Cổ Ngư
Bọt Biển
Thằng bé rối rít gọi:
- Bố ơi, bố! Nhìn này!
Một chiếc tàu tuần duyên lừ đừ trôi dọc kè đá, ngọn cờ cắm đầu mũi phần phật trong gió chiều.
Vẫy vẫy bàn tay mũm mĩm, thằng bé kêu vói:
- Tàu ơi, đi nhé!
Nó chào con tàu như người trên bờ tạm biệt người trên boong trong những chuyến hải hành. Con tàu đáp lời bằng một hồi còi rúc. Thằng bé tiếp tục vẫy tay, nhưng mắt đã bắt đầu dõi theo đường liệng của lũ hải âu đang chao chác đuổi nhau. Mây nặng, mọng, đè khuất đường chân trời…
Như một sự tình cờ, tôi cúi xuống, vói tay nhặt vội chiếc vỏ ốc biển. Chiếc vỏ ốc nhỏ bé thật bình thường, không màu mè, không cổ quái, cũng không phải là chiếc vỏ ốc huyền thoại có những vòng xoắn ngược chiều kim đồng hồ của Jules Verne, nhưng có điều, chiếc vỏ ốc bình thường này khác hẳn với những chiếc vỏ ốc bình thường khác mà tôi đã lượm lặt được trên bãi biển Vũng Tàu, Long Hải thuở ấu thời…
Những cơn gió mùa thu đã quét sạch đám người của ngày hè náo nhiệt. Bãi biển đã trở lại cái nhịp điệu thường nhật của nó, cái nhịp điệu mà một triệu năm trước và một triệu năm sau của tuổi biển, có lẽ vẫn thế, vẫn là những đợt sóng bốc đồng, vươn thẳng, đập mạnh, nát vỡ tung toé trên triền đá lầm lì, vẫn là làn nước mặn đến tình tự vuốt ve bờ cát mịn, là tiếng gầm gào của gió dữ giữa trời không... Tôi chẳng biết loài cá Địa Trung Hải có hiểu ngôn ngữ của đồng loại chúng sống ở Đông Hải hay không, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, giữa cơn thịnh nộ của thủy thần Poseidon ngự trị Đại Tây Dương hay trước cột nước vòi rồng của Long Vương chốn Thái Bình Dương, con người đều có cái khiếp hãi rừng rú run rẩy từ vạn kiếp còn lưu truyền trong cơn cuồng bạo của thiên nhiên. Khi ấy, anh, tôi, hắn, chúng ta hẳn đều cảm thấy thật yếu đuối, thật vi ti tựa một hạt cát vô danh lăn lóc ven bờ biển thẳm, và những hạt cát, dù vĩ mô hay vi mô, giữa chúng, sự khác biệt có là bao nhiêu?
Ấy vậy mà chiếc vỏ ốc tròn trịa tôi đang mân mê trong tay lại chứa cả một đại dương tư tưởng. Tôi ham hố khám phá, tôi ngụp lặn giữa những đợt sóng triết lý và lũ bãi ghềnh chữ nghĩa, tôi tham muốn, quăng từng mẻ lưới to gom về đầy tràn học thuyết. Nhưng dầu sao, tôi cũng vẫn mang danh là kẻ đi ăn mày chữ nghĩa, ăn mày ở cái nghĩa hẹp là ngửa tay chờ đợi, hay ở một cái nghĩa khác, lớn rộng hơn, là giành giật, là tranh đấu, đua chen... Thành phố tôi sống đang kỷ niệm bảy trăm năm ngày thành lập trường đại học. Tôi, một thằng vô danh tiểu tốt, vinh dự được đứng ở cái cột mốc kỳ lạ ấy để nhìn về quá khứ. Những chàng tuổi trẻ, những gã nông nổi, cuồng si, những người một thời đã khoác áo sinh viên của bảy trăm, năm trăm, một trăm năm trước, nay ở đâu? Họ đã để lại những dấu vết gì trên con đường ngắn ngủi của một kiếp người? Linh hồn của họ đã tan biến vào chốn hư vô hay vội trở về nhập thân trong hậu kiếp? Phải chăng có luân hồi? Phải chăng có thiên đường, địa ngục? Giáo lý nào chẳng hướng con người về chân-thiện-mỹ, sao thế giới vẫn còn đầy dẫy những oán thù, tranh chấp, những tên bạo chúa và những kiếp lưu vong? Thượng Đế cao dày phải chăng đã quên phân phát sự bình đẳng cho định mệnh của mỗi con người, dù ngay từ lúc sơ sinh khóc buồn chào ánh sáng?
