***
PHÍA MẶT TRỜI LẶN
CHÂN PHƯƠNG
Bóng chiều đổ dài trên vạt đồi hoang. Tảng mây dày hắt xuống những bông cỏ lau hai bên con đường mòn ráng đỏ pha cam của tà dương. Còn độ nửa tiếng nữa thôi, Tín nghĩ bụng và rảo bước nhanh hơn trên đoạn dốc phảng phất mùi hoa dại. Nhìn lên đỉnh đồi phía trước áng chừng còn cách mười lăm hay hai mươi phút cuốc bộ, anh hít vào vài hơi sâu rồi ngoái nhìn lại đằng sau. Mái nhà và mái trường dưới kia quần tụ dọc theo con lộ lớn uốn vòng bên mép thung sâu, rải rác ven lộ là đám học viên vừa tan lớp khi nãy đang tụm năm tụm ba chờ chuyến buýt chót trong ngày hoặc bách bộ từng người thong thả ra về. Đổi cái túi đeo lưng nằng nặng vì chai rượu sang vai kia, Tín chúi đầu rẽ tắt qua một quãng đồi đầy lùm bụi bị đốt xém, nghe tiếng tim đập từ lồng ngực dội vọng ra bốn phía thinh không.
Ý định đã đến với anh vào mấy phút ra chơi trước tiết dạy cuối. Thoạt đầu anh có nghĩ đến Mark và José khi bỏ theo chai rượu hồi trưa vào túi. Trong cả trại mấy vạn cư dân này anh thật lòng chỉ thích ngồi lai rai với tay cựu hippy râu quai nón và gã Phi nhạc sĩ kiêm giảng viên bất đắc dĩ cho mấy khóa đào tạo cấp tốc các chuẩn công dân cho nước Hoa Kỳ văn minh giàu có. Vả lại anh còn nợ Mark một chầu vì lần ra Manila tháng trước hắn đã đãi anh gần hết két bia trên sân thượng quán rượu nhìn xuống đường Manibi nhộn nhạo sặc mùi trụy lạc. Tên bạn Phi là loại ăn ké uống quịt nhưng ngón flamenco của gã đốt đuốc cũng không thể tìm ai thay thế giữa cái bán đảo chân trời góc bể này. Tuy vậy anh đã đổi ý chỉ vì một chút đường chân trời xanh ngát trùng khơi ần hiện giữa hai triền đồi đã mời mọc anh một cách khó cưỡng lại. Chai rượu sinh nhật này anh sẽ chia phần với người anh em mặt trời và nàng tình nhân biển, Tín đã quyết định như thế trước khi quay trở vào lớp dạy nốt phần bài còn lại cho các đồng bào tị nạn của mình.
Biển – anh còn nhớ cái hôm tốt trời lần đầu tiên đột ngột như một phép mầu lấp lánh chói mắt dưới nắng đúng ngọ -- biển đã hiện ra chào anh khi chiếc xe buýt miễn phí chở học viên tan lớp buổi trưa đổi số vượt qua đoạn dốc dài. Anh đã muốn reo to Thalassa! Thalassa! như các đồng hành của Ulysses ngày xưa, mừng rỡ như gặp lại gương mặt thân yêu nhất vào lúc không còn mơ tưởng đến. Trong mấy tháng đầu kể từ ngày nhập trại, sự mệt nhọc và những trận mưa mù trời tối đất đã giam hãm tầm nhìn. Trại tị nạn đối với Tín lúc ấy là mớ kiến trúc đơn điệu gồm có khu trung tâm với khan đài, cột cờ, bệnh viện, các trụ sở hành chính,chợ nằm ở hai đầu, đầu dưới nơi anh ở dân cư tấp nập đông đúc hơn đầu trên được cấp phát cho dân Lào, Khờ me, và Hmong thiểu số. Rải rác đó đây trong trại là mớ thuyền bè vượt biển được mang ra triển lãm, nhiều chiếc đã rệu mục, cỏ dại mọc lấn che khuất. Trường lớp cất chen lẫn với nhà ở, và nối liền tất cả với nhau là con đường chính quanh co bên bờ thung lũng nhìn qua mấy rặng núi bên kia thăm thẳm sa mù hoặc nghi ngút khói mây những buổi không có mặt trời. Khi ấy Tín đã sẵn sang đóng vai kẻ trú khách sa chân, chấp nhận khung cảnh cái lòng chảo núi đồi bao bọc tứ bề ấy làm quê nhà tạm. Đâu ngờ trùng dương vẫn kề cận một bên, đâu ngờ con suối dưói thung mà anh vẫn ngắm cái sống lưng trắng bạc vào những chiều mưa đầu nguồn lại tìm đường ra bể rộng nhanh như thế! Anh còn nhìn thấy hàng dừa xa tít tắp và anh đoán thấy ở đấy bãi cát với lũ ghe chài trong giấc trưa nồng mùi gió mmặn, cá khoang…
Xe buýt tiếp tục phóng quanh eo núi và anh đã không một giây chớp mắt, bị thôi miên bởi khối nước có vẻ được nâng cao thành một sắc xanh biếc mênh mông, cho đến lúc bốn bánh lăn nhanh xuống dốc và tất cả mất hút phía sau lớp lớp rặng cây dày.
