DTThoVongHuyenBi

Chương 4

 

Vòng Huyền Bí

 

1.

Ngoài vườn nắng gắt nên Ly trở vào nhà.

Cô bước vào một khối không khí mát và tối. Một khối không khí trong và xám. Những đồ vật trong phòng khách chỉ mới tượng hình như những thể khối nhập nhoạng. Giây phút ấy, căn phòng tưởng là quen thuộc trở nên mới mẻ, khó hiểu, tuy vẫn mang đến cho cô những cảm giác êm đềm.

Bà Guadalupe vừa thay nước cho những bông cúc trắng trên quầy rượu. Ðầu bà ngang tầm với những cái ly pha lê treo ngược, bà sắp dùng dẻ phủi bụi những chai vang đỏ. Nắng đang rọi vào đó, nắng đi đến thành ve chai, chạm và dội bật lại, làm lóe lên những tia sáng lóng lánh và mỏng sắc như que kim khí. Giá vào lúc khác cô đã lấy máy hình chụp một vài bức tĩnh vật, bình hoa và rượu, bình hoa và đàn dương cầm, bình hoa và táo, bình hoa và đàn bà (thân hình tròn trịa, vai ngang và hơi thấp của Guadalupe làm cô liên tưởng đến Gaugin). Nhưng bây giờ cô còn đang bận tâm với những câu hỏi khác, về những bông hoa, về sự hiện diện bất thường của chúng.

Bình hoa cúc trắng có mặt từ hôm đầu năm, đến nay đã được một tuần, trông vẫn tươi như vừa cắt lìa khỏi đất. Như thể chúng muốn chứng tỏ một điều gì qua sự tươi mát dai dẳng của mình.

Hoa cúc trắng là của những ngày xưa. Tại sao khi nhìn hoa cúc trắng, ngay trước mắt, cô vẫn đinh ninh mình đang nhìn hình ảnh của ngày xưa? Như thể nó quá đẹp nên không thể kéo dài đến bây giờ. Như thể hoa cúc đã chết, đã tuyệt chủng lâu rồi. Chỉ vẻ đẹp của nó là còn lại, nhờ vào ký ức của kẻ đã nhìn ngắm nó.

Vì vậy nó khác hẳn những loài hoa khác. Cúc trắng là thuộc về quá khứ. Thời gian nào nó bắt đầu xuất hiện trong quá khứ thì cô nhớ rõ. Lạ thật, các bông hoa tự tạo cho nó một thời gian riêng biệt, không trôi đi, không lẫn vào những thời gian khác hay những tình cảm khác. Những bông hoa là thời gian hiện hữu bằng hình ảnh. Vì vậy khi nhìn ngắm những đốm hoa trắng chấp chới cong mình trên đài lá, Ly đau xót khôn tả. Cô biết mình đang nhìn một hình ảnh đã lùi thật xa. Vì vậy cô tránh không đụng đến nó. Cô cố cưỡng lại ý muốn sờ chạm những cánh hoa mỏng tanh kia. Cùng lúc cô biết mình không đủ can đảm để chúng cọ quệt vào người, một khoảnh khắc đụng chạm dù phơn phớt trên da cũng sẽ làm cô nổi rợn da gà, và co rúm lại vì kinh hoảng.

Vì ở giữa những cánh hoa

đó là chỗ ngăn cách hiện tại và quá khứ.

 

 

 

 

2.

Quá khứ một quãng đời Ly không muốn nhớ, thời gian đó cô hết sức cô đơn và không thể nào thoát khỏi sự cô đơn ấy (bây giờ Ly cũng cô đơn, nhưng sự cô đơn này cô tự chọn và còn cảm thấy dễ chịu kỳ lạ vì được cô đơn nữa). Nhưng ngày đó thì khác. Cô không có bạn, hoặc chỉ là những tình bạn một chiều: người ta coi Ly là bạn, thổ lộ tâm sự với cô, ngược lại cô không thể nào mở miệng nói về mình với họ. Ðó là một cảm giác tuyệt vọng, như thể một người đã đánh mất chìa khóa để mở cửa, hoặc căn phòng họ ở hoàn toàn không có cửa. Những tình bạn một chiều bao giờ cũng xuông xẻ, vì cô có thể lắng nghe chăm chú câu chuyện của họ, đùa giỡn đôi chút, cho họ những lời khuyên cần thiết, hoặc những lời khen vừa phải. Nhưng không bao giờ để họ hiểu cô. Cô không tin họ có thể hiểu mình. Cùng lúc, cô vừa muốn họ hiểu mình, vừa sợ họ hiểu mình. Nhưng cô che dấu nỗi sợ ấy và cho họ ảo tưởng về một mẫu người mà họ muốn. Trong tất cả mọi quan hệ, Ly không bao giờ là Ly cả, cô chỉ đóng một vai trong đó.

