lên ghềnh
9
D úng như dặn dò của người thủ đền thờ nhà thơ nổi tiếng, tôi đi vòng chân núi, nhắm hướng bắc, và chỉ hai giờ sau là đến một căn nhà năm gian, vách đất, mái ngói, cổng trông như cổng chùa. Từ đấy, leo lên độ cao chắc cũng cỡ ba, bốn trăm thước sẽ đặt chân lên ghềnh V, nơi Chết trong cái Đẹp. Căn nhà năm gian là quán trọ duy nhất cho khách vãng lai. Có thời gian ghềnh hút khách đến độ thiếu chỗ, người ta trải chiếu trong sân ngủ qua đêm, thường là vào cận lúc trăng tròn. Người thủ đền kể, theo lời đồn đại, cái Đẹp nhìn được tận mắt khi trăng viên mãn, nhất là vào độ thu về. Đẹp thế nào thì chẳng một ai diễn tả được.
Cất tiếng gọi thật to nhưng không một ai hồi đáp, tôi bỏ ba-lô xuống vệ cỏ trong vườn, dựa người vào thân cây sồi mọc sát ngay ngoài thềm. Tôi ngồi đợi gần một giờ thì nghe tiếng chân người. Đứng lên, tôi cất tiếng chào. Một thiếu phụ trung niên tay xách giỏ thực phẩm, nhìn tôi dò hỏi. Tôi xin trọ vài ngày. Bà ta lạnh lùng đáp :
`` Đây là quán trọ, tất nhiên là được!``
Theo chân bà, tôi bước vào nhà. Bà chỉ cho tôi căn phòng mé hiên phía tây, nói:
`` Phòng trống, ông xem có ưng ý hay không?``
Tôi ghé mắt nhìn qua. Phòng đơn sơ, một chiếc giường đơn trải chiếu, một chiếc bàn độc trên có khay nước và hai tách trà. Vui vẻ, tôi nói :
`` Cám ơn bà, tươm tất chán!``
Bà không nhìn tôi, giọng vẫn lạnh lùng :
`` Trong quán trọ này, lệ là nói thật ít, tốt nhất là đừng nói gì cả. Cơm rau dưa, tôi đưa đến tận phòng. Ăn xong thì bát đũa ai nấy rửa, ông ưng không?``
Chẳng đợi tôi đáp, bà biến ra sau như một cái bóng.
10
Xin với bà chủ quán cho ăn cơm sớm, tôi định bụng chiều nay sẽ leo lên ghềnh. Trong khi chờ, tôi ngả lưng nghỉ, lơ mơ nhắm mắt. Phải chăng tôi đã sáp lại gần cái Đẹp có khả năng cứu rỗi đến nỗi người phải đặt ra những huyền thuyết để bảo vệ lấy những con người cho họ khỏi tự nguyện lao mình vào vực thẳm phía dưới? Tự chấm dứt sự sống, phải chăng vì sống trở nên quá ngột ngạt, lượng oxy không đủ khiến máu lên não bộ khô căng gây mê? Không hẳn. Tôi nghĩ đến đứa cháu gái treo cổ năm mười bảy tuổi. Nó xinh đẹp, học có tiếng là giỏi. Cha nó là họa sĩ, mẹ cô giáo, nhà đủ ăn. Nó lại khá nhiều năng khiếu, nặn những bức tượng phỏng theo tượng Rodin, được giải nghệ thuật tạo hình giành cho những mầm non đầy hứa hẹn. Đầu năm ấy, mẹ nó đến gặp tôi, hoảng hốt kể, con bé bỏ không ăn uống, không ngủ nghê, trầm mình tư lự, miệng ngậm tăm. Tôi bảo, chắc nó thất tình chăng? Mẹ nó lắc đầu. Tôi lại bảo, trẻ ở độ thiếu niên lớn lên thay đổi hóc-môn, có lẽ đi hỏi bác sĩ xem sao. Bác sĩ Tây y lắc, bảo hóc-môn thì chịu, đợi rồi sẽ qua đi. Thày Đông y bốc thuốc giảm âm tăng dương, gật gù ê a lẽ lưỡng nghi. Nhưng thuốc đắng con bé không chịu uống; vả lại, Thày bảo thuốc ta thì công hiệu chậm, phải chờ hàng tháng mới hiệu nghiệm. Hai tháng sau, đến lượt chàng họa sĩ, anh em chú bác với tôi, đập cửa. Mắt đỏ hoe, anh ấy nói, xuýt nữa thì…Thì sao? Con bé nằm giang tay, cổ trên một đường ray, chân trên đường ray kia, đợi xe lửa chạy qua. May cư dân sống cạnh đường xe lửa thấy, xốc nó lên, cứu được. Anh ấy nghẹn ngào nói, tôi chẳng hiểu gì cả, chú thử nói chuyện với cháu xem sao, xưa nay nó rất quí chú.
