GDBM-10

Gia đình bé mọn

Dạ Ngân

 

10

 

 

 

 

 

 

Từ thị trấn Cầu Quay, Tiệp đi ngược trở lại bằng xe lôi máy, xuống ngã ba Cây Gòn rồi lại đón xe đi Kinh Cạn, loại xe chở hàng cải tiến, ghế băng kê dọc, ngồi phải vòng tay qua khung sắt cho đỡ lắc lư. Đây cũng là tỉnh lộ nối thị xã với huyện nhà của Tiệp và Kinh Cạn là thị tứ chặng giữa, hồi đầu quân vào Cứ ở Đồng Đưng, Tiệp và chị Nghĩa đã phải vượt con lộ sinh tử nầy vào ban đêm nhờ những chiến sĩ đường dây coi sống chết như chuyện cơm bữa, sau nữa, khi cuộc chiến ở miền Tây lâm vào thế ngàn cân treo sợi tóc thì Kinh Cạn là đầu mối ra vào của đám cán bộ nữ chạy dạt cơn lốc bình định lấn chiếm của đối phương.

Tiệp xuống xe lúc trời gần giữa trưa, đoạn lộ vắt ngang miệt đồng trũng như quằn xuống ở đây, phố không có vỉa hè, người đi bộ ngờ nghệch với còi xe, những cửa hiệu đầy ắp vật dụng chài lưới và nón lá, cả hai dãy phố sáng loá vì nhiều sạp nón lá hơn bất cứ thị tứ thôn quê nào. Chợ cuối buổi, chỗ khu vực chồm hổm dành cho dân trong đồng ra chỉ còn rác rến, lá rau úa, những con cua chết và những chùm bánh lá dừa ruồi bu kín cùng những xề bánh cam chảy nước đường dưới nắng tháng Tư. Tiệp không rõ mình tìm gì ở đây nhưng nàng đã gặp lại mùi sình bùn cua cáy của những người đàn bà đã từng qua mặt cảnh sát và đồn bót giặc để chở nàng và rất nhiều nữ cán bộ khác ra vô hai vùng. Nói như Sếp nhà thơ, khi đi đứng như vầy là mình đang làm cái việc khai thác một thứ vỉa quặng ngay trong lòng mình.

Tiệp tìm thấy chiếc vỏ lãi mui ngắn rộng hông nguyên màu gỗ mộc, loại tàu đò đường ngắn chuyên chở dân nghèo Kinh Cạn. Từ đây về lại nơi chú Tư Thọ nằm chỉ bằng phân nửa đoạn đường chính nếu đi từ Cầu Quay như Quý đang đi nhưng nàng sẽ không lên nghĩa trang vào hôm nay. Nấn ná chờ khách mãi trên mặt kinh quanh năm lững lờ bèo cám và rác rến bãi chợ, chiếc tàu mới chịu phát máy. Bảy năm sau hoà bình Tiệp mới đi lại tuyến đường nầy, nàng nhớ những cây còng thương tích trên những bến sông hoang vu, những con kinh đo đỏ u sầu trong mùa ngập lụt, những con lạch như hệ thống chỉ tay cho những người ở Cứ nương náu. Bây giờ những mái lá tạm bợ nối nhau, những đứa trẻ bụng ỏng đít beo, những ngôi trường rách rưới nham nhở và lục bình thì vẫn cứ như một thứ tai ương bất diệt.

Tiệp bước lên vàm kênh Cây Gáo, đúng hơn, chiếc tàu đò nhỏ thả nàng lên đó rồi quẹo phải để đi xuống tận cái nơi hồi xưa nàng từng đứng giữa xuồng vào những chiều tốt trời để ngóng xem có nhìn thấy Cầu Quay lờ mờ ngoài kia không. Cái vàm kinh từng có con đập do dân quân và du kích làm lấy để giữ cá giữ nước cho dân kháng chiến tồn tại trong Đồng Đưng, nơi chú Tư Thọ và Tiệp thường gò lưng kéo xuồng qua đây trong sự ăn ý cảm động giữa đêm hôm. Sau nầy, trên doi vàm là cái đồn tam giác của một tiểu đoàn bảo an, cửa ải mỗi khi Tiệp trà trộn trong dân chúng để ra vô hai vùng, nơi có những tên lính râu ria hầm hố hay chọc họng tiểu liên vào nách đàn bà con gái nhưng chúng không dám bóp cò hay lôi họ lên đường hào, thực sự họ là nguồn cung cấp rau cá rùa rắn cho chúng giữa lùng nhùng rào gai và đổi lại, chúng cũng để cho họ yên ổn qua ngày.

