo không màu hắt lại lời nhẫn nhục :

- Xin Người bớt giận, cho thiếp được nên người...

Sáng hôm sau tỉnh lại, ông Từ chột dạ đốt ba nén nhang, lòng dịu dàng cầu nguyện : "Bà sống cho nên người đi, ơn đền nghĩa trả..."

Phải rồi, khi biết ông Tướng sống trong cô đơn và uất hận, ông Từ đã vừa nắn tượng người đàn bà vừa quở trách, kết án, rằng cho bà sống mười lăm năm trong cảnh đoạn trường, để cái đẹp sắc sảo chết người của bà phải mang nét đau đớn ân hận, cho tiếng đàn tài hoa chỉ đem cho bà tủi nhục, cho cái yểu điệu dẫn dắt bà vào những nơi mà không người đàn bà nào muốn sa chân... Bà ham làm mệnh phụ triều đình vào luồn ra cúi, hơn làm hoàng hậu một cõi ư ? Tướng quân vì tin yêu nghe lời bà để phải chết tức tưởi không nhắm mắt được ! Tôi sẽ cho bà một linh hồn để sống dằn vặt, lương tâm bà sẽ dày xéo đau đớn, tâm khảm bà sẽ in khắc hình ảnh chết đứng của tướng quân... Chết đứng ! Trời ơi cổ kim chỉ một !

Bây giờ, dưới ánh sáng chênh chếch trăng nghiêng, mặt ông trắng bệch, mắt dìu dịu và đôi tay run rẩy, môi mấp máy khe khẽ gọi "bà, bà..." làm thằng Cu tông cửa chạy đi vì sợ. Bà ngồi đây, âu yếm nhìn ông với nụ cười thanh thản vì ông đã hiểu lòng bà trong mùa trăng tháng trước. Đêm đó, ông Từ chỉ ra khỏi cơn nửa tỉnh nửa mê khi người đàn bà áo trắng khóc tạ lỗi với chồng. Ông không nghe rõ vì tiếng than chan hoà tiếng nấc, nhưng ông hiểu nỗi niềm. Đôi mắt tướng từng quắc lên ánh giận dữ đã từ từ dịu lại, bao dung. Tiếng gầm gừ nghiến răng của thú trong chuồng đã hạ xuống trầm trầm rồi thở dài não nuột. Thanh kiếm chợt văng khỏi tay rơi dội lên nền đất. Tiếng giáp bào xào xạc tựa gío đuổi lá chiều khe khẽ nín. Rồi người đàn bà tháo trâm, gỡ lược, mái tóc đen như đêm tràn xuống đôi vai nhỏ rung rung, tràn xuống chiếc lưng ong tội nghiệp, che mất một phần áo màu sương tuyết. Và khi dáng ngọc ẻo lả đứng lên rồi chợt như mũi tên lao đầu vào vách, cùng lúc bức tượng người cầm kiếm đỗ xuống, tan tành - thì ông Từ hiểu là một mối oan tình vừa kết thúc ...

Chạy trong bóng đêm, thằng Cu làm đổ một bức tượng...

Khi cha mẹ thằng Cu và hàng xóm xôn xao kéo tới thì ông Từ đã sõng soài. Người ta cúi xuống và ông gượng thều thào : "Nhắn, chú Bổn, là, được, bà ấy, vừa, chết..." xong mi mắt sụp xuống, bất động.

Mẹ thằng Cu quét hốt mãnh vỡ bức tượng đàn bà. Trăng chầm chậm bước đi với nụ cười hiền dịu. Một mùi hương nhè nhẹ đong đưa làm thiên hạ trầm trồ ông Từ được Phật mở tay tiép đón. Ngoài hiên bóng ai cao lớn hiên ngang sừng sững dưới trăng. Từ trong nhà, bóng ai tha thướt áo lụa thinh không, vòng khăn tang trên tóc mây rớt xuống. Những bước khoan thai đưa đẩy bà vào vòng tay người ngoài cửa. Mọi người trố mắt nhìn. Nhưng chỉ còn là trăng và trăng...

MIÊNG

Paris, Décembre 2000