Đi cùng anh, tôi đến nhà. Mẹ nó mặt mũi bơ phờ, tay chỉ lên lầu. Tôi rón rén gõ cửa. Không một động tĩnh. Tôi khẽ đẩy cửa. Trong ánh chập choạng cuối ngày, con bé nằm, mặt quay vào tường. Tôi đến ngồi xuống giường, lẳng lặng nắm tay nó. Nó giật ra, nhưng tay làm dấu chỉ lên cái bàn trong góc phòng, nơi có những bức tượng bằng đất sét đang làm còn phủ vải để tránh khô nhanh. Đứng lên, tôi đến, tay giở mảnh vải đắp lên như một nấm mồ đá trắng. Tượng Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng. Nhìn, Chúa nhắm mắt, miệng nhếch cười, an bình thanh thản. Còn Mẹ, ôi sao thế này, mặt phẳng lì, không mắt không mũi không mồm, vô hồn, giá băng. Lùi một bước, tôi sợ. Vâng, tôi rùng mình. Sự tương phản giữa sống và chết hiện hình, tàn nhẫn, như chẳng có gì để cứu vãn.
Tôi lại đến bên con bé cháu, và lại lẳng lặng nắm tay nó. Lần này, nó để yên, mặt vẫn quay vào tường. Một lát sau, tôi nói :
`` Sao lại vậy, chú chẳng hiểu gì cả…’’
`` Chẳng cần hiểu…Nhưng chú có cảm thấy gì không? ``, nó thều thào.
Bóp tay nó, tôi biểu tỏ điều có lẽ nó nghĩ là một sự đồng cảm. Và thật lạ lùng, tôi ngạc nhiên nghe nó chậm rải, giọng trầm trọng :
`` Nghệ thuật là cái ở bên trong. Hình thể chỉ ở bề mặt cảm tính…``
Nói đến đó, nó bật khóc, tức tưởi. Rút tay ra, chợt tôi thấy con bé cháu già đi cả ngàn năm, già như một câu hỏi muôn đời không giải đáp.
Thời gian sau đó, vợ chồng anh chị tôi luân phiên coi cháu, không bao giờ để nó một mình. Mẹ nó đi đủ thứ đình chùa van vái, cuối cùng thì gặp một nhà ngoại cảm rất nổi tiếng. Bà này ngồi một chỗ mà quán tưởng tìm được hàng trăm hài cốt của lính bỏ mạng trong cuộc chiến, cả Nam lẫn Bắc. Bà phán, một bà cô tổ còn trinh chết oan cách đây gần trăm năm đòi con bé cháu về hầu, nay chỉ xin bà tha thì mới có hy vọng. Thế là mọi người trong gia đình nội ngoại gần xa hăm hở. Ngày đi xin cái phép tại thế cho con bé được tổ chức linh đình. Gọi hồn, rồi nhà ngoại cảm nhập cốt Đức Thánh Trần ra lệnh cho bà cô tổ thôi đòi mạng cháu theo những trình tự nghi lễ khá phức tạp. Con bé phải đội bát hương, mặt mũi phủ vải điều, và nhạc phường bát âm cũng kích động chẳng kém gì nhạc trẻ thời thượng, chỉ khác ở chỗ người hát đứng tuổi ê a chứ không rống lên oh yes oh yes như đám ca sĩ Rock còn trẻ. Chiều tà, nhà ngoại cảm bảo chỉ còn cúng sao giải hạn là xong, bà cô tổ đã y lệnh Đức Thánh, chỉ xin được bù bằng quà cáp tính ra tiền thế gian lên đến vài triệu thời một bát phở chỉ khoảng bảy, tám ngàn đồng.
