Hậu Cộng Sản Tối Tăm Thần Linh Chưởng – 2
Tác giả: Tân Tử Lăng, Bản dịch : Thông tấn xã Việt Nam ; Nguồn : Diễn Đàn – Forum
Tôi đã phân tích tính chất nghệ thuật chưởng của tác phẩm này trong một bài trước.
Nay xin phân tích nội dung chính trị của nó. Chẳng thích thú gì nhưng có thể bổ ích : lâu nay tư duy chính trị của các quan Ziao Chỉ cứ như sao lại bằng tiếng Hán-Việt tư duy của Trung Quốc, tứ phe.
Luận điểm gốc của Tân Tử Lăng được trình bày ở ngay câu đầu :
Mao Trạch Đông là nhà cách mạng vĩ đại và người xây dựng thất bại. Trách nhiệm lịch sử của chúng ta là khẳng định và phát triển công lao của Mao thành lập nhà nước cộng hoà dân chủ mới, phủ định và uốn nắn sai lầm của ông khiến đất nước lạc lối vào chủ nghĩa xã hội không tưởng.
Khá độc đáo ! Trong tư duy của Tân Tử Lăng khái niệm cách mạng gắn với chuyện tranh giành quyền lực. Xây dựng không là làm cách mạng. Từ mới ở đây dùng để phân biệt cách mạng của Mao với cách mạng dân chủ tư sản thông thường. Nó mới ở chỗ nào, câu sau nói rõ :
Trong thời kỳ cách mạng dân chủ mới, ĐCSTQ đứng đầu là Mao Trạch Đông đã lãnh đạo nhân dân cả nước lật đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến và tư bản quan liêu, sáng lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vĩ đại.
Thế là rõ. Nhưng vừa đúng, vừa sai, vừa mập mờ :
a/ phản đế thì đúng. Lúc đó Trung Quốc ít nhiều bị các đế quốc tư bản thống trị. Mao là người thứ hai thành công, năm 1949. Người thứ nhất là Hồ Chí Minh, năm 1945.
b/ phản phong thì sai : Tôn Dật Tiên đã hoàn thành nằm 1911.
c/ chống tư bản quan liêu : tại sao không chống tư bản đơn thuần mà chỉ chống đám quan liêu thôi ? Hạ hồi phân giải.
Điều Tân Tử Lăng không thấy : đóng góp đặc thù của Mao đã khiến tên ông được ghi vào lịch sử thế giới không là những thứ linh tinh ấy, dù mới ; là sách lược "lấy nông thôn vây thành thị" để chiến thắng và nắm chính quyền. Thuở ấy, Trung Quốc đã có một giai cấp tiểu tư sản nhỏ nhoi và một giai cấp công nhân còm cõi, rất ít kiến thức, văn hoá. Lực lượng duy nhất có thể thắng được đế quốc và "tư bản quan liêu" (Tưởng Giới Thạch) là anh… nông dân. Đương nhiên, không chỉ mình Mao vạch ra sách lược đó, nhưng với tư cách là lãnh tụ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tặng ông vinh dự ấy cũng thoả đáng.
Cuốn sách này điểm lại quá trình phát triển của Mao Trạch Đông từ chủ nghĩa xã hội không tưởng tới chủ nghĩa xã hội phong kiến.
Độc đáo ! Có lẽ Tân Tử Lăng là người khai sinh ra khái niệm lạ lùng này : chủ nghĩa xã hội phong kiến. Nó lại có thể là con đẻ của chủ nghĩa xã hội không tưởng[1]. Mặt nào đó vẫn nghe được : điểm xuất phát của tư duy đã là không tưởng thì nó có thể dẫn đến bất cứ gì, chẳng cần lý do. Nhưng, đã thế, chẳng có gì đáng "phân tích" cả, cứ thoải mái làm thơ ! Thế mà Tân Tử Lăng mất thời giờ phân tích quá trình phát triển của nó tới món chủ nghĩa xã hội phong kiến ! Và, chưa phân tích, đã đương nhiên kết luận :
Chủ nghĩa xã hội phong kiến đương nhiên cũng là chủ nghĩa xã hội không tưởng nhưng lạc hậu và phản động hơn, nó trương chiêu bài chủ nghĩa xã hội để thực hiện nền độc tài chuyên chế và thể chế cha truyền con nối, gia đình trị.
Câu đầu thuộc lãnh vực lý luận và… rỗng tuếch, đố ai hiểu được. Câu sau trình bày một sự kiện có thực và đánh giá của Tân Tử Lăng. Theo tôi, chí it đúng một phần. Tại sao ông chịu khó vất vả đến thế ? Vì mục đích chính trị này, cho hôm nay :
Đây là việc rất cần thiết để chúng ta cải cách-mở cửa sâu rộng hơn, phân rõ cái đúng, cái sai trong lịch sử và trên lý luận, loại trừ sự quấy rối "tả " khuynh.
Thế là chân thật, đáng nể.
Theo Tân Tử Lăng, Mao đúng ở điểm nào ?
