- Đan Tâm tên thật là Nguyễn Tùng

- Quê làng Bảo An (Điện Bàn, Quảng Nam)

- Đã học xã hội học, dân tộc học và triết học ở Đại học La Sorbonne (Paris)

- Chuyên nghiên cứu văn hoá Việt,  NT từng dạy ở Đại học Paris-Diderot và đã làm việc hơn 30 năm ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS, Pháp)

- Dưới nhiều bút hiệu khác nhau (Cao Phi, Nguyên Thanh, Trần Hùng Tâm, Phương Thi, Tung Sơn, Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Bảo An…), NT đã viết cho nhiều tờ báo ở Pháp (Gió Nội, Đoàn Kết, Tập san Khoa học Xã hội, Diễn Đàn và Thời Đại) cũng như ở trong nước (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị, Xưa&Nay, Nhịp Cầu Đầu Tư, Thanh Niên, Tuổi Trẻ…)

 

X

 

Cuốn thơ gồm hai tập Dấu Chân Không (có phụ lục thơ dịch của Federico Garcia Lorca, Vladimir V. Mayakovsky và Pablo Neruda) Nhật Ký Trong Tình.

 

Hôm nay chúng tôi xin gửi đến độc giả phần đầu,  Dấu Chân Không, là những sáng tác rải rác từ 1963 đến 1972, thời Đan Tâm còn là một sinh viên xa xứ, mang theo trong hành lý không chỉ những cộng cỏ non và chuồn chuồn châu chấu nhà quê mà còn cả nỗi lòng  về một Việt Nam trong bom đạn.

 

Sáng tác hay dịch, những bài thơ trong Dấu chân không đều đã đăng trong báo Gió Nội (Paris) vào khoảng nửa sau thập niên 1960. Chúng là dấu vết mờ nhạt của một quãng đời «đầy tiếng ồn và cuồng nộ». Và cũng đầy xúc động, đam mê, ước mơ, băn khoăn, có lẽ chẳng bao giờ tìm lại được. Tập thơ này đã được Chân mây cuối trời (Paris) xuất bản năm 1984. (Đan Tâm).

 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

 

Miêng

 

 

 

 

 

 

 

Mùa đông

 

con chim con

khát khao

ánh sáng mặt trời mùa xuân

đã chết

 

mùa đông dài vô cùng

 

Paris đông 1963

 

 

Buổi sáng Đường thi

 

Tỉnh giấc nghe suối chảy

Nhìn ra tuyết khắp nơi

Nắng pha hồng đỉnh núi

Đường quanh co không người

 

Tuyết bay đầy lũng vắng

Quạ kêu buồn trên non

Trời xanh đùn mây trắng

Nhớ quê hương bồn chồn

 

Untermunstertal 28.12.1965


 

Trở lại

 

trong căn buồng tối

cụ già hấp hối

sờ soạng bắt chuồn chuồn

như khi còn thơ ấu

 

Paris 1965

 

Máu và trăng

 

vừng trăng rằm

soi mình trong vũng máu

em bé vừa chết tối nay

Paris thu 1966

 

Dấu vết

 

con chuồn chuồn thơ ấu

bay mất

trong cơn mơ đêm qua

để lại giọt nước mắt

đọng khô trên má

Paris thu 1966


Trò chơi trẻ con

 

bắt con kiến nhỏ

bỏ trên chiếc lá khô

thả trôi trên mặt hồ

 

và thẫn thờ đứng ngó

Paris thu 1966

 

Nhớ đến

 

vừng trăng đã sáng

suốt đêm hôm qua

khung trời đã xanh

suốt đêm hôm qua

 

và tôi đã nhớ đến em

suốt đêm hôm qua

Paris 67

 

Nước mắt

 

em bé mồ côi

bắt bướm

dọc theo hàng rào kẽm gai

nức nở khóc

 

bươm bướm bay hoài bên kia

 

Nông dân hỏi vợ

 

chuồn chuồn muốn đậu

bờ lá mía mưng[1]

cô chưa có chốn

nói nhỏ tôi mừng

 

 

 

 

Cành hoa trong vườn

Palais de Chaillot (Paris)

 

cành hoa vàng đêm nào

bừng nở trong chiêm bao

buổi sáng vừa thức giấc

còn thoảng hương ra vào


 

Người đi săn trên đầu núi

Hồng Lĩnh

Kính tặng Tố Như

 

 

Y quan đạt giả chí thanh vân

Ngô diệc lạc ngô mi lộc quần.

