KietTanMN

 

Mai Ninh giới thiệu

 

 

Đề cập đến văn chương Kiệt Tấn nhiều người nhắc tới trước nhất các truyện ngắn về tình yêu của ông, như thể không nói không được. Thật thế, trong văn chương Việt Nam đến nay khá hiếm truyện tình như truyện tình Kiệt Tấn. Ngùn ngụt, cháy bỏng, da thịt, nhưng chẳng phải chỉ có thân xác ngồn ngộn, tình yêu nam nữ ấy cuộn tròn thương yêu đằm thắm, da diết. Tác giả không những nhấn hết ga trong cách miêu tả hành động, mà còn bới lục đào sâu tâm lý, dùng thứ ngôn ngữ đối thoại khi sống sượng buông tuồng, khi lãng mạn phủ dụ. Cái hấp đẫn còn từ một văn phong không kém phần chải chuốt mà người đọc vẫn thấy rất thực, hồn nhiên.

Hai tác phẩm ‘‘Năm nay đào lại nở’’* và  ‘‘Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi’’* giới thiệu dưới đây thì lại khác. Chúng vẫn trung thành với dòng văn trữ tình đặc biệt của Kiệt Tấn nhưng không phải những ngọn lửa bùng bừng thiêu đốt thịt da cảm xúc nữa, chúng là sức nóng âm ỉ của than hồng trong đáy sâu tâm thức của con người, một con người lưu lạc mà quê hương trông về chỉ còn ngút ngàn mây trắng. Chắc chắn chẳng ít độc giả như tôi, cảm nhận ra cái quê hương của Kiệt Tấn và rồi của chính mình ấy, không là gì khác hơn hình ảnh của một thời quá khứ. Để rồi xúc động với từng dòng văn. Ở đây, văn Kiệt Tấn càng chân chất hơn, đơn giản hơn, lắm khi người đọc gặp cả mấy câu lời lẫn ý lập đi lập lại, tựa rất vụng về nhưng thật ra là cố ý : ‘‘Bà già cầm cái chuông nhỏ đưa lên lắc leng keng, ngó tôi mỉm cười. Mỉm cười vì bà đã được tôi ngó.’’,  ‘‘Có bữa tôi ngó bà, bà ngó tôi, đưa cái chuông lên lắc leng keng, cười móm...’’. Một cố tình để đánh mạnh vào ký ức, vào cảm xúc.

Vẫn biết sống là sống với hiện tại, không phải với những gì đã qua hay sẽ đến, thế sao hồn người vẫn bị nhồi lên dận xuống theo triều sóng, khi đọc những trang viết về quá khứ tuổi thơ, về những người muôn năm cũ như thế này của nhà văn ?

* trích từ tuyển tập Kiệt Tấn, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ, 2002.

 
 
     
 
 

 

KIỆT TẤN
 

 

 

 

Năm Nay Đào Lại Nở

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

                        Người thuê viết nay đâu

                      Giấy đỏ buồn không thấm

                                   Mực đọng trong nghiên sầu...

Vũ Đình Liên

 

- Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm. Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ ?

Tiếng hỏi làm tôi giật mình ngó người đàn bà chít khăn mỏ quạ. Tôi vừa ăn xong cơm chiều, đang đứng trước sân nhà xỉa răng ở trần cho mát. Tôi vội đáp :

- Thưa cụ vừa mới Tết xong ba bữa. Còn lâu lắm mới Tết nữa.

Người đàn bà có vẻ bối rối :

- Thế hở ông ? Thế mà cháu quên mất, làm phiền ông quá. Ông cho nhà cháu xin lỗi.

- Thưa cụ, có gì đâu mà xin lỗi.

Một cơn trốt thổi đến xoáy những cánh bông giấy chạy tán loạn trong sân. Bông giấy đủ màu : đỏ , cam, tím, trắng ; Tết nào cũng rụng đầy, đúng hẹn với trời đất. Người đàn bà ngập ngừng :

- Phiền ông cho nhà cháu hỏi thêm : Ông có biết nhà ông Đa ở lối nào xin ông chỉ hộ cho nhà cháu.

Nữa. Lại câu hỏi đó nữa ! Tôi vừa nghĩ thầm vừa nhìn vào đôi mắt hom hem của bà. Chiều nay bà không đeo kiếng mát, loại kiếng gọng nhỏ, có tròng đen tròn vo như loại kiếng đen lính cảnh sát đeo trong phim Hitchcock. Bà lại bối rối, cố nhoẻn miệng cười vớt vát, để lộ mấy chiếc răng nhuộm đen còn đương cự được với tuổi trời.

- Dạ thưa cụ, cháu không biết nhà ông Đa ở đâu.

- Thế hở ông ? Thật khổ quá ! Cháu đã hỏi thăm nhiều người mà không ai biết nhà ông Đa ở đâu cả.

Bà lí nhí xin lỗi rồi quay lưng đi, chiếc lưng mà sức hút của trái đất sáu bảy chục năm qua đã bẻ còng. Bà lom khom lê đôi dép Nhựt Bổn, đôi dép đã cũ, cao su bè ra hai bên. Tôi chắc chắn bà sẽ lại đi lượm lon, lon sữa bò, lon thịt hộp, lon đậu hộp... Mục này nằm trong chương trình hoạt động hằng ngày của bà. Không ai biết tên bà. Má tôi quen gọi bà là ‘‘Bà Lượm Lon’’. Nhiều lần má tôi cho bà cái lon không đã rửa sạch, và kết chuyện với bà. Không biết hai bà già lẩm cẩm nói gì với nhau mà cười tíu tít như xuân nữ. Có bữa thấy bà lom khom sục sạo ngoài hàng rào, má tôi sực lo ngai ngái cho tương lai của chính mình.

- Tao sợ nữa già tao cũng lẫn lộn rồi đi lượm lon như bả quá ! Rồi mầy với thằng con mầy đẩy xe bỏ tao trên núi.

Nói xong, bà cúi xuống hun thằng con trai của tôi bà đang bồng trên tay. Cục cưng của bà đó. Rớ tới là bà xuống đường, tuyệt thực để phản đối.

Bà Lượm Lon quẹo ở hông nhà tôi rồi đi ra phía đường lớn, đại lộ Bạch Đằng, xóm Hàng Xanh. Bà sẽ lạch bạch băng qua bên kia đường lớn, hỏi thăm nhà ông Đa, rồi thất vọng quay lộn trở về lề đường bên này, lại hỏi thăm nhà ông Đa, lại thất vọng, lại lạch bạch băng qua bên kia đường... Đâu mười bữa trước, tôi đang sơn lại cửa rào trước nhà thì bà tới gần hỏi tôi, vẫn giọng lễ phép cố hữu của người nhà quê miền Bắc :

- Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm. Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ ?

Tôi dừng cọ sơn, mỉm cười ngó bà :

- Thưa cụ còn bốn bữa nữa thì Tết. Cháu đang sơn lại nhà để ăn Tết đây.

Bà cười tếch toác, răng đen nhánh :

- Thế hở ông ? Sắp Tết rồi, vui quá nhỉ ?

Bà đưa tay sửa lại chiếc khăn mỏ quạ bị gió xuân xô lệch.

- Dạ... dạ thưa ông, xin phiền ông chỉ hộ cho cháu nhà ông Đa, cháu đi tìm mãi mà...(v..v...)

Nữa. Lại nhà ông Đa nữa ! Ông Đa nào ? Tôi không cách gì biết được. Ông Đa là ai ? Tôi mù mịt. Ông là gì của bà ? Một thân nhân ? Một ông chủ cũ ? Một người chồng cũ ? Một nhân tình cũ ? Ở đâu ? Hà Nội, Hải Phòng, Bùi Chu, Nam Định hay Phủ Lý ? Kỷ niệm gì mà trên bước đường di cư khi đất nước chia hai đeo đuổi, đeo riết khiến bà còn nhớ hoài, nhớ mãi, cho tới bây giờ ? Hai người đã yêu nhau khắn khít, sống vô số kỷ niệm đẹp, rồi đùng một cái ! Xa nhau ? Tôi cứ phỏng đoán lan man. Rốt cuộc vẫn là người mù đi trong bóng tối giữa đêm ba mươi.

Nhà ông Đa ở đâu, tôi không biết đã đành. Nhưng ngay chính nhà của bà ở chỗ nào tôi cũng không biết. Chỉ biết đại khái bà ở đầu xóm, vì bận nào bà cũng từ đầu xóm đi lại, qua ngang cửa nhà tôi, quẹo trái rồi băng qua đại lộ Bạch Đằng. Rồi băng trở lại (vân vân). Tung tích : bà là người di cư. Gốc gác : nhà quê miền Bắc – dựa theo giọng nói. Tuổi tác : trên sáu mươi – dựa theo chiếc lưng còng. Dĩ vãng : ông Đa. Hoạt động : lượm lon. Hết !

Bốn mùa bà chít khăn mỏ quạ màu nâu đất đã bạc thếch. Quần dài đen, áo cánh đen tay ngắn, răng nhuộm đen, đi dép Nhựt Bổn bè bè, đeo kính đen tròng kính tròn vo. Một đời sống bình yên thuở nào bên sông Hồng, giờ chỉ còn lại có bao nhiêu đó. Thời buổi này giặc giã, hoả tiễn Nga thụt vô Sàigòn, phản lực Mỹ xẹt ngang Gia Định, xe tăng thiết giáp rần rần rộ rộ, kéo lê những khẩu đại bác dài ngoằng băng qua xóm Hàng Xanh của tôi và Bà Lượm Lon rồi trực chỉ xa lộ Biên Hoà. Xe tăng tương đối chạy chậm, so với xe vận lương phóng ào ào, nườm nượp, súng bắn lốp bốp mở đường, lôi theo những thùng sắt khổng lồ, no ứ, xẹt tới xẹt lui không ngớt trên đại lộ Bạch Đằng.

