Nguồn :
http://www.diendan.org/the-gioi/khung-hoang-chau-au/
http://www.diendan.org/the-gioi/crise-europeenne/
Khủng hoảng Châu Âu
TỪ 2008 ĐẾN 2011 : TÀI CHÍNH VÀ CHỦ NGHĨA « TỰ DO »
Nguyễn Quang
¶ NGUYÊN TÁC TIẾNG PHÁP : De 2008 à 2011 : Finance et libéralisme
Chủ nghĩa tư bản đang làm sao thế này ? Bao nhiêu kẻ thù, nó đã lần lượt đào sâu chôn chặt hết cả rồi. Sự sống dai, khả năng thích nghi, các cuộc thoát thai của nó để khắc phục các tai nạn, đại họa và chiến tranh hầu như đã làm cho người ta quên hẳn lời tiên đoán cách đây hơn một thế kỉ của Marx : hệ thống tư bản chủ nghĩa sẽ tiêu vong bởi chính những mâu thuẫn nội tại của nó. Vậy mà, từ giữa thập niên 1980 trở đi, thuyết khủng hoảng chu kì hầu như đã được thể hiện như một bức tranh biếm họa, bong bóng phồng to rồi khủng hoảng nổ ra theo nhịp độ tăng tốc : khủng hoảng chứng khoán năm 1987 ở Phố Wall, năm 1994 ở Mexico, năm 1997 ở Châu Á, năm 1998 ở Nga, sự phá sản của quỹ hedge fund LTCM cùng năm 1998, sự bại sản của nước Argentina năm 2001… Rồi cuộc khủng hoảng subprime năm 2008 ở quy mô toàn thế giới (1). Ba năm nay, người ta đã rỉ rả với chúng ta rằng cuộc khủng hoảng « ở sau lưng chúng ta rồi », các chuyên gia chỉ còn tranh luận với nhau xem nó kết thúc theo hình chữ U, hay hình chữ V. Thế rồi xem ra lại là hình chữ W, bởi vì từ mùa hè đến giờ, nó lại được tiếp nối bằng khủng hoảng các « món nợ chủ quyền » đang đe dọa cả nền móng Liên hiệp Châu Âu và các nước thành viên.
« Mặt tối của Sức Mạnh »
Cố vấn truyền thông của các chính quyền và những chuyên gia « lề phải » trên các media chỉ biết ca bài « bó tay chấm còm », chúng tôi xin mời bạn đọc đích thân đi tìm đầu đuôi cuộc khủng hoảng thứ n này của chủ nghĩa tư bản. Theo Từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia, « nợ chủ quyền » là khoản nợ của một tác nhân có chủ quyền, hay do tác nhân đó đứng ra bảo lãnh – tác nhân chủ quyền ấy thường là một Nhà nước, có khi là Ngân hàng Trung ương. Khoản nợ ấy gồm có những tín dụng ngân hàng, hay tiền cho vay của Nhà nước khác hoặc của những cơ quan chính thức, phổ biến nhất là những công trái do Kho bạc Nhà nước phát hành và có thể đem ra thương lượng trên thị trường trái phiếu (mọi người đều nghe nói tới những công trái Mĩ). Lãi suất của mỗi công trái được đấu thầu giữa những người muốn mua. Khi món nợ của một nước trở thành xấu, thì lãi suất tăng lên, phản ánh sự gia tăng « rủi ro tín dụng ». Nhưng khi Nhà nước con nợ đã tích tụ quá nhiều sự thâm thủng ngân sách, thì các chủ nợ có thể từ chối, không cam kết ngắn hạn hay dài hạn nữa, thế là nổ ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản, có thể trở thành khủng hoảng khả năng thanh toán. Mọi người còn nhớ, các thị trường tài chính đã mở đầu cuộc tấn công vào các món nợ chủ quyền của Châu Âu vào mùa xuân năm 2010 bằng cách tấn công vào khoản nợ của Hi Lạp. Họ đã chọn đúng « con ngựa thành Troy » vì Hi Lạp nợ như chúa chổm (120% GDP ở thời điểm đó), lại làm ăn ma giáo, chẳng hạn như ngụy trang sổ sách chi thu, gọi vốn đầu tư « không nằm trong bảng tổng kết tài sản », để đáp ứng các tiêu chuẩn gia nhập vùng Euro về mặt giấy tờ. Sau mấy cuộc họp thượng đỉnh của Nhóm Euro, của nhóm G20, hết kế hoạch cứu nguy này tới kế hoạch cứu nguy khác (tháng năm 2010, tháng năm 2011, tháng bảy 2011, tháng mười 2011), tình hình vẫn tiếp tục xấu đi, trong khi nạn đầu cơ bùng nổ, lây lan sang cả nước Ý (nền kinh tế số 4 của Châu Âu), đe dọa cả nước Pháp (nền kinh tế số 2 của Châu Âu), đến mức cả khu vực Euro có nguy cơ nổ tung. Câu hỏi, hết sức tự nhiên, đặt ra : tại sao sự thể lại như thế ? Tại sao một vấn đề Hi Lạp nhỏ tí (2% GDP Châu Âu, 4% khoản nợ của cả Châu Âu) lại có thể suy biến, trở thành vấn đề sống còn của Liên hiệp Châu Âu, nghĩa là của khu vực thương mại và kinh tế đứng đầu thế giới (với GDP là 16 000 tỉ Euro), hơn Mĩ (14 600 tỉ) và Trung Quốc (5 700 tỉ) ? Chính quyền cũng như báo chí các nước thường nói tới « khủng hoảng (mang tính) hệ thống » như một con ngáo ộp, mà hiệu ứng đô-mi-nô có thể dẫn tới một « Âu họa khổng lồ ». Vì những lí do sắp hiển hiện, các nhà bình luận chính thống rất kiệm lời khi nói tới khả năng « khủng hoảng hệ thống ». Trong ngôn ngữ tài chính, theo từ điển Wikipédia, cụm từ này được định nghĩa là : khả năng xảy ra sự trục trặc có thể làm tê liệt toàn bộ một lãnh vực trên cả một vùng rộng lớn (có thể là toàn bộ thế giới !) do những sự cam kết chồng chéo giữa các tác nhân kinh tế có liên quan, giai đoạn này là giai đoạn đầu, trước khi các cuộc phá sản nổ ra theo dây chuyền, dẫn tới sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống. Trái ngược với rủi ro không hệ thống xuất phát từ một biến cố ngoại tại (dù to lớn, như chiến tranh), rủi ro hệ thống thể hiện sự thay đổi về quy mô, liên quan tới những suy xét tổng thể về các cơ chế của hiện tượng và của môi trường chung quanh. Mọi người còn nhớ hai cuộc khủng hoảng hệ thống năm 1929 và năm 2008. