Kẻ lạ trong tôi
Nhà xoay lưng về tiếng vo ve của đàn ruồi bay từ cánh rừng tìm đáp lên cánh tay trái của tôi. Cánh tay có vết nhức nhối to bằng đồng tiền kẽm. Da không có, chỉ trần trụi thịt, vết thương mang cho tôi bao nhiêu là thống khổ và đồng thời cũng bao nhiêu là hạnh phúc. Tình yêu, tôi bắt gặp như vết thịt đỏ hỏn đó: nó tạo ra thứ đớn đau tuyệt thú
Tôi sinh ra và sống ở Kenema, Sierra Leone. Tôi không hề nhớ đã đi khỏi thành phố này, dẫu chỉ một lần, thành phố gồm hai ngàn mái tôn gần như giống hệt nhau. Tôi không hề đánh mất, dẫu chỉ một lần, cái mùi nồng nồng của năm ngàn linh hồn tản mác đó đây . Cha tôi, xưa có lẽ là người đàn ông chung sống bảo ban tôi làm cái này hay đừng làm cái nọ. Những kẻ khác, xưa chúng là anh, là chị, hay là em tôi. Một hôm, cái ngày tôi cố gột đi khỏi trí nhớ, có tiếng súng rồi tiếng gào rú. Tiếng gọi, tiếng rên, tiếng van vỉ. Những lưỡi dao quắm sáng quắc ánh mặt trời chói nhức vung cao. Cha và anh chị em tôi đột nhiên biến mất. Biến hẳn đi như chưa từng có mặt trong thành phố. Còn lại chỉ một mình tôi. Với vết thương trên cánh tay, tôi chưa một lần đã quên rằng nó ở đấy, toang hoác cháy bỏng.
Vào mùa thu năm tôi mười ba mười bốn tuổi, tôi chú ý đến một trong hai ngàn căn nhà rất tầm thường. Căn nhà đó trắng, bám bụi bẩn giống như những căn khác. Mái tôn đỏ, chẳng đáng quan tâm. Bức tường bê-tông dựng quanh bẻ gập làm đôi những cái nhìn của đám bộ hành vật vưỡng. Trên bờ tường, miểng chai hắt ngược ánh sáng vào mặt trời. Nhưng mỗi khi đi ngang tấm lưới căng chặn ngay lối vào căn nhà, luôn luôn cũng lại con người kia đứng phía sau. To cao, lực lưỡng, bắp thịt nồn nộn vì lao động chân tay cả đời, cái nhìn của va lại tựa đổ vỡ bắt tôi phải quay lảng mỗi khi thấy. Thật khó chờ đợi thêm. Tôi liều xông vào. Tôi xin thuê một góc nhà để ban đêm có thể ngủ cho yên. Va ngước mắt nhìn, hỏi tôi, trả bằng gì ? Tôi bảo, bằng chính tôi đây. Tôi có thể làm mọi việc. Thậm chí, tôi mạnh dạn, tôi bán thân xác để đổi dăm đêm ngủ yên. Va gật gù. Tôi hỏi tên nhưng va không đáp. Tôi nhìn vào mắt va. Cớ sao lại có gì như thân quen. Và khi bắt gặp nó thì tôi rơi vào chân không...một giây, hai giây, ba giây .... rồi làø chạm vào mặt đất thô cứng, lưng dập nát, đầu vỡ tung. Rồi tôi thành tù nhân của cổ họng. Hơi thở dồn xuống làm ngạt trái tim chừng không còn muốn đập trong lồng ngực. Rồi tôi vùng vẫy mong thoát ra trốn chạy. Những giọt đỏ lè tóe ra vấy lên tầng mây trên cao. Rồi tôi lại đập tay quơ chân, tất cả hóa ra lại chỉ một màu đỏ. Hồn tôi rách bươm. Mệt lả người, tôi đành bỏ mặc cho mình rơi vào cái dung dịch màu máu nóng hổi len lách vào căn nhà phía sau con người đó. Một căn nhà tôi quen thuộc ngóc ngách như cơ thể và bộ phận của chính tôi. Như tôi hằng đến thăm và được bế bồng ru ẵm bằng tiếng thở than của những bức tường. Rồi cứ mỗi lần tôi lại ngửi đúng cái mùi ấy, mùi cái giường dính bẩn với một người đàn bà tuyệt đẹp, là mỗi lần màu đỏ lại lênh láng tung tóe trên những bức tường. Căn phòng trống phía trái. Căn phòng nhung nhúc người bên tay phải. Họ không thấy tôi, tôi cũng thế. Nhưng tôi thừa biết họ ở đấây, im lặng. Phòng khách ngay trước mặt. ở giữa, một cái TV phát tiếng ồn ào nhưng tuyệt chẳng có hình ảnh. Đằng sau, tiếng nước sôi trong căn bếp bỏ hoang. Thế là vết thương tròn như đồng tiền kẽm lại tấy sưng làm nhức nhối. Và rồi tôi lại thêm một lần bị ném ra đường.