Sau khi chứng kiến vô số tai nạn – một lần trái tim người bị cán văng ra còn đập nhẩy trên mặt đường nhựa – tôi thường ê ẩm hàm răng, tóc tai dựng đứng, nổi da gà khiếp vía khi thấy Bà Lượm Lon đi ngang qua cửa nhà tôi, quẹo trái, chập sau có tiếng xe vận lương rầm rộ, súng nổ lốp bốp, rồi tiếng phanh xe khịt khịt, tiếng bánh xe cao su chợt đứng sững nhưng còn trớn cày xiết trên mặt đường nghe rát ruột. Tôi sợ rồi một ngày nào đó cái khăn mỏ quạ, đôi dép Nhựt Bổn, mấy cái lon vừa lượm được sẽ văng tung toé dưới lườn của một thùng sắt đồ sộ. Người ta sẽ thu nhặt những gì còn lại của chiếc lưng còng, của hàm răng đen, của cặp kiếng đen, của một thuở bình yên bên sông Hồng, của những tình tự một thời với ông Đa. Người ta sẽ bỏ hết những thứ đó vào một cái hòm nhỏ, đem chôn ở một nơi rất xa thành phố. Rồi mọi người sẽ dần dần quên, quên hết. Chẳng còn ai nhớ trong xóm mình đã từng có một bà người Bắc Kỳ lom khom đi lượm lon ở miền Nam – lượm lon để làm gì không biết. Sẽ không còn ai hỏi thăm nhà ông Đa. Cũng sẽ không còn ai hỏi tôi, khi mùa xuân hãy còn đó :

- Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm : Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ ?

- Thưa cụ, vừa mới Tết xong. Còn lâu lắm mới Tết nữa cụ ạ !

 

Không rõ vì lẽ gì mà mỗi lần hoa mai nở, mỗi lần  hoa đào nở, mỗi lần Tết đến là tôi lại bị ám ảnh bởi những người đàn bà già nua mà tôi đã có dịp gặp trong đời. Có lẽ tại vì tôi nhìn thấy quê hương qua những bà già đó, một quê hương vừa yêu dấu, vừa ngậm ngùi. Thương đứt từng khúc ruột. Viết tới đây tôi lại chảy nước mắt. Trời ơi: Sao tôi cần quê hương đến như vậy !

Những bà già đó tượng trưng cho quê hương. Không ! Những bà già đó là quê hương. Những bà già có làn da nhăn thơm tho mùi đất, có nụ cười rì rào tre trúc, có bàn chân nứt nẻ phù sa, có trái tim từ bi vô lượng, trái tim đó đã bơm máu vào rún tôi từ thuở tôi trong bụng mẹ, lúc tôi còn nhỏ xíu, lớn chưa bằng đầu ngón tay. Trời hỡi ! Sao thương quá sức ! Ai nỡ cắt ruột cho đành ? Tôi thèm thương. Tôi thèm khóc. Tôi thèm quê hương. Thèm quá đỗi ! Tết lại đến rồi đó...

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ ?

Năm nay đào lại nở. Phải, năm nào mà đào lại chẳng nở ? Tôi muốn la một tiếng thất thanh : ‘‘Ôi Quê Hương !’’. Đào lại nở, tôi lại nhớ. Tôi nhớ những người muôn năm cũ, những bà già lượm lon, những bà già bán cà-rem ở trường học, những bà già bán đậu phọng ở bến xe, những bà già bán nước mía trong chai xách trên chiếc bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vàm Cống hay Rạch Miễu đưa bà con về thăm nhà trong dịp Tết. Những bà già mà mỗi lần ngó, bạn đều được tặng không một nụ cười hiền lành – hiền lành như cặp mắt của con trâu đi cày. Cũng không có gì khác để tặng bạn ngoài nụ cười đó. Rồi Tết qua, trở lại chuyến bắc, có thể bạn sẽ không còn gặp lại bà già đó nữa. Không bao giờ ! Nụ cười tặng không đã mất. Cũng như quê hương.

 

Bà già cầm cái chuông nhỏ đưa lên lắc leng keng, ngó tôi mỉm cười. Mỉm cười vì bà đã được tôi ngó. Bà ngồi ở sân trường, giờ ra chơi. Tôi học lớp nhứt, được đâu mười tuổi. Cái nón lá rách để một bên, cái bình cà-rem để một bên, bình tròn dài sơn xanh, trên đậy nắp thiếc mạ kền đã trầy ố. Bà vừa từ bên trường nữ cách đó khoảng hơn trăm thước tất tả chạy qua, mồ hôi còn đổ hột trên trán. Bên trường nữ vừa hết giờ ra chơi là tới phiên trường nam ra chơi, trống giục liên hồi. Có lẽ bên trường nữ bà già cà-rem bán được hơn bên nầy. Bên nầy tụi nhóc khoái đổ xí ngầu hơn là bỏ tiền ra mua cà-rem một cách lương thiện. Được thì ăn nhiều, thua thì bơ mỏ. Nhưng hào hứng. Vì vậy mấy thằng nhỏ bán cà-rem đều thủ sẵn một cái tô và ba hột xí ngầu. Ra chơi tụi nhóc bu lại, trong đó có tôi. Bỏ bà già ngồi ở góc sân chong ngóc một mình vì bà không có... đổ xí ngầu.

Vì vậy khi có đứa nào ngó, bà liền đưa cái chuông nhỏ lên lắc lắc mời mọc. Như con chó hiền lành, chỉ chờ có người ngó là vẫy đuôi ngoắc. Tôi biết sự so sánh có vẻ kỳ cục, nhưng tôi không có cách nào diễn tả ánh mắt của bà hơn là ánh mắt mừng rỡ của con chó khi nhận ra được người quen. Và tiếng chuông leng keng là tiếng sủa mừng. Tôi nghĩ bà cũng quý chuông lắm vì lúc nào nó cũng được bà chùi bóng. Hồi nhỏ tôi cũng ham vui, như mấy thằng lỏi khác. Nhưng đôi khi nhìn ánh mắt mừng rỡ của bà, tiếng chuông leng keng và cái miệng móm cười không còn răng, tôi chợt thấy má tôi đang ngồi chồm hổm đó – tôi cầm lòng không đậu. Tôi bỏ ra năm cắc mua của bà cây cà-rem đậu xanh và hi sinh buổi đổ xí ngầu. Tay bà run run giở cái nắp bình thuỷ bằng mốp lựa cây cà-rem đưa cho tôi, tay run run. Tôi không quên nổi hình ảnh đó – cho tới chết không chừng. Run run không phải vì cảm xúc mà vì tuổi trời, có lẽ. Bà đã già lắm rồi, tóc bạc trắng như trang giấy học trò điểm sợi đen như những đường gạch hàng trên trang giấy. Nhưng bà lúc nào cũng tặng không một nụ cười móm khi đưa cho tôi cây cà-rem. Tôi không hề bắt gặp một chút nào đau khổ hay than trách trong ánh mắt và nụ cười đó. Ngay lúc bà ngồi suốt cả giờ ra chơi, không bán được một cây cà-rem nào.

Có bữa tôi ngó bà, bà ngó tôi đưa cái chuông lên lắc leng keng, cười móm, nhưng tôi đành ngoảnh đi vì tôi vừa đổ xí ngầu thua sạch. Bước đi mấy bước tôi ngoảnh lại, bà lại đưa cái chuông lên lắc. Tôi vụt bỏ chạy... Có bữa tôi thấy ngón chân cái của bà sướt móng chảy máu – bà đi cẳng không. Có lẽ vì chạy quá vội vàng trên con đường đá xanh lởm chởm từ trường nữ qua trường nam, bà vấp cục đá lớn. Tôi đã có lần bị vấp đá xanh trật móng, đau đứt ruột, nên biết. Nhưng nét mặt bà không hề lộ vẻ gì đau đớn. Chỉ chờ thằng lỏi nào ngó là bà lại đưa chuông lên, cái chuông bóng loáng, như tiếng sủa mừng, như tấm lòng của bà.

Một bữa gần bãi trường ăn Tết, tôi háo hức nhào vô đổ xí ngầu với tụi lỏi, chợt trời mưa. Tụi tôi từ sân chơi dời vô núp mưa dưới hàng ba và tiếp tục sát phạt. Tôi cháy túi như mọi bận. Tôi còn đang đứng xớ rớ ngó ra cổng trường chợt thấy bà già cà-rem xớn xác từ ngoài cổng chạy vào, rồi tấp vào hàng ba đụt mưa. Bà giở chiếc nón lá rách ra giũ nước. Mưa lớn quá, bà ướt mem. Bà ngồi chồm hổm dưới đất, dựa lưng vào vách lá của lớp học, mặt bà xanh xao, môi tái mét, có vẻ mệt mỏi. Bà lấy tay lau sơ cái chuông đã ố nước rồi ngó lên chờ khách hàng. Tôi ngó bà, bà ngó tôi rồi đưa chuông lên lắc leng keng, cười móm. Tôi muốn khóc. Tôi chạy vô lớp mượn của thằng bạn năm cắc. Tôi trở ra, đến ngồi chồm hổm bên cạnh bà, leng keng, leng keng...

- Bà cho tui cây cà-rem đậu xanh.

Bà đặt chuông xuống đất, giở nắp thiếc mạ kền. Bà mở tiếp nắp xốp, các ngón tay run run còn đọng nước mưa. Thùng...thùng...thùng thùng thùng... Tiếng trống chấm dứt giờ ra chơi chợt gióng lên liên hồi. Cây cà-rem đậu xanh vừa lấy ra khỏi bình thuỷ còn run run trên tay bà. Tôi vội vã quăng năm cắc vào nắp thiếc :

- Bà cất cà-rem đó, mơi tui lấy.