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, vẫn ngân hàng là khu vực bị đe dọa vì đã « lộ hàng » đối với nợ nần của Hi Lạp, với cả các khoản nợ chủ quyền của Bồ Đào Nha, Ý, Hi Lạp và Tây Ban Nha, mà người Anh người Mĩ gọi đùa là « Câu lạc bộ Địa Trung Hải » (nhái tên một công ti du lịch ăn uống thả dàn « Club Med »), hay, ác khẩu hơn, là nhóm PIGS (nghĩa là những con heo, đặt tên bằng cách dùng chữ cái đầu tiên trong tên gọi tiếng Anh của 4 nước ấy : Portugal, Italia, Greece, Spain). Mối họa này nghiêm trọng tới mức nào ? Thật khó tìm ra câu trả lời chính xác trong rừng rậm của những con số, những tên tắt, những quy luật kiểm toán (độ lộ ròng, độ lộ thô…), song ta có thể có một ý niệm về đáp án khi xem xét mức độ « lộ hàng » của những ngân hàng lớn của Pháp (nhất là BNP Paribas, Société Générale và Crédit Agricole), mà Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (tức là Ngân hàng Trung ương của các ngân hàng) đã ước tính vào cuối năm 2010 : 400 tỉ đô la. Trong nhóm 10 ngân hàng bị vướng nhiều nhất – danh sách do EBA, Cơ quan quyền lực Âu châu về Ngân hàng, thiết lập – thì BNP xếp hạng vô địch thế giới ! Nói tóm tắt, toàn bộ các cơ sở tài chính đã chứa đầy các khoản nợ chủ quyền như trước đây họ đã tràn đầy các sản phẩm subprime. Điều mà công chúng hiền lành không thể nào hiểu (và chấp nhận) được làm sao các ngân hàng, năm 2008 suýt bị phá sản, đã có thể « năng nhặt chặt bị » nhanh chóng đến như vậy. Chưa đầy một năm sau, họ đã trả trước hạn các khoản viện trợ công, làm ăn sinh lời và thưởng tiền, thưởng « stock options » cho các giám đốc và nhân viên điều hành như thời kì phát đạt nhất. Không ai lại ngây thơ đến nỗi tin rằng sự hồi phục kì diệu ấy không do đầu cơ (chẳng hạn như đầu cơ về khoản nợ của Hi Lạp) về những khoản tín dụng hào phóng mà các nước và Ngân hàng Trung ương Âu châu cung cấp với lãi suất ưu tiên… Bây giờ, khi các nước khó khăn gặp nguy cơ phá sản, sự đầu cơ đang quật lại những kẻ đầu cơ theo kịch bản « gậy ông đập lưng ông ». Nguy cơ đối với các ngân hàng không chỉ ở con số tuyệt đối các khoản vướng nợ, mà ở tỉ lệ của chúng đối với vốn tự có của mỗi ngân hàng : 60% của BNP, 150% của ngân hàng Pháp-Bỉ Dexia (vừa chết). Trên nguyên tắc, theo các lệ luật thận trọng, ngân hàng phải có đủ vốn tự có để thẩm thấu rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và các rủi ro tác vụ. Chín phần mười các ngân hàng đã « thi đỗ » qua các cuộc trắc nghiệm « stress » dựa trên kịch bản suy thoái kéo dài hai năm ở Châu Âu. Song trong kịch bản ấy, không có sự đổ vỡ của tài chính Hi Lạp – cũng như năm 2007 ở Hoa Kì, các cuộc trắc nghiệm không tính tới sự sụp đổ của các subprime. Nói đến subprime, chúng tôi đã có dịp đặt ra câu hỏi về rủi ro hệ thống (2) : làm thế nào mà cuộc khủng hoảng bất động sản ở Mĩ, « chỉ » liên quan tới 5% GDP của Hoa Kì và Liên hiệp Châu Âu cộng lại, đã có thể truyền nhiễm ra khắp thế giới tài chính, tàn phá hàng chục ngàn tỉ đô la và đe dọa toàn bộ nền kinh tế thế giới ? Câu trả lời : khi có sự can dự của « tài chính bóng tối », thì thang độ rủi ro thay đổi hẳn. Đối với những ai mê bộ phim Star Wars, tài chính bóng tối, hay shadow banking, cũng na ná như « mặt tối của Sức Mạnh ». Cụm từ đã trở thành thông dụng này chỉ chung các hoạt động tài chính không thực sự được coi là hoạt động ngân hàng vì không có sự ký thác, do đó không bị hạn định bởi các lệ luật thận trọng (Thỏa ước Bâle I và Bâle II) liên quan tới vốn tự có. Tác nhân của các hoạt động tài chính bóng tối này là các ngân hành kinh doanh (Lehman Brothers, Bear Sterns, Goldman Sachs…), các quỹ đầu tư (hedge funds), các doanh nghiệp chuyên về « chứng khoán hóa » (titrisation), các công ti « không có bảng tổng kết tài sản » đăng kí ở các « thiên đường thuế má » vân vân – danh sách này chưa kể hết, nhưng cũng đủ để phác họa ra mã DNA của khu vực này. Ranh giới giữa tài chính bóng tối và tài chính « chính thức » không chặt chẽ nghiêm mật bởi vì shadow banking, không có tiền tài kí thác, rút tiền từ luồng trao đổi tay ba : những cơ sở có kho bạc lớn (quỹ hưu bổng, công ti bảo hiểm) ghi mua sản phẩm tài chính của những ngân hàng kinh doanh, còn các ngân hàng này thì cho khách hàng vay hay gạ bán chứng khoán. Mặt khác, rất khó tìm ra tung tích những hoạt động này bởi vì các ngân hàng « phổ quát » (thí dụ ba ngân hàng Pháp vừa kể trên) bao phủ toàn bộ các hoạt động tài chính, dù là những hoạt động theo qui định (ngân hàng lẻ, cho tư nhân hay doanh nghiệp vay tiền) hay không (kinh doanh, đầu cơ về ngoại tệ hay lãi suất, quản lí tài sản…) [Xin lưu ý là đạo luật Glass-Steagall năm 1930 bắt buộc phải tách bạch hai dịch vụ ngân hàng là ký thác và đầu tư. Theo đúng luật, có thể cấm chỉ sự lẫn lộn nói trên. Song chính quyền Clinton đã hủy bỏ đạo luật này trong những năm 1990]. Nếu tính bằng khối lượng các thương vụ và tổng giá trị (năm 2007, Hội đồng Ổn định Tài chính ước lượng là 60 000 tỉ USD, tương đương với GDP toàn thế giới), thì hiện nay tài chính bóng tối ít nhất cũng ngang sức với tài chính chính thức. Thế mà nó lại chứa đựng những vi-rut hệ thống hiểm nghèo. Vi-rút ấy đã hoành hành trong vụ subprime và chắc sẽ hoành hành trong vụ nợ công.
Vi-rút của các vị « quant » thiên tài Bây giờ chúng tôi buộc phải đưa bạn đọc đi săn lùng (một lúc thôi) những con vi-rút mà các thiên tài tài chính (giới tài chính gọi họ là « quant », từ chữ « quantitatif » nghĩa là định lượng) đã tạo ra trong ống nghiệm. Có thể nói là « công nghệ tài chính » đã ra đời vào đầu thập niên 1980 với các sản phẩm dẫn xuất. Khởi đầu, đó chỉ là những hợp đồng hai bên nhằm bảo hiểm phòng ngừa các loại rủi ro (giá cả nguyên liệu lên xuống, thời tiết đổi thay, hối suất biến thiên, chi trả thiếu hụt…) về những tài sản gọi là « ngầm » cũng khá đa dạng (thí dụ một khối lượng nguyên liệu, việc thực hiện một biến cố dự trù trong hợp đồng vân vân ; thí dụ kém « cổ điển » : một hối suất, một lãi suất, một công trái, một cổ phần, một chỉ số chứng khoán…). Với tốc độ tăng trưởng hai con số, các sản phẩm dẫn xuất ngày nay đã chiếm phần chủ yếu trong hoạt động của các thị trường tài chính. Thành công của các sản phẩm này tất nhiên là do sự đa dạng của các sản phẩm ngầm (phản ánh óc tưởng tượng gần như vô bờ bến của người sáng tạo), song nhìn từ góc độ của chúng tôi, có lẽ còn có một nguyên nhân nữa : các sản phẩm ngầm ấy có thể là ảo, nghĩa là ở thời điểm giao dịch, chúng chưa tồn tại. Điều này cho thấy tại sao nó có thể dẫn tới sai lệch như thế nào do đầu cơ (bỏ vốn tối thiểu, hiệu ứng đòn bẩy, đánh cuộc về thông lượng…). Đáng chú ý là loại vi-rút đổi gien mang tên là CDS : credit default