Giờ chót là phần minh họa cho bài giảng về lương tiền, chi phiếu, ngân hàng, thuế má linh tinh, và anh khỏi phải làm cái việc thông dịch rát cổ khô họng mà chỉ phụ cô giáo người Phi luật tân treo lên bảng đen mấy mẫu chi phiếu phát lương và chuyền tay khắp lớp những đồng cắc, giấy bạc giả cho bà con tham khảo. Thế mà Tín đứng ngồi không yên, hết nhìn đồng hồ lại nhìn ra cửa phía mấy ngọn đồi lãng đãng mây với vầng dương đang chếch hướng Tây bên trên mặt nước biếc lục. Anh mải lo một điều: lát nữa leo đến chop đồi thì anh mặt trời đã lặn đi mất. Khi còn ở Việt Nam anh đã có thói quen mỗi bận ra biển làm gì thì làm cũng tranh thủ tìm một góc bãi hay ghềnh đá để ngắm mặt trời lặn xuống nước – cái thú này đối với anh lớn hơn niềm vui lặn ngụp bơi đùa với sóng bạc nhiều. Cho nên vừa tan giờ là anh đã vòng nhanh qua bãi cỏ hoang phía sau lớp, vạch đám lau sậy cao quá đầu tìm lối lên đồi ngắn nhất.
Gió trên cao phần phật thổi rạp cỏ lau, mái tóc lâu ngày chưa cắt của Tín rối bời. Còn chừng vài ba trăm bước nữa , anh gắng trèo nhanh dù lưỡi đã khát khô và mấy cơ bắp chân mỏi căng. Nhớ lần trước đây, Nguyệt đã cùng đi thăm đồi và anh đã chụp cho nàng mấy tấm ảnh đắc ý. Anh còn nhớ sắc mặt đỏ hồng với ánh mắt nàng rạng rỡ vì cố sức leo cao trộn lẫn chút vị phiêu lưu hào hứng. Bây giờ Nguyệt đã nghìn trùng, cũng như những đàn bà con gái trước đó của đời anh…Con đường mòn, lác đác dăm gốc cây rừng, vài bụi chuối dại lạt loài giữa vạt đồi thưa. Tín nhảy lên thân một cổ thụ bị sét đánh rách đôi tránh qua mấy bụi gai rậm. Họ đã ngồi ăn trưa trên mấy nhánh cổ thụ này, tiếng cười trong như con suối nhỏ dưới kia của Nguyệt còn vọng lại trong trí nhớ, những lần rượt bắt và những phút ân cần, anh còn nhớ bộ ngực căng phập phồng hổn hển với đôi mắt nhắm hờ buông thả của người đàn bà mới một con…
- Hi vọng em được ăn mừng lần sinh nhật sắp đến của anh, Nguyệt tâm tình trong lúc gọt vỏ quả đu đủ rừng chin anh vừa hái được gần đấy.
- Khóa học của Nguyệt kết thúc tuần tới mà sinh nhật tôi còn đến hơn tháng, chuyện này khó xảy ra. Tôi còn nghe Mark nói dân refugee khóa này sẽ có danh sách chuyến bay sớm.
- Biết đâu lần khám bệnh cuối em bị tim phổi cho đó, Nguyệt cười nghịch vừa đưa cho anh miếng đu đủ mới cắt đỏ tươi.
- Vậy thì anh sẽ tuyên bố với cả trại đám cưới chúng mình rồi đưa em sang ngọn núi trọc bên kia phát rẫy trồng khoai, sống với nhau cho đến ngày đầu bạc, Tín vừa bẻ đôi miếng đu đủ mời nàng vừa đùa cợt.