Giải thích nhàn tình an tại hoạch

Bính trừ dị loại bất phương nhân.

Xạ miên thiển thảo hương do thấp

Khuyển độ trùng sơn phệ bất văn.

(Liệp - Nguyễn Du)

 

 

 

 

Người bay trên đầu núi,

Thấp thoáng giữa mù sương,

Hái một cành hoa dại,

Còn ướt đẫm sương mai,

Cài sâu vào búi tóc.

Chợt nhớ đến đàn nai,

Khi thoảng nghe tiếng chó.

Người chạy nhanh như gió,

Xuống tận dưới lũng sâu.

Gió mai thổi qua đầu,

Người rùng mình nhè nhẹ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

Bỗng người dừng, se sẽ,

Rút một mũi tên dài

(Người vừa thấy bóng nai !)

Tên bay như lụa xé.

Nai gục ngã bên khe.

Người chạy lại vội quỳ,

Cúi nhìn dòng máu chảy.

Người nhẹ nâng đầu nai,

Nhìn sâu vào đôi mắt

Mơn man trên mình nai

(Êm như da con gái).

Và người bỗng thở dài

Nghe mắt mình rướm lệ.

Người cuối xuống dòng khe,

Nhìn mái đầu bạc trắng

Trôi trên bầu trời xanh.

Người gục đầu nức nở

 

Cành hoa rời búi tóc

Theo dòng suối trôi nhanh

Paris 12.11.1966


 

Ảo ảnh

 

chú bé cắm đầu trong miệng giếng

nhìn ảnh mình xa xôi

im trôi

trên những về mây trắng

 

chiếc lá khô vô tình cắt vòng tròn đáy giếng

ảnh vỡ tan

 

chú bé chợt bàng hoàng

 

Ở lại

 

con tàu ra đi

mang theo nhiều kỷ niệm

và hy vọng

 

trời mưa như khóc

 

người con gái cúi đầu

nhìn nước chảy bên hè

hát thầm bài ca cũ

 

và đôi mắt đỏ hoe

 


 

 

Mùa đông xứ Quảng

 

trên mùa phượng cũ còn ghi

bóng hình em với làn mi não nùng

những ngày bão biển mưa rừng

quê hương lụt lội anh ngừng sang thăm

 

nhìn bong bóng nước bên thềm

còn nghe vọng tiếng cười em đông nào

 

 

Tiên tri

 

rồi đôi mắt to đen này

sẽ đỏ và sưng

vì những lần khóc thâu đêm

 

hạnh phúc êm đềm

sẽ tàn

như những cụm lan


 

Thư viết trên núi

 

Gửi về em một đôi dòng

Thơ ngây từ buổi tấm lòng trao em

Thưa rằng những đoá sao đêm

Long lanh đọng dưới đôi rèm mi đen

Là bao nhiêu giọt ưu phiền

Mọc lên từ giấc xuân miên năm nào

Bây giờ trên đỉnh non cao

Hồng xưa nở ấm ngọt ngào môi anh.

 

 

Lá và hoa

 

Hát nho nhỏ anh nghe bài hát cũ

Những ưu phiền còn ngún cháy trong anh

Lòng thơ dại xưa kia giờ vẫn đủ

Anh nhìn sâu trong mắt đen xanh

 

Năm và tháng bay đi buồn ở lại

Lá và hoa anh hái tặng đêm nào

đã tàn tạ như tình yêu ngây dại

vẫn tươi hoài trong nỗi nhớ xanh xao

 

 


 

 

Màu trời

 

Mai sau về giữa phố này

Mùa xuân còn có mưa bay theo người

Tôi còn ngửa mặt mỉm cười

Nhìn mây bay, nhớ màu trời hôm nay

 

 

Bỗng dưng

 

tôi đi ngửa mặt nhìn trời

mưa bay ướt mắt

nhớ người năm xưa

 

 

Vĩnh viễn

 

tôi vẫn còn mãi mãi hát ca

những bài ca dao bờ nôi tuổi nhỏ

lòng vẫn nhớ những chiều nhiều mây đỏ

bay đầy trời về chết tận phương xa

 


 

Vĩnh biệt

 

khuya nay tôi nói một đôi lời

về một chuyện tình cờ

xảy ra từ bao năm rồi

về những buổi sáng thức dậy

thấy nhớ xót xa một nét cười

về những tối lang thang

thấy thiếu vô cùng một dáng người

 

khuya nay tôi lắng nghe một đôi lời

một đôi lời dịu dàng thiết tha

nhưng sao xa xôi !

