Kẻ đội mồ
1. Em, mười sáu tuổi.
Tóc vàng như rơm, lởm chởm như rạ.
Áo thụng quần treg.
Giày cao một tấc.
Em nhìn vào gương chẳng còn nhận ra đứa nào. Lạ thật đấy, sơn phết cái vỏ bên ngoài một tí mà thay đổi được cả con người. Em toét miệng cười, đứa con gái gầy còm đen đủi trong gương đang tò mò nhìn ra bỗng rồi cũng toét miệng cười. Rõ chán, hoá ra nó là con bé lặn cát đổi cơm bên bờ sông Chuối, hoá ra nó là cháu gái bà Thành mù làng Vũng Chiêm.
Em, mười sáu tuổi, trên giấy tị nạn chỉ có mười lăm.
Chị Thuý bảo:
„Nếu mày lấy chồng thì khai lên mười tám tuổi, ra dịch vụ chạy lại giấy tờ, chẳng khó khăn gì.“
Chị Thuý là bà chủ hiệu cắt tóc thời trang ở khu chợ người Việt. Tấm bảng màu xanh treo trước cửa hiệu kẻ hàng chữ rất to, rất choáng:
„THĂNG LONG ĐỆ NHẤT KÉO“
Chị Thuý bảo:
„Đặt tên thế cho chúng nó hãi.“
Em nghe thế thì cười khì. Không biết chúng nó là ai. Khách vào cửa hiệu chị Thuý đa phần là những người đàn ông xuề xoà dễ tính. Họ đánh xe đến chợ cất hàng, tranh thủ ghé qua hiệu làm vài nhát kéo cho thoáng da đầu, chẳng đòi hỏi kiểu cọ gì, cũng chẳng bắt bẻ than phiền ai. Chị Thuý lúc nào cũng cười chào đon đả, lại có khuôn mặt rất xinh. Thân hình chị Thuý nhỏ nhắn gọn gàng, như một đứa bé mười lăm, nhưng bàn tay chị rất to không giấu đi đâu được, nó cứ như một lời tố cáo. Bàn tay bấu vào cái kéo, trông như con cua núi kềnh càng vụng về bám vào đùm câu. Có lẽ, bởi vì thế mà chúng nó hãi. Có lẽ, bởi vì thế mà các bà các chị hãi. Nhiều bà đỏm dáng vào hiệu chị Thuý cắt chưa xong mái đầu mà đã rơm rớm nước mắt. Cắt xong rồi là họ đi luôn, may mà họ đi luôn, chứ không thì họ quay lại nhì nhằng đòi bắt thường.
Những khi vắng khách, mà thường xuyên vắng khách, chị Thuý cứ than vãn ca cẩm chuyện đời như cái băng karaoke ruỗng toẹt. Bàn tay cua núi lại phe phẩy bó giấy báo cháy ngùn ngụt, khói phong long bay mù mịt. Em lẻn ra đứng dựa cửa nhìn sang mặt tường đối diện dán đầy giấy quảng cáo. Giấy nhằng nhịt đủ loại, to nhỏ, dày mỏng, trắng vàng, lành rách… lớp này chồng lên lớp nọ, lớp sau đè lên lớp trước, chẳng rõ đã nằm đấy từ bao giờ, đã có ai đọc qua hay chưa.
„San nhượng cửa hàng ăn uống - Nhận trông trẻ - Đội xây dựng Hải Phòng - Cần người giúp việc cửa hàng hoa - Dịch vụ lo các loại giấy tờ tị nạn - Vé máy bay giá rẻ về VN - Cho thuê xe tải - Bán một tủ kem - Lao động nữ, không giấy tờ, nhận làm mọi việc.“
Một tấm giấy in chữ hoa màu đỏ nằm lẫn trong đám quảng cáo bừa bộn ấy:
„BẠN CẦN MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỨC? XIN LIÊN HỆ SỐ MÁY 0175. 9328…“
Em đứng bên bờ tường loang lổ những vệt nước bẩn, dán mắt vào hàng chữ tròn trịa kia, không thể dứt mình ra khỏi nỗi ám ảnh. Em, mười sáu tuổi, khi cùng đường sẽ bấm máy gọi số 0175. 9328… Chị Thuý biết cả, chị vừa phe phẩy đốt phong long vừa quan sát em. Có khi chị còn dấm dẳng bảo:
„Đã khổ thế này còn nuôi thêm con báo cô.“
Em biết thân phận mình nên chỉ cúi gằm đầu, giấu đôi bàn tay chai sần vào túi quần. Chị Thuý mắng mãi, chửi mãi, đôi lúc hăng quá chị còn doạ ném luôn em ra đường. May mà chị chưa làm thế. Xin chị đừng làm thế, em rời chị ra thì không biết bám vào đâu. Chị với em chẳng có mối ràng buộc nào cả, chị đưa em về nuôi mà chẳng hề bảo vì sao. Vì sao chị cưu mang em, vì sao chị vừa sợ hãi vừa tìm cách xua đuổi em. Em lại vừa sợ hãi vừa mang ơn chị.
Tấm giấy mỏng in hàng chữ đỏ lại đeo bám vào suy nghĩ em. Một người đàn ông Đức… Một người đàn ông Đức… Một người đàn ông Đức… Một người đàn ông Đức… cứ như lội qua sông là đến được bờ bên kia. Em lén ghi số máy vào mảnh giấy nhỏ, giấu vào túi quần để phòng thân, bỗng dưng rồi lại thấy sợ. Nỗi sợ hãi mơ hồ lắm, vì em cũng không rõ điều gì sẽ đến, những ngón tay em dưng cứ run rẩy thế nào, hơi thở nghẹn lại trong lồng ngực nằm ì ở đấy như khối đá lạnh. Những con số nguệch ngoạc bò lổm ngổm trên mảnh giấy, bò nhột nhạt trong túi quần. Bàn tay em chặn ngang miệng túi, cố giam hãm, cố đè nén thứ cảm xúc kỳ dị đang ngọ ngoạy trong đấy.
Em trợn mắt nhìn hàng chữ màu đỏ trên tường. Doạ nạt nhau đấy à… Những ngày tháng đói khát ngụp lặn đội cát bên sông. Những giờ phút kinh hoàng đối diện với cái chết… Những thứ ghê gớm nhất em đã trải qua cả rồi, giờ đây, em nghĩ mình đủ liều lĩnh để có thể làm mọi thứ. Kể cả… Em, mười sáu tuổi, đã đi được một đoạn đường dài, liệu cuộc đời này còn thứ gì đáng sợ hơn nữa hay không, liệu ngày mai có còn điều gì kinh khủng tàn khốc hơn nữa hay không? Một người đàn ông Đức? Xin liên hệ số máy… Chị Thuý nhìn em lọng cọng giấu tay trong túi quần, chị rùng mình quay mặt đi. Tại sao chị lại sợ hãi thế kia.
Một người đàn ông Đức. Tại sao mình lại sợ hãi thế kia?
Gió mùa đông luồn qua tấm màn nhựa đem theo hơi mưa lạnh ướt. Bác bán bánh dầy, bánh cam, bánh da lợn ngồi bên góc tường xoa hai đôi tay lạnh cóng vào nhau. Bác thân thiện nói vóng sang chỗ em:
„Trời mưa lạnh thế. Hôm nay lại vắng khách.“
Trên cái mẹt bằng nhựa cáu đen, mấy tấm bánh ế khô lạnh nằm lạc lõng. Bác chẳng đủ sức cạnh tranh với cửa hiệu thực phẩm Á Châu bên cạnh, chỉ ngồi bờ hành lang cầu may đón khách mua lẻ lười ra quầy tính tiền. Bác lại nhìn mảnh giấy trên tường rồi nhấp nháy mắt nhìn sang em, cười khọt khẹt:
„Tao mà trẻ lại vài chục tuổi thì nhất quyết lấy Tây, vừa được giấy tờ lại vừa được một thằng đàn ông sức khoẻ như trâu, ăn dễ như lợn…“
Em phì cười, mon men ra bên góc tường. Bác gái vui tính thật đấy, chẳng đoán được bác bao nhiêu tuổi. Nhưng bao nhiêu tuổi thì già, bao nhiêu tuổi thì không còn sức lấy chồng, bao nhiêu tuổi thì không còn cơ hội lấy Tây. Bác lại cười khọt khẹt:
„Bảo là lấy nhưng cần gì đến giấy hôn thú cho tốn kém rườm rà, chỉ cần tòi ra một đứa con lai. Trẻ như mày thì...“
Ôi, thì ra là thế, em rùng mình, lại giấu đôi bàn tay lạnh ngắt vào túi quần, mảnh giấy nằm trong ấy mềm ỉu ẩm ướt mồ hôi. Bác bán bánh lại nhìn em, lại nhấp nháy mắt đồng loã. Ô hay, bác biết cả rồi hay sao. Nhưng em có biết gì về bác đâu. Em chưa bao giờ hỏi bác sống ở đâu, sống cùng với ai, sang đây bằng cách nào. Chị Thuý đã căn dặn kỹ lắm rồi:
„Mày đừng tọc mạch chuyện người ta. Có hỏi họ cũng chẳng thể nói thật. Đàn bà tha phương cầu thực có trăm nghìn nỗi khổ nhục không thể nói ra. Sống để bụng, chết mang theo.“
Em nhìn con bé tóc vàng trong gương, cả hai đứa cùng gượng gạo cười. Nụ cười bỏ đi từ lúc nào, để lại trên mặt một lằn ngang khô cứng.
Bên ngoài trời rét căm căm, gió mùa đông kéo đi cuồn cuộn trên mái nhà tôn, xà nhà trên cao vặn mình răng rắc, gió thổi tốc qua những tấm màng cửa bằng nhựa dày, cuốn mùi rác thải chạy thông thống dọc hành lang. Vài người khách mua hàng vội vã bước, cứ như họ muốn biến nhanh khỏi nơi này để về lại mái gia đình ấm áp. Bác bán bánh cuộn mình trong tấm khăn choàng đen xơ xác, đôi môi tím tái méo xệch đi, bác vừa ho vừa gọi với theo:
„Này, anh trai ơi, mua hộ em ít bánh làm quà nào…Gớm, sao trời rét thế. Giá mà được rúc vào giường ngủ một giấc.“
Em sợ rét, sợ cả bóng đêm. Đêm là một thế giới khác, mình không còn là mình nữa, mình thụ động, bất lực và yếu đuối. Những nỗi ám ảnh như lũ dữ ào ạt tràn về từ trong một vùng tăm tối, khi ấy, em có muốn trốn đi cũng không được. Không phải là giấc ngủ, mà là một cảm giác kỳ quặc như đang trôi đi, mà thường trôi về bên một dòng sông.
2. Đấy là Rạ.
Nó nằm im lìm trong hốc đá, bóng đêm phủ kín thân hình nó, ánh trăng bò xuống ăn loang lổ khuôn mặt nó. Tiếng than khóc u uẩn lẩn trong gió, thấm xuống đá, chảy vào bóng đêm, không tan biến đi mà cũng không nắm bắt được. Tiếng than khóc của nó lần mò tìm đến em trong đêm vắng, lạnh lẽo trùm lên thân thể em, quấn quýt, nức nở gọi em đi cùng.
Đấy là Rạ, nó nằm bất động như thế đã rất lâu. Từ mùa hè qua mùa thu, từ mùa thu qua mùa đông. Xuân hạ thu đông, vẫn nằm như thế. Em vạch bóng đêm bò đến bên cạnh nó, đau đớn lắng nghe tiếng thì thào chôn dưới nấm cỏ khô mục.
mình khát lắm bị thương có uống nước được không
Đấy là Rạ. Nó nằm dưới đấy, đói khát và cô đơn. Em rưng rưng bảo nó.
