NHẬT KÝ TRONG TÌNH
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả Phần II của tập thơ Dấu chân không và nhật ký trong tình của Đan Tâm.
Viết vào cuối năm 1982, Nhật ký trong tình là chứng tích của lần tôi cùng một người bạn chí thân (là hoạ sĩ kiêm nhà thơ NH) lạc vào Thiên thai ngay giữa Sài Gòn và gặp một nàng tiên tóc ngắn mà, sau đó, tôi chưa từng cầm tay ! Ngoài những bài đã đăng trong Tập san Khoa học Xã hội và Đoàn Kết (Paris), tập thơ còn có thêm hơn ba chục bài tình cờ vừa tìm lại được.
Đan Tâm
Tìm đường
Anh bỏ cả tối nay
đạp xe khắp quận 1 Sài Gòn
tìm một lộ trình để đêm đêm chúng mình đi dạo
anh sẽ chọn những con đường đủ sáng
trong những đêm không bị cúp điện
để nhìn được dáng em
những con đường không quá tối tăm và quá xuống cấp
để chúng ta không vấp ngả
Anh sẽ tìm những con đường
dọc theo những khu vườn có trồng hoa lài hoa lý
đêm càng khuya càng toả hương thơm
thơm hồn anh và thơm mái tóc em
Anh sẽ tìm những con đường ít cây và khá rộng
để chúng ta nhìn trăng sao sáng rỡ trinh nguyên
như ở thôn quê thời xưa
khi anh cùng bạn bè chơi u mọi
trong sân nhà ngập ánh trăng
để khi nhìn sao băng
rạch ngang bầu trời sâu thẳm
em thầm thì trong lòng những ước vọng đơn sơ
Chúng ta sẽ cùng đi như trong mơ.
Sài Gòn 10.10.1982
Để ở đâu ?
như người nông dân trong ca dao
anh không dám ngó em lâu
chỉ ngó qua một chút thôi
cho đỡ sầu[1]
khi qua lại bên kia
anh không biết đặt bóng hình em ở đâu
vì nhà không có thúng cám
và cũng không có chuồng heo[2]
Sài Gòn 12.10.1982
Hoa hướng dương
lòng anh như hoa hướng dương
nơi mô cũng hướng về phương mặt trời[3]
xa nhau mới một ngày thôi
mà như đã mấy tháng trời nghe em
ra đi vào lúc tàn đêm
có vầng trăng khuyết âm thầm tiễn đưa
nhớ thương nói mấy cho vừa
suốt đêm nằm với tiếng mưa bên thềm
Đà Nẵng 14.10.1982
Vì sao ?
nếu một mai em hỏi
(có chăng một ngày như thế ?) :
« sao anh yêu em ? »
anh sẽ thưa rằng :
« vì em là đoá hồng tươi
vì em là gợn mây bay
vì em là tiếng chim sớm
vì em là trăng mười bốn
vì em là bầu trời xanh sau cơn mưa dông
vì em là đoá sen hồng
thoang thoảng hương trên ao bùn
và vì em là em, là em »
Đà Nẵng 14.10.1982
Sóng
Anh nằm đây
giữa biển và trời
có gió từ khơi
miên man ve vuốt.
Núi Sơn Chà xây thành phương bắc,
nơi anh vẫn mơ được một lần đi săn nai
ôi những con nai của huyền thoại
có đôi mắt to và thơ ngây
như các thiếu nữ trong tranh Chagall.
Và xa xa về phương nam,
nơi anh thường nhớ về…,
năm ngọn Ngũ Hành hiện mơ hồ trong khói
nước.
Phải chi anh học được phép cân đẩu vân
như Tôn Ngộ Không
để nhảy tót về Sài Gòn
bay là là trên các tàn me
qua khe lá
ngó em sáng nay đạp xe mini trong đường
phố đông người
dù sau đó có bị Phật Như Lai
phạt giam dưới núi Ngũ Hành năm trăm
năm.
Anh nằm nghiêng nhìn muôn nghìn con
sóng
đuổi nhau ầm ầm
chạy đến vây quanh.
Ôi sóng biển xanh
đâu bằng sóng lòng anh !
Mỹ Khê 15.10.1982
(Đoàn Kết 3.1989)
Nhớ Sài Gòn
Kể từ hôm xa em
anh bỗng nhớ Sài Gòn da diết
dù anh vốn cho Sài Gòn là thành phố của chụp giật
của khói xe nhiều khi làm anh muốn chết ngạt
khi anh thui thủi đi tìm những người bạn thân
đang chạy ăn
dưới trời trưa nắng gắt
Sài Gòn với những đêm cúp điện
khiến anh phải đạp xe trốn muỗi
lang thang trên những con đường tối tăm
và vắng người
Sài Gòn mà anh nhiều lần giã từ như chạy trốn
Thế mà hôm nay anh lại nhớ Sài Gòn
như hai mươi năm nay vẫn nhớ quê hương
vì hôm nay anh đi đâu cũng thấy bóng em thấp thoáng ở cuối đường
Anh nhớ cả tiếng ồn của Sài Gòn
đánh thức anh dậy từ bốn giờ sáng
nằm nhớ em
Đà Nẵng 17.10.1982
Đêm mưa bão
Anh nằm bên cửa sổ trong đêm bão
bên ngoài gió ào ào
những tàu dừa quay cuồng loạn
như mụ phù thủy rung mái tóc dài thòng
trong những lần lên đồng dữ dội
Và thỉnh thoảng
những dây điện đường chạm nhau toé lửa trong đêm
Anh nằm hoài mà không dỗ nổi giấc ngủ
nên cứ xoay mình
trên chiếc giường tre trải chiếu đơn sơ,
nghe xương thịt rêm đau
Bỗng anh thấy nhớ vô cùng những trận mistral
thổi phần phật hàng tuần
ở vùng biển đông-nam nước Pháp
Có lúc anh nhìn những cành ổi nhảy múa trên tường
và chợt nghĩ đến huyền thoại về hang của Platon
Phải chăng anh đang sống
với những ảo tượng ?
