Trăng mười tám
Chiếc xe đò chở tụi con gái băng đồng đâm về hướng Tây. Nông trường cao su Thống Nhất ở cách lộ chính khoảng bảy cây số đường chim bay. Thầy phó bí thư đoàn khoa ngồi kế tài xế làm nhiệm vụ dẫn đường. Vùng này thầy chưa đi công tác qua nhưng các đồng chí cán bộ nông trường đã gửi bản chỉ dẫn cụ thể. Tới gốc cây cổ thụ bị sét đánh này, băng tắt cánh đồng bên tay trái khoảng hai mươi phút là tới. Thầy Tấn nói to, kéo dài giọng như diễn viên kịch:
- Cứ băng thẳng hướng này là tới. Khoảng hai mươi phút nữa đổ quân. Các đồng chí chuẩn bị tinh thần giao lưu với đoàn thanh niên nông trường.
Chiến vừa nghe tới đó liền cao giọng bắt nhịp bài hát tập thể:
"Từ biển sâu tới miền rừng núi cao"
Tiếng hát của nó dội oang oang giữa lòng xe. Hai mươi ba đứa con gái ngồi chen chúc trên những băng ghế ọp ẹp. Áo quần, đầu tóc bết dính mồ hôi. Mấy đứa nhắm mắt lại. Mấy đứa đưa tay che miệng ngáp.
"Vì ngày mai ta xây đắp những công trình vĩ đại
Đồng lúa trĩu bông, quê ta nhà máy khói ngút trời
Cả Tổ quốc trong tương lai ánh điện tỏa sáng"
Hạnh cũng nhắm mắt lại, nhưng lời hát của Chiến kéo nó đi. Bao giờ nghe bài hát này nó cũng thấy xúc động và tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Nó tưởng tượng cả cánh đồng tranh bên ngoài đang hoá thành đồng lúa. Xa xa là những dãy nhà máy toả khói trắng cao ngút trời. Cảm xúc ngọt ngào, niềm tin thiêng liêng rạo rực xâm chiếm tâm hồn Hạnh.
"Vì đất nước ta ra đi xây đời hạnh phúc cho mai sau"
Hạnh ngồi thẳng dậy, cất tiếng hát theo Chiến. Nó thấy mình lớn hơn, trưởng thành hơn. Mấy đứa con gái trong ban văn nghệ cũng lác đác bắt giọng phụ hoạ:
"Là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh"
Chiếc xe đò cũ kỹ khục khặc cất tiếng ho. Sau vài cơn rùng mình khắc khoải, dừng lại thở ra từng ngụm khói đen, nó ì ạch bò đi như con rùa già cảm nắng.
Thầy Tấn quay lại nhìn Hạnh cười khuyến khích. Thầy nghĩ là Hạnh hát vì thầy, vì chuyến đi này có thầy dẫn đường. Ánh mắt thầy rớt vô chỗ ngực áo sơ mi của Hạnh. Chỗ nút áo vô tình hơi hở ra để lộ khoảng da trắng ngà. Bàn tay phải của thầy bỗng ngọ ngoạy thừa thãi, nó gãi lên má mấy cái rồi đưa lên vuốt tóc. Mồ hôi chảy ra từ mái tóc đen nhờn, nhỏ từng giọt xuống cổ áo sơ mi thâm xì, loang ra thành một vòng đỏ quạch. Thầy đưa tay che lên trán như tập trung về một điểm cố định nào đó phía trước. Giọng thấy chắc nịch:
- Còn hai cây số nữa là tới.
Xe chạy loanh quanh, tắt máy mấy lần giữa đồng trống. Hơi nóng ngùn ngụt trên đồng hoang tràn qua cửa sổ. Hơi nóng từ trên trời đổ thốc xuống trần xe. Cả mấy thanh sắt trong xe cũng nóng như nung lửa.
Tụi con gái lúc này đã thôi hát, ngồi im thin thít, vì nóng, vì mệt, vì sợ thầy bắt leo xuống đẩy xe. Chỉ toàn là tranh, cả một biển tranh ngút ngàn. Những cánh rừng chồi, rừng lồ ô xanh mù mịt đã lùi lại phía sau. Cũng không có bóng dáng một cây cao su nào. Thầy phó bí thư lại cất giọng trịnh trọng như diễn viên, thầy vẫn khoái vai diễn của mình trước mặt Hạnh:
- Các đồng chí yên tâm. Nông trường nằm cạnh rừng lồ ô.
Tài xế đạp thắng xe ken két.
Con rùa ho khục khặc bò trở lui, tìm một cánh rừng lồ ô.
Hạnh xoay người nhìn ra cửa sổ, một khoảng rừng xanh đang tiến gần lại. Con rùa bò vô con đường hẹp chạy xuyên qua rừng. Tàn lồ ô vây thành vòm dày đặc ở phía trên. Mấy nhánh cây bên đường đánh vô thành cửa như roi quất. Chiến la lên:
- Qua rừng này là đổ quân. Các bạn vỗ tay chuẩn bị hát.
