Truyện ngắn
Âm vang
Cơn mưa tầm tã, chợt đến. Mưa như trút nước, ầm ầm. Nó nhìn qua cửa kính, rùng mình vì cơn thịnh nộ bất chợt của đất trời. Nó thấy ngấm mệt, bụng đã sôi ong óc. Nó nhìn đồng hồ, đã hơn bảy giờ tối rồi.
Đây là đứa học sinh cuối cùng và cũng là buổi cuối cùng nó phải dạy thay cho một đồng nghiệp bị ốm đã hai tháng nay.
“Đồ....rê ...fa. . .. fa”. “Phải thả lỏng cổ tay ra... thế... thế... được rồi... cố lên, chơi nốt đoạn này nào”.
Đứa bé ngồi trên xe lăn, cố gắng điều khiển bốn ngón tay của bàn tay bị tật. Trán cô bé nhíu lại, mồ hôi lấm tấm.
Hỡi ôi! Mình còn đủ cả mười ngón tay mà còn đánh vật với cái nghề này. Nó ngao ngán nghĩ.
Thôi được, nó đột ngột kết thúc và ngắm nhìn cô bé học trò, muốn nói mấy lời thật dịu dàng, an ủi mà lời tắc trong cổ họng vì mệt mỏi.
***
Cách đây hai tháng, nó đang tập đàn ở ký túc xá thì bỗng có tiếng gõ cửa dồn dập.
“Ai mà mất lịch sự thế. Không nghe thấy người ta đang tập đàn à ?"
Nó bực dọc nghĩ, rồi miễn cưỡng ra mở cửa.
“Dobry den” - Chào một ngày tốt lành.
Một thân hình đồ sộ và mái tóc nhuộm vàng rực của bà hiệu trưởng trường nghệ thuật hiện ra ở cửa.
“Anka” Bà ta hổn hển, chắc là vừa phải lê thân hình phục phịch leo ba tầng thang gác.
“Cô có thể dạy trong hai tháng được không ?”
Nó mở rộng của mời bà ta vào và suy nghĩ: “Kỳ thi quốc tể còn xa, vả lại cũng thấy cần tiền quá”.
“Đi dạy ở đâu, thưa bà?”
“Trường trẻ em tàn tật, Starohajska!”
“Ối, thế thì xa chết!" Nó buột miệng.
“Tôi biết, tôi biết."
“Nhưng cô cố giúp tôi đi” - bà hiệu trưởng năn nỉ. “Đang giữa năm học thế này, tôi biết là khó lắm. Xin cô hãy giúp tôi.
***
Thế là nó đến đây. Một tuần ba buổi chiều, từ 12 giờ 30 đến 19 giờ 30 để dạy Piano cho trẻ tàn tật.
Nó đưa mắt tò mò nhìn khuôn viên đầy cây và hoa lá. “Ngôi trường đẹp
quá, chắc là được nhà nước ưu tiên tài trợ nhiều, không xập xệ như những trường mà mình đã từng dạy trước đậy”.
Sau bữa ăn trưa, lũ trẻ con hồn nhiên hò hét. Một đứa trẻ cài nơ đỏ trên mái tóc gọn gàng, óng mượt chợt va vào nó.
“Pardon” — xin lỗi.
Thì ra nó bị thong manh. Thong manh mà tóc tai rất gọn gàng, diện váy đỏ, giày đỏ, trông vui tươi, rộn rã như con chim. Nó nghĩ và bất giác sờ lên đầu rồi nhìn lại bộ quần áo của mình. Cái quần bò mặc liên miên đã te tua nơi gấu. Tóc tai bù rối vì phải chạy đuổi theo xe buýt cho kịp giờ. Nó bước vào toalet, chỉnh sơ qua quần áo, đầu tóc rồi bước vào phòng học.
Giờ đầu tiên là giờ của cậu bé bị liệt chân. Cậu tiếp thu rất nhanh, chơi rất chính xác. Được khen liên tục nên cậu tỏ ra phấn chấn và bạo dạn hẳn lên. Cậu hỏi nó từ đâu đến. Rồi hồn nhiên kể cho nó nghe là ông nội cậu ốm nặng, cậu sống với ông từ nhỏ và mới vào trường này ở được một năm.
“Sao mà giống mình thế!” Nó chợt se lòng.
Nó vuốt tóc cậu bé và hẹn tuần sau gặp lại.
Nhìn cái bóng nhỏ lăn xe khuất sau cửa sổ còn cố ngoái lại cười.