Để mình ra bờ sông lấy nước cho cậu.
cậu đừng bỏ đi xin đừng bỏ mình đi mình biết là cậu muốn bỏ đi nhưng mình van cậu đấy giữa lúc này đây cái chết đang tìm đến nó ở cạnh đây thôi mình sợ hãi lắm
Không. Mình không đi đâu cả. Mình sẽ ở lại đây chờ cậu khoẻ lại. Cả hai đứa sẽ bơi qua sông.
thật sao cậu nghĩ mình sẽ sang sông được sao đấy súng lại nổ nữa rồi đấy
Cánh rừng im ắng ghê rợn. Súng đã ngừng nổ từ lâu. Nhưng những âm thanh kinh hoàng dường như vẫn còn vương vải đâu đây. Trên từng chiếc lá xanh. Trên từng đám cỏ bị cày xới. Trên từng viên đá vỡ nát. Bất cứ lúc nào. Bất cứ một phút giây nào. Tiếng nổ chát chúa rùng rợn ấy sẽ lại vang lên. Nỗi sợ hãi lại đột ngột tràn tới, đậm đặc khốc liệt tưởng như cảm nhận được nó trên làn da nổi sần, nắm bắt được nó trong lòng bàn tay tướp mồ hôi lạnh. Cái chết chệch qua đời em trong gang tấc, mà cũng không rõ tại sao. Tại sao nó nhằm vào mình rồi lại chệch đi như một phép màu, như một sự gian lận.
Em run rẩy nép vào hốc đá, nghe hơi lạnh của đá thấm vào thân thể mình. Con quạ đen đậu trên bộ xương cây khô quắt, con mắt vàng ệt hiện lên trên bộ mặt đen đủi như khuôn trăng chết chìm dưới đáy giếng. Tại sao con quạ bám mãi theo em, không rõ là điềm may hay rủi.
Rạ nằm im, ánh trăng vàng xuyên qua tàn lá đen ăn gần hết khuôn mặt Rạ. Trăng ăn háo hức, khuôn mặt Rạ đầy lỗ thủng bây giờ chỉ còn một hố đen. Đôi mắt Rạ chậm chạp mở ra từ cái hố đen ngòm, nhìn con quạ dại khờ, nhìn em van xin.
nước nước nước đang cạn dần
Cậu có đau lắm không? Mình phủ thêm cỏ cho cậu nhé.
Rạ không nói gì nữa, nó lại lẩn vào bóng tối, giận hờn uẩn ức nhìn em, nhìn thân thể nguội lạnh của chính mình. Em nhổ cỏ bên bờ đá, phủ lên mình Rạ. Cái bóng em vừa chạm vào bóng con quạ, nó giật mình cất tiếng kêu thảng thốt rồi vỗ cánh bay vào màn sương đục nhừ.
Con quạ bay đi để lại một khoảng trống cho bầu trời đêm xanh xẫm, lác đác sao rơi. Em bẻ đám lá xanh quanh bờ phủ lên mình Rạ. Nhựa cây ứa máu đỏ sẫm dưới ánh sao. Thân xác Rạ vẫn nằm đấy, lọt thỏm trong cái ổ lá chỉ có khuôn mặt nhợt nhạt và một bàn tay bất động thò ra ngoài. Em định phủ cả cỏ và lá lên bàn tay nó. Nhưng ý nghĩ phải phủ kín cả thân hình Rạ, phải chôn vùi Rạ vào trong bóng tối, làm em kinh hãi. Bàn tay cứ nằm thò ra từ đống cỏ, bất động nhợt nhạt. Chỉ có cái đầu Rạ và bàn tay Rạ là còn đấy. Mọi thứ khác đã mất đi đâu. Đôi mắt Rạ vàng ệt như mắt quạ, chập choạng bám lấy em.
đám người đi trước đã sang sông cả rồi sang đến bên đấy là thoát sang đến bên đấy là thoát sang đến bên đấy là thoát
Sang đến bên đấy là thoát. Sang bên đấy là miền đất hứa là những công viên đầy hoa là những thảm cỏ xanh ngát là những đại lộ xe hơi nườm nượp là những cửa hàng cửa kính choáng ngợp là những dãy nhà cao chọc trời. Bọn mình sắp đến đích rồi, biên giới là đây. Chỉ cần qua được con sông là sẽ có những công viên đầy hoa và những chiếc xe ô tô bóng loáng.
Em nắm lấy bàn tay Rạ, bàn tay nó xanh như sao, mỏng như lá, lạnh như đất.
Cậu làm sao thế? Cậu đừng bỏ đi nhé. Mình nắm tay cậu đây. Cậu có nhận ra mình không? Chắc bọn họ sắp quay lại tìm chúng mình. Cậu cố chờ nhé. Bọn họ sẽ quay lại đưa chúng mình sang sông.
bọn buôn người sẽ chẳng quay lại đâu bọn chúng bị mafia biên giới đẩy lùi lại rồi
Mình nghe tiếng người gọi ngoài bờ sông, hay là anh Chắt quay lại tìm bọn mình đấy. Cậu nắm tay mình đi. Đừng sợ.
không phải tiếng người đấy là tiếng ma quỷ đưa tử tù qua gềnh đá
Cậu đừng nói thế, mình sợ lắm. Vũ và anh Chắt sắp quay lại tìm bọn mình.
chẳng có ai quay lại đâu chỉ có bọn đầu trâu mặt ngựa đang đến kéo mình đi
Đừng đi, Rạ ơi. Bọn mình gần đến đích rồi.
Bàn tay Rạ vẫn thò ra từ đống cỏ, trong suốt lạ thường, những cái móng tay dài dần ra. Có ai từng bảo rằng, con người ta khi chết rồi móng tay và tóc vẫn cứ tiếp tục dài ra. Rạ nằm im đấy, móng tay dài ra, tóc dài ra. Sự sống bên dưới đống cỏ theo bàn tay thoát dần ra bên ngoài. Sự sống đội cả lớp cỏ un lên như sương trắng. Em lùi lại, lùi dần lại, nhưng những sợi cỏ dài ra trong sương níu chặt chân em. Dưới đám cỏ kia là Rạ, là sự thật, là vết thương vỡ toạt trên lưng. Nó nằm trong cỏ cứ há miệng ra kêu rên đến khô héo.
Em gào lên, gọi Rạ, gọi Vũ, gọi anh Chắt, gọi con người. Chỉ có tiếng quạ, tiếng sói hoang, tiếng ma quỷ dẫn tử tù qua mỏm đá. Đầu Rạ chìm dần trong nấm cỏ. Bàn tay bỗng ngóc lên, hốt hoảng vẫy gọi. Những cái móng tay dài ra như những con rắn, bò vội vã về phía em. Đám cỏ lởm chởm như tóc Rạ đỏ quành quạch. Những sợi tóc dài ra, tứa máu, trườn đi theo ánh trăng. Trườn đến bên em, trì kéo than khóc.
cậu đừng bỏ mình đi nhé
Em rú lên kinh hoàng, phóng chạy ra bờ sông.
bao giờ cậu gặp anh chắt thì báo cho anh ấy chỗ đi tìm mình nhé
Nước sông lạnh ngắt, đôi chân em cứng đờ không cử động được. Em lại gào lên, nước tràn vào miệng. Tiếng kêu vùng vẫy trong cổ họng em mà không thoát ra được. Bàn tay em ngâm trong nước, da trắng nhợt bong ra từng mảng. Những sợi tóc đỏ đuổi theo phất phơ. Phất phơ.
*
Chị Thuý bảo:
„Sao đêm nào mày cũng ngủ mơ, khóc la vật vã ghê thế. Thằng Martin hãi quá, nó bò sang phòng tao gọi cửa, khóc um lên.“
Em ôm thằng Martin vào lòng, áp đôi mắt sưng vù của mình lên mái tóc vàng mềm như tơ. Giấc mơ đêm qua như còn lẩn quất trong gian phòng này, hơi thở ẩm ướt của đêm trôi ngoài khung cửa. Đầu em nhức cứ như bị nhát cuốc bổ làm đôi, cứ như viên đạn trong đêm bắn vào đầu dù không làm em chết đi nhưng làm em đau đớn khủng khiếp khi tỉnh dậy. Bước ra khỏi những giấc mơ hãi hùng lại không biết mình đang ở đâu. Trong bóng đêm chỉ còn lại một thứ. Chỉ còn lại một thứ.
Sự kinh hãi.
Sự kinh hãi.
Sự kinh hãi.
Em run rẩy ôm chặt thằng Martin vào lòng, run rẩy áp môi mình lên mái đầu thằng Martin, run rẩy tìm chút hơi ấm. Mớ tóc mềm phất phơ. Phất phơ.
Em gượng gạo nói với thằng bé:
„Martin đừng sợ nữa nhé. Buổi tối cô chơi cút bắt với bạn bè đấy.“
Thằng Martin ngước đôi mắt xám ngắt nhìn em, nó háo hức bảo:
„Ối ay, cháu chơi chung ới.“
Đôi mắt nó như thuỷ tinh trong suốt, lại sâu thẳm như lòng giếng đêm, ánh trăng vàng lung linh dưới đáy. Em lặng người đi:
„Ơ này, đôi mắt Martin lạ quá, nhìn vào hun hút sợ lắm.“
Chị Thuý nhìn sững em chứ không nhìn vào mắt con, rồi chị rùng mình quay mặt đi. Hình như chị cũng sợ đôi mắt thằng bé. Cứ mỗi khi nó đến gần, ngước đôi mắt xám lên nhìn mẹ, chị lại rùng mình quay mặt đi như chối bỏ, như trốn chạy.
Có lần em hỏi bố thằng Martin là ai, mặt chị Thuý bỗng tái nhợt như người chết trôi. Chị lãng đi rồi khẽ khàng bảo em đóng hết cửa sổ, kéo kín màn che, đừng để trăng rọi vào nhà. Trăng vừa bẩn vừa hôi, đeo bám như ma quỷ.
Bên ngoài cửa sổ, con quạ đen đậu trên ngọn cây sồi cất tiếng kêu dài bí ẩn.
Quạ… quạ… quạ… Qua sông.
3. Thằng Martin ngồi trên ban công.
Thằng Martin mỗi ngày theo chị Thuý ra hiệu cắt tóc. Mỗi khi chị Thuý có khách, nó chơi với em. Mỗi khi em có khách, nó đi lang thang qua những dãy hàng chợ, đi mà không bao giờ nhớ đường về. Có hôm em tìm được nó nằm ngủ co ro trong góc hành lang, nơi đổ rác thải. Có hôm nó đứng ở hàng thịt sống, trố mắt ngây độn nhìn người ta mổ cá. Con cá chép đầy máu nằm co giật trên tấm thớt nhầy nhụa. Thằng Martin ngoẹo đầu cười, ngón tay nó thập thò chạm vào thân hình con cá, ngón xoa mãi miết lớp máu đỏ trên làn da nhờn, ngón tay háo hức luồng vào bụng cá ngoáy tung gan ruột.
Chị bán hàng quát lên:
„Thằng ranh, mày làm gì thế?“
Thằng Martin ù té chạy. Nó chạy ra hàng hiên, giữa trời rét căm, nó đứng ngoẹo đầu nhìn người ta nướng chả. Khói bay mù mịt, mỡ cháy xèo xẹt. Cặp mắt thuỷ tinh của nó phủ màng sương mỏng, đã xám lại càng xám ngắt. Nước dãi nó ứa ra hai bên mép, chảy dài xuống cổ áo.
Chị nướng chả mặt mày bịt kín, vừa đảo chả trên bếp than vừa làu bàu nói sau lớp khăn:
„Thằng này trông hay nhỉ. Mẹ mày làm cách nào mà đẻ ra được thằng con lai. Hay thế. Tao mà có được một đứa con như mày thì khỏi phải ra đây nướng chả.“
Chị ném cho thằng Martin miếng chả cháy vàng. Nó không ăn ngay mà bóp miếng chả giữa hai bàn tay, bóp mãi miết. Miếng chả ngấu đi thành bã, còn lại mỡ thịt trắng nhờn bám trên lòng tay. Thằng Martin thả miếng bã xuống đất, nó thè lưỡi liếm hai bàn tay.
