Những bước đường người
Rất hiếm, nhưng vẫn có, một con người chủ động thay đổi tận gốc… chính mình !
Nó sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn đau đớn lâu dài, dai dẳng.
Tuỳ người, tuỳ hoàn cảnh, có thể lâu, nhanh. Không bao giờ có thể hời hợt lướt qua hay nhảy vọt kiểu "xây dựng chủ nghĩa xã hội mà không kinh qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa" : chưa sống tận cùng nỗi đau, chưa thể vươn qua nó[1], vươn qua con người cũ ở mình[2]. Học làm người[3], vốn thế !
Những lúc đó ta cần bạn hơn cả người yêu. Chẳng mấy khi ta gặp may mắn đó.
Tình bạn đặc biệt này đòi hỏi con người biết đồng cảm (empathie[4]), vừa kiên quyết vừa kiên trì nhẫn nại. Chẳng dễ gì. Nhưng, thỉnh thoảng, làm được. Thế mới khổ !
Để nên người, trẻ em cũng phải đi qua những chặng đường tương đương, tuy nó hoàn toàn không có khả năng chủ động : bước khởi đầu, nó chưa là một chủ thể có ý thức ! Để tồn tại, nó hoàn toàn lệ thuộc tha nhân. Nhưng nó cũng phải phủ định chính mình liên miên nhiều năm tháng, từ giấc ngủ qua những bước chập chững đi, những tiếng bập bẹ nói, tới ý thức về thế giới, về chính mình và khả năng tư duy, sáng tạo. Chẳng đau đớn gì đến nỗi. Nhưng cũng chẳng sung sướng gì. Cứ nghe nó khóc, nó la, nó lắc đầu nói không, thì biết.
Do đó nó cần một thứ "tình bạn" đặc biệt. Vừa yêu nó tới mức kiên trì bảo toàn sự hồn nhiên ngây thơ trong sáng vui tươi của nó, tính tò mò, ham hiểu và khả năng tưởng tượng của nó ; vừa kiên trì nhẫn nại dạy nó những phép tác làm người thông thường của một thời đại. Cho tới ngày tự nó hiểu và thấy… hè hè.
Hạnh phúc "nuôi" trẻ em đẹp ở đó.
2012-10-27