Nó vỗ tay lộp bộp rồi lại hăm hở cất tiếng hát giữa tiếng đập bùng bùng của mấy nhánh lồ ô. Một vài đứa con gái vừa thức giấc lật đật soi gương, chải đầu, cột tóc.
Xe chạy loanh quanh, hết rừng lồ ô này sang tới rừng lồ ô khác. Mấy bụi lồ ô mọc càng lúc càng rậm rạp, nhánh cây thọc qua cửa xe hung tợn như muốn đâm chết đám hành khách. Tụi con gái la thất thanh dồn hết vô giữa lòng xe.
Tài xế bỗng rú lên. Chiếc xe lủi nhào vô lùm cây dày đặc. Nhánh lồ ô nhọn hoắc vừa đâm xuyên qua cửa xe, nhằm thẳng vô mặt tài xế. Gã bụm tay lên gò má đang chảy máu ròng ròng, cất giọng sợ hãi:
- Tới đây là hết đường, mất dấu rồi.
Gió thổi ào ạt bên ngoài. Lồ ô đong đưa như đan lưới, xiết chặt cả đường tới lẫn đường lui. Thầy Tấn ngồi thụt vô giữa xe nhớn nhác la lên:
- Quay lui. Đạp hết ga quay lui.
Con rùa già rùng mình co giật như hấp hối. Sau một hồi thở gấp, nó xịt khói đen ngòm rồi nổ máy. Tài xế đạp ga, cài số, vùng vẫy mở đường quay ngang. Con rùa già đâm mạnh đầu vô lùm lồ ô giữa những tiếng hét kinh hoảng. Nó càn qua đám thân cây nhọn như giáo mác điên cuồng phóng về phía trước.
Bây giờ tài xế tránh xa rừng lồ ô. Chiếc xe ì ạch băng quàng xiên trên cánh đồng tranh. Cỏ tranh ngút ngàn, không sao tìm lại được con đường cũ. Sàn xe bỗng chao nghiêng dữ dội. Cả đám hành khách té nhủi về phía trước đập đầu lên thành ghế. Mấy mươi cái miệng đồng loạt hét lên. Thầy Tấn cũng hét to:
- Coi chừng. Hố bom.
Hố bom khổng lồ nằm im lìm trong trảng tranh, to như cái ao. Lòng ao sâu thẳm không thấy đáy, chỉ một màu đen thui.
Tài xế bẻ tay lái, nghiến răng nói:
- Phải có ai xuống đi trước dẫn đường. Lọt xuống hố là toi mạng cả lũ.
Chẳng đứa nào dám nhúc nhích. Vài đứa đưa tay quẹt lớp mồ hôi nhơm nhớp bụi đỏ, rồi cũng không biết chùi bàn tay nhơm nhớp đó lên đâu. Đứa chùi tay lên quần, đứa chùi lên vạt áo, đứa chùi lên thành ghế. Thầy phó bí thư rụt rè chỉ đạo:
- Cho xe chạy chậm thôi. Cố tập trung bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân.
Tài xế chửi một tiếng gì rất khó nghe nhưng thầy phó bí thư không phản ứng gì. Lúc này thầy bỗng hối hận vì đã quá nhiệt tình theo đoàn công tác lên đây. Lẽ ra chỉ giao nhiệm vụ cho Chiến là đủ. Theo kế hoạch, người nông trường sẽ ra đón đoàn ở đường lộ chính. Nhưng thầy muốn có một chuyến đi đầy lý tưởng cách mạng với Hạnh, muốn gần gũi Hạnh hơn một chút. Không ngờ cái thứ tình cảm ngoài chủ trương và chính sách này chỉ mang lại tai hoạ.
Thầy kiên quyết không nghĩ tới Hạnh nữa, chồm cả người về phía trước, cố tập trung tìm đường thoát. Một mái nhà xám bủn, thấp lè tè, ló lên khiêm tốn giữa đồng tranh như cái phao cứu nạn giữa biển khơi. Thầy Tấn nhảy nhổm lên:
- Tới rồi. Anh tài cho xe qua hướng kia. Các đồng chí! Chuẩn bị đổ quân!
Đồng chí của thầy, quân lính của thầy nghe chữ "tới rồi" mà vẫn chưa hoàn hồn. Tụi nó nhốn nháo bò xuống xe, đứng bên đường mòn ngơ ngác nhìn mái lá xiêu vẹo của nông trường. Nó hiện ra trơ trọi giữa cánh đồng tranh như một nấm mộ hoang.
Cây cổ thụ bị sét đánh xẻ đôi đứng trơ trọi giữa đồng trống. Thân cây cháy đen, mấy nhành trơ trụi đâm lên trời như những hình người quái dị múa may. Hạnh rùng mình lùi lại. Rõ ràng chỗ này lúc trưa xe đã chạy qua, làm gì có mái nhà nào.