Em ơi,
một mai anh đi rồi
những đêm có gió lớn như đêm nay
em nhớ đừng đi dạo
gió đa tình sẽ ôm siết thân em
trong đôi cánh tay dài và thô bạo
Chỉ nghĩ đến thôi mà lòng anh đã nao nao !
Đà Nẵng 17.10.1982
Chiều mưa nhớ Kiều
mưa rả rích
mái nhà nhỏ xuống thềm
những giọt buồn
tí ta
tí tách
cây dừa trước sân
sau cơn bão đêm qua
rũ rượi lá
đong đưa trong những cơn gió sót
dáng mệt mà tươi
như nàng Kiều
sau đêm đầu tiên
cùng Từ ân ái
Đà Nẵng 17.10.1982
(Đoàn Kết 6-7.1989)
Cù lao Chàm
muôn ngàn con sóng bạc đầu
đuổi nhau về chết trên bãi cát trắng mịn
cù lao Chàm mơ hồ trong sương
nơi chân trời
xanh lam
bình yên
Đà Nẵng 18.10.1982
Trái dừa non
em như trái dừa trên cây
anh như chú bé cứ ngây ra nhìn
dừa non trông thật là xinh
bổ ra chắc nước ngọt tình quê hương
chao ôi ! lòng quá vấn vương
nhưng thôi cứ đứng bên đường trông lên
Đà Nẵng 18.10.1982
Đùa với gió
hỡi con gió đang làm xào xạc những tàu dừa trên kia
mi có đủ sức đem về Sài Gòn
cho nàng tiên tóc ngắn
những nụ hôn nồng
trên tóc
trên trán
trên má
trên ngón tay, ngón chân
… hay trên chỗ nào cũng được !
Đà Nẵng 18.10.1982
Van cùng Long Nữ
hỡi con sóng
sao mấy ngày nay em cứ quấn quít bên anh
khi thì mơn man
khi thì cào vào da thịt
khi thì xô anh ngã quay
rồi cuốn xuống đáy sâu
làm anh kinh hoàng
phải chăng em là Long Nữ biến hình ?
anh chợt nghĩ thế nên đâm ra hoảng
anh van em đừng lôi anh về thủy cung
bởi vì anh còn nặng nợ trần gian
Đà Nẵng 18.10.1982
Ồ lạ thực !
nhiều năm rồi mạch thơ anh cạn
nên đôi lúc anh buồn
nay nhờ em khai nguồn
nên thơ lại trào lai láng
ồ lạ thực, thì cũng ngần ấy thứ :
cũng nước,
cũng mây
cũng cỏ
cũng cây
cũng trăng sao
(trinh nguyên trong những đêm cúp điện)
cũng châu chấu cào cào
cũng cảnh cũ người xưa
cũng cuộc sống khó khăn
khiến mọi người mỗi ngày phải ngược xuôi lo cái ăn
có khác chăng là hôm nay lòng anh thay đổi
thơ là gì ?
sáng nay anh tự hỏi
phải chăng là sự phối hợp hài hoà giữa ý tưởng, hình ảnh, nhịp điệu và âm thanh
đôi khi nhờ sự xúc tác của tình yêu ?
anh nói thế để thấy em kỳ diệu !
Đà Nẵng 19.10.1982
Đạt đạo
ít lâu nay tôi đạt nhiều thứ đạo
đạo yêu hoa
đạo đi dạo trong rừng
hàng giờ
đôi khi cùng trăng
lòng nhớ quê hương và bạn bè
đạo chờ đến nửa khuya nhìn hoa quỳnh trắng nở
thoang thoảng hương
riêng cho người tri âm
và hôm nay anh đạt đạo nhớ em !
Đà Nẵng 19.10.1982
Hiện thực
từ hôm quen em
anh đâm ra làm thơ hiện thực
có hoa
có lá
có chuồn chuồn đậu ngọn mía mưng
có chim se sẻ chuyền trên tàu dừa
có viên sỏi anh đá tưng trên đường
đêm nào anh bấm chuông nhà em
mấy lần mà không gặp
có cả lông mi, lông mày
vành tai, sống mũi
ngón chân, ngón tay,…
anh cho ùa vào thơ anh đủ thứ !