 

khuya nay gió lạnh vô cùng

tôi nghe đôi chân tôi run

khuya nay tôi đi cùng người

một quãng đường

đi cùng người lần cuối

trời xanh đen, không mây

và không trăng

khi người quay chân bước nhanh

vào bóng tối

tôi đứng lại bên đường

nghe lòng đang gọi

tôi vĩnh biệt người

tôi vĩnh biệt tôi


 

 

 

 

 

 

Chấp nhận

 

gã đàn ông thơ thẩn

suốt buổi chiều

bên bờ sông chảy xiết

bầu trời thì xanh biếc

hàng cây rụng lá trên đường

gã đàn ông ngồi bệt

bên bờ cỏ

gục đầu

bưng mặt

 

và cuộc đời vẫn lọt

qua những kẽ tay gầy

 

 


Gần gũi

 

sáng nay

đi ngang qua vườn Lục xâm bua

vui vô cùng

có gì mầu nhiệm

trổi dậy trong không gian xanh

mùa xuân về những mầm non mới nhú

 

tôi huýt sáo nho nhỏ

 

giấc ngủ hôm qua chập chờn hình bóng em

nhảy nhót như chim

trong vườn đầy hoa vàng

tôi sung sướng vì em vẫn còn sống

và hồn nhiên như xưa

(nỗi sung sướng của tên sát nhân

thấy người thù thân yêu sống lại)

 

kể từ hôm giã từ

tôi không còn xót xa

giết em

từng giờ

từng phút

(người con gái thần thoại

đẹp và dịu dàng vô cùng sau mỗi lần hồi sinh)

 

giã từ : cho em quyền sống tự do

và huy hoàng trong tôi


 

 

 

Qua núi nhớ Lý Bạch

 

Núi đá dựng như vách

Đường bò quanh lên mây

Dừng xe nhớ Lý Bạch

Bỗng thoảng buồn tơ bay

 

 

 

 

 

« Vịnh » Từ Hải và Thúy Kiều

 

Thuyền quyên khôn giữ nổi anh hùng ?

- Dứt áo ra đi kẻo phụ lòng… 

- Ở lại em nguyền…không chạy bậy.

-  Ra đi anh quyết …chẳng chơi chùng.

Mười vạn tinh binh ngày trở lại

- Nhớ chăng lời nói lúc tao phùng ? 

Tiếng sét ngang tai em nỡ phụ !

- Âm cung anh sẽ lạnh vô cùng !

Paris 1966


 

 

 

Trong vườn Lục xâm bua

 

sáng sớm

tuyết bay

những pho tượng

tóc, áo trắng tinh

rùng mình trong vườn Lục xâm bua

 

người đi qua

không nhìn

bước vội

 

người xưa

còn lạnh

muôn đời

 

không một con chim sẻ

đến đậu trên vai

 

có gió vi vu

không ngớt thở dài

Paris 1966

 

 

 

 

Hy vọng

 

trong những vũng bom đào

đàn cá lội tung tăng

 

trên hàng tre bom đốt

bầy chim hót rộn ràng

 

trên những đống gạch vụn

nở những khóm hoa vàng

 

và hy vọng đang mọc

bên dưới những hầm sâu

trong tiếng trẻ em đọc

Paris 7.1969

 

Đơn sơ

 

người nông dân

chết đắm

giữa bầu trời

xanh thẳm

 

sống dậy

 

con chuồn chuồn kim

thấp thoáng bay

Les Brousses 8.1969

 

 

 

Ngày trở lại

 

ngày trở lại có nắng len trên mạ

có mây bay về đắm giữa xanh trời

anh sẽ đặt những bước chân rụng lá

vì thưa em vạn vật sắp lên lời

 

chân lành lạnh nghe bờ mương ướt cỏ

tay vân vê gié lúa mới vàng sao

bay lãng đãng đôi chuồn chuồn nhớ gió

mải nhìn quanh không thấy bóng cào cào

 

anh dừng lại ở bên dòng suối chảy

ngó hình ai khoé mắt như long lanh

bỗng tan vỡ sau lần con nhái nhảy

còn chi em những kỷ niệm hiền lành

 

ngày trở lại giữa quê hương đổ nát

(những rào tre rụi cháy gió thôi bay)

nghe hy vọng reo vang trong tiếng hát

thưa bà con, tôi xin góp đôi tay

 