Bà cười móm :

- Ờ, mơi nhớ lấy nghe cháu !

Bà cầm nón lá đứng dậy, má tôi đó. Tay xách bình cà-rem, má tôi đứng ngó thằng con trai của bà đang xếp hàng đi vào lớp. Khi tôi đi ngang, bà nghiêng người kề tai tôi dặn nhỏ : ‘‘Mơi nhớ lấy cà-rem nghe cháu !’’. Hơi thở ấm áp của bà phà vào lỗ tai tôi. Vào lớp, thầy ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Tôi ngồi xuống ở bàn đầu ngó ra còn thấy má tôi đang tất tả chạy trên con đường đá xanh lởm chởm, tay vịn nón lá sợ bay mất. Rồi bóng má tôi với cái áo vá vai mờ dần trong mưa...

Ngày hôm sau, tôi có ý chờ bà tới. Bà không tới. Hai bữa sau bãi trường. Tôi ăn hủ tiếu uống nước bạc hà, tôi ăn dưa hấu đỏ, đốt pháo chuột, và quên hết. Quên tiếng chuông leng keng, quên ngón chân sứt móng, quên cái bình cà-rem trầy ố, quên con mắt vẫy đuôi mừng.

Qua Tết, nhập học, chúng tôi trở lại trường. Nhưng bà già cà-rem với cái nón lá rách và cái chuông bóng lộn không bao giờ trở lại nữa. Không bao giờ...

 

Đã có bao nhiêu bà-già-quê-hương tôi đã gặp trong đời ? Năm người ? Mười người ? Hay một trăm người ? Hay nhiều hơn nữa ? Có lẽ vậy. Không sao đếm hết. Những bà già đó nhan nhản đầu làng cuối xóm, ở quê mình. Chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ thấy. Họ sờ sờ đó, lúc nào cũng hiện diện, nhưng cũng đồng thời rất âm thầm. Họ không có nhiều lời nói, chỉ có cái nhìn độ lượng, ánh mắt từ bi, nụ cười móm. Và đôi khi họ khóc. Cũng như bạn. Khi đau khổ quá, bạn khóc.

Học hết tiểu học, tôi lên trung học. Hết lớp đệ tam, tôi rời Vĩnh Long sang học trọ ở Mỹ Tho, lớp đệ nhị Nguyễn Đình Chiểu. Nhà trọ ở gần trường, sau trường là bến xe đò. Ban đêm có xe hủ tiếu, xe bán bò bía, khô mực, ổi cóc, la-de nước ngọt... đẩy tới bày bán. Tôi thức khuya học, thỉnh thoảng đói bụng chạy ra làm một tô mì hay uống nước dừa tán dóc với mấy thằng bạn cùng trọ. Lần nào tôi cũng gặp bà-già-quê-hương đi rảo qua các bàn ăn mời mua giùm một hai gói đậu phọng. Bà bưng cái rổ nhỏ, các gói đậu làm bằng giấy nhựt trình quấn thành hình nón dài. Bà để đầu trần, đi cẳng không, quần đen, áo trắng rách lưng đã ngả màu vàng xỉn. Đôi mắt hom hem thụt sâu trong hố mắt, nụ cười nhăn nhúm, móm xọm, hiền hậu.

Lần đầu tiên bà đến mời, tôi mua hai gói. Gói đầu mở ra, bẻ đậu, đậu lép. Bẻ tiếp, lại đậu lép. Lần thứ ba, có một bên lép, bên kia hột đậu có chút xíu. Gói thứ hai, cũng đại khái như vậy. Nói chung, đậu lép rất nhiều, hầu hết. Tôi nghĩ thầm tại mình xui. Nhưng lần thứ hai tôi mua, cũng vậy nữa, lép nữa. Và những lần kế tiếp khác, lại đậu lép và đậu lép. Một bận tình cờ nói chuyện với bà chủ nhà trọ, bà cho biết tình cảnh bà-già-đậu-lép. Bà sống chung với cháu nội và con dâu ở ngoại ô Định Tường. Con trai bà đi lính đã chết. Con dâu mua bán đậu phọng, hột chắc thì luộc đem ra chợ bán ban ngày, hột lép thì rang sơ bỏ vô gói giấy nhựt trình giao cho bà già đi bán ban đêm – ban ngày bà ở nhà giữ cháu. Thấy bà già cả lụm cụm, người mua nhằm đậu lép chắc không ai nỡ nói gì. Nhưng sau đó, khi đã biết được thì không ai mua nữa. Mặc tình cho bà rảo tới rảo lui, hay bưng rổ đứng chờ rất lâu bên cạnh bàn ăn.

Tim tôi se lại, ruột quặn thắt. Trời hỡi ! Sao khốn cùng tới mức phải đi bán đậu lép ! Tối hôm đó, tôi ngồi uống nước dừa Bến Tre, có ý chờ bà. Bà lẩm đẩm, lom khom tới bàn tôi mời, tôi mua hai gói. Khi bà run run đưa tôi gói đậu phọng, tôi thấy cánh tay bà nổi gai ốc. Trời lập đông. Tết sắp đến rồi. Bà cám ơn tôi. Tôi thấy cổ mình nghẹn thắt. Và nhiều lần như vậy nữa. Lần nào tôi cũng mua hai gói đậu phọng bỏ vào túi, về nhà trọ bẻ ra lấy mấy hột đậu không lép, nhâm nhi thấy bùi ngọt mà sao chua xót ngậm ngùi. Trời gần Tết, càng lúc càng lạnh.

Nhiều bữa có những chuyến xe đò muộn ghé qua cho khách xuống hoặc đổ xăng. Những người bán hàng rong ùa tới, đưa cao những rổ mận, những chùm mía ghim, những bọc kẹo chuối, mứt chuối... ơi ới réo mời hành khách. Bà-già-đậu-phọng cũng lụm cụm chạy tới, nhưng bị lấn giạt ra xa, chen vô không được với bọn đàn bà con gái. Bà đứng phía sau, cầm gói đậu phọng nhựt trình lóng nhóng đưa lên, miệng lắp bắp, lí nhí, nghe không rõ được tiếng nào. Rồi xe rồ máy nhả mùi xăng cháy và khói xanh um mịt mù, vọt chạy... Người bán rong chạy theo để lấy tiền hoặc thối tiền. Bà già bỏ gói đậu phọng lại rổ, đứng ngó theo. Tới lúc xe khuất.

Tôi có cái áo blouson cũ màu trắng, dính mực ở lưng giặt không ra. Một đêm tôi cầm cái áo ra bến xe đò, đứng ở gốc cây me núp chờ. Tôi chờ bà-già-đậu-phọng. Một chiếc xe đò muộn tấp vô bến, đậu lại xuống hành khách. Mấy cô bán rong ùa tới, bà già đậu phọng lụm cụm, lẽo đẽo, đứng xa giơ gói đậu phọng lên lắc lắc, lí nhí. Xe rồ máy vọt chạy. Bà đứng xớ rớ bên lề. Tôi bước tới bỏ cái áo blouson dính mực vào cái rổ của bà, không nói được lời nào. Tôi ngó bà, bắt gặp ánh mắt từ bi đang nhìn tôi. Tôi quay lưng bước lẹ như chạy trốn. Đến gần đầu đường tôi ngoái người ngó lại. Bà già đậu phọng còn đứng đó, trong bóng tối nhá nhem, tay cầm cái áo trắng đưa về phía tôi ngoắc ngoắc. Bà có nói một lời nào không, tôi không biết.

Và sẽ không bao giờ tôi biết được. Hôm sau tôi lấy chuyến xe đò sớm về Vĩnh Long bãi trường, ăn Tết với gia đình. Tôi ăn thịt kho, ăn dưa hấu, uống la-de, đốt pháo đại, và quên hết. Quên bước chân lụm cụm, quên bà già đứng xớ rớ, quên những gói đậu phọng lép. Và cũng sẽ không bao giờ tôi được thưởng thức món đậu phọng lép của bà-già-quê-hương nữa – cái hương vị bùi ngọt mà sao chua xót khôn cùng ! Trời hỡi, sao thương quá thể !

Tết qua, tôi trở lại Định Tường, đổi nhà trọ, xuống Xóm Bến Đò bên kia sông là chùa Vĩnh Tràng. Tôi gặp Hoa, người yêu đầu tiên ở đó. Nhưng không còn bao giờ tôi gặp lại bà-già-đậu-lép nữa. Bà chưa chết. Tôi không dám nghĩ rằng bà đã chết. Tôi năn nỉ bà đừng chết. Bà đang bưng rổ bán đậu phọng ở một bến xe đò khác, ngoài ngã ba Trung Lương chẳng hạn. Có thể bà bị lấn ra xa, nhưng bà chưa chết. Bà đang cầm gói đậu phọng đưa lên cao, dù không ai mua. Bà đang mặc cái áo blouson trắng dính mực, coi rất kỳ cục. Nhưng bà chưa chết. Cũng như bà già cà-rem - má tôi. Bà cũng chưa chết. Bà đang ngồi chồm hổm bán cà-rem ở một trường tiểu học khác nào đó, ở Cai Lậy chẳng hạn. Chỉ chờ bạn ngó, tôi ngó, thằng nhóc nào đó ngó là bà đưa cái chuông bóng lộn lên lắc leng keng, cười móm, mời mọc, ngọt sớt.