- Và em sẽ sinh ra cho anh một trăm cái trứng, Nguyệt âu yếm nhìn anh, đôi môi đẹp vừa cười buồn vừa thốt ra lời.
Chắc anh sẽ không bao giờ còn dịp ngả đầu vào mái tóc thơm và bờ vai mềm ấm của nàng nữa. Nguyệt đã đến và đi như một cánh chim vút qua trời chiều. Cũng như Lan trước đó, đến rồi đi…Những khách má hồng truân chuyên của cái trại này, bây giờ họ đã cặp bến chiêm bao nào -- ai đọa đày, ai hạnh phúc? Tín bật cười, chỉ còn ta cô độc với trời đất hắt hiu, chỉ còn những cơn say bỏ túi và tà huy không trí nhớ.
Anh đã lên đến độ cao nhất của ngọn đồi. Gió lộng ù ù nhưng anh cảm thấy sảng khoái quên mất nhọc mệt. Và anh đã được phần thưởng xứng đáng! Vầng dương to như cái nong vẫn còn lơ lửng trên mặt biển. Tín đưa bàn tay ra đo thử, mặt trời còn cách chân trời hai gang tay, anh còn dư thời giờ để long trọng mừng buổi lễ chào đời. Mặt trời hỡi, anh thì thầm vừa tháo cởi đôi giày bụi bám, ta lại chúc ta được thêm một tuổi đời.Anh ngồi lên một triền cỏ khô vừa duỗi dài hai chân vừa mở túi tìm bao thuốc lá và chai rượu. Thêm một tuổi bất mãn, thêm một tuổi nín câm, thêm một tuổi lạnh lùng…
Tín mở nắp chai rượu mạnh, cầm cả chai đưa về phía vầng dương đang phân vân tư lự trên khơi lộng:
- Xin mời cố nhân…
Đoạn anh ngửa cổ tu một hơi. Hớp rượu nồng hăng làm Tín hơi choáng váng, anh có cảm giác biển với mặt trời bỗng lung linh chập chờn trong một vũ điệu lạ kéo theo luôn cả núi đồi, đất đá, cỏ cây, mấy áng mây thênh thang trên đầu, đàn chim chiều xơ xác chao qua nắng xế…Ánh dương yếu dần, thay cho sắc chói chang là nền trời lam nhạt với dăm cụm mây tròn viền chút hào quang tím thẫm. Cả ngọn đồi ửng lên lần cuối sinh khí của ngày tàn.
Phía dưới, quanh khu chợ và vùng dân cư le lói ánh đèn bóng đêm đang xóa nhòa sự vật. Không còn bóng người lai vãng trên con lộ vắng. Tín hình dung bếp lửa và mâmcơm tối của dân trong trại, đàn muỗi vây quanh con trâu đang nhơi cỏ trong chuồng sau một ngày kéo cày cho thửa ruộng dưới thung, các già làng bên kia núi khề khà quanh vò rượu thuốc mua từ chợ huyện. Anh đốt một điếu thuốc nhả dăm bụm khói tan nhanh theo gió, ngắm quả cầu lửa chờn vờn sát mặt biển trong giây phút tịch dương và buồn cười lẩm bẩm, mình biết chúc gì cho mình đây?
*
Năm nay Tín vừa đúng ba mươi lăm. Nel mezzo del bloody cammin…Nửa cuộc mộng mị bể dâu giữa âm thanh và cuồng nộ, xé thời gian một bóng thú hoang. Không có con đom đóm hạnh phúc nào cho cõi lòng trống đen của anh, chẳng có tiếng hát nào chờ đợi an ủi anh trên trái đất này. Dụi tắt mẩu thuốc vào thảm cỏ chết, Tín đứng lên ngó mông. Một chiếc ghe bé tí ngoài khơi chấm phá cho bức sơn thủy hoàng hôn. Đàn chim giăng hàng bay ngang. Vài phút ngắn nữa thôi con mắt thái dương sẽ nhắm lại và bầu trời sẽ thiếp ngủ.
