KeSanKien-LTHuong

 

Kẻ săn kiến

 

Lưu Thuỷ Hương

 

Con đường ngoằn ngoèo chạy len lỏi giữa những cụm gai khô và lùm mắt mèo. Những khi bị săn đuổi, bị dồn tới tận cùng ám lộ, tôi thường thấy mình biến thành con kiến. Một con kiến nhỏ xíu không màu, hoảng loạn chui rúc trong đất khô. Giấc mơ thành kiến đôi lúc mạnh mẽ đến độ, nó huỷ diệt tất cả những cảm xúc còn lại. Và, tôi quên rằng, tôi đã từng làm người. Đó không là giấc mơ hoài nghi của Trang Tử. Đó là cuộc đào thoát vô vọng trốn khỏi hiện thực bị tước đoạt những hoài nghi.

Con kiến nhỏ xíu không màu chui rúc dưới lớp đất khô.

*

Gã ngồi thu mình trong góc quán. Màu áo mỡ gà lẫn vô màu phên tre. Cái bóng dưới chân co hẹp lại, ép sát xuống thềm đất xám bạc. Đôi lông mày sâu rọm quằm quặm như hai vệt mực đen quệt ngang tấm vách.

Ánh mắt gã cứ bám riết sau lưng chị, nó như khối beton nặng chịch đè dần xuống bả vai. Chị quỳ trong góc bếp, bê can rượu đổ từ từ qua cái phễu nhựa. Bàn tay gầy gò run rẩy ép cái can nhựa sát vô ngực, ráng giữ chặt nó ở đó. Dòng nước trắng đục thơm nồng chảy lỏng tỏng. Chị cúi đầu cắn chặt răng, cố gắng đừng nghĩ tới gã, cố gắng đừng nghĩ tới chuyện bỏ chạy trốn, cố gắng giữ chặt can nhựa. Rượu đầy trào qua thành phễu bốc mùi nồng cay. Chị lật đật để cái can nhựa xuống đất, lật đật xoa mấy ngón tay lên vùng rượu chảy ướt. Một giọt rượu là một giọt mồ hôi nấu cùng một bầu sợ hãi. Chị ráng dồn nỗi sợ hãi vô tận đáy lòng.

Bà chủ quán ngồi bên sàn nước, cạo dao xoèn xoẹt lên lưng con chó thui. Chị đứng xớ rớ phía sau lưng bả, tần ngần ngắm cái lưng to bè núng nính thịt, mồ hôi bám dính lớp vải áo thâm kim. Một tay chị cầm cái nón lá rách, một tay cầm cái can nhựa không. Chị muốn nói với bà chủ một câu, nhưng lời nói cứ rụt rè chui ra cửa miệng rồi rụt rè chui vô lại trong cổ họng. Con dao bầu nhứ nhứ lên lưng con chó. Bà chủ quán không thèm ngoái đầu lại một lần, chỉ khinh khỉnh nói trổng lơ như nói với con chó.

“Rót xong rồi hả? Để đó đi.”

Để đó đi. Chị tủi thân muốn trào nước mắt, ngần ngừ ôm cái can nhựa vô lòng. Còn hai kỳ rượu bán gối đầu tuần trước không nghe bà chủ nhắc nhở gì tới. Thêm can này nữa là can thứ ba. Mười lăm lít rượu, gần mười lăm ký gạo vốn, chưa kể công kể củi. Tim chị thắt lại, mười lăm ký gạo là cả gia tài chứ ít ỏi gì. Chị cố nấn ná ở lại nhưng rồi không biết phải bắt đầu từ đâu, không biết phải nói một câu xa xôi nào liên quan tới chuyện tiền nong. Mặt chị đổ nóng, tay chân đâm ra luống cuống thừa thãi. Chị ước gì mình đủ sang trọng để phẩy tay một cái rồi bỏ về, để coi chuyện tiền nong là cát bụi. Con dao dơ lên cao, chặt xuống một nhát bén ngót. Phập. Đuôi con chó đứt rời. Lạ lùng, con chó không đuôi có vẻ mập mạp hơn con chó có đuôi. Bà chủ quán liếc con dao lên tấm đá mài, âm thanh xoen xoét, bén rùng rợn.

“Rượu kỳ trước chưa bán được xị nào đâu. Rượu chị già lửa chua hèm, khó bán lắm. Muốn bán thì để lại đó tôi bán hộ, không muốn bán thì cứ xách về.”

Chị nuốt cục nước miếng khô queo vô cổ họng. Sao nó cứ mắc nghẹn ngang đó. Chị nghĩ tới mấy đứa con, muốn dẹp bỏ sĩ diện phân trần một lời. Nhưng cảm giác mình giống như kẻ ăn xin làm chị tủi nhục. Con dao mới mài bén lại đưa lên cao. Bửa xuống. Phập. Cái đầu con chó đứt lìa lăn long lóc tới bên chân chị. Hàm răng trắng nhởn của nó nhe ra đau đớn giận dữ. Cặp mắt trắng dã của nó nhìn chị đe doạ trách móc. Chị bật kêu một tiếng thảng thốt rồi quay đầu bỏ chạy.

Gã nhổm dậy đuổi theo. Qua khỏi cụm tre này là tới con đường băng qua nghĩa địa. Qua khỏi nghĩa địa là rừng cao su. Chị không chắc, chạy được tới rừng cao su là thoát. Gã chạy nhanh hơn chị. Bóng gã vụt lên, chặn ngang bên ngôi mộ mới. Tấm bia quét vụng loang lổ màu vôi trắng lẫn màu gạch đỏ. Tấm ảnh người đàn bà chết trẻ, nằm trong khung tròn đen, đôi mắt nhìn ra thế giới bên ngoài ảm đạm và vô vọng.

Hai con sâu rọm co lại bám lom lom lên cái can nhựa.

Chị kinh hãi ôm cái can nhựa vô lòng, chỉ muốn chui rúc vô lòng đất. Gã khoanh tay lầm lì đứng đó, lầm lì nhìn chị. Chị nhìn tấm ảnh người đàn bà chết trẻ. Các em và các con đồng lập mộ. Nụ cười hiu hắt thê lương. Giữa chị và người đàn bà kia có cùng một nỗi đau. Nỗi đau cận kề cái chết. Cái chết ở sau lưng một người và cái chết ở trước mặt một người. Chị co rúm người lùi lại, hai bàn chân bị chôn chặt xuống con đường đất khô. Phía sau lưng là quán thịt chó, phía trước mặt là hồn ma.

Gã đột ngột cất tiếng nói, như lưỡi dao bén chém vô khoảng không.

“Năm lít rượu lậu, đúng không? Nấu rượu lậu đem đi bán tì tì hả?”

Con kiến nhỏ xíu hoảng loạn bò đi tìm chỗ ẩn náu.

