Chờ
Mùa trăng vỡ
Tan tành
Ngàn sao băng
Thời gian đứng
Im lìm
Từ trăm năm...
Ông ngồi xuống tảng đá thấp loang từng vệt rêu xanh. Nước lấp xấp quanh chiếc giày đã mòn vẹt đế. Giữa trời, những tia nắng xiên khoai cuối ngày cố sức nắm nuối hoàng hôn, đâm thủng màn chiều, làm ửng vàng lên từng chân mây xám. Ông đợi chim về giữa giờ bảng lảng. Trước tiên, một dải hải âu lướt trắng mặt hồ. Mùa đông, chúng trốn biển hung hãn, về tạm trú sâu trong đất liền. Những ngày hồ đóng băng, sương mỏng, màu trắng xám lông hải âu tiệp lẫn vào băng vào sương, chỉ có tiếng kêu sắc nhọn của chúng thỉnh thoảng xé toạc sự yên tĩnh đang đông cứng của vùng đất trũng này. Hải âu thanh mảnh, rụt rè, ngơ ngác như bọn gái tơ lại hàng ngày phải chung đụng với lũ quạ đen bóng dềnh dàng, lực lưỡng và táo tợn. Ông không hiểu vì sao, cứ tảng sáng, quạ ồn ào hàng trăm con ở rặng cây bên này hồ, rồi tản mác tìm mồi, moi rác, đôi khi phóng mỏ tấn công cả thỏ sóc, để chiều về, gọi nhau tụ thành cơn trốt đen quần đảo mãi một lúc, chờ khi hải âu kéo nhau trốn hết, thiên nga, vịt trời, gà nước rúc cả vào bụi lau bờ lách, mới tao tác đậu xuống kín cả chòm cây bên kia hồ. Thỉnh thoảng, gió lớn, một nhúm quạ bị rứt tung, xoáy tròn, toẻ ra rồi tụm lại chúm chụm vào nhau, truyền hơi ấm. Ông chợt rùng mình. Chiếc áo ngự hàn nặng trịch đang mặc trên người chẳng thể nào ngăn được hơi lạnh đang từ lòng ông bốc ra cuồn cuộn. Ngôi nhà nhỏ ở góc hồ đã lên đèn. Ngôi nhà mới xây, tường ốp đá trắng mái lợp đá đen, tiện nghi, vững chãi, có ánh đèn vàng ấm áp, tròn trịa, hắt bóng xuống mặt nước đã sậm màu. Hai đứa trẻ, sau khi đùa nghịch chán chê, sau khi vãi bánh vụn cho bầy chim nước, đã vào nhà. Thằng anh tóc loăn xoăn, vàng ươm. Con bé em má phúng phính, chạy lũn cũn theo anh, vang tiếng cười nắc nẻ. Đôi mắt nhập nhoè của ông chỉ nhận được chừng ấy chi tiết. Chúng làm ông nhớ thời thơ dại. Trước khi đi ngủ, hai đứa bé có quỳ bên thành giường nghiêm cẩn đọc kinh Kính Mừng như ông ngày xưa không ? Có tiếng gầm gừ. Ông ngẩng nhìn. Con chó to vẫn nhẩy quẫng quanh chân hai đứa bé hôm nay lang thang đến tận đây. Mỗi lần bị chủ đóng cửa bỏ quên, nó lại chạy đến chỗ này, thủ thế đe doạ, nhưng chỉ đợi ông đưa tay xua nhẹ, vội cúp đuôi lỉnh mất.
Quạ đã im hẳn. Giữa tiếng gió xô nhau chạy đuổi quanh những thân cây trơ nhánh của cánh rừng thưa sau lưng ông, thoảng có tiếng vó ngựa phi nước đại, tiếng bánh gỗ đai sắt nghiến xuống đá rải trên đường mòn, tiếng phụ nữ xôn xao cười nói. Tiếng của hội hè, đình đám, nhã nhạc, truy hoan. Những cỗ xe lao nhanh vào bóng đêm, cho kịp giờ hẹn với tình quân, toả lan khắp không gian mùi hương phấn của các nàng vương phi, công chúa. Này bộ tóc giả mượt mà, nọ ngấn cổ mảnh mai, trắng muốt, kia bờ ngực phập phồng xúc cảm dưới lớp xiêm áo rộng cổ kín tay. Những người đàn bà đem trọn cái xa hoa phù phiếm của kinh đô ánh sáng về gieo rắc trên con đường này mỗi kỳ trăng vẹn. Tiếng ngựa xe chưa dứt, ông đã giật mình nghe đạn pháo nổ vang trời. Không, giọng gào thét, lời van rên chỉ bật ra từ óc não ông, quanh đây vẫn yên bình tĩnh lặng. Chiến tranh, như loài đỉa đói, cắm ngập chiếc miệng đầy răng nhọn vào ký ức, bám dính ở đó và hút đến kiệt quệ thần trí ông. Cứ nhắm mắt lại, thấy ngay lửa rực, thây đổ, hầm hào lầy lội, đói, lạnh, chấy rận, máu xương. Cứ mở mắt ra, bên tai lại văng vẳng tiếng hát đứt đoạn, rời rạc trong nhịp thở ngắn dần của thằng bạn thân cùng làng :
Vĩnh biệt cuộc đời,
Vĩnh biệt tình yêu,
Vĩnh biệt em,
Ơi nàng kiều nữ,
Thôi hết thật rồi,
Này hồi chuông báo tử
Của cuộc chiến hung tàn,
Nơi dải đất này,
Ta sẽ phơi thây.
Ôi lũ chúng ta,
Bọn đầu xanh phải hy sinh !
Ôi lũ chúng ta,
Bọn thơ ngây chịu khổ hình ! (*)
Sau này, ông mới biết, bài hát phản chiến ấy, như vết dầu loang, đem tên ngôi làng heo hút của ông gieo khắp đất nước, truyền miệng rỉ tai từ binh đoàn này sang sắc lính nọ. Hôm ấy, nghe Pierre hát chưa hết bài, ông phải bỏ nó nằm lại cong queo trong giao thông hào, bán sống bán chết rút theo lệnh chỉ huy. Bọn Boche (**) lợi dụng sương mù, tấn công chớp nhoáng. Rồi đến phiên chính ông bị bỏ rơi, bị bắt, bị cưa đi phần chân trái ung thối đến gần đầu gối, được thả, được gắn huy chương, được tuyên dương công trạng. Ông lần mò tìm về làng cũ. Chẳng còn gì cả. Bình địa. Mấy mùa xuân qua chưa đủ để hoa dại về khoe sắc. Ngôi làng hình tam giác thoai thoải nương theo sườn đồi xanh ngắt màu rau cỏ ngày nào giờ trơ ra kèo cột, giơ từng khúc đen đủi chĩa thẳng vào trời đòi trả oán. Mỗi ngôi nhà mất dấu dưới một hố bom. Xương thịt, gạch ngói, cỏ cây, sắt đá trộn đều, cháy tiêu, nát bấy trong hầm thiêu Địa Ngục. Louise, vợ ông, người thân yêu duy nhất còn sót lại trên đời, ở đâu, sống hay chết, lành lặn hay tật nguyền ? Ông tần ngần tiếc nuối. Thế là giấc mơ cuối cùng cũng tan vỡ. Những giấc mơ của ông, khi trở thành hiện thực, còn đen đúa hơn cả cơn mộng dữ. Thằng bé con ngày nào ước mình được cuốn theo vó ngựa trường chinh của các hiệp sĩ thời Thánh Chiến. Ừ, thì nó đã được toại nguyện : thời cuộc ném nó vào lò lửa chiến tranh, như cách đây đúng một trăm năm, cũng tại nơi này, đã thiêu rụi tuổi thanh xuân hơn năm ngàn tân binh của Napoléon Đại Đế. Lớn thêm vài tuổi, chú nhóc choai thả hồn hải hồ cùng tiếng còi rúc dài khi đoàn xe lửa rời sân ga gần làng. Ừ, thì chú cũng được hài lòng : chất chồng trong những toa tàu tối tăm, hôi hám, ngột ngạt, người phế binh nhiều lần thấy cái chết đã gần kề giữa tiếng xình xịch, giật lắc trên đường ray những lần chuyển từ trại giam này sang nhà tù khác. Hoà bình, lại thêm những chuyến tàu hồi hương, thêm những xứ sở, cảnh trí vừa vụt đến đã bị bỏ lại sau lưng, nhưng ở đâu, cũng đầy dấu tích điêu tàn, đổ nát. Bây giờ, ở đây, nơi cha sinh mẹ đẻ, cũng thế, chẳng còn gì. Chẳng còn gì cả !
Ông tập tễnh về ngồi bên hồ. Cây mất ngọn, ngả nghiêng bật gốc, bờ hồ lở lói từng vùng đất thô cỏ chưa kịp phủ, xác xe xác pháo đây đó, nhưng nước đã phẳng mặt từ khi nào. Ông nhớ Louise da diết. Cái nhớ đeo đẳng suốt mấy năm xa cách đôi lúc bị chìm lấp, bị dìm sâu dưới những sự kiện cấp bách, cần kíp cho việc sống còn của kiếp người, giờ đây khoan thai trỗi dậy khiến cả hồn xác ông rúng động. Vợ chồng mới cưới, họ chưa đủ thì giờ để yêu nhau, đã phải vội vã chia xa. Nơi ân ái của Louise và ông, lúc ấm êm chăn nệm, khi giản dị đụn rơm, bụi rậm, đêm này mượt cỏ ven hồ. Họ yêu nhau như thú hoang giữa thiên nhiên, gào thét, rên rỉ, lăn lộn, ngả nghiêng giữa trời, trăng, rừng, nước. Và họ khóc như chưa từng khóc trong đời, và họ yêu nhau như đây là lần trao tình cuối, cho đến khi kiệt lực, chết giấc. Chết như thế, bên nhau, trong nhau, không sướng hơn chết vùi, chết lấp vì bom đạn, đói lạnh hay vì cô đơn hay sao ? Bãi cỏ ven hồ vẫn còn kia, dù đã bị cày sới nát mặt, còn Louise dịu dàng, nồng nàn, Louise tóc dài mắt sáng của ông đâu ? Em ở đâu ? Cuối chiều, ông quyết định đứng dậy, cắp nạng dưới nách, bước đi. Ông vượt rừng, băng đồng, cứ thế, đi trong đêm chập choạng, không định hướng. Những oan hồn vướng vít, níu kéo, khiến ông vấp, chúi ngã mấy lần. Đây có phải bìa rừng ngã ba đường, nơi rậm rịt bụi dâu dại, điểm hẹn của lũ chim bạc má ? Giờ trơ trốc mốc thánh giá đá trắng đã cụt ngọn, lơ lửng trong sương. Đây có phải vùng đất của ngôi làng trù phú lân cận làng ông, mang cái tên định mệnh “Làng Thở Dài” ? Giờ chỉ còn gió hoang về quanh quẩn rú rít thê thiết như tiếng chó đói tru trăng. Khập khiễng đi như thế đã lâu, ông thấy mù mờ hiện ra trước mắt vài đốm sáng. Chẳng lẽ sao trên trời rơi cả xuống đây chờ giờ tận thế ? Hay là đom đóm ? Đâu đã đến mùa chúng kết bầy, tìm bạn ! Thêm vài chục bước, ông nhận ra được ánh sáng lập loè của lửa, nhận ra vài khung nhà tạm bợ, nhận ra sự sống đang rụt rè trở về trên vùng đất chết. Ngôi nhà thứ nhất, ông bà cụ Martin cúi đầu lầm rầm khấn nguyện bên đĩa súp lỏng. Ngôi nhà thứ hai, lão Laurent cắm cúi ăn, thỉnh thoảng lại nghiêng chai ngửa cổ tợp thẳng một hớp vang đỏ. Toàn người làng cũ cả ! Vẫn biết nhìn trộm vào nhà người là điều không phải phép, nhưng từ cửa sổ nhà này sang cửa sổ nhà nọ, ông thấy mình đang dần hồi sinh. Và hy vọng. Biết đâu ? Nhìn vào gian bếp ngôi nhà cuối cùng, tách xa một khoảng so với dãy nhà đã bước qua, ông suýt kêu thành tiếng : Pierrot ngồi nơi bàn ăn, một tay chuyền bánh mì cho thằng con lớn, tay kia vuốt tóc đứa bé em đang lọt thỏm trong lòng. Thằng bạn thân không chết mục xương như ông tưởng, nó còn sống nhăn, và sống hạnh phúc nữa là khác ! Người phụ nữ lúi húi nãy giờ bên bếp lò quay lại. Ông nghiêng người tránh tầm nhìn, nhưng vẫn kịp nhận ra khuôn mặt Louise. Tóc em đã cắt, dáng em hết thanh mảnh, nhưng mắt em vẫn ngời ngời niềm vui. Louise của ông, Pierrot và hai đứa bé. Ông ôm cứng lấy chiếc nạng, bấu víu vào nó để không bị quỵ ngã. Đứng sững như thế cho đến khi tiếng lao xao của bữa ăn gia đình dứt hẳn, cho đến khi lửa trong bếp lụi tàn, ông quày quả bước đi. Không, ông không có quyền đặt chân vào đó, để phá vỡ khung cảnh đẹp nhất mà ông thấy được từ mấy năm nay. Không, ông không thể để thằng bé có khuôn mặt giống ông như tạc, thằng bé khi nãy nhận mẩu bánh mì và tia nhìn trìu mến của Pierre, sẽ phải đặt những câu hỏi rối rắm về cội nguồn của nó. Không, chiến tranh đã dứt, ông không muốn làm quả bom cuối cùng nổ tung giữa nếp nhà yên ấm này.
Lại đêm. Trời trong veo, cao vút. Trăng rỡ ràng, sao nhấp nháy vạn mắt xanh, lạnh. Cả đời, chưa bao giờ ông thấy nhiều sao đến thế, có lẽ nhiều hơn cả đêm sao hai đứa nằm đây bên nhau chờ trời rạng, buổi sáng ngày ông lên đường nhập ngũ. Đêm cuối bên Louise. Ngỡ chỉ một thời. Bây giờ đành trọn cả đời. Ông cẩn thận thắt gút thật chặt đoạn thừng nhặt được gần cỗ pháo gãy nòng vào cổ, chảy nước mắt khi nghĩ đến Gris-Gris. Cha mẹ mất đi, ông thừa hưởng được nếp nhà nhỏ, khoảnh vườn rau. Gris-Gris giúp ông hàng tuần tải hoa màu ra ga, hay thỉnh thoảng, rong ruổi tận mấy thành phố lớn quanh vùng những hôm có chợ phiên, lễ hội. Mỗi lần tròng dây cột xe thồ vào cổ lừa, ông đều cẩn thận vỗ về nó và không quên cho một vốc lúa mạch, món khoái khẩu của Gris-Gris. Bây giờ đứng đây tròng dây vào cổ, ông tự hỏi mình đã để lại gì cho đời sau ? Chẳng có gì cả, hoạ chăng chỉ là sự tàn phá mà ông đã gián tiếp nhúng tay vào trong mấy năm ra trận. Còn thằng bé giống ông như tạc ngồi bên Pierre ? Có phải nó là mầm sống mà ông đã cấy lại trong thân thể Louise đêm cuồng hoan trối chết ? Nếu quả đúng như vậy, ít ra, mơ ước vơ vẩn của ông trong những giờ thấp thỏm bên chiến hào đã được thực hiện, dù không toàn vẹn như giấc mộng màu hồng vẽ vời trong trí tưởng. Ông lúi húi quấn hai vòng và buộc chặt đầu dây kia vào tảng đá xù xì, vừa một ôm tay, loang vết rêu xanh. Lần từng bước một, tay cắp nạng, tay khệ nệ đá, ông xuống hồ, hướng về nơi trăng sóng sánh in bóng. Nước rờn rợn thấm qua giày, qua quần, qua lớp áo ngự hàn, kéo trĩu ông vào lòng hồ buốt lạnh. Khi cảm thấy trái tim mỏi mệt của mình bắt đầu đông cứng, lấy hết sức tàn, ông buông nạng, hai tay ôm đá ném mạnh vào giữa bóng trăng lung linh sáng. Ông vút thẳng vào đáy hồ như vệt chim bói cá, xanh biếc. Loang từng đợt sóng trăng, giữa tiếng đập cánh hốt hoảng của lũ chim đêm bị quấy rối. Nhưng chỉ ít phút sau, nước đã vội thản nhiên phẳng mặt. Đêm yên như chưa từng.
Cúi nhìn chiếc giày mòn vẹt đế lơ lửng bên bờ cỏ lấp xấp nước, ông thở dài. Như thế, hết ngày này qua tháng nọ, từ suốt trăm năm nay, buổi chạng vạng nào ông cũng về đây, ngồi chờ giờ trăng vỡ.
(*) phỏng dịch từ « Bài hát làng Craonne »
(**) tiếng lóng người Pháp gọi người Đức, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phổ biến nhất trong thời Đệ nhất Thế chiến