Thầy phó bí thư và tài xế hối hả tuôn hành lý xuống xe. Theo đúng chỉ thị của Đoàn trường, họ phải quay về thành phố trước khi trời tối để bàn giao phương tiện vận chuyển và báo cáo thành tích. Trời về chiều, cảnh vật hoang vu buồn mênh mang. Mái nhà lá cô quạnh nằm trên đồng, như ẩn như hiện giữa bãi tha ma.
Chiến bỏ mặc đống hành lý, xăm xăm chạy về hướng căn nhà. Qua khỏi lùm mua, nó đứng sững lại. Căn nhà hiện ra trong mắt nó như một lời nguyền rủa. Mái nhà tranh mục nát, ba bên vách đất lở lói trơ cả khung tre, một bên trống hoang trống huếch.
Chiến quay ngược lại, nó cố kìm chế để đừng phóng chạy. Hành lý vừa chuyển hết xuống đất. Hai bao bí đỏ. Mấy cái nồi gang lớn. Một bó chiếu. Chiến phóng lên cửa xe, nắm áo thầy phó bí thư, hỏi nhỏ:
- Khoan đã, thầy. Có phải chỗ này không?
Thầy phó bí thư vội vã trả lời:
- Đồng chí cho dọn hành lý vô lán. Sáng sớm mai sẽ có người ở nông trường sang sắp xếp lại chỗ ở và giao công tác.
Chiến không lùi lại, nó sấn tới hỏi rành rọt:
- Có phải chỗ này không?
Nó đứng gần tới nỗi đọc được những điều vừa thoáng hiện trong đôi mắt thầy. Đó là một sự bực tức gần như căm ghét. Thầy phó bí thư nói át tiếng xe vừa đề nổ:
- Đồng chí uỷ viên ban chấp hành. Đồng chí ở lại chờ nhiệm vụ. Nông trường đã nhận được thông báo của Đoàn trường. Chương trình công tác của chi đoàn đã được ban giám đốc lên kế hoạch cụ thể.
Chiến ngắc ngứ lùi lại. Nó không có lý do gì để chống đối kế hoạch của nông trường kết hợp với Đoàn trường. Nhưng nó cố lặp lại câu hỏi như một lời buộc tội:
- Nếu không phải chỗ này thì sao?
- Thì nông trường cũng sẽ cho người đi tìm. Họ ở gần đây, có gì mà họ không nắm bắt được.
Chiến thường đi công tác Đoàn, chưa bao giờ nó gặp tình cảnh khó khăn trần trụi như vầy. Công tác Đoàn dĩ nhiên bao giờ cũng tràn ngập khó khăn, nhưng những cái khó khăn đó phải được che đậy bởi những thứ hoa hoè và tươi sáng khác. Nếu trước căn nhà hoang tàn đổ nát có treo tấm biểu ngữ trang trọng "Hân hoan chào đón lực lượng thanh niên xung kích", thì nó chẳng có gì phân vân. Nhưng căn nhà nằm đó trơ trọi như thuộc về một thế giới nào khác. Một thế giới không có lý tưởng hay nhiệm vụ cao cả. Nó mục nát, cũ kỹ và chứa đầy hoang mang.
Chiến bước một chân xuống xe, căm giận hỏi:
- Nhưng đêm nay thì sao? Rồi ngủ ở đâu? Nấu ăn ở đâu? Tắm rửa, thay đồ… ở đâu?
Thầy phó bí thư trợn mắt nhìn nó, Đoàn trường có bao nhiêu mục tiêu to lớn để vươn tới, chuyện nhỏ nhặt của phụ nữ thầy đâu có quan tâm. Thầy bực bội chỉ tay mông lung về phía căn nhà. Giữa thầy và trò còn có một khoảng cách tôn kính, giữa phái nam và phái nữ còn có một khoảng cách tế nhị. Chẳng lẽ thầy cho phép nữ sinh hỏi những câu suồng sã. "Rồi tiểu tiện ở đâu?"
Thầy lưu luyến nhìn Hạnh lần cuối, quay sang tài xế ra lịnh:
- Lên đường, bác tài.
Chiến lùi ra khỏi cửa xe, cắn răng đứng sững bên đường. Nó còn chưa kịp nắm hết tình hình, chưa kịp đối đầu trước khó khăn, chưa kịp thử sức chiến đấu, con rùa già đã lùi lũi bò qua trước mặt. Đám bụi đỏ tốc ngược vô khuôn mặt khắc khổ lem luốc của Chiến. Cặp mắt nó lóe sáng. Nó chẳng có gì để nói thêm, chỉ cần qua được đêm nay, ngày mai nó sẽ làm việc với nông trường. Thầy Tấn và nó sẽ gặp lại nhau trong kỳ đại hội Đoàn sắp tới. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Chiến quay lại nhìn đám bạn đứng lơ ngơ bên đống hành lý, nó đổi giọng hăng hái:
- Các bạn, chuyển hành lý vô lán.
