Nhật Ký Yêu Nước – Em vẽ gì trên bức tranh tổ quốc?

Trong những bài giảng khô khan của hệ thống giáo dục cũ kĩ, Tổ quốc vẫn thường được mô tả như một chủ nợ bẩm sinh mà các em bé Việt Nam buộc phải biết ơn, tôn thờ và phục dịch suốt đời. Nhưng trong đôi mắt con trẻ, chẳng có chủ nợ nào đáng yêu, và đây sẽ là một cách rất tồi để khơi dậy trong các em tình yêu đất nước.

 

Tôi tin rằng thay vào đó, ta nên để các em nghĩ về Tổ quốc như một tờ giấy khổng lồ – nơi mà các em, bằng những cây bút màu sặc sỡ, sẽ cùng vẽ nên những Mơ Ước của mình, đan cài hài hòa vào nét vẽ của muôn triệu người Việt từ nghìn trước cho đến nghìn sau. Trên tấm giấy trải rộng mênh mang này, em có quyền sáng tạo tác phẩm của mình một cách tự do, và cũng có quyền tự do bỏ đi để tìm một tờ giấy khác. Có lí do để bỏ đi, khi em thấy tờ giấy Việt Nam đã thô nhám, xù xì vì không được giữ gìn, hay khi nét vẽ của em nhòe đi dưới những vệt lấm lem của đất bùn, nước mắt và máu đỏ. Em cũng có lí do để vẽ lại từ đầu trên một tờ giấy mới, khi nét bút giận dỗi của những người bạn đã nguệch hỏng bức tranh Mơ Ước mà em còn vẽ dở dang.

 

Nhưng em cũng có lí do để ở lại, rất nhiều.

 

Em có thể yêu và gắn bó với tờ giấy Việt Nam, khi nhận ra tờ giấy này cũng đang mang Ước Mơ của những người mà em yêu quí. Cũng trên chính tờ giấy này, cha mẹ, ông bà, bạn bè và thầy cô em cũng từng vẽ nên Ước Mơ của họ. Trong những nét bút ấy, em tìm thấy gia đình, đường phố, mái trường và tình bạn – những khung cảnh thân thuộc đã tạo thành thế giới của riêng em. Và trong những nét bút ấy, em cũng tìm thấy hình hài của chính mình. Hãy tự hào, vì từng đường nét của vóc dáng và tâm hồn em hôm nay đã được kết thành từ bức tranh Ước Mơ của muôn nghìn người Việt Nam khác. Em là một phần của bức tranh Việt Nam, và còn là một mảng màu đẹp tươi nhất trong tâm trí của gia đình và bè bạn. Em ở trong Tổ quốc, và Tổ quốc ở trong em.

 

Em có thể yêu và gắn bó với bức tranh Việt Nam, khi em yêu những con người đã tạo nên tác phẩm còn khiêm tốn này. Cùng em vẽ những Ước Mơ Việt Nam, từng có em bé Ngô Quyền, Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Hoàng, Phan Chu Trinh… của muôn năm trước. Và đan cài vào nét bút của em, còn tầng tầng lớp lớp những Ước Mơ của muôn triệu con người vô danh, đang ôm giữ trong lòng đất mẹ muôn triệu câu chuyện bi hùng và dung dị mà họ chưa kể bao giờ. Trân quí những hi sinh và khát vọng của tổ tiên, em muốn góp Ước Mơ của mình để hoàn thiện bức tranh mà họ gửi gắm.

 

Em có thể yêu và gắn bó với bức tranh Việt Nam, khi em lo âu về nét vẽ của những em bé hiện tại và mai này. Thật buồn, nếu phải vẽ Ước Mơ của mình chỉ thọt lỏm trong những ô giấy chật hẹp mà người khác kẻ cho, chỉ trên nền đen tăm tối của những đáy giếng gắn mác “Thiên đường”, và chỉ bằng cây bút đỏ của hận thù giai cấp. Trong “khuôn khổ sáng tác” ấy, bao nhiêu bé thơ sẽ vẽ được những Ước Mơ cao đẹp? Và khi những bức tường chia cắt tầm nhìn của thế giới đã sụp đổ, bao nhiêu em bé thất vọng sẽ lên đường tìm Ước Mơ Mỹ, mà bỏ dở Ước Mơ Việt Nam?

 

Và như thế, em tìm thấy lí do để tẩy xóa những xiềng xích đang trói buộc và chặn vụn Ước Mơ Việt của bạn bè mình. Em nhận ra phép màu diệu kì của lòng bao dung và tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Vì yêu sự muôn màu muôn vẻ của bức tranh Việt Nam, em tự hứa sẽ không áp đặt tông màu ưa thích của riêng mình cho ước mơ của người khác. Vì hiểu rằng Ước Mơ cá nhân của mỗi người chỉ đẹp tươi khi nằm hài hòa trong tổng thể một bức tranh Việt Nam của chung tất cả, em biết yêu và trân trọng nét bút của mọi người như nét bút của chính em.

 

Bằng tình yêu và sự hiểu biết ấy, trên bức tranh Việt Nam của lớp lớp các thế hệ mai sau, em sẽ góp nét bút để tô điểm thêm vô số nụ cười.

 

Giải phóng Ước Mơ của đồng bào mình, và để lại một Tổ quốc đáng yêu hơn cho các thế hệ tương lai – ấy là một ước mơ thật sự đẹp, và thật sự lớn.

 

Chúng ta có đủ lí do để vẽ cùng nhau rồi, phải không  ?