*
Một sáng ở nhà người Liban bán thực phẩm tôi nghe nói họ trở lại căn nhà họ có quyền sở hữu. Họ là những chiếc xe cam- nhông trắng chất đầy gạo, dầu, đường và đủ loại nhu yếu phẩm khác. Họ cũng là những kẻ đến từ xa, mông đít trắng phau, tóc dài xờm, dáng khùng khùng. Khi họ phát quà, phải nhẩy nhổm lên mừng cỡn. Khi họ không cho gì, phải nhẫn nhục cúi đầu như cách độc nhất giữ hy vọng. Và tôi lại nghe rằng tay quản gia của căn nhà tên là Mohammed. Va giữ căn nhà nguyên lành mặc cho thời gian sói mòn và những cơn giâïn dữ của đám người vây quanh. Chẳng ai biết gia đình lẫn bạn bè va. Họ chết hay họ chưa bao giờ tồn tại ? Không một ai muốn đả động đến điều này. Rồi như mọi người còn sống tôi ra đón những chiếc cam-nhông. Tôi nào ngờ, Trời ơi, là tôi lại sẽ tìm thấy tình yêu ngay ở đấy.
Lúc đó là quãng 3 giờ trưa. Trời mây xám xịt, tôi nghe tiếng nhưng không thấy những chiếc trực thăng bay thám thính dãy núi nằm sau thành phố. Đợi vài giờ dài như thời gian cả tuần, tôi chẳng có gì ăn, lỗ rốn sưng lên lòi ra to hơn bình thường. Đám đông áo quần sặc sỡ với chút hy vọng tìm được một công việc tạm bợ hay một món quà vặt. Đàn ông thắt cà vạt, đàn bà mang váy màu cam, người què cụt, kẻ không quần không áo. Họ kêu la, chen chúc, kết cuộc dính chùm vào với nhau. Một tổ ong không có ong Chúa. Sau cánh cửa câm như hến, Monhammed ở đó, nét mặt thật khó tả. Có vẻ như va không chịu được khi tôi phải chờ như va. Phần tôi, tôi tránh không nhìn va. Rồi đoàn cam-nhông tới nơi. Sáu chiếc trắng muốt mầu tuyết, cần xe ngửng lên hứng gió, trong đầy ắp thực phẩm. Mặt trời bỗng hiện ra tắm sáng cho đoàn xe như thể chúng là sứ giả của Thượng Đế. Trời nóng. Đám người cất tiếng hát nhưng vẫn túm tụm trên đường không để bất cứ kẻ nào mới đến dành chỗ. Không khí hiếm dần, tôi ngột ngạt. Trong tiếng kèn xe và lời quát tháo để dẹp đường, đoàn xe từ từ vạch lối giữa đám đông đang chen lấn. Chung quanh tôi, người rồi người ép vào từ tứ phía. Đoàn xe từng cái biến vào sau bức tường. Trừ chiếc cuối cùng. Nó ngừng lăn bánh trước Mohammed. Và đấy là lần đầu tôi nhìn thấy Nàng. Sức rung động khiến tôi nghẹn hơi không thể thở. Nàng giáng thẳng lên lồâng ngực khiến tôi quị xuống ngay chân nàng. Tình Yêu, tôi quyết cứ gọi như thế, thật quá vũ bão và chẳng có thể hiểu bằng lý lẽ gì cả. Mỗi nét trên khuôn mặt Nàng khắc trạm vào tâm cảm tôi cứ dập dềnh mơ mơ ảo ảo. Nàng bất ngờ trở thành ngôi sao của riêng tôi, nhưng còn tôi, tôi vẫn chẳêng biết một điều gì về Nàng. Chỉ một thoáng, Nàng là tất cả, lý do của cả sống lẫn chết đối với tôi. Thật kỳ cục. Một cái rùng mình chạy dọc sống lưng trong khi đó cơn nóng ran xuôi xuống đôi chân tôi. Tôi, một kẻ kỳ cục. Nhưng sao Mohammed lại mỉm cười.