Lán rộng khoảng ba gian, được dựng tạm bợ không biết từ khi nào. Cỏ tranh qua mấy mùa mưa mọc lấn vô tận cột nhà. Hai gian có tường đất ba mặt. Một gian chỉ có mái chứ không có tường. Dãy giường sàn tập thể đóng bằng cây rừng xiêu vẹo ở góc nhà. Một số chỗ đã mục gãy, một số chỗ mối xông chỉ còn lớp vỏ cây rỗng tựa lên nhau. Dây leo dại bò ngo ngoe trên sạp giường tre xám mốc. Chiến nghiến răng nhìn sững. Bầu không khí lạnh lẽo trong lán làm nó dao động. Nó cố trấn tĩnh, cất giọng la to:
- Các bạn, đem hành lý vô. Chất hết giỏ xách bao bì lên giường. Đám thanh giường bị mối xông đem ra bên ngoài làm củi.
Mấy đứa con gái đứng bên đống hành lý làm lơ trước mệnh lệnh của chỉ huy. Tụi nó còn mải lo lục lọi tìm đồ riêng tư trong giỏ xách. Một đám khác kéo nhau túa chạy ra sau lán, háo hức thám sát địa hình. Chiến lắc mấy cái giường cây, thử xem mức độ hư hỏng trầm trọng ra sao. Nó tính toán, đêm nay, cả lớp tạm thời trải chiếu nằm đỡ dưới đất. Ngày mai nó sẽ nhờ nông trường sắp xếp lại chỗ ngủ cho tử tế. Cơ sở vật chất thảm hại như vầy, lại đang giữa mùa mưa, tụi thành phố không đủ sức chịu quá ba ngày. Nó chất mấy giỏ áo quần lên góc sàn. Bàn tay nó chống lên cột nhà bằng cây rừng thô. Một khoảng thân cây bị bóc vỏ bên dưới, để lộ ra phần gỗ nâu đỏ và những vệt dao khắc nguệch ngoạc. Chiến sửng sốt quỳ xuống xem xét. Hàng chữ xiêu vẹo khắc vụng về bằng mũi dao nhọn, nhiều chỗ trầy xước, mờ nhạt không đọc được. Đêm 12 - 06… biên giới Tây Nam… chúng tôi… bị t… Chiến chạm ngón tay mình lên mặt gỗ khắc sần sùi. Nó không tin vô mắt mình. Mấy ngón tay rà lên mặt gỗ để xác minh rằng, những hàng chữ kia là có thật. Ai? Ai đã để lại đây những hàng chữ lạ lùng này? Những người đó đã bị gì, đã đi đâu? Và những hàng chữ này mang ý nghĩa gì? Nó ớn lạnh, chợt nghĩ, có lẽ đây là trang lán cũ của một đơn vị thanh niên xung phong nào đó, và… họ… họ… Suy nghĩ của nó bị chặn đứng lại rồi từ từ chìm vô một vùng cảm xúc tối đen. Có một cái gì đó không bình thường. Một cái gì đó rất quái đản và lệch lạc. Gió rừng thổi thốc vào lán không mang theo hơi nắng chiều khô hanh mà mang theo hơi ẩm lạnh rờn rợn của rừng hoang. Một mùi hương lạ bay phảng phất trong lán. Tự nhiên Chiến thấy nghẹn ngang cổ họng.
Hạnh tới từ bao giờ, nó quỳ xuống chồm qua vai Chiến, ghé mắt đọc. Chiến nín thở quay lại. Sự kinh hoàng hiện lên trong mắt Hạnh như một lời tố cáo. Chiến mím môi gạt ngang:
- Mày đừng hỏi. Tao cũng không biết gì đâu. Xếp giỏ lẹ lên. Che hàng chữ lại
Có tiếng la nhốn nháo sau lán. Hạnh với Chiến bật nhổm dậy, suýt nữa té dúi vô nhau. Bàn tay Chiến hốt hoảng vồ lấy bàn tay Hạnh, nhưng rồi nó vội vàng thả ra, như từ chối mọi sự chia sẻ.
Đứa nào la lên bai bải. Đứa nào vừa tìm được cái giếng hoang. Chiến chạy ra hiên nhà cười lớn:
- Đâu? Giếng đâu?
Giếng nằm bên một khoảng sân nhỏ lót đá. Thành giếng cũng có đá chất quanh thành một vòng tròn cao khoảng bốn gang tay, đôi chỗ sạt lở. Bên trong, bên ngoài bờ giếng đều phủ đầy cỏ, thông đá và dương sỉ. Một vạt rau quế dại cằn cỗi mọc ven thành giếng. Không biết người ta trồng đám rau quế từ bao giờ. Hạt khô rụng xuống rồi lại mọc lên, qua bao mùa mưa nắng. Có bao nhiêu đơn vị đã hành quân qua đây. Chiến bồn chồn không dám nghĩ tiếp. Nó ngồi xổm bên thành đá nhìn xuống lòng giếng phủ đầy cây xanh. Mặt nước đen mờ bên dưới không rõ nông sâu.
Con nhỏ Mai từ trong lán cầm gàu hớn hở chạy ra. Nó thảy gàu xuống giếng, chưa qua ba mét dây đã nghe tiếng nước kêu bùm bụp. Cái gàu kéo lên phần nước trong vắt. Hơi lạnh như đang bốc lên từ mặt nước lao xao. Mai gục đầu xuống gàu nước. Trước khi Chiến kịp lên tiếng ngăn cản, nó đã uống ừng ực.