Chị đạp mấy cái chân lọng cọng lèo quèo lên ngôi mộ đất bên cạnh. Không rõ là mộ đàn ông hay đàn bà. Chị đạp chân lên cái chén nhang sứt mẻ, đạp lên mấy mô đất nhấp nhô. Chị đạp đại lên cỏ, lên đất mà phóng chạy. Chị không biết gã có đuổi theo mình hay không. Nhưng ánh mắt gã bám theo chị, xoáy vô tận cùng nỗi sợ hãi và tủi nhục. Mấy bụi cỏ đuôi chuột mọc lan giữa mấy ngôi mộ, thò ra níu kéo. Cây thánh giá sơn đen chìa ra trên mặt đất cào lên bắp chân. Chị lảo đảo vạch mấy lùm cỏ lào, nhắm hướng rừng cao su mà chạy. Nước mắt chị trào ra mờ mịt. Bóng mấy ngôi mộ nhấp nhô, tiếng người cười khóc nức nở, tiếng ma quỷ kêu gào. Chị băng qua rừng cao su già cỗi, lết được về tới nhà. Cảm giác tội lỗi vừa đạp lên chỗ nằm của người chết vắt cạn sức chịu đựng cuối cùng. Một chỗ ẩn náu. Một chỗ tối tăm tĩnh mịch. Một chỗ bình yên để giấu phần thân xác. Chị bò vô xó nhà, núp sau cánh cửa chằm lá dừa. Mắt chị đeo cứng lên cánh cửa, thân thể chị trôi dần vô một vùng không gian đặc lừ. Chị không rõ cái gì ở đó, quá khứ, hiện tại hay tương lai, chỉ thấy một cảm giác đặc lừ ghê rợn, bao bọc thân thể, không thoát đi đâu được. Và chị chỉ mong mình biến mất khỏi cuộc đời này, biến mất tích, bỏ lại sợ hãi và tủi nhục.

Con kiến nhỏ xíu không màu, mấy cái chân yếu ớt bò đi trên đất khô. Quờ quạng, lao đao, con kiến bò đi tìm chỗ ẩn náu.

*

Khi hai đứa nhỏ đi học về, cười giỡn ở đầu ngõ, chị bò ra khỏi góc nhà. Trên bắp chân bị cào rách, máu câm lặng rỉ thành dòng đã bắt đầu khô. Chị nhìn sững vệt máu đỏ, và hiểu, cuộc đào thoát trốn khỏi cuộc đời này vừa chấm dứt dang dở. Bắc nồi cơm. Múc cháo heo. Chùi rửa chuồng. Trộn men cơm rượu. Hùng hục chẻ củi. Con Huyên thằng Hiệp leo nheo hỏi gì, chị ngơ ngẩn gật đầu.

Tối nay, chị thức khuya cất mẻ rượu gạo. Trong bóng đêm lặng lẽ cô quạnh, đôi mắt lom lom của gã lại hiện ra ráo riết. Gã đứng kế bên bờ rào. Gã đứng kế bên cửa bếp. Gã đứng ngay sau lưng chị. Ánh mắt dò xét như tảng beton đè nặng trên đỉnh đầu. Đầu chị đặc lừ tê cứng. Hai con sâu rọm quằm quặp đếm từng giọt rượu chảy ra từ ống nhôm. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, chị rút đầu vô giữa hai đầu gối, trân mình chống lại nỗi sợ hãi. Trong bóng lửa lập loè, cuộc đào thoát vô vọng dường như lại bắt đầu. Chị hoảng loạn muốn bò đi tìm nơi ẩn náu.

Rượu trào ra òng ọc, đục lờ.

Chị rùng mình rút bớt thanh củi cháy. Đưa ca rượu lên mũi, bỗng dưng chị muốn khóc, hơi rượu bay lên mắt cay nồng. Nếu chị là đàn ông thì chị uống hết ca rượu này rồi hát nghêu ngao, rồi lăn ra ngủ. Nếu chị là đàn ông… suy nghĩ đó làm chị giật mình nhớ tới anh.

Vầng trăng xẻ đôi treo lơ lửng trên trời. Ai xẻ vầng trăng làm đôi?

Ở một chốn tù đày giữa núi rừng miền Bắc, anh cũng đang sống cùng sợ hãi. Chị ngại ngần nghĩ tới anh, ngại ngần nghĩ tới con người tàn tạ khiếp nhược của hiện tại đau buồn. Cả anh và chị đều đã thay đổi. Thay đổi một cách tàn tệ. Hình ảnh người này là vết thương trong lòng người kia. Đôi lúc anh trở về trong giấc mơ của chị như một người xa lạ. Hiện tại là một cái gì quá xa lạ, quá tàn nhẫn và thô bạo, ở đó, anh với chị đã biến thành hai con người khác.

Quá khứ cũng là một cái gì quá xa lạ, quá êm đềm và quá sạch sẽ, ở đó, anh với chị từng là hai con người khác.

Chị quệt dúm cám gạo dẻo quẹo lên mấy chỗ thành ống rò rỉ, hơi rượu từ đó đang xì ra. Mấy tấm giẻ hạ nhiệt quấn quanh thành ống nóng hổi cũng đang khô dần. Chị dấp thêm nước lên lớp giẻ, hạ lửa cháy liu riu. Lời bà chủ quán văng vẳng bên tai. “Rượu chị già lửa chua hèm, khó bán lắm.” Chị chẳng tin lời bả, nhưng nó vẫn làm chị đau, lòng dạ người đời gian trá vậy sao. Đàn bà canh lửa nồi rượu nhất định phải tỉ mỉ cẩn thận hơn đàn ông. Hiếm khi nào nồi rượu của chị trào hèm hay cháy đáy. Mắt chị ríu dần lại, cái lưng nặng như chì chỉ muốn đổ ập xuống. Con heo trở mình trong chuồng kêu ột ột, chắc nó nằm mơ thấy ăn hèm. Ngày mai nó sẽ có mẻ hèm gạo. Ăn xong là lăn quay ra ngủ. Chị châm lửa cây đèn dầu, rón rén ra thăm con Ột. Nó nằm ngang trên vũng nước đọng, nghếch mỏ lên ngáy. Vừa nghe tiếng chủ nó ngỏng đầu dậy ột ột đòi ăn. Chị múc cho con heo mấy muỗng cám, âu yếm nói với nó.

“Ột, mày sướng lắm nghen, con. Khuya giờ này mà còn được ăn.”

Bàn tay chị vuốt ve cái lưng tròn căng của con Ột. Chị nghĩ tới anh, định bụng bán con heo này rồi ba má con đi thăm anh một chuyến. Ý nghĩ táo bạo đó làm tim chị thắt lại. Ăn khoai mì chấm muối cũng được, chị ráng một lần này cho tụi nhỏ được gặp anh. Bao nhiêu năm rồi còn gì, thằng Hiệp sanh ra mà chưa biết mặt cha. Chị ứa nước mắt. Hình ảnh đói khát khiếp nhược của anh trong lòng chị cứ âm ỉ nhức nhối như một vết thương.