Một thời gian dài cô tưởng tượng ra một người bạn, người bạn thân có thể nói đủ nỗi niềm. Cô đặt tên cho người bạn ấy. Thỉnh thoảng viết thư hay nhật ký và gọi người đó là Mân. Mân cao, mảnh khảnh. Cực kỳ thông minh. Nghệ sĩ. Chơi đủ loại đàn dây. Soạn nhạc. Mân không thích chơi những bản nhạc có sẵn. Vì vậy Mân bỏ cả một năm để tự học hòa âm, rồi chuyển những dạo khúc dương cầm của Chopin cho đàn guitar, soạn những etudes của Villa Lobos cho đàn harp... Tất cả những gì Mân làm đều có tính cách thay đổi sự cố hữu. Ở bên cạnh Mân cô cảm thấy hạnh phúc. Những gì cô ao ước và không thể nào có được đều tìm thấy ở Mân. Như thể Mân là trí óc, tinh thần, nghị lực, với tất cả những tiêu chuẩn cao cấp nhất của một con người. Và Ly có thể rút những ưu điểm ấy từ Mân, để bù đắp cho những khiếm khuyết của mình.

Mỗi tuần Ly đến nhà Mân chơi một buổi, thường là trưa thứ sáu. Ngôi nhà cũ kỹ vắng vẻ, gây cảm giác rộng thênh. Phòng ngủ của Mân ở tầng hai nhìn xuống khúc đường có hai hàng cây xanh rợp. Loài cây rất lạ. Lá nhỏ, li ti như những hạt mưa, còn hoa thì đổi màu từ trắng sang tím tùy thời gian trong ngày.  Những cánh hoa tươi trên cành thường không mùi vị, nhưng lúc úa tàn rụng đầy đường sẽ ứa mủ nâu rỉ và phảng phất một thứ mùi khó ngửi. Mân nói hoa này khai lắm, làm mình cứ tưởng người ta dắt chó đi dạo chứ. Nhưng Ly chịu đựng cái mùi đó suốt mùa hè ở nhà Mân vì vẻ đẹp của toàn thể cây hoa. Trưa càng nắng gắt thì màu hoa càng tím ngát và tỏa ra hơi mát. Cây hoa có tác dụng kỳ diệu, nó làm người ta quên bẵng đi những ám ảnh của quá khứ. Màu hoa tươi chảy dịu dàng như một thứ dung dịch rửa mắt, rửa hồn, rửa cả những ngóc ngách kín dấu nhất trong thân thể. Những lúc nhìn nó, đầu óc Ly rỗng không, như một cái bình vừa mới tháo đổ, để màu sắc của hoa tràn vào. Những cánh hoa trắng trong vào buổi sáng, đến trưa chuyển sang màu tím oải-hương, khi chiều tàn mang mầu tím thẫm. Một thứ tím thẫm tuyệt đối, như tận cùng của tím; vì chỉ đậm hơn chút nữa là sẽ thành đen.

Mân hay nói:

“Cây này trồng riêng cho mình đó, mình sống được là nhờ nó.”

 

3.

Người ta có thể sống nhiều cuộc đời không? Người ta có thể chết nhiều lần không? Mân hay hỏi Ly như vậy. Mình có thể ngất đi, rồi tỉnh dậy hóa ra người khác, đúng không? Nếu mỗi lần sống lại, mình biến ra một con người khác, thì chuyện chết đi sống lại là tất nhiên. Ðúng không? Nói chung, con người vẫn từng chết đi sống lại mà không hay biết.

Ðiều gì đã ám ảnh Mân, Ly tự hỏi. Thời gian đó Ly tình cờ đọc được một bài viết đánh giá lại phân tâm học của Freud, và liên tưởng đến tuổi thơ của Mân. Một cú sốc tâm lý thời thơ ấu chăng, hẳn là rất nặng mới tạo nên một tâm hồn khác lạ như vậy.  Tuổi thơ của Mân nằm trong ngôi nhà này. Gia phả dòng họ nằm ở trong này. Bao nhiêu người đã sống và đã chết ngay tại đây. Chuyện sống chết xảy ra dễ dàng nhờ một tấm-màn-đen treo ở trong nhà.

Tại sao có tấm màn ấy thì không ai rõ.