Ánh mắt thằng bé tràn đầy niềm vui và hy vọng. Nó chợt nghĩ đến mình:
“Còn đầy đủ chân tay và khoẻ mạnh thế này tại sao lại hay bi quan thế ?”
Sang tuần sau, nó ăn vội đĩa cơm sống ở nhà ăn tập thể, đổi hai chặng xe bus để 12 giờ 30 kịp giờ dạy đầu tiên. Cậu bé đã cầm quyển sách đàn chờ nó ở cửa lớp tự lúc nào.
Cậu bé đĩnh đạc chào nó rồi lăn xe vào lớp rất trang trọng. Cô giáo phụ
trách lớp chợt đi ngang nói với nó:
“Jano, hôm nay xin đi ăn cơm sớm để kịp giờ học đàn, chắc Jano rất thích chơi Piano đấy!”
Giờ học bắt đằu. Cậu bé chơi lại gam rồi bất chợt nói: “Cô có thể chơi cho em nghe một bản nhạc buồn buồn được không? Hôm kia ông em đã mất rồi!”
Ồ !!!
Nó chơi cho cậu bé nghe bản nhạc “Búp bê ốm ” của Tchaikovsky, rồi bản “Con cu li ” của Beethoven. Chơi xong nó quay lại định nói vài lời thì bỗng thấy gương mặt cậu bé đẫm nước mắt. Thấy nó quay lại, cậu bé oà lên nức nở.
Nó cũng thấy sống mũi cay cay.
Nó ôm lấy cậu bé và như thấy lại mình cách đây mười năm . Trong giây lát, tâm hồn yếu đuối của nó như dựa hẳn vào nỗi đau của cậu bé và bất chợt, nó có cảm giác như cảm thấy được an ủi cho tuổi thơ mà nó đã từng nghĩ là rất bất hạnh.
Hai tháng dần trôi cho đến hôm nay, cơn mưa vẫn tiếp tục xối xả, trút
nước ầm ầm. Sấm nổ đinh tai.
“Thế này thì nhà ăn đóng cửa rồi”. Nó thấy lả người vì đã dạy liên tục bẩy tiếng đồng hồ.
“Làm thế nào để về đây? Mưa to thế này, chắc đến đêm cũng chẳng tạnh, khéo phải gọi taxi mẩt. Thế là đi đời mấy trăm korun. Mất toi buổi dạy !". Nó uể oải đóng nắp đàn, nghe tiếng “cạch” vang lên khô khốc, nó thèm cốc nước chè. Nó loanh quanh, cố nấn ná chờ đến chín giờ tối cho tạnh hẳn cơn mưa. Nó lơ đãng nhìn những cành thông đập vào nhau vun vút, quằn quại trong gió. Màn mưa mù mịt giăng giăng, trời đã tối đen.
“Còn hai năm nữa sẽ tốt nghiệp, một xu chẳng có làm sao mua nổi cây đàn?
Tiết kiệm mãi mà chẳng đủ tiền để làm gì cả!"
Nó buồn bã nghĩ.
“Sao đời người thì ngắn mà phải cố gắng nhiều thế không biết. Liệu khi có hết tất cả mọi thứ rồi thì có còn nỗi lo không nhỉ?”
Bóng bà xơ nhẹ lướt qua, cắt ngang dòng suy nghĩ lan man của nó. Tà áo chùng thanh thoát trong hành lang vắng lặng.
Chiếc taxi màu vàng đưa nó về ký túc xá lúc 10 giờ đêm.
Người lái xe râu ria xồm xoàm hỏi nó có việc gì ở trường trẻ em tàn tật vào giờ này. Nó thật thà kể cho ông ta nghe…
Lúc đến nơi, nó loay hoay tìm tiền. Người lái taxi xuống xe ân cần mở
cửa cho nó.
‘Thôi ! Không phải đưa tiền đâu! Chúc cô gặp nhiều may mắn’ ông ta nói, giọng ồm ồm ấm áp.
Cuối học kỳ, chương trình học thi quá căng thẳng cộng với việc tập một
chương trình thi piano quốc tế khiến nó gần phát điên. Trường đời tai ngược cũng thừa dịp dạy cho nó mấy bài học đích đáng. Lắm lúc nó nghĩ, sao mình không chết quách đi cho rồi.
Nhưng, vào những lúc thất vọng nhất, trong đầu nó lại hiện lên hình ảnh khuôn mặt đẫm nước mắt của cậu bé học trò bị liệt chân và giọng nói ồm ồm của người lái taxi trong màn mưa đêm nào.
Hoàng Thị Kiều Anh
Bratislava 2003.