Chị bán hàng quát lên sau lớp khăn bông:
„Thằng ranh, mày làm gì thế?“
Em kéo thằng Martin về hiệu cắt tóc, nó chẳng nói gì, chỉ cười, chỉ lè lưỡi liếm mãi mấy ngón tay bẩn.
Chiều cuối năm, chị Thuý đóng cửa hiệu sớm, chị gọi em đi mua ít quà bánh về đón giao thừa. Mùi chả nướng, mùi dưa hành, mùi giò lụa, mùi măng chua, mùi bánh chưng… từ những gian hàng ăn bay ra thổi thông thống suốt dọc hành lang. Và cả mùi hương khói cuối năm. Em nghe tiếng người ta rộn rã gọi nhau, tiếng hàng họ xôn xao chào hỏi, bỗng nhớ nhà, nhớ bà quá. Nỗi nhớ giấu kín trong lòng chợt trào lên trong buổi chiều đón giao thừa làm em tê dại cả người. Năm nay bà đón giao thừa một mình, mù loà thui thủi trong căn chòi rách trên mảnh vườn cầm cố. Em đi xa lơ, xa lắc thế này, biết bao giờ mới quay lại được, mà không quay lại được đâu, phải trả cho xong nợ đã, rồi còn phải tìm được tí vốn lận lưng nữa chứ. Này, không được khóc đâu nhé. Khóc là bã cả người ra thôi. Em gạt nước mắt, ghé ra hàng bác bán bánh mua cho bố mẹ cái bánh chưng, mua cho Rạ cặp bánh dày.
Bác bán bánh hôm nay không nói gì, lặng lẽ chậm chạm, cứ như ngày cuối năm là phải gánh trọn mười hai tháng đầy ắp nhọc nhằn.
Chị Thuý nhìn em lọng cọng trả tiền, chị cũng im lặng không nói gì. Thì cũng là ít tiền lẻ chị cho mà em cố dành dụm đấy thôi. Chị Thuý mua ở cửa hàng thực phẩm Á Châu nhiều quà bánh lắm, một xấp bánh cuốn, một khúc giò lụa, một tấm thịt quay, hai bìa đậu phụ rán, bún chả, bánh đúc… Nhà có ba người thôi mà chị mua thức ăn làm gì nhiều thế. Về đến nhà, chị bảo:
„Mày xếp quà bánh vào đĩa, đặt lên bàn thờ, cắm hoa vào lọ hộ tao.“
Giọng chị buồn bã quá, cái buồn ấy bị mùa đông giữ lại, giam kín trong căn phòng nhỏ. Em ngạt thở đến nổi không còn sức mở miệng. Nỗi buồn trong lòng mình, nỗi buồn trong căn phòng đầy ắp quấn quýt lấy nhau. Em lẳng lặng đặt bánh trái ra đĩa, đặt hương hoa lên bàn thờ. Cô đơn lặng lẽ như thế này mà thắp hương cho bố mẹ thì bố mẹ lại đau buồn hơn thôi. Em gắng gượng cười với bố mẹ, cầu xin bố mẹ phù hộ cho bà được mạnh khoẻ, xin bố mẹ phù hộ cho em bám được ở đây để kiếm tiền trả nợ, kiếm tiền nuôi bà. Em thắp cho Rạ nén hương, mong nó tha lỗi cho em, mong nó phù hộ cho em tìm được Vũ.
Chị Thuý ra ngồi cạnh em, lại rưng rưng nước mắt, giữa lúc em muốn vui vẻ để đón năm mới mà chị lại thút thít. Thật khó lòng mà vui.
„Bây giờ là sáu giờ chiều. Ở quê mình vừa đúng giấc giao thừa.“
Rồi chị thắp nhang, lầm rầm cầu xin Trời Phật phù hộ cho chị tìm lại đứa em gái.
„Nó bằng tuổi mày, mất tích trên đường sang đây, chẳng rõ trôi dạt nơi nào. Không biết giờ này nó đang đón giao thừa ở đâu.“
Em nhìn chị sững sờ, hoá ra là thế. Em hỏi chị:
„Chị có thử tìm chưa?“
Khuôn mặt chị Thuý vừa bị quất một nhát roi, nó co rúm lại như quả thị héo.
„Trời đất bao la biết đâu mà tìm. Nhất định là nó vẫn sống. Nhất định là có người tử tế nào đấy cưu mang nó. Nhất định…“
Này, có một cái gì đấy không thật ở đây, câu chuyện lấp lửng như quả bong bóng bọt xà phòng thế kia. Nó chờn vờn trước mặt mình đấy, óng ả tròn trịa thế đấy, nhưng chạm nhẹ tay vào là vỡ toang ra.
Chị Thuý lãng đi, gọi thằng Martin vào thắp hương cho bố. Thắng bé ngước đôi mắt xám trong suốt nhìn lên bàn thờ, háo hức hỏi:
„Ao ờ ăn?“
Chị Thuý hỏi lại:
„Con đói à?“
Nó lắc đầu, lè lưỡi liếm lên cây hương. Lưỡi nó nhuộm phẩm đỏ của chân hương, đỏ nhon nhót. Chị Thuý rùng mình quay mặt đi.
Em hỏi:
„Bố thằng Martin chết rồi sao?“
Đêm giao thừa không trăng. Gió lạnh rít từng hồi bên ngoài khung cửa sổ. Gió đánh bật chậu hoa khô trên thành ban công, tiếng rơi vỡ đột ngột làm chị Thuý thét lên thảng thốt. Em nhìn ra bên ngoài, chỉ thấy đất đen và mảnh sành vỡ văng tứ tung. Bụi hoa cúc trơ xương trơ rễ nằm vật vã dưới chân tường. Chị Thuý rên rỉ trong góc phòng tối:
„Đêm nay ai gọi cửa mày cũng đừng mở ra nhé.“
Em lắc đầu, mưa gió thế này, ai mà gọi cửa cơ chứ. Tiếng gió gào thét lách qua những dãy nhà cao tầng, tuồn hết vào khoảng sân trống. Mấy tấm cửa kính rung lên kèn kẹt như muốn bật ra cho gió tràn vào. Thằng Martin khóc ré lên trong bóng tối.
„Ông ấy lại òi ào, mẹ ơi.“
Chị Thuý nạt bừa, giọng run rẩy như tiếng nhành cây khô gõ lên cửa kính.
„Gió đấy, gió đánh mấy nhành cây lên cửa kính thôi mà. Làm gì có ai ngoài đấy. Làm gì có ai gọi cửa. Đã khuya lắm rồi, hai cô cháu ngủ đi.“
*
Đêm ầm ào chuyển động, giấc ngủ lao đao trong vật vờ động tĩnh, trong nhập nhoạng sáng tối. Có rất nhiều người kéo đến cùng ánh trăng vàng vọt. Họ cười nói chuyện trò ngay đầu giường, họ đi ngang phòng khách, đi vào nhà bếp. Họ lấy thức ăn chia nhau, dường như là đói lắm. Em muốn ngồi dậy nhưng bàn tay đặt lên ngực đè nặng như xác quạ. Em muốn la lên nhưng tiếng la không thoát ra được, cổ họng trống hoang như cái giếng khô. Một bà già tóc trắng cúi xuống bên em, những sợi tóc loà xoà bò ngổn ngang trên mặt em. Bà già thì thầm:
„Con bé ngoại quốc, mày đến đây làm gì?“
Từ cái miệng móm mém tối tăm trổ ra cười u ám, Em nghẹn ngào thét lên, tiếng rên rỉ ứa ra bên mép:
„Bà là ai?“
Bà già lùi lại thét lên, tiếng thét nhức nhối như tiếng quạ kêu. Những người trong nhà giật mình, chao đảo, chao đảo rồi tan biến mất. Em lồm cồm ngồi dậy, thấy ngực mình đau nhói dường như nơi ấy có vết quạ mổ. Những người khách lạ đã đi cả rồi, trăng bên ngoài sáng vằng vặc. Họ vẫn hay đến đây vào đêm trăng sáng, đói khát, ồn ào và tò mò. Đêm ba mươi sao trăng lại sáng thế kia. Cánh đồng hoang sau nhà phủ tuyết trắng, lấp lánh dưới ánh trăng như biển muối. Trăng lạc lõng từ đâu trôi qua đây. Mà đây là đâu? Em mệt mỏi đổ gục xuống giường. Ai đấy nắm tay em đưa đi qua những dãy nhà đổ nát, cuối con đường lửa bốc cháy ngùn ngụt.
Tiếng phi cơ gầm rú trên cao, tiếng nổ vang dội, khói bốc lên, mùi khét bốc lên, bụi bặm mịt mù bốc lên. Bà Uschi hàng xóm của chị Thuý, vừa già vừa lẫn, chết cô đơn trong căn hộ hôm tuần trước. Giờ đây, trong giấc mơ kỳ dị của em, bà ấy đang gào khóc bên đường. Đứa trẻ tóc bạc đưa cánh tay cháy đen chỉ vào căn nhà đổ.
„Cả bố và mẹ bị chôn trong đấy.“
Chiến tranh đã đi qua nơi này, hoang tàn, chết chóc.
Những người đàn bà gầy gò rách rưới đào bới trong đống gạch đổ. Họ mang những vết thương kinh dị trên thân thể. Bà Uschi thì thầm bảo, đấy là những vết thương chiến tranh. Em ôm lấy đầu mình, cảm thấy đau đớn nhức nhối không chịu được. Bà Uschi thì thầm bảo, đấy là vết thương hoà bình. Em không rõ hai cái ấy khác nhau như thế nào, nhưng đầu em đang có một lỗ thủng đen ngòm. Trí nhớ rơi cái lỗ ấy, biến đi mất tăm. Những người đàn bà rên rỉ:
„Chúng tôi cũng đánh mất trí nhớ, bởi thế mà không còn biết mình là ai, bởi thế mà không siêu thoát được…“
Họ dang tay đi về phía em, kêu gào khóc lóc. Cái lỗ thủng trên đầu em cứ mở to ra, nuốt dần trí nhớ. Em oà lên khóc, có quá nhiều thứ bị đánh mất vào đấy không lấy lại được, có lẽ rồi mình cũng bị giam cầm trong thế giới tối tăm này thôi. Bởi thế mà không siêu thoát được. Bởi thế mà trở về lại thế giới con người, như một sự gian lận.
Những người đàn bà tràn đến quanh em, những bàn tay xương xẩu sờ soạn níu kéo em. Họ muốn em đi cùng, đi vào thế giới bị đánh mất của họ. Em kinh hãi mà không sao la lên được. Từ trong bóng tối, giọng một người đàn ông quát lên giận dữ:
„Để cho con bé yên!“
Những chiếc bóng rùng mình rồi tan biến trong đám bụi mù. Người đàn ông mặc áo choàng đen lầm lì đứng bên bờ chiến hào. Súng ống, xác người nằm lổm ngổm dưới ánh trăng. Em không thấy được khuôn mặt của ông ta, chỉ có đôi mắt rọi ra hai vệt thuỷ tinh sáng lạnh lẽo. Trăng vàng lơ lửng phía sau, đẩy chiếc bóng cao gầy của ông ta đổ dài trên mặt đường.
Em sợ hãi lùi lại. Nỗi sợ hãi đậm đặc tưởng như cảm nhận được, sờ mó được. Đấy là cảm giác khi cận kề cái chết, đấy là cảm giác đã từng đón đường em nơi cánh rừng biên giới. Có lẽ, em đã từng gặp ông ta, ở một nơi nào. Bàn tay em hoảng hốt nắm lấy bàn tay bà Uschi, bàn tay đứa trẻ ướt lạnh, trôi tuột đi như hơi sương. Cái miệng móm mém không răng của bà Uschi há ra như con cá mắc cạn cố đớp lấy không khí, bà ấy sợ hãi chiếc bóng đen, bà ấy đang vật vã tìm cách thoát khỏi ánh trăng nhưng bàn tay bà ấy bị giữ lại trong tay em. Bà Uschi cố vùng vẫy cố kéo em theo cùng. Em kinh hãi thét lên, mồ hôi túa ra trong đêm.