Giá gì chiếc vỏ ốc trên tay là một viên ngọc ước, tôi sẽ xin thực hiện ngay một giấc mơ nho nhỏ. Tôi muốn chọn một góc nào đó trong tôi để tôn thờ biển, để mơ thấy biển bắt nguồn từ tôi, vì tôi thừa biết mình có cội gốc sơ khai từ biển. Biển của cha Lạc nhớ mẹ Âu, biển của Thủy Tinh dâng nước gây tương tàn huynh đệ, biển của Mị Châu hiến dòng máu nồng nàn nuôi bầy trai ngọc, biển của năm mươi dòng con Việt ngày ngày chống chọi cùng bão táp mưa sa, thuồng luồng, cá dữ, búi tóc, xâm mình, dữ dội mà hiền khô, tặng cho bao đời cá tươi muối trắng. Nhưng biển của tôi giờ đây vật vờ xác chết thuyền nhân, mắt mở to đòi giải oan, chuộc tội. Đó có ai khác hơn là bạn bè anh em, người thân kẻ thuộc của mỗi chúng ta, phải đâu người dưng nước lã? Biển của tôi bây giờ là biển máu, là biển chết, là hải ngục giam hãm bao oan hồn uổng tử... Còn biển ở đây giàu sang, xa hoa quá! Tôi ngại ngùng trước biển, như lạ như quen. Khi tôi đứng xoay lưng ra biển, trước mắt tôi sừng sững bao cao ốc tân kỳ, bao sắc màu lộng lẫy, tôi lạc lõng, bơ vơ trong một rừng kiến trúc đường nét huyền ảo, nhưng, khi tôi quay lại đối mặt với biển, khi tôi hít căng ngực mùi gió muối, tôi bỗng quên hẳn nỗi âu lo vớ vẩn, tôi như bất chợt gặp lại một người quen, hay ít ra là một cảm giác thân thuộc, cái cảm giác của chú bé con kinh ngạc trước sự bao la vĩ đại của trùng dương xanh ngắt...
- Bố ơi, con muốn tìm sao biển.
Thằng bé loay hoay với mấy mảnh sò vỡ lẩn giữa đám rong. Cuối cùng, nó cũng tìm được một vỏ ốc tròn, xam xám.
- Sao biển ở tuốt ngoài xa, nó không có bò lên bãi cát đâu con!
- Nhưng có nhiều khi sóng đánh sao biển vào bờ, thằng bé lý sự, như hôm nọ con thấy con sứa..., hồi nãy có con cá nhỏ với cái càng cua mắc kẹt trong hốc đá nữa đó bố!
- Ừ, nhưng nếu sao biển bị sóng đánh dạt lên bờ, hải âu đã ăn nó mất tiêu rồi!
- Sao hải âu dữ vậy bố? Mình đuổi đánh hải âu đi!
- Hải âu bay lên cao, làm sao con đuổi được?
- Thì mẹ đứng lên vai bố, rồi con đứng lên vai mẹ, mình cao cao, bắt được hải âu!
- Không được đâu con, hải âu có cánh, bay cao lắm. Khi sợ, nó bay tít lên mây...
Trời đang thu. Lần thứ hai, một mùa thu thật sự lại về quanh tôi, thu của lá vàng, của gió buốt mưa tuôn, thu cúc, thu sương, thu hương, thu nguyệt. Tôi không biết mùa thu chốn này có khác những ngày thu lãng đãng trời Hà Nội mà bố mẹ tôi vẫn thường kể lại, hay những hồn thu đã từng rào rạt trên nhạc, trong thơ, nhưng sao tôi vẫn yêu những mùa thu-không-thật-là-thu của Sài Gòn, những mùa thu của mưa, mưa rào và mưa bóng mây, mưa đổ từ trời và mưa tràn hè phố. Khi ấy, tôi nhớ mình đã nghĩ nhiều về bè bạn, những đứa bạn ấu thời mơ thành người lớn, những đứa bạn chuyền tay hút chung một điếu thuốc đen không đầu lọc và uống cạn giọt cà-phê cuối cùng trong đáy tách, tán gẫu chuyện yêu đương. Những đứa bạn đôi khi trốn sâu trong vỏ ốc chật chội của mình để gậm nhấm niềm tuyệt vọng khi nhìn về tương lai xa xôi, mù mịt. Những đứa bạn của tôi nay lang bạt kỳ hồ bốn phương tám hướng, đôi khi ngẫu nhiên gặp mặt, chỉ đủ thời gian để nguệch ngoạc lại một góc trời Sài Gòn nắng mưa nhòa nhạt, rồi lại vội chia tay, vì đều vốn lỡ mang trong người dòng máu bọn thủy thủ nổi trôi, lênh đênh bốn biển…
Và em, em ở đâu giữa hơn năm tỷ thân thể loài người lúc nhúc trên bề mặt chật hẹp của địa cầu nhỏ bé này? Tôi biết em đang hiện hữu, có thể ngay trước mặt mà tôi không nhìn thấy, có thể ở sau lưng mà tôi lười ngoái cổ, cũng có thể đã đắm ngập trong từng hơi thở mà tôi tài hèn sức mọn chưa kịp lớn khôn để khám phá. Tôi hướng về em như đoá dã quỳ nghênh đón ánh chiêu dương, tôi yêu em như yêu khói mặt trời mỗi buổi sớm mai lạnh lẽo, dù chưa biết đến khi nào mới phóng được phi thuyền-tôi vào tâm điểm bỏng cháy của Thái Dương hệ-em mênh mông, có thể sẽ nát tan tro bụi, có khi lại rực rỡ thăng hoa. Tôi cứ đợi mãi ngày em đến, chờ tim mình sẽ rung những nhịp địa chấn khi tay em như một cánh lá ngô đồng mùa thu rơi khẽ vào lòng bàn tay tôi, khi môi em nở ra triệu triệu đóa hồng du tôi vào hoan mộng. Tôi van em, nàng nhân ngư vui đùa một mình giữa vùng biển vắng, xin đừng vô tình làm con thuyền mong manh mơ ước của tôi đắm đá, nghe em...