Trong báo cáo chính trị miệng (không văn bản) tại Đại hội 7 ĐCSTQ ngày 24-4-1945, Mao Trạch Đông nói:
“Chúng ta khẳng định phát triển rộng rãi chủ nghĩa tư bản như vậy chỉ có lợi, không có gì hại cả. Trong thời gian khá dài, một số người trong đảng ta không hiểu rõ vấn đề này, tồn tại tư tưởng phái dân tuý. Tư tưởng này sẽ tồn tại lâu dài trong một đảng mà đa số đảng viên xuất thân nông dân. “Chủ nghĩa dân tuý” muốn phát triển trực tiếp từ kinh tế phong kiến lên kinh tế xã hội chủ nghĩa, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”.
Đáng tiếc là sau khi nắm chính quyền, Mao Trạch Đông đã làm ngược lại ý kiến đúng đắn trên: theo con đường dân tuý.
Mao hơn đời ở chỗ dám nói thẳng thừng như thế. Dễ hiểu : đối với Mao, lý tưởng là phương tiện, chuyện hão, quyền lực mới là chuyện đáng bàn và quyền lực ở đầu mũi súng, tất cả còn lại là… thơ văn, tuyên truyền.
Thế là rõ. Điều mà Tân Tử Lăng cho là đúng, là mới, Cách mạng dân chủ mới, chính là bước đầu của cách mạng tư sản cố hữu ở Châu Âu trong thế kỷ 18-19. Thế thôi. Bây giờ ta mới hiểu vì sao Cách mạng dân chủ mới chỉ chống tư bản quan liêu thôi.
Sau khi nắm chính quyền rồi, không xây dựng kinh tế thành công thì cũng sẽ mất. Vấn đề lớn ở đây : dùng lực lượng nông dân để đánh đế quốc và Tưởng thì được, nhưng dựa vào nó để xây dựng kinh tế hiện đại thì không, dù là tư bản hay xã hội chủ nghĩa ! Khốn nỗi, buông nó thì mất mạng… chính quyền. Mà đa số đảng viên xuất thân nông dân ! Khổ thật…
Trong suốt thời chống đế quốc giành độc lập chủ quyền dân tộc, chủ nghĩa tư bản cũ (hè hè) với kinh tế thị trường tư bản và thể chế dân chủ tư sản có thực của nó là kẻ thù bất cộng đái thiên của anh Cộng Sản Trung Quốc. Chống nó, bàn dân Trung Quốc khốn khổ ủng hộ. Dĩ nhiên không vì họ hiểu những từ ngữ trên nghĩa là gì. Chỉ vì họ khổ nhục quá rồi, muốn lật đổ chính quyền hành hạ họ. Ai đó gọi chính quyền ấy là tư bản, dân chủ tư sản, thì họ chống tư bản, dân chủ tư sản, thế thôi. Và thế cũng đủ để giành chính quyền. Những để làm gì sau đó ? Chủ nghĩa xã hội ? Chẳng ai biết nó là cái quái gì cả, xây dựng ra làm sao. Đọc Marx và Engels, nhiều lắm tìm được vài "nguyên lý" cực trừu tượng, chẳng biết cụ thể phải làm gì khiến nó hữu hiệu hơn chủ nghĩa tư bản đã và đang thống trị thế giới. Trước mắt, chỉ có một "mô hình" phát triển thôi, chính là chủ nghĩa… tư bản. Ai sẵn lòng thí mạng tiêu diệt nó để rồi tái lập nó ?
Khi ta chống chủ nghĩa tư bản, tư hữu của người khác để thực hiện chủ nghĩa tư bản, tư hữu của ta, đều là tư bản, tư hữu mà, nhưng còn cần người khác trợ chiến, bảo vệ hay không chống ta, mới thành công được, ta bắt buộc phải ăn gian nói dối. Bằng cách nào ?
a/ Ngôn ngữ lừa gạt :
Sách lược “bật tín hiệu rẽ trái, bẻ tay lái sang phải”
b/ Ngôn từ mập mờ : dân chủ mới, xã hội chủ nghĩa mầu sắc Trung Quốc, thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (màu sắc Ziao Chỉ ?)
c/ Cuối cùng, khi dùng ngôn ngữ chung của người đời để lừa gạt người khác, mặt nào đó, khi ta còn chút tự trọng, ta phải lừa gạt chính mình.
Vì thế mà có luận điểm này :
Xu thế tiến hoá tự nhiên của lịch sử loài người không phải chủ nghĩa tư bản, cũng không phải chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản hiện đại do tiếp thu chính sách của chủ nghĩa xã hội mà nảy sinh tự cải lương, đi tới nền kinh tế hỗn hợp về chế độ sở hữu. Chủ nghĩa xã hội thông qua cải cách, tiếp thu các chính sách của chủ nghĩa tư bản cũng từ chế độ công hữu đơn nhất đi tới nền kinh tế hỗn hợp. Mô hình kinh tế hỗn hợp này gọi là chủ nghĩa tư bản mới, cũng gọi là chủ nghĩa xá hội dân chủ. Tình hình trên đã diễn ra ở Mỹ. Nga, Trung Quốc và nhiều nước phát triển khác.