Cả gian phòng ngủ lạnh toát như đáy nhà mồ. Đây là đâu? Những hồn ma kia muốn gì?
Thằng Martin đã biến đi đằng nào. Tấm đệm nơi nó nằm vẫn còn trũng ấm. Bên ngoài trời đã ngưng gió. Cánh cửa sổ hé mở, từ đấy hơi lạnh tràn vào, từ đấy ánh trăng tràn vào, từ đấy quá khứ thương tật tràn vào. Từ đấy những người chủ cũ đến và đi.
Em đứng lên định đóng lại cánh cửa sổ, cũng chẳng rõ tại sao nó mở ra trong đêm như thế. Chiếc bóng trắng đong đưa bên ngoài làm em kinh hoảng, suýt nữa thì thét lên. Chiếc bóng mặc tấm áo ngủ phong phanh, nó ngồi vật vờ trên bệ ban công. Khuôn mặt nó trắng toát đờ đẫn kỳ dị trong bóng đêm. Trăng lặn từ bao giờ như không hề có trăng. Em không biết, bằng cách nào thằng Martin leo từ cửa sổ phòng ngủ ra được ban công phòng khách. Từ tầng lầu ba nhìn xuống bên dưới, mặt đất tối đen. Em nhìn sững vào bóng đêm, nhìn sững thằng bé, nhìn đầu nó gục dần xuống trong giấc ngủ.
Con quạ mặc áo choàng đen lầm lì đậu trên ngọn sồi già. Ánh mắt nó như vệt trăng vàng lạnh lẽo. Em hốt hoảng nhìn nó van xin. Nếu bây giờ con quạ kêu lên thì thằng Martin giật mình rơi xuống đất chết mất thôi. Con quạ trố mắt nhìn em, cái mỏ xám xịt hé ra đe doạ.
Chị Thuý thức dậy từ bao giờ, thì thào sau lưng em.
„Ôi giời ơi, nó rơi xuống mất.“
Giọng nói của chị lạc lõng vô cảm, lạ quá, sao chị không đau đớn, sao chị không kinh khiếp, sao chị không lo lắng. Em nắm tay chị kéo ra phòng khách, chị lẳng lặng đi theo em như cái bóng. Em cố mở cánh cửa đi ra ban công, cố đẩy thật là nhẹ, cố không gây ra tiếng động nào. Bàn chân em rón rén bước đi trên nền đá lạnh vương vải đất và mảnh sành. Bàn tay em khẽ khàng chạm vào vạt áo thằng Martin. Khẽ khàng đến thế mà nó vẫn giật mình ngã chúi vào người em. Suýt nữa thì hai cô cháu ngã lăn ra trên nền đất. Em ôm nó trong tay mà vẫn không hết sợ hãi. Mặt đất bên dưới phủ kín tàng lá sồi tối thăm thẳm
Thằng Martin ngủ say đờ đẫn, cả khi em đặt nó lên giường khuôn mặt nó cũng vẫn đờ đẫn khoái trá như thế. Dường như nó mỉm cười, dường như nó thoã mãn. Chị Thuý gục đầu giữa hai lòng bàn tay. Em không nhìn thấy mặt chị, nhưng em đoán là chị khóc. Nhưng sao tiếng khóc của chị kỳ dị quá, tiếng khóc không đau buồn không oán thương. Tiếng khóc cứ ngằn ngặt như tiếng mèo hoang côi cút gọi tình ngoài bãi tha ma. Gió đêm lạnh buốt lùa vào phòng đuổi bắt tiếng mèo hoang, đẩy những tấm màn cửa đong đưa.
Tiếng quạ kêu khắc khoải ngoài rặng thông.
*
Những đêm hồn ma không đến, thì con người tìm đến. Họ đến rất muộn, qua đêm với chị Thuý rồi lại biến mất, khi ấy chị không khóc mà cười ằng ặc. Anh Hùng, anh Châu, anh Tâm, anh Hảo… anh nào đấy mò sang gõ cửa phòng em, van vỉ xin vào. Em khoá chặt cửa phòng, ôm lấy thằng Martin.
Chị Thuý biết cả, chuyện người với người ngay trong một nhà có gì mà không biết. Nhiều lần chị răn đe em:
„Mày liệu hồn đấy. Chúng nó chỉ bám vào đứa có giấy tờ, loại như mày là rác rưởi qua đường thôi.“
Chị Thuý, hai mươi mốt tuổi, khuôn mặt nhẵn thín chưa một vết nhăn, nhưng nụ cười cứ méo xệu như bà đồng nát quanh năm phải đối diện chủ nợ.
Giữa đám cùng đinh tị nạn tả tơi giấy rách, sứt mẻ chai lọ, dúm dó đồng thau, chị tìm mãi không ra người tử tế. Những kẻ không giấy tờ quàng xiên tìm nơi bám víu, đêm đêm, họ đến với chị rồi họ bò từ phòng chị sang cửa phòng em thì thào:
„Này, em, mở cửa cho anh vào với. Em gái ơi, em ngủ rồi hay sao?“
4. Nụ cười của Vũ trong những ngày là đêm.
Em chưa ngủ nhưng em nhắm mắt lại để chạy trốn. Chạy trốn hiện tại ghê tởm ngoài cửa phòng hay chạy trốn những giấc mơ kinh hoàng sẽ kéo đến trong bóng đêm, em không rõ, nhưng cả hai thứ đều đáng sợ như nhau. Em không muốn nghĩ đến chúng nữa, em lẳng lặng trở về bên dòng sông Chuối để tìm Vũ.
Tiếng gà sớm eo óc cất lên trong thôn.
Bao giờ cũng bắt đầu bằng tiếng gà gáy, chẳng rõ gà trống nhà cụ Cảnh hay gà nhà bà Thình. Sau tiếng gà eo óc, nụ cười của Vũ sẽ sàng hiện ra trong ánh sáng ban mai nhợt nhạt vừa chuồi lên khỏi rặng tre ngà. Vũ ngâm mình giữa dòng sông, chờ em đội cát lên thuyền. Cả hai đứa chẳng nói năng gì, chẳng ai chào hỏi ai, lúc này mà nói ra một lời là mọi thứ sẽ tan biến đi. Vũ nghiêng người đưa đầu đội hộ cho em thúng cát, từng dòng nước cát chảy dài trên khuôn mặt xanh xao của Vũ. Khi ấy, trong nỗi nhớ ấy, trong giấc mơ ấy, trong lần quay về ấy, nụ cười Vũ ở thật gần bên em, gần gũi lắm, ngỡ như đưa ngón tay ra là chạm phải.
Đằng sau nụ cười của Vũ, những đứa trẻ làng Vũng Chiêm còm cõi còng lưng đào mãi, còng lưng đội từng thúng cát đưa lên thuyền. Kia là Rạ. Kia là anh Chắt, anh trai của Rạ. Kia là thằng cháu nhà bà Thình. Kia là chị Giang nhà cụ Cảnh… Họ đang trôi đi xa dần. Bàn tay em hốt hoảng tìm bàn tay Vũ giữa bến sông chìm trong sương mờ mịt.
Những cái ngón tay ngâm cả ngày trong nước lạnh đã tím tái, từng lớp da trắng bệch bong ra trôi vật vờ.
Những chiếc thuyền chở cát đi để lại dòng sông bị đào lở lói, quặn mình ngầu đục.
Những giấc mơ trôi qua cùng nụ cười của Vũ, không sao níu giữ được.
Em gạt nước mắt nhớ thương, bò dậy đi tìm Vũ trong những khu chợ người Việt. Nếu Vũ đến được đây thì nhất định là Vũ cũng đi tìm em ở những nơi tập trung hàng quán người Việt mình. Biết đâu Vũ đang làm việc ở một góc nhà hàng nào đấy, chùi rửa dọn dẹp hay phụ bếp. Biết đâu Vũ đang lẫn vào giữa đám người lam lũ còng lưng tải hàng xuống chợ. Biết đâu Vũ đang mắc cạn ở nơi nào mòn mỏi chờ em tìm ra Vũ, đưa Vũ trở về cuộc sống.
Em đi tìm Vũ, nhưng rất sợ gặp anh Chắt, chẳng rõ vì sao, nhưng em cố không nghĩ đến nỗi băn khoăn ấy. Nếu anh Chắt còn sống, nhất định anh ấy sẽ bảo cho em biết Vũ ở đâu. Nếu anh Chắt còn sống, nhất định em phải nói cho anh ấy biết Rạ ở đâu.
Bên cửa nhà hàng, con gà trống nằm ủ rũ trong cái lồng sắt chật hẹp. Hai chân nó khuỵ trên sàn nhà. Cái đầu có mào đỏ tái nằm rụt vào giữa mớ lông cổ bờm sờm, từ trong đám lông ấy con mắt vàng lơ láo nhìn ra thế giới loài người. Không biết nó được đưa từ nơi nào đến đây, nằm cù rù như thế chờ người ta cắt tiết. Trong nhà hàng này, vẫn có những khách quen đặt nhà bếp mang gà vịt sống đến cắt tiết tại chỗ. Con gà chắc cũng biết điều ấy, con mắt vàng phủ nước long lanh nhìn em tuyệt vọng. Ánh mắt đấy làm em sững sờ, nó như nỗi nhớ thương, như tiếc nuối những ngày êm đềm xa xăm. Bên tai em tiếng gà eo óc vừa cất lên, tiếng gà trôi đi lãng đãng trong sương sớm. Kia là Vũ, nụ cười êm đềm hiện ra giữa vùng sáng ban mai. Trong nỗi nhớ nhung ấy, tiếc nuối ấy… những hình ảnh bị dồn nén nơi nào trong tâm khảm, giữa ban ngày, bỗng ùa về làm em kinh hãi. Em ôm đầu thét lên, co chân phóng qua cái lồng gà, phóng chạy như điên trên cánh đồng cỏ hoang.
Tiếng gà gáy eo óc đuổi theo mãi phía sau, chẳng rõ là gà trống nhà cụ Cảnh hay gà nhà bà Thình.
*
Suốt một tuần sau đấy, em không dám đi ngang nhà hàng, cứ sợ phải nhìn lại con gà nằm chờ chết bên cửa bếp. Sợ tiếng gáy của con gà sẽ khơi dậy những hình ảnh hãi hùng từ một nơi tối tăm, ngay giữa ban ngày, ngay giữa lúc mình tỉnh táo.
Cứ để em lang thang đi tìm Vũ như thế này, trên cõi đời này, ngày qua ngày, đừng bắt em phải giết nốt niềm hy vọng cuối cùng.
Em đi tìm Vũ, cứ thấy người thanh niên nào cao gầy tóc cắt ngắn là em đuổi theo, đuổi đến tận nơi, nhìn tận mặt rồi biết mình lầm. Cảm giác lầm lẫn ấy dù xảy ra mãi, lẽ ra lòng em phải chai sạn đi nhưng không hiểu sao nó vẫn gây đau đớn và hụt hẫng, cứ như mình rơi vào cái giếng sâu hun hút, bị giam giữ trong bóng tối đặc lừ, trong nỗi cô đơn, trong sự tuyệt vọng, không biết phải bám víu vào đâu để mà bò trở lên. Những lúc ấy, em thường chắp tay cầu xin Rạ. Xin Rạ tha thứ cho em. Xin Rạ giúp em tìm lại Vũ, xin Rạ giúp Vũ trở về với cuộc đời. Nhưng rồi em lại lo lắng, nhỡ Rạ cũng yêu Vũ thì sao. Thì chắc Rạ sẽ giữ Vũ lại cho riêng mình. Em muốn oà lên khóc. Đứa con gái tóc vàng trong gương mắt cũng đỏ hoe hoe. Hai người đàn ông Ấn Độ trong gian hàng bán áo quần nhìn em cười suồng sã, họ đưa tay vẫy. Em biết họ muốn gì, đôi mắt chờn vờn nghiến ngấu của họ như con thú dữ tìm được mồi.
Em, mười sáu tuổi.
Tóc vàng như rơm, lởm chởm như rạ.
Áo thụng quần treg.
Giày cao một tấc.