Gió từ rừng cao su thổi qua rẫy khoai mì lạnh hắt hiu. Ánh mắt gã bỗng hiện ra phía sau, lom lom theo dõi, chặn bắt những suy nghĩ của chị. Gã biết tất cả. Gã sẽ tới đây bất cứ lúc nào, sẽ tịch thu con heo, sẽ thanh lý bộ nồi nấu rượu, sẽ cướp mất niềm hy vọng nhỏ nhoi của má con chị. Nỗi sợ hãi theo chị vào trong giấc ngủ, những kỷ niệm xưa không tìm đến, chỉ có đôi mắt sâu rọm lom lom sục sạo dò xét từng miền ký ức.

Con kiến nhỏ hoảng loạn bò đi. Nó tha ký ức vùi giấu trong lớp đất khô cằn.

*

Cơn mưa nửa đêm dội ào ạt trên mái lá. Chị tỉnh dậy, loay hoay tìm mấy cái thau nhôm hứng nước. Nước chảy qua chỗ mái dột nhỏ xuống thau lỏng tỏng. Một khoảng giường ướt nhẹp, nước chảy lòng thòng bên mép mùng. Con Huyên thằng Hiệp lăn vô nằm co ro sát trong góc. Chỗ tụi nó nằm cũng bắt đầu thấm ướt. Chị xoay mấy cái thau, đặt mấy túm giẻ hứng nước mưa. Gió nổi lên từng hồi bên ngoài. Gió tốc qua cánh cửa sổ bằng phên tre mỏng, mang theo bụi nước. Căn nhà nhỏ chao đảo trong màn đêm. Chị ngồi bó gối trong góc, tuyệt vọng chờ mưa ngưng.

Chị nghĩ đến chuyện ngày mai lân la vô xóm tìm người xốc lại mái. Chị nghĩ tới căn nhà lá ọp ẹp này một lúc nào sẽ đổ sập xuống, mà chị không đủ sức để dựng nó lên. Chị nghĩ tới vùng đất hoang vu xa lạ này, nơi sẽ chôn vùi cuộc đời chị và các con.

Chị nhắm mắt lại. Mưa chảy qua chỗ dột, nhỏ tong tỏng lên bờ vai gầy guộc.

Con kiến bò đi trong đêm mưa. Nước ngập tràn, mênh mông như biển. Con kiến bám lên chiếc lá vàng. Chiếc lá cuối cùng trôi đi, bấp bênh giữa dòng xoáy.

*

Ý nghĩ phải quay lại quán thịt chó, nơi có gã đàn ông ngồi chờ, làm thần kinh chị suy sụp. Buổi sáng ra chợ bán mấy trái mướp hương, chị gặp lại đứa học trò cũ ngồi bán tôm khô. Cô giáo với học trò vẫn còn nhận ra nhau, mừng chảy nước mắt. Chị nhìn xuống mẹt tôm khô nhỏ xíu của nó, buồn rầu hỏi.

“Sống được không, em?”

“Không sống được cũng vẫn phải sống, cô à.”

Triết lý sống của nó lẽ ra phải tạo trong lòng chị mối cảm thông, nhưng sao chị thấy nặng nề quá. Có lẽ vì nó buột ra từ miệng đứa con gái còn trẻ măng. Hồi đó, nó học giỏi nhất lớp, học giỏi nhất trường, học giỏi nhất quận. Hồi đó, ai cũng nghĩ, nó lấy tú tài rồi sẽ đi du học ở nước ngoài. Ngờ đâu thời thế đổi thay, nó đi bán tôm khô, còn cô giáo nó đi bán rượu lậu. Mới hơn hai mươi mà sao nó già háp quắt queo như vầy. Nó nắm tay chị xót xa.

“Sao cô già háp quắt queo như vầy?”

Chị ngơ ngác nhìn xuống tay chân mình, ờ già thiệt, quắt queo thiệt. Trên khuôn mặt khô héo của con nhỏ bỗng lãng đãng nụ cười.

“Hồi đó, cô hay mặc áo dài màu hồng sen đi dạy. Hồi đó, tụi em cứ mong tới giờ Anh Văn để được ngắm cô. Hồi đó cây phượng vĩ trường mình… Hồi đó…”

Chị đảo mắt nhìn quanh, kéo con nhỏ học trò sát vô tường.

“Bây giờ em có bán rượu gạo không? Cô đưa ra một lít bán thử.”

Nó nhìn chị sững sờ, nghẹn ngào lắc đầu.

*

Bữa nay, chị đi bỏ mối rượu thiệt xa. Đi theo lối chùa Viên Giác, băng qua mấy ruộng rau muống bạt ngàn, theo con rạch dẫn tuốt xuống dưới bưng. Con đường ruộng chạy quanh co qua vùng bưng vắng vẻ, cánh đồng ngập phèn năng lác mịt mùng. Hai bên đường dừa nước, trâm bầu, bình bát xanh um. Vài ngôi mộ cổ bằng đá ong nằm cô quạnh giữa đồng. Chị cắm đầu đạp xe, thầm mong mình đừng lạc đường. Con nhỏ học trò cũ chỉ đường xuống đây, chỉ mù mờ như chính nó cũng không rành.

“Cô cứ đạp đại qua cánh đồng năng là tới quán lá nằm trên gò đất.”

Quán lá dừa xập xệ nằm trên gò đất nổi, xung quanh mênh mang nước ngập, cỏ lác xanh rì. Bên hông nhà, trên mặt đất bùn đen, mấy bộ ghế đẩu kê xiêu vẹo. Ông chủ quán là nông dân miệt bưng. Khách khứa cũng là nông dân. Ở miệt dưới này người lương không ăn thịt chó, họ ăn rắn rết dơi chuột cóc nhái diều quạ. Ông chủ quán cười xuề xoà, xin chị cho gối đầu một lứa rượu.

“Một lứa thôi, rồi qua trả tiền sòng phẳng cho cô Hai. Dân ở đây nhậu thiếu không hà, lấy được tiền của họ khó lắm.”

Chị cúi gầm đầu, lủi thủi đeo cái can nhựa không lên xe đạp. Xin gối đầu một lứa rượu là tử tế lắm rồi. Người ta lờ luôn chuyện tiền nong mình cũng không biết nói sao. Chị xót xa nhớ tới ba can rượu còn nằm bên quán thịt chó. Thì cũng phải ráng làm gan, ráng chịu nhục mà tới đó năn nỉ người ta, xin lại tiền. Ý nghĩ phải quay lại quán thịt chó, nơi có gã đàn ông ngồi chờ, lại làm chị sợ hãi.

“Khoan đã, cô Hai ơi.” Ông chủ quán chạy đuổi theo chị tới bờ mương. Bàn tay lấm lem chùi lên vạt áo màu cháo lòng. “Qua mới nhấp thử, rượu đậm lắm. Mà, cô Hai nấu rượu gạo sao không pha thêm rượu mía? Để nguyên rượu cốt như vậy sao lời nổi?”