swap, sáng tạo của những thiên tài phù thủy tập sự thuộc ngân hàng J.P. Morgan Chase. CDS là một sản phẩm dẫn xuất chứa đựng một tín dụng ; đại để đó là một bảo hiểm đối với rủi ro tín dụng của một người phát hành trái phiếu, nói khác đi, đó là một sự chuyển giao rủi ro. Trong sơ đồ cổ điển của hoạt động ngân hàng, thì ngân hàng là người phân tích các rủi ro của mỗi tín dụng và nếu đem cho vay, thì chính ngân hàng phải đảm nhận rủi ro ; nếu ngân hàng sai lầm trong việc quản lí rủi ro thì phải lấy vốn của mình ra bù lỗ. Với CDS, người ta chứng kiến một sự « thay đổi hệ hình » (paradigm shift) : người cho vay không phải hứng chịu toàn bộ các rủi ro, không còn phải tăng cường vốn bảo đảm, nghĩa là trên thực tế, ngân hàng trở thành một người môi giới về tín dụng, nằm ngoài vòng cương tỏa của lệ luật. Thế là rủi ro tín dụng của các ngân hàng đầu tư (đứng đầu là Lehman Brothers) đã ồ ạt được chuyển giao cho các cơ sở tài chính khác như ngân hàng thương mại, quỹ hưu bổng và các công ti bảo hiểm. Thị trường CDS từ 6 400 tỉ USD năm 2004, đến năm 2007 đã lên tới 58 000 tỉ USD. Nhưng cái bong bóng khổng lồ này chứa đựng hai con vi-rút : § Vi-rút đầu tiên, gắn chặt với thị trường Hoa Kì, là những subprime (sub : ở dưới ; prime : hàng đầu), tức là những tín dụng thế chấp nhà đất hết sức ma mãnh mà người ta đã chủ tâm bán cho những người đi vay không còn khả năng chi trả (CDS chủ yếu dựa vào số người này). Cũng cần nói thêm : phần ngầm của mỗi CDS không phải chỉ có một tín dụng mà cả một lô tín dụng được cắt thành từng « lát » ABS (asset-backed security) và lắp ráp lại thành một « cỗ xe đặc biệt » (SPV, special purpose vehicle), ở đây là một công cụ nợ được đặt tên là CDO (collaterized debt obligation). Mưu chước này được gọi là « chứng khoán hóa » (titrisation). Xào xáo như vậy xong rồi, các ngân hàng kinh doanh gạ bán CDO cho khách hàng. Một công đôi việc : tống khứ đi được những tài sản độc hại và kiếm được người ghi mua CDS (những sản phẩm dẫn xuất). Dàn dựng kết hợp tinh vi đến đâu chăng nữa, một khi các CDS này dựa trên nền tảng mục nát là các subprime, thì rốt cuộc chúng cũng chỉ là những « kim tự tháp Ponzi » ngụy trang (3). Sở dĩ sự sụp đổ này đã làm lay động toàn bộ hệ thống chính là vì các CDO và CDS đã phát tán độc tố -- Wall Street Journal gọi đó là sự « nhân bản độc tố », mà cho đến hôm nay, người ta chưa lường hết được các di căn. § Vi-rút thứ nhì gắn liền với tính ảo (đã nói trên) của sản phẩm ngầm chứa trong một sản phẩm dẫn xuất. Khái niệm CDS đã đưa tới cùng cái lô-gic của tính ảo, bởi vì trong hợp đồng kiểu này, người mua bảo hiểm không nhất thiết phải sở hữu cái sản phẩm mà mình muốn bảo hiểm. Bình thường, không ai có thể đăng kí bảo hiểm xe hơi cho cái xe hơi của hàng xóm. Nhưng với CDS thì được : người kí hợp đồng CDS không có trong tay cái công cụ nợ mà mình mua bảo hiểm rủi ro. Với CDS, ranh giới giữa bảo hiểm và đánh cuộc đã bị xóa mờ. Cơ chế này đã được mô tả tỉ mỉ trong cuốn sách bán chạy của Michael Lewis, The Big Short ([L]), đây có lẽ là cuốn sách phổ thông hay nhất về cuộc khủng hoảng subprime, đọc dễ như một cuốn tiểu thuyết. Tác giả cho thấy cách làm của một nhúm người đầu cơ (đây là người thật việc thật) : tìm ra kẽ hở của hệ thống, họ đã thấy trước xu hướng mất giá, nên đã « đi tắt đón đầu » thị trường bằng cách mua cơ man nào là CDS. Đến khi thị trường đổ sụp, thì họ được hưởng tiền bảo hiểm, lợi nhuận chất cao hơn núi. Song không phải là nhúm người đầu cơ này đã đẩy nhanh sự sụp đổ. Thủ phạm chính là các ngân hàng : bán tống bán khứ CDS cho khách hàng xong rồi, chính các ngân hàng cũng đã tham gia « đi tắt đón đầu » thị trường CDS ! Chúng tôi trở lại tình tiết cuộc khủng hoảng subprime như vậy để thấy rõ cơ chế của quá trình dẫn tới khủng hoảng, vì không nghi ngờ gì nữa, cơ chế ấy đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay : thấy một Nhà nước lâm vào tình thế khó khăn, kẻ đầu cơ ký mua CDS ở vị trí « trần trụi » về nợ nần ; số cầu về hợp đồng càng tăng lên thì « thị trường » càng cho rằng nợ chồng chất thêm, thế là « điểm chủ quyền » của con nợ bị giảm đi, lãi suất trả nợ và giá các hợp đồng tăng theo mức độ rủi ro ; lúc đó, kẻ đầu tư có thể đem bán CDS lấy lời, hoặc mua thêm CDS để đẩy Nhà nước vào tình thế không còn khả năng chi trả để họ đòi được tiền « bảo hiểm », với một hệ số nhân có nhiều số không. Tình trạng Hi Lạp đang quay cuồng trong vòng xoáy chỉ có thể cắt nghĩa như thế. Và nếu Hi Lạp không còn trả được nợ, thì cả khu vực Euro sẽ bị kéo vào vòng xoáy. Một mình rủi ro hệ thống không đủ để cắt nghĩa tình hình Hi Lạp. Sự vướng víu của các ngân hàng vào các món nợ chủ quyền (như đã nói tới ở trên) thực ra không thấm vào đâu so với những dính dấp « ngoài bảng » : công trình nghiên cứu của IMF (Quỹ tiền tệ thế giới) tháng 11 năm 2011 ước tính tổng số các hợp đồng CDS được ghi mua về các món nợ này lên tới 37 000 tỉ USD, tức là hơn gấp đôi GDP của Âu Châu ! Tất nhiên đó là số lượng lưu thông, bán đi mua lại nhiều lần trong hoạt động tài chính, nhưng nếu khủng hoảng xảy ra, các tài khoản ấy phải được « thực hiện » thì ôi thôi… Chính cái thang độ « thiên văn » khổng lồ ấy đã cho phép « thị trường » lên mặt với các Nhà nước. Bằng chứng là trong bản thông cáo của hội nghị tối cao G20 tháng 11.2011, có một câu cho thấy các nhà lãnh đạo G20 đã phải thương lượng đôi co rất dữ các ngân hàng mới chịu nhận trừ đi 50% các khoản nợ của Hi Lạp. Tại sao phải thương lượng mà không làm một việc giản dị là tái cấu trúc nợ nần của Hi Lạp (nghĩa là các chủ ngân hàng sẽ mất cả chỉ lẫn chài) ? Đơn giản chỉ vì việc tái cấu trúc sẽ bị các thị trường tài chính coi là « sự cố tín dụng » có thể dẫn tới việc bồi thường các hợp đồng bảo hiểm : đó sẽ là một cuộc khủng hoảng tương tợ như khủng hoảng subprime.