Một cây cầu khỉ ba nhịp bằng tre bó vắt qua vàm kênh thay chỗ con đập. Trạm y tế mái tôn vách lá có vài chiếc xuồng dưới bến,  một toán phụ nữ nông dân ngồi quanh một nữ y tá mặc áo y vụ đang thuyết trình gì đó dưới tàn cây trứng cá, nghe tiếng cười Tiệp đoán là họ đang hướng dẫn để sinh đẻ có kế hoạch. Những bụi chuối xiêm rậm rạp bên mỏm doi và nhìn đâu cũng thấy cỏ ống phởn phơ, Đồng Đưng là cái túi chứa phù sa, ngày trước cây cỏ lưu niên đã hết sức che chở cho dân kháng chiến thì bây giờ, chính chúng lại làm cho thời hậu chiến nặng nhọc và khó khăn ra. Có tiếng ai gọi Tiệp trong cái quán nước không vách xế kia, thì ra là Quý, như Quý vẫn ngồi đây từ rất lâu để đợi nàng. Quý rời chiếc bàn con cóc khom người bước ra khỏi mái quán, tránh sang bên ra hiệu cho Tiệp thấy một người đàn ông ngồi cùng với mình trong đó :

- Tiệp lên đò một hồi thì cái ông tên Đính đó bước xuống, cứ hỏi bà chủ đò có cô nào tre trẻ, nhon nhon, đẹp đẹp, tóc hình trái táo vầy vầy đi vô Đồng Đưng không ? Tôi ngứa miệng tôi hỏi, thì ra ổng kiếm Tiệp thiệt. Bà làm gì mà có người từ Hà Nội theo dấu vậy ?

Quý đã khác hơn ban nãy, gần gũi và bỗ bã.

Quá đỗi tò mò, Tiệp bước vào gian quán một mái thấp tè và như không tin vào mắt mình. Đã tám tháng kể từ buổi chiều mưa giông ở Điệp Vàng, mái tóc của người đàn ông đã phủ ót trở lại, chiếc túi giả da vàng vàng hư khoá sờn hơn, chiếc áo bludông màu kem thật sự ngã màu cháo lòng, chiếc quần phăng đã rách một bên gối, chiếc điếu cày cũng không thể không tróc lở và gương mặt cũng hóp đi, có phần khổ hạnh. Người đàn ông tên Đính vẫn ngồi trên ghế cóc, hai cùi tay tì lên đầu gối, yên lặng trững giỡn như thể đang tận hưởng vẻ sững sờ của cô bạn mà mình đã thất lạc vậy. Tiệp ngồi sà xuống chiếc ghế trống của Quý, vui mừng, bối rối :

- Em không ngờ, không thể nào ngờ anh em mình gặp lại mà lại có thể gặp ở nơi khỉ ho cò gáy nầy !

Người đàn ông để nguyên những ngón tay vuông dưới vòm mũi nhưng ánh mắt thì không nén được ngất ngây :

- Cô em thấy tôi săn lùng có giỏi không ? Như là có trời mách ấy chứ !

Tiệp không dám nhìn lâu vào đôi mắt nâu nâu ma lực ấy. Ngoảnh nhìn ra chỗ mỏm doi, nàng thấy Quý đứng lom khom bên mép bờ chuẩn bị bước xuống một chiếc ghe tam bản đi chèo. Tiệp xin lỗi Đính rồi chạy ra chỗ đó. Quý đã đứng trên mũi ghe, ý tứ :

- Tôi quá giang ra Kinh Đứng. Tiệp cẩn trọng, đừng để sơ sẩy nữa nghen !

Nếu trên đời có cuộc chia tay nào giản dị, ít lời mà ray rứt nhất thì chính là cuộc chia tay của nàng và Quý trưa đó, Tiệp nghĩ và bồn chồn quay lại với người đàn ông không thể gọi là xa lạ nữa, trên kia. Chị chủ quán lêu đêu cứ phải cui cúi như thể trời đày dưới mái lá thấp, chị bưng tới hai trái dừa tươi ống hút bằng nhựa tái chế đục đục vàng vàng. Khăn rằn hai mối trên đầu, chị ta không lúc nào rời ánh mắt tò mò trẻ con khỏi hai vị khách quả là quá xa lạ với cái mỏm doi nhiều cỏ ống của chị. 

