Ba ngôn ngữ
Con người ý thức và tư duy thế giới xuyên qua ngôn ngữ.
Có chí ít ba loại ngôn ngữ rất khác nhau : toán, thơ, văn.
Toán là ngôn ngữ trừu tượng nhất, "phi thực tế" nhất. Đặc điểm của ngôn ngữ toán là : chính xác, chặt chẽ, không có "lỗ hổng". Suy luận bằng ngôn ngữ toán cho phép kết thúc bằng 3 khả năng : đúng, sai, không quyết định được. Chính vì thế nó là nền tảng cho tinh thần khoa học trong bất cứ lĩnh vục kiến thức nào, ở bất cứ mức độ nào, kể cả hành động thường ngày của con người trong xã hội. Ta cứ tính chuyện đi mua sơn quét tường nhà thì biết.
Thơ là ngôn ngữ mông lung nhất, không cần biết tới đúng sai, quyết định được hay không, chỉ cần khẳng định được một con người ở đời với những khát khao của nó, có thể tầm thường, có thể điên điên, dù sao cũng vượt tầm tay hiện tại của mình. Thực chất, nó là một loại nghệ thuật phi ngôn ngữ, chỉ khác những nghệ thuật vô ngôn ở một chi tiết cơ bản khiến nó, có lúc, có sức lôi cuốn lòng người mãnh liệt hơn bất cứ hình thái nghệ thuật nào : nó dùng ngôn từ làm vật liệu thay vì dùng màu sắc, âm thanh, e tutti quanti. Với tính chất nghệ thuật, nó là nền tảng của ý thức tự do, nhu cầu sáng tạo ở con người.
Văn (văn chương, văn học, khoa học nhân văn) là ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ nhất : nó là công cụ tác động vào xã hội hữu hiệu nhất, ta dùng nó để thuyết phục người đời. Muốn thuyết phục người khác, phải dựa vào sự hiểu biết hay thành kiến, lý trí hay sự ngu muội, tâm thiện hay ác của nó. Văn chính là công cụ hữu hiệu nhất để yêu hay lừa nhau trong đời này. Cũng là công cụ hữu hiệu nhất để lừa chính mình, giả dối với chính mình. Hè hè.
Một nền văn tốt đẹp và sáng tạo đòi hỏi cả tinh thần khoa học lẫn hồn thơ. Thiếu hai món đó, ta không thể tiếp thu tri thức của nhân loại một cách sáng suốt và nhân đạo được, đặc biệt trong hai lĩnh vực này : kinh tế chính trị học và thông tin (communication). Càng không thể sáng tạo trong bất cứ lĩnh vực hiểu biết và tình người nào.
2014-03-05