« CC Quốc » Như ta thấy, hỏa lực của các thị trường tài chính đáng gờm tới mức người ta ngại xảy ra hiệu ứng đô-mi-nô sẽ xô ngã lần lượt các nước Âu Châu. Mùa thu 2011 các nước PIIGS (thêm một chữ I nữa là Ireland) đều nằm trong tầm ngắm của giới đầu cơ, và có lẽ cả nước Pháp nữa, vì mặc dầu vẫn được cho điểm chính thức là AAA (chúng tôi sẽ trở lại câu chuyện này), Pháp đã tụt hậu so với nhóm các nước phía bắc Châu Âu, nhất là Đức. Chỉ xem sự khác biệt giữa lãi suất dành cho mỗi nước cũng đủ hình dung ra những lực li tâm đang tác động vào khu vực Euro : Đức 1,3%, Pháp 3,04% (cách nhau gần 2 điểm bách phân, điều này chưa từng có), Hi Lạp 45,85% (nguồn : GECODIA). Lãi suất dành cho Hi Lạp thực là quá quắt khi ta biết ý nghĩa của « luật lũy thừa » (xem ở dưới). Mặt khác, giá hàng năm của một hợp đồng CDS năm năm cho 10 000 € công trái Hi Lạp bây giờ đã vượt quá mức 2 000 €, điều đó cho phép ta kết luận rằng « thị trường » đã đánh cuộc là Hi Lạp sẽ không có khả năng chi trả. Ngay nước Đức « đạo đức đầy mình » cũng đang khó ở : tung ra công trái năm năm là 6 tỉ €, mà mới bán được có 3 tỉ €. Cứ như thế này, thì chẳng mấy lúc, các bác sĩ cũng sẽ nhập viện cùng với bệnh nhân trong nhà thương tài chính. Phải nói là nạn đầu cơ đã tấn công vào những nước chưa phục hồi được nền tài chính sau cuộc lấy máu năm 2008, quá trình tái tài trợ các ngân hàng và những kế hoạch khác đã làm nổ tung các giới hạn đặt ra trong « cam kết ổn định » của Châu Âu : trong khi các « tiêu chuẩn hội tụ » của hiệp ước Maastricht quy định nợ công của mỗi nước không được vượt quá mức 60% của GDP toàn quốc (và thâm thủng ngân sách không được quá 3% GDP), thì năm 2011, ngay những nước giàu nhất cũng đã thủng trần : Đức 81,7%, Pháp 85,4% (còn các nước khác : Hi Lạp 162,8%, Ý 120,5%, Ireland 108,1%, Bỉ 97,2%, Vương quốc Anh 84% vân vân ; nguồn : Ủy ban Âu Châu). Một bản ghi chép của IMF còn tiên liệu đến năm 2014, các nước Châu Âu sẽ vượt quá mức như kiểu nước Ý, khoảng 120%. Tưởng cũng nên nhắc lại, ngay từ năm 2004, người ta không còn tôn trọng các tiêu chuẩn Maastricht rồi. Không nên để cho cái cây khủng hoảng che khuất cả khu rừng nợ : thâm thủng ngân sách đã trở thành căn bệnh kinh niên của các nước phát triển. Bây giờ, xin độc giả kiên nhẫn cùng chúng tôi chuyển sang lục địa khác, bởi vì người bệnh – zero của căn bệnh trầm kha này, người bệnh nhiễm trùng đầu tiên, như mọi người đều biết, là nước Mĩ. Ngày 15.11 vừa qua, nợ công của Hoa Kì đã vượt con số tượng trưng 15 000 tỉ USD, nghĩa là 99% GDP nước Mĩ. Cũng tượng trưng không kém là việc, một tuần sau đó, chính thức giải tán cái « siêu ủy ban » lưỡng đảng của Quốc hội mà nhiệm vụ là soạn thảo kế hoạch tiết kiệm ngân sách 1 200 tỉ USD trong thời gian 10 năm – giải tán mà không đi tới thoả thuận nào. Làm thế nào, chỉ trong vài thập niên, đất nước của « giấc mơ Mĩ » lại trở thành một « credit card nation » (một quốc gia sống bằng thẻ tín dụng) ? Bây giờ có khoảng lùi thời gian, người ta có thể định rõ thời điểm ngã ba đường : những năm Reagan. Ông tổng thống thuộc Đảng cộng hòa đã được trúng cử để đưa đất nước ra khỏi một thập niên 70 mà người Mĩ cảm nhận như đó là một thời kì thoái trào (đồng đô la mất giá, lạm phát, thất nghiệp, vụ bê bối Watergate, đại bại ở Việt Nam, bị làm nhục ở Iran…). Reagan đã đạt được mục tiêu, nhưng với cái giá phải trả là một đường lối chính trị « tân tự do » hung hãn dựa vào các công ti đa quốc gia, dựa vào sự chuyển dịch các nhà máy sản xuất, tiêu thụ đại chúng được kích thích bằng nhập khẩu… và tín dụng. Các phương tiện tiếp thị, các media và giới tài chính suốt ngày ra rả ba tín điều « tiền mặt – nợ – hiệu ứng đòn bẩy », được Alan Greenspan – do Reagan bổ nhiệm trong nhiệm kì thứ nhì làm chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang, rồi được Bill Clinton tái nhiệm – thể hiện bằng chính sách cheap money (tiền rẻ). Paul Jorion đã phân tích một cách tinh tế cái triết lí tín dụng được coi là động lực, không những của sự tiêu thụ, mà của toàn bộ hoạt động kinh tế. « Anh ta chỉ kiếm được hàng năm 3 000 USD… nhưng anh ta đáng giá 112 290 USD », đó là một câu trích từ tờ rơi quảng cáo (từ những năm 1930 !), so sánh thu nhập hiện thời của Jim Jones với thu nhập tương lai cộng lại tính theo nguyên tắc cập nhật thời giá. Tờ quảng cáo viết tiếp : « Nếu ngay từ bây giờ Jim có thể sử dụng một phần số tiến đó thì hay quá chứ nhỉ ! ». Có lẽ những câu kệ kiểu đó đã được số đông nhập tâm. Những nghiên cứu tiến hành ở Mĩ cho thấy một hiện tượng rất đáng ngạc nhiên : trong khi mà sự bất bình đẳng giữa thu nhập trong xã hội ngày càng tăng lên (xem ở dưới), thì cho đến cuộc khủng hoảng năm 2008, số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng trong tiêu thụ không hề tăng lên một cách đáng kể. Của cải ảo, xây dựng trên tính toán cập nhật theo thời giá, đó chính là cơ chế cốt yếu của các subprime. Jorion nhấn mạnh, từ những năm 1980, thái độ ấy đã lan tràn sang các doanh nghiệp, « với não trạng đặc trưng là vơ vét ngân quỹ của chính mình một cách thường trực : người ta chia cho các cổ đông những lợi tức hiện có đã đành, mà cả những lợi tức vị lai » ([J], tr.64-66). Thí dụ nổi bật là vụ bê bối Enron, một doanh nghiệp Mĩ làm môi giới về năng lượng : Enron đã « phát trước » khoảng một trăm triệu đô la cho ban lãnh đạo, coi đó là lợi tức sẽ thu được trong việc xây dựng một nhà máy điện Ấn Độ, một nhà máy sẽ không bao giờ được xây dựng cả ! Với sự toàn thắng của chủ nghĩa « tân tự do » thập niên 90 trong nền kinh tế các nước phương Tây, credit card nation (quốc gia sống bằng thẻ tín dụng) đã trở thành mô hình phổ biến. Dựa vào cuộc toàn cầu hóa được quảng bá như nguồn hạnh phúc, nó cam đoan sẽ biến mọi người chúng ta thành những người tiêu thụ « ai ai cũng thắng ». Trong tác phẩm về bong bóng kinh tế Mĩ, J.