Nó ở lầu hai, trong căn phòng có hai cửa sổ. Nó phủ từ trần xuống, giăng từ cạnh tường trái đến sát cửa sổ bên phải, chia căn phòng rộng thênh thang thành hai vùng, hai thế giới. Khi ấy Mân còn là đứa bé, trong nhà còn rất nhiều trẻ con, những anh em họ của Mân. Mùa hè chúng tụ tập lại, chạy chơi trước tấm- màn-đen. Những đứa bé kia nghịch ngợm và ma mãnh lắm, khác hẳn Mân. Chúng rủ rê những trò chơi hồi hộp, chơi cút bắt, ú tim, trốn tìm. Chúng đồng tình kể cho Mân một câu chuyện về tấm màn huyền bí, về tất cả những người đã từng chết trong nhà, những cái chết đột ngột khó hiểu. Và chúng quả quyết bây giờ họ - những người chết - đều tồn tại đằng sau bức màn.

Một lần chơi cút bắt, chúng bịt mắt Mân lại. Trước khi trốn đi, chúng dặn dò nhau, nhưng thực ra là để Mân nghe: “Tụi bay đừng chui qua màn... Chạy qua bên đó là bị giữ lại luôn. Chết đó.”

Ðoạn chúng nháy mắt, những cái nhìn toa rập, rồi chạy đi ẩn nấp ở một nơi vô cùng kín đáo.

Kín đáo? -Vì Mân không bao giờ tìm ra được chúng trong trò chơi ấy.

Những đứa trẻ biến mất suốt một buổi chiều, cũng có thể chúng còn đó nhưng Mân không nhìn thấy chúng. Chúng đã khoác lên người chiếc áo choàng vô hình và chơi trò phù thủy của Harry Potter chăng? Có lẽ, vì Mân vẫn nghe tiếng chân, tiếng thở, tiếng cười khúc khích cố nén của chúng; vẫn ngửi được mùi của chúng, mùi tanh tanh của mồ hôi đã khô, mùi tóc bám bụi, mùi kẹo ngọt trong miệng... Nói chung là mùi quần áo mùa hè của trẻ con. Mân “biết” hết tất cả, chỉ không nhìn thấy. Thế giới lúc đó như một cái bao, đột nhiên bị lộn ngược lại, hết thảy người -đồ vật- và không gian chứa đựng đều bị thâu túm vào trong, y như cách người ta lột một cái áo gối. Chỉ còn Mân đứng ngoài, linh cảm về một thế giới đột nhiên trở mặt.

 

Ly nghĩ: Mân có thể đã ngất đi vì quá sợ. Không phải sợ chuyện chết chóc, nhưng sợ sự huyền bí tỏa ra từ tấm màn, sợ màu đen của vải, sợ những ý tưởng mà trí óc không thể nào kiềm chế nổi. Dựng lên một sự huyền bí thì rất dễ, nhưng thoát khỏi nó thì ngược lại. Con người sống để dựng lên những điều huyền bí, rồi tìm cách thoát ra, đó là ý nghĩa đời sống của họ. Tất cả nghệ thuật đều như thế. Tình yêu cũng thế.

 

Những đứa trẻ trốn biệt đi, Mân tìm kiếm hàng giờ không thấy tăm hơi, như thể chúng đã mất tích khỏi căn nhà. Ðó cũng là một điều đáng sợ, Mân muốn tìm ra chúng, không phải để thắng cuộc, mà chỉ để thoát ra khỏi trò chơi. Một trò chơi quái đản và độc địa. 

 

3.

Ly còn nhớ cô đã nhìn thấy một cái bàn viết bằng gỗ đào kê trước tấm màn. Cái bàn đồ sộ nhiều ngăn kéo cồng kềnh, một ngăn kéo chính có ổ khóa đã han rỉ. Trước bàn là một cái ghế da đen xoay được. Mân hay ngồi đó viết thư cho một người nào đó, báo tin thì đúng hơn, về cái chết của chính cô.  “Mình sẽ tự tử vào một ngày mùa thu”, cô viết cho một người bạn có tên bắt đầu bằng chữ S, “Mình không bình tĩnh chút nào, mình rất hồi hộp, như sửa soạn đi chơi xa, mà có lẽ sẽ không về nữa.”