Có thể bà vẫn còn ngồi đó, dù không ai mua cho bà cây cà-rem đậu xanh. Có thể bà vẫn còn bưng rổ đứng đó, dù không ai mua cho bà gói đậu phọng lép. Có thể bà vẫn còn lom khom đi lượm lon trong xóm Hàng Xanh, dù không ai chỉ cho bà nhà ông Đa. Nhưng mọi người vẫn còn đó. Những bà-già-quê-hương, những ‘‘Mối Tình Đầu’’ thiệt sự của tôi, vẫn còn đó. Cho dù bạn vô tình hay thờ ơ không ngó thấy.

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay...

 

 

 

EM VỊT VÀNG NHỎ CỦA TÔI ƠI !

 

 

Má ơi con vịt chết chìm

Con thò tay vớt nó con cá lìm kìm rỉa tay

Ca dao

 

…Lép kép! Lép kép! Con vịt con thò chiếc mỏ vàng nhỏ xinh xắn rỉa mấy hột cơm tôi vừa mớm ra cho nó ở miệng. Nó ngước lên nuốt mấy hột cơm, chiếc cổ nhỏ xíu ngửng lên trời ngửa ra sau, xong nó giương đôi mắt khù khờ ngó tôi kêu lép kép chờ đợi. Tôi đưa vịt con cạ cạ lông nhung mịn của nó lên má mình, lòng rạt rào sung sướng, thương quá là thương! Tôi sáu tuổi, con vịt con vừa nở được năm ngày. Nó đưa chiếc mỏ rỉa trong vành tai tôi nhột nhột khiến tôi rụt đầu ngoẻo cổ qua một bên. Vậy mà đã ghê! Vịt con thủ thỉ chuyện trò với tôi, lép kép! lép kép!... Chỉ có một mình tôi hiểu được em tôi muốn nói gì.

 

Tôi mở tay ra. Con vịt nhỏ nằm gọn lỏn trong hai bàn tay tôi, ngoan ngoãn, lép kép! lép kép! Toàn thân con vịt màu vàng, lông tơ mịn màng non nớt thơm tho, mỏ và chân hơi ửng màu cam, trên mỏ có chấm hai lỗ thở nhỏ xíu, mắt tròn vo đen lay láy, ngây thơ ngờ nghệch. Lép kép! Lép kép! Tôi lại mớm cho nó mấy hột cơm. Tôi dặn nó kêu nho nhỏ, sợ má nó nghe được chạy tới đòi lại. Má nó là con vịt xiêm mái cồ đã đẻ nhiều lứa, giữ con thiệt hay nhưng cũng rất dữ tợn, ba tôi gọi con vịt mẹ này là con vịt Mẫu Hậu. Có lần tôi bắt con nó để giỡn chơi bị nó bay đáp lên đầu vừa quào vừa mổ chảy máu, tôi la khóc chói lói và cũng kể từ đó tôi sợ nó lắm.

 

Vì vậy lần này tôi lén bắt con vịt vàng nhỏ trốn ra góc hè, ngồi dựa vách lá chỗ khuất để được tha hồ mà tưng tiu trửng rỡn với nó. Mà nói cho ngay, con vịt vàng này là của tôi chớ không phải là con ruột của con Mẫu Hậu. Cách đây đâu chừng ba tuần lễ, má tôi biểu tôi ra đồng lùa vịt. Tình cờ tôi lượm được một trứng của con vịt mái nào đó đẻ rớt. Tôi đem về lấy mực làm dấu rồi lén bỏ vô ổ cho con Mẫu Hậu ấp chung với mấy trứng khác cùng chạng. Vịt xiêm biết ấp trứng, còn vịt ta thì không biết. Chừng nở ra mấy con vịt kia đều cùng một họ Xiêm lớn con màu xám có hai chấm vàng trên cánh, chỉ có trứng vịt làm dấu của tôi là nở ra con vịt nhỏ nhứt vàng lườm vô cùng xinh xắn. Nhưng con Mẫu Hậu không kỳ thị chủng tộc một chút nào, con nào cũng là con của nó hết, tôi rớ tới con vịt vàng là bị nó xòe cánh mổ liền. Còn giống vịt cũng ngộ lắm, khi nở ra là theo riết người mẹ mà nó ngó thấy trước tiên lúc mở mắt. Bởi vậy nên mới có cái cảnh mẹ gà con vịt chắt chiu, khi lũ vịt con chạy ùa xuống nước bơi lội thì mẹ gà chỉ còn nước đứng trên bờ gọi khan cả tiếng… rồi rút khăn mù-xoa ra mà lau lệ.  

 

Trước khi xảy ra vụ Nhựt đảo chánh Pháp ở Đông Dương và phong trào Việt Minh nổi dậy, gia đình tôi sống tại châu thành Bạc Liêu, ba và anh Hai tôi chung sức tạo dựng được một trại mộc nhỏ. Khi giặc giã tràn tới, gió bụi nổi lên tơi bời, anh Hai và anh Ba tôi theo kháng chiến chống Tây, còn ba tôi thì đóng tam bản chở gia đình đi tản cư. Sau hơn một năm lang bạt kỳ hồ, muỗi cắn điả đeo, kẻ đau gan người mang bệnh thủng, chúng tôi chịu đời không thấu nên hồi cư.

 

Về thành, trại mộc đã mất, ba tôi bèn biệt kinh kỳ tấp về Xóm Mới ở ngoại ô Bạc Liêu làm lại cuộc đời. Chúng tôi ở nhà mướn, ba tôi cất một trại mộc mới nhỏ hơn, cùng với anh Hai và chú Chín câm điếc của tôi bào đục, tự lực cánh sinh. Còn má tôi thì nuôi thêm gà vịt đắp đổi. Má tôi vốn người quê mùa miệt Cờ Đỏ nên cũng ham nuôi heo nuôi gà nuôi  vịt lắm. Tôi cũng ham không kém vì lần nào có một lứa gà hay vịt nở, má tôi đều cho tôi tự ý lựa chọn một con làm bạn riêng và tha hồ cho tôi tưng tiu chăm sóc nó. Vì vậy, khi trứng bắt đầu khẻ mỏ, tôi cứ túc trực canh chừng bên ổ, mặc tình cho mấy con mạt gà (một loại giống như bồ mắc) từ gà mẹ hay từ ổ bay ra chun vô áo mà cắn, ngứa ngáy gãi sướt cả da. Tôi gan lì ở lại giúp cho gà con và vịt con khẻ mỏ gấp gấp, chun ra khỏi vỏ mau mau. Mỗi bận một con nở ra là mỗi bận tôi reo mừng thú vị hết sức.

 

Cùng lứa với con Mẫu Hậu là con vịt xiêm đực, hỗn danh Đại Bàng, tên này cũng do ba tôi đặt. Con Đại Bàng mắc chứng cuồng dâm nên vịt xiêm, vịt ta, vịt lớn hay vịt nhỏ gì đều cũng bị nó đạp mái ráo trọi. Cả gà ngỗng cũng bị nó hiếp dâm luôn. Gà mái bị đã đành, gà trống cũng bị như thường. Gặp nhằm gà nòi đá độ, anh chàng bị phang cho mấy cựa đổ máu dạt ra, mà rồi cũng không tởn. Ngay cả con heo thiến má tôi nuôi trong chuồng cũng bị Đại Bàng đáp đại lên lưng mổ cắn trì kéo lỗ tai heo và vặn vẹo cái đuôi vịt, không biết ý gì. Bận khác, bà chủ nhà của tôi ra ngồi ở bãi cỏ khuất mà giải thủy, tưởng đã yên chí. Dè đâu Đại Bàng nằm vùng ở đó tự lúc nào, bèn đưa mỏ cứng ướm thử cái bàn ngồi của bà chủ một phát. Bà la chói lói và chạy vô mắng vốn má tôi: bà bị con vịt phải gió của nhà tôi nó rỉa. Ba tôi che miệng cười khúc khích nói nhỏ với anh Hai tôi: «Gặp tao, tao cũng rỉa nữa… huống hồ là con vịt!»

 

Mãi về sau này, dung rủi lần nọ khi đã tàn cuộc truy hoan trên mương lộ trước nhà, Đại bàng còn hứng chí vỗ cánh phùng xòe bản Hành Dâm Khúc mà quên thu hồi báu kiếm. Xảy đâu có chàng cá lóc lội ngang nhác thấy tưởng là mồi bở, trồi lên đớp mất. Thế là… tàn đời bạo chúa! Nhưng Bạo chúa không chịu băng hà cho nên mới chết dân lành. Vì khi bị dâm hành mà đạp mái không được, Đại Bàng nổi điên vỗ cánh bay lên ngọn cây rượt theo mấy con quạ và chim tu hú mà cắn mà mổ. Rồi một chiều mưa gió nọ, Đại Bàng đã lướt gió tung mây vĩnh viễn ra đi, vịt cồ nhất khứ bất phục phản (hay là Bạo chúa đã xuống tóc đi tu?). Kể từ đó thanh bình mới thực sự được vãn hồi cho gà vịt heo ngỗng (và bà chủ nhà) trong Xóm Mới hiền hòa của tôi.