5. Qua cầu mới hay - đoạn trường.
Cảnh sát bố ráp khu chợ người Việt.
Em phóng chạy giữa những tiếng la hét huyên náo, chạy thật nhanh, chạy đến cuối hành lang đụng phải chân tường thì bị giữ lại ở đấy, hoảng loạn gào thét mà không còn biết chạy đi đâu. Ai đấy thúc mạnh từ phía sau, đầu em đập bộp vào vách tường xi măng tưởng vỡ toạt ra, suýt nữa vì đau quá mà ngất đi. Một người đàn ông cao to giật ngược vai em, thô bạo đẩy về phía trước. Sức mạnh đôi bàn tay của ông ta đè lên cơ thể em như tảng đá, đôi chân em quỵ xuống, cứ như phải bò đi như chó.
Khi ngang hiệu cắt tóc, em nhìn thấy chị Thuý, em hoảng hốt gọi tên chị trong khi nước mắt trào ra. Chị Thuý đứng trong cửa hiệu vội vã quay mặt đi, chị ấy đã hoá ra người xa lạ.
Em cắn răng lầm lũi theo đoàn người ra xe, không đủ sức nhìn lại lần cuối cùng ngôi nhà lồng chợ, nơi đã cưu mang em trong những tháng ngày lang bạt.
Xe bít bùng đưa em về trại tị nạn. Từ trại tị nạn, người ta sẽ đưa em về lại quê cũ. Em đã đi suốt một con đường dài thảm khốc rồi sẽ trở về lại nơi cũ.
Căn phòng em ở trong trại tị nạn có bốn người phụ nữ Việt, hai người vừa bị cảnh sát đưa đi hồi hương. Giờ chỉ còn lại em và một chị tên chị Vịnh trong căn phòng trống, cô đơn, kinh hoảng, chờ ngày giấy tạm dung hết hạn để bị trục xuất ra khỏi biên giới. Mở cánh cửa ván mỏng, bước ra hành lang hôi hám ngập ngụa rác và nước bẩn là những kẻ xa lạ đủ mọi giống dân, da vàng, da đen, da trắng, đàn ông, đàn bà, lưỡng tính. Mọi thứ đều xa lạ quá. Em nhớ thằng Martin, nhớ giọng nói trẻ thơ quen thuộc ngọng nghịu của nó. Em nhớ khu chợ thơm nức mùi thức ăn và nhớ cả bác bán bánh. Hôm cảnh sát dẫn em đi ngang qua góc hành lang, mẹt bánh dày còn đổ ngang trên đường. Bánh văng vung vải, nhiều tấm bánh bị đạp phòi cả ruột. Không biết bác bán hàng có chạy thoát không hay cũng đang ở nơi nào trong trại tị nạn. Em cũng nhớ chị Thuý, nhưng nỗi nhớ thường kèm theo nỗi đau bị ruồng bỏ, buồn lại càng buồn hơn.
Đêm đêm, những người đàn ông ngoại quốc đến gõ cửa phòng, họ cười khằng khặc, họ nói bằng thứ ngôn ngữ của họ. Nhưng cả em và chị Vịnh đều hiểu, những người đàn ông say bét nhè đấy muốn vào đây. Cánh cửa ván mỏng ấy liệu giữ chân họ được bao nhiêu đêm nữa, em không biết, chị Vịnh không biết, cả những người đàn ông đấy cũng không muốn biết. Ở đây người ta chẳng còn gì để giữ, chẳng còn gì để mất, mọi thân phận đều cùng đinh như nhau. Em với chị Vịnh ngồi co quắp trong bóng đêm, nghe tiếng đồng hồ tích tắc mà mong trời sáng.
Thằng say nào đá vào tấm cửa ván, mấy cái bản lề kinh hoảng bật lên, chiếc bóng của chị Vịnh cũng bật lên trên tường. Cái bóng đứng sững ở đấy mà không biết chạy đi đâu, rồi nó ngã vật ra giường co quắp lại. Bên dưới cánh cửa sổ kia là bãi xà bần lổm ngổn gạch đá, que sắt. Từ tầng hai nhảy xuống đấy nếu không bỏ mạng thì cũng tật nguyền cả đời. Trong bóng tối em không nhìn thấy khuôn mặt chị Vịnh, em muốn bò đến bên chị, nhưng chẳng hiểu sao, em cứ ngồi bất động trong góc giường em. Cánh cửa lại rung lên bần bật sau cú đá kế tiếp, nhưng lần này chị Vịnh vẫn nằm im thin thít trên giường. Đồng hồ treo trên tường gõ nhịp tích tắc, chậm và đều như tiếng con bửa củi. Em ngỡ là chị Vịnh ngủ, làm sao chị có thể nằm im mà ngủ trong tình cảnh này. Mãi sau này, khi xa chị rồi em mới hiểu, tại vì sao chị nằm im lìm như thế.
Ban ngày bọn em cũng chẳng dám đi đâu, bước ra đến nhà bếp nhà vệ sinh là vội vàng quay về phòng. Những cái miệng đàn ông cười khoan khoái nuốt nỗi sợ của em vào bụng, những ánh mắt xa lạ muốn lột trần em ra. Em co lại, co lại mãi, mong biến mất khỏi thế giới này. Chị Vịnh cũng ngồi co ro trên giường đếm từng ngày. Năm ngày, bốn ngày, ba ngày, hai ngày… Hai ngày trước khi giấy tạm dung của chị hết hạn, chị Vịnh bảo:
„Ngày mai tao trốn trại.“
Em hoảng hốt nghĩ đến bóng đêm vò võ trong căn phòng. Thế là em đi theo chị Vịnh, dù không biết đi đâu, ngày mai ra sao, nhưng cứ phải trốn đi đã. Hành lý chẳng có gì ngoài cái áo khoác mùa đông và ba bộ quần áo cũ rộng thùng thình của trại cấp. Chị Vịnh lưỡng lự rồi gói theo tấm chăn bông, cũng không rõ để làm gì.
Trên cánh cửa kính của nhà ga, đứa con gái tiều tuỵ mái tóc nửa đen nửa vàng nhìn em hoang mang sợ sệt. Em không rõ mình đang ở đâu, thành phố nơi chị Thuý sống ở đâu, những chuyến tàu rầm rập vào ga rồi sẽ chạy về đâu. Xứ người rộng thênh thang không nơi nương náu.
Chị Vịnh thì thào:
„Mày cứ bám theo tao.“
Chị dẫn em nhảy tàu lậu, lẩn lút đổi mấy lượt. Hoá ra chị Vịnh rất thạo đường. Chị cười thiểu não:
„Tao sống trên đất này đã quá bảy năm, trốn trại như thế này không biết bao nhiêu lần. Khi nào hết sức thì đành để bọn nó đưa ra biên giới.“
Em không hỏi, tại vì sao chị phải trốn lâu như thế, tại vì sao tốn ngần ấy thời gian mà vẫn không tìm ra lối thoát. Nhưng em sợ lắm, cứ níu chặt áo chị Vịnh làm chị phải gắt lên. Buổi chiều muộn, chị Vịnh đưa em về đến khu chợ người Việt. Vừa nhìn thấy cái mái nhà tôn nằm giữa bãi cỏ lổm ngổm gạch đá, em khóc oà lên, cứ ngỡ mình về được đến nhà. Cửa hiệu chị Thuý khoá kín, tấm bảng hiệu vẫn treo dềnh dàng ở đấy, Thăng Long đệ nhất kéo. Em nhìn sững lên bức tường đối diện, hàng chữ đỏ như rạch vào mắt. „Bạn cần một người đàn ông Đức…“
Chị Vịnh đứng tựa lưng vào vách tường, mệt mỏi chờ đợi. Em biết đường về nhà chị Thuý, chỉ đi hai bến tàu là đến. Nhưng em cứ đứng chôn chân trên hành lang chợ, nước mắt trào ra.
Chị Vịnh hỏi:
„Mày định đi đâu? Trời sắp tối rồi.“
Em lại hỏi chị:
„Thế chị định đi đâu?“
„Tao cũng chưa tính được.“
Em nhìn sững chị. Cái đói, cái lạnh kiệt quệ sắp đẩy em ngã gục xuống chân tường.
„Em thử về nhà chị Thuý thôi.“
Bây giờ chị Vịnh lẽo đẽo đi theo em. Trời tối dần, gió lạnh thổi tốc qua nhà ga. Căn hộ chị Thuý trên tầng ba vẫn sáng đèn, lẽ ra về được đến đây thì phải mừng rỡ nhưng em chỉ thấy tuyệt vọng. Em đứng sững trong bóng tối, nhìn lên căn phòng nơi em đã ở trọ từ những tháng trước. Ở đây, rồi phải trốn chui trốn nhủi để quay về lại đây. Về lại đây, rồi cũng không biết mình phải bắt đầu lại từ đâu. Bắt đầu từ đâu để đừng quay lại từ đầu.
Chị Vịnh ngập ngừng thúc dục:
„Mày vào gõ cửa thử xem.“
Em lắc đầu. Chị Vịnh thở dài:
„Thôi, tao đi đây.“
Em chẳng rõ chị Vịnh đi đâu, dường như chị cũng chẳng biết đi đâu, nhưng đã đến lúc phải chia tay nhau. Em nhìn chị lần cuối. Ánh đèn đường vàng vọt soi lên khuôn mặt khắc khổ tàn tạ. Tim em thắt lại, chắc sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại nhau. Nỗi đau đớn ân hận ngụp lặn trong cơn đói mệt rã rời. Chiếc bóng nhỏ nhoi của chị Vịnh len lỏi giữa những bụi cây ven đường rồi chìm vào bóng đêm.
Khi ấy, cuộc đời em lại mang thêm một món nợ.
Em đặt tay lên cánh cửa quen thuộc, lẽ ra phải nhấn chuông, nhưng em lại gõ lộp cộp lên cửa. Gõ đến lần thứ ba thì có tiếng thì thào. „Ai đấy?“ Em nghẹn ngào không nói thành lời, chỉ sợ chị nghe tiếng em thì chị lại đuổi đi. Chị Thuý mở hé cửa, vừa thấy em chị sập ngay cửa lại. Tiếng chị giận dữ vọng ra:
„Mày biến đi cho tao nhờ. Tao gặp bao nhiêu khó khăn, không chứa chấp mày nữa đâu.“
Em định nói „chào chị“, nhưng trời đất chao đảo tối tăm, đôi chân em mềm oặt ra rồi biến mất. Cả con người em vụt biến mất. Chỉ còn bóng đêm.
Lúc tỉnh dậy, em lại thấy mình nằm trên cái giường cũ trong căn phòng ngủ cũ, thằng Martin nằm bên cạnh. Từ bên phòng chị Thuý vọng sang tiếng rên rỉ ằng ặc. Em đã đi được một đoạn đường dài để quay về lại đây, con đường sẽ lại bắt đầu từ đây. Chẳng rõ đưa về đâu, nhưng dù gì cũng may mắn hơn là bắt đầu từ nơi khác.
Em cố nhắm mắt lại, để nghĩ đến một cái gì đấy gần gũi và thân thuộc, nhưng chẳng có gì, chẳng còn gì. Nụ cười của Vũ đã biến mất, từ bao giờ và tại vì sao em cũng không rõ. Từ bao giờ hình ảnh của Vũ và những kỷ niệm rời rạc bên bến sông đã trở nên lạc lõng và mờ nhạt.
5. Cái hòm cho em.
Cái hòm gỗ cũ sì ấy chỉ đáng giá ba euro trong cửa hàng bán đồ cũ, đồ thải, nhưng chị Thuý phải bỏ đến mười euro thuê anh Hưng bên cửa hàng áo quần chở về hộ. Cái hòm đặt trong góc hiệu, nằm sau giá treo khăn, treo bao nilon trùm đầu, bên trên phủ đầy các thứ bao bị đựng dụng cụ uốn tóc.