Chị ngơ ngác nhìn người đàn ông, ngơ ngác không tìm ra câu trả lời. Vẻ ngơ ngác đó làm ông già mủi lòng.

“Thôi, ba ngày nữa cô xuống đây, qua trả tiền đầy đủ cho, để qua pha thêm rượu mía vô bán dùm cho cô. Thời buổi này không gian manh thì không sống nổi đâu.”

Câu nói của ông già bám riết theo chị trên suốt con đường về. “Không gian manh thì không sống nổi đâu.” Chị thở dài ráng không nghĩ tới chuyện đó, nhưng hai chữ “rượu mía” và hình ảnh bến đò dưới chân cầu cứ hiện ra lởn vởn. Buổi chiều ghe chở mật mía hay về tấp dưới chân cầu, lu khạp xếp từng lớp. Chỉ cần học cách nấu rượu mía. Chị lắc đầu, cắm cúi đạp xe, mong mau ra khỏi chỗ này. Không khí vắng vẻ thê lương trên đồng hoang làm chị nổi da gà.

Cái bóng đen đứng chờ chị bên ruộng rau muống từ bao giờ. Bàn tay gân guốc chụp ngang tay lái xe.

“Bà này làm ăn phát đạt quá nghen. Rượu lậu mà đi bỏ tới mấy mối.”

Chị nhận ra gã, kinh hãi la lên một tiếng khô khốc vô nghĩa. Cổ họng bỗng thắt cứng lại. Thân hình chị tuột ào ra khỏi yên xe. Chị cắm đầu chạy trên con đường ruộng mấp mô, chạy ngược về hướng quán rượu. Bóng chiều tím tái trải trên cánh đồng mịt mùng năng lác, chị chạy vật vờ trên con đường ngoằn ngoèo, đầy bụi gai khô và lá mắt mèo. Đằng kia là quán rượu, là những con người xa lạ say sưa. Đằng sau là gã đàn ông đang nắm giữ gia tài cuối cùng của má con chị. Có tiếng quạ kêu thảng thốt sau rặng trâm bầu, chắc con chim mới bị bắn trúng đạn. Chị ôm mặt ngồi thụp bên mép đường, bươi quào nép mình vô lùm bình bát.

Trong bóng ngày tàn chập choạng, chị lần mò quay trở lại ruộng rau muống.

Gã đàn ông đã bỏ đi. Chiếc xe đạp và cái can rượu màu trắng nằm chỏng trơ dưới ruộng. Chị nghẹn ngào nhìn cái xe đạp cũ, nỗi sợ hãi biến mất đi đằng nào chỉ còn cảm giác mừng rỡ sung sướng. Không kịp nghĩ ngợi, không kịp xắn quần chị phóng luôn xuống ruộng, ôm chầm cái xe yêu thương.

Ruộng rau muống sâu hơn chị tưởng, bờ ruộng lại trơn trượt. Chị loay hoay cả hơn một giờ đồng hồ mới kéo được chiếc xe lên. Cái can nhựa móp méo mất nắp làm chị tiếc quặn ruột. Chiều tắt nắng dễ gì tìm được cái nắp trong khoảng ruộng sình lầy ngầu đục. Đầu gối, bắp chân chị đau buốt, hơi lạnh buổi chiều thấm qua lớp áo quần ướt sũng. Chị lọng cọng vắt bớt nước ở hai vạt áo, lọng cọng kéo ống quần lên. Một con vật đen đúa căng tròn đang bám cứng trên bắp chân xanh tái. Mắt chị trợn trừng trừng nhìn nó. Chị chưa bao giờ nhìn thấy con vật gớm ghiếc này, nhưng chị biết nó là con gì. Miệng chị há ra, rú lên thất thanh, rú lên điên dại như con thú hoang. Chị nhảy lạch bạch trên bờ, vừa nhảy vừa la rú. Con vật trơn láng bám cứng trên bắp chân chị cũng ngúng nguẩy nhảy theo. Thân hình mềm oặt lắc lư vắt vẻo đó còn làm chị sợ hãi khủng khiếp hơn nữa. Chị cầm cành cây khô quật xối xả lên chân mình. Cảm giác đau đớn chỉ làm chị thêm điên loạn. Chị nắm con vật lôi mạnh, nó bám chặt tới nỗi, phải ba lần trì kéo mới lôi được nó ra. Một miếng da cũng bị nó cắn đem theo. Máu chảy lòng ròng trên bắp chân. Máu không đông được, chảy lòng ròng mãi cho tới cửa nhà.

Con Huyên thằng Hiệp kêu thét bên tai chị, nhưng thế giới này đã là một thế giới xa lạ nào khác. Chị ngã vật ra giường, chìm xuống một vùng tối đen. Hơi lạnh từ bắp chân tràn lên ăn sâu vô cột sống, thấm vô tim mạch, chạy lên tận đầu. Chị co quắp người nghiến răng ken két, thì thào, lạnh quá, trời ơi, lạnh quá. Trời ơi, lạnh.

Chị tin rằng mình đã chết. Cảm giác chết chóc không làm chị sợ hãi, đó chỉ là một cảm giác trôi đi bềnh bồng không phương hướng, không khái niệm thời gian, không cả đau khổ và ràng buộc. Chỉ cần nằm duỗi chân ra, buông xuôi. Cho gió cuốn đi.

Con kiến lảo đảo bò đi trên sa mạc khô cằn. Nắng mặt trời thiêu đốt thân xác nó. Mấy cái chân yêu ớt duỗi dần ra. Chờ gió cuốn đi.

Chị cố chồm dậy, rùng mình co quắp tay chân. Cơn đau khủng khiếp trồi lên, cuộn thắt những bắp cơ, nó nhắc nhở chị về sự sống, về sự hiện hữu của những người thân yêu còn lại trên cõi đời này. Chị ngóc đầu dậy kêu, Huyên ơi, Hiệp ơi. Mấy bàn tay nhỏ xíu cuống quýt nắm chặt tay chị. Chị lại ngã vật xuống chìm dập trong cơn sốt. Mặt trời thiêu đốt thân xác chị. “Cái xe đạp. Coi chừng mất cái xe đạp.”

*

Chị tỉnh dậy sau ba ngày vật vã, cả người váng vất chòng chành. Vết thương trên bắp chân đã khô miệng, chỉ còn một đốm máu đen bằng đầu ngón tay út, nằm giữa một khoảng tím bầm to bằng trái chanh. Cặp chân trầy trụa của chị mềm oặt, vừa chống xuống đất đã té nhào. Chị vịn mép tường lọ mọ bò ra chuồng heo. Con Huyên đang xúc cám, thằng Hiệp đang rửa rau muống. Hai đứa ngước lên kêu thảng thốt. “Má.” Tụi nó để rớt xô cám, để rớt túm rau, chạy ào tới. Chị ôm tấm thân ốm nhom ốm nhách của hai đứa con vô lòng, nước mắt chảy đầm đìa. Cảm ơn Trời Phật. Hai đứa con chị và con Ột đã sống được qua những ngày thiếu vắng chị. Cảm ơn Trời Phật. Chị lảo đảo vịn tường mà đi, công việc lu bu nằm chờ đó. Bắc nồi cơm. Múc cháo heo. Chùi rửa chuồng. Trộn men cơm rượu. Hùng hục chẻ củi. Con Huyên lẽo đẽo theo sau. “Má để con phụ.” Nước mắt chị trào ra.