 

Nhưng đối với bà chủ nhà, tôi chỉ nể mà không ghét. Ghét là tôi ghét cái cậu em trai của bà chủ. Cậu này là bợm nhậu mút mùa, chó vàng chó vện gì mập mập mà lảng vảng trước mắt cậu là kể như tới số. Cậu đi tới đâu chó trong xóm hùa ra sủa vang rân tới đó. Thỉnh thoảng thiếu mồi, cậu lại ghé qua chuồng gà chuồng vịt của nhà tôi mà dòm dèm. Tuần trước cậu lại ghé nhà tôi mượn đỡ con gà, nói là để đưa ông Táo về trời trong dịp cuối năm, Tết nhứt tới rồi. Về mặt lý thuyết, tôi chẳng có gì để chống đối. Nhưng trên thực tế, ác thay cậu lại nhè chọn con gà giò mà má tôi đã cho tôi chọn bạn từ hồi mới nở, tôi chăm sóc rất kỹ, cứ ôm ấp hoài và cho ăn thêm nên nó mập bự hơn mấy con khác cùng bầy. Như vậy mới đổ nợ. Khi cậu chỉ tay chọn con gà ruột của mình, mặt tôi vụt xanh dờn bí xị và mếu khóc. Má tôi ôm tôi vào lòng và năn nỉ cậu chọn con gà khác mà cậu nhứt định không nghe, đã vậy còn lên mặt giận hăm he đòi đuổi nhà. Khi cậu thò tay ẵm con gà giò của mình, tôi lăn ra khóc sướt mướt. Má tôi cũng sụt sịt và hết sức dỗ dành tôi. Má tôi hứa khi vịt nở, má tôi sẽ đền cho tôi con khác. Tuy vậy, tôi cũng tỉ tê cả buổi trời.

 

Rồi buổi chiều hôm đó, tôi lén má ra sau hè nhà bà chủ lượm nắm lông tàn của con gà ruột của mình, đoạn giấu đem qua ruộng phía bên kia mương lộ mà chôn cất gần giếng nước. Bên bờ giếng, tôi giành một khoảng đất nhỏ để chôn cất mấy con vật đã cùng tôi bầu bạn một thời: chim sáo, cá lia thia, dế than, trâu đất, cu cườm… Tôi không chơi đá cá đá dế. Cá và dế của mấy thằng lỏi trong xóm cho đá với nhau tới lúc trầy vi tróc vẩy, sứt càng gãy gọng ngất ngư hết mới chịu quăng ra. Tôi lượm về rán lấy nước muối và đất sét chập chộ cho tỉnh hồn. Mấy thương binh gượng sống ngắc ngoải thêm được ít bữa mới chịu nhắm mắt lìa đời. Tôi khóc lóc và đem đi chôn ở nghĩa địa riêng của mình bên kia bờ giếng.

 

Mà khi tôi khóc, mấy thằng lỏi trong xóm bèn xúm lại kêu ngạo tôi. Hồi đó, lúc khóc chắc là tôi xấu lắm. Lúc năm sáu tuổi, răng tôi bị xiết ăn đen xì rụng sát nướu, chỉ còn trơ lại hai cái răng chó ở hàm trên, cũng đã bị ăn khuyết mòn xung quanh. Hết răng thì móm, dĩ nhiên. Vì vậy, khi tôi nhăn nướu đen xiết ra khóc, tụi lỏi xúm lại nhạo tôi, «bà già móm tóm lưỡi câu, ông già râu câu cá chốt», hoặc ác hơn «sún răng bắt cầu chía ỏ» (xin đừng nó lái mà chết cái duyên của thằng nhỏ).

 

Sau khi cạy mô đất nẻ và vùi chôn nắm lông tàn bên dưới, tôi lại ngồi bẹp một bên mà thút thít ngậm ngùi chứa chan lệ đẫm. Sắm sanh nếp tử sa châu, vùi nông một nấm mặc dù cỏ hoa, trải bao thỏ lặn ác tà… Tỉ tê như vậy không biết bao lâu. Tới khi nghe tiếng má kiếm và kêu tên mình từ phía bên kia mương lộ «Kiệt ơi! Kiệt à!» tôi mới giựt mình ngơ ngác. Tôi quẹt nước mắt đứng dậy đi trở ra mương lộ, rồi leo qua chiếc cầu khỉ trở về nhà.

 

Trời gần Tết, gió hiu hiu lạnh…

 

***

 

Hai bữa sau ổ vịt xiêm nở ra được mười một con, trong đó có Em Vịt Vàng Nhỏ của tôi. Đối với tấm lòng thơ ấu của tôi, vịt vàng là đứa con rơi, mồ côi mồ cút, con Mẫu Hậu là má nuôi của nó, còn tôi là anh ruột của nó. Vịt vàng em tôi đã tới kịp thời xoa dịu lòng đau khổ của anh mình và lấp được chỗ trống trải trong con tim ấu thời do con gà bạn thân vừa chết đi để lại. Nhưng vịt vàng còn quá nhỏ, chưa truyền được hơi ấm như những lần tôi luồn tay dưới bụng con gà giò ngày xưa mà ôm vào lòng yêu ấp. Tuy nhiên, tiếng thủ thỉ lép kép! lép kép! ngây thơ của nó cũng chở được vào tâm hồn đứa nhỏ sáu tuổi biết bao là hạnh phúc tuyệt vời!

 

Vịt vàng lại đưa chiếc mỏ chút xíu rỉa mấy hột cơm giữa hàm răng sún của tôi. Bỗng trên thinh không Ầm!!! một tiếng long trời lở đất, tôi giựt bắn người hết hồn, con vịt vàng cũng la chét lên một tiếng thất kinh. Ầm!!! Ầm!!! hai tiếng nổ long trời khác tiếp theo liền, trên đầu đạn bay véo véo. Tôi còn đang chới với thì vịt vàng đã sút khỏi tay tôi rớt xuống lăn cù rồi đứng dậy chét! chét! chét! gọi má thất thanh, bỏ chạy. Con Mẫu Hậu nghe con kêu cứu cũng lên tiếng đáp ứng và từ xa chạy tới. Vịt vàng mừng quá nhào vô quấn lấy cẳng má mình ẩn núp. Cảnh tượng trước mắt gợi lại trong trí tôi cái Tết năm ngoái trên đường tản cư, khi má tôi dừng mái chèo lại trên dòng sông Vĩnh Phước để cứu vớt ba mẹ con người đàn bà chạy giặc sắp chết đuối, xung quanh đạn lửa bừng bừng, người trúng đạn té xuống sông lòi ruột. Má tôi đã đưa tay kéo đứa nhỏ gái cho đeo cột chèo để má nó trồi lên ôm đứa con trai độ hai tuổi lội qua bên kia sông an toàn. Và đứa nhỏ gái cũng đã lên tiếng gọi má nó thất thanh như con vịt vàng nhỏ của tôi giờ đây vậy. Cũng một giọng cuống cuồng, cũng một điệu thảng thốt, rát ruột. Cho tới khi má tôi trả đứa nhỏ gái lại cho má nó bên kia bờ sông và người đàn bà bồng hai đứa con lẩn khuất trong đám người chạy giặc hỗn loạn tôi mới nghe nó kêu khóc. Chỉ mới năm ngoái thôi nên hình ảnh còn rất rõ rệt.

 

Thấy con Mẫu Hậu cất tiếng gọi bầy con lại và xù lông bảo vệ, mồng trên đầu và trên mặt đỏ ké dữ tợn, tôi không dám nhào vô mượn đứa em ruột của mình trở lại. Ầm! Ầm! Ầm! Ầm !... Tiếng cà nông thụt từ bót «Hội Đồng Điều» cách nhà tôi khoảng một trăm thước tiếp tục rền rĩ xé trời.

 

Sở dĩ bót mang tên như vậy là vì ngôi nhà cao cẳng của ông Hội Đồng Điều bị người Pháp trưng dụng và cất thêm lô cốt xung quanh để làm đồn bót chận đường Việt Minh. Tôi ngó theo hướng đạn đang bay về miệt Trà Kha, thấy mấy ngọn cau miệt đó gẫy gục, khói bốc lên ngùn ngụt. Miệt Trà Kha cây cối um tùm và rạch sình chằng chịt, du kích quân thường ẩn núp trong đó, chờ đêm tối kéo ra đánh đồn phá bót rồi lại rút về đó dưỡng quân. Thỉnh thoảng Tây kéo lính, công voa và thiết giáp vô Trà Kha ruồng bố. Chiều qua đã có chạm súng đụng độ và xe cứu thương hụ còi chạy ngang nhà tôi, nghe nói lính ở thành bị lọt phục kích chết nhiều. Có lẽ vì vậy mà giờ đây Tây thụt cà nông vô đó trả thù. Hoặc không chừng pháo kích trước để chuẩn bị hành quân càn quét. Xe díp cứ xẹt tới xẹt lui ngang Xóm Mới tôi từ sáng tới giờ. Nhiều khi mấy ổng còn kéo về tận xóm tôi và núp sau mấy cái mả đá bắn phá và liệng lựu đạn qua bót Hội Đồng Điều. Lính trong đồn xả súng liên thanh và mọt chê tưới sượi vào xóm tôi, nhà nào nhà nấy đều bị lủng đạn, cháy vách bể ngói lung tung! Bởi vậy nhà nào cũng có đào hầm trú ẩn ngay bên trong, nhà tôi cũng vậy.   

 

Khi có chạm súng, ai nấy đều sợ mất vía nên tự động nhào hết xuống hầm. Chỉ trừ có chú Chín tôi vì điếc không sợ súng nên cứ đứng sổng lưng tự nhiên mà coi đạn bay đỏ trời và còn phát âm dễu dễu! dễu dễu! mấy tiếng trầm trồ thán phục. Can không nổi! Lúc nào bắn rát quá, kèo lá trên nóc nhà gẫy tuôn hết xuống ào ào, má tôi niệm Phật lia lịa, còn chị Tư tôi thì đội cái thau nhôm trên đầu, răng cỏ đánh bò cạp lốc cốc và đái luôn trong quần hồi nào không hay. Còn tôi thì cứ đau bụng mắc ỉa thúc tới, cẳng chưn lạnh ngắt, miệng mỏ khô queo.