Sài Gòn 19.10.1982
(Tập san Khoa học Xã hội, Paris, 12.1983)
Sài Gòn hơi thiếu
có lần em nói với anh :
« Sài Gòn không phải là thành phố của tình yêu »
anh nghe thế thôi
nhưng đến nay anh mới hiểu
phải chăng vì nó thiếu rừng Boulogne để chèo thuyền
thiếu những khu rừng đủ rộng để đi dạo
cả ngày
thiếu vườn Lục xâm bua
với những tượng đá có cái nhìn bao dung
thiếu những người đi đường
không nhìn thiên hạ yêu đương
Sài Gòn 19.10.1982
Chơi diều
anh như con diều giấy
em như cô bé cầm dây
những khi nào trời đứng gió
em nhớ chạy giúp anh một đoạn đường
dù phải thở hổn hển
dù hai má đỏ au
dù tóc xoà trên trán
và khi nào gió bùng lên phần phật
em nhớ đừng để dây sút tay
nếu không anh sẽ bay
lên tít chín từng mây
biết đâu đến tận cõi trời Đâu Suất
không bao giờ trở lại nhân gian
hoặc anh sẽ chúi đầu
rơi tan tành trên đất
hay vướng vào bụi tre đầy gai
rách tả tơi
và nhức nhối
như khi đau
những vết thương đời
anh muốn em cho anh làm diều bay la đà
nhìn em lúc gần lúc xa
và nhìn làng mạc quê hương
vào những sớm mai
hay những chiều tà
Đà Nẵng 19.10.1982
Nàng thơ
anh phong em làm nàng thơ,
bé bỏng, nhưng làm anh ngẩn ngơ
nàng thơ khiến anh thương nhớ rất lung
nên anh làm thơ
khi đi
khi đứng
khi nằm
khi ngồi
cả khi ăn uống
nhưng em đừng để anh biến em thành tượng đá
dù làm bằng ngọc Biện Hoà
và đặt lên trang thờ
anh bên em phải như lá ở bên hoa
Đà Nẵng 20.10.1982
Công dã tràng[4]
tôi ngồi vẽ nhiều hình trên cát
có hình cười mỉm
có hình nheo mắt
có hình nhìn thẳng
có hình nhìn nghiêng
nhưng hình nào cũng mang dáng dấp của
một cô « bé hạt tiêu »[5] tóc ngắn.
sóng biển lăn tăn
đuổi nhau vào xoá dần
tôi sẽ dám làm dã tràng
đời đời xe cát biển Đông
để tìm lại viên ngọc thần
nghe được tiếng tim em.
Đà Nẵng 20.10.1982
(Đoàn Kết 12.1983)
Hạnh phúc
như tình yêu
những cơn gió mát mà ta vẫn ưa
(nhất là trong những đêm cúp điện)
không phải là không mang độc tố
đã mấy hôm rồi anh cảm gió
mỏi rã rời
sáng nay tiếng chim ríu rít bỗng thêm vui tươi
khí trời bỗng nhẹ
anh đạp xe tiễn N. H. về Sài Gòn
trên đường anh muốn tìm một điệu nhạc huýt sáo cho vui mà không ra
hạnh phúc dường như cách tầm tay không bao xa
chỉ cần rướn lên là nắm được
ừ nhỉ, cuộc đời thường là vậy
nếu không ốm đau
thì đâu thấy được cái hạnh phúc
của khi bình phục
cũng như tình yêu
phải xa nhau rồi mới hiểu
Đà Nẵng 23 10.1982
Gửi nhà thơ HG
ông đến thăm tôi hai lần
tôi đều đi vắng
tôi đến thăm ông thì gặp hôm ông cảm
cúm
ông chào tôi xanh xao
vừa cười như mếu
« thật không may...
ông về đi, rủi lây bệnh thì phiền
bây giờ thiếu thuốc thang
bệnh lai rai hàng tháng »
tôi giã từ ông mà lòng không yên
ông gầy quá, còn gầy hơn thuở nhỏ
thú thật tôi về quê mấy lần
mỗi khi nghe ông tâm sự
(ông vốn rất thương tôi, nên thành thật
cùng tôi)
tôi không vui
muốn khuyên ông một đôi lời
mà không nói được
vì biết chắc ông không nghe
tôi vốn biết ông sống bằng ước mơ tranh
bá đồ vương
lắm khi dữ dội
mà tôi không chia sẻ nổi
nên đâm ra buồn và băn khoăn
tôi thương đời ông lận đận
lắm khi bi đát
có thời phải đương đầu với căn bệnh ngặt
nghèo tưởng chết đến nơi
nhưng nghèo khổ, chông gai
ông không ngại,
miễn là về đến đích ông mơ
nhưng cuộc đời thường đem lại những bất
ngờ
một buổi trưa tháng tư nắng đổ lửa
ông vào bệnh viện Bình Dân thăm ông cụ
tôi đang bệnh nặng
(tôi về nuôi, ăn ngủ ở đây mấy tháng trời)
ông kể chuyện mình cho tôi nghe, mắt ông
rưng rưng và giọng ông như khóc
những lâu đài ông xây trên cát dường như
đổ cả rồi !
tôi ngồi nghe mà lòng xa xôi
tôi nhìn ra ngoài hừng hực nắng
nhớ đến người bạn chí thân năm xưa
người bạn đã nhiều lần cùng tôi đi dạo
trong mưa
người bạn yêu lung tung nên làm thơ tình
nhiều bài rất đạt
tôi chợt nhớ hôm cùng ông về quê tôi
ở Gò Nổi
bọn mình ngủ chung giường
(dù lúc đó ông đã bị lao nặng)
nửa đêm tôi nghe ông úp mặt xuống chiếu
khóc rưng rức
người bạn chí thân ấy đang ngồi tuyệt vọng bên tôi đây
tôi muốn cầm tay ông và nói với ông thế
này :
« Thôi ông đừng bon chen làm gì trên hoạn lộ,
chốn ấy nhục nhiều hơn vinh,
đã chôn vùi biết bao người tài hoa,
có khi làm họ sống không ra người
nghe tôi đi, ông trở lại làm thơ
chỉ có nàng thơ là chẳng phụ ai
ông biết thế nhưng dường như ông sợ hãi,
« vì làm thơ thì phải chân thành,
theo Đỗ Phủ chắc chi mình kham nổi,
thế mà thời nay thiếu chi những chuyện bất
bình
mình già rồi đâu làm được thơ tình,
rất dễ ngây ngô và ngớ ngẩn !»
