ThuaDuCTBien

 

 

 

THỪA DƯ

 

Truyện ngắn Cung Tích Biền

 

 

Thuở ấy, chuyện ăn nằm giữa vợ chồng ngoài sinh thú âm dương, còn có tính nhân linh là lưu lại một con người, thay mình sống đời. Khoa học chưa can dự vào công việc trên chiếc giường rằng lúc này chưa nên có con; hoặc đã hai con, là vừa. Để hạn chế việc sinh ra những nhân ảnh giống Adam, Eva, ngày nay, có phương pháp Ogino, thuốc ngừa thai, đặt cái vòng, dùng bao ni lông. Nhưng thuở ấy, vâng, thuở con người hồn nhiên hòa mình cùng tự nhiên, đa phần vợ chồng nếu lành mạnh sẽ rất đông con; chưa kể ngũ giao sinh lục tử.

 

Khi Hương Vân sinh đứa con thứ sáu, ông chồng đinh ninh vợ mình sẽ “Thôi đẻ”, bèn đặt tên thằng bé là Thôi. Stop. Về mặt tư tưởng là vậy; thực tế, bất kể rằng xuân hạ thu đông, đêm trăng thanh gió mát, hay nửa khuya giông bão, sấm chớp léo lên sau vườn tối, hễ cứ ăn nằm với chồng là Hương Vân có bầu.

 

Bé Thôi được hơn một tuổi thì có em. Hương Vân đặt tên cho đứa con trai thứ bảy là Thêm; bởi cơ trời thêm thắt chứ con người không muốn.

 

Hai năm sau, thằng bé trai thứ tám chào đời. Lọt lòng mẹ, nó nhỏ xíu, như được đẻ vội, đỏ hoe như giống chuột con, khóc cầm chừng, chiếu lệ. Mót máy hết sạch tinh huyết, người mẹ mới sinh được nó, nên có tên con là Mót; như chị gái quê bòn mót chạc khoai, bông lúa lép trên ruộng đồng.

 

“Đông con quá rồi. Bà đẻ nữa tôi không nuôi nổi. Bỏ xứ mà đi thôi”. Chồng bảo vợ làm vậy. Nhưng ác nỗi, ông hãy vừa chừng năm mươi; đêm, thật khó ngủ nếu không ôm vợ bên mình. Rồi, dường như trời đất lại cựa quậy trong người mẹ, bụng Hương Vân lớn dần. Lại sinh con. Cắt cớ sinh đôi: thằng Dư và thằng Thừa. Sau, để khỏi nhầm lẫn trong hàng ngũ một bầy trẻ, hai cậu trai được thêm thứ tự: Chín, Mười. Chín Dư Mười Thừa.

 

Trong làng thuở ấy cũng có một cặp trai sinh đôi: Gio và Giai. Giai Gio giống nhau như khuôn đúc, nhiều người nhầm lẫn. Nhưng không có khuôn đúc nào – kể cả máy đúc hai viên gạch – lại cực kỳ giống nhau như Dư và Thừa. Giống tới rợn người. Giọt nước chia đôi. Như có bàn tay thần linh phụ họa cho Sự-Giống.

 

Con nằm trong nôi, áo tã giống nhau, người mẹ có khi chẳng nhận ra đâu là Dư, đâu là Thừa, nên thường cho đứa bú rồi bú tiếp. Chúng khóc cười, đái ỉa cùng lúc. Đứa này đau, đứa kia chẳng lành mạnh. Cách ly hai đứa hai nơi để thử nghiệm, chúng đều chọn đồ chơi có màu sắc, kích thước, hình dạng giống nhau; ăn thức ăn bỏ dở, uống ly sữa để thừa, đếu bằng nhau. Chúng như hai con người máy, cùng kích thước, với bộ nhớ, nhưng linh kiện, được điều khiển vi mạch, trong tích tắc có phản ứng như nhau.

 

Theo thói quen, cũng là biểu lộ hạnh phúc, các bà mẹ thường cho cặp song sinh ăn bận giầy vớ, áo mão giống nhau. Người hàng xóm nhầm lẫn hoài. Để phân biệt, Dư được mẹ đeo nơi cườm tay một chiếc vòng đồng đỏ. Nhưng tạo điều kiện để hai đứa giống nhau là tạo sự đau khổ, ray rức cho chúng. Dư, Thừa lén đổi nhau đeo vòng. Cho nên nhìn Thừa lúc đeo vòng, ông nội cứ bảo: “Này Dư đưa cho ông cái tăm xỉa răng xem nào”.