Giọng người đàn ông bứt rứt :

- Tôi lần ra được Tiệp là nhờ cái truyện ngắn mới đây của Tiệp. Tôi gọi điện cho chủ tịch Hội, thì ra tay nhà thơ đó là tác giả mà hồi xưa tôi từng viết một lá thư chúc mừng khi anh ta vừa có một chùm thơ trên đài phát thanh được giới thiệu là từ Tuyến đầu Tổ quốc gửi ra. Sau thống nhất, tay nầy ra Hà Nội đi tham quan Liên Xô, nghe nói có lùng tôi mà không gặp. Như là đuổi bắt nhau. Không hiểu sao sau chuyến bị sởn tóc năm ngoái, tôi lại muốn đi một chuyến thật kỹ trong nầy, không phải Tiệp nợ tôi như Tiệp viết mà tôi nợ Tiệp, thật không ra sao khi tôi rời mẹ con Tiệp trong tình trạng hôm đó. Tôi quá ức vì chuyện mái tóc, cuộc đời tuy chưa bao giờ hào phóng nhưng cũng chưa bao giờ xúc phạm tôi một cách thê thảm như vậy, chưa hề. Sau nầy nguôi giận thì tôi lại thấy mình tệ, quá tệ, làm sao mà tôi lại bỏ lửng Tiệp một thân một mình với hai đứa nhỏ và một núi đồ như vậy ? Thật không thể tha thứ được !                   

Sự bộc bạch khá là nhiều lời của người đàn ông khiến Tiệp tò mò hơn. Nàng chúm chím cười và biết mình trông rất dễ ưa vì ánh sáng bên trong vừa được thắp lên :

- Ông anh còn chưa cho biết danh tánh kia mà !

Người đàn ông ra hiệu cho Tiệp cùng uống nước dừa, không khí bè bạn tươi tắn, chòng chành :

- Tôi là Đính, Nguyễn Viết Đính. Có lẽ tôi viết văn từ hồi Tiệp còn chưa đi vỡ lòng. Làm khách chỗ Hội một ngày đêm, ngồi mấy giờ tàu đò với anh bạn Quý ban nãy, tôi biết về Tiệp nhiều hơn Tiệp tưởng đấy !

Tiệp làm nghiêm nhưng trong lòng không khỏi rộn ràng. Đính tiếp tục:

- Tôi ký với một nhà xuất bản ngoài đó một tập bút ký về vùng sâu vùng xa của miền Tây. Ban nãy tôi nói tránh với ông bạn tên Quý là đi tìm Tiệp để mời tham gia cùng. Người đó có phải là con trai của chú Tư gì đó trong một truyện ngắn trước đây của Tiệp không ?

Tiệp im lặng cảnh giác với kiểu hỏi áp sườn và khó có thể thối thoát. Nàng bắt đầu thấy rõ là mình được tìm ra không phải để mời viết vài bài ký cho một tập sách gì đó.

- Thôi, mình cứ xưng hô thân mật cho thuận đi. Nếu em nhận lời tham gia viết thì chương trình của ông anh thế nào ?

Một bàn tay đưa ra trên mặt bàn để Tiệp nắm lấy, một cái liếc nhanh hí hửng khi thấy chị chủ quán chạy đi về phía cầu khỉ vì việc gì đó, một trái dừa ngã nghiêng khiến nước ọc ra nền đất rồi bất thần Đính bước vòng sang ôm lấy vai nàng, cả người anh như bùng nổ vì nãy giờ bị kềm nén :

- Thế là tìm thấy em rồi. Không thể nào ăn ngon ngủ yên nếu chưa gặp được em !

Tiệp so người, thấy sợ chứ không thấy thích dù nàng rất muốn được khóc lên  :

- Em không sao, em bình thường rồi mà !

Hình như đã có một chút a tòng của nàng. Toàn thân nàng như được rót vào một thứ năng lượng, rạo rực, ấm áp, khiến muốn được vui tươi và hành động. Đính xoay nàng lại, để cả hai tay lên vai nàng, nói thêm :

- Hai đứa nhỏ thế nào, anh nhớ rất rõ hình ảnh con gái em, nó là bản sao ngộ nghĩnh của em.

Rồi không thèm nghe trả lời, Đính quay lại trả tiền nước, tự nhiên cúi xuống uống hết chỗ dừa của Tiệp và cũng hết sức tự nhiên, bá vai nàng bước lại chỗ mỏm doi. Nàng không từ chối sự đụng chạm trai gái ấy, bồng bềnh thấy mình như đang được dìu đi vào một miền phiêu du chưa biết và tình cảm bột phát ấy cũng chưa thể gọi tên.