Chị Thuý cười khanh khách:
„Mày vào nằm thử xem.“
Em nằm vào, co chân co tay một tí thì vừa vặn. Chị Thuý ném vào mấy tấm khăn cũ lên người em. Nắp hòm đóng lại, tiếng nắp gỗ đập vào thành hòm vang lên khô khốc, bóng tối đột ngột tràn đến. Âm thanh bên ngoài vách hòm loáng thoáng vọng vào như từ một cõi xa xăm nào đấy. Em hoảng hốt gọi tên chị Thuý, muốn vùng dậy nhưng tay chân em bị bó chặt, vách hòm trơn trượt không thể bám vào đâu. Thời gian bỗng giãn ra, kéo dài thườn thượt trong vùng bóng tối đặc lừ. Có tiếng gõ lịch kịch trên nắp, tiếng dộng mạnh bên thành, rồi những âm thanh kỳ lạ khác, không rõ từ đâu tới, cứ lịch kịch lịch kịch như có ai đến gần, như có cả đoàn người tiến đến gần. Em hốt hoảng la lên, mảnh khăn cũ đắp ngang miệng giữ tiếng kêu lại. Không khí trong hòm đặc quánh, ngực em bị đè nặng cứng, tay chân em tê dại như không còn tay chân.
Cái chết như tấm khăn liệm dày cuộn kín thân thể, kéo em đi, lịch kịch kéo nhau đi. Con đường phía trước đen thăm thẳm, bóng quạ đong đưa trên những nhành cây khô. Phía sau là quê hương, là nỗi niềm yêu thương xưa cũ, nhưng chẳng có nơi nào để bám vào để níu kéo mình lại. Cứ thế mà trôi tuột đi, không chống đối, không kháng cự, không cả gào thét. Thế là hết, bỏ cuộc sống lại cùng với sự gian lận.
Ánh sáng bên ngoài cùng tiếng cười của chị Thuý đột ngột tràn đến cùng với cơn đau quặn thắt thân thể. Em bật chồm dậy, không biết sức lực ở đâu đẩy em nhảy lộn ra khỏi hòm. Em bò ra đất đớp như điên vào không khí, nôn thốc nôn tháo. Nước mắt, nước mũi, nước dãi trào ra đầm đìa. Chị Thuý nắm tóc em lôi lên:
„Ơ. Mày làm sao thế, mới vào đấy nằm một chút mà sợ vãi ra rồi à? Bây giờ yên tâm rồi đấy. Bọn cảnh sát đến thì tao cho mày vào hòm, đố thằng nào biết mà bắt đi.“
Em ôm ngực nằm rũ trên sàn, mong cảnh sát đừng đến.
*
Mùa xuân sang đột ngột giữa một ngày nắng. Bãi cỏ hoang bên hiên chợ cả mùa đông vùi trong tuyết trắng và sương xám, bỗng lổm nhổm trồi lên sự sống. Hoa huệ đất nở trên băng giá thành những khoảng màu tím mông lung. Màu tím kéo nỗi nhớ nhung dạt dào quay về làm con tim em lặng đi. Những bè lục bình tím trôi đi bảng lãng trên dòng sông Chuối, tháng ngày trôi đi mãi miết mù tênh. Những đứa trẻ tha phương đánh mất nhau giữa dòng đời, chỉ còn lại trong lòng kỷ niệm tan ra như cát.
Em bồi hồi chạm ngón tay vào cánh hoa huệ đất, sao hoa mịn màng và mong manh đến thế. Mong manh như thế này làm sao sống qua được một mùa đông dài giá buốt, làm sao bị chôn vùi trong đất lạnh vẫn cố sức vươn lên tìm về cuộc sống. Nước mắt em rơi trên cánh hoa tím, không hiểu sao rồi em lại bật cười, có niềm vui nào vừa thức dậy trong lòng rộn rã cùng nắng ấm.
„Này hoa, hoa bé bỏng ơi. Chúng ta đã đi qua một mùa đông nghiệt ngã.“
Em cởi giày, cởi tất, cởi cả áo khoác, nằm dài giữa đám huệ tím. Cảm giác vừa chui lên từ lòng đất ẩm, đón nhận mặt trời và nắng ấm, thật là lạ lẫm và sung sướng. Chúng ta đã đi qua một mùa đông nghiệt ngã. Em cười to. Cứ muốn cười to như thế, muốn được sống giữa mùa xuân, muốn được yêu thương, muốn được tồn tại. Em cắm đầu chạy băng băng trên cánh vừa tan giá tuyết, khoan khoái lắng nghe hơi thở mình gấp gáp, đôi chân mình dẫm trên đất rạo rực muốn thoát đi. Qua mùa đông dài là mùa xuân, ấm áp như thế này, rộn rã như thế này.
Mùa xuân cũng đến rộn rã trong lòng chị Thuý.
Chị sắm vợt đi đánh tennis, mặt váy ngắn cũn cỡn vừa ngang bẹn. Hai quả bóng nhét vào quần lót đẩy cái váy ngắn bật nhỏng lên, khoe cả lằn mông. Chị Thuý cười toe, múa vợt bên phải, múa vợt bên trái, dạng chân nhảy nhót trước gương.
„Mày xem tao vít thế này, ve thế này, líp thế này. Có hãi không chứ?“
Chị thì thầm tiết lộ:
„Bóng tao ủ trong người lúc lấy ra vẫn còn ấm hơi. Nhiều anh chạm tay vào quả bóng mà cứ đệt mặt ra. Sướng.“
Ngày chủ nhật là ngày chợ đông khách mà chị đóng cửa hiệu đi xem cá độ tennis, em năn nỉ thế nào chị cũng không nghe. Chị đang sướng, đang vui ghê lắm, ăn vận diêm dúa như đi dự tiệc, cười tít cả mắt.
„Ôi, người Việt mình lắm kẻ giàu sụ, người đâu mà giàu thế, tiền đâu mà đổ ra như nước.“
Chị Thuý rủ em đi cùng, đến những nơi gặp toàn đám đàn ông tử tế. Họ dám bỏ ra mười nghìn euro cá độ cho một trận tennis. Em không đi mà ở nhà chui vào góc phòng ngồi ngơ ngẩn. Sự thật gần như là sự phỉ báng. Nếu phải nhìn thấy cảnh người ta ném mười nghìn ra bàn cá cược, nếu phải nhìn thấy cảnh có người thua đến mười nghìn euro, chắc là em oà lên mà khóc. Số tiền ấy bằng cả sinh mạng em, sinh mạng Rạ và cả tuổi già heo hắt của bà.
Chị Thuý nhìn vào gương cười rin rích, chị xoay ngang một vòng, cái váy ngắn xếp li lại xoè ra toe hoe.
Chị bảo:
„Mười nghìn cá độ thì thấm gì. Cứ nhìn ô tô bọn họ mà xem, tao làm việc một năm không mua được cái cửa xe.“
Thế là chị tung tẩy ra đi, tìm đến thế giới của những người đàn ông tử tế. Em với thằng Martin ở lại nhà, vét đến hột gạo cuối cùng trong thùng ăn với nước tương maggi. Gạo với tương maggi hết, em tha thằng Martin ra cửa hàng rau. Hai cô cháu vừa đùa, vừa bó cải, vừa nhặt rau sâu, đến trưa thì đổi được bữa bún chả. Giữa khuya chị Thuý về, nồng nặc mùi rượu, cây vợt ném lăn lóc sau cánh cửa nhà.
Một buổi sáng chủ nhật, chị Thuý gọi em:
„Tao ra hiệu trước nhé. Mày cho thằng Martin ăn mì tôm rồi đưa nó ra sau.“
Em ngạc nhiên hỏi:
„Hôm nay chị không đi chơi tennis nữa à?“
Chị Thuý chậm chạp lắc đầu. Trông chị ngờ nghệch ngớ ngẩn như một bà goá sồn, muốn ngủ với lão lái buôn mà không biết quẳng cái bàn thờ chồng đi đâu. Bên ngoài cửa sổ, mây giăng xám xịt. Cơn mưa lạnh kéo đến khi mặt trời vẫn còn lừ đừ ngủ.
Chị Thuý trệu trạo nhai miếng mì tôm, rồi nhăn mặt nuốt vội. Những sợi mì ngâm nước nóng đã lâu, trương phềnh lên. Loại mì này không nhai cũng vẫn nuốt được, nhưng chị cứ trệu trạo nhai nhai nuốt nuốt mãi. Miếng mì vào được đến bao tử, loay hoay thế nào mà bật ra được câu nói:
„Tao không chơi nữa. Ở đấy chẳng có thằng đàn ông nào tử tế. Mà trên đời này làm gì có cái giống đàn ông tử tế.“
6. Ông khách lạ tóc đỏ.
Ông ta đến hiệu cắt tóc vào một bữa trưa vắng khách, buồn tẻ, như muôn vàn bữa trưa vắng khách buồn tẻ khác. Chị Thuý vừa đốt phong long xong, khói từ đám giấy báo cũ vẫn còn bay lãng đãng nơi cửa phòng.
Ông ta đến vào lúc nào chẳng ai hay, cứ như từ trong khói hiện ra. Đôi mắt màu khói vật vờ đọng trên khuôn mặt không rõ hình thù.
Chị Thuý nhìn bóng khách cười chào đon đả, nụ cười của chị chạm phải ánh mắt xám ngắt lạnh lẽo bỗng hoá cứng đờ. Chị luống cuống lùi lại, đẩy em đi về phía người đàn ông. Bước chân em cũng cứng đờ. Không chỉ là sự sợ hãi mà còn là, một cảm giác khác.
Mái tóc ông ta màu đỏ, dài rũ rượi đến ngang vai. Những món tóc nhờn nhợn bết vào nhau thành những con rắn ngo ngoe. Em chờ đợi mùi hôi rắn rết tanh tưởi bốc ra từ đấy, nhưng lại chẳng có mùi gì cả. Sự kinh tởm không phải vì thế mà mất đi, đừng hòng, nó hoá thành con rệp trong suốt. Khi người ta không sờ được nó, không nhìn được nó, không ngửi, không nhận dạng được thì nó đã len lẻn chui vào trong người, trốn rúc nơi nào trên cơ thể ngọ ngoạy hút máu. Có tí máu vào con rệp hiện nguyên hình con rệp, cái bụng máu đỏ tròn căng trên thân thể trong suốt, ghê tởm vô cùng.
Nhưng đấy là chuyện con rệp, cái loài rệp lá ngoài bãi dâu sông Chuối ấy. Em không muốn nghĩ đến những thứ xưa cũ lẩn thẩn nữa, cuộc đời đang cần cái khác. Tiền, có việc làm là có tiền. Em nhấp nhát kéo đầu tiên lên mái tóc, lẽ ra phải hỏi ông ấy muốn cắt thế nào, nhưng cái đầu rũ rượi gớm ghiếc này chỉ có một câu trả lời. Những con rắn đỏ cứ trườn đi rên xiết trong tay em. Dường như máu túa ra từ vết cắt, dường như nỗi đau tuôn ra từ vết cắt. Em không dám nhìn khuôn mặt người đàn ông trong gương, sợ ánh mắt xám ngắt lạnh lẽo kia sẽ làm tay chân em tê dại, những cử động của em trở nên khó nhọc. Em không biết người đàn ông này nghĩ gì, nhưng cứ em vật lộn với đám tóc rối bù nhầy nhụa, chỉ cần cắt ngắn những cái đầu rắn kia là mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản.
Không khí trong gian phòng nóng bức ngột ngạt lạ lùng. Trời chuyển mưa bên ngoài, mây xám hầm hập kéo đến mà không trút nước được. Cả người em vã mồ hôi, cổ tay đau nhừ. Có những lúc mũi kéo trượt đi, không rõ vì đám tóc cứng như dây kẽm hay vì lớp dịch nhờn nhầy nhụa như dầu nhớt. Mũi kéo sượt qua tay em, đâm vào giữa lòng bàn tay. Một chút máu ứa ra. Có tiếng ai rên rỉ, mà ai rên chứ, chẳng có ai ở đây cả ngoài em, chị Thuý và ông khách. Mấy con rắn trên đầu người đàn ông chợt nằm im, ngoan ngoãn duỗi ra thành những sợi tóc phất phơ. Em vội vã xén trọn mái đầu. Lớp tóc ngắn dựng đứng lởm chởm trên khuôn mặt vô hồn. Khuôn mặt đột ngột hiện lên trong kính như không thuộc về ai. Cảm giác kỳ lạ thoảng qua làm em ớn lạnh, đấy là khuôn mặt một tử tù. Không hiểu sao em lại nghĩ như thế, em có nhìn thấy tử tù bao giờ đâu.