- Nước mát lạnh, ngọt như nước mía.
Không hiểu sao Chiến lại rùng mình. Tiếng bùm bụp kỳ dị vẫn còn vang lên từ lòng giếng.
Mấy đứa khác tìm ra đám hương nhu lá tím mọc lác đác trong cỏ dại. Tụi nó hăm hở bàn nhau, ngày mai nấu lá hương nhu gội đầu. Chỉ có phụ nữ mới đem hương nhu theo làm hành trang, Chiến bồn chồn nghĩ tới mấy hàng chữ trên cột nhà. Nó bỗng lặng người đi. Mùi hương phảng phất trong căn lán hình như là mùi lá hương nhu.
Trời đã xế chiều, màu sương tím kéo dài qua trảng tranh như khói mỏng, đọng lại sẫm đặc bên triền lồ ô. Đám con gái quấn bạt làm nhà tắm bên giếng, cười giỡn ầm ĩ. Tiếng cười lan đi trên đồng trống, trôi xa hun hút, rờn rợn lạc lõng. Hạnh tới bên Chiến từ bao giờ, rụt rè hỏi:
- Có nước rồi, cho tổ hậu cần nổi lửa nấu cơm, nấu nước nghen?
Chiến nghe tới chữ "nổi lửa" thì giật mình, Nhưng nó lập tức trấn tĩnh nắm ngay vấn đề:
- Chiều nay tổ nào nấu cơm?
- Tổ nhỏ Mai. Bốc thăm rồi.
Chiến im lặng không trả lời ngay mà nhìn ra giếng nước. Hai căn nhà tắm mới dựng sơ sài bằng lồ ô và bạt nilon nhưng chẳng có đứa nào chịu chui vô đó. Tụi con gái té nước bên thành giếng, ướt loi ngoi, tóc tai rũ rượi. Con nhỏ Mai đứng chàng hảng trên thành giếng kéo nước, la ong óng:
- Nước giếng trong leo lẻo đây. Mời vô. Mời vô. Tắm nước rừng xong là lột da thành…
- Thành cái gì? - Mấy đứa lau nhau hỏi.
- Thành ma rừng.
- Đồ quỷ.
Chiến rùng mình tự hỏi, con nhỏ này sao cứ đứng trên thành giếng kéo nước liên tục như ma nhập. Hạnh đứng bên buột miệng nói:
- Ai xui nó kéo nước hoài vậy?
Chiến lắc đầu:
- Mày ra kêu nó thôi trò kéo nước đi, lo vô nổi lửa. Nấu nước trước, nấu cơm sau. Dọn góc kín trong lán mà nấu. Đừng… đừng để lửa lớn quá nghen, sợ khói lên.
Hạnh nhìn sang Chiến. Ánh mắt nó kiên quyết dò tìm sự thật. Hai đứa lại nhìn nhau không chớp mắt. Khi đó, cả hai cùng nhận ra dấu vết của sự sợ hãi. Nó đang trào lên từ hai hố mắt sâu như đáy giếng. Chiến vội vã lắc đầu như để trút bỏ niềm cảm thông, nó chạy ra bờ giếng la lên oang oang:
- Tụi bây không giỡn to tiếng nữa. Muốn thanh niên quanh vùng mò tới thăm hả?
Mấy đứa con gái đang vui cũng la lên:
- Ở đây đồng không mông quạnh làm gì có ai.
- Nông trường cao su ngay kế bên đây mà tụi bây tắm tồng ngồng ngoài trời như vầy, không mắc cỡ hay sao?
Chiến cay cú vặt lại, tự nhiên nó thấy nóng giận vô cớ. Sự sợ hãi trong lòng nó đang căm ghét vẻ vô tư của người khác.
Mấy đứa con gái lấm lét kéo nước vô nhà tắm. Chiến vừa quay đi, tụi nó lại mò ra giếng té nước giỡn ầm ầm. Một đám tiến công vô rừng lồ ô từ hồi nào, nhớn nhác chạy về kể lể:
- Có cái võng cũ mèm ai treo trong rừng. Rách te tua mà còn đong đưa một mình thấy ghê lắm. Tụi bây đi coi không?
Chiến mím môi gạt đi:
- Đứa nào chiều nay không nấu cơm thì vô lo chuẩn bị chỗ ngủ. Trời sắp tối rồi. Không chạy lung tung ra bên ngoài nữa.
Bữa cơm tối muộn màng được dọn ra giữa lán. Ánh đèn dầu leo lét soi những khoảng vàng nhợt lên ba mặt tường đất lở lói.
Hạnh nuốt không vô bữa cơm đầu tiên ở nông trường. Cơm vừa nhão vừa khê. Canh bí đỏ nấu với bột ngọt và hành phi, nêm thêm rau quế hái ở bờ giếng. Ánh đèn dầu run rẩy chao nghiêng. Cơn gió rừng đột ngột kéo ngang qua mang theo hơi sương tê tái. Đứa nào ngớ ngẩn hỏi lại một câu đã được hỏi suốt buổi chiều:
- Ngày mai nông trường cho người qua hả?