Tín khá tường tận về bán đảo này. Anh từng trèo đèo lội suối khắp vùng trong các dịp du ngoạn và săn ảnh cuối tuần. Anh đã tắm ở nhiềi bãi biển có đục có trong; hoặc chèo thuyền với ít tay bạn Mỹ, Phi ra các đảo san hô câu cá uống bia. Có lúc anh lạc loài nơi mấy quận lị, thị xã của bán đảo, ngồi độc ẩm trong một quán lạ nhìn chiếc xe bò chở lỉnh kỉnh đồ mây tre rổ rá lăn bánh chậm chạp dưới mưa phùn, thỉnh thoảng bỏ một đồng peso vào máy hát đĩa chọn một bài blues hay country lẩm bẩm hát theo. Con lộ men theo vịnh rất hữu tình: suối, thác từ núi đổ xuống, sa mù và mưa going vẽ những bức thủy mặc
thay đổi từng ngày. Cảnh vật đôi lúc khiến anh xót xa nhớ quê nhà; cũng dừa, chuối, trâu, ruông nước. Có cả cây bàng, vườn xoài, lá mắc cở và hoa dâm bụt…
Bán đảo này từng là địa danh lừng lẫy trong thế chiến thứ hai. Nơi đây quân Nhật đổ bộ tấn công rồi bao vây bắt sống gần bảy vạn lính Mỹ, lính Phi, mở thêm mặt trận lớn ở Thái Bình Dương. Trên một ngọn núi trong vùng còn cây thập tự cao năm mươi thước tưởng niệm các tử sĩ đồng minh trong trận đại bại ấy, xe chạy trên đường cách xa mấy mươi cây số vẫn trông thấy rõ. Thế mà tất cả giờ đây cũng lặng lờ chìm vào khoảng trống của trí nhớ loài người như các chiến địa Việt Nam trước đây. Chỉ thấy các vườn xoài -- chẳng hiểu thời vụ ra sao mà đua nhau đươm hoa trổ trái, tỏa hương thơm dịu ngọt lan theo gió sớm.. Cuối năm thời tiết thường xấu, những chiều giông bão anh thích che dù lội mưa ra chợ ăn hột vịt lộn nóng với rau răm - món đặc sản khoái khẩu số một của dân địa phương, kèm một chai bia San Miguel to để kích thích cái thần khí tha hương. Nhưng thú cô đớn, phong vị giang hồ nếm hoài cũng chán. Hơn ba năm bị giam lỏng ở trại này – không kể mấy tay anh chị phạm tội cố sát bị kêu án – có lẽ Tín là dân tị nạn lâu nhất ở đây. Khi bỏ xứ ra đi có bao giờ anh ngờ đến tình huống như thế này.
Anh vượt biên cùng người em trai. Lường gạt, hiểm nguy, cướp bóc không ngăn được kẻ khao khát tự do. May mắn được vớt khi thuyền sắp đắm giữa biển, hai an hem sống sót nhập vào đám người tị nạn chờ ngày được định cư. Sau nhiều lần dời trại, Tín đoan chắc cái ngày anh cầm vé máy bay đi tìm cuộc sống mới tốt lành sẽ không còn xa lắm. Thông thường là sáu hoặc bảy tháng, trừ trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm hay tim mạch, dân tị nạn ở đây đều được giải quyết hồ sơ xin nhập cư một nước phương Tây. Vậy mà đến lần phỏng vấn cuối để ký kết mọi thứ giấy tờ rời trại, đứa em đã xin phái đoàn ngoại quốc cho hắn trở về Việt Nam mặc dù mấy ngày đêm trước đó Tín đã hết lời thuyết phục hắn nên bỏ ý định ấy. Hắn đã nhận được bức thư người yêu từ quê nhà cho biết tin cô nàng không may bị xe gắn máy tông dập xương, rồi được ngành giải phẫu quốc doanh ráp ghép thế nào mà bại liệt luôn chân phải! Tín thông cảm nỗi lòng và quyết định quay về của người em, nhưng anh e ngại các rắc rối có thể xảy ra. Và đúng như anh đã dự kiến, cả năm sau hắn được trả về và bị công an bắt giam ngay để điều tra. Về phần Tín, có lẽ đã bị nghi vấn chi đó mà đến giờ này vẫn còn quanh quẩn ở góc bể hẹp này.