 

Cuộc pháo kích còn đang tiếp diễn đinh tai nhức óc thì ba tôi từ trong trại mộc bước ra sân ngó lên trời chưởi đổng :

-  Đ.m! Năm nào cũng vậy, hễ Tết nhứt tới là có sanh giặc. Thiệt tình! Hổng có năm nào bà con được yên ổn ăn Tết một lần thử coi.

Đoạn day qua thấy tôi đang đứng xớ rớ ở xó hè, ba tôi lên tiếng :

-  Thôi mầy với thằng Lộc sửa soạn tao dắt đi chợ Tết. Bữa nay hăm chín, chiều nay là hết họp chợ rồi. Đi cho kịp trưa nay mua chút đỉnh đồ với thịt heo ba rọi về tao kho để dành Tết ăn.

 

Tôi nghe nói mừng lắm. Thế nào cũng có thèo lèo cứt chuột, hột dưa, tôm khô củ kiệu, mứt dừa, mứt bí. Hơn nữa, gì chớ ba tôi mà kho thịt heo với cá bống kèo kiểu Bạc Liêu là số dách. Cá ông chỉ rửa sơ, không cạo nhớt, rồi để cá sống nhăn nguyên con như vậy mà đổ vô nước sôi đậy nắp lại, cá bóng còn nhảy soi sói trong nồi lụp bụp. Chập sau, ông giở nắp ra vớt cho tới khi hết bọt rồi mới rót nước mắm ngon vào mà nêm nếm. Khi chín, con cá mềm sùi và còn nguyên chất ngọt. Phần bụng và đầu nhẩn nhẩn để cho người lớn, tôi thì hẩu xực cái đuôi. Còn kho thịt, ba tôi lựa mua thịt heo ba rọi có mỡ nhiều, cắt cục vuông thiệt lớn, lấy cọng lát buộc chéo ngang. Xong ông đốt lửa riu riu, kho thiệt lạt và kho thiệt nhiều bận lửa. Chừng đem ra ăn, mỡ đã rệu, chỉ cần mó đũa vào là mỡ phao ra, đưa vào miệng là chỉ có nuốt cái hương vị béo bùi, thả bánh tét vào mà nhâm nhi là hết xẩy. Ăn từ mùng một tới mùng ba vẫn không biết ngán, vì càng nhiều lửa, thịt càng mềm mỡ càng rệu. Hễ tới Tết là ba tôi giành để chính tay mình kho thịt. Má tôi kho ông chê nạc nhiều, thịt cứng và mặn. Má tôi thì làm những món khác như hủ qua hầm, gà rô ti, vịt cà ri, bánh tét, cải món, dưa cải, dưa giá… cũng ly kỳ lắm. Hồi nhỏ tôi ăn cái gì cũng thấy ngon và sướng ran, khoái tỉ. Nhà nghèo nên cũng ít khi được ăn nhiều món như trong dịp Tết. Quần áo má tôi xỏ kim may lấy cho tôi và Lộc - không biết bà học may ở đâu. Bận vô, bâu vè bẹt ra, túi thẳng hai cái hai bên coi cũng le lói như ai. 

 

Gần trưa, khi tôi và Lộc theo ba đi ngang qua bót Hội Đồng Điều, đã thấy lính ta lính Tây lính Thổ láo nháo đứng trước bót nhậu nhẹt, ăn uống, hút thuốc, chửi thề, cười giỡn rậm rật. Sáu bảy chiếc cam nhông nhà binh đã đậu sẵn ở đó, vài chiếc khác từ Bạc Liêu chạy ra cũng đang từ từ tấp vô xếp hàng thành công-voa. Một anh lính quăng cho tôi và Lộc mấy cục kẹo. Hai đứa lượm bỏ túi.

 

Ra tới thành phố, ba tôi ghé vào một tiệm Chà Và bán vải để mua cho má tôi cái khăn. Nhận tiền thối xong, Lộc cầm gói khăn, ba tôi nắm tay hai đứa băng qua lộ để vô chợ nhà lồng mua thịt. Tới bên kia đường, ba tôi đứng lại để kiểm tiền thối khi nãy nhưng vì vội vàng chưa kịp đếm, thấy có tờ giấy hai chục đồng rách mướp, rõ là tiền heo gạo khó xài, ba tôi dắt hai đứa băng trở lại đường bước vô tiệm Chà Và đổi lại tờ khác. Xong xuôi trở ra cửa tính băng qua bên kia đường lần nữa để thực sự bước vô chợ. Vừa dợm bước thì…

Ì ì ì ì!! I ì ì!...

Một tiếng nổ vang rền chát chúa từ chợ nhà lồng dội ra ran cả ngực, đồng thời lửa vàng cam chóa lòa lóe lên. Lựu đạn! Một trái lựu đạn vừa được kháng chiến liệng vào chợ nhà lồng để khủng bố - đây cũng không phải là lần đầu. Ba cha con tôi kinh hãi thối lui. Cảnh vật như chết đứng im lìm trong một hai giây ngắn ngủi. Rồi vụt bừng sống trở lại với tiếng rên thét la khóc vang dậy trong nhà lồng chợ. Sau đó là tiếng chân chạy rần rật, người lớp lớp từ trong chợ túa ra, kẻ lành lặn, người đẫm máu, lính tráng giữ trật tự ùa tới chen lấn cực kỳ hỗn loạn, rào chợ được kéo lại, người trong không thể thoát ra người ngoài không thể ào vô, còi xe cứu thương đâu đó rú lên cuống quít.  

 

Gần nửa giờ sau cuộc tản thương mới được cho phép. Người khiêng ra lớp chết, lớp bị thương nặng, lớp bị thương nhẹ, máu me kinh hồn, ruột gan lòng thòng, rên la khóc kể ghê rợn nhầy nhụa tanh tưởi. Máu! Máu! Đầy những máu! Máu tùm lum, máu khắp nơi. Trong đám tản thương, tôi bỗng thấy thằng Lý bám trên một bà già khiêng trên băng ca mình ướt đẫm máu me nằm bất tỉnh nhân sự, nó vừa khóc vừa lải nhải «Ngoại ơi là ngoại! Ngoại ơi ngoại! Hu hu hu». Thằng Lý là con riêng của bà chủ nhà, tuổi chừng mười ba mười bốn, đã trốn vô bưng từ mấy tháng nay. Sau này ba tôi nói lại, tôi mới biết là chính thằng Lý đã lãnh lựu đạn đem về thành liệng vô nhà lồng chợ rồi giả bộ khóc lóc đeo theo bà già xấu số nọ để qua mặt lính kiểm soát mà trốn khỏi vòng vây. Thiệt hết cỡ nói! Vậy mà tôi đâu có dè.

 

Khi cuộc tản thương đã chấm dứt và rào chợ được mở ra, ba tôi biểu Lộc dẫn tôi về nhà trước, còn ổng thì qua chợ nhà lồng để mua sắm đồ ăn Tết - ổng nói bây giờ người ta bỏ chạy hết rồi, chắc là thịt thà, trái cây, dưa hấu, kẹo mứt phải bán rẻ! Cũng lý luận y chang như hồi tản cư tới Vĩnh Phước vào cuối năm ngoái, bà con đang họp chợ Tết thì Tây Thổ nổ súng lốp bốp, mạnh ai nấy chạy bỏ chợ lộ thiên còn ba tôi thì trái lại vác gươm nhảy lên khỏi ghe tam bản chạy xấn ngược ra chợ để mua thịt heo bán rẻ, làm cho má tôi phải neo ghe chờ sợ xanh máu mặt. Thiệt là ông già lựu đạn mút mùa!

 

Lộc và tôi về tới nửa đường thì gặp má tôi đang tất tả chạy cẳng không từ đàng xa trờ tới - bà nghe nói có lựu đạn quăng ở chợ Tết rất nhiều người chết nên sợ thất thanh hồn vía đi kiếm chồng kiếm con. Vừa ngó thấy hai đứa tôi bà đã hoảng vía hào hển la lên :

-  Chèn ơi!... còn ba tụi bây đâu ?... bộ ổng… bộ ổng bị trúng lựu đạn… lựu đạn… chở vô nhà thương… chở đi… chở đi nhà thương rồi hả?... 

 

Bà nói không ra hơi, tiếng còn tiếng mất. Lộc lên tiếng :

-  Hổng có. Ba hổng có sao hết. Ổng đương đi chợ...

-  Chèn ơi! (má tôi ôm cứng hai đứa con mình bật khóc)... hai đứa tụi bây hổng có sao hả? (bà mếu máo)... nam mô a di đà Phật! Trời Phật phù hộ con tui! (bà sịt mũi)... còn cái ông già mắc dịch bộ chưa tởn lựu đạn hay sao mà còn ở đó đi chợ đi búa.

 

Má tôi vội vã dắt tụi tôi về nhà. Ngang qua bót thấy lính tráng rần rật bắt đầu leo lên xe nhà binh bây giờ đã có hơn cả chục chiếc, một chiếc xe díp từ trong bót phóng vèo ra chạy ngược về tỉnh. Hồi sau khá lâu mới thấy ba tôi đi xe lôi về, chở theo nào dưa hấu, cam bưởi, kẹo mứt, trà bánh... tay xách một đùm thịt heo ba rọi bự tổ chảng. Má tôi la ổng. Ông nói mua rẻ mạt còn ức hiếp gì nữa mà la. Lộc và tôi phụ ôm đồ vô nhà, trong bụng tuy còn sợ nhưng cũng khoái chí tử. Má tôi xuống bếp nổi lửa hâm đồ ăn dọn mâm cúng để rước ông bà cuối năm về ăn Tết. Bà biểu Lộc và tôi đi lùa gà lùa vịt về nhốt lại sớm sớm. Tết nhứt tới rồi để mất hổng nên. Lộc ra mé sau, tôi đi vòng ra mé trước.