Ra thế !
a/ Xu thế tiến hoá của xã hội loài người là một hiện tượng tự nhiên.
Thế thì còn quái gì đáng bàn tán, đấu đá nữa ? Chỉ còn kiến thức đúng hay sai theo chuẩn tư duy khoa học chính xác mà thôi. Dám không ?
Một thứ chủ nghĩa mácxít nửa mùa.
b/ chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cộng sản nguyên chất đều không có thực.
Đúng đấy. Trên đời này chẳng có gì nguyên chất hết ngoài những nguyên lý trong đầu Tân Tử Lăng. Ngay một đôla xanh xanh đáng yêu hay một lạng vàng vàng khè đáng dòm ngó, trong quan hệ kinh tế, cũng chẳng nguyên chất được. Thế mà : Xu thế tiến hoá tự nhiên của lịch sử đã khiến chủ nghĩa tư bản (nguyên chất ?) xã hội hoá, và chủ nghĩa xã hội (nguyên chất ? có từ bao giờ ?) tư bản hoá.
Cuối cùng, chỉ món nộm sứa hổ lốn này là có thực :
Mô hình kinh tế hỗn hợp này gọi là chủ nghĩa tư bản mới, cũng gọi là chủ nghĩa xá hội dân chủ. Tình hình trên đã diễn ra ở Mỹ. Nga, Trung Quốc và nhiều nước phát triển khác.
c/ Thế thì ?
Một khi sự thật khoa học kiểu Tân Tử Lăng về lịch sử loài người, duy nhất chỉ có vậy, ta nên muốn gì ? nói gì ? làm gì ?
Một thằng dở hơi như tôi chỉ có thể kết luận : đừng muốn gì cả, đừng nói gì cả, đừng làm gì cả… Sẽ cũng thế thôi ! "Mácxít" hết sảy !
Hoặc làm bất cứ gì để được ăn ngon, mặc đẹp, du hí tới chết.
Còn 350 triệu anh lao công Trung Quốc hôm nay ? Và một đống anh lao công khác trên thế giới phải "tự do cạnh tranh" với các anh lao công Trung Quốc để tồn tại ? Tự tử hay liều mình đấu tranh để lương tháng được tăng từ 30$ lên 50$ ? Món này "hiểu" (sic) được và, tạm thời, chấp nhận được, trong chủ nghĩa tư bản mới, cũng như chủ nghĩa xã hội dân chủ. Tạm thời thôi ! Còn vấn đề tỷ lệ lời chứ ! Nay và mai sau !
Khi không tạm hiểu hay chấp nhận được nữa thì thế nào ?
Tôi thật sự quý và thương ông Tân Tử Lăng. Quý : ông là nguời dám tư duy "độc lập", khao khát giải phóng chính mình khỏi những thành kiến mà người đời đã quàng lên mình. Cả một đời người, giỡn sao ! Thương : ông đã làm điều ấy với tư duy của người khác. Ông chưa dám, hoặc không có khả năng, giải phóng chính mình đối với chính mình. Ông nên người, làm người, tư duy trong ngôn ngữ Mao Trạch Đông, chính ông nói thế. Nay ông tán thành chủ nghĩa tư bản nhưng ông không có khả năng biện minh cho nó với ngôn ngữ và lý luận của trí giả tư bản (có ai dạy ông bao giờ đâu ?) hay/và ngôn ngữ lý luận của riêng mình. Ông đành biểu dương nó với ngôn ngữ "xã hội chủ nghĩa" ! Ông kết án "chủ nghĩa xã hội", đồng nhất nó với cái ông gọi là "không tưởng", nhưng ông vẫn chỉ có khả năng kết án nó với ngôn ngữ của chính nó ở mình thôi, ở mức hình thức. Ông chưa hề đối diện với cả hai bằng ngôn ngữ, tức là tư duy, của riêng mình. Có thể lắm chứ ! Nhưng không dễ. Đau lắm. Khó lắm. Điều ấy, ở ông, dù đúng dù sai, chưa hề có thực. Cuối cùng ? Ông tự mua mình và lừa người khác. Bằng ngôn từ. Nỗi buồn cuối cùng của người cầm bút…
Chưa chắc gì bản thân ta thoát được thân phận này, xin thú thật.
Lạy Trời, xin cho ta đừng bao giờ trịnh trọng chữ nghĩa, tri thức dấm dớ !
Lạy người, hãy cho ta biết ta sai hay tồi thế nào.
Ta cũng biết xã giao. Thế mà ta vẫn thèm yêu người. Hãy cho ta biết, dù bằng roi vọt. Dù đúng dù sai, ta sẽ yêu người dám cho ta biết.
2011-01-22
[1] Món này, đọc lịch sử tư tưởng chính trị của Châu Âu trong thế kỷ 19 và phê phán của Marx và Engels thì biết nó là những gì.