ông nói xong, tôi bỗng giật mình
Đà Nẵng 23.10.1982
Đùa
hôm nào về lại Sài Gòn
được ngồi lại bên em
em đừng lạ nếu anh nheo mắt nhìn
ấy là anh muốn biết
em nhìn từ mắt trái và em nhìn từ mắt phải
ai xinh hơn ai
và nếu anh lỡ thích một trong hai
thì em đừng giận làm chi mà ngồi lặng im
thôi thì anh sẽ nhắm cả hai mắt
để nhìn em bằng tim
Đà Nẵng 23.10.1982
Gửi NH, hoạ sĩ kiêm nhà thơ
Tôi quen ông từ năm đệ Tam,
tính đến nay đúng hai mươi năm.
Và từ khi cùng trọ học ở Hội An
tình bạn của bọn mình trở nên đằm thắm.
Rồi tôi du học ở Pháp
qua thư từ chúng ta ngày càng thêm thân
dù gần mười ba năm tôi không về thăm quê hương được một lần
Tôi thương ở ông tính cà rỡn
tôi thương ở ông sự tế nhị
tôi thương ở ông tiếng cười hì hì
tôi thương ở ông tính nghệ sĩ
sống bằng tim nhiều hơn lý trí
tim thì gần còn lý trí thì xa xôi
Từ sáu năm nay mỗi lần về tôi đều gặp bạn
bè năm sáu người
cùng nhau hát nhạc tiền chiến,
nhạc boléro và cả « nhạc sến »
phải công nhận là ông hát hay nhất
giọng mạnh, trong, cao và truyền cảm
chúng ta đều rất vui
nên uống rượu lắm khi quá chén
Năm rồi ông đau luôn sáu tháng
đến nay vẫn còn yếu
nhất là vào lúc xế chiều
nên dạo này bạn bè uống rượu đôi khi ít vui
vì ông không thể tham gia hết mình
Nhìn dáng ông cao lênh khênh
tôi tự nhủ :
đừng quá ca tụng cái đức uống rượu
không phải ai cũng đủ sức học đòi làm Lưu
Linh
Lần này tôi về chịu tang ông thân sinh
thấy tôi buồn
ông giới thiệu với nàng thơ ông mới quen
cùng nhau lang thang dưới trăng,
ngồi uống nước chanh muối hoặc bia hơi
trên lề đường
rồi bọn mình làm thơ loạn cả lên
bài nào cũng chép ngay đưa nhau đọc
trước khi dâng cho em
Giữa Sài Gòn muôn vàn khó khăn
thuyền tình-thơ của bọn mình rời bến lênh
đênh
Đà Nẵng 23.10.1982
Tâm sự với rùa thần
Đêm đã khuya
tôi ngồi trên bờ cỏ
nhìn những ngọn đèn vàng vọt
trên đường Lê Thái Tổ
mọc rễ xuống hồ
gợn sóng lăn tăn
Này đây là nhà Thủy tạ
này đây là đền Ngọc Sơn
và đây là tôi
với nỗi cô đơn
Rùa thần ơi !
xin Người hãy trồi lên một lần nữa
để cho tôi mượn thanh kiếm báu
chặt làm đôi nỗi buồn mông mênh
một nửa tôi ném xuống hồ
nhờ thần giữ hộ
còn một nửa tôi mang sang Paris
để nhớ những đêm buồn sống giữa thủ đô.
Hà Nội 3.11.1982
Băn khoăn
vũ trụ này sẽ ra sao
nếu không có ánh sáng
còn anh sẽ ra sao
nếu không có em
Hà Nội 6.11.1982
Ngủ với trăng
Đã mấy đêm rồi
tôi đạp xe hàng giờ
trong những con đường vắng người
không đèn
nhưng ngập ánh trăng
của Hà Nội ba mươi sáu phố phường xưa
cũ
ven hồ Tây
hay quanh hồ Hoàn Kiếm
Rồi khuya về phòng say ngủ
mà lòng không ăn năn
Hà Nội 6.11.1982
(Đoàn Kết 3.1983)
Gửi anh Đặng ở Đông Ngạc,
nhà nghiên cứu quan họ
Tôi nhớ về anh, nhớ rất lung !
nhớ anh vầng trán rộng mênh mông,
nhớ anh mái tóc cơ hồ bạc,
thêm bộ râu dài làm tiên ông.
Tôi nhớ đêm nằm nghe mưa chơi
trên mái tranh bản nhạc không lời
đã mấy mươi năm mà vẫn nhớ
mà vẫn thương về quê hương ơi.
Tôi nhớ anh nụ cười hiền lành,
tươi, duyên như của một liền anh.
