Gia đình bé mọn
Dạ Ngân
4
Một giạ gạo trắng mới xay đựng trong vỏ bao phân urê, có thể thay được một tháng gạo sổ phân phối thường là vón cục và nát bét trong vụ hè thu. Một trái mít chín cây chưa cắt mặt, loại mít nghệ trứ danh của vườn nhà mà má của Tiệp từng lén cô Ràng dú riêng để cho mấy đứa nhỏ - tức con Nghĩa con Tiệp và con Mỹ út - ăn “cho đã đời” vì theo bà, ăn trong sự kiểm soát của cô Ràng thì chúng không đã, đựng chung trong bao mít còn có mấy trái dừa khô lột vỏ để Tiệp nấu chè hay hầm bí rợ hay ăn trộn với món bo bo hầm mà Thu Thi và Vĩnh Chuyên sợ như sợ thuốc. “Để dân miền Tây ăn độn thì đúng là trời còn phải chịu thua mấy ông hợp tác hoá !”, đó là giọng điệu “bất mãn thâm căn cố đế” của chị Hoài, nói theo cách nói chính thống của anh Năm Trường và đức ông tuyên giáo nhà Tiệp, chị cũng đã đay lại chính cái câu đó trước mặt Tuyên hôm đánh vỏ lãi đi một ngày đường suốt kinh Xáng Chủ để tiếp tế cho ba đứa em ở thị xã gạo củi và mọi thứ cây nhà lá vườn, luôn tiện cắp hai đứa con Tiệp về quê để chúng “khỏi phải ăn bo bo hầm của cán bộ” ! Một bao nữa đựng nguyên buồng chuối xiêm còn xanh để Tiệp treo gần bếp lửa cho mấy đứa nhỏ ăn dần, nếu kẹt tiền chợ quá thì bổ đôi từng quả ra nạo nhuyển nấu với nước cốt dừa làm canh, món ăn mà hồi ở Cứ, Tiệp coi là món tủ của mình. Thế là đồ đoàn hôm ấy đã có tới ba cái bao, ngoài túi xách quần áo của ba mẹ con còn có hai chiếc giỏ đệm lớn cộ từ mắm sặc mắm lóc đến chanh hạnh rau má rau đắng bồ ngót, đủ cả, rồi có cả nửa con vịt khìa nước dừa tươi và một gói xôi vò để riêng từ bữa giỗ hôm qua để mấy mẹ con Tiệp ăn đường. Cô Ràng không cho má cụ bị nhiều để nối dài ngọn roi cảnh cáo Tiệp, chị Hoài cau mày lo lắng cho em khi thấy đống bao túi đã nằm sẵn trên vỏ lãi, riêng má, tác giả của đám đồ đoàn thì vẫn cứ chặc lưỡi :”Đi tàu đâu cách rách gì, lên trển kêu xe chở vìa nhà, tiền xe lôi với tiền mua mấy thứ nầy cái nào lợi hơn ?” Thật tình má không thể nào lường được con gái bà đang dở khóc dở cười với “công trình thương con” của bà trong cái ngày bất hạnh nầy.
Sau khi đi chè chén gì đó bên chợ về, đôi vợ chồng nhà tàu lục cục ban sáng ngạc nhiên nhìn thấy trong tàu của mình một đám hành khách ngồi sẵn như thể đang làm reo với họ. Bà chủ khoảng năm mươi tuổi, da rất hồng và tóc rất mượt, kiểu đàn bà má đỏ và gàu sòng trong câu ca dao cổ cười hăng hắc phô cả hai hàm răng vàng choé :
- Ngộ há, biết tụi tui có đi không mà ngồi tề chỉnh quá vậy ta ?
Ông chồng có vóc dạc và bộ mặt gã Lao ái trong Lã Bất Vi đánh đánh cây tăm xỉa răng trong miệng, e hèm :
- Nể bà con lỡ xe lỡ cộ, thôi thì nhổ sào nhưng phải lấy giá bao tàu, mích lòng trước được lòng sau, nghen !
Tiệp ật lưng vào thành tàu tuyệt vọng và bầm gan tím ruột nhưng thật tình nàng cũng không biết mình nên tức giận ai. Giá mà khóc rống lên được hay có thể đứng trước mũi tàu mà chửi vung lên được. Nàng nhẩm tính: tàu chỉ có khoảng mười lăm người, bổ đầu chia theo giá bao trọn chuyến tàu, chắc nàng phải cầm cả đồng hồ, cả đôi bông cưới trên tai đây may ra mới đủ phí tổn cho ba mẹ con !