Người đàn ông biến ra cửa, cũng nhanh, cũng kỳ ảo dị thường như khi đến. Xấp tiền dày cộm ông ta bỏ lại trên ghế làm chị Thuý kêu lên nghèn nghẹn như bị xiết cổ. Chị vồ lấy xấp tiền cuống cuồng giấu vào túi xách. Tại sao chị phải hoảng hốt như thế, có bao nhiêu tiền cho một lần cắt tóc. Tại sao mình lại ghê sợ đến thế, đây chỉ là một công việc đem lại tiền, có gì dơ bẩn đâu.
Nhưng cảm giác vẫn là thứ không biết nghe lời, không thể tẩy rửa. Cái thứ nhầy nhụa ấy bám mãi trên bàn tay suốt cả một tuần không mất đi. Nó hành hạ cả ngày lẫn đêm, đưa bàn tay lên mũi ngửi, không mùi vị gì nhưng vẫn rờn rợn kinh tởm thế nào. Đêm bây giờ lẫn lộn nhập nhoà, cánh rừng biên giới chết chóc, những cuộc săn lùng bố ráp, cuộc sống long đong không nơi bám víu, người đàn ông khoác áo quạ đen… cái gì thật, cái gì giả, mọi thứ cứ bò lẫn vào nhau vật vã kéo đi trong đêm. Chỉ cần buông tay ra là em cũng sẽ trôi tuột đi. Chị Thuý hỏi:
„Sao dạo này mày hốc hác như cái thây ma thế kia? Teo tóp, tiều tuỵ thế là sao tìm được chồng?“
*
Ông khách tóc đỏ trở lại sau ba tuần, giữa lúc nỗi ghê sợ của em tưởng như trôi vào giấc mơ.
Ông ta trở lại để dập tắt những ảo tưởng. Sự thật là một thứ nhầy nhụa.
Ông ta ngồi vào chiếc ghế cũ, và câu chuyện lập lại đúng như lần trước. Như một giấc mơ kỳ quái. Rồi chẳng còn cái gì thật, chẳng còn cái gì giả, rồi lại không còn biết đâu thật giả. Bàn tay em lại chạm vào lớp tóc nhớp nhúa, vật lộn với những con rắn quái ác. Trời kéo mây đen vần vũ bên ngoài. Không khí trong phòng ẩm ướt như đọng nước. Những giọt mưa lớn vỡ trên mái nhà, những âm thanh hung hãn từ trên cao đập xuống. Mưa như đẩy gian phòng chìm mãi vào cái hố sâu thăm thẳm ướt át. Thế giới chung quanh biến mất, chỉ còn ngọn đèn treo leo lét. Em - và một người đàn ông kỳ bí trong căn phòng bị cô lập.
Giấc mơ không quá ngắn, không quá dài nhưng nó kéo con người ta đi vùn vụt, và rồi, con đường trở về bỗng xa lắc mù tăm. Em vẫn cố làm xong công việc của mình để trở về. Bên ngoài mưa ngưng từ lâu, nhưng hơi mưa vẫn toả sương xám bao phủ cánh đồng lênh đênh nước.
Đoạn kết của giấc mơ, không có gì thay đổi, may mắn là không có gì thay đổi. Vẫn một xấp tiền dày cộm để lại trên ghế cho một lần cắt tóc. Chị Thúy lại nghẹn ngào ôm lấy những tờ tiền ẩm mốc, kêu lên như bị ai xiết cổ. Em bần thần nhìn chị Thuý đang mụ mị vuốt ve từng tờ giấy vàng, lòng em mềm yếu, món nợ đeo nặng trong lòng dù gì cũng đã vơi bớt đi một phần nào. Nhưng cảm giác nhớp nhúa không vì thế mà mất đi, sự sợ hãi không vì thế mà mất đi, nó như lớp dầu mỡ thấm dần mãi vào da thịt.
Em không có sự lựa chọn nào khác, đây là cơ hội duy nhất để trả nợ cho chị Thuý. Nhưng sao em cứ sợ hãi thế nào, mà sợ cái gì kia chứ. Công việc đem lại đồng tiền. Món tiền lớn ấy nằm rõ mồn một trên ghế, nằm gọn lỏn trong lòng chị Thuý. Nó chỉ biến mất khi chui vào cái giỏ giả da màu nâu. Em miễn cưỡng nói với chị Thuý một lời, dù vẫn mơ hồ không rõ mình thật sự muốn gì, nhưng phải nói ra đã, thừa cũng chẳng sao.
„Chị Thuý này, hình như ông khách không bình thường. Những đồng tiền này cũng không bình thường.“
Chị Thuý trố mắt nhìn em:
„Mày điên đấy à, ngủ mơ hay sao? Tiền nào mà không bình thường? Khách nào không bình thường? Người ta tử tế thế kia, quý phái lịch lãm thế kia… Cái áo khoác sang trọng như từ trong catalog… Lại còn cái mũ dạ, đôi giày da… Hôm qua ông ấy tặng tao bó hoa hồng đỏ, ừ, mình cứ cảm động đến bủn rủn cả tứ chi. Người đâu mà tử tế thế kia…“
Chị Thuý nhìn vào gương cười lúng liếng. Chị mặt cái áo mới, cổ xẻ sâu gần đến xu chiêng. Đôi môi thoa son đỏ chon chót như quả dâu tây. Em muốn hỏi thêm chị ấy về ông khách, nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu. Từ đâu để tìm ra sự thật mà không bị lạc vào cái đống cảm xúc bùi nhùi của chị Thuý .
„Chị Thuý này, chẳng ai bỗng dưng lại tử tế với mình đâu.“
Chị Thuý cáu kỉnh gắt:
„Ơ con này, sao dạo này cứ nói năng như bà già thế kia.“
Vâng. Em đang già đi, từng ngày già khằn đi, không cưỡng lại được. Trong cái hòm khí đá ngột ngạt kinh người này, em và chị Thuý đang già đi như những quả chuối xanh giấm ép. Chưa kịp chín đã vội thâm kim, nẫu ruột.
*
Ông khách tóc đỏ dạo này lại cứ đến hiệu luôn, lạ lùng, làm sao tóc người ta lại có thể mọc nhanh thế kia. Dường như mái tóc trên đầu làm ông ta đau đớn khó chịu lắm. Nỗi đau đấy lãng vãng trong căn phòng ẩm hơi nước. Trời đổ mưa bên ngoài. Căn phòng lại chìm sâu vào cái hố thăm thẳm. Ngọn đèn hiu hắt giữa gian phòng, có cũng như không, chẳng đủ soi một bộ mặt, một hình dạng con người.
Giữa lúc ấy, em nhìn thấy nó.
7. Khắc khoải lựa chọn - hay, phủ nhận mệnh đề.
Đấy là một vết sẹo dài xẻ nửa khuôn sọ. Nó nằm đấy từ bao giờ, lồi lên gớm ghiếc như con rắn độc. Suýt nữa thì em kêu thét lên. Ngọn đèn chao đảo nhạt nhoà chợt tắt. Trong vùng sáng tối u mê, đôi mắt xám ngắt tuyệt vọng của con người trong gương giữ em lại. „Tôi xin cô.“
Lúc ấy, bỗng dưng em nhớ đến bà, khuôn mặt bà, khuôn mặt người trong gương, đấy là những khuôn mặt lạc lõng của người mù cố đi tìm ánh sáng. Bà vẫn thường bảo: „Phải chạm vào chỗ đau thì mới biết đau như thế nào.“ Ngón tay em chậm chạp vạch lớp tóc dày, khẽ khàng chạm vào vết sẹo. Nó co rúm lại, nhăn nhúm. Em tẻ tóc ra hai bên đưa vết sẹo ra ngoài không khí. Nó nằm đấy ngoan ngoãn thảnh thơi như vừa được trở về với cuộc sống. Ánh mắt em bắt gặp ánh mắt người trong gương, nỗi đau vỡ ra trong đấy chảy tràn trên khuôn mặt u uẩn. Em gượng gạo cười, câu nói hôm nào tự dưng bật ra.
„Chúng ta đã đi qua một mùa đông nghiệt ngã.“
Ông khách nghẹn ngào thì thầm:
„Phải. Tôi đã đi qua một mùa đông tàn khốc. Cảm ơn em.“
Xấp tiền ông ta để lại trên bàn dày gấp đôi những lần trước.
Chị Thuý ôm xấp tiền vào lòng, kêu lên như bị ai xiết cổ:
„Người đâu mà giàu có, mà tử tế thế kia. Mà, làm sao mày trò chuyện được với ông ấy? Mày học tiếng Đức bao giờ?“
Em có học tiếng Đức bao giờ, cả em và chị Thuý đều không biết tiếng Đức. Cái bóng cao lênh khênh đã biến mất sau khung cửa, mang theo một buổi chiều mưa.
*
Dạo này chị Thuý ăn diện ghê lắm. Mỗi buổi đi làm chị thử hết áo này đến quần nọ, xoay tới xoay lui cười tít mắt. Chị mua cả áo quần mới cho em, mua hàng đống đồ chơi cho thằng Martin. Khi những lo lắng nhọc nhằn vơi đi, tâm hồn chị bỗng thừa ra một chỗ dành cho người bên cạnh. Chị vui vẻ bảo:
„Này, hôm nào đóng cửa hiệu, chị đưa em sang bên Tây chơi nhé, chỉ mười phút đi tàu là đến.“
Em hỏi:
„Bên Tây có gì?“
Chị Thuý ngớ ra, chưa bao giờ chị nghĩ đến điều ấy, chưa bao giờ phải so sánh bên này với bên kia.
„Ừ nhỉ. Thì cũng có từng ấy thứ, cũng xe cộ phố xá, cũng cửa hàng siêu thị… Nhưng Tây là Tây, nhất định Tây phải sang hơn Đông chứ. Các bà Việt Kiều bên ấy qua đây cũng điệu bộ vênh váo khác hẳn…“
Em thờ ơ bảo:
„Thế thì chẳng sang bên đấy làm gì“
Chẳng có gì đáng để em quan tâm, chẳng còn gì để em háo hức chờ đợi. Đây là lúc em đang biến thành con cóc già ghẻ lở, ngồi thu lu trong góc, đưa lưng ra ngoài. Chái bếp của bà ngày trước đầy những con cóc như thế, chúng ngồi đóng cục ù lì trong góc tối, có lấy gậy đánh vào lưng chúng cũng nhất quyết không động đậy, không bò đi.
Chị Thuý lo lắng hỏi:
„Mày làm sao thế kia? Cứ như người ốm mới dậy. Đêm nào cũng ngủ mơ than khóc vật vã.“
„Dưng mà em chẳng ngủ ngon được như chị.“
„Vẽ chuyện. Sao mày biết tao ngủ ngon? Nửa đêm thức dậy, không có ai bên cạnh là tao sợ điếng người, không sao ngủ lại được...“
Em không nghe nốt câu nói của chị, mí mắt em trĩu nặng dần.