Nghe đâu thoang thoảng câu quan họ
trong dáng đi, tiếng nói dịu dàng.
Tôi nhớ chị Thảo, chị Thu Linh.
nhớ tiếng cười giòn, nhớ dáng nhìn
nghiêng.
nhớ câu chuyện vui chưa muốn dứt
khi mỗi người đi về hướng riêng.
Tôi gửi về anh chút nhớ nhung
về một trưa thu có nắng vàng
lổ đổ trên đường nhiều cổ thụ
tôi rời Hà Nội, lòng vấn vương.
Tôi nhớ anh, lại nhớ anh Từ[6],
đời quá vui sao cứ nhắc hoài ?
cùng nhau túy lúy trong phòng vắng,
tạm quên đi cuộc sống bên ngoài !
Tôi nhớ anh, rồi tôi nhớ tôi,
chàng nông dân sống gởi quê người
hôm ấy nếu tôi sôi nổi quá,
thưa vì lòng tôi rất đỗi vui.
Đà Nẵng 7.11.1982
(Tập san Khoa học xã hội, Paris, 12.1983)
Lại băn khoăn
trưa mai thôi sẽ gặp em
nửa khuya thức giấc ra thềm nhìn trăng
trời nhiều mây màu úa vàng
mà lòng anh cũng ngổn ngang trăm bề
gặp lại em biết nói gì
những bài thơ đã thầm thì thay anh
khi nồng cháy khi dịu dàng
khi hiện thực, khi mơ màng tơ bay
trong thơ anh được đắm say
triền miên mơ, chẳng phút giây nào ngừng
lòng riêng tự nhủ là đừng
cứ lần lữa đã, vội vàng mà chi
làm như quên mất đường về
làm như công việc bộn bề chưa xong
rồi tin em vẫn chờ mong
tin em chia sẻ tấm lòng của tôi
chuyện trong thơ, chuyện ngoài đời
em trong thơ mới là người yêu tôi
nhớ thương hết đứng lại ngồi
chuyện trong thơ với chuyện đời khác nhau
chỉ nghĩ thôi lòng đã rầu
vừng trăng kia chẳng đổi màu trong sương
trong thơ nhà chẳng cần chuông
cổng không người gác, đường luôn vắng người
trong thơ ngày tháng rong chơi
gặp nhau không nói nửa lời cùng nhau
cùng nhau bay giữa trăng sao
hồn và hồn chẳng khoảng nào cách ngăn
mai đây biết nói làm răng
chưa về lòng đã ăn năn vô cùng
anh ngồi đây nghĩ rất lung
Đà Nẵng 8.11.1982
Đi đến đâu ?
Em hỏi anh « mình đi đến đâu ? »
-Chúng ta đi đến tận mai sau
Chúng ta đi đến trời Đao Lợi
Và về nằm ngủ giữa trăng sao
Chúng ta đi đến tận cuối trời
Chúng ta đi về xứ không lời
Chúng ta cùng đi như trong mộng mị
Chúng ta cùng đi, đi mãi đi hoài !
Sài Gòn 9.11.1982
Sẽ còn chi ?
bỗng dưng lòng thấy bàng hoàng
tưởng chừng mất cả con đàng em đi
mai sau rồi sẽ còn gì ?
còn chăng ánh mắt mê li đêm nào
còn nguyên màu của trăng sao
tiếng con gió nhẹ thì thào trên cây
anh còn như tỉnh như say
vấn vương đến cả dấu giày em đi
mai sau rồi sẽ còn chi ?
Sài Gòn 9.11.1982
Sóng lòng
em hỏi anh : « sao anh không nói nữa ? »
không đâu em lòng anh vẫn thầm thì
anh đang nói bằng lặng yên sâu lắng
bằng nỗi niềm xa vắng bâng khuâng
bằng tiếng tim anh đang đập mạnh
em nghe chăng những đợt sóng lòng ?
Đà Nẵng 10.11.1982
Mâu thuẫn
Anh muốn giam em trong thơ anh
ghen tuông như một gã si tình
ngục tù trải thảm bằng mây trắng
mái lá, tường xây bằng âm thanh
Mới nghĩ thôi mà đã thấy buồn
đẹp đẽ gì một chiếc lồng son
chim xanh phải hót trong hoa lá
thì giữ làm gì, dù trong thơ
Chim xanh ơi ! Em cứ bay đi
cho thật xa, tận chín tầng mây
cho bụi nhân gian không vướng tới
anh nhìn theo, đôi mắt đắm say
Thôi, em hãy ở lại trong đời
ở lại cùng anh trong cõi người
đi một đoạn đường, chân dính đất
cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui.
Hà Nội 11.11.1982
(Đoàn Kết 3.1983)
Nhớ Ức Trai
Ơi Ức Trai, ơi Ức Trai
Đã bao năm rồi tôi muốn viết về Người
mà chẳng biết nói sao cho hết ý
Vì đời người thật quá ư kỳ vĩ
mà thơ tôi thì rất đỗi tầm thường !
Tôi cảm phục Người nhà yêu đương,
đầu đà bạc trắng còn vấn vương.
Hôm qua Tây Hồ tôi ghé phủ,
chẳng gặp cô nào bán chiếu gon.
Tôi cảm phục người sự nghiệp lớn,
mà công danh thì chẳng bao nhiêu.