Hai ngày hôm sau, con bé treo cổ trên lầu. Dây là những vạt vải điều nó cắt ra, buộc lại. Và chỉ một nhoáng. Khi mẹ nó chạy lên thì con bé đã cứng đơ, lưỡi thè khỏi miệng, rớt rãi còn chảy dài rơi xuống đất. Bà cô tổ đã đánh lừa Đức Thánh. Người thế gian chẳng làm thế nào địch được kẻ cõi âm, nhất là những bà cô chết trẻ, lại còn trinh.
Những năm sau đó, thỉnh thoảng tôi lại mơ thấy con bé cháu. Và mơ thấy bức tượng dang dở với khuôn mặt Mẹ Đồng Trinh phẳng lì, không mồm, không mũi, không mắt.Vùng dậy, tôi xua giấc mơ con bé cháu vừa hiện hình, miệng cười, tay vẫy. Mở tấm phên cửa, tôi bước ra ngoài, đi dọc hàng hiên quán trọ. Một cái ao con con nằm ngay sát hiên đông, nước mầu rêu lặng lờ, trên là tán một loại cây nhìn như sung. Cầu ao làm bằng những lát gổ đẽo, cọc đóng hai bên, đầu cọc lủng lẳng một sô nước nhựa trắng đã chuyển sang mầu ngà. Tôi lẩm nhẩm một vế thơ, `` bao giờ về khoanh một cái ao, ngồi giặt yếm cả ngày…``, động lòng thương những cánh chuồn kim chập chờn lên xuống dưới ánh nắng sắp tàn một ngày rồi lại qua đi. Nhắm mắt, tôi hít không khí, ngực căng phồng, bụng thóp lại, đầu ngửa lên trời. Vù qua, một cánh chim trắng. Chim thả vào thinh không dăm tiếng chiêm chiếp lạc loài. Chợt tôi ngửi thấy mùi hoa nhài, rất nhẹ, thoảng qua rồi tan biến trong gió chiều.
Đưa mắt nhìn quanh, tôi tìm loài cây trổ những bông hoa nhỏ xíu cánh trắng gắn bó thắm thiết với thời niên thiếu. Thuở đó, tôi ở với bà ngoại. Bà tôi ướp nhài vào mọi thứ, như trà, thuốc vấn, quần áo, mùng mền, chăn gối…Bà bảo, hương nhài dịu nhưng bền, phảng phất đó đây, ngửi không hắc lên như những loài hoa thích khoe hương sắc. Mỗi lần hái hoa, bà quạt nhẹ cho gió động, nhắc, hít vào đi con, hít thật nhẹ để mùi hoa ngấm vào người. Tôi men ra bờ ao phía sát hàng dậu, bỗng nghe tiếng bà chủ quán:
`` Cơm dọn rồi’’
‘’ Bà ơi, có cây nhài nào trong vườn nhà không?’’, tôi hỏi, giọng thân thiện.
Nhìn tôi như không nghe, quay người, bà chỏng lỏn :
`` Cơm dọn rồi, để trên bàn, trong phòng!``
11
Tôi lên ghềnh. Lối đi loanh quoanh, đây đó lác đác dăm cái biển gỗ to bằng ba bàn tay trên vạch mũi tên bằng sơn đen chỉ lối. Có khi phải leo những cái dốc đất đá lổn nhổn, tay bíu vào cỏ để khỏi tuột. Có khi phải đi vòng những mỏm đá dựng đứng như thử thách khách lữ hành. A, cái Đẹp! Hay chỉ hy vọng có nó thôi, cũng đã đổ mồ hôi, trượt chân lúc nào thật khó lường. Cứ thế, tôi leo, tôi thở, và mất cả giờ thì đến một cái am. Trên một gốc cây đã chặt to bằng vòng tay ôm, một bát nhang lạnh ngắt, đìu hiu, hư phế chẳng biết từ bao giờ. Đang ngơ ngẩn, tôi nghe một tiếng chuông ngân lên. Tiếng chuông ấm áp, gọi mời, vẳng ra từ cửa am, bay vào không trung đang đóng quánh trong bóng chiều chập chùng vây bủa.
