"Tây tính", "Việt tính"
Có người thấy văn tiếng Pháp của ta lạ lạ, chẳng giống ai.
Có người thấy văn tiếng Việt của ta rất "Tây con".
Với ta, "Tây tính" hay "Ta tính" là chuyện phụ. Chỉ cần nhân tính thôi. Và nhân tính đòi hỏi nhân tình. Bằng tiếng nào cũng được.
Khi hành văn hay dịch văn, điều cơ bản là mình chân tình hay không. Chân tình với chính mình và, do đó, chân tình với độc giả. Còn độc giả cảm nhận được hay không là chuyện khác, phức tạp đấy. Sau đó mới tới chuyện kiến thức, hình thức, kỹ thuật, e tutti quanti. Chân tình là một thái độ quan-hệ giữa người với người về một điều gì đó. Thái độ đó không lệ thuộc ngôn ngữ đặc thù nào cả tuy, về mặt nội dung cũng như hình thức, nó có thể lệ thuộc văn hoá và ngôn từ của từng tiếng nói. Ngay trong cùng một ngôn ngữ, ở cùng một tác giả, văn chân tình hay văn sáo, đọc thấy liền.
Dĩ nhiên, ta không nói chỉ chân tình thôi mà tạo được tác phẩm văn chương. Nếu ta không có chuyện gì đáng nói với nhau, tốt nhất là ra café tán gẫu, tội gì cặm cụi một mình một xó để... viết văn! Chán lắm...
2010-09-20