 

Một hôm, Thừa ra chợ Gò chơi, gây sự với bọn trẻ. Hôm sau bọn trẻ chợ Gò tìm tới đánh Thừa. Lúc đó Dư ra can thiệp, bọn nhỏ bỏ chạy; tưởng ma; cho rằng Dư chính là Thừa hiện hồn.

 

Mường Lai, chị đàn bà bạo miệng và lãng mạn nhất vùng, đã nhận xét về Dư Thừa:

 

“Hai cậu này về sau phải lấy chung một vợ. Cô vợ phải tinh ý lắm mới nhận ra anh nào lúc ăn nằm. Của quí của hai đứa chắc ni tất cũng y hệt nhau”.

 

Bà mẹ mắng Mường Lai: “Ăn nói chi mà bậy bạ. Xúi giục con người ta vô luân hay sao?”

 

Chuyện tưởng đùa, mà về sau, hai anh em Thừa Dư cùng yêu một cô gái. Cô Thoan con nhà, xinh đẹp duyên dáng, cô cũng cùng lúc yêu cả hai chàng trai. Cuộc tình ấy không thành vì cả hai gia đình cùng ngăn cản. Nỗi buồn nghi ngút trong lòng Thừa Dư. Cô Thoan than van:

 

 “Yêu một chàng cũng như hai, lấy cả hai cũng chỉ một. Yêu hình chẳng lẽ bỏ bóng?”

 

+++

 

Bình minh của bọn trẻ bỗng nhiên có sương mù che phủ. Một thời, họ không còn thênh thang đi tới chỗ hạnh phúc.Quê nhà không còn thái bình.Cái hoa dại trên đồi chẳng được bình yên.Con suối trong veo giữa rừng núi tinh khôi bấy lâu, nay đã loan chút máu vết thương người. Xã hội chợt bừng sáng chợt âm u; vừa bao la vừa hao mòn. Có người đổ mồ hôi giữa đêm lạnh, lại chợt giật mình chỉ vì cơn gió thỏang ban trưa.

 

Dưới lòng trời xanh đen, nơi này hay chốn nọ, hoàn cảnh nào, con người đều có chung kẻ thù: chiến tranh.Trôi nổi theo điều tàn mênh mông đó là những bóng đen, không thiếu tàn nhẫn: đói kém, lạc hậu, dốt nát, chia rẻ.Cả một giống nòi phải vươn mình bao năm mới tới chỗ để đứng-đợi-bình-minh. Mọi người đã một thời tự lìa bỏ mình, từ giã căn nhà thân yêu bờ tre khóm trúc, đi về đầu nguồn của phiêu tán, phân lập, hóa thân.

 

Chính lúc này Dư Thừa chia tay nhau, sau mối tình buồn, Anh em một nhà, ra nông nỗi…

 

Thừa cưới vợ, sinh con, đưa vào lập nghiệp miệt núi rừng Bình Thuận. Thưở ấy, thiên nhiên nơi đây hãy còn hoang sơ với trùng trùng lau trắng bên sông, núi đồi trầm tích hồn người dáng thú.

 

Rồi cũng như mọi trai trẻ, Thừa vào lính.

 

Mất nhiều năm, Thừa từ lính giải ngũ, về khai hoang, đốt rẫy làm vườn; vợ sinh được ba con, thì “Thôi đẻ”. Thôi thật. Chớ không phải là rặt thôi lý thuyết như cha mẹ anh xưa. Thừa có nương rẫy, khu vườn cây trái, đàn bò, heo gà, nhà cửa tạm là khang trang.

 

Một chiều Thừa ngồi trên chuyến xe từ rừng về, qua con suối, xảy ra tai nạn, anh bị gãy một chân. Chân trái. Phải cưa bỏ một đọan từ dưới đầu gối trở xuống. Thừa không dùng chân giả mà dùng nạng gỗ. Lần đầu tiên anh biết thương mến thân thể mình, hiểu rằng đã chia lại cho đất, đã chôn vùi dưới ấy một khúc xương chưa tàn, của mẹ cho anh. Thừa chợt nhớ tới Dư. Nhớ tha thiết, như nhà thơ nhớ mây trong nghìn trùng.