-M. Quatrepoint đã tóm tắt như sau về cái cơ chế tương ứng với tất cả các nước đã tin tưởng vào canh bạc tiêu thụ chủ nghĩa : « Các công ti đa quốc gia di chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc và nhập từ Trung Quốc (sang các nước Tây phương) những sản phẩm giá rẻ ; sản phẩm miễn thuế của họ nuôi dưỡng giới tài chính, và nhờ tác động đòn bẩy, nhờ sản phẩm dẫn xuất, giới tài chính có thể « chơi » hàng nghìn tỉ đô la trong dòng lưu thông giao dịch. Sự giảm sức mua thực tế (của người dân ở phương Tây) được bù bằng khối lượng tín dụng (…). Khối nợ chung (của các nước phương Tây), nợ tư cũng như nợ công, cứ thế mà phình lên. Nhưng nó được bù trừ bằng khối lượng tiền xuất siêu mà Trung Quốc và các nước sản xuất dầu khí chuyển hoán (thành công trái). Thế là cái vòng tròn được khép kín » ([Q], tr.37). Sự tăng trưởng kinh tế có thể nào giúp ta thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn oan nghiệt đó chăng ? Tăng trưởng cố nhiên là món thần dược của kinh tế chính trị học, bởi vì sự toàn dụng (hầu hết mọi người có công ăn việc làm) xoa dịu các cuộc đấu tranh xã hội và công quỹ dư dả để bảo đảm sự vận hành trơn tru của Nhà nước phúc lợi. Các nước Âu Châu đã trải qua giai đoạn đó, trong « ba mươi năm vinh quang » (đại để từ sau Thế chiến lần thứ hai cho đến cuộc khủng hoảng năng lượng đầu thập niên 70), với tốc độ tăng trưởng 5% hàng năm để bắt kịp Hoa Kì. Chẳng may, tiếp theo « ba mươi năm vinh quang » là « ba mươi năm tồi tệ », tăng trưởng thì ỉu xìu, thất nghiệp trở thành cấu trúc, tình thần xuống dốc trước thành tựu của các nước « đang trỗi dậy », nhất là Trung Quốc. Theo chúng tôi, sùng bái tăng trưởng có một cái gì ngây thơ rất đáng ngạc nhiên : - một mặt, tốc độ tăng trưởng mạnh trong ba mươi năm quang vinh ứng với giai đoạn bắt kịp (Mĩ), cũng như ngày nay các nước « trồi lên » đang bắt kịp các nước phát triển. Hiển nhiên là dễ tăng trưởng với nhịp độ nhanh khi người ta xuất phát từ một khởi điểm thấp, với những nhu cầu đầu tư vật chất và nhân lực để bảo đảm hoạt động ; thêm một thuận lợi nữa khi người ta bắt đầu « từ đằng xa », cứ nhắm người chạy trước mà đi tới, lại có thể « cóp » hay thích nghi tri thức kĩ thuật và tổ chức. Nhưng tới một trình độ phát triển nào đó, vấn đề là phải sáng tạo ra những sơ đồ và phương thức phát triển mới (thích hợp hay không là chuyện khác nữa). Hoa Kì trong thập niên 70 và Nhật Bản những năm 90 đã phải học bài học chua cay này. Đương nhiên là ngắn hạn hay trung hạn, sẽ tới phiên Trung Quốc. - mặt khác, tiên đề tăng trưởng mạnh và kéo dài vô hạn định là một điều không tưởng. Theo định nghĩ của tốc độ tăng trưởng, một sự vật trong quá trình tăng trưởng (một món nợ hay tổng sản lượng GDP) không đi theo quy luật « tuyến tính » (có thể dùng quy tắc tam suất để tính toán tương lai) mà theo quy luật « lũy thừa ». Mà khi xét dài hạn, thì « lũy thừa » với « tuyến tính » cũng giống như xe đưa F1 so với chiếc xe 2CV ! Muốn hình dung ra độ tăng lũy thừa, chỉ cần nhắc lại câu chuyện cái bàn cờ : tương truyền là nhà vua muốn thưởng cho người đã phát minh ra cái bàn cờ, hỏi ông ta muốn thưởng ra sao, ông ta chỉ xin một hạt gạo trong ô thứ nhất, hai trong ô thứ nhì, bốn trong ô thứ ba, tám trong ô thứ tư… Nhà vua ngán ngẩm « người chỉ xin thế thôi ? ». Nào ngờ, đến ô thứ 64 của bàn cờ, thì tất cả mùa màng của vương quốc cũng không đủ. Lấy một thí dụ khác, là Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng 10% hàng năm của Trung Quốc đang làm cho các chính khách thèm rỏ dãi, chúng ta hãy làm một con toán nhỏ : với tốc độ ấy, 7 năm nữa, GDP của Trung Quốc sẽ nhân gấp đôi, 21 năm nữa, GDP của Trung Quốc sẽ lớn gần gấp ba GDP hiện nay của Liên hiệp Âu châu (nếu chỉ tăng « tuyến tính », thì phải mất 70 năm). Đẩy xa thêm chút nữa để thấy cái vô lý của tiên đề tăng trưởng mạnh vô kì hạn : với tốc độ 10%, thì đến năm 2109 (98 năm nữa), GDP của Trung Quốc sẽ lớn gấp 11 389 lần thu nhập hiện nay (còn theo « tuyến tính » thì phải 163 830 năm), nghĩa là tất cả tài nguyên của trái đất cũng không đủ để cung ứng cho nền sản xuất của trung Quốc ! Bây giờ câu hỏi nêu ở trên kia, có thể trả lời : vô nghĩa. Bộ ba « tiền mặt – nợ – tác động đòn bẩy » được đặt ra chẳng qua là để kiếm đường đi tìm Thiên Đường Đánh Mất của sự tăng trưởng. Điều mỉa mai là một trong những người « đi tắt đón đầu » nói ở trên, mà M. Lewis đã có dịp phỏng vấn (xem cuốn sách đã dẫn), đã đề nghị đặt tên cho quỹ đầu tư của mình là « Tác phẩm Milton » (4) khiến cho bao nhiêu khách hàng phải ngẩn mặt ngơ ngác.
Chủ nghĩa tân tự do và « thị trường »
Ở một phần dưới, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề trách nhiệm của các quốc gia cũng như của các công dân đã ghiền tăng trưởng như một thứ ma túy, song tất cả những điều vừa trình bày trên đây về cuộc khủng hoảng đều dẫn tới một kết luận lô-gic : phải xét lại hệ tư tưởng « tân tự do » đã chi phối thế giới từ ngày « chủ nghĩa xã hội hiện tồn » sụp đổ. Cái « doxa » (mớ thành kiến) đó là gì ? Suốt ba chục năm qua, các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều dựa trên một cái kiềng ba chân « chủ nghĩa tư bản – kinh tế thị trường – chủ nghĩa liberal (tự do) » khiến cho, vô hình trung, chúng ta đã xếp ba khái niệm ấy vào một phạm trù duy nhất. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, một vài lí thuyết gia của « sự cáo chung của Lịch sử » đã tưởng có thể đưa cả khái niệm dân chủ vào đó. Song : « Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống tái phân phối thặng dư kinh tế (nghĩa là những của cái mới tạo ra) giữa ba nhóm tác nhân chính là : những người làm công (được trả lương), những người lãnh đạo doanh nghiệp (doanh nhân hay nhà công nghiệp) thì nhận được lợi nhuận, các nhà đầu tư hay cổ đông, là người bỏ vốn thì nhận được lãi suất hay cổ tức (5). Kinh tế thị trường là hệ thống phân phối hàng hóa từ người sản xuất đến tay người tiêu thụ, trung gian là người thương gia lấy phần lời (các thương gia là nhóm tác nhân thứ tư). Chủ nghĩa liberal (tự do) là nền chính trị nhằm tối ưu hóa tương quan giữa các quyền tự do cá nhân và sự can thiệp của Nhà nước vào chuyện con người nhằm bảo vệ quyền tự do ấy » ([J], tr.28). Định nghĩa này, phải nói là khá « trung dung », cũng cần phải được nói thêm cho rõ vì, ít nhất từ Thế kỉ Ánh sáng tới nay, « chủ nghĩa tự do » đã mang nhiều ý nghĩa, đôi khi trái ngược nhau. Để tránh đi vào một cuộc tranh luận chẻ tóc làm tư (mà người Pháp gọi là cãi nhau về giới tính của các thiên thần), ở đây chúng tôi dùng cụm từ « chủ nghĩa tự do » trong ý nghĩa thông dụng (ngoại trừ các nước Anh Mĩ) : một triết thuyết chính trị, nhân danh một số quyền tự do như trách nhiệm và quyền sở hữu, muốn giảm thiểu quyền hành của Nhà nước, thậm chí tới mức Nhà nước chỉ đóng vai trò « người gác đêm » ; một tư tưởng kinh tế, vẫn nhân danh các nguyên tắc vừa kể trên, cấm chỉ mọi sự can thiệp của Nhà nước có khả năng làm rối loạn « sự quân bình chung của thị trường », để mặc cho « bàn tay vô hình » chi phối sự vận hành của thị trường.