Mặt trời đang chạm mặt biển. Tín tu thêm ngụm rượu cay, mắt thẫn thờ ngắm cảnh vật. Lớp mây xám bên kia núi lan rộng dần. Đêm như một cây cọ vô biên bôi xóa dần những phần còn lại của ngày, bệt nhanh từng bệt xám đen lên các vạt rừng, triền dốc, trại chợ, núi đồi. Bầu trời và mặt biển cũng nhợt nhạt phai màu, sắc xanh phai nhạt biến thành màu
khói thẩm. Chân trời cắt ngang vầng dương ối. Tín đốt điếu thuốc mới, anh bắt đầu cảm thấy lạnh. Gió pha lẫn hơi nước không ngớt tạt vào người. Những thân cây già trơ trụi chung quanh chĩa lên không trung mớ cành nhánh quằn quại như lũ hình nhân đang bị tra khảo. Không còn bóng chim nào lai vãng. Tín co ro ngồi hút thuốc, nghe cơn say thấm dần vào máu.
Anh đã tình nguyện làm giáo viên phụ giảng, giúp thông dịch cho các lớp dạy về đời sống và văn hóa Mỹ kiêm thêm việc biên tập thơ cho tờ nội san hàng tháng bằng tiếng Anh cho học viên. Đôi khi có hứng anh góp một bài xã luận hoặc dăm bài thơ ngắn. Cuối tuần anh đeo chiếc Nikon cũ làm phó nhòm dạo kiếm tiền tiêu vặt. Ngoài ra để giết cho hết thời giờ Tín thỉnh thoảng ghé thăm thư viện nhỏ của trại. Dù sao cung đỡ hơn cái nền ẩm và phòng giam chật nêm nhốt hơn năm chục mạng của nhà tù anh đã có duyên làm khách thường trú một thời gian ở Sài Gòn, dù sao cũng khá hơn cái mặc cảm bị rình rập của một can phạm không bản án rõ rang, dù sao cũng được ngồi một mình uống rượu với hoàng hôn mà không bị thình lình tra hỏi.
Mặt trời lặn mất, ráng ối cuối cùng tan loãng trên những gợn sóng lăn tăn. Trùng khơi vô tâm trơ tấm gương mênh mông soi bầu trời đêm quen thuộc. Chỉ còn tiếng gió lộng trên đồi núi điệp trùng. Tín chợt thèm khát một nơi chốn của con người bình dị, một gương mặt, một giọng nói, một chỗ trở về…Vào đầu mùa mưa rồi José đã đua anh lên núi trọc ghé thăm buôn làng của thổ dân da đen -- tổ tiên họ là những kẻ đầu tiên đến khai khẩn đất nước này từ thời thượng cổ. Biết anh là khách phương xa các già làng đã mời anh uống rượu. Tín đã ước ao khi nhìn một chị thổ dân nằm ngủ trên võng với đứa con thơ, phải chi mình là chồng người đàn bà ấy quanh năm chỉ phát rẫy nuôi con, chờ ngày bạc đầu rụng răng được ngồi uống rượu cùng hàng bô lão. Tại sao anh không được sự may mắn đó, tại sao anh thuộc giống người có thân phận lịch sử bị chi phối bởi thị trường và các giáo điều? Sau đó anh mới biết mình lầm: thổ dân ở đây cũng là nạn nhân của bọn địa chủ ăn cánh với quan lại địa phương, và những vườn xoài là đất của họ trước đây đã bị bọn này cưỡng đoạt. Nhưng lời giải thích của José vẫn không xóa được ý nghĩ lãng mạn của Tín, thà làm người thượng du sống bên rìa văn minh còn hơn là phải gánh vác các thứ sử tính lôi thôi.
Những triền đồi đang biến thành những lượn sóng khổng lồ của biển đêm, khu nhà phía dưới rực lên một ánh sáng vàng võ. Anh mường tượng tiếng suối róc rách qua khe đá, nhảy chồm qua các tảng to đổ xuôi ra khơi. Anh lắng tai nhớ lại tiếng sóng vỗ đều vào bãi vắng và hương vị đại dương trên da thịt mấy lần tắm biển muộn. Giờ này có lẽ José đang móc flamenco bên chai rhum nội địa và Mark đang nằm thưởng thức nhạc jazz trong gian phòng nhỏ cạnh vực núi tối đen. Đêm nọ ngồi nhậu ở Manila, câu chuyện giữa hai người đã có lúc vướng vào hai chữ quê hương. Mark tâm sự rằng hắn đã chán nước Mỹ mặc dù còn cha mẹ già sống tại một gia trang miền Tây Bắc.