 

***

 

Trước nhà tôi có cái mương nhỏ lưa thưa cỏ lát mọc và bèo nổi. Kế mương là bờ đất cỏ dại, giáp ranh đường lộ lởm chởm đá xanh loang lở. Một bờ đất khác tiếp nối dốc xuống mương lộ rộng chừng ba thước có cầu khỉ bắt ngang, bên kia là ruộng lúa với giếng đào chứa nước mưa ngọt và cái nghĩa địa của tôi nằm cạnh bờ giếng. Tôi bước ra trước nhà ngó thấy cách đó không xa con Mẫu Hậu đang dắt bầy con kiếm ăn ở mương nước, lũ vịt con vừa kêu lép kép vừa chìa mỏ rỉa vào bèo nổi, con vịt vàng nhỏ của tôi tách rời với hai con vịt xám khác, cách vịt mẹ đâu chừng một thước. Tôi đi về phía đó tính lùa vịt về chuồng ở sau nhà nhốt lại.

 

Chợt từ phía bót Hội Đồng Điều vọng lại tiếng động cơ ồn ào, mỗi lúc một lớn hơn, mỗi lúc một gần hơn. Có lẽ đoàn công-voa đang bắt đầu chuyển dịch. Rồi từ phía xa, một chiếc xe heo nọc trờ tới, mỗi lúc một rõ dần, chiếc xe bọc thép mở đường có gắn súng lớn xung quanh, mũi xe đeo ống dây cáp sắt để trục xe sa lầy, hai bánh trước chạy bằng cao su thường, hai bánh sau chạy trên xích sắt, khi di chuyển dây xích nghiến nát đá đường chát chúa điếc tai, mặt đất rung rinh chấn động. Khi xe thiết giáp dẫn đầu còn cách bầy vịt độ năm thước, bỗng dưng con Mẫu Hậu ngửng đầu lên rồi chợt giựt mình nhảy phóc ra khỏi mương vọt chạy băng qua phía bên kia lộ, dắt theo tám con vịt xám nhỏ -  tôi không kịp phản ứng gì hết. Vịt mẹ dừng lại bên kia đường cất tiếng kêu réo đám con còn kẹt lại ở mương nhỏ bên này.

 

Vừa khi đó chiếc xe bọc thép mở đường cũng đúng nhịp trờ tơí lướt qua mặt tôi, trực chỉ Trà Kha, xích sắt rần rật lay chuyển mặt đất dưới chưn chỗ tôi đang đứng. Chiếc xe cam nhông chở lính đầu tiên từ từ tiến tới, chậm rãi nối đuôi theo xe thiết giáp. Từ từ, từ từ... Bên kia đường vịt mẹ vẫn tiếp tục gọi con, giọng kêu hoảng hốt, lo lắng. Ba con vịt nhỏ còn kẹt lại vụt nhảy lên mương, vọt băng qua phía bên kia đường, tôi dang tay ra cản ngăn không được. Chiếc cam nhông trờ tới... Hai con vịt xám lẹ chưn chun tọt dưới lườn xe biến mất, con vịt vàng nhỏ của tôi cũng vọt theo, tôi cũng vọt theo. Bỗng em tôi vấp bánh sau của xe cam nhông dội lại, tôi cũng dội lại, đuôi xe kình càng lướt qua sát rạt bên mũi, mấy người lính lê dương râu ria xồm xàm ngồi trên xe chồm ra la ó vang rân và khoát tay đuổi tôi trở lộn vô bờ lề. Chiếc xe cam nhông thứ hai từ từ tiến tới, động cơ rù rì, bí mật, lạnh lùng, vô giác. Từ từ, từ từ... bánh xe cao su từ từ lăn tới...

 

Con Mẫu Hậu vẫn tiếp tục gọi con thảng thốt. Hai con vịt xám nhỏ đã qua được bên kia đường an toàn và nhập bầy. Chỉ còn lại bên nầy đường có mỗi con vịt vàng nhỏ của tôi đang chạy lăng xăng cuống cuồng và tôi cũng đang cuống cuồng rượt theo. Tôi cúi xuống chụp nó mấy lần, nhưng chụp hụt. Má nó lại cất tiếng réo gọi. Con vịt vàng ngửng cổ nghe ngóng rồi lại vọt phóng trở ra giữa lộ thần tốc. Chiếc xe cam nhông thứ hai lăn tới áng khuất, cụm lông vàng mịn không còn ngó thấy đâu nữa, tôi chỉ kịp nghe một tiếng «Chét» thảm thương bên tai, thôi rồi! chết em tôi rồi, tôi ngã quỵ xuống lề đường, đầu gối đập lên đá cục mà không cảm thấy đau đớn gì hết!... Chết em tôi rồi! Nhúm lông vàng dính trên bánh xe sau ghép đôi cuốn theo đoàn lính lăn đi, để lại vết máu đỏ tươi bằng bàn tay thấm ướt trên mặt lộ. Mình mẩy tôi vụt lạnh ngắt, chết em tôi rồi! Tôi hét lên một tiếng thất thanh ngã lật ra sau té trên bờ cỏ, nước mắt vọt ra xối xả, ruột gan nát ngướu như xác vịt con bấy nhậy giữa đường, tim gan rạn nứt bể vụn… Hết rồi! Thôi hết rồi! Chẳng còn gì nữa em vịt vàng nhỏ của tôi! Vĩnh biệt! Vĩnh biệt! Em ơi vĩnh biệt!

 

Tôi nằm lăn lộn dẫy dụa trên bờ cỏ, cổ họng thắt gút tắc nghẽn, không bật khóc được thành tiếng, chỉ còn biết hả miệng để kịp lấy hơi thở và để cho tiếng nấc tràn ra ngoài, trời đất xung quanh nhạt nhòe, cổ họng ngất ngất muốn bể tét. Mặt đất dưới lưng tôi tiếp tục chấn động dưới lốp cao su ghép đôi của đoàn xe cam nhông mười bánh rầm rộ, tiếng động cơ vẫn tiếp tục xầm xì dửng dưng lướt qua xịt phun xuống mặt đường mùi xăng khét nghẹt trộn lẫn bụi đường và khói xám xanh mù mịt. Rù rù rù rù rù… chiếc thứ ba… rù tù rù… chiếc thứ tư… rù rù rù rù… chiếc thứ năm rồi chiếc thứ sáu… Mỗi lần xe lướt qua tôi lại nghe vang động trong đầu tiếng «chét» tuyệt mạng của em tôi. Rù rù rù rù… Chét! Rù rù rù rù chét!... Tôi úp hai bàn tay nhỏ của mình lên lỗ tai lăn người ngóc dậy, đầu gối quì trên lề cỏ, ngước đầu ngó ra giữa lộ.

 

Trên mặt đường không còn phân biệt được dấu máu và vết lông vàng của em tôi nữa. Hết rồi! Em tôi đã hoàn toàn biến mất trên thế gian này. Đoàn xe tiếp tục lăn qua chậm chạp, từ từ, nhưng tiếng động cơ phát ra xầm xì không đè át được tiếng «chét! chét!» thảm thương nhỏ nhít của em tôi còn đang chấn động từng chập trong cùng tận ruột gan mình. Tôi gẫy quặp người tới trước, hai tay cấu lấy bụi cỏ lông gà ghịt kéo để cố dằn tiếng nấc đang cướp mất hơi thở mình… Bụi cỏ trốc gốc, tôi lại té ngửa ra sau, một chân lọt xuống mương nước, tôi nấc tiếp liền mấy tiếng bứt ngang hô hấp, miệng không thể nào khép lại được nữa, tôi nhăn hàm răng xiết ăn ngó trời, lệ tuôn đầm đìa lai láng, trời mây trên cao tan loãng thành vũng nước mắt không còn hình thù gì nữa, tất cả mờ run mịt mùng, lung linh nhòe nhoẹt. Hết rồi! Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! Em đã chết bỏ tôi thiệt rồi!...

 

Khi nghe tiếng xích sắt chát chúa của chiếc xe thiết giáp bọc hậu cuối cùng chấn động trên mặt đất, tôi biết là đoàn công-voa đã đi qua hết. Tôi ủ rũ bò dậy quì gối ngó ra mặt đường. Chẳng còn gì nữa dấu vết em vịt vàng nhỏ của tôi, chẳng còn dấu lông vàng, chẳng còn vết máu đỏ. Em của tôi đã vỗ đôi cánh nhỏ bay về trời mất tích! Tôi òa khóc thành tiếng… Tôi quặp người ghịt lấy bụi cỏ bật khóc ngất ngất, khóc ồ ạt, khóc quằn quại, khóc vật vã. Nếu rủi thời má tôi ngã ra chết lúc đó, có lẽ tôi cũng khóc nhiều đến như vậy là cùng. Tấm lòng thơ dại tan nát! Con tim ấu thời đã dập bể trên mặt lộ đá xanh lởm chởm! Hết rồi! Em ơi, hết rồi! Em đã bỏ tôi thiệt rồi! Tôi hét lên «trời ơi!» một tiếng xé ruột rồi rũ người nghiêng qua một bên, từ từ sụm trên mặt cỏ còn nồng nặc mùi xăng khói…

 

Tôi nằm co quắp bên lề đường, tay bấu lấy bờ cỏ khóc la thảm thiết như vậy không biết bao lâu. Như mê sảng. Tôi muốn mình mê sảng. Khi gặp chuyện quá dữ dằn, tôi ước rằng đó là một cơn ác mộng, một cơn mơ dữ. Tôi cắn vào đầu lưỡi. Tôi không nằm mơ. Tôi tỉnh táo. Không phải chiêm bao. Chuyện thiệt. Rõ ràng chuyện thiệt. Em vịt vàng nhỏ của tôi đã chết thiệt rồi! Em vịt vàng nhỏ của tôi không còn ở trên dương thế này nữa! Tiếng khóc quằn quại của tôi bật tràn ra cổ họng như thác lũ, rồi mòn mỏi theo đường suối đi nhỏ dần, dợn uốn nao nao và từ từ dịu tắt.