- Ngày mai nông trường không qua thì tao cũng bỏ về luôn. Coi như chuyến này đi chơi, lên rừng cắm trại một đêm.
Một đứa lên gân cười cợt:
- Vậy sao mình không đốt lửa trại cho vui?
Chiến giật mình nạt ngang:
- Tụi bây không được đốt lửa. Cháy lan ra đồng là chết cả lũ.
Mấy đứa con gái cười rúc rích. Nhóm văn nghệ bắt đầu vỗ tay, rạo rực cất tiếng hát:
"Lặng nghe tiếng hú trong đêm
Thoáng hương rừng theo gió đưa"
- Ê, nhỏ Hạnh đâu. Lấy đàn ra đánh cho lên tinh thần chớ.
Hạnh ngồi tựa lưng vô vách lán, cúi gục đầu không nói gì. Đứa nào rống lên như hoá điên:
"Xa nông trường ra biên giới
Có đôi khi đi không trở lại"
Mai buông tiếng thở dài giữa tiếng hát. Nó nói thiệt nhỏ nhưng vừa đủ để chạnh lòng hai mươi ba đứa con gái ngồi co ro giữa đồng:
- Tao nhớ thành phố, nhớ cư xá, nhớ người yêu quá. Ở đây lạnh lẽo như nhà mồ.
Trăng vàng rũ rượi chảy loang trên cánh đồng tranh. Bất chợt tiếng chim kêu thảng thốt phía rừng già. Chiến rùng mình nói:
- Mình chuẩn bị ngủ đi, sáng mai còn dậy sớm. Tắt hết đèn, đừng to tiếng.
Tụi nó thôi cười, loay hoay trải chiếu dưới đất, lục đục tìm chỗ giăng dây treo mùng. Mấy đứa chạy ra giếng. Mấy đứa chạy ra hiên. Mấy đứa lục tìm đồ đạc trong góc. Khi trăng lên trên đỉnh đầu, cả gian lán đã chìm trong tĩnh mịch.
Trăng xuyên qua ô vách lở soi bóng lên những mái đầu tóc xoã.
Cơn mưa rừng lạnh lẽo phủ lên mái lá. Mưa chảy từng dòng đỏ quạch trên sân.
Mưa mang đi một đêm bí ẩn. Buổi sáng ẩm ướt kéo đến không đem theo ánh mặt trời.
Chiến đi ngay sau khi thức dậy, vội vã tới độ không kịp ăn chén cơm nguội buổi sáng. Nó thông báo sơ sài, đi qua làm việc với nông trường.
Hạnh ở lại thay Chiến chỉ đạo công tác hậu cần. Nó cho giăng lại mấy tấm bạt làm chỗ thay đồ, lo sắp xếp gạo muối cho các bữa ăn. Cơn buồn ngủ kỳ dị kéo qua từng chập, mắt nó ríu lại giữa những tiếng bùm bụp văng vẳng.
Mấy đứa con gái nằm ngủ vùi trong góc nhà như hoá gỗ. Cả gian lán tràn ngập mùi dầu gió bệnh hoạn. Mấy đứa khác ngồi trước hiên cũng vừa sức dầu vừa ngáp. Có tiếng đứa nào la sau bờ giếng:
- Nước dự trữ còn không, tụi bây? Nước giếng ngoài này đỏ quạch, thấy ghê quá.
Hạnh nhắm mắt lại, tiếng bùm bụp kỳ dị vang lên như hăm doạ. Nó hoảng hốt mở mắt ra, la lên:
- Tụi bây không uống nước giếng sống. Phải nấu sôi lên đã.
Tụi đứng trên bờ giếng rên rỉ:
- Nhưng nước đang đỏ ngầu, ghê lắm. Có nấu cũng vậy thôi.
- Tại đêm qua mưa. Chờ tới trưa thì nước trong lại.
Đứa nào ngán ngẩm hỏi ngang:
- Chừng nào nông trường cho người qua?
Hạnh không trả lời, sợ buột ra một câu thiếu kiềm chế là sẽ oà lên khóc. Hạnh lảng đi tìm Mai, bàn giao tổ nấu cơm. Không đứa nào thấy Mai ở đâu. Tiếng bùm bụp vọng lên từ lòng giếng khi to khi nhỏ. Tới lúc này, Hạnh mới nghĩ, nó giống như tiếng người vùng vẫy dưới nước. Tiếng vùng vẫy cứ yếu ớt dần, đôi lúc nó dừng hẳn. Và những khi đó, sự im lặng lại tạo ra một khoảng trống khủng khiếp trong đầu Hạnh. Trời âm u không chút nắng, không khí trên đồng như loãng ra không phương hướng. Tiếng vùng vẫy chỉ còn như tiếng thở khó nhọc, nó vang lên từ một nơi nào vô định trên cánh đồng tranh. Hạnh lấy dầu gió sức đầy hai màng tang. Hơi ấm làm thần kinh nó dịu đi đôi chút. Nó cố gạt ngang nỗi ám ảnh, cố tin là Mai đi theo Chiến. Nhưng khi nhìn gàu nước đỏ quạch kéo lên từ giếng, nó rú lên, bỏ chạy vô nhà tắm nôn thốc nôn tháo.