Mân bắt đầu soạn bản nhạc đầu tiên của chính cô, viết cho đàn gui tar, miêu tả những giai đoạn của một bông hoa, từ lúc còn ẩn trong cây như một cái phôi, đến khi rơi rụng nằm trên đất. Bản nhạc rất dài, hay đúng ra thì thời gian cô nghe Mân đàn đi đàn lại cho hoàn chỉnh kéo dài cả ngày. Ly vừa nghe nhạc vừa nhìn ngắm vòm cây ngoài cửa sổ, lá li ti như mưa màu xanh. Ðó là lần đầu tiên Ly biết thời gian có màu, khi nhìn thấy tận mắt cây hoa chuyển từ trắng sang tím rồi đậm dần lên, từ sáng đến chiều. Như thể nó không chỉ là nó, mà có đến ba cây hoa khác nhau, vào những giờ khác nhau, thay phiên đến đứng ngoài cửa sổ.

Hoa cúc trắng bắt đầu ám ảnh Ly vào thời gian đó. Mân hay hái những đoá cúc dại mọc ngổn ngang trên bãi đất cạnh lối vào xa lộ. Freeway 405 lúc đó còn có tên gọi  là Freeway Hoang Dại vì hoa cúc mọc suốt mấy trăm dặm đường từ dưới sâu vùng biển Laguna Niguel lên tận thung lũng Irvine. Cúc sống rất dai, một bình hoa có thể sống được hai tuần, ngay cả khi cành đã thối rữa và bốc mùi, hoa trông vẫn còn tươi. Những bình hoa Mân cắm theo kiểu cách táo bạo, gây cảm giác chông chênh, bất chấp quy ước về bố cục.

“Tại sao Mân chỉ cắm hoa cúc trắng?”

Ly hỏi, cô không thích mùi hắc và cay của loại hoa này. Cô vẫn ao ước được nhìn thấy một bình hoa hồng vào mùa hạ, một bình lê trắng già cỗi vào mùa xuân chẳng hạn. Cô muốn nhìn mùa, nhìn thời tiết và thời gian qua những màu hoa.

Mân chỉ trả lời giản dị:

“Vì tấm màn đen.”

Rồi Mân thở dài:

“Biết làm sao được. Cúc trắng là thứ hoa duy nhất chịu nổi tấm màn đen quá hai tuần mà không héo rũ.”

Ly bắt đầu thấy một kết hợp có tính tuyệt đối. Màu cúc trắng trên nền đen của bức màn gây một cảm xúc ảo não và huy hoàng. Mân bảo: “ Ðó là cách tưởng niệm trang trọng nhất, một tang lễ thanh khiết nhất. Hình ảnh cuối cùng của đời sống. Lối đi vào vô tận.” Tất cả những ý tưởng của Mân đều như vậy, đi chệch hướng, lệch lạc - và dựng lên một ấn tượng, tất nhiên mơ hồ, nhưng cùng lúc có tính phủ quyết làm Ly thán phục.

 

4.

Tình yêu dành cho Mân cũng là một tình cảm bất thường. Không phải vì chuyện hai người con gái yêu nhau. Ðiều bất thường là tình yêu ấy chỉ xảy ra với Mân, chỉ có thể với Mân mà thôi. Ngoài ra, Ly không yêu một người đàn bà nào khác.

Ðó là tình yêu với một cánh hoa.

Yêu chỉ để hít sâu vào ngực, một cách kín đáo, mùi hương của nó; và ve vuốt nó bằng thị giác mà thôi. Có thể e dè ghé môi hôn phớt lên. Nếu tham lam thì sẽ ép khô nó vào trong vở, chẳng để làm gì. Có thể nhai nuốt, nhưng ăn hoa thì chẳng có gì ngon (Ly đã ăn thử và nhớ hoa hồng có vị đắng, hoa lan vị chát, nhiều hoa khác vị nhờn nhợn, cúc dại thì cô không dám ăn). Hoa chỉ là thức ăn của mắt. Ngoài ta không thể ôm ấp, ăn nằm, làm tình với nó. Có ai đã làm tình với một đóa hoa chưa nhỉ? Mân vẫn hay nói: “Tâm hồn nào đẹp thì sẽ là hoa, cao quý, như hoa lan có dáng hài tiên, có áo thiên thần, có cánh hình môi, cong như môi Ly.” Mân vừa nói vừa lướt nhẹ ngón tay viền theo quanh khóe miệng Ly, cảm giác nhột mơn man. Rồi Mân nói một câu, từa tựa: “Người ta có thể làm tình với tâm hồn mà không thông qua thể xác...”  làm Ly nhìn Mân, kinh ngạc, như thể Mân đã chui được vào giấc mơ của Ly, và hai đứa đã ngủ mê mệt với nhau đến sáng.

Làm tình với nhau, hai tâm hồn có thể làm tình với nhau được chứ. Ðã nhiều lần Mân gợi ý chuyện ấy, đã nhiều chuyện ấy sắp sửa xảy ra giữa hai người thì Ly tỉnh dậy.