Con Ột ăn hèm lớn như thổi. Chị định tìm mối bán lậu nó. Chị Hai ở Long An viết thơ tay cho chị, dặn dò kỹ càng. “Dì đừng bán heo cho hợp tác xã. Họ mua rẻ thúi mà còn cân gian. Cái cân của hợp tác xã là cái cân ăn cướp. Con heo một trăm ký họ cân còn bảy mươi ký. Nhà nào bán heo cho hợp tác xã xong là khóc ròng. Tui khóc mấy lần, cả tháng, cả năm sau còn thấy đau. Thức ăn của mình công của mình, họ cướp trắng tay. Dì hỏi chòm xóm xung quanh, tìm mối bán lậu. Thời buổi này không gian manh thì không sống nổi…”

Chị lân la ra chợ hỏi thăm. Con nhỏ học trò chỉ cho chị mối giết heo. Bà bán thịt heo ngồi ở mút cuối chợ, con đường đất phía sau lưng dẫn ra xóm dệt vải của người Quảng Nam. Chắc tại vì vậy mà chị cứ nghĩ người đàn bà đó là dân Quảng Nam. Một khuôn mặt gân guốc đen sạm, không đoán được tuổi. Bà ta ngồi bên tấm nilon rách, ôm cái giỏ bàng lớn và một xấp lá chuối. Mấy người đi ngang nói nhỏ vài câu, ghé mắt nhìn vô giỏ. Bàn tay thoăn thoắt gói miếng thịt vô tấm lá chuối, dúi vô tay khách hàng. Chị ngồi cà rà cả buổi sáng ở hàng tôm khô, kéo cái nón lá che mặt sùm sụp, chờ lúc vắng khách mới mon men tới nói nhỏ.

“Bà mua heo không?”

“Ở đâu?”

“Nhà tui.”

“Nhà ở đâu?”

“Trong rẫy khoai mì, sau vườn cao su… đi ngõ bên…”

“Được rồi.Về đi.”

Nguời đàn bà phẩy bó lá chuối như đuổi ruồi. Chị tần ngần chưa kịp hỏi thêm vài câu, người đàn bà đã ôm giỏ bàng chạy te te về phía xóm dệt. Con nhỏ học trò bán tôm khô và cái mẹt rách cũng biến mất từ bao giờ. Mấy người thuế vụ cầm dùi cui gỗ lăm lăm tiến vô chợ. Gã đi phía sau, hai con sâu róm gườm gườm săm soi. Chị cắm đầu chạy theo bà bán heo, chạy lạc vô xóm dệt người Quảng Nam. Những dãy nhà lụp xụp nằm chen chúc trên con đường đất hẹp. Mấy rãnh nước chảy dọc bên đường xanh lè màu thuốc nhuộm. Chị chạy ngơ ngẩn trong khu xóm lạ, lần mò cả buổi mới tìm ra đường về lại rẫy khoai mì.

*

Người đàn bà mổ heo tới nhà chị lúc xẩm tối. Không biết bằng cách nào bà ta tìm được nhà chị ở giữa rẫy khoai mì xanh mịt mùng. Con Ột ở trong chuồng nghe tiếng người đã hớn hở đòi ăn. Sự hớn hở ngô nghê của nó làm chị phải chạnh lòng. Bà mổ heo vỗ mông nó ước lượng.

“Con này xấp xỉ một trăm ký. Nếu chị chịu giá, tối mai tôi sang làm. Khoảng chín giờ đêm.”

Chị lọng cọng gật đầu. “Một liều ba bảy cũng liều.” Con heo theo cách chị đo cũng cỡ gần trăm ký. 87,5 x 2(vòng ngực) x dài thân = trọng lượng. Chị lại nghĩ tới anh, niềm mơ ước cho thằng Hiệp gặp mặt cha làm chị ứa nước mắt. Chị ngồi thụp bên vách chuồng heo chắp tay cầu khẩn Trời Phật, mong sao chuyện làm ăn phi pháp của chị êm xuôi.

Bà mổ heo tới đúng chín giờ đêm, lúc ba má con chị chuẩn bị lên giường ngủ. Cái bao tải cũ mèm cột sau yên xe đạp. Bả nói về chuyện chở thịt đi đêm, về công việc mổ heo xả thịt sớm ngày mai, về chuyện ngủ lại buổi tối nay. Chị ngơ ngẩn gật đầu. Nhà chỉ có một cái giường đôi. Con Huyên thằng Hiệp nằm sát vô vách, chị nằm kế người đàn bà lạ. Lúc thổi tắt đèn dầu rồi chị mới nhớ, còn chưa biết tên người ngủ chung giường. Vẻ mặt lầm lì khắc nghiệt của người đàn bà làm chị ngại ngùng. Chị nằm thẳng đơ trên cái giường chật, thao thức không ngủ được. Người đàn bà bên cạnh dường như đã ngủ say từ bao giờ. Chị nằm ngơ ngác trong bóng đêm, ngạc nhiên lắng nghe tiếng thở đều đặn của người lạ. Chỉ cần nghiêng người qua chút xíu, chị sẽ chạm vô cánh tay của bà ta. Một cánh tay thật của một con người thật. Nhưng sự hiện diện của con người đó trong buổi tối này, nằm ngay bên cạnh chị, trên chính cái giường của chị lại là một điều nằm lơ lửng ngoài vùng ý thức. Chị cố nghĩ tới hiện tại, nghĩ tới con Ột, nghĩ tới số tiền bán heo, rồi chị nghĩ tới cái bao bố quấn bộ dao mổ heo nhét dưới gầm giường. Cảm giác nằm trên mấy con dao chọc tiết bỗng làm chị ớn lạnh. Thằng Hiệp trở mình ôm tay chị. Chị lại nghĩ tới người đàn bà nằm bên cạnh, chắc đêm nào bà ta cũng đi như vầy, cũng phải ngủ lang bang nhà người lạ như vầy. Tiếng mọt nghiến kẽo kẹt trên mái nhà. Tiếng chó sủa cô độc bên kia rừng vọng qua. Thoang thoảng mùi mồ hôi lạ hăng hắc, hay là mùi tử khí, mùi tiết heo. Chị nhắm mắt lại, bò đi trong bóng đêm, tìm một nơi ẩn náu. Hiện tại đầy bất trắc và ký ức đầy đau đớn.

