HinhNhuConDauDoCTBien

HÌNH NHƯ CÒN ĐÂU ĐÓ

Truyện ngắn Cung Tích Biền

 

Cách đây mấy hôm, tôi nhận được lời mời đến dự một bữa tiệc mừng thọ một người tám mươi tuổi. Mừng thọ ai, và ai mời dự tiệc tôi sẽ nói sau. Đây là nhân vật của một truyện ngắn, từ từ biết tên.

Hơn ba mươi năm trước, chừng gần cuối tháng ba năm 1975, có một thanh niên 17 tuổi đang lúc túng quẩn, muốn xoay một số tiền.

Hồi này bộ đội miền Bắc đã treo cờ trong thành phố Buôn Mê Thuột. Đồng bào miền cao nguyên dắt díu nhau qua đường núi Cheo Reo Phú Bổn, để xuống đồng bằng. Nghe rằng máu đổ cũng nhiều.

Anh thanh niên chạy xe honda đến nhà người cậu ruột của mình, ở Sài Gòn. Dạ thưa cậu cho con vay một ít tiền.

Ông cậu là nhà chủ một lúc ba cửa tiệm cầm đồ. Gọi rằng giàu nức đố đổ vách. Ông nhìn thằng cháu khá khôi ngô. Ông nói :

- Cậu là người chuyên cầm đồ, cũng là chủ nợ cho vay. Nhưng cho vay có thế chấp.

- Dạ thưa cậu, biết vậy nhưng tình cậu cháu, mong cậu giúp. Con đã đến nhiều nơi nhưng lúc này căng quá.

Ông cậu nhìn chiếc xe hai bánh của thằng cháu, nói:

- Sao không cầm chiếc xe cho có tiền mà phải đi cúi người vay mượn.

Vậy là người thư ký của ông cậu làm thủ tục cầm xe. Ông cháu ruột ký vào cái giấy cầm đồ. Mức lời bảy phần trăm mỗi tháng. Quá ba tháng chưa có đủ tiền chuộc xe thì phải tới xin gia hạn, không thì mất xe.

 

***

Con voi con muỗi mòng cũng đều biết miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 là mọi sự đời đảo ngược. Kiểu như ta đặt một ly nước vào tủ lạnh thì một lúc nó thành một cục nước đá. Ném lỗ đầu như chơi.

Bảo rằng con voi con muỗi mòng đều biết cái sự đảo ngược, dù không đi tuyên truyền với ai sự biết của nó, cũng đúng. Con voi trong sở thú bỗng dưng hết thức ăn. Con muỗi thì gặp thời, tha hồ đốt, hút máu vì cái-con-người, hoặc con-cái-người, thiếu mùng màn đêm tối ngủ.

Nghề cầm đồ được xem là một nghề bóc lột nên bị cấm. Tiệm cầm đồ của ông cậu đóng cửa. Anh thanh niên túng thiếu càng túng quẩn hơn.

Môt  người bà con khuyên anh thanh niên:

- Vài hôm nữa người ta đánh tư sản. Nhà ông cậu của chú tràn đìa tủ két, xe cộ hàng trăm chiếc xiếc nợ để đầy kho bãi, ai để cho mà yên. Tình cậu cháu, thời buổi bỏ của chạy lấy người, ai mà giữ chiếc xe của đứa cháu ruột của mình làm gì. Cho còn không hết. Tới mà van, mà xin lại đi

 

***

      Nhà ông cậu vắng vẻ. Xe cộ nằm trong kho bãi mấy tháng trời bụi bám đầy. Anh thanh niên rụt rè:

- Dạ thưa cậu, cháu cầm chiếc xe chưa tới kỳ hạn thì thời thế thay đổi. Thật tình bây giờ cháu cũng nghèo khó quá. Cậu thì xe cộ cũng nhiều. Cháu xin cậu cho lại chiếc xe để cháu về cháu chạy xe ôm.

Đương nhiên lịch sự như cậu thì cậu có nở nụ cười. Nhưng cậu trả lời:

- Cái gì cũng có luật lệ của nó. Xe đem cầm sao lại tới lấy không mà đem về.