Lời văn đuổi giặc nghe còn sướng
mà thơ thì lại cực kỳ « siêu » …
« Sau cơn mưa dáng núi bỗng gầy… »[7]
« Thuyền vừa ghé mái… đã giang hồ »[8]
« Đêm thanh, trời biếc lạnh như nước… »[9]
« Thuyền côi gác bãi ngủ thâu ngày »[10]
Tôi cảm phục Người bậc anh hùng,
Càng cảm phục Người nhà nghệ sĩ.
Lệ Chi Viên, ôi ! Lệ Chi Viên
Ngàn năm sau còn nỗi hận khôn cùng
Mai mốt tôi về lên Côn Sơn,
nghe suối nước trong chơi đàn cầm.
Trên đá sạch nghe thông reo nắng sớm
tôi sẽ nằm nhìn những đám phù vân.
Hà Nội 12.11.1982
(Đoàn Kết 7.1983)
Trên đê Yên Phụ
Tôi lại đi trên đê Yên Phụ
vào một chiều thu nắng rất tươi
mấy cô thiếu nữ ngồi ăn mía
không biết vui chi khúc khích cười.
Dăm chú trâu gặm cỏ rất giòn
bé mục đồng nằm ngủ đến ngon
hồ Tây trải rộng mờ trong nắng
tưởng thoáng nghe tiếng rống trâu vàng.
Hỡi cô xuân nữ em đi đâu ?
đi chợ về hay đi hái dâu
có đến Nghi Tàm tôi theo với
gió mơn man, quên cả lối vào.
Tôi ghé Tây Hồ nhớ Ức Trai
lòng đang vui sao bỗng thở dài
bên hồ phủ lạnh thơm hương khói
tôi nhớ đến Người, chợt nhớ ai.
Đứng trên đê ngó xuống Nhật Tân
thu quê hương cây lá vẫn xanh
hẹn sẽ về thăm vào dịp Tết
ngắm hoa đào run đón gió xuân.
Hà Nội 12.11.1982 (Đoàn Kết 1.1983)
Mưa đêm
Dưới mái hiên nhà đứng đụt mưa,
đèn đêm vàng bệnh, phố thưa người.
Bỗng dưng anh thấy lòng hoang vắng,
anh nói chuyện mình hay chuyện ai.
Anh bên em mà sao cô đơn,
anh bên em sao vẫn thấy buồn.
Đông Tây đôi ngả, khôn chung mộng.
mưa lưa thưa không hẹp bớt không gian.
Anh thấy thèm một cơn mưa dai
mưa như trút nước từ lưng trời
như ở quê anh mùa nước lớn
đứng bên em, đêm sẽ không dài.
Anh thấy thèm một cơn mưa dông,
chớp đằng tây và sấm đằng đông.
Gió ơi hãy nổi lên cuồng loạn,
cho lòng ta bớt mênh mông !
Cho lòng ta vơi đi nhớ nhung !
Đứng bên nhau sao xa cách vô cùng !
Tình yêu là cái chi lạ rứa ?
Một ánh sao trong đêm mông lung
Sài Gòn 12.11.1982
(Tập san Khoa học xã hội, Paris, 12.1983)
Gửi lại
Ơi nàng Âu Cơ anh chưa cầm tay,
em cho tôi cả một túi thơ.
Xa nhau mình sẽ phân đôi nhé
một, phương Đông ; và một, phương Tây.
Gửi lại em mấy chục đứa con.
Đứa này say đắm, đứa kia buồn.
Đứa mộc mạc, đứa đầy mâu thuẫn.
Em giữ sao cho thật vuông tròn.
Ôi, những bài thơ con chúng ta,
từ trong lòng dạ anh sinh ra.
Anh thai nghén trong những đêm thao
thức.
Em gieo mầm và anh nở hoa.
Những bài thơ để lại quê hương.
Anh bao giờ nguôi được nhớ thương.
Em giấu kỹ trong lòng em nhé !
Cho mai sau còn một thoáng buồn.
Sài Gòn 14.11.1982
(Đoàn Kết 9.1983)
Giã từ
giã từ em chẳng biết nói gì
tôi muốn cười vang, khi quay đi
nắng sao tươi đến vô tình thế
em là chi, mà tôi là chi
tôi nghe tiếng xe lăn trên đường
làm sao nghiến nát nỗi đau thương
sáng nay sao lại vô duyên thế
một sáng vui cho lắm ngày buồn
tôi trách ai hay tôi trách tôi
cố tìm làm chi mùa xuân qua rồi
tôi muốn đấm vào bầu trời xanh thẳm
chỉ thêm bẽ bàng và xa xôi thôi
tôi cố hút hết điếu xì gà
phì phào thổi khói lên trần nhà
ngoài kia trời bỗng dưng u ám
tiếng mưa rào rầm rập đến từ xa
Sài Gòn 14.11.1982
Lối về
anh đến bên kia vào cuối thu
về với sông Seine đầy sương mù
với những ngọn Alpes trắng tuyết
với trời xanh thẳm Côte d’Azur
anh sẽ về cùng vợ cùng con
và những cánh rừng mênh mông
với vừng trăng trời Tây lạnh lẽo
mà nhớ vừng trăng ấm phương Đông
anh sẽ mang theo nhiều nhớ thương
anh đi như chạy trốn quê hương
gửi lại em nỗi buồn da diết
em đốt đi mà rải trên đường
trên những con đường ta đã đi
trên những con đường anh mơ đi
ngoài những vần thơ thành gượng gạo
mùa thu qua còn dấu tích gì ?
tôi sẽ về với đời trích cú tầm chương
với đời người làm vườn
tưới cỏ để nghe hồn trống rỗng
gió mơn man mà không vấn vương
Sài Gòn 16.11.1982
Dặn dò
Ít lâu nay
lòng anh như cây đàn
lên dây vừa đúng cung bậc
và mẫn cảm vô cùng
chỉ cần một cơn gió thoảng qua
cũng đã rung.