Trở lại câu chuyện của chúng ta. Chủ nghĩa tự do cho rằng những yêu sách của mình là « thuận lẽ tự nhiên », nhưng không hề nêu ra những tiêu chuẩn để xác định « điểm tối ưu » giữa các quyền tự do cá nhân và hoạt động của Nhà nước. Như P. Jorion nhận xét, trên thực tế, chủ nghĩa tự do tiên thiên loại trừ giả định này : sự can thiệp của Nhà nước đã đạt mức tối ưu, thậm chí, Nhà nước chưa can thiệp tới mức tối ưu. Cho nên nó luôn luôn đòi Nhà nước phải bớt can thiệp, thậm chí nếu cần, Nhà nước phải tiêu vong (như trong đòi hỏi của chủ nghĩa tự do cực đoan, hay của chủ nghĩa tư bản vô chính phủ). Trục xuất Nhà nước ra khỏi thị trường, đó chính là sứ mạng mà chủ nghĩa « tân tự do » thời kì Thatcher-Reagan tự trao cho mình thực hiện, khi nó lên thay đường lối chính trị theo học thuyết Keynes đã thất bại. Từ đó đến nay, các nguyên tắc của nó (ẩn ngôn trong « đồng thuận Washington », xem khung đính kèm) đã hướng dẫn « tư duy duy nhất » về sự cai quản kinh tế thế giới. Như Thiết Bà Thatcher thường nói : TINA. Đây không phải là tên một người phụ nữ giữ hầu bao của thủ tướng Anh, là chữ cái đầu của bốn chữ There is no alternative (Không có cách chọn lựa nào khác). Chủ nghĩa tân tự do đã đẩy tới cùng cái tiên đề « bàn tay vô hình không thể nào nhầm lẫn » : « thị trường » biết tự điều chỉnh, có thất nghiệp là « chuyện tự nhiên », Nhà nước phúc lợi (Nhà nước ban phát) chính là thủ phạm gây ra lạm phát và làm cho các doanh nghiệp mất đi khả năng cạnh tranh… Không có tham vọng trình bày một cách hệ thống, dưới đây chúng tôi sẽ xét từng điểm : Đọc bài này, bạn đọc tinh ý có thể thấy ngay từ đầu, chúng tôi đã phân biệt thị trường (không để trong ngoặc kép), là nơi chốn hay thiết chế diễn ra các giao dịch tài chính, và « thị trường », cái thực thế mờ ảo nhưng lại hết sứ thần tình mà học thuyết « tự do kinh tế » luôn luôn ca ngợi « khả năng tiên liệu thuần lí ». Điều oái oăm, chính Robert Skidelsky (nhà tiểu sử của Keynes) lại là người đưa ra cách lí giải xã hội học thích đáng về niềm tin « tự do chủ nghĩa » vào sự thuần lí của « thị trường » : « Lịch sử của những sự « tiên liệu thuần lí » gắn liền với tính chất dân chủ của giấc mơ Mĩ. Là đại biểu cho sự phán quyết của hàng triệu cá nhân đeo đuổi mục đích vị kỉ của mình, thị trường đạt tới một sự hiểu biết bao quát hơn, chất lượng cao hơn sự hiểu biết của các chính phủ (…). Những người tin tưởng vào « sự tiên liệu thuần lí » ưa nhấn mạnh tính chất dân chủ của tiên đề « tính thuần lí ». Nó dựa trên quy luật của những đại lượng lớn, theo đó nhóm người càng đông thì sự lựa chọn « trung bình » càng tối ưu. Chính quyền không có cách nào khôn ngoan hơn là đám đông trong toàn khối của nó ». Sự thần tình mà người ta gán cho « thị trường » giả định là « thị trường » biết thế nào là « chân lí giá cả », tức là nền tảng của mọi sự trao đổi, nhưng trên thực tế, nào có ai biết số phôn của « thị trường » để biết « chân lí » ra sao ? » Có người trả lời bằng những câu nói quanh « A là A », như L. Blankfein, người đứng đầu Goldman Sachs, khi ông ta bị SEC (cơ quan « sen đầm » của thị trường chứng khoán Mĩ) hạch tội gian lận. Được hỏi về vai trò của người trách nhiệm ngân hàng, Blankfein nói chức năng của nhà ngân hàng chỉ là « làm thị trường » (market maker), nghĩa là môi giới thương mại giữa người mua và người bán. Cứ theo lời ông ta thì người môi giới không liên can gì tới chất lượng sản phẩm trao đổi giữa người bán và người mua, vả lại người mua cũng không phải lo lắng gì về chất lượng sản phẩm, bởi vì cái giá mà thị trường quy định là sự đánh giá chính xác rồi. Xét cho cùng, cái mà người mua « tinh tường » bỏ tiền ra mua, chính là cái rủi ro, và trên nguyên tắc, « thị trường » đã sắp đặt để lãi suất gắn liền với sản phẩm phản ánh trung thực mức độ rủi ro. Nói cách khác, người mua và người bán có thể không biết sự thực về giá cả ở thời điểm mà họ thỏa thuận việc mua bán, nhưng sau đó, họ sẽ biết, và lúc đó sẽ biết mình lời hay lỗ. Cùng lắm, Blankfein chỉ chịu thừa nhận là muốn đánh giá đúng các rủi ro, thì thị trường nhất thiết phải minh bạch, phải trong suốt (phái tân tự do bây giờ ưa dùng hai chữ này, thay vì nói tới lệ luật). Minh bạch chính là vấn đề nhiều người nêu ra. Vì không có đầy đủ thông tin, và để tránh tình trạng người có kẻ không (tội được « tay trong » cung cấp thông tin), thị trường đã bày ra việc « chấm điểm », trao cho những công ti mà nghiệp vụ là đánh giá rủi ro, khả năng thất bại bằng những phương pháp khoa học – những công cụ « toán học tài chính » (6) – rồi công bố bảng xếp hạng bằng ba chữ cái đang nóng hổi tính thời sự. Chẳng hạn, một công trái được xếp hạng AAA có nghĩa là xác suất trục trặc trong năm đầu không quá 1 / 10 000, BBB là 1 / 500… Ba công ti chấm điểm, theo thứ tự lớn bé, là Moody’s, Standard & Poor (S&P) và Fitch, cả ba đều đóng đô ở New York, gần như độc quyền làm việc này ; mặc dù họ không hề có một quy chế chính thức nào, các bảng xếp hạng của họ (ratings) vẫn được coi là những lời sấm truyền linh thiêng : người ta trông vào đó để vạch ra giới hạn cho việc mua công trái của các quỹ hưu bổng, của các công ti bảo hiểm, để tính tỉ lệ vốn tự có của ngân hàng, để quy định việc gọi vốn của ngân hàng… và để tăng hay giảm lãi suất các trái phiếu Nhà nước. Mọi người chắc đã được nghe câu nói đùa : « Chỉ có hai lực lượng có khả năng phá hủy nền kinh tế của một nước : không lực Hoa Kì dùng thảm bom để phá sập… và Moody’s bằng cách hạ thấp điểm ». Tuy « ba mụ phù thủy », xin nhắc lại lần nữa, không có một vai vế chính thức nào cả, nhưng tất cả các đại cường kinh tế trên thế giới, từ Hoa Kì cho đến Liên hiệp Châu Âu, qua các nước đang trỗi dậy, đều thừa nhận uy quyền và run rẩy quy phục phán quyết của họ. Họ đã hạ điểm của Hoa Kì và của một nửa số quốc gia trong khu vực Euro, nửa còn lại được « theo dõi chặt chẽ »… nhưng chính họ đã lầm lẫn nhiều lần, từ vụ bê bối các quỹ tiết kiệm Mĩ, cho tới sự phá sản của tập đoàn Parmalat, và cuối cùng là vụ subprime. Thử hỏi ai đã phong họ làm hoàng hậu (hay phù thủy), nếu không phải là chính các quốc gia đã từ bỏ quyền điều chỉnh và đặt ra các quy định lệ luật và khuất phục « thị trường » ? Rất có ý nghĩa là ý kiến của những người trong cuộc trên thị trường, mà M. Lewis đã ghi lại trong cuốn The Big Short : đối với những người phụ trách giao dịch ở thị trường chứng khoán cũng như đối với các nhà quản lý hedge funds, « tay nào không kiếm ra việc ở Phố Wall thì mới xin vào làm ở Moody’s ». Riêng những nhân viên được trao trách nhiệm đánh giá các trái phiếu subprime thì được xếp hạng từ « trên tồi một chút » đến « cực kỳ xuẩn độn » (tr. 134). « Các phòng thị trường trái phiếu ở Phố Wall, đầy những người thu nhập hàng năm 7 cột số đô la, bèn chọn lựa bọn ngu xuẩn ấy (thu nhập hàng năm chỉ vọn vẹn 5 cột số) vào làm công việc này để chúng xếp những tín dụng ghê tởm nhất vào hạng khá nhất (…). Chẳng mấy lúc, họ phát hiện ra rằng đám người của Moody’s và S&P không những không đánh giá từng khoản vay bất động sản, thậm chí, chúng không thèm nhóm ngó gì tới đó. Bọn chúng và những mô hình mà chúng sử dụng chỉ thấy và chỉ đánh giá các đặc trưng tổng quát của các tổ hợp khoản vay [tức là các CDO]. Moody’s và S&P không đòi các công ti môi giới giao dịch cung cấp chỉ số FICO (đánh giá khả năng chi trả của từng đơn vị) mà chỉ đòi chỉ số trung bình của cả gói ». Chỉ cần bước chân vào trung học, một học sinh cũng hiểu rằng nếu một người ăn lương tối thiểu bay cùng chuyến với tỉ phú Bill Gates, thì trung bình thu nhập của khách hàng chuyến bay có thể biến anh ta thành triệu phú. « Mô hình mà các công ti chấm điểm sử dụng mang đầy những khiếm khuyết như vậy ». Và cứ như thế mà đám « 7 cột số » đã xỏ mũi đám « 5 cột số », làm cho những CDO mục nát nhất được xếp hạng AAA. Có thật là xỏ mũi không ? « Nếu cứ xét theo cung cách hành xử của họ, có thể nói các công ti chấm điểm chỉ cần biết một điều thôi : làm thế nào kiểm điểm được tối đa chứng khoán của các ngân hàng đầu tư Wall Street để ăn hoa hồng » (tr. 202). Xin thêm vài thông tin : năm 2011, hoạt động lợi nhuận của Moody’s là 40%, của S&P (P đây là Poor, tức là nghèo, tội nghiệp !) là 43%, của Fitch là 58%. Những chứng cứ về sự bất cập (môt hình thô lỗ, sai lầm to lớn) và gian tham (chạy đua theo hoa hồng, xung đột quyền lợi) cho thấy chính các công ti chấm điểm cần phải bị mất điểm. Và cuộc chạy đua theo bảng xếp hạng AAA của các nhà cầm quyền (nhất là ở Pháp, với anh chàng sAAArkozy) rất đáng nghi ngờ. Các cuộc khủng hoảng liên tiếp xảy ra đã cho thấy thực chất những lời ca ngợi « bãi bỏ lệ luật », phải chăng ngày nay cái nhãn AAA chỉ là chiếc lá nho chót cùng còn lại để người ta che đậy, nhằm tiếp tục cái gọi là « cuộc cách mạng tự do » trong lòng bộ máy Nhà nước ?