Bằng sự điềm tĩnh xứng đáng với sự dẻo dai của mình, bà bác đi cùng giục nàng đứng lên :
- Lần nầy thế nào cũng được, hai bác cháu mình trở lên bến xe xếp hàng cho sớm đi. Không bốn vé thì ba, cùng lắm thì hai cũng được, được hết ! Đi, bác lãnh coi hai đứa nhỏ cho, cháu cứ thong thả chuyển đồ, đừng có ráng quá cụp lưng thì khổ mình khổ chồng khổ con ra.
Một núi đồ phải chuyển lên chuyển xuống ba lần trong vòng nửa ngày thật là quá sức một người nhỏ thó, buồn thảm như nàng, nhưng so với việc thần kinh bị tra tấn thì nó như lông hồng với núi Thái Sơn. Trời bắt đầu chinh xế, trong khi hai đứa nhỏ vật nửa con vịt và gói xôi vò trên cái áo mưa ở góc nhà chờ bến xe, Tiệp và bà ngoại Hai dọc đường của chúng thay nhau giữ chỗ trong hàng, mỏi mắt ngóng mụ quầy vé “nà nàm” và cánh lơ lái cỗ xe cuối cùng đang vạ vật đâu đó bên chợ. Không gian vàng đục thứ nắng nhoi nhói mùa thu bỗng chuyển dần thành màu chì, những đám mây xam xám từ phía biển vơ vẩn bay vào, báo hiệu một trận mưa sẵn như nước mắt của chị Hoài, chỉ cần nghĩ đến nó thì nó lập tức có mặt ngay. Bà bác tóc ngắn ngước nhìn trời, đi tới đi lui, nóng nảy :
- Bác có nhà cháu ruột ở đây, hổng đi được thì mơi mình đi sớm. Thề là bác hổng thèm xin xỏ con mẹ đó một tiếng nào hết !
- Bác cháu mình phải tách ra - Tiệp cương quyết - Bác đi vé ưu tiên còn cháu phải mua cho được hai vé, không thì cháu sẽ chết ở đây luôn .
Nói xong, nàng chạy sang dãy dân thường bên kia quyết yên chỗ để được mua thêm một vé ngoài cái suất của công lệnh phép. Vừa lúc đó, nàng nhìn thấy gã đàn ông ”xếp hàng cả đời” từ phía chợ trở về, chểnh mảng, buồn rầu như thể anh ta vừa đánh mất cái gì và đang cắm cúi tìm lại nó. Không còn cái vẻ háo hức trẻ trung ban sáng, anh ta lầm lầm đi thẳng lại chỗ dành cho dân thường và chợt tươi tỉnh lên khi bắt gặp người phụ nữ nhiều bao và túi. Nhoẻn cười để chào lại rồi không nhịn được, Tiệp cười to lên khi thấy mái tóc xồm xộp của người ấy không còn, cái ót lởm chởm như một cậu bé không chịu ngồi yên với tông-đơ.
- ở dưới địa ngục người ta cũng không đối xử với tóc dài quần loe như mấy ông văn hoá thông tin xứ nầy ! - Anh ta cay đắng vỗ vỗ vào ót mình - Thôi, dù sao cũng còn chút an ủi là được xếp hàng sau một phụ nữ miệt vườn mi-nhon như cô em !
Tiệp quay lại cười khẽ :
- Theo ông anh thì đây là tầng địa ngục thứ mấy ?
Người đó gượng vui :
- Không dưới thì cũng ngang cái tầng của Xôn-gie-nhít-xin*.
- Khoẻ như ông anh mà không vùng chạy được sao ?
Người đàn ông cười như mếu, nếu Vũ Trọng Phụng sống lại chắc ông cũng không biết diễn tả nụ cười nầy như thế nào :
- Đang đi, vụt cái tiếng còi, còi hẳn hoi nhá, một tổ ba ông băng đỏ hẳn hoi ở đâu túa ra hỏi giấy túm tay như mình bị truy nã. Thế rồi áp vô gốc cây dùng kéo sởn một nhát nhanh như AQ bị người ta cách mạng cái đuôi sam đi. Sự thể đã vậy thì theo cô em, để yên cho người ta sửa sang bằng tông-đơ hay là vùng ra để giống một thằng điên, hở ?