Tôi ném mạnh vỏ ốc ra xa. Của biển xin gửi lại biển. Nhưng giờ đây, giữa lòng bàn tay tôi, vẫn còn và mãi mãi sẽ còn xao động những tiếng muôn đời của đại dương bát ngát…
Anh gấp lại tập giấy cũ. Mười mấy năm đã trôi qua. Biển của mùa thu năm ấy và biển của mùa thu năm nay có chút gì thay đổi? Và anh? Anh ngồi đây nghe gió về lồng lộng, cửa hồn liên hồi khép mở, đập dội, rào rạt vọng động. Có chứ. Tóc đã bạc đi nhiều, mắt đã bớt tinh anh, trí nhớ ngày một cùn nhụt. Sức lực đổ vào công việc, công việc trả cho anh tiền của, căn nhà, chiếc xe, tiện nghi hàng ngày. Anh tiêu hao đời mình để sống bình thường như tỉ tỉ người khác, từ thế hệ này tiếp sang thế hệ nọ, mài mòn, mài mòn đến cùng kiệt để cuối cùng, rã vào đất. Giữa khoảng thời gian gần hai mươi năm ấy, anh đã đánh cắp được của biển một nàng nhân ngư có thân hình và giọng hát tuyệt vời, đã lấy trộm được của trời một tiên đồng thông minh sáng láng. Anh hài lòng với những điều có được ngày hôm nay cho đến khi, lúc nãy, đọc xong tập giấy mỏng, rúng động vì chợt nhận ra mình đã quên, đã tự mình đánh mất mình đi quá nhiều, đã bình thường hoá, tầm thường hoá mình đến không ngờ! Cuộc đời cứ xuôi dòng và anh ngày càng trôi nghiêng, lệch xa dần hướng ban đầu muốn định vị. Còn biển, biển trung thành với con trăng, với thủy triều xuống lên đều đặn, với cuồng nộ và bình yên. Có thật vậy không? Biển vài mươi năm nữa tan hết băng sơn, phồng cong, nuốt trộng này bờ cát này hàng dương này thành phố đền đài dinh thự. Chỗ anh ngồi giờ đây, khi ấy nằm sâu đáy nước. Và thằng bé đang lon ton trên cát kia, nó sẽ làm gì, ở đâu, cái ngày đại dương và biển cả nối liền tay nhau lấp tràn mặt đất?
Anh không muốn nghĩ, không dám nghĩ đến điều ấy. Vì có nghĩ đến, sau đó sẽ làm được những gì? Hay lại khoanh tay đứng nhìn rồi lắc đầu thở dài nén lòng chui vào vỏ ốc của mình, lẩm bẩm tự an ủi: mặc cho con tạo xoay vần… Biển sẽ lặng thầm xoá dần từng dấu tích, nuốt hết vào lòng mọi tàn dư rác rưởi của loài người. Tập giấy mỏng này, có là gì so với nhiều triệu năm tuổi biển? Nó đè nặng trong tim anh, nhưng chỉ cần một nhoáng sóng nhồi, sẽ chẳng còn sót lấy một dòng chữ. Thằng bé đang vô tư đùa nghịch với lũ chim biển kia, là cả cuộc đời của anh, nhưng có nghĩa lý gì giữa một trận tsunamie hung bạo, vùi dập không thương tiếc ngàn vạn sinh linh? Một nỗi sợ vô cớ dấy nhanh trong lòng, anh gào vang trong gió:
- Về, con ơi, bác Mai với mẹ chờ mình ngoài quán cà-phê kià!
Anh bình tĩnh lại ngay khi thằng bé quay nhìn, nhoẻn cười, hét lớn:
- Bố đợi con một chút, con chào biển đã!
Nó nấn ná thêm năm ba phút, mớ tóc tơ bay xòa trong gió, tay đút trong túi, mũi giày hất hất chút cát ẩm. Có phải thằng bé đang thầm thì:
- Biển ơi, về nhé!
Montpellier 11.1989 – Anguerny 11.2006