 

Thời gian này tôi biệt tin tức về Dư nhưng vẫn hay gặp Thừa. Sau tai nạn, tuy còn trẻ,Thừa đã có cái cách của người già: ngán ngẩm cái sống, lại sợ cái chết; đầu hàng thời gian; suy gẫm điều trước kia không cần thiết suy gẫm; thiếu hưng phấn trong hành động, nhưng siêng năng lục tìm con sâu cái nấm trong thế giới được gọi là dĩ vãng. Thừa nhớ nhung thời trai trẻ. Tâm cảm thiên về ký ức; một thoáng nắng làm anh nhớ mồ mã cha ông; con chim khách kêu trưa, anh mong đợi bạn về. Bạn đây không phải là Dư, hay ai khác, mà chính là anh: một bạn-Thừa-thân-yêu nay đã thất lạc. Anh lang thang trong hiện thực.

 

Một vệt mây đen trên đỉnh núi, rất vân cẩu lại rất phù du, trong mây đã lắm hoàng hôn; ngần ấy, cũng làm Thừa bùng cháy dĩ vãng, trôi giạt về chỗ bồng bềnh: nhớ mùa xuân tắm truồng ở bãi sông, anh với Dư chìa hai con cu ra đọ xem đứa nào dài ngắn, so lỗ rốn đứa nào sâu hơn, tạt nước lên mình con trâu trưa da lông khét mùi nắng; rồi chợt nhớ cô Thoan có đêm thanh vắng tắm truồng; nhớ những chiều, ra bìa rừng làng nhìn xa xa thị trấn lố nhố những tường vôi dưới nắng hồng. Chao ơi, cả một nhân gian nơi đây rất thực, mà phải lùi mấy mươi năm để tìm về một nhân gian xưa; để được sờ tới, ngửi được mùi, được nằm vùi trong cái hương thời gian tươi vui sực nức. Hôm nay đôi khi giữa ngã ba đường, Thừa như một hành tinh âm u, mơ nhớ thuở đi về, tiếc thương chiếc bóng thanh xuân của mình; một chiếc bóng rõ nét, tinh anh trong Cõi Đời, giữa Cõi Người.

 

Lòng bỗng dưng nhớ một chiếc bóng là Ta đã suy kiệt tương lai. Tôi nào khác chi Dư Thừa. Bởi tôi cũng là thế hệ Thừa Dư.

 

Vừa đây, tôi bỗng nhận được một lá thư của Thừa. Thư có đoạn:

 

“Chú Ngọc, nhà thờ họ ta gần nửa thế kỷ nay không được sửa chữa, đã sụp đỗ tan tành, hay gần như tành tang. Chú phải cố gắng về. Bà con bất kể là ai, môn phái chi, trôi giạt nơi đâu, cũng phải về cùng nhau góp công của trùng tu. Chim có tổ nước có nguồn. Chú là trí thức, cả họ mong chờ ở chú. Không phải chờ bọt nước miếng mà chờ tấm lòng nơi chú. Chú đã không-chạy-đi, vậy hãy-quay-về, không thể sống-ở-giữa-bóng-mây. Chúng ta phải đoàn kết mà sống, làm trong veo tinh khiết chỗ lạch nguồn. Nơi đây, hạnh phúc chúng ta cùng chia, khổ đau cùng chịu, chắc chú hiểu. Tin chú hay, trong việc này có anh Dư cùng tham dự.”

 

Thật lạ lùng, Dư Thừa không ai nhắc tới cô Thoan, đỉnh cao tình yêu lý tưởng thuở nọ, mà quay về lập nhà thờ. Vậy là cố thủ trong nền móng? Chỗ an toàn tâm linh? Hay sau hành trình phân lập đơn lẻ, con người nhận ra được chỗ chung cùng. “Anh có thể vô thần nhưng không thể không có cha mẹ ông bà, tánh linh của dòng giống, hồn thiêng Đất Nước”. Mà cái tánh linh cái hồn thiêng ấy như trầm thơm ngọc quý, đôi khi hữu ảnh vô hình, bao la đến nỗi ta không có tấm lòng thì chẵng thể nhận ra.