- Hè trước tôi về nước gặp mấy tên bạn ở New York. Tụi nó giới thiệu với mấy ngân hàng, công ty tài chánh… Chỉ lái xe trễ cuộc hẹn là muốn phát khùng, cảm thấy không gì vô nghĩa bằng cuộc sống người máy có gắn đồng hồ điện tử. Trở qua Los thăm một người quen cũ lại kẹt xa lộ, trễ giờ bay. Nói thật, giờ có về Mỹ làm tổng thống tôi cũng không ham.
- Có phải anh tìm cách nói để an ủi tôi chăng? Dù sao anh cũng có một nơi gọi là quê hương để trở về khi chán ngao du, một mái gia đình, bạn bè xưa…
- Quê hương đối với tôi là nơi tôi tìm được bình an. Có thể anh cho tôi là một kẻ khác đời. Thật ra, khi đã sống đến một tuổi nào đó anh sẽ thấy cô đơn là một báu vật khó tìm. Nhưng tôi hơi triết lý dông dài, mời bạn cạn ly rồi ta dạo một vòng ngắm gái.
Câu chuyện về một nơi trú xứ trên mặt địa cầu của họ đã chấm dứt ở đó. Cái nơi Mark chối bỏ không muốn nhận làm quê hương lại hiện ra trong đầu Tín như miền đất hứa mà anh vói tay hoài chưa tới, và càng ngày càng bỏ xa niềm mơ ước của anh như một hành tinh trôi giạt theo năm tháng hoài mong. Nơi đó cất giữ một bóng hình dĩ vãng, dư vang mối tình thiên cổ của đời anh…Biết đâu một ngày nào đó, anh sẽ được gặp mặt nàng lần cuối.
Mây mù sà thấp xuống lưng chừng trời. Lác đác vài hạt mưa rơi theo ngọn gió hung hãn. Màn đêm trùm lên biển xa. Tín không còn trông thấy rõ mấy bụi chuối dại gần đó. Trước mặt anh phương đoài chìm vào bóng tối. Ở đó có phần mộ người cha và bà mẹ già với chân tay thấp khớp và chứng thần kinh suy nhược. Ở đó là tuổi trẻ vĩnh viễn đánh mất, là thời nguyền rủa tù đày, là những chứng tích bụi phủ không còn ai tưởng niệm. Ở đó là bao mùa sinh nhật xa xưa nối hàng thành dãy nến tắt quanh một nỗi ngậm ngùi.
Không biết từ khi nào đổ dài dưới chân Tín cái bóng mờ nhạt. Sau lưng anh, vầng trăng to mênh mông vừa mọc phía trên ngọn núi tối đen. Đám mây nước bị cơn gió lớn xua đi nhưng phần đuôi còn kịp tưới xuống anh một cơn mưa rào. Giữa những hạt nước to rớt lộp độp, Tín ngửa chai uống liên tiếp mấy hơi dài rồi quăng vỏ chai thật xa về phía mặt trời lặn khi nãy. Mặc dù chất rượu mạnh đã ngấm vào óc, trận mưa đột ngột làm anh tỉnh táo hẳn, và anh không còn cảm thấy gì ngoài sự bình thản tâm hồn có lẽ với im lặng thâm niên đã biến thành chai sạn. Có phải anh đã lạ mặt với chính mình, lạ mặt với những hoài bão thời trai tráng, xa lạ với những bóng người bé nhỏ và hài kịch các trò tan hợp dưới kia? Đã trôi nổi về đâu lời tâm huyết thiết tha với các đồng hành tù đày câm nín ở bên kia bờ biển?
Tín đảo mắt nhìn từ ánh trăng thờ ơ trên đầu đến xóm trại mịt mờ phía dưới với mớ đóm sáng lập lòe buồn thảm, không thể tưởng tượng được là mình đã chôn ở đó một phần đời vô vị, không thể tưởng tượng được là ngày mai anh sẽ thức giấc mặc áo quần, lui tới giữa mấy khe núi, mở miệng dài dòng về một lục địa xa xăm cùng những tiện nghi văn minh thừa thãi… Và làm sao còn sức lê bước về căn gác đầy rệp chuột dưới kia trong khi, chơi vơi trên mỏm đất không tên này,anh không còn giữ nổi thăng bằng cho phần hình hài nguội lạnh đang chao đảo chẳng hiểu nghiêng về phía trời nào: bờ đông, bến tây hay ảo vọng nghìn trùng?
N.B. Phía Mặt Trời Lặn đã đăng trên Văn Học, số 51, 1 th.5,1990. Tác giả đã hiệu đính và nhuận sắc truyện ngắn này vào trung tuần tháng 8, năm 2010.