Chị giật mình thức giấc lúc giữa khuya, thấy mình lăn ra nằm sát mép mùng từ bao giờ. Người đàn bà nằm bên cạnh đã biến mất. Ánh trăng soi qua khung cửa sổ vàng vọt. Hai đứa con chị nằm co ro phía trong vách. Tiếng động nhỏ từ phía sau nhà mơ hồ vọng tới rồi tan loãng trong bóng đêm. Chị lần đi ra nhà bếp. Nồi nước sôi đang bốc hơi trên bếp lửa. Người đàn bà quay lại nhìn chị, hình như bà ta cười. Ánh lửa soi một khoảng sáng nhợt nhạt trên khoé miệng hơi nhếch lên. Chị thì thào hỏi.

“Bây giờ bắt đầu hả?”

Người đàn bà cũng thì thào trả lời.

“Bây giờ. Chị ra trước nhà canh chừng dùm đi.”

Chị bỗng thấy mừng. Ý nghĩ phải ở lại để chứng kiến cảnh con Ột bị giết làm chị xốn xang. Trong chuồng nó, bóng ai thấp thoáng, ánh trăng khuya rọi lên một bờ vai ngang. Có lẽ là một người đàn ông. Chị lại nghĩ tới con Ột, không biết nó chết chưa, có đau đớn quá không. Chắc là đau ghê lắm. Chị gạt nước mắt ngồi trong bóng tối, cố đừng nghĩ tới cái chết của con Ột. Những kỷ niệm xa xưa lãng đãng quay về, làm chị đau khổ day dứt nhiều hơn. Chị ước gì mình có thể làm được một nghề gì khác để kiếm tiền nuôi con, đừng phải nuôi heo rồi kêu người tới giết nó. Chị lại nhớ con Ột, nhớ cái dáng ục ịt mừng rỡ khi thấy bóng chủ. Nước mắt ứa ra cay xốn.

Cánh rừng cao su kéo ngang dưới bóng trăng như một dải băng đen. Tiếng gà cất lên oi ả xa xa, quạnh vắng lạ lùng. Cả tiếng gió tràn qua rẫy khoai cũng u mê hoang lạnh. Chị rùng mình. Một cái bóng đen đứng lù lù bên mô đất. Gã đang ở đó. Gã nhìn thấy hết. Không có thứ gì lọt qua được hai con mắt sâu rọm. Chị muốn la lên để báo động cho mấy người trong nhà. Nhưng cổ họng chị nghẹn thắt. Chị ngồi bất động, nhìn sững cái bóng đen. Ánh trăng rung rinh cười cợt. Tiếng thì thào bất chợt bên tai làm chị hoảng hốt.

“Xong rồi, chị.”

Chị giật mình la lên một tiếng nghẹn ngào. Người đàn ông lạ đứng phía sau lưng chị từ bao giờ. Ánh trăng khuya rọi lên một bờ vai ngang, loáng thoáng một nụ cười thân thiện, một đôi mắt sáng.

“Xin lỗi chị. Tôi lỡ làm cho chị giật mình. Công việc xong rồi, chị à.”

Chị nhìn ra mô đất, gốc cây xoài già vẫn đứng đó im lìm như một bóng người. Chị nhìn người đàn ông, ngượng ngập nói nhỏ.

“Tôi hay sợ đủ thứ, sợ riết rồi thành ám ảnh. Lại mới lần đầu bán heo lậu.”

“Vùng này vắng vẻ quá, mấy mẹ con chị sống thui thủi ở đây cũng sợ thiệt chứ. Chắc là chị ở đâu mới trôi dạt về. Nhìn là biết, không phải dân rẫy.”

“Anh cũng không giống người mổ heo.”

Chị giật mình, một sự cảm thông gần gũi tới bất chợt cứ như là, chị quen anh ta. Cảm xúc đó làm chị xót xa, chạnh lòng nhớ về một vùng ký ức xa xăm, ở đó họ từng là những con người khác. Người đàn ông mặc cái áo xanh bèo nhèo, loang lổ vết máu heo. Mái tóc hớt ngắn để lộ vầng trán rộng. Anh ta ý tứ đứng cách xa chị một khoảng vừa phải. Một khoảng cách của sự tôn trọng dành cho một người phụ nữ, giữa đêm tối tăm. Nụ cười chân chất ấm áp.

“Tôi cũng như chị thôi, phải thay đổi để mà sống.”

Chị lắc đầu cười ảm đạm, phải thay đổi để mà sống. Lời nói của một người xa lạ đến từ vùng quá khứ cũ kỹ làm chị xót xa nhớ tới anh. Chị mường tượng ngày anh trở về, không phải là con người đẹp đẽ của ngày xưa, mà là một con người phải thay đổi để cùng chị tồn tại, cùng chị gồng gánh quãng đời còn lại. Con người đói khát khiếp nhược ở một cõi tù đày xa xăm chợt hiện ra, thân thuộc và gần gũi, như một phần đời của chị và các con. Những người như chị, như anh, như người đàn ông làm nghề mổ heo này, trong tận cùng của tủi nhục và mất mát, vẫn còn có một phần con người đẹp đẽ trong sạch để mà nhận ra nhau. Chị ứa nước mắt, nói một câu dù biết thừa thãi, nhưng sao vẫn thèm được nói ra quá chừng.

“Hồi xưa tôi là cô giáo.”

*

Hai bóng người khuất trong sương sớm. Hai chiếc xe đạp cũ đưa phần thân thể tươi rói của con Ột ra đi. Chị lẩn thẩn bước ra chuồng heo, lẩn thẩn nhớ tiếng ột ột mừng rỡ. Quạnh vắng lạ lùng. Trong góc chuồng, một đống phân lẫn lông lá, vài vũng máu đọng đỏ loang. Chị lắc đầu, hì hụi quay nước dội chuồng. Tay quay nước khô dầu rên rỉ kẽo kẹt. Nước giếng buổi sáng sớm lạnh ngắt. Chị nghĩ tới số tiền bán heo.

Con heo bán lậu được một trăm lẻ ba ký. Chị đào đất chôn hộp thiếc đựng tiền dưới gầm tủ, nhất định dù túng thiếu tới cỡ nào cũng không đào lên tới. Đó là tiền cho ba má con chị đi thăm anh, tiền mua con heo giống mới. Hôm nay chị ra chợ mua ít đồ ăn tử tế cho hai đứa nhỏ, kể như là ăn mừng bán con heo được giá.

Gã đứng chờ chị bên con đường vắng dẫn ngang khu chuồng bò bỏ hoang. Bàn tay gân guốc nắm chặt cổ tay chị.

“Con mẹ bán heo lậu này. Hôm qua mổ được mấy ký?”