Đôi chân Hạnh hoá mềm như bún. Nó lết vô lán, ngồi lì trong góc giữa những đứa bạn ngủ mê mải. Gốc cột có khắc những hàng chữ nguệch ngoạc nằm ngay giữa lán như một lời nguyền tàn độc. Nó lại sức dầu liên tục lên trán. Giờ đây, chuyện Chiến vội vã bỏ đi từ sớm lại làm Hạnh thấy bất an. Sự ngờ vực lớn phổng lên cho tới buổi ăn trưa, cho tới buổi chiều. Chiến vẫn cứ biệt tăm.
Giữa lúc Hạnh bắt đầu tin rằng, Chiến đã bỏ trốn thì bóng Chiến thất thểu xuất hiện sau rặng lồ ô.
Mấy đứa con gái la lên mừng rỡ:
- Tụi bây, con Chiến về kìa. Chừng nào nông trường qua?
- Sáng mai.
Chiến nói gọn lỏn rồi đi luôn vô lán. Mấy đứa con gái nằm trong góc nhà vừa tỉnh ngủ, ngóc đầu dậy lè nhè:
- Chừng nào nông trường qua?
- Sáng mai.
Chiến trả lời cộc lốc. Đôi mắt nó nhìn sững gốc cột nhà bị che lấp bởi đám đồ đạc lổn ngổn. Khuôn mặt nó tái nhợt và già khằn đi như vừa qua cơn sốt rét.
Sau bữa cơm tối, Chiến tới ngồi bên Hạnh. Trăng lên trên đọt lồ ô, đong đưa thảng thốt. Ánh trăng soi vô lán, rung rinh lệch lạc trên lớp vải mùng. Hai bàn tay lạnh toát run rẩy lần tìm nhau. Bàn tay Chiến đen đúa, nổi từng cục chai. Bàn tay Hạnh trắng mịn từng chỉ biết cầm viết và đánh đàn. Tiếng con thú hoang kêu bảng lảng trong rừng. Hạnh ngẩng đầu lên, thảng thốt hỏi:
- Con gì kêu đó?
- Con nai tác.
Hạnh cúi đầu xuống thì thào như khóc:
- Con Mai biến mất rồi, mày biết không?
- Biết.
- Biết lúc nào?
- Lúc sáng sớm, tao dậy kéo nước lên rửa mặt.
Giọng Chiến nhỏ như tiếng rên:
- Mày đừng nhắc tới chuyện đó nữa.
- Nó tự trượt chân té xuống giếng, đúng không?
Chiến không trả lời, nó sững người lại như nghe ngóng.
Tiếng con nai tác tác thất thanh vọng tới. Chiến nhìn lên trời định hướng:
- Đó là hướng Tây biên giới.
- Tao tưởng đây là Bù Gia Mập.
- Tao không biết vùng này có còn thuộc về Bù Gia Mập hay không.
Hạnh kinh hãi co rúm người lại. Chiến cũng không chịu nổi, thở hắt ra một tiếng ngắn. Bầu trời đêm trên đồng tranh đen loang lổ. Hạnh ngồi sát hơn vô Chiến:
- Tại sao hàng chữ nằm ở đó?
Chiến rùng mình, nỗi ám ảnh kéo đến quá gần làm nó nghẹn thở:
- Thì sao?
- Hàng chữ chỉ cao hơn đầu gối chút thôi. Một người đứng viết thì phải cao ngang tầm mắt. Đúng không? Hình như… ai đó phải nằm viết. Có cái gì đó không bình thường. Tụi mình thực sự đang ở đâu?
- Tao không biết.
- Mày biết. Biết rất rõ. Cũng như thầy Tấn, mày biết rõ nhưng muốn trốn tránh trách nhiệm. Lẽ ra thầy nên chở tụi mình về theo.
- Xe họ cũng không ra khỏi đây được.
Bao tử Hạnh quặn thắt. Nó ôm mặt hỏi một câu quờ quạng:
- Xe họ… về tới trường rồi mà… sao mày biết?
Chiến xoa tay lên thái dương, cố xua đuổi hình ảnh hai cái xác không đầu cháy đen biến dạng. Nhưng rồi không chịu nổi, nó lạc giọng nói như đọc kinh xám hối:
- Họ bị cáp duồn. Xác phơi trên mui xe nằm giữa đồng. Tao… có lượm được đầu thầy Tấn trong bụi mua. Tao… để lại bên xác thầy cho thầy siêu thoát… Tao đi loanh quanh một ngày trên đồng nhưng không tìm được đường trở ra.