Paris 1967-69


 

 

Đêm trăng đi dạo trên núi

lạc vào trong sương

 

 

 

I

 

Tuyết gửi trăng vào tận lũng sâu

Quạ đơn kêu lạnh, vút ngang đầu

Không gian mơ ngủ trong màu trắng

Heo hắt xa nghe tiếng gió sầu

 

 

 

II

 

Sương núi ùn nhanh lên đỉnh cao

Chơi vơi rừng rú như chiêm bao

Lãng đãng đá cây trôi bốn phía

Không biết vừng trăng lạc hướng nào

 

Untermunstertal 1966

 Paris 1970

 


Gió trăng

 

đêm thu

gió vô tình

hôn nhẹ mặt hồ

 

mảnh trăng vàng bỗng vỡ

 

và gió sẽ ăn năn

Paris 1970

 

Bình thường

 

những chiếc B52

vẫn bay

mỗi ngày

trên mây

 

những người phi công Mỹ

(miệng nhai chewing-gum

và quân phục thẳng nếp)

vẫn lặp đi lặp lại

mỗi ngày

những động tác như máy

gieo trên nền trời Việt Nam

xanh thẳm

những chuỗi hạt lấp lánh

mọc thành

những nấm lửa khổng lồ

trên núi, rừng, làng quê, thành phố

 

trời vẫn xanh

như chúng ta

(xa quê hương)

vẫn sống an lành

 

người phát ngôn của Ngũ giác đài

vẫn mỗi ngày

loan tin chiến thắng

với con số chính xác những mục tiêu

quân sự bị phá hủy ở Việt Nam

trong đó có bao nhiêu đình chùa ?

bao nhiêu nhà thương, trường học ?

bao nhiêu mạng sống trẻ con ?

 

một triệu tấn bom

hai triệu tấn bom

ba triệu tấn bom

… sáu triệu tấn bom…

 

những con số thôi sao ?

 

tôi còn gặp những người đồng bào

(đôi khi rất đỗi thân yêu)

vẫn thản nhiên mỗi ngày đọc báo

chưa từng nghe bom giặc nổ trong tim

Paris 6.1972

Vài ước vọng

 

cho ngày mai quê hương

tự do, độc lập, thanh bình

 

cho ruộng vườn

không thuốc khai quang

hoa nở rộ

và trái sây chín ngọt

 

cho những ngọn cau

đuổi nhau

lên mây cao vút

 

cho làng ta ngập lụt

giọng em hò

những chàng trai tơ chống cuốc đứng nghe

hồn ngẩn ngơ như bỏ bay mô mất

chú, bác, cô, dì nháy nhau cười ngất

(biểu làm sao không đỏ mặt ngượng ngùng)

cho đêm thanh không vỡ vì tiếng súng

bầy trẻ thơ say giấc ngủ bình yên

 

và cho anh lại được có quyền

để chuồn chuồn bay

và châu chấu nhảy lung tung

trong những vần thơ

cà gật vô cùng

 

cho những chiều chăn trâu trên đồi vắng

được cùng em

thờ thẫn đứng chăn mây

Paris 1972


Câu đố của một thầy giáo già

 

« nầy các con ơi,

quê hương ta ít thành quách lâu đài

có công trình gì đáng sánh cùng thế giới ?

công trình gì rất xưa mà rất mới ?

công trình gì lớn mãi với thời gian

công trình gì gắn bó thiết thân

cùng dân tộc qua trường kỳ lịch sử

từng âm vang tiếng trống đồng Ngọc Lũ

trong đêm nồng nhiệt đới hoang sơ ?

thầy chắc là chưa chứng kiến

Lạc Long Quân từ biệt Âu Cơ

song từng giúp Sơn Tinh chặn đường tình

 địch ?

chắc đã thấy Đại Điên đấu phép mầu cùng

Từ Đạo Hạnh 

và rồng thiêng uốn khúc lên mây

khi vua Lý xuôi thuyền trên sông Nhị ?