 

Nghĩ chi thì nghĩ, nhận được thư, tôi về, nhân thể nhìn lại đồi sim cái suối.

 

+++

 

Từ xa xa, dãy đồi quê nhà đã hiện ra như những chiếc nón lá úp trong chiều xanh. Trời ngọc bích. Tôi xuống xe, tạt vào một quán nước đầu làng. Phía kia, cạnh chiếc nạng gỗ một người đàn ông cụt chân, mặt vuông vức, trán cao, bên trái cằm một nốt ruồi đen. Đích thị là Thừa rồi. Tôi vui mừng mờ mắt, reo lên:

- A…  anh Thừa,, chao ơi…!

 

Người đàn ông cụt một chân trả lời :

- Tôi là Dư chớ không phải Thừa. Lại lộn anh em sinh đôi rồi…

 

Tôi ngạc nhiên nói:

- Ủa! Anh Thừa mới lãnh đủ chớ anh Dư?

 

Người đàn ông tên Dư nhìn tôi với đôi mắt đượm buồn. Ánh mắt như ánh trăng về sáng, vẫn là trăng, nhưng trắng nỏn, mờ nhạt. Mảnh trăng ấy nói:

 

- Ngọc ơi, ngồi đây uống một cốc nước cái đã. Mấy mươi năm kẻ Bắc người Nam anh em mới lại trùng phùng. Dư ngày hôm nay đã khác Thừa lắm rồi. Hãy nhìn đây: Hai anh em chúng tôi đều khập khiễng, tôi gãy cái chân mặt, Thừa tan tành một chân trái.

 

Dư kéo cái ống-quần-nửa-vời lên cho tôi xem chỗ chân bị cưa. Như tất cả các dấu vết tàn tật: những đường may là da thịt nhíu lại, nỗi chết đọng trong sự sống biến màu da tím ngắt, một con rít trên thân người. Ai cũng rùng mình, rất sợ nhìn vào chỗ ấy, trừ chính anh.

 

Tôi đã thấy một vết thương ni tất, màu sắc, những chân rít như thế, nơi Thừa. Dẫu sao, Dư Thừa vẫn có cái đau chung khi lâm nạn, vẫn cõi mê man khi bị đánh thuốc cưa đoạn một phần người.Họ cùng mang vết thương như nhau trong thân thể, chỉ một bên là Tả, bên kia là Hữu, nên thường cùng bị đau nhức lúc trái gió trở trời. Ngoài nỗi nhức nhối rõ mặt, Thừa Dư còn giống nhau ở cái đau thầm lặng, sâu lắng và mộng lung. Đó là khi Trường Sơn đã vào hoàng hôn, cái ráng hồng rặt màu máu đã tàn phai; núi sông hiểu rằng mình đầu thai Thần Đêm; là khi sớm mai biển động, bão tới; hoặc sớm mai kia bình yên – sẽ trồi lên một mặt trời tinh khôi, sạch sẽ Máu sạch sẽ Lửa, thuần khiết giọt sương, thuần khiết nắng… “Tôi xin trả mộng cho Người”.

 

Hôm nay nếu mẹ xưa còn sống, mẹ khỏi bận lòng đeo vào tay Dư chiếc vòng Đồng Đỏ để nhân gian phân biệt với Thừa. Xóm trẻ chợ Gò không nhầm tưởng một trong hai anh em là ma hiện hồn, hai giọt máu cùng bào thai làm-ma-cho-nhau. Đã trôi qua cơn mộng dài khe khắc, hình thức này mạo hóa nội dung kia. Đã rất mực chiều tà trong thân phận Thừa Dư, khi nhìn lại, rõ mặt.

 

Núi Ông Tào hiện ra trước mặt. Gió, mây, miền hoang vu trên ấy. Xa kia, con sông Đồng Dâu màu nước cuối đông xanh biếc. Quê hương đây rồi. Chúng tôi thả bộ lai rai vào xóm; mảnh vườn của mẹ anh xưa, mỗi tháng giêng luống cải trổ những hoa vàng, bướm bay trong chiều; con đường làng trắng màu sữa; tiếng trống hội làng, tiếng xưa thì thùng đâu đó, em bé chui vội qua bờ rào rách chiếc áo mới. Giẫm mỗi bước lên dĩ vãng, Dư im lặng. Thừa càng lặng im.