Chủ nghĩa tân « tự do » và xã hội
Đối với các chủ soái của trường phái tân « tự do », từ Milton Friedman đến Friedrich Hayek (7), kẻ thù triết học cần phải triệt hạ là Nhà nước mà vai trò là điều chỉnh và phân phối. Đầu đề một tác phẩm của Hayek, Sự khốn cùng của công bằng xã hội, đủ cho thấy điều đó. Song chúng ta không thể thảo luận nghiêm chỉnh về công bằng xã hội trước khi xét tới những mâu thuẫn tự tại của tiêu ngữ chính thể cộng hòa « Tự do, bình đẳng, bác ái ». Cứ cho rằng hiện nay, tại các nước dân chủ pháp quyền hiện đại (tuy chẳng có nơi nào hoàn hảo cả), các quyền tự do cá nhân đã được thực hiện và được Nhà nước bảo hộ. Vấn đề là trong nguyên tắc tự do, không có nguyên tắc bình đẳng. Vấn đề không có gì mới, vì ngay từ năm 1848, Lacordaire đã phải thốt lên : « Giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, kẻ giàu và kẻ nghèo, chủ và đầy tớ, là sự tự do đàn áp và pháp luật cho phép ». Trong một xã hội xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường, thì sự bất bình đẳng đầu tiên là bất bình đẳng về thu nhập, hay đúng hơn, bất bình đẳng trong sự phân chia giữa những người làm ra thặng dư kinh tế nói ở trên. Thu nhập duy nhất của người làm công là do cho thuê sức lao động. Đừng nhầm với sức lao động với lao động, chính lao động của anh ta đã tạo ra thặng dư, thặng dư này được chia cho ba tác nhân khác : nhà tư bản (cổ tức), nhà kinh doanh (lợi tức) và thương gia (lợi nhuận). Ai còn hoài nghi về khái niệm thặng dư chỉ cần nhìn sang Trung Quốc, « công xưởng của thế giới », là thấy được minh chứng sống sượng nhất của khái niệm này. Trong sự phân chia thặng dư kinh tế, dựa theo tương quan lực lượng, thì nhà tư bản chiếm vị trí thống trị, như tục ngữ vẫn nói « đồng tiền đẻ ra đồng tiền », và cơ chế ấy tự động dẫn tới cái mà người quen gọi là sự tích lũy tư bản (8), nghĩa là khối vốn ngày càng lớn, và tập trung vào tay một số ngày càng nhỏ những nhà tư bản. Trong khi đó thì vị trí của người làm công ngày càng suy yếu đi trong suốt « ba mươi năm tồi tệ » vừa qua ở các nước theo kinh tế « tân tự do ». Sự suy yếu này là kết quả của nhiều nhân tố hội tụ : - công ăn việc làm tại các nước phát triển trở nên khan hiếm, một phần vì tiến bộ kĩ thuật (tự động hóa, tin học hóa), một phần vì sự di chuyển xí nghiệp sản xuất (toàn cầu hóa khiến cho người ta với tới nguồn dự trữ sức lao động gần như vô hạn, công ăn việc làm do đó trở thành một « biến số điều chỉnh »). - sự tăng tiến của khu vực thương gia, kết quả của quá trình toàn cầu hóa thương mại (thí dụ điển hình là sức mạnh của mạng lưới « đại phân phối » ở các nước phát triển). - sự phát triển loại hình mới của chủ nghĩa tư bản, gọi là tư bản cổ đông, gắn liền với nền tài chính, xóa mờ ranh giới nói ở trên giữa giới tư bản và giới doanh nhân, bằng việc ban phát những « stock option » và các « kích thích tố » khác, khiến cho lợi ích của doanh nhân gắn liền với lợi ích của nhà tư bản. - sự sụp đổ của hệ thống « xã hội chủ nghĩa hiện tồn ». Khối các nước xã hội chủ nghĩa chẳng phải là một « mô hình thay thế » sáng giá gì (thậm chí còn làm người ta ngán sợ), nhưng nó đã đóng vai trò đối trọng trong tương quan lực lượng. Thành thử, của cải tài nguyên do tiến bộ kĩ thuật và toàn cầu hóa tạo ra, toàn bộ xã hội không được hưởng, mà lọt vào vòng tay của một bộ phận những tác nhân kinh tế. Đứng trước sự liên minh ấy, giới làm công chưa bao giờ cảm thấy trơ trụi như vậy, giai cấp trung lưu ngày càng trống vắng « từ phía dưới ». Sự chênh lệch ngày càng tăng trong phân phối thặng dư có thể thấy rõ trong nghiên cứu của Michel Husson (được viện dẫn trong [J]) về lời lãi của các nhóm tư bản lớn ở Pháp trong giai đoạn 1992-2007. Theo nghiên cứu này, khả năng sinh lợi tăng lên chủ yếu là do giảm bớt mạnh mẽ phần tiền lương trong giá trị gia tăng, từ 66,4% xuống 54 ,8%, nghĩa là giảm đi 11,6 điểm bách phân. Còn sự bất bình đẳng, thì cuốn Thời của người giàu ([P]) của Thierry Pech cho ta những thống kê kinh khủng (INSEE, 2008). Chẳng hạn như thu nhập trung vị ở Pháp, nghĩa là mức thu nhập ranh giới, số người có thu nhập cao hơn mức ấy và số người có thu nhập thấp hơn mức ấy là ngang nhau, nghĩa là bằng nửa dân số (đừng nhầm thu nhập trung vị với thu nhậptrung bình nói ở một phần trên). Ở Pháp, thu nhập trung vị là 1 600 € /người/tháng (sau khi trừ thuế và cung ứng xã hội). Nếu căn cứ vào Eurostat và định mức thềm nghèo khó là 60% thu nhập trung vị, thì ở Pháp – đứng thứ nhì về kinh tế của châu Âu – số người nghèo là 8 triệu, nghĩa là 13% dân số. Eurostat không định mức giàu tối thiểu, còn INSEE (cục Thống kế quốc gia Pháp) thì gọi người thuộc 10% những người khá giả nhất là người thu nhập cao. Xin nói rõ : đây chỉ nói thu nhập, không tính tới tài sản. Điều đáng ngạc nhiên là mức thu nhập hàng tháng của người thu nhập thấp nhất trong số 10% thu nhập cao ấy là 3 000 € tức là mới gần gấp đôi thu nhập trung vị, nghĩa là không đến nỗi quá đáng. Nhưng đó chỉ là bậc thềm tối thiểu, lên cao hơn, thì thang độ thu nhập sẽ « bùng nổ » đáng sợ : « top 5% » là 5 400 €, « top 1% » là 10 000 € (khoảng 580 000 người), « top 0.01% » là 82 000 € (khoảng 5 800 người). Điều không ngạc nhiên là trong số 5 800 người ở đỉnh cao nhất ấy, 50% là cán bộ chỉ huy tài chính. Đây chỉ nói tới thu nhập công khai. Nói như Pech « người ta không lên tới đỉnh cao của sự giàu có bằng cách leo từng bậc thang đều đặn liên tục, bởi vì thượng đỉnh ở nới cao chót vót, cách biệt hẳn với những bậc phía dưới » ([P], tr.29). Sự bình đẳng như thế không thể có trong mã ADN di truyền của một xã hội mà có những cá nhân một năm kiếm được một số tiền mà người khác cả đời cũng không kiếm nổi. Nhưng để biện bạch cho sự bất bình đẳng, phái « tân tự do » (hay là nhóm xã hội – tự do kiểu Tony Blair bên Anh) đã có sẵn bài bản trả lời : đó là thuyết « nước suối đổ xuống » (trickle down), mà năm 1971 John Rawls đã trình bày trong A Theory of Justice (Một lí thuyết về công bằng). Đại để J. Rawls nói rằng sự tăng trưởng bất bình đẳng còn ở mức chấp nhận được chừng nào động lực của sự tập trung của cải có thể tạo ra những doanh nghiệp mới, những công nghiệp mới, những tài nguyên mới, và cuối cùng, người nghèo cũng được hưởng theo. Nói bằng hình tượng : của cải từ trên đỉnh kim tự tháp sẽ « tuôn chảy » xuống dưới. Đứng về mặt hiệu quả kinh tế, chúng ta hãy thử bàn xem quy luật « thủy động học » này có đúng không. Nhìn vào biểu đồ tổ chức của sự phát