công trình gì tổ tiên chúng ta

đã cần cù xây

mỗi năm

từ mấy mươi thế kỷ

để chở che các đồng bằng phì nhiêu của miền Bắc Việt Nam,

nồi gạo Thạch Sanh

nuôi sống dân ta

vá trời 

lấp biển ? »

 

cả lớp nhao nhao trả lời :

« Thưa, những con đê »

Thầy giáo già vuốt râu cười

lòng dạ hả hê

 

Ôi, những con đê

tự ngàn xưa ôm siết đôi bờ

Hồng, Mã, Thái Bình, Lam, La, Đáy, Đuống…

những dòng sông, dù tôi chưa hề uống,

nhưng mà sao vẫn dào dạt chảy trong tim… !

chắc tại thuở xưa trước khi dứt áo vô Nam

tổ tiên tôi – ôi, những người phiêu lưu

khăn gói gió đưa – đã từng uống nước

tuổi chăn trâu, ngày tắm mát đôi lần

và biết đâu chẳng đổ mồ hôi đắp cho đê

 làng cao được vài phân

nên vẫn nhớ xót xa mỗi khi lên đầu núi

nhìn mây bay về hướng Bắc xa xăm

nên hôm nay tôi quặn đau trong tim

nghe quân Mỹ ngày đêm tàn phá

 

ôi những bờ đê là những bờ huyết quản

và mỗi dòng sông, mạch máu quê hương,

huyết quản đứt, máu sẽ trào lênh láng…

mười lăm triệu đồng bào

 còn chi là thịt là xương !

 

không, phải giữ vững đê xưa,

bảo vệ thôn làng

nửa quê hương ta sẽ không đời nào lùi lại

thuở hồng hoang

như giấc mơ điên rồ của một tên tướng Mỹ

 

chúng ta phải cùng làm gì,

các anh các chị ?

Paris 1972

 


 

Phụ lục : thơ dịch

 

Federico Garcia Lorca (1899-1936)

 

 

 

Ghi nhớ

 

Khi tôi chết

nhớ chôn tôi với cây đàn ghi ta

dưới cát

 

Khi tôi chết

giữa hàng cam

cụm húng

 

Khi tôi chết

hãy chôn tôi, nếu anh em muốn,

trong chiếc chong chóng

 

Khi tôi chết !

 


 

 

Bài hát của chàng kỵ sĩ

 

Cọt đô ba

xa xôi và đơn côi.

 

Ngựa đen, trăng tròn

ô liu chứa đầy trong túi

đường đi dù ta đã biết

không đời nào còn tới được Cọt đô ba

 

Băng qua bình nguyên trong gió

ngựa đen, trăng đỏ

thần chết nhìn ta, đứng đó

trên những đỉnh tháp cao của thành

Cọt đô ba

 

Ôi ! đường đi sao dài quá !

Thần chết ơi ! Hãy ráng chờ

cho ta được tới Cọt đô ba

 

Cọt đô ba

xa xôi và đơn côi.

 


 

 

Luật thi

 

Anh lo sợ sẽ mất đi kỳ diệu

đôi mắt em tượng đá đẹp vô cùng

và giọng đêm trên má anh sẽ đặt

đoá hồng thơm là hơi thở em nồng.

 

Anh lo sợ trên triền kia anh sẽ

là thân cây trọi lá và trơ cành

anh tuyệt vọng nếu không hoa, không đất

sâu dày vò sẽ chết mất trong anh.

 

Nếu em là kho tàng anh giấu kín

là nỗi buồn, là thánh giá của anh

nếu anh được, giờ đây và mãi mãi,

lãnh địa em, làm chó giữ trung thành,

 

Đừng để mất những gì anh đã được

em hãy nhìn nầy dòng suối em xinh

với lá vàng mùa thu anh tận tụy.

 


 

 

Tình ca trăng, trăng

 

Trăng đến thăm lò rèn,

dáng đẹp như hoa cam tùng[2]

Bé nhìn trăng chăm chắm,

đôi mắt cứ tròn xoe.

Trong không gian cảm động,

trăng giang rộng đôi tay,

dâm đãng và thanh cao,

để lộ đôi vú đẹp

và cứng như thiết cứng.

 

- Trốn đi ! trăng, trăng ơi !