Em nhớ đừng gảy những nốt buồn
như những giọt mưa đông
ở quê anh
tí tách rơi từ mái tranh
xuống sân ngập nước .
Em nhớ chơi những âm vui
để lòng anh ngân lên
những bài thơ
không còn giọng ngậm ngùi.
Sài Gòn 21.11.1982
(Tập san Khoa học Xã hội, Paris, 12.1983)
Ao ước
Anh không muốn gửi đến em
những bài thơ buồn,
những bài thơ có chút chi héo hon
(anh viết khi lòng hoang vắng)
những bài thơ có giọng giận hờn
(anh viết trong những đêm cô đơn).
Anh sẽ gửi em những bài thơ vui
như tiếng em cười,
những bài thơ có đôi mắt sáng,
những bài thơ có giọng nói tươi.
Những bài thơ sống trong hiện tại,
những bài thơ không nghĩ đến tương lai,
những bài thơ thơm hoa rừng cỏ dại,
những bài thơ không thở vắn than dài.
Anh chỉ muốn sao cho em trọn vui
như con chim hoàng anh ca hát trên đồi,
như tia nắng mai,
như cơn gió nhẹ,
đưa hồn anh về đắm giữa xanh trời.
Sài Gòn 21.11.1982
(Tập san Khoa học Xã hội, Paris, 12.1983)
Mai sau
anh uống cạn ly rượu vang
rồi gỡ kính cận đặt xuống bàn
chợt thấy sương mù bay lãng đãng
lặng nhìn em đôi mắt mơ màng
đâu phải men rượu làm anh say
chỉ nhìn em thôi lòng đã ngất ngây
em ngồi đó xa xôi và bé bỏng
ngụm rượu nồng làm đôi má hây hây
anh muốn hô thêm chai rượu nữa
vì anh thèm có được một đêm say
cho bàn tiệc bỗng dưng cất cánh
đưa ba đứa mình lên giữa trăng sao
em cho anh cầm đôi tay gầy
cho anh nhìn sâu trong đôi mắt đỏ hoe
cho anh thổi gió vào trong tóc
để mai sau nhớ em khi nhìn mây bay
Sài Gòn 22.11.1982
Đọc truyện Giamilya[11]
Giamilya! Giamilya !
em đắm say mà mắt anh nhoà
em hãy yêu đi cho trọn kiếp
cho cháy lòng chàng Daniyar
anh sẽ tái sinh làm gã chăn cừu
đêm đêm nằm ngủ với trăng sao
nghe gió thảo nguyên về mơn trớn
nhớ đôi mắt em sáng như sao Ngưu
anh sẽ ngâm vang một bài thơ tình
khi thì tha thiết, khi mênh mang
gió đưa về tận lều em nhé
trong đêm khuya em chạy đến tìm anh
ta sẽ lùa cừu đi khắp thảo nguyên
ngồi bên nhau trong những sáng bình yên
ta dìu nhau đi trong bão tuyết
ta giao hoà cùng vũ trụ vô biên
thôi nói làm chi chuyện kiếp sau
anh phải gặp em trong chiêm bao
ngắm thân em run run trong gió
Giamilya ! em sẽ đến đêm nào ?
Sài Gòn 23. 11. 1982
Những chiếc ao quê hương
ôi những chiếc ao già
xanh màu da ễnh ương
những con mắt kỳ diệu của quê hương
đã soi bóng bao nhiêu bầu trời chi chít sao
bao nhiêu mây lang thang
bao nhiêu nắng mới
bao nhiêu bóng chim
bao nhiêu màu trăng
bao nhiêu đàn vịt bầu bơi tung tăng
bao nhiêu ánh tà dương
và bao nhiêu nhớ thương
của những cô gái quê
chiều chiều ra đứng bên bờ
trông cá lặn
trông sao mờ
và trông con nhện giăng tơ[12]
ôi những chiếc ao già
xanh màu da ễnh ương
mang trong lòng ký ức của quê hương
đang trầm tư dưới bóng
những bông lục bình tím ngát
xui lòng ta vấn vương
và lớp bèo li ti
là lớp bụi thời gian
đọng từ ngàn năm.
mấy chú nhái ơi
nhớ đừng nhảy xuống
mà phá đi sự yên lặng
đầy bí mật và huyền nhiệm.
hãy để ao ngủ say
trong sự lãng quên tháng ngày
Sài Gòn 25.11. 1982
(Tập san Khoa học Xã hội, Paris, 12.1983)
Nín thở
những giọt nước mắt lăn trên má em đêm
nào
còn đọng trong tim anh
anh muốn được hôn lên đôi mắt long lanh
(như trong những câu chuyện tình muôn nơi và muôn thuở)
nhưng anh ngồi yên nín thở
vì không muốn phá vỡ
bầu không khí rất thơ
dưới vừng trăng sáng rỡ
cả vũ trụ như đang mơ
Sài Gòn 26.11.1982
Tiếng mẹ
cho dù em nói rất giỏi hàng chục thứ tiếng : Anh, Nga, Pháp, Ét ki mô, Hà Lan…
có một câu anh chỉ muốn nghe em nói bằng tiếng Việt Nam
vì đó là tiếng mẹ ru
vì đó là tiếng ca dao
rất ngọt ngào
nên câu nói của em sẽ đi vào lòng anh
bằng con đường thẳng tắp !