Cả hai bất ngờ nhìn vào mắt nhau, ở đó là những tiếng nói chung về sự đau khổ, nỗi thất vọng và cả nỗi ngờ vực bên trong mỗi người. Tiệp xoay người lảng đi, nàng nghe thấy một tiếng thở dài rất sâu ở sau lưng mình, một đôi mắt cân đo sục sạo và hình như có cả khát thèm. Trước kia, khi chưa gặp Người ấy, người đàn ông đã xuyên qua đời nàng như một ánh chớp, người đã khiến nàng được sống lại thời trinh nguyên khao khát và cũng đã khiến nàng rơi xuống như một con chim khờ khạo, phải, trước khi gặp cái người đã khiến nàng nói toang lên với Tuyên chính nghĩa của một cuộc ly dị để rồi phải gục xuống qui hàng vì roi vọt của gia tộc, tổ chức và dư luận, phải, trước khi bập vào một sự kiện ghê gớm dường ấy nàng cũng đã từng xao xuyến khi thì một giọng nói, một mái tóc, một ánh mắt... Nhưng nàng đã nguội lạnh với những cơn cớ dọc đường ấy rồi. Với người đàn ông ngộ nghĩnh, đặc biệt và chắc là rất phong tình đang đứng sau lưng đây, nàng thấy tò mò vui vui mà cũng thấy sờ sợ, như đứng gần một thứ điện cao thế.
Một cơn giông vần vũ kéo đến, bầu trời tối sầm như sắp chạng vạng, gió thốc bụi cát, lá cây và cả lá bánh trong đống rác sau khu nhà bến tung đi loạn xạ. Mụ nhân viên quầy ưu tiên và cánh lơ lái của cỗ xe cuối cùng khom mình chạy lúp xúp từ chợ sang. Dãy dân đen vừa so hàng cho ngay ngắn vừa nhớn nhác hỏi nhau sao quầy bên nầy không có người bán vé ? Người đàn ông trấn an Tiệp :
- Tôi đếm rồi, chừng nầy người thì vừa đủ, không lo ! Nhưng sao dân trong nầy không biết kiếm gạch, kiếm cái gì đó xếp hàng thay mình để tản ra cho đỡ chồn chân, nhỉ ?
Tiệp ngoảnh lại ngạc nhiên như nghe chuyện từ một hành tinh khác.
- Ngoài kia chúng tôi xếp hàng mọi nơi mọi chốn, xếp hàng từ giữa khuya nên gạch vỡ, rổ rách, nón mê, thậm chí một cái nùi giẻ cũng là vật hình thay cho con người !
- Coi bộ dạng anh cũng cán bộ, sao không có giấy đi đường để mua vé cho dễ ?
-----------------------------------------
* Văn hào Nga, tác giả “Tầng đầu địa ngục”.
Một cái chậc lưỡi ởm ờ :
- Thì cô em cũng đâu phải nông dân hay dân buôn bán ?
Mưa láy pháy, đúng lúc đó, bà bác Hai bên dãy kia réo Tiệp, như một bà má của nàng :
- Sao hổng chạy đi coi đậy điệm đồ, còn đứng đó ?
Người đàn ông nói nhanh :
- Cô chạy lại với hai đứa nhỏ với đồ đạc đi, tôi giữ chỗ cho bằng cái túi xách của tôi đây nầy !
Trời chỉ dọa chứ không mưa hẳn, xong vé cho dãy ưu tiên, mụ nhân viên ngắn ngủn đi ngay sang quầy bên nầy. Không có kèo nhèo và vặn vẹo, chuyện mua bán diễn ra câm lặng, thúc bách, cùng với sự gầm gừ của đất trời. Người bán vé không đòi giấy tờ của Tiệp, lẳng lặng đẩy ra hai vé, nhận và thối tiền, mặt mũi trông có nhẹ đi hơn ban sáng, chắc là được đẫy một giấc trưa. Người đàn ông cầm được mẩu vé số năm mươi hai, số ghế cuối cùng. Anh ta hớn hở :
- Không phải ngồi ghế súp là may rồi. Tôi sẽ đỡ giúp cô đứa nhỏ trên lòng của tôi.