Nếu Gi tăng[3] đến nơi,

tim trăng chúng làm nhẫn

và kiềng trắng đeo chơi.

 

- Bé ơi !  để trăng múa.

Gi tăng nếu đến đây

sẽ thấy bé trên đe

với đôi mắt nhắm nghiền.

 

- Trốn đi ! Trăng, trăng ơi

 

Bé nghe tiếng ngựa rồi.

- Nầy, bé ơi đừng dẫm

màu trắng bột của trăng.

Kỵ sĩ đã đến gần

trống đồng nội đánh vang.

Trong lò rèn chú bé

đôi mắt nhỏ khép kín.

Từ những đồng ô liu

bọn Gi tăng ùa đến

những chiếc đầu ngửng cao

những cặp mắt hé mở

chim cú kêu trên cây

rờn rợn như tiếng ma !

Trên trời trăng lẽo đẽo

cầm tay dắt bé đi.

 

Bọn Gi tăng than khóc,

kêu la trong lò rèn

và bên ngoài thần gió

thức gác suốt năm canh.

 


 

 

Ca khúc

 

Có cô em mặt ngọc

hái ô liu giữa đồng

Gió, người yêu tháp cũ,

vòng tay ôm thân nàng.

 

Có bốn chàng kỵ sĩ

cưỡi ngựa An đa lu xi a [4]

mặc áo quần xanh, lục

khoác áo choàng màu đêm.

 

« Nầy cô em xinh đẹp

đến Cọt đô ba[5] cùng chăng ? »

Người đẹp không buồn nghe.

 

Có ba chàng đấu bò

thân kiêu như tuấn mã

áo quần màu da cam

và đeo gươm bạc cũ.

 


 

« Nầy cô em xinh đẹp

đến Xê vi la[6] cùng chăng ? »

Người đẹp không buồn nghe.

 

Khi màu ngày trở tím

tan thành ánh sáng dịu

đi ngang chàng tuổi trẻ

cầm hoa hồng, hoa sim.

 

« Nầy cô em xinh đẹp

đến Ga na đa[7] cùng chăng ? »

Người đẹp không buồn nghe.

 

Thiếu nữ vẫn say đắm

hái ô liu giữa đồng,

cánh tay xám thần gió

vẫn ôm chặt thân nàng.

 


 

 

Preciosa và gió

 

Preciosa

đánh trống da tròn trăng

đi trên đường nguyệt quế

và lấp lánh thủy tinh.

Sự yên lặng của bầu trời không sao

chạy trốn tiếng rì rào

rơi trên biển gầm sóng

đang say sưa ngợi ca

đêm biển sâu đầy cá.

Trên những đỉnh núi cao

giờ đây đang say ngủ

đoàn lính canh tháp trắng,

nơi người Anh cư ngụ.

Và những nàng Gi tăng

ngồi nhàn xây lều quán

bằng vỏ sò vỏ ốc

và những trái thông xanh.

 

Preciosa

đánh trống da tròn trăng.

Thấy nàng gió bùng thổi

gió ngủ bao giờ đâu.

Thần gió truồng như nhộng,

tua tủa những lưỡi xanh,

rình mò cô em nhỏ,

 

 

say thổi kèn gaita[8],

thổi chiếc kèn vắng bóng

- Bé ơi để ta giở

áo bé lên xem sao ;

bé ơi bé hãy mở,

trong những ngón tay già,

đoá hồng xanh của bé.

Preciosa

ném trống trăng xuống đất ;

cắm đầu chạy hút hơi ;

gió phong tình vẫn đuổi,

suýt đâm suốt thân nàng

chiếc đoản đao nóng hổi.

 

Biển cau mặt gầm gừ,

đồng ô liu tái nhạt,

tiếng sáo đêm réo rắt,

tiếng cồng tuyết run vang.

 

- Preciosa !

Preciosa !

Nhanh lên ! gió dâm đãng

sắp bắt kịp được nàng !

Kia kìa gió đã đến,

dâm đãng như sao truồng,

với những lưỡi ngời sáng.

 

 

Preciosa

sợ hãi đến chết khiếp,

lướt trốn vào trong nhà

lãnh sự quán nước Anh

xây cao hơn ngọn thông.

 

Nghe tiếng nàng kêu hoảng,

ba người lính chạy tới,

khoác áo choàng màu đen,

mũ đen xuống đến trán.