Sài Gòn 29.11.1982
Dự định
nếu con người có đến ba hồn
như tổ tiên chúng ta vẫn tin
anh sẽ cho một hồn hoá thân làm ngôi sao nhỏ
nằm tít trên đỉnh trời
lẽo đẽo theo em
trong những đêm em đi dạo một mình trong đường phố Sài Gòn
anh sẽ biến hồn thứ hai thành con gió nhẹ
quấn quýt theo em
hay sẽ len qua cửa sắt
đến thăm em vào những đêm khuya
khi em ngủ say
còn hồn thứ ba anh sẽ đem qua Tây
để nhớ em khi đi dạo dưới trăng
hay khi nhìn mây bay.
Sài Gòn 30.11.1982
Một chiều mưa
tôi bước ra hành lang thư viện Tổng hợp
đứng nhìn trời tối sầm đi như giận dữ
phóng xiên xuống đất vô số mũi tên
( như tôi đã tới tấp bắn em
vô số câu thơ
nhưng đều là những mũi tên tà
nên không xuyên được vào tim em)
gió lay mạnh những trái phượng già
lủng lẳng trên cây như thanh đoản kiếm
màu đen
của những hiệp khách vô hình
đang rình kẻ thù trên không
tiếng gió mưa xua vào lòng tôi một nỗi
buồn không tên
tôi cuối nhìn bóng mình dao động trong hồ
nước
khi con cá thia trồi lên
tôi chợt lại nhớ đến ngày xưa
những lần tôi cúi nhìn hàng giờ
chiếc đầu húi ngắn của mình trôi
trên những về mây lang thang
dưới đáy giếng làng sâu thẳm
thế mà đã hơn ba mươi năm
bao nhiêu nước chảy qua cầu
mà sao lòng vẫn chưa già
vẫn còn buồn vui vì những chuyện không
đâu.
Sài Gòn 2.12.1982
Lạ thật
chỉ cần một câu ngắn
một tia liếc nghiêng
cũng đủ làm lòng anh xao xuyến
và ngẩn ngơ suốt cả buổi chiều
Sài Gòn 2.12.1982
Trách
ôi chiếc đồng hồ Ô đô
đều đặn nhỏ giọt thời gian
đã làm ta mất ngủ nhiều đêm
ôi tiếng chuông
ta nghe riết từ mấy tháng nay
nên trở thành thân thương
sao khuya nay mi lặng im
làm cho đêm thêm dài
và những giờ chờ sáng thêm hoang vắng
Sài Gòn 2.12.1982
Cảm ơn
cảm ơn em đã làm lòng anh trẻ lại
ở tuổi bốn mươi
khi đã bước vào buổi chiều của cuộc đời
cảm ơn em
đã khiến anh lại có được những tình cảm vụn vặt và nông nổi
cảm ơn em đã cho anh
những đêm chờ sáng và những sáng chờ đêm
cảm ơn em đã cùng hai anh đi dạo trên các đường trăng
cười rúc rích
và chuyện trò không dứt
mắt long lanh như hai vì sao
cảm ơn em đã cho anh nếm
cái hương vị vừa đăng đắng vừa ngọt ngào
của tình yêu một chiều vô vọng
Sài Gòn 2.12.1982
[1] Ngó em không dám ngó lâu,
Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi ! (Ca dao)
[2] Em thương anh không biết để đâu,
Để trên thúng cám, để đầu chuồng heo. (Ca dao)
[3] Phỏng theo thơ Nguyễn Bính :
Lòng anh như hoa hướng dương
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.
[4]
Dã Tràng xe cát biển Đông,
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.(Ca dao)
[5] Bé nhưng mà bé hạt tiêu,
Bé cay, bé đắng, bé xiêu lòng người. (Ca dao )
[6] Mỗi lần rót rượu « cuốc lủi » vào chiếc ly to của tôi, nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi hay nói : « Vui thôi mà anh ».
[7] Phỏng theo câu « Vũ quá sơn dung sấu » trong bài « Giang hành » của Nguyễn Trãi.
[8] Phỏng theo hai câu « Tây tân sơ nghị trạo
Phong cảnh tiện giang hồ » (Giang hành)
[9] Phỏng theo câu « Tĩnh dạ bích tiêu lương tự thủy » (Đề Bá Nha cầm đồ)
[10] Phỏng theo câu « Cô châu trấn nhật các sa miên » (Trại đầu xuân độ)
[11] của Chyngyz Aitmatov, bản dịch sang tiếng Việt do em cho mượn.
[12] Chiều chiều ra đứng bờ ao
Trông cá, cá lặn ; trông sao , sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ.
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai.
Buồn
trông chênh chếch sao Mai
Sao ơi, sao hỡi nhớ ai sao mờ? (Ca dao)