Đẩy cánh cử khép hờ, tôi bước vào am. Trước mặt tôi, một người ngồi, mặt quay vào bệ thờ. Trước bệ, một bát hương, ngọn đèn dầu, và một cái chuông to bằng quả bưởi vàng loé. Đàng sau bệ, chỉ độc một bức tường sơn trắng loằng ngoằng hai hàng chữ Hán tôi không đọc được. Người đó thỉnh thêm một tiếng chuông, rồi từ từ quay lại, nhìn lên.
Đó là một người tuổi chắc xấp xỉ lục tuần, đầu trọc bóng, gò má cao, lông mi dài và rậm sệ xuống như hai con sâu trên đôi mắt nửa khép nửa mở. Giọng trầm trầm, người đó nhả từng tiếng, âm nhỉ ra như những giọt nước luồn vào bờ đá:
`` Lâu rồi mới lại có khách, nhưng trà nước thì am đây chẳng có, thí chủ xá đi cho…’’
Thiên phóng sự của anh bạn phóng viên đập vào trí nhớ. Thì đây, cái nhân vật bí ẩn hư thực, kẻ đã đạt đến trình độ con người gọi là minh triết. Có phải người này là kẻ làm nghề kiểm lâm ngày xưa, khi giải phóng thì mất việc nhưng vẫn quanh quẩn với núi rừng, thành người từng gặp gỡ có đến hàng trăm kẻ đến ghềnh V tìm Chết trong cái Đẹp cứu rỗi? Thận trọng, tôi gợi chuyện về anh bạn phóng viên, về bài báo gây dư luận, và kể qua cách hành xử lạ lùng của cư dân tỉnh QN khi tôi hỏi đường lên ghềnh V. Ông ta im lặng, làm như không nghe. Khi tôi hỏi :`` Thưa Thày, thày đã cứu được bao nhiêu người?’’, ông ta bật cười, đáp :
`` Giỏi thì tôi chỉ cứu được chỉ mình tôi. Ngay điều này cũng chưa chắc…``
`` Thưa Thày, Thày nói thế là thế nào? ``, tôi ngạc nhiên.
Ông ta nhắm mắt, trong bóng chiều nhìn im lìm như một pho tượng cổ. Hồi tưởng lại câu chuyện với anh bạn phóng viên, anh kể những nhà khoa học đến đo chiều cao nơi người đời gieo mình, độ sâu của nước biển, và sức nước xoáy. Họ cho rằng với những kích thước đo đếm đó, người tự tử hẳn chết ngộp chỉ trong vòng một, hai phút, thể xác không kịp đau đớn, và nhục thân theo xoáy nước trôi ra biển mênh mông không để lại vết tích. Phá cái im lặng có hơi ngột ngạt, tôi từ tốn hỏi chuyện này hư thực thế nào. Ông ta chép miệng :
`` Người chết chẳng có ai về đây bảo, nên tôi không biết…Còn người sống, họ theo mũi tên chỉ đường đi xuống. Lối xuống đỡ gập ghềnh, họ đâu có quan tâm đến chuyện đó nên chẳng một ai quay lại con đường lên ghềnh vất vả… ``
Thói quen một nhà báo khiến tôi bật miệng :
`` Lên đây thì bao nhiêu người xuống ghềnh, bao nhiêu người đi tìm cứu rỗi, thưa Thày?``
`` Tôi nào có đếm, nhưng số người gieo mình xuống trũng nước dưới ghềnh chắc ít hơn. Ấy là tôi phỏng đoán vậy``
`` Lời đồn là chết như thế, cái Đẹp cứu rỗi…``
`` Cái Đẹp cứu rỗi…Chuyện này, tôi chịu. Cái Đẹp là chứng nghiệm của mỗi người, chẳng ai nói thay ai được. Phần tôi, khi có người đến am như thí chủ, tôi chỉ lặng lẽ ngồi nghe họ nói. Nếu họ xuống ghềnh, và gọi thế là cứu, thì chính Lời của họ cứu họ. Họ kể những nỗi oan trái, những thất vọng, những bội phản, những oán hận…Thường, kể xong thì họ có vẻ như giải thoát khỏi một cáì gì đó bưng bít khiến họ không hít thở bình thường. Nhưng Lời chỉ cứu thể xác trong một thời khắc thôi. Cứu rỗi khác, ở một tầng sâu hơn…Làm gì có sống, rồi chết là hết. Cái vòng sinh-tử vô thủy vô chung, chết rồi lại sống, sống xong lại chết, cứ thế vận hành trong quá trình trùng trùng duyên khởi. Thể dạng vạn vật có thể biến đổi vô thường, nhưng tựu trung, trong cái có cũng là có cái không, và ngược lại! Mọi chuyển hóa đều khởi từ những tình cờ ngẫu nhiên khôn lường...``
`` Thí chủ lên đây làm gì? ``, ông ta đột ngột hỏi.