 

5.

Bó hoa bay vút trong không gian, kiểu cách bay nhẹ và chậm, đã thoát khỏi sức hút của trái đất. Nó vừa bay vừa xoay vòng như khiêu vũ, những cánh hoa chập chờn buông rủ, nở bung ra, co héo vào... Ly có thể thấy toàn vẹn vòng quay sinh tử của nó diễn ra trong chớp mắt, vừa biến ảo vừa chi tiết, trên nền một không gian nhiều màu sắc pha trộn, những màu chưa ai đặt tên trong hội họa. Riêng bó cúc trắng thì sáng lòa vì màu trắng trong của nó.

Một bó hoa ai đó đã gửi đến Ly qua ngả giấc mơ, và hôm sau thức dậy thì cô nhận được. Còn điều gì huyền ảo hơn thế nữa? Người ấy đứng một góc phòng, dấu mặt, bàn tay mềm oặt tung bó hoa lên trời. Từ bó hoa vuột ra một tờ giấy mỏng, bay là đà. Tờ giấy có chữ, Ly thấy loáng thoáng những dòng chữ không đều, hình thức như thơ.

 

Ly nhìn lên quầy rượu: người đàn bà đã biến mất, nhưng bình cúc trắng vẫn còn đó, không phải là ảo giác. Cô nhìn bình hoa chầm chập, chờ đợi nó tự biến vào hư không ngay trước mắt mình. Làm sao chứng minh được những thứ khác-nhau-về-thể lại chính là nhau? Hay bông cúc này chỉ là bóng ma của những bông cúc kia? Tờ giấy bay trong giấc mơ không phải chuyện tình cờ, nó là một ẩn dụ, hay một ám chỉ về một thứ có nguồn gốc mà Ly không rõ. Mảnh giấy mỏng tang, nhẹ tâng, nên không bao giờ rơi xuống đất, nó cứ là là chấp chới như một cánh bướm mệt mỏi không đủ sức bay xa. Những dòng chữ trên đó hẳn là quan trọng, mang một nội dung nhất định, ít ra cũng cho biết ai là người gửi. Tất nhiên trong mơ thì Ly đã đọc những dòng chữ ấy. Tất nhiên cô không thể nhớ được khi tỉnh dậy. Dạo sau này trí nhớ của cô sút kém trầm trọng, đến nỗi đọc xong một cuốn tiểu thuyết, gấp sách lại, đầu óc cô trống trơn hoặc lộn xộn, không thể sắp xếp các tình tiết theo trật tự cũ nữa. Cuốn phim cô mới xem tuần trước ở Khu Giải Trí Những Hình Khối bây giờ đang trên tiến trình tự xóa. Và trước khi nó hoàn toàn tự hủy, Ly cố gắng - một cách tuyệt vọng - ghi lại vài chi tiết còn sót lại, một chi tiết làm cô cảm động: cuốn tiểu thuyết viết về những người đàn bà cô đơn và liên hệ giữa họ chỉ toàn do ý tưởng. Ngoài ra, họ không có khả năng gì trong cuộc sống.

Cô cảm thấy được an ủi, vì sự cô đơn của mình chỉ là chuyện tầm thường, cùng lắm thì là sự cô độc của một cuốn tiểu thuyết. Cả bà Dallaway lẫn Virginia Woolf đều cô độc. Thanh Tâm Tuyền viết Tôi Không Còn Cô Ðộc nhưng đến chết hẳn vẫn còn cô độc. Anh phải bám vào nỗi cô độc để thơ anh được tiếp tục viết và tiếp tục sống, hoặc để vượt ra ngoài chính anh. Cô cũng vậy. Thời ấy cô khao khát một người bạn biết bao. Một người bạn, đồng thời là người tình, là điều mình muốn trở thành, đồng thời là phản ảnh và phản nghĩa của chính mình. Nhưng bây giờ cô không còn nhu cầu giao tiếp kiểu ấy nữa. Cô chỉ muốn chìm đắm vào trong dòng suy nghĩ miên man, cuộn tròn thân thể và trốn sâu vào não bộ mình. Cô không cần biết đến phản chiếu của mình lên cuộc sống. Cô cũng không ao ước gì hơn nơi bản thân. Vì vậy mà cô bỏ rơi Mân.

Hẳn Mân buồn lắm. Cô đã bỏ quên Mân quá lâu, như người ta bỏ quên một cuốn sách đã đọc quá kỹ, một cuốn tập đã viết đến trang cuối cùng.