Chiều hôm ấy khi trở về nhà, người tôi nặng chịch nhưng lòng lại vắng xa. Đám trẻ kêu la. Tôi bước qua nhà không nhìn lại. Tôi đã thành một kẻ lạ. Chỉ còn mùi hăng thối ngập ngụa là quen thuộc lôi tôi khỏi nỗi lo sợ đang ập xuống. A, cái mùi thật khó chịu. Rồi tôi tìm ra là nó toát ra từ chính thân thể tôi. Mắt tôi chỉ còn thấy bóng đen với chiếc giường dơ dáy xa xa. Dục vọng bỗng tràn ngập trong tôi. Da dẻ xâm xấp, bắp thịt căng cứng, tôi ngả mình nằm dài trên đống thịt da tròn trịa ẩm ướt nhưng chắc nịch. Ai đó gõ vào đầu tôi những hào hển. Nhưng càng gõ tôi càng cựa quậy. Thứ động tác tới lui đều đặn rồi chỉ lúc sau là chịu không cứ giữ nổi mãi một nhịp. Dục vọng chẳng thể vòng vèo qua mặt được nữa. Chó tru lên sủa. Và thân người nằm ở dưới cái sức bung phá của tôi vẫn cứ lặêng lờ. Thành một, với tôi. Rồi chợt khuôn mặt Nàng lại quay về ám ảnh. Vẫn động tác ấy với khuôn mặt Nàng, bây giờ thành thứ thể khối không tách nhau được. Nóng, trời hừng hực nóng và có tiếng đàn bà cười bên ngoài. Một ngọn gió thoảng qua phòng, nồng nặc xác thịt. Mồ hôi ứa chảy trên thái dương, qua lưng rồi đậu lại giữa hai chân. Tôi cảm thấy con sóng của trận bão vừa uốn vòng trong bụng. Và cả cái thân thể bất động, nằm dưới, và nằm ngay trong tôi. Không còn ngửi mùi nước đái, mùi thịt ươn bên cạnh. Tôi đã quên. Thật ra, tôi chẳng còn biết tôi ở nơi nào. Rồi mặt chiếc trống áp vào đầu vào mặt bỗng lên tiếng, đập nhanh, nhanh hơn, từng chặp. Tất cả quay cuồng. Đời tôi, những giấc mơ, và dạ dầy. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng trống, tôi chỉ còn cảm thấy xột xoạt bước đi của đàn ông, phụ nữø và trẻ con. Từ xa, tiếng hát kêu thương của dăm bà già vẳng lại. Thình lình thân thể bài tiết ra thứ chất nhờn âm ấm giải phóng tôi. Một mảnh voan chụp xuống, dịu dàng kèm quên lãng. Sau đó, tôi chẳng làm sao nhớ được gì nữa.
*
Thức dậy buổi sáng hôm sau tôi thấy máu loang lổ trên nền đất. Tôi không sợ, cũng chẳng mảy may động lòng. Chỉ ghê tởm cái mùi thối hoăng bên cạnh. Nhỏm dậy, tôi ngồi lên giường.Tôi cô đơn, quá cô đơn. Rồi tôi nhớ, chiếc xe, mặt trời, khuôn mặt Nàng. Tôi phải thức giấc, phải thoát cơn mộng mị, đi tìm Nàng. Chắc chắn Nàng đợi tôi.