 

Trong hương xưa ngất ngây, không ai than phiền mình đã bị gãy cẳng, hoặc vui vẻ được gãy cẳng vì lý-tưởng-có-sẵn-mì-ăn-liền. Họ ngửi trời đất, nhấm nháp vết thương, tương lai rửa hộ niềm đau, quê hương vỗ về những đứa con phiêu lãng trở về.

 

Lúc qua chỗ bờ giếng, một cô gái chừng vài mươi tuổi nhìn chúng tôi, nhìn những đầu gối, lại soi khuôn mặt xinh tươi xuống lòng giếng. Trời nắng cao. Cô gái sinh sau khi chúng tôi bỏ làng khá lâu, trai trẻ nào biết ai ra ai, cô nói:

 

- Hai bác giống nhau như hai giọt nước, chỉ khác…

Ông giáo làng – thầy dạy vỡ lòng chúng tôi thuở bé – giảng giải cô gái:

 

- Hai ông này là cậu ruột của cháu đó. Đừng nhìn mặt. Cứ nhìn hai ống chân. Khuyết bên tả là ông Thừa. Hụt phía hữu là ông Dư…

 

Cô cháu cười, xin lỗi, lại bỗng nói xa xôi:

- Vết thương, tàn tật, thì có thật, còn đây. Trong sách vở sao lại nhiều anh hùng toàn vẹn.

 

Tới một khu vườn nhỏ, cỏ mọc tận hàng hiên, cây sầu đông đầu ngõ trơ lá, đứng cạnh cái chuồng bò, vắng bò, Dư hỏi tôi:

 

- Chú Ngọc nhớ chỗ này không?

- Biệt ly non nửa thế kỷ mần răng mà nhớ.

- Chỗ này xưa là cái chái hè. Mẹ tôi đập bầu sinh hai đứa tôi. Đúng ra, tôi được bất ngờ chào đời chỗ này. Sau, cha tôi bế mẹ vô nhà đẻ tiếp chú Thừa.

 

Tôi nói:

- Khi sinh nở, chắc bác gái không đổ máu nhiều như anh em chúng ta sau này.

 

Dư nói nghiêm chỉnh:

- Cũng đã qua một lịch sử rợn người.

 

Nghe tin chúng tôi về làng, bà con xúm xít tới đông vầy, tháp tùng đó đây như một phái đoàn. Đặc biệt phái đoàn này đa phần rách vá. Có người đang chăn bò ngoài rẫy, nghe tin, mừng, vội chạy về, roi cầm nơi tay. Có đứa cháu đang đun bếp, lọ nghẹ đen lòm, chạy tới, để: “Xem dung nhan các bác đã từng làm quan hai bên”.

 

Cô Năm tay bưng rổ khoai lang, nụ cười như mếu, nước mắt vòng quanh. Chợt thấy trong rổ khoai lang của cô có một trái lựu đạn sét rỉ, bám đầy đất, tôi kinh ngạc hỏi:

- Trời đất! Cô trộn chung cái giống này với khoai lang à?

 

Cô trả lời như giỡn chơi:

- Khối chi ngoài đồi nương. Lâu lâu bới được một trái. Thứ chết tiệt này đâu còn sức nổ mà sợ.

 

Tôi nạt:

- Coi chừng banh thây bất cứ lúc nào.

Năm nói ráo hoảnh:

- Tui zửa sạch sẻ tui bán cho bọn đào đãi vàng.

 

Thầy giáo làng bình luận:

- Ngày chiến tranh, nhìn củ khoai nằm xa xa cứ ngỡ quả lựu đạn. Sợ chết khiếp. Bây chừ mấy con mụ này coi trái lựu đạn như củ khoai lang.

- Trong Sài Gòn người ta ngồi ung dung cưa đôi trái bom để bán sắt phế liệu mới ngon chớ.