Cảm giác đau nhói nơi cổ tay không làm chị kinh hãi bằng cảm giác phải tiếp xúc quá gần gũi với kẻ săn đuổi mình. Khuôn mặt bành bạnh chắn ngang trước mắt, hơi thở phả lên mặt chị. Chị ghê rợn nhận ra rằng, gã cũng có một cái miệng, một cái mũi và một hàm răng vàng khè khói thuốc. Kẻ săn đuổi chị cũng là một con người. Nó là đồng loại với chị. Sự thật quái gở đó không làm chị bớt sợ mà làm chị ghê tởm. Bàn tay gã ướt lạnh dường như dấp mồ hôi nhờn. Chị hốt hoảng dằng tay ra, cắm đầu bỏ chạy. Chị chạy loạng choạng về tới giữa rẫy khoai mì, bò ra đất, bắt đầu ói mửa. Cảm giác nhầy nhụa bám mãi trên cổ tay, không sao cắt bỏ được. Chị co gập người lại ói ra cả nước xanh lẫn nước vàng.

Con kiến cụt chân thất thểu bò đi trong rẫy khoai mì.

*

Thằng Hiệp ngã bệnh sốt xuất huyết, chắc là không qua khỏi. Suốt mấy đêm liền chị thức canh con, giữ chặt bàn tay mỏng tanh của nó trong bàn tay lạnh ngắt của mình. Mùa dịch sốt xuất huyết, nhà thương đông nghẹt người. Ba má con chị trải chiếu nằm dọc hành lang. Con Huyên lê lết cả ngày trong nhà thương, buổi tối, nó mệt lả nằm co ro ngủ dưới chân em. Hành lang tù mù thiếu ánh đèn, chiếu trải xếp lớp. Bác sĩ y tá cúi gằm đầu bước qua những lời van xin, những giọt nước mắt bi thương. Chị không thấy sợ, chỉ thấy đau đớn tuyệt vọng cùng cực. Giữa lúc con chị phải vật vã chống cự với thần chết, chị mới hiểu rằng, đã từ rất lâu chị không hề ở bên cạnh nó. Chị như cái bóng vất vưởng bên dòng đời, bị kéo đi, bị xô đẩy, bị dập vùi, bị tướt đoạt những cảm xúc yêu thương. Giờ đây cuộc sống sẽ cướp đi đứa con bé bỏng của chị, trong tận cùng của nỗi đau, bên ranh giới của sự sống chết, chị trở về gục đầu cầu xin, con hãy tha thứ cho má. Khuôn mặt tái mét khô héo của thằng nhỏ chìm trong vùng bóng tối. Đêm yên tĩnh vô thường. Đoạn hành lang mất điện tối om om. Nước mắt chị nhỏ lên mặt, lên thân thể mỏng manh của con. Nước mắt chảy không ngơi thấm lên da thịt đang mất dần sự sống của đứa nhỏ. Chị ôm bình nước biển gục đầu trên ngực nó, thiếp đi. Những cơn ác mộng kinh hoàng lại kéo tới, giục chị chạy trốn khỏi cuộc đời này. Chị vùng dậy nắm chặt tay con, không, má ở lại đây.

Tiếng khóc nức nở đánh thức cả hành lạng. Đứa nhỏ bên cạnh vừa chết. Má nó ngồi co quắp bên chiếu, nghẹn ngào ôm chặt thi hài thằng con.

Chị cũng ngồi co quắp bên chiếu, nghẹn ngào ôm chặt thân thể nhỏ nhoi của thằng Hiệp. Đêm dài mịt mùng thê lương.

Thằng Hiệp không chết. Đội ơn Trời Phật. Qua buổi sáng nó tỉnh dậy thều thào kêu “má ơi”.

*

Chuyến xe đò từ Long An về đông nghẹt người. Gã lơ xe xô ngược chị trở lại.

“Hết chỗ rồi.”

Chị ôm giỏ heo trước ngực, mếu máo năn nỉ.

“Tội nghiệp, chú ơi. Còn hai đứa con nhỏ ở nhà. Nhờ chú xếp dùm một chỗ.”

“Cho bà lên, nhưng thảy con heo lên nóc xe.”

Chị lại mếu máo năn nỉ.

“Nó gặp nắng chết queo. Chú ơi, làm phước.”

Chị được đẩy lên xe giữa những tiếng càu nhàu chửi rủa. Người ta dồn chị vô ngồi sau lưng ghế tài xế, bên cạnh người đàn bà mập mạp đang gục đầu ngủ gật gù. Chị ngồi chồm hổm trên sàn, phía trước là mấy cần xé trái cây. Con heo nằm trong lòng. Xe chạy một chút hai chân chị chớm đau, cứ thèm được đặt con heo xuống, thèm được duỗi hai chân. Chị nhớ hai đứa con, ruột gan như lửa đốt, không biết con Huyên ở nhà chăm sóc em ra sao. Không biết thằng Hiệp ăn hết nồi cháo chưa. Thằng nhỏ vừa hết bệnh còn chưa lại sức. Số tiền bán con Ột chạy hết vô chuyện thuốc thang, mua nước biển cho con. Cuộc sống đầy bất trắc, đầy những tai hoạ không lường làm chị thêm tuyệt vọng. Chị về nhà chị Hai, mua lại con heo cái này về làm giống. Con heo có mười bốn cái vú đều đặn. Chị Hai nói nuôi heo nái lời hơn heo thịt. Con heo nhỏ nằm trong lòng chị kêu ịt ịt, chị chưa kịp mắng, nước từ bụng nó tuôn xuống bụng chị nóng hổi, khai rình. Chị khép kín hai chân, cầu mong người kế bên không phát hiện ra tai hoạ. Bà mập ngồi bên vẫn gục đầu ngủ như người bệnh say xe. Sàn xe chật như nồi cá kho, lắc lư từng hồi. Hơi nóng trong thùng máy tốc ra hừng hực. Chị co đầu gối, nâng con heo lên cao một chút cho thoáng, sợ nó mất sức rồi còi cọc không lớn nổi

Xe bị chặn mấy lần. Ở mỗi trạm kiểm soát, bọn săn hàng cầm gậy nhọn hung hăng nhảy lên. Họ thọc gậy khắp nơi. Người đàn bà ngồi bên cạnh co rút vô người chị. Ống chân bà ta cọ vô bắp đùi chị, cảm giác đụng nhằm thứ gì khô cứng làm chị giật mình. Cùi chỏ bà ta thúc sâu vô hông chị đau nhói. Nhưng chị ráng chịu đựng, lặng lẽ chia sẻ với người khách không quen nỗi sợ hãi. Có tiếng khóc la ở cuối xe, bọn săn hàng tìm được đường, bột ngọt. Một người đàn bà mập mạp bị lôi xuống xe. Gã đàn ông râu tóc bờm xờm xông lên phía trước, xoi gậy vô mấy giỏ cần xé, tiếng một người đàn bà nào rên rỉ.

“Tội tình quá, chú ơi. Chỉ có ít trái cây mang về làm đám cưới thằng con trai. Để từ từ tui mở ra cho chú khám.”

Chị đậy nón lá lên giỏ heo, cúi gầm đầu, chỉ mong mình thoát được ra khỏi chỗ này. Cây gậy gõ bộp bộp lên đầu chị.

“Ê, ê, con mẹ này, buôn heo phải không? Leo xuống, mau.”