 

Tôi ngồi dậy hỉ mũi chùi xuống cỏ. Tôi đưa sống tay dụi lên đôi mắt ướt nhẹp và thở dài đứng dậy. Đầu gối chợt buốt nhói muốn té sụm. Tôi cúi xuống phủi mấy vụn đá nhỏ còn dính trên đầu gối, da rách sướt chảy máu rát nhức. Tôi bước cà nhắc xiểng niểng ra lộ đá lượm xác em tôi đem qua bên kia bờ giếng chôn cất. Nhưng trên mặt đường những vụn thịt, những vụn lông vàng non dại, những vụn đất đá trộn lẫn li chi không còn phân biệt được gì nữa hết. Tôi mếu máo bước trở vô lề đường lượm miếng giấy nhựt trình sười rách dính phất phơ trên ngọn cỏ. Tôi phủi sạch rồi bẻ một nhánh cây bình bát mọc ven mương lộ tước hết lá. Tôi trở ra lộ ngồi chồm hổm cạy gỡ những mảnh vụn mà tôi nghĩ là của em tôi còn để lại trên cõi đời này, đùa vào miếng giấy nhựt trình gói thành gói nhỏ. Tôi đi ra mương lộ, dợm bước lên cầu khỉ để qua bên kia bờ giếng.

 

Dưới mương lộ, con Mẫu Hậu thản nhiên tiếp tục dẫn đàn con mười đứa còn lại tung tăng trên mặt nước rỉa rói quanh đám cỏ lác và bèo dại kiếm ăn. Đám vịt con xám buông tiếng kêu lép kép! lép kép! Tim tôi vụt se thắt. Tôi ngồi thụp xuống đầu cầu khỉ, ôm cứng gói nhựt trình nhỏ vào lòng và bật khóc trở lại sướt mướt. Lòng đau đớn quá đỗi. Nước mắt nước mũi ràn rụa. Tôi không oán hận gì hết. Chỉ thấy đau đớn. Quá đỗi đau đớn. Tôi thương quá chừng em vịt vàng nhỏ của tôi. Bây giờ nó đã chết rồi. Em tôi đã chết rồi. Tôi không oán hận chiến tranh. Ở tuổi thơ đó lòng tôi không biết oán hận. Tôi không oán hận chiếc xe cam nhông đã nghiến nát em vịt vàng nhỏ của tôi. Tôi không oán hận người tài xế đã lái chiếc cam nhông cán em tôi bấy nhậy. Tôi không oán hận đoàn lính Lê Dương ngồi trên chiếc cam nhông đó. Dù sao chiếc cam nhông cũng đã đi mất, đoàn công-voa cũng đã đi mất, người tài xế cũng đã đi mất, đoàn lính Lê Dương cũng đã đi mất. Có thể tối nay khi trở về có người đã chết, đúng vào đêm giao thừa. Tôi hít nhẹ tủi thân, tấm tức. Và bật khóc trở lại lần nữa, lần nữa…

 

Dù thâm tâm mình không mảy may thù oán, trong đầu óc non nót của tôi bỗng phựt lên cơn giận dữ - cơn giận dữ dính liền với cái chết, nỗi tang thương và sự khổ đau. Tôi giận con vịt Mẫu Hậu! Trong đầu óc khờ khạo của mình, tôi nghĩ tại vì nó đã ngốc nghếch cất tiếng réo gọi con mình cho nên em vịt vàng nhỏ của tôi mới băng qua đường cho xe cán chết thảm. Tôi lượm cục đất ở đầu cầu nhắm con vịt mẹ liệng tới. Cơn giận bay ra nửa chừng mãn hơi rớt ùm xuống nước. Con Mẫu Hậu giựt mình thốt kêu mấy tiếng rồi dắt đàn con lội đi nơi khác. Bỏ lại tôi ngồi chong ngóc một mình ở đầu cầu khỉ tiếp tục khóc thút thít, khóc nghẹn ngào, khóc lẻ loi…

 

«Kiệt ơi! Kiệt à! Kiệt!», tiếng má tôi từ hiên nhà bên kia đường vọng qua. Má tôi kêu tôi về lạy mâm cơm cúng để rước ông bà về cùng gia đình chúng tôi chung vui ba ngày Tết. Đầu xóm ai đó đốt pháo đợi giao thừa, mừng Tết đến. Cái Tết thiêng liêng háo hức trong huyết quản mọi người. Cái Tết ấu thời nhỏ theo giọt lệ hồng của tôi sùi sụt. Nào ai có biết trong ruột gan đứa nhỏ sáu tuổi, một nửa cái Tết thơ ấu đó đã nát vụn theo con vịt vàng nhỏ em tôi giờ đây nằm trong gói giấy nhựt trình tôi đang ôm cứng trên bụng bên bờ mương nước mặn. Và một nửa cái Tết kia đã theo nhúm lông tàn của con gà bạn tôi mà vùi dập tự bao giờ bên kia bờ giếng nước ngọt, khi những nụ mai vàng theo gió Xuân mướt xanh vừa chớm nhú.

 

Một cái Tết thơ ấu đã nát vụn và vùi dập bên hai dòng nước mặn ngọt trong xóm nhỏ của tôi tự bao giờ…

 

***

 

Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! Từ ngày em bị chiếc xe nhà binh mười bánh và chiếc xe tăng nghiến nát, cuộc chiến tranh không ngừng tiếp diễn khốc liệt ở quê hương hai anh em mình, đằng đẵng ba chục năm không hề ngừng nghỉ. Cuốn chìm phăng phăng trong dòng lửa sắt bất cưỡng, tôi may mắn và tình cờ còn sống sót. Và từ Xóm Mới ấm áp phương Đông mình, tôi dạt trôi tới phương trời Tây lạnh lẽo xa lạ.

 

Nơi tôi ở bây giờ, ngoại ô Paris, không có mai vàng. Chỉ có anh đào trổ một màu hường phơn phớt lợt mọc trên dốc đồi thoai thoải bên những cội lệ liễu xõa tóc dịu dàng.

năm nay đào lại nở!

Phải, năm nào mà đào lại chẳng nở. Đào lại nở, tôi lại nhớ em tôi, em vịt vàng nhỏ xinh xắn tội nghiệp. Mỗi năm, khi vừa chớm đông, từng bầy vịt hoang và ngỗng trời từ Bắc Âu vỗ cánh bay ngang Paris, rồi di chuyển về miền Nam để trốn lạnh, sang đến tận Châu Phi.

 

Khi ngó lên trùng trùng chấm đen lướt qua cao vút trên đầu, lần nào tôi cũng tự hỏi không biết có em vịt vàng nhỏ của tôi trong bầy chim hoang đó hay không, và lần nào tôi cũng thầm lo ngại không biết em tôi có được đủ ấm như một thuở xa xưa nào khi Tết gần đến, tôi đã từng ôm em úm trong lòng để mớm cơm cho em ăn và chuyện trò cùng em thủ thỉ. Nhưng tôi lại tự nhủ chắc là em không có mặt trong bầy vịt đang bay trên cao tít, bởi lẽ quê hương của em, quê hương của tôi, quê hương của anh em mình không phải ở đây. Tôi hình dung giờ này chắc em đang tung tăng bơi lội trong một vùng nước mặn ấm áp quanh năm trước mương lộ của nhà tụi mình ở Xóm Mới, miệt Hậu Giang phù sa mặn mòi, đồng ruộng phì nhiêu quấn quít sông ngòi đặc ngừ tôm cá.

 

Và em đang thò chiếc mỏ vàng xinh xắn rỉa vào đám bèo nổi kiếm ăn, buông tiếng kêu lép kép nhỏ nhít. Em đang gọi tôi cùng đến để chia sớt nỗi vui mừng rất trẻ con của em.

 

Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! Cũng như mọi sinh vật trên đời, em đã từng có một tuổi nhỏ thơ dại và một trái tim thơ dại ẩn chứa trong lớp lông tơ vàng mịn êm đềm. Trái tim thơ dại đó đã truyền vào con tim ấu thời của tôi biết bao là thương mến, muôn ngàn thương mến, biết bao là cảm xúc, vô vàn cảm xúc, biết bao là hoan lạc, vô vàn hoan lạc, và cũng biết bao là đau đớn, đau đớn tưởng chừng có thể xé đứt ruột gan mình mà ngã ra chết được. Em đã cho tôi con tim thơ dại, tôi đã cho em tuổi ấu thời. Dù vẫn còn phưởng phất ở Xóm Mới mỗi độ Xuân về, con tim thơ dại và tuổi ấu thơ đó đã có lần vỗ cánh thơ ngây bay tìm mùa Xuân trong trắng ở một vùng trời tuyệt nhiên không nhuốm một dấu vết hận thù. Rồi đã vĩnh viễn cư ngụ lại muôn đời luôn tại đó.

Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi

Em vỗ cánh nhỏ bay về trời

Em tha trong mỏ em vàng nhỏ

Tấm lòng thơ nhỏ của riêng tôi

Và năm nay đào lại nở! Giờ đây trên một cụm mây xa thiệt xa, tôi hình dung một đứa nhỏ sún răng đang ôm em vịt vàng nhỏ của mình trong lòng và hai anh em đang bồi hồi ngó xuống trần gian nhìn ngắm thiên hạ nổ pháo rộn ràng mừng đón Ông Bà và Nàng Xuân về ăn Tết...

 

Kiệt Tấn