Bao giờ cơn buồn ngủ cũng kéo đến như thế này, quen thuộc đến độ em biết rõ nó bắt đầu như thế nào và sẽ tiếp diễn ra sao. Cảm giác mệt mỏi thường kéo theo sự chán chường buông xuôi, hay đôi khi lại là sự hụt hẫng trước mất mát, sự sợ hãi khi sắp bị kéo đi ra khỏi nơi mình đang ở. Hơi thở mình sẽ chững lại trong lòng ngực, tay chân mình mềm yếu bất động. Khoảng không gian trước mắt mình sẽ loãng ra, loãng đến lúc nó mỏng tanh như hơi nước, loãng đến lúc nó trong leo lẻo và bị giãn làm đôi. Như một vết rách. Một con đường sẽ hiện ra nơi vết rách ấy, trong vùng không gian loãng như hơi nước và trong leo lẻo ấy. Khi đấy, mình sẽ trôi tuột vào con đường đổ dốc sâu hun hút, trôi tuột đi mà không chút kháng cự. Những âm thanh của thế giới con người lùi lại phía sau, nhỏ dần rồi biến mất tăm. Những âm thanh của thế giới khác tràn đến…
Đến lúc tỉnh dậy mới biết, những con đường đều bắt đầu từ một nơi, nhưng chẳng có con đường nào giống con đường nào. Giấc ngủ vừa lấy cắp đi một ngày, lẽ ra là để sống.
*
Suốt mấy tuần nay không thấy ông khách đến cắt tóc. Chị Thuý bồn chồn đốt mãi phong long, bụi tro vương vải. Đánh thêm tí phấn, thoa thêm tí son môi, rồi chị lại ca cẩm, rồi chị lại nhìn ra cửa chờ đợi. Em mong ông ấy đừng quay lại, nỗi sợ hãi mơ hồ tràn đến trong đêm như những điềm không lành. Em lại mơ thấy bà, mù loà chống gậy đi dọc bờ đê. Chiếc nón lá tả tơi cuốn theo gió bụi bay đi. Em đuổi theo mãi mà không đến được bên bà. Em mơ thấy mình gặp lại Vũ ngụp lặn đội cát bên bờ sông. Nhưng mỗi lần em đưa tay chạm vào là hình ảnh ấy vỡ đôi. Khuôn mặt Vũ vỡ đôi đau đớn thảm khốc. Cảm giác mất mát đấy như vết chém ngang vùng ký ức.
Ở giữa là dòng sông, đôi bờ xa thẳm chìm trong mưa mù.
Cuối cùng rồi em cũng gặp lại anh Chắt, như định mệnh, mình chẳng thể chạy trốn mãi được. Anh theo xe tải chở rau xanh từ Tiệp về bỏ mối cho chợ. Em đứng sau tấm màn nhựa chắn gió, nhìn người thanh niên đen đúa đang còng lưng khuân từng bao tải nặng nề ướt sũng vào hàng rau. Anh Chắt vẫn thế, vẫn lam lũ như những ngày lặn cát bên sông, chỉ có già đi rất nhiều. Mái tóc anh bạc lốm đốm, những nếp nhăn trên mặt hằn sâu. Người ta có thể vì đau khổ, dằn vặt mà già nhanh đến thế sao. Em sờ tay lên đầu, mái tóc khô gãy xác xơ vì thuốc nhuộm. Nếu em không nhộm vàng hoe thế này thì chắc chúng cũng bạc lốm đốm như tóc anh Chắt mất thôi.
Anh Chắt cười to ra vẻ thân mật với chị chủ quán lắm. Họ hẹn đến lần sau, lần sau sẽ có thêm mồng tơi và rau dền. Tim em thắt lại vì đau, hoá ra là thế, không phải lần đầu anh đánh rau sang Đức. Anh Chắt biết em ở đây. Anh biết em ở đây nhưng anh tránh mặt em. Hoá ra cả hai cùng sợ phải đối diện với sự thật mà chạy trốn mãi. Em đến gần bên anh Chắt, gần thật gần, để anh có muốn né tránh thì cũng không còn cơ hội. Nhưng đến lúc này, tiếng gọi nhau cứ ngượng ngập khổ sở làm sao.
„Anh Chắt.“
Anh chậm chạp đặt bao rau cuối cùng xuống quầy, chậm chạp quay lại rồi trố mắt nhìn em, mừng rỡ hấp tấp kêu lên:
„A. Em đấy à? Đến được tận đây cơ đấy. Tài thật.“
Nước mắt em chảy vòng quanh, sao anh giả vờ kém thế, nhạt nhẽo thế.
„Anh Chắt này, anh có khoẻ không?“
Anh Chắt khoa tay nói như hụt hơi:
„Khoẻ lắm. Mà này, anh phải đánh hàng đi ngay. Lần sau anh ghé thăm em nhé.“
Em đứng sững trên bãi đỗ xe, vẫn chưa có dịp nói cho anh ấy biết Rạ ở đâu. Chiếc xe nổ máy quay đầu ra cổng, em hét lên:
„Anh Chắt ơi, khoan đã.“
Tiếng máy xe nổ ầm ì át cả tiếng kêu. Khi đấy, em biết anh Chắt thực sự muốn chạy trốn. Và, anh ấy sẽ không bao giờ quay lại thành phố này để gặp lại em. Như chị Thuý, như em, anh ấy vẫn muốn tin rằng em gái mình vẫn còn sống, ở một nơi nào đấy trên đường biên giới.
Em để anh Chắt ra đi. Đấy là chiếc cầu nối duy nhất đưa em về với quá khứ. Nơi ấy, trong vùng quá khứ đau buồn ấy, Vũ trúng đạn chết giữa rừng biên giới, cái đầu vỡ toạt làm đôi rơi bên đường, không một lời trăn trối, không một lời hò hẹn. Bà em thắt cổ tự tử trên mảnh vườn cầm cố. „Bà đi trước để cháu đừng vướng bận mà lo tương lai mình.“
Em, chuẩn bị giã từ tuổi mười sáu.
*
Trời mưa mãi mưa mãi, nước phủ trắng xoá khoảng đất hoang quanh chợ như mặt hồ mênh mông. Nhìn ra bên ngoài, trong làn mưa trắng chỉ thấy mịt mùng mây nước. Em chạnh lòng nghĩ đến những bụi hoa huệ tím bị chôn vùi trong đất. Những ngày mưa thế này, bà em hay bảo, đến cả người chết cũng không chịu nổi phải bò lên mà đi lang thang.
Ông khách trở lại hiệu vào giữa ngày mưa mờ mịt, không thong dong kẻ cả như những lần trước. Chiếc bóng đen ngập ngừng mãi bên khung cửa rồi mới khẽ khàng bước vào. Hàng quán vắng vẻ buồn tênh, chỉ có tiếng gió não nề và tiếng mưa xào xạc. Em vắt khô mái tóc ướt sũng, câm nín với công việc quen thuộc. Dường như hôm nay thời gian trôi đi nhanh hơn, dường như đám tóc ướt át ngoan ngoãn hơn, chúng chịu nằm im cho em cắt xén. Có thể em đã quen với công việc, có thể lòng em chẳng còn nghĩ ngợi vẩn vơ gì nữa. Sợ hãi. Nhơ nhớp. Ám ảnh. Những cái đấy chẳng còn ý nghĩa gì.
Em cần tiền, thật nhiều tiền để mua lấy tự do.
Cái tông đơ lần đầu tiên đi được trên lớp tóc cắt ngắn, tiếng máy rè rè khoái trá vang lên. Em cẩn thận đẩy tông đơ qua vết sẹo, cảm giác bất an rùng rợn lại đột ngột tràn đến. Vết thương khủng khiếp thế này sao cái đầu không vỡ toạt làm đôi. Em lại nghĩ đến Vũ, nỗi đau tràn qua như mưa mù. Ánh mắt em chạm phải ánh mắt người trong gương, nỗi niềm bi thương đọng trong hai hố đen sâu hoắm làm hơi thở em chững lại. Không, không phải thế. Em thở dài quay mặt đi.
Gian phòng hiệu cắt tóc treo đầy gương. Phía bên phải là gương. Phía bên trái cũng là gương. Bộ mặt tái nhợt của người đàn ông treo lơ lửng trên những tấm gương, nhân hai, nhân bốn, nhân mười sáu... Mười sáu bộ mặt của một con người đang đuổi bắt nhau vô vọng. Em bắt gặp mình trong gian phòng đầy gương, những bộ mặt của mình cũng đang đảo chao trên những bức tường. Có quá nhiều bộ mặt của một con người để lựa chọn, lại chẳng biết lựa chọn cái nào, lại chẳng biết cái nào dành cho mình. Cái nào dành cho cuộc đời mình. Những bộ mặt kéo nhau đi như lễ hội, như đèn cù, như diễu quân, trong phút giây quay cuồng mê lẫn ấy, em ngỡ mình đang đi lạc vào thế giới khác, hay những bộ mặt của thế giới khác đang lạc vào căn phòng này.
Từ trong bóng đèn cù, từ trong đám quân binh tam cúc vật vờ, người đàn ông đột ngột đứng lên, cái bóng cao lớn dị thường chắn ngang quầng ánh đèn vàng, đẩy những hình ảnh đột ngột lùi vào bóng tối. Em lảo đảo, tưởng mình như con bướm giấy vừa chao qua ánh lửa, vụt cháy rồi tắt ngấm.
Bàn tay lạnh lẽo bỗng tìm nắm lấy tay em. Bàn tay có một vết xăm cũ kỹ ngã màu xanh tái, bợt bạc như mảnh vải ngâm nước lâu năm. Vết xăm có hình khuôn mặt người đàn bà, nhưng cả khuôn mặt ấy cũng bợt bạc không còn rõ nét, chỉ còn nụ cười phảng phất. Em hoảng hốt rút tay mình lại, giấu vào túi quần. Lẽ ra phải nhìn bàn tay thì em chỉ nhìn thấy vết xăm, đấy lại là khoảnh khắc của sai lầm và ngộ nhận.
Tiếng người đàn ông thì thầm chậm rãi bên tai, em hiểu ông ấy nói gì, em hiểu đã đến lúc phải lựa chọn. Đã đến lúc kết thúc sự gian lận, và trả giá. Một cái kết cuộc viên mãn khó làm sao khi mưa bão thúc dục bên ngoài. Đồng hồ treo trên tường gõ nhịp tích tắc, chậm và đều như tiếng con bửa củi. Cũng đêm nào trong trại tị nạn, em ngồi nghe tiếng đồng hồ gõ nhịp mong thời gian trôi đi. Cái bóng gầy gò của chị Vịnh bất chợt hiện ra trong góc căn phòng, trong đêm tuyệt vọng, trong bước đường cùng. Sao chị nằm im đấy, sao chị không vật vã, không khắc khoải? Em ứa nước mắt trong lòng bàn tay. Sự lựa chọn nào cũng tồi tệ như nhau, có gì mà khắc khoải. Như người hành khách cuối cùng trên bến đò khuya, như một cố gắng cuối cùng đối diện trước sự thật, em ngước mắt lên nhìn thẳng vào khuôn mặt người đàn ông.
Một nụ cười ai hoài hiện ra trên bờ môi tím tái. Nụ cười ấy như tia chớp quất thẳng vào đầu em, cái lỗ thủng đen trong đầu bị xẻ đôi, từ nơi ấy ký ức thương tật trào lên, từ nơi ấy những điều ngỡ đã đánh mất rộn rã quay về. Trời đất chao đảo, sương sớm phủ mờ trên dòng sông… Tiếng gà eo óc cất lên trong thôn. Bao giờ cũng bắt đầu bằng tiếng gà gáy, chẳng rõ gà nhà cụ Cảnh hay gà nhà bà Thình…
Tiếng chị Thuý lãng đãng gọi:
„Này, em ơi, em làm sao thế. Ông ấy nói gì mà xây xẩm thế kia.“
Em lắc đầu như con gà rù vừa khỏi bệnh cúm, cứ váng vất điên loạn mà cười với chị. Gió lạnh thổi từng cơn bên ngoài, có lẽ mùa đông vừa đến, có lẽ mùa đông ra đi. Em cười sằng sặc, bảo chị Thuý:
„Ông ấy ngỏ lời hỏi em làm vợ.“
Xấp tiền trên tay chị Thuý rơi xuống đất, những tờ tiền ướt át nhàu nhò xổ vương vải trên sàn nhà. Người đàn ông khoác áo đen lặng im bên khung cửa. Trên khuôn mặt thương tật là nụ cười êm đềm của Vũ, khắc khoải chờ câu trả lời.
Berlin, 01.10.10
Lưu Thuỷ Hương