Nền đất vung vãi mảnh thủy tinh và đá vụn cứng sắc. Tôi phải đi thật lâu mới đến được với Nàng. Lâu hơn nữa, mới ngửi được, sờ được Nàng. Nhưng chưa kịp, Nàng lại thoắt đi. Và lúc Nàng ở lại là lúc tôi phải trốn chui trốn nhủi để tránh những lưỡi dao quắm. Thật oái oăm, Nàng và tôi chung một chốn trọ nhưng cứ kẻ ở người đi như số kiếp dành cho những mối tình không ngày mai. Xa Nàng, tôi hốt hoảng lồng lên chạy tìm. Có lẽ đấy là lần thứ mươì tám tôi lại qua con đường đó, chân rộp lên phồng đỏ. Men theo vách tường, tôi nhảy từng cái một, dáng kiêu hãnh. Người ta lảng nhìn khi chạm mắt tôi. Họ im lặng.Tôi chẳng hiểu vì sao. Một tiếng súng.... Tôi nghiêng người, tôi ưỡn dậy, tôi chạy. Một tràng liên thanh...ở trên, ở dưới, đằng trước. Những kẻ nói lên lời, có kẻ bảo tôi điên, có kẻ bảo tôi gan. Nhưng tôi, tôi biết, tôi chỉ sợ. Nỗi sợ nghiền nát tạng phủ, dính cứng yết hầu và làm lưỡi tôi đắng chát. Nỗi sợ đó, như lời Cha tôi dạo nọ, là cái khiến con người trực cảm được hiểm nguy, tránh nó hoặc là loại trừ nó. Nỗi sợ làm tứ chi run rẩy, một khi trọn vẹn thấm vào cơ thể thì bỗng hóa ra cái áo chống đạn. Nỗi sợ khiến thảng thốt la ban đêm và cười hinh hích ban ngày, sinh ra tôi rồi sẽ nhìn tôi qua đời, đeo đuổi và thành sức mạnh. Tiếng nổ inh tai sau lưng thình lình ném tôi vào bức tường đen màu khói súng loang lở vết đạn. Tình cảm, hay cái gì từa tựa thế, bỗng nhạt nhòa bất định. Tôi không còn phân biệt được nỗi sợ trên khuôn mặt Nàng. Tôi vùng chạy cho nhanh. Tôi sợ mất Nàng. Mất nỗi sợ.
*
Nàng ở đấy. Mặt Nàng rạng rỡ soi sáng những tấm kính xe. Tất cả ngưng động xung quanh. E làm biến đi phép mầu, cả người lẫn vật đều tự xóa mờ chính mình. Chỉ có Nàng. Nhưng mỗi lần như vậy, tựa một cái đồng hồ vặn sẵn, tên quản gia lại mở hai cánh cửa sắt để mặt trời, rồi đoàn xe và những kẻ trong xe đi vào. Mặc thêm một lần giấc mơ của tôi lại mất hút sau thứ kim khí băng lạnh. Và tôi chỉ còn nhớ được đôi mắt. Đôi mắt khi thì xanh trong, khi lại đen nhánh. Hôm nay, Nàng nhìn tôi. Tôi xấu hổ. Nàng không thèm nhìn nữa. Tôi quay đi tránh né. Tôi làm Nàng kinh tởm. Từ ấy, tôi quên màu đôi mắt.
Năm tuần. Tôi đã đến với nỗi hân hoan của trẻ thơ. Đôi khi tôi uống rượu trước khi đi. Chân đông đá chân tây, tôi xiêu người ngã, mặt chúi xuống bùn, rồi lại chồm dậy, bước nhanh hơn, hãnh diện vì mình can cường. Thế mới là đời sống. Đổi ít đớn đau cho thật nhiều hạnh phúc.
Một bữa tôi đến chậm. Chiếc xe trắng nằm bất động trước cửa, bụng huếch hoác. Chỉ còn độc bộ xườn rỗng tuếch im lặng, xe như mắc chứng nan y vào giai đoạn cuối cùng. Tôi không thấy Nàng hôm ấy. Và chính tôi ngả bệnh, thứ bệnh chẳng chữa nổi. Mặc dầu muốn bỏ trốn, chân tôi đóng đinh vào nền đất không làm sao động đâïy được. Nền đất khô cằn thành cái phần nối dài của thân thể và nỗi đau. Nào, một, rồi hai, ba. Tôi cố dứt người ra, lao đi chỗ khác, trên mái tôn, lên tường gạch, vào bầu trời. Thịt bàn chân tôi dính cứng vào đất đá, cọng cây, vào than đốt, vào bụi bậm. Đến khi máu ứa ra từ những ngón chân tôi mới để ý đến cái bóng của chính mình. Lạ lùng, nó ngả dài ra đến chiếc xe. Mặc dầu tôi nhỏ thó. Không, mặt trời sau lưng không có cái khả năng làm tôi phình to đến như vậy. Phải chăng vì Nàng đã chờ tôi. Nhút nhát, cẩn trọng, Nàng rẽ bước về phía tôi, bóng đổ xoài trên mặt cát. Tấm áo choàng dầy cộm phủ người. Nàng cởi áo, động tác trìu mến, theo nhịp đong đưa của hoàng hôn vừa buông xuống.
