Trời xanh, gió mát, nắng cuối xuân lấp lánh trên vịnh trưa. Du khách từ nhiều nơi tụ về Boston tham quan Lễ hội Parade of Sail hoành tráng với nhiều chiếc thuyền buồm lừng danh tham dự. Nhưng Chúa Nhật hôm nay còn một ý nghĩa đặc biệt khác. Với người Mỹ đây là ngày lễ Father's Day - những buổi ăn gia đình đầm ấm, các bàn tiệc xum vầy trong các nhà hàng, những cuộc du ngoạn cuối xuân có cha mẹ con cái quây quần chụp ảnh bên nhau......

  Nhìn trời nhìn biển với mấy ca nô, du thuyền lướt sóng trước nhà, tôi hình dung các quán ăn phố Tàu trên nước Mỹ đang bày dọn những món điểm tâm bốc khói cho các gia đình gốc Á đông hôm nay ăn mừng tuổi thọ cha với ông. Tôi nhớ cha nhớ mẹ, nghĩ ngợi bao chuyện xưa nay... Tôi may mắn còn mẹ già, giờ này trên 90 và đang sống với em gái tôi ở Chợ Lớn; nhưng không may đã mất cha năm tôi 33 tuổi. Hè này tôi đúng 66 - mấy con số đơn giản nhắc cho tôi nhớ khoảng thời gian mồ côi cha đã ngang bằng những năm tháng buồn vui sống bên cha. Ôi chớp mắt mà tôi đã sống thêm nữa đời thiếu vắng Người! Và niềm hối tiếc lớn nhất của tôi là chưa làm được bao nhiêu để đền đáp Ơn Cha mà ông đã vội ra đi bỏ vợ con lại giữa một Sàigòn ngột ngạt, túng thiếu đầu năm 1984!

  Buồn quá tôi lục mớ hình ảnh thư từ gia đình trước đây xem lại, và tìm thấy bản thảo bài thơ KHÓC CHA tôi viết vào lúc cha con vĩnh biệt!  C.P.

 

   KHÓC CHA

 

đốt nén hương lòng con vĩnh biệt cha

 

trăng liềm vừa treo

chưa kịp nguyên tiêu

mùa xuân cuối cùng ngắn quá!

 

ngồi với từng phút còn lại

trong canh tàn mê mệt

vuốt lọn tóc muối tiêu

mấy vết bầm tĩnh mạch

nhìn con mắt hết thần

rình nghe nhịp tim thoi thóp

nắm từng lóng tay co lạnh

 

động cơ xe chạy về khuya

tiếng côn trùng rỉ rả

bệnh viện ngoại ô Sài gòn

con ngồi suốt đêm với cha

đêm trắng đầu tiên thiên cổ

 

còn ngỡ thời gian xoay ngược

chiều tan học

trên yên xe đạp

hồi hộp hy vọng chưa vội về nhà

cha con một vòng xuống phố

cùng ngồi nhai đậu phọng

xem trận đá banh khỏi mất tiền

 

thế mà

bánh xe khập khiễng băng ca

đã phân biệt rõ ràng

âm dương đôi ngã

 

dưới bóng đêm thượng tuần hiu hắt

cái xác được phủ đậy đó là

 

cha

 

mười bốn tháng nín câm

nửa thân già liệt bại

phủ tạng dắt díu nhau

trong cuộc di tản cuối cùng

 

hỡi kiếp sống phù du

ơi cõi trần tạm bợ

 

này phương Đông đoạ đày

mặt trời từ đây không mọc nữa

trên bờ trán ố vàng vĩnh cửu của cha

 

phương Nam cơ hàn hề

cơn gió bụa vẫn bủa vây

bầy con lưu lạc

 

kìa phương Tây khói sương

từ đây là buổi xế bóng của vợ goá mẹ già

 

phương Bắc xa xăm hề

tên thầy cúng làng sẽ leo nóc nhà gọi tên cha

cầm bút lông kết thúc một đời người trong tộc phả

 

 

trời đất mông lung

mịt mờ mây chó

 

còn đâu những ngày

Sài Gòn  Nam Vang  Quảng Châu  Hương Cảng

đình công  tranh đấu  xếp chữ  gánh than

 

chẳng phải anh hùng

chẳng phải thánh nhân

ngâm Lục Vân Tiên

khoái truyện Đào Viên

sáu mươi năm một kiếp bình thường

 

hỡi nhà xác trống không

lạnh buốt tàn canh khuya muộn

phút lâm chung - ba có nghe con gào hỏi:

 

Còn lại chi sau kinh nghiệm làm người ?

 

sao không tiếng trả lời

chỉ có nước mắt lăn ra

từ hai khóe hôn mê mòn mỏi

hạt lệ lăn ra từ kết toán cuộc đời

 

lăn qua hành lang bệnh viện tanh hôi

mấy sạp thuốc tây chó đói

 

lăn qua y thuật thế giới thứ ba còm cõi

lăn qua tấm thông hành vô dụng

sau khi xuyên thấm mọi sa mạc văn thư

 

lăn một vòng quanh quả đất tật nguyền

hành tinh của ngục tù công an cá mập diều hâu

 

lăn qua móng kên kên của bọn đạo tì

tan biến vào thớ áo quan chật chội

 

                            *

 

này phướn triện đèn lồng lư hương bài vị

cát bụi phải trở về cát bụi

 

lửa vô sinh vô diệt

hãy bùng lên

 

cho thuyền cha rời bến nghiệp

cho cha từ giã chim chóc cỏ cây

cho cha chia tay châu Á đọa đày

cho cha rời bỏ một thế kỷ máu xương

cho cha hoà nhập trời mây

 

 

Cha ơi

lần theo dấu tàn tro

 

vĩnh viễn từ đây

 

                   chỉ còn dấu chân con rướm máu

 

                                           bước trở lại con đường nước mắt

 

 

CHÂN PHƯƠNG