Cổ họng Hạnh co thắt lại. Những âm thanh lạ lùng chập chờn đuổi theo gió, tràn qua cánh đồng tranh, kéo tới thật gần. Hạnh nắm tay Chiến, nghẹn ngào:
- Mày có nghe tiếng gì không?
- Không.
Chiến đáp vội. Quá vội. Hạnh hiểu là nó nói dối. Ánh trăng in trong mắt nó vàng đặc nỗi sợ. Hạnh rùng mình thả bàn tay lạnh ngắt của Chiến ra. Sương phía sau tràn tới đặc sệt như mưa phùn, sương chậm rãi sờ lên tóc, chậm rãi chui vô cổ áo. Có cái gì đó đang tiến dần tới, thật gần sau lưng. Chỉ cần đủ can đảm quay lại là sẽ bắt gặp nó. Những ánh mắt ham muốn chui ra từ rừng cây bám lấy thân thể Hạnh. Chiến rùng mình hắt xì một tiếng. Hạnh hoảng hốt nhảy nhổm lên, bàn tay đưa lên ôm ngực, nó nói như khóc:
- Tao vô trong lán nằm với tụi nó.
Tiếng kẽo kẹt mơ hồ tan loãng trên đồng tranh, chìm dần trong rừng lồ ô.
Nửa đêm trời đổ mưa. Mưa nặng hạt dần. Mấy đứa con gái phải mò dậy mấy lần, chuyển chỗ ngủ vô sát vách lán. Phía bên tường trống, bụi mưa tạt vô lạnh ngắt. Nếu mưa to thêm nữa chắc là mái nát tả tơi, không còn chỗ nào ngủ được. Hạnh nằm trằn trọc phía bên trong, hoảng loạn dõi theo tiếng mưa ào ạt, tiếng rừng hoang dã. Chiến nằm bên ngoài cũng thao thức không ngủ được. Nó đoán trước những điều tàn khốc sẽ đến trong đêm nhưng nó không còn con đường nào thoát. Nó nghĩ tới những người nữ thanh niên xung phong đã qua đêm trong căn lán này. Nó nghĩ tới hai cái xác không đầu nằm phanh ruột giữa đồng trống. Nó nghĩ tới gàu nước đỏ lòm kéo lên từ giếng và tiếng Mai thều thào, dãy dụa trong cơn đau đớn. Nó nằm co rút trong tấm mền lính, lẩm bẩm niệm Phật.
Mưa tạnh dần, chỉ còn gió lạnh đưa tiếng chim rừng thảng thốt, tiếng kẽo kẹt khi xa khi gần.
Tiếng thét thất thanh nổi lên giữa đêm khuya, như nhát dao xé rách bóng đêm. Một tiếng la. Hai ba tiếng la. Cả lán bật dậy náo động. Hạnh cũng la thất thanh, vừa la vừa run lẩy bẩy mò tìm cây đèn pin. Một cái bóng đen vừa lách qua lớp mùng dưới chân. Chiến cũng la lên:
- Có… có chuyện gì vậy?
- Đứa… đứa nào chui vô mùng tao.
- Nó… nó vừa chạy ngang chân tao.
Cả đám nhốn nháo tung hết mùng mền rúc vô trong một góc lán. Chỉ một mình Hạnh có đèn pin, nhưng cả người nó tê cứng trong nỗi kinh hoàng. Lập cập một hồi nó mới tìm ra cây đèn. Chiến giật cây đèn trong tay nó, lăm lăm rọi vô góc bên kia. Hai con mắt xanh lè trong bóng đêm, ngây dại nhìn về phía ánh đèn.
Cả đám con gái cũng ngây dại nhìn nó. Hạnh chịu hết nổi, bật khóc trước tiên. Mấy đứa khác cũng oà lên khóc.
Chiến run giọng nạt nhỏ:
- Tụi bây im hết đi.
Nó tắt đèn, vác cây củi lò dò đi tới góc nhà.
- Meo meo, đừng sợ, meo meo.
Con mèo lùi dần lại, nó lùi mãi cho đến vùng sáng trăng bên ngạch cửa. Bộ lông ướt bết dính lên tấm thân tiều tuỵ, xác xơ. Trăng bàng bạc soi chiếc bóng u buồn. Nó lặng lẽ nhìn vô gian lán tối, nhìn vô từng dãy giường tập thể, nhìn lên từng khuôn mặt của những con gái. Một nỗi nhớ nhung xa xăm dường như kéo về lung linh trong mắt nó. Gió rừng nổi lên xào xạc hoang thê. Con mèo nhớn nhác nhỏng hai tai nghe ngóng. Rồi như là sợ hãi, nó bất chợt thu mình lại, len lén trườn đi. Cái bóng hoang dã cô đơn mất lút trong bóng trăng như là ảo ảnh. Tiếng kêu “ngao” thê lương đau đớn của gã nhân chứng cuối cùng vừa tắt bên bờ rừng.
Tiếng võng ai đưa kẽo kẹt trong rừng lồ ô.
Tháng 5 - 2012
Lưu Thuỷ Hương