- À… ngày khởi nghĩa chống Pháp bốn lăm, tao phải mất cả ngày cưa, đục, đẽo, khoét một khối gỗ, chạm khứa nó thành trái lựu đạn, sơn đen mà đeo. Kể lạ, cũng oai. Có trái lựu đạn gỗ bên mình, tự tin hơn.

 

Hết chuyện lựu đạn tôi hỏi thăm đời sống gia đình, cô Năm than vãn:

- Bết lắm chú ôi. Sưu cao thuế nặng.

- Con cái học hành khá không?

- Thời buổi oái ăm. Trẻ nhậu nhẹt, già trai gái đào đĩ. Trẻ để râu ria cho ra già. Già nhuộm tóc đen đầu. Đứng núi này trông núi nọ.

 

Trong lúc hàn huyên, cô Năm chợt nhìn Dư Thừa từ đầu tới chân rồi nhận xét. Như có thần linh phù hộ cô rao truyền:

- Nghe người ta đồn tới bây chừ hai anh còn giống hệt nhau như Dư Thừa ngày còn nhỏ, mà đâu phải vậy. Không biết trong cái đầu cái não các anh ra làm sao, chớ bên ngoài hai anh đã khác nhau từng ánh mắt, nụ cười, cách cư xử, cả tiếng thở dài. Anh Thừa kính cẩn lạy ông bà mà anh Dư thì đứng từ xa xá xá vài cái. Tiếc chi vài cây nhang đối với tổ tiên. Một anh cái gì cũng ra điều quan trọng, bí mật, mặt gằm xuống đất. Một anh ăn nói rỗn rảng, cứ nhơn nhơn ta đây. Sao các anh không nói thẳng vào chỗ con người, không nhìn thẳng vào nhau mà nói.

 

Thầy giáo làng giận mắng:

- Thím Năm này thậm hỗn.

 

Thừa can ngăn:

- Cô Năm cũng có cái đúng. Lâu nay mình cũng có phần câm điếc. Học hành nghe ra ghê gớm làm vậy chớ thật ra mình chưa được người nông dân dạy dỗ điều chi.

 

+++

 

Hết thăm người sống lại viếng kẻ chết.Chúng tôi lên đồi, nơi có nghĩa địa từ đời ông cao tằng trở xuống. Xưa, mồ mã rải rác trong đồi sim, mỗi lần con cháu đi chạp mả, thường thất lạc trong rừng. Nay, rừng sim bị tiêu diệt, mả mồ tràn lan.Trùng điệp bia nấm. Thỉnh thỏang mới vài hàng thông reo. Người chết sướng thật, an hưởng một hư vô trong ngần.

 

Dư chống nạng lửng thửng đi lên đồi. Tôi ở chân đồi, lẩn quất với màu hoa bông trang, mùi hoa dại, vồng khoai lá cỏ.Tôi thích thú nằm thẳng cẳng trên nền cỏ, cùng bia mộ đá, nhìn trời xanh. Tôi hít, tôi thở. Tôi co ro trong tràn lan nỗi nhớ. Cả một đồi quê mộc mạc tỏa hương. Tôi nghĩ về Khổng Tử khi mắt nhìn bãi cứt trâu khô. Ngâm câu thơ Nguyễn Du khi đầu kê trên lớp đá ong khô. Nghe trong tơ tóc có lời vàng thau. Đây là thuở thanh bình, cái chết đạn bom đã dừng gót, nhưng trong cái sống âm ĩ, hãy còn một cuộc tranh chấp cân não xem ra dằng dai: cuộc chiến nội tạng thừa-dư.

 

Chiều tà. Dư lửng thửng từ lưng chừng đồi xuống gần chỗ tôi nằm. Từ vị thế dưới chân đồi nhìn ngược lên, tôi thấy Dư đứng xiên xiên, tì vai lên chiếc nạng xiên xiên, nguời và nạng nương nhau, tạo thành một chữ V lộn ngược chụp trùm lên tất cả. Đáy là đỉnh. Đỉnh chữ V cao vút giữa thanh thiên, chứa trong lòng nó là sườn đồi, nương rẫy, chim chóc, hoa rừng, mộ chí, thập giá; cao hơn là một mảng trời xanh hình nón, vài giải mây trắng bay, lại như có gió phiêu bồng. Đúng ra, Dư cùng sự tàn tật tương hợp đang bao trùm lên một quê nhà; một bức tranh hiện thực, cho dù sau này thời gian gội rửa, cho dù tương lài bừng sáng, thì cái-được-gọi-là-hôm-nay vẫn là một dĩ vãng hằn in. Tôi nhắm mắt, hiện thực ấy vẫn cứ mãi đen ra trong mắt não một vết chàm.