Kể cho ông nghe cái Đẹp thành Lời trong thơ người thi sĩ mắc phong cùi, và chuyện tôi đốt tập thơ của mình, tôi thở dài :
``… Cho nên tôi đi tìm cái Đẹp cứu rỗi, biết mình bất lực với Lời…``
Ông ta lại cúi đầu, trầm ngâm.
Lát sau, ông chậm rãi :
`` Cứu rỗi? Cứu rỗi gì cơ…Cứu rỗi là đạt đến trạng thái không còn hủy hoại, là trạng thái vĩnh hằng? Chết thân xác, cứu rỗi là đạt đến sự vĩnh hằng của cái khác thân xác, ngoài thân xác, thậm chí bên trên thân xác? Tin thế, người đời đặt tên cho cái ngoài thân xác là linh hồn. Cứ đặt được Lời để gọi, người đời coi như thế là xong chuyện, bỏ qua như một cái gì đó tự tại, hiển nhiên... ``
Ông ta đưa tay lên Trời vẽ một vòng, rồi lại im lặng. `` Xin Thày dạy thêm !``, tôi ngập ngừng.
`` Đúng lẽ tôi không cần nói thêm, thí chủ có ngộ được hay không thì tùy khả năng trực ngộ đến đâu...``
`` Nhưng đó là chi? ``, tôi ngắt lời.
Ông Thày từ tốn :
`` Thay vì nói theo kinh sách nhà Phật, tôi dùng ngôn ngữ của thí chủ cho hiểu được nhau nhé…Lời là tri thức, tiếp cận ngoại giới qua trí năng. Cái Đẹp, là cảm thức, tiếp cận qua ngũ uẩn, thực có ảo có...Ngoài hai cái thức đó, còn tâm thức, là cái tình con người cho và nhận trong nhân giới. Khi ba cái thức kia tổng hợp hài hòa thì sự tiếp cận với thế giới hiện thực thoát được cõi vô minh khiến ta ngộ ra mà không qua những kiến giải, phân tích và lý luận...Cao nhất, cũng sâu nhất, là ngộ ra tánh Không của vạn vật. Vì vậy, kẻ thực sự đạt đến minh triết hiểu được lẽ vô ngã, đều thả mình vào tịch lặng của vô ngôn... ``
Đột nhiên, ông bật cười:
`` Thí chủ thấy tôi nói quá nhiều thế này, tức tôi cũng còn đang trèo tới mà chưa lên được con đường minh triết đâu!
Tay đập vào trán, rồi lấy ngón trỏ chỉ lên trời, ông bảo:
`` Leo khoảng độ cao hai ngọn cây là đến ghềnh V, ở đó thí chủ chứng nghiệm cái Đẹp đồn đại, và biết đâu thí chủ lại biết cả nó cứu rỗi ra sao! Nhớ đường xuống ghềnh, cứ theo mũi tên mà đi!``