triển các nước giàu, chúng ta thấy gì ? Trái ngược với những lời hứa hẹn « nước suối đổ xuống », thu nhập cao thì càng ngày càng tăng cao trong khi nền kinh tế toàn bộ lại đi xuống : từ 2001 đến 2007, thu nhập của người dân Pháp ở dưới đáy « kim tự tháp » tăng 9%, ở trên đỉnh tăng 40%, trong khi nhịp độ tăng trưởng chung đã giảm 0,7 điểm so với thời kì 7 năm trước đó. Ngược dòng thời gian, tới một giai đoạn dài hơn nữa, nghiên cứu của Thomas Piketty về Thu nhập cao ở Pháp trong thế kỉ 20 (trích dẫn trong [P], tr.49) cho thấy hai cuộc đại chiến thế giới đã « hộ tử những người sống bằng lợi tức », sang « ba mươi năm quang vinh », các thu nhập cao đã tăng tiến, tuy có phần chậm hơn tốc độ tăng trưởng (5,5%) của nền kinh tế quốc dân, nhưng sang « ba mươi năm tồi tệ » thì lại tăng nhanh hơn. Một nghiên cứu khác của Piketty và Saez (sách đã dẫn) cho thấy ở Hoa Kì, tình hình cũng tương tợ : kể từ những năm 1980 trở đi, trong vòng hai mươi năm, sự chênh lệch bất bình đẳng về thu nhập đã tăng lên và bắt kịp tình trạng trước Thế chiến lần thứ nhất. Người ta có thể kết luận một cách hợp lí là sự tích lũy tư bản (theo định nghĩa nói ở trên) làm phá vỡ thế quân bình khá tế vi giữa sản xuất và tiêu thụ mà bất cứ nền kinh tế tư bản chủ nghĩa nào cũng bắt buộc phải duy trì nếu muốn tránh xảy ra lạm phát hay thất nghiệp. Sự tập trung quá mức những khối vốn tư bản sẽ dẫn tới hậu quả là lượng tiền có sẵn sẽ giảm bớt, khối lượng tập trung lớn khiến cho những người chủ đầu tư vào thị trường tài chính, một là để tránh mất giá do lạm phát, hai là trong một nền kinh tế hậu công nghiệp, luồng giao dịch tài chính chung quanh sản phẩm sinh lợi nhiều hơn là chính sản phẩm. Khối tiền ấy nằm ngoài khu vực tiêu thụ, một mặt nó kích thích sự đầu cơ trên giá cả lên xuống, mặt khác nó tạo ra tình huống siêu sản xuất cần phải được ngăn chận bằng một chính sách kết hợp « khuyến khích tiêu thụ » (quảng cáo và tín dụng). Thế nhưng đại bộ phận người tiêu thụ là người làm công, mà một phần thu nhập (đã bị giảm đi một phần, như đã nói ở trên) lại phải dùng để trả lãi, nghĩa là sức mua của họ bị giảm đi… và do đó, sự tập trung tư bản lại tăng lên. Cái vòng lẩn quẩn như vậy đã khép kín, còn câu chuyện « nước suối chảy » nếu có chăng, là chảy ngược lên trên, bất chấp quy luật trọng trường. Nhiệm vụ của Nhà nước (không nói chi đến Nhà nước phúc lợi, Nhà nước ban phát) là phải điều chỉnh mọi cơ chế có nguy cơ gây ra trục trặc trong sự vận hành của nền kinh tế quốc dân. Chẳng hạn nó phải kìm hãm sự tập trung của cải nói trên bằng một chính sách thuế khóa hiệu quả. Nhưng trong một chế độ « tự do », từ Reagan-Thatcher cho đến Chirac-Sarkozy, thì ngược lại, như ta thấy. Ở đây cũng không cần bận tâm độc giả bằng những con số, vì hiện tượng trung tâm là « sự lơi là thả phanh thuế má đối với người giàu trong hai mươi năm qua là kết quả của những quyết định chính trị, không những đã được thông qua một cách hết sức dân chủ, mà con được dư luận « chống thuế » hưởng ứng rộng rãi. Đây là một mâu thuẫn xuyên suốt xã hội, chẳng qua cũng là một dấu hiệu của thời đại. Nó đụng chạm tới cả những ý tưởng về sự liên đới và sự ganh đua » ([P], tr.13). Danh từ liên đới (đoàn kết) đã thay thế ý niệm bác ái, huynh đệ trong tiêu ngữ của chế độ cộng hòa. Nó từng bước đi kèm sự hình thành « xã hội của người làm công », để ứng phó với kiếp sống bấp bênh của giới vô sản thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 : sự phát triển của pháp luật lao động (hỗ trợ cho người làm công trong tương quan lực lượng chênh lệch đối với người chủ), sự tạo dựng những công cụ bảo hộ lớn (công đoàn, liên hiệp công đoàn), xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội (chống lại bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp)… tất cả những nhân tố bảo đảm sự « tự lập » của « cá nhân làm công ». Nhưng trong xã hội « tân liberal », « thế quân bình giữa tìm kiếm sự tự lập và hỗ trợ của các công cụ bảo hộ tập thể đã bị phá vỡ, tạo ra một biến thể mới của chủ nghĩa cá nhân » (sách đã dẫn). Hiện thân của xu thế này là nhân vật Bernard Tapie của những năm « tiền, tiền, và tiền », biểu tượng của « chủ nghĩa cá nhân tranh đua » không còn mảy may đạo đức gì nữa, tham vọng làm giầu lấn át mọi ý tưởng về nghĩa vụ xã hội. Thế nào là nghĩa vụ, là món nợ đối với xã hội ? Triết gia Léon Bourrgeois thế kỉ 19 (dẫn trong [P]) định nghĩa nó là « công cụ vật thể và trí tuệ » mà mỗi cá nhân sống trong xã hội sử dụng : nông nghiệp nuôi ăn, nhà cửa là nơi chốn, nhà trường để học hỏi, y học để chăm sóc sức khỏe, tri thức khoa học và triết học nâng cao anh lên trên trình độ của tự nhiên… Ngay từ lúc chào đời, cá nhân xã hội không biết rằng mình đứng trên vai những người khổng lồ đã sống trước mình (nói theo hình ảnh của Newton). Từ cá nhân, nói sang đến doanh nghiệp, cũng có thể thấy rằng, dù đứng ở quan điểm « liberal », sự phát triển kinh tế không khởi đầu từ hư vô, mà dựa trên nền tảng của những cơ sở hạ tầng xã hội của quốc gia, cơ sở ấy cung cấp vốn về con người (giáo dục, y tế) và những thiết chế (thị trường có tổ chức, Nhà nước pháp quyền), nếu không có những thứ ấy, thì tư bản vẫn chỉ là mớ tiền ngủ quên (cứ so sánh Nam Phi và Swaziland cạnh đó là thấy). Tóm lại, cá nhân sống trong lòng xã hội cũng như doanh nghiệp phát triển trong xã hội ấy không thể nào nói là mình không dính dáng gì tới những mối tương tác giữa con người với con người. Vậy mà trong sự tôn thờ sự thành đạt theo chủ nghĩa « tân tự do », có hàm chứa ẩn ý là bất cần sự liên đới xã hội (9). Xã hội « liberal cực đoan » chính là cái xã hội mà Oscar Wilde gớm chiếc, trong đó « cái gì cũng có giá của nó, nhưng chẳng có gì có giá trị cả ».
Khủng hoảng euro, hay khủng hoảng Châu Âu, hay khủng hoảng dân chủ ?
Cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền, như chúng tôi vừa trình bày cơ chế của nó, là sự tiếp nối trực tiếp của cuộc khủng hoảng subprime, còn cuộc khủng hoảng subprime phát sinh từ những sự hà lạm tài chính do chính sách tân tự do đã phá bỏ các lệ luật. Song cuộc khủng hoảng này cũng có những mặt đặc thù của Châu Âu có thể gây ra thắc mắc hoang mang. * Nói một cách chính xác, đây không phải là một cuộc khủng hoảng của đồng euro, vì bản thân nó không bị tấn công trực tiếp. Bao nhiêu tháng qua, từ khi khủng hoảng nổ ra, tỉ giá của đồng euro vẫn xấp xỉ 1,35 $, trong khi mà lúc mới ra đời, tỉ giá của nó chỉ bằng 1,16 $ và có những