 

Nhìn cách tạo hình của Dư nơi sườn đồi. Thừa tự mỉa: “Trong mỗi chúng tôi đã có một Việt Nam hoặc một vinh quang lộn ngược”. Tôi nói “Cái chính là những gì trong ruột chữa V”. Thừa khẳng định: “Không phải. Phải đảo chữ V lại, cho thuận chiều lịch sử”.

 

Tôi quay đi, úp mặt trên lớp đá ong khô.

Tuy nhiên ngày hôm sau lại có một cuộc sum họp vui vầy. Họ hàng nhà tôi có máu đờn ca sáo thổi, nên mấy ngày khánh thành nhà thờ Họ, ngoài các nghi lễ cổ truyền, tế tụng, còn có một đêm liên hoan văn nghệ.

 

Buổi trình diễn có một màn khá độc đáo, mang chủ đề: ‘Anh em một nhà, chúng ta cùng tiến bước”, do Dư và Thừa thủ diễn.

 

Dư và Thừa, không ai dùng nạng, cùng dìu nhau lên sân khấu. Hai anh ghép lại thành một, tạo ra một hình nhân đủ cả hai chân nhưng bên trên có hai thân hình, hai cái đầu; đó là chưa kể những chi tiết lặt vặt như bốn con mắt, hai cái miệng, hai quả tim, hai bộ não, bốn cái hòn…Người nào chủ trương mỗi con người chỉ nên có mỗi cái đầu thì rất khó chịu về hình tượng lắp ghép đa nguyên này.

 

Thân hình kép đó bước đi trên sân khấu rất dịu dàng, rất nhịp nhàng. Kinh ngạc hơn cho đám khán giả khi Dư đánh đàn guitare, Thừa thổi khẩu cầm hòa điệu bài The Longest Day. Ngày dài nhất của Normandie đã qua, nhưng trong âm nhạc, cái nhịp điệu trần gian, ngày dài nhất vẫn còn.

 

Dư Thừa rất cần thiết tựa nhau mà đi, lại hình như không tựa vào nhau. Một sự tựa nhau rặt hình thức, còn nội dung tự ai nấy lo. Một nương nhau biểu trưng, ấn tượng về một hòa nhập trong một lòai người cần thiết hòa nhập. Dường như có một mẹ già, vô ảnh, giúp họ bước đi; cái vi mạch thiếu thời đẩy họ tới chỗ hòa điệu.

 

Màn trình diễn “Anh em một nhà, cùng nhau tiến bước” đựơc bà con hoan hô hết mình, có người khóc; và được trao giải. Tôi được vinh dự lên trao huy chương. Tôi hỏi ban tổ chức: “Ai huy chương vàng ai bạc?” Có tiếng hô lớn: “Huy chương vàng cho cả hai”. Lại có tiếng nói tiếu lâm: “Thưởng là thưởng cái chỗ còn một chân mà biết dùng nó đấy”.

 

Đêm đó, ba anh em tôi ngủ chung một giường, tâm sự thâu đêm, từ chuyện nhỏ nhặt như cái răng trong mồm chúng ta đã rụng lai rai, tới vấn đề lớn lao của lịch sử, nhân loại; từ cái nóng bỏng tầng ô-dôn thủng bể từng giờ, tới sinh họat thường hằng là “làm đệ tử khoái ngoài ruộng đồng trăng thanh gió mát” thường là thú vị hơn ngồi trong nhà tiêu chốn phố phường.

 

Gần sáng, trời trở lạnh. Thừa quơ mền đắp cho Dư và đắp quàng qua cho tôi. Chân chạm vào nhau mới sực tỉnh: “Hóa ra trong bao năm dài chúng tôi ba người chỉ có, và chỉ sống trên bốn cái chân. Lịch sử từ lâu nhường bước cho một đám sinh vật bốn chân thủng thỉnh đi qua.

 

 

Cung Tích Biền

Sài Gòn, 1992