- Mình sẽ đi đâu đây ? - nàng hỏi và muốn phì cười vì nhớ lời Tuyên: Cô thì đú đởn chớ công tác mẹ gì ! Thế nào cũng tòi ra một thằng nào đó nữa cho coi !

Đính khuỳnh tay lên hông ngắm nghía mặt kênh xáng vàng chói nắng trưa và những giề lục bình bông tím trôi từ hướng Cầu Quay xuống :

- Chúng ta đi lang thang, không dựa vào ai hết !

-Rồi ăn ngủ đâu ? - Tiệp hình dung mình sẽ phiêu lưu như một con mẹ bất cần.

- Thế những chiếc thuyền chở lá chở mía lên xuống kia đi đâu?

- Họ đi đâu mà chả được !

Đính bồn chồn như một gã trai bốc đồng hết cỡ :

- Vậy thì mình vẫy họ, quá giang, trôi lên, trôi xuống, đi dọc hay đi ngang thì cũng là đi thực tế chứ sao !

Tiệp chủ động vẫy một chiếc tàu đò tài nhì từ Cầu Quay vừa trờ tới :

- Em là thổ công, anh phải theo em. Em sẽ đưa anh tới chỗ em bắt đầu thời ở Cứ rồi mình sẽ kết thúc chuyến đi chỗ nghĩa trang chú Tư Thọ ba của Quý nằm.

Cả hai khấp khởi tìm thấy cả mấy ghế băng trống giữa lòng vỏ. Đò tài nhì, trời đã quá trưa, hành khách thưa thớt và có vẻ ngái ngủ. Chiếc đò thật ngon đà giữa dòng kênh xương sống ít bị lục bình quấy nhiễu như những con kinh nhánh Tiệp đi ban sáng, nga ngễ và rau dừa rau ngổ hoang hai bên bờ được khai thông khiến mặt kênh rộng như gấp ba lần hồi xưa. Vẻ háo hức trai trẻ của Đính với những mét kênh, những cái cây, những nếp nhà, những ngã ba ngã tư liên tiếp của mạng nhện kênh rạch Đồng Đưng khiến Tiệp có cảm giác mình đang dắt tay một người thanh niên trong giấc mơ thời thiếu nữ và cả hai đang đi ngược thời gian, ngược cả quá khứ và lịch sử để tìm lại những thứ mà mình đã để quên ở đâu đây. Nàng kể với Đính về gia đình người nông dân đã cho nàng tá túc hồi mới đi Cứ, lúc đó cơ quan còn ở chung với dân, mười bốn tuổi, cô thiếu nữ Tiệp phải bồng em nấu cơm giặt giũ cho chủ nhà để ăn những bữa cơm mạnh miệng, nỗi thèm nhớ gia đình không đáng kể bằng thèm được ăn những cây mía tím trong vườn họ, thèm mọi thứ và nàng đã cùng với chị Mười trong tổ - chị phải ở rãi trong một nhà khác - đã níu tay nhau lén hai vị chủ nhà đi mua bánh lá dừa của một gia đình chuyên sống bằng nghề gói bánh, những cái bánh không nhân vừa chín tới nóng hổi hồi đó đã cứu Tiệp khỏi nỗi thèm nhớ những thứ khác, cũng có nghĩa là cứu Tiệp khỏi một cuộc đào ngũ thảm hại. Nàng kể và kể, say sưa, mọi chặng đời ở Cứ, dĩ nhiên không thể thiếu chú Tư Thọ, chị Nghĩa và Hai Tuyên. Khi chiếc tàu đò đột ngột tốp máy ghé vào thì nàng mới hay mình đã đi tới cuối bến, quá xa nơi mình định ghé vào.

Không sao, không việc gì, Đính hăng hái trấn an và chủ động vẫy một chiếc ghe chở mía đi ngược trở lại. Hoá ra không chủ ý, hai người vẫn phải đi theo phương án đầu tiên, trôi lên trôi xuống, đi dọc và đi ngang. Tiệp thấy một sức mạnh rủ rê mãnh liệt ở người đàn ông đi cùng, anh ta đã gây cho nàng cảm giác muốn đi, muốn khám phá, muốn phiêu bồng, bên nhau, chân trời góc biển. Và nàng cũng thấy rõ rằng thế là lần nầy Tuyên và nàng lại xa thêm, xa mịt mùng dù nàng chưa thấy cái bến mới là đâu cả.