 

Lãnh sự Anh mời nàng

uống một chén sữa nóng

và một cốc rượu ngọt

nhưng nàng đều chối từ.

Trong khi nàng nức nở

kể lại chuyện hãi hùng,

bên ngoài trên mái đá

thần gió cắn điên cuồng.


 

 

Vladimir V. Mayakovsky

(1893-1930)

 

 

Thơ viết trước khi chết

 

Sắp đến hai giờ

hẳn em đang ngủ

Sông Ngân hà

trong đêm

trôi xuôi như dòng sữa.

Anh còn chán thì giờ

và những tờ điện tín

như ánh chớp

sẽ không còn đến

đánh thức em

                            và day dứt em.

Người ta vẫn nói

chuyện đã xong rồi

thuyền tình

vỡ nát

trước cuộc đời

thường nhật.

 

Anh đã sạch nợ với em.

 

Nhắc làm chi vô ích

những khổ đau

và những lỗi lầm của nhau.

 

 

Em nhìn xem

vũ trụ thanh bình biết bao.

Đêm bắt bầu trời

chở nặng những bầy sao.

Đã đến giờ

thiên hạ thức dậy, nói chuyện

với các thế kỷ

lịch sử

và vũ trụ…

 


 

 

Louis Aragon (1897-1983)

 

Yêu Elsa

 

Ghen những hạt mưa sa

Quá giống những nụ hôn

Mắt những chi chói sáng

làm ghen điếng cả hồn

 

Ghen ghen những tấm gương

Những dấu chích của ong

Lãng quên của ký ức

Và của giấc ngủ nồng

 

Ghen hè phố em đi

Bàn tay gió vuốt ve

Ghen tương luồn trong máu

Đánh thức giữa cơn mơ

 

Ghen tiếng hát than van

Ghen hơi thở dịu dàng

Ghen hoa dạ hương lan

Thoảng mùi hương kỷ niệm

 

 

Ghen ghen những pho tượng

Có tia nhìn xao xuyến

Ghen khi em im tiếng

Ghen tờ giấy em trắng

 

Ghen tiếng cười câu khen

Mùa đông em rùng mình

Ghen áo dài em mặc

Mùa xuân cây lá xanh

 

Ghen thấy em yêu lửa

Cành cây vươn theo em

Ghen lược cài trên tóc

Lúc bình minh nửa đêm

 

Ghen những gì em yêu

Ghen ngọc bích em đeo

Ôi bóng đêm tinh nghịch

Hành hạ anh rất nhiều

 

Ghen bốn mùa tám tiết

Muôn đinh xuyên qua xương

Ghen đến điên đến chết

Ghen như chó ghen tương

 

Ghen cả trời cả đất

Ghen khi em đến trễ

Trông em sao bí mật

Ghen ghen đàn ghita


 

 

Pablo Neruda (1904-1973)

 

Nghiêng trên những chiều

 

Nghiêng trên những chiều, anh tung lưới

buồn

trên đôi mắt em đại dương

chòi lửa ngất cao cô đơn cháy bỏng

như người chết trôi đôi tay buông thòng

 

Anh ghi dấu đỏ trên mắt hoang vắng

như biển gợn sóng quanh chân hải đăng

 

Người yêu xa xôi bám vào bóng tối

từ ánh mắt em hiện bờ kinh hoàng

 

Nghiêng trên những chiều anh tung lưới

 buồn

trên biển lay động mắt em đại dương

 

Bầy chim ăn đêm mổ những vì sao

lấp lánh như hồn anh yêu em hôm nào

 

Và đêm phi nhanh trên mình ngựa xám

rải trên ruộng đồng những gié lúa xanh.

 

xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx

 



[1]  Chuồn chuồn đậu ngọn mía mưng,

Em đà có chốn, anh đừng vãng lai  (Ca dao)

[2] Nguyên văn : nardo

[3] Tức người Gitano ở Tây Ban Nha (hiện nay trên cả thế giới họ có tên gọi chính thức là Rom).

[4] Tức vùng Andalucía, phía Nam Tây Ban Nha

[5] Tức đô thị cổ Córdoba, vùng Andalucía.

[6] Tức Sevilla, thủ phủ của vùng Andalucía.

[7] Tức đô thị cổ Granada, vùng Andalucía.

[8] Tức kèn túi hay phong địch.