Nàng là núi trạm chổ bằng lửa, nước và gió. Trắng trinh mảnh băng đóng một màu xanh lơ. Nàng là mặt trời sắp lụn trên những bức tường bụi bậm của làng mạc lịm lắng vào đồi cát. Hôn phối giữa đất và trời, cong mởn gợi khêu gọi mời. Duyên mặn mà một đêm trời đầy sao cứ đẹp, đẹp mãi, đẹp cho đến thiên thu. Bài thơ bằng cẩm thạch ẩn trong tổ đá ong. Nàng ở đó, như thế, ngay chốn tôi muốn đến trọ. Giữa trái tim cuộc sống. Và tôi chợt sợ.
Mỗi giây mỗi phút sau lần gặp gỡ đó, tôi phải ra sức giữ Nàng cạnh tôi ít ra là trong tâm tưởng, nhưng chẳng còn bao giờ thấy được mặt. Nàng không ngơi nghỉ bóc trần trái tim tôi rướm máu mỗi ngày. Tôi bước, Nàng vẫn ngự ngay trên đỉnh nỗi trầm tư ám ảnh. Như phép phù thủy. Tôi yếu đuối. Tôi chót biết niềm hạnh phúc thoáng qua khi khiêu đố Nàng, và tôi sẵn sàng tiếp tục lập lại. Cũng có thể thế là mất Nàng mãi mãi. Tôi chẳng còn biết Nàng có phải là giấc mơ hay là cái vị nửa chua nửa ngọt một quá khứ tôi muốn quên đi. Xá gì, cứ hàng ngày tôi vẫn còn phải đến với Mohammed, với đoàn xe cam-nhông đầy thực phẩm trong căn nhà bằng vàng. Và không nhận rằng nay Nàng dần dần trở nên thứ thói quen ngày một thân thuộc. Nàng đã thành con đỉa đang hút đến cạn kiệt dòng máu trong tôi.
Một chiều nóng đến ngạt thở, tôi quay về nhà thì Mohammed đứng một mình trước cửa, mắt nhìn có chiều lo lắng hơn thường ngày. Họ đã đi hết, tất cả. Cả Nàng cũng vậy. Trên những ngọn đồi bao quanh thành phố, tiếng trái pháo ùng oàng nổ. Mắt thất thần, tôi bắt gặp Mohammed nhìn lại, và đó là lần đầu tôi để ý thấy va nay cụt cả hai tay.
Tái bút :
Kenema là thành phố nằm giữa một vùng màu mỡ ở Sietra Leone. Thành phố nhỏ, có thể chẳng bao giờ được kể trong những pho sử cho cả người lớn lẫn trẻ con. Nhưng một khi đã sống ở đấy, có thật nhiều điều để nói. Dẫu xung quanh là rừng, trung tâm thành phố lại nhắc nhở miền viễn tây của nước Mỹ. Trên những con phố bụi bậm chen chúc nào là người da đen, người Liban, đám làm việc thiện nguyện và bọn lính tráng. Kim cương là cái mồi dử gây ra một cuộc nội chiến tàn khốc từ 1991. Dân chúng chịu đựng những cuộc thảm sát dã man, hàng vạn người bị chặt tay chặt chân, và trẻ con từ 6 đến 16 tuổi bị bắt cóc, bị ép ghiền ma túy rồi buộc phải làm những việc ghê rợn chém giết ngoài tầm tưởng tượng. Tuy thế, con người vẫn tiếp tục sống còn, dấu triện đóng như vết tích của lòng can đảm. Và Kenema vẫn cứ là cái nôi đong đưa những chuyện tình tuyệt vời. Vào thời chiến, rất đặc biệt, tình yêu và nỗi sợ quyện vào nhau thành một, tôi tạm gọi trong truyện là Nàng cho gọn.
Eric Viet , Une étrangère en moi, 2000
ND chuyển ngữ