Trong lúc níu con đứng dưới cửa sau xe để xem phụ xế chuyển các thứ không sợ ướt lên nóc mui, Tiệp nghe thấy bên trong nàng một tiếng bục nhỏ, rồi một dòng máu âm ấm đổ từ đùi xuống gót, một con rắn đỏ tươi chậm chạp ngoằn ngoèo bò trên mặt cát bến bãi, một cảm giác kinh hoàng chụp lấy khiến nàng đứng không cục cựa được. Ban đầu là Vĩnh Chuyên kêu “Máu máu!”, có lẽ nó không bận bịu như cô chị nên dễ nhìn thấy “con rắn” chết tiệt ấy hơn, sau đó thì Thu Thi cũng nhìn thấy và ôm chầm lấy chân mẹ khóc ré lên :
- Mẹ ơi, mẹ bị làm sao vậy mẹ !
Mọi việc quanh nàng tớn tác, tối tăm, mờ mịt, : gã lơ xe vừa hét gì đó vừa ném các thứ của nàng xuống đất, những người ngồi bên cửa sáo thò đầu ra chỉ trỏ thất thanh, người đàn ông số ghế năm mươi hai bay xuống đường, tiếng bà bác Hai ở phía đầu xe kêu cứu cứu toáng loáng. Hai đầu gối Tiệp run cầm cập, như hồi nào một trận B52 đổ ngay trên đầu, thần kinh đờ ra kinh sợ. Nàng chỉ nhớ là phải hạn chế cử động và chờ đợi, không rõ chờ đợi ai nhưng bắt đầu thấy mừng vì xe chưa khởi hành. Một cỗ xe lôi kéo bằng loại hon-đa 67 từ bên chợ phóng sang, người đàn ông miền ngoài nhảy xuống bế xốc nàng đặt lên băng sau :
- Mạng cô còn lớn. Băng huyết mà bệnh viện gần, không sao đâu !
Rồi anh ta xốc từng đứa nhỏ đặt lên và cả đồ đoàn, tất cả.
Tiếng bà bác ngoại Hai :
- Trời ơi, một thân một mình, làm sao giờ, trời !
Gã xe lôi rồ ga cho xe vòng qua chợ, Tiệp ngoái nhìn, nàng thấy người đàn ông vừa chạy nhốm theo nhưng không kịp, anh ta đứng sững lại dần dừ, ngơ ngác, cuối cùng đã phải lao theo cỗ xe đò đang từ từ ra khỏi bến.
Sau nầy Đính bảo là đêm đó, khi một mình lang thang trong thị xã xa lạ anh cứ ân hận mãi, rằng sao buổi chiều mưa bay gió thổi hôm ấy anh đã không ở lại với nàng. Anh linh cảm nàng là người đàn bà đơn thương độc mã qua cái vẻ gan góc mà vẫn rầu rầu, nhưng sau khi bị cánh “Nếp sống mới” của ngành văn hoá thông tin thị trấn xén phăng mái tóc trêu ngươi của anh thì anh không còn chút kiên nhẫn nào để nấn ná ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy nữa, anh sợ sự không kiên nhẫn của chính mình. Cho dù sau khi xe rời bến, bà cụ đi cùng Tiệp đập cửa xe đòi xuống để chạy vào với Tiệp, anh cũng không thôi bứt rứt cho nàng. Và mấy ngày lưu lại Định Bảo, anh đã mấy lần đứng ở dốc cầu Cái Bần qua mô tả đại khái của Thu Thi lúc anh giúp chúng chuyển đồ xuống bến tàu, anh hy vọng sẽ gặp con bé đi tựu trường, rồi anh đi dài theo con phố dọc nhánh sông Cái Bần để tìm xem trên dây phơi đâu đó có chiếc áo cổ lọ lập loè bông lựu nho nhỏ hôm đó, chiếc áo khiến nàng dễ có cảm tình, sinh động và đầy ấn tượng.
Không một chút tông tích về nàng, anh rời Định Bảo và vẫn cảm thấy mình mắc nợ ai đó, mình mắc nợ điều gì đó ở cái nơi mà mỗi khi nghĩ đến anh lại rùng mình vì cái cảnh anh bị điệu đi như một tội nhân, cái gốc cây điệp và tiếng kéo tiếng tông- đơ, cùng với những tràng cười hô hố của những gã mẫn cán chết tiệt.