Chị oà lên khóc.

“Tôi là cô giáo, đâu buôn bán gì. Con heo này mang về nuôi làm đám giỗ.”

Tiếng khóc chị không làm gã động lòng, nhưng ánh mắt gã đã chuyển sang người đàn bà bên cạnh.

“Con mẹ mập này, kéo áo lên coi.”

Tim chị thắt lại kinh hãi. Người đàn bà kế bên lùi sát thêm vô mình chị, cả người bà ta đang run lẩy bẩy. Gã săn hàng xông tới, bàn tay thô bạo sục vô, kéo ngược tấm áo người đàn bà lên. Chị bật la thất thanh.

Dưới lớp áo đen những mảng màu vàng đỏ hiện ra. Thuốc lá cột kín quanh người.

“Kéo quần lên.” Gã đàn ông nạt lớn.

Người đàn bà bật khóc nức nở, hai tay giữ chặt hai ống quần. Hai gã thuế vụ nhào lên xe, xốc nách người đàn bà lôi xuống. Bà ta không chống cự, cả người mềm lả như cọng rau héo. Đó là một người phụ nữ mảnh dẻ còn rất trẻ. Nét xuân sắc, thanh tao vẫn còn đậm đà trên khuôn mặt khắc khổ đầy sợ hãi. Chị xót xa nghĩ, người phụ nữ đó cũng như chị, bị cuộc đời vùi dập đến chỗ tủi nhục này. Đoạn đường còn lại chìm trong nỗi ám ảnh kinh hoàng. Càng về tới gần thành phố, trạm thuế càng dày đặc. Nhiều lần chị muốn phóng ra khỏi xe, chạy trốn những kẻ săn hàng. Nhưng chị vẫn ngồi bất động trong góc, ôm chặt con heo, lảm nhảm những lời dối trá. Quanh chị rộng ra từ từ vì những người đàn bà lần lượt bị lôi ra khỏi xe. Đáng lẽ chị có thể duỗi chân ra phía trước, nhưng chị vẫn ngồi co quắp, thu mình như con cuốn chiếu. Ở trạm thuế cuối cùng, người ta lôi luôn mấy cần xé trái cây xuống. Bà già lưng còng bám theo giỏ hàng khóc nức nở. Chị cúi đầu ôm chặt con heo, biết là mình gặp may.

Chị đổi xe hai lần thì về tới chợ đầu xóm. Từ đây chị lội bộ hai cây số về rẫy khoai mì. Con heo nặng trĩu trên tay. Nó say nắng nằm im thin thít làm chị thêm lo. Chị trùm cái nón lá bẹp dúm lên giỏ, cố rảo bước, nhưng chân chị đau nhoi nhói. Hai vai chị mỏi nhừ. Mấy lần chị dừng lại bên đường thở dốc, ước gì có ai quen đỡ dùm một bên giỏ. Nhưng chị không quen ai, ở vùng này mọi người đều xa lạ. Nắng chiều nóng như nung cháy con đường, cổ họng chị khô thắt. Chị ghé bên đường mua bịt trà đá, một nửa cho mình, một nửa chút chít nhỏ lên cái miệng đang ngáp ngáp của con heo. Áo chị bốc mùi hôi kinh khủng, từng lớp phân heo xanh lè khô cứng trên vạt áo rớt xuống lả tả. Mồ hôi đổ ra ngứa ngáy không thôi. Chị bặm môi xốc con heo lên, băng đường tắt đi về hướng nghĩa địa.

Gã chờ chị ở đó, phía sau ngôi mộ người đàn bà chết trẻ. Gã đột ngột xông ra như bóng ma đội mồ, bàn tay đen đúa chụp cứng giỏ heo. Con heo đang nằm thiêm thiếp, hết hồn vùng dậy kêu eng éc. Suýt nữa chị làm rớt nó xuống đất. Nhưng bàn tay gã giữ chặt mép giỏ, thúc mạnh vô ngực chị, đẩy chị từ từ lùi lại. Tiếng kêu kinh hãi bị nén trong lòng ngực, tắt nghẹn. Tấm ảnh người đàn bà trên bia dõi tìm vô vọng thế giới xưa cũ, nụ cười u uẩn dở dang. Nụ cười chưa kịp tắt, cái chết đã kéo ngang qua. Không ai có được sự lựa chọn. Chị thắt ruột nghĩ tới hai đứa con nhỏ đang chờ chị ở nhà. Từ vết nứt trên tấm bia, mấy con kiến đen bò ra loe ngoe. Một con bò loanh quanh trên tấm ảnh người đàn bà, nó dừng lại ngay bên mép. Nụ cười như lệch đi, mỉa mai giễu cợt. Một con vừa ló đầu ra đã hoảng hốt thụt đầu chui trở lại chỗ ẩn náu. Con heo ịt ịt, phẹt ra thêm một bãi. Phân heo sền sệt chảy qua tay chị, tuột dần trên ống quần. Mùi hôi thúi xông lên nồng nặc. Chưa bao giờ chị dơ bẩn gớm ghiếc như lúc này. Con heo chồn chân húc cái mõm ướt lên tay chị, kêu ịt ịt đòi ra. Chị sẽ nuôi nó đẻ nái, lấy tiền nuôi con, lấy tiền lợp lại mái nhà, lấy tiền đi thăm anh. Chị rầy nhỏ nó.

“Ịt ịt, được rồi, con. Mình đi về. Qua rẫy khoai mì là tới nhà.”

Gã giận dữ thúc mạnh vô giỏ heo. Con heo hoảng hốt kêu eng éc. Ngực chị đau nhói. Mắt gã ráo riết xục xạo trên khuôn mặt mặt chị, tìm kiếm sự sợ hãi khiếp nhược. Chị lắc đầu, ngước mắt lên nhìn gã, nhìn thẳng vào đôi con ngươi vàng ệch của thằng người. Trong mắt nó trào lên sự tức tối trộn cùng thất vọng.

Chị thong thả kéo lại cái nón lá che cho con heo, ôm chặt nó trong lòng, bặm môi dấn bước.

*

Tôi ngồi bên ngôi mộ người đàn bà chết trẻ. Ráng chiều tàn tạ kéo qua rừng cao su già cỗi. Bóng vợ tôi khuất dần trong vùng dĩ vãng. Khói hương trầm lãng đãng hư vô. Tôi đã trở về, tả tơi khuyết tật, nửa cuộc đời mình vĩnh viễn chôn sâu trong lòng đất.

Một con kiến đen chui ra từ vết nứt trên bia mộ. Nó dừng lại trên nụ cười của nàng rồi thận trọng bò lên ngón tay tôi, ngón tay trỏ cong queo dị dạng. Mấy cái chân ngo ngoe chạm lên vết thương vừa liền da. Nó ngại ngần dừng lại ở đó, dường như là muốn quay đầu chạy trốn. Tôi thì thầm xót xa. Đừng sợ, em yêu.

 

1.2010

Lưu Thuỷ Hương