 Người cháu bạo miệng:

- Dạ thưa cậu cháu biết người ta sẽ không để cậu yên. Cậu sẽ bị hốt hết của. Xe cháu rồi cũng bị tịch thu.Cậu cho lại cháu, cầm bằng như của bỏ đi.

- Cậu nhắc lại lần nữa cho cháu hiểu, cái gi cũng có luật lệ của nó. Thà là ta mất của vì bọn trộm cướp, bọn xài luật rừng, chứ không thể cho cháu mang xe về mà không có tiền chuột.

Anh thanh niên 17 tưổi khó thể đấu với một cái đầu sắt từng trải nay đã 47 tuổi. Anh gãi đầu thở ra. Ông cậu cố đem anh lại gần cuộc đời:

- Cháu ạ, tiền mà cậu đưa cho cháu không là tiền từ trên trời rơi xuống. Cậu đi lên từ một anh lượm ve chai. Cậu ngồi trên cái quá khứ vô sản. Cháu về đi. Cháu không thể lấy xe về, không nên đóng vai a tòng với bọn cướp ngày đi hôi của. Bọn cướp à? Chúng mà không lột áo người, không ăn cướp mới là lạ.

Từ lúc cầm chiếc xe tới lúc này cậu thanh niên không hề cho mẹ mình biết. Cậu thấy xấu hổ và tủi thân. Nhưng rất khuya hôm từ nhà ông cậu trở về, anh thanh niên buồn quá, thật thà đem mọi việc xảy ra tâm sự cùng mẹ.

Sáng sớm hôm sau người mẹ đến nhà anh ruột mình, là ông chủ cầm đồ. Lòng bà mong mỏi đến cái tình ruột thịt. Nước mắt bà ứa ra. Hình như cơn mưa mùa đông, cái nắng hè, tàu lá chuối xanh lơ góc vườn hồi hai anh em còn bé thơ chia cho nhau miếng bánh, đã thôi thúc bà.

“Không được vào. Nhà tư sản đang bị kiểm kê để tịch thu ”

Một người lính, súng cầm tay nói với bà mẹ.

 

***          

Lần đầu tiên người thanh niên được giáo dục phải làm người lương thiện có ý giết người. Phải giết cái thằng cậu khốn nạn này.

Ở khắp chợ trời thời buổi ấy, nếu khéo mua, hãy còn những la bàn nhà binh để vượt biển, có cả lựu đạn, súng lục colt 45.

Anh thanh niên một nửa khuya dắt cây súng lục, có nạp đầy đủ đạn, băng bộ tới nhà ông cậu. Nhưng anh rất ngây thơ không hiểu sự đời. Cậu ruột của anh đã bị bắt đi rồi. Người từng ngồi trên quá khứ vô sản nay ngồi giữa bốn bề vách núi một trại tù bao la.

Bảng hiệu tiệm cầm đồ mất tiêu. Thay thế là một bảng hiệu màu đỏ to lớn, dài thòng hàng chữ màu vàng: “Hợp Tác Xã Tiêu Thụ. Thu Gom Mua Bán Trao Đổi Vật Liệu Vật Dụng. Và Máy Móc Hư Hỏng. Cùng Tất Cả Phế Phẩm Phế Liệu”.

 Thật ra, nói gọn, đây là cái…Lò ve chai.

 

***

Cũng đã một phần ba thế kỷ trôi qua. Áng chừng người cậu 47 nay tròn tám mươi. Áng chừng người cháu 17 đã tuổi, nay ngũ thập nhi tri thiên mệnh. Và áng chừng mọi việc đời đã lên rêu.

Cớ sao tôi cứ ngồi mong trong bao tháng ngày, mọi người lưu lạc hãy còn đâu đó trên cõi đời. Có bao người trong đáy sâu vực đau, bên bờ nỗi chết, hãy còn mọi cách hít thở quanh đây. Còn gặp nhau quanh một mâm cơm trùng phùng. Chao ơi, tôi vẫn mong một ly rượu sau những tháng ngày thù hận, chia phôi.

Cho nên tôi mơ thấy trong đêm khuya có ai mời tôi ngày mai đi mừng tuổi thọ. Tôi hôn sương mai. Tôi cũng mơ màng vầy thôi.

 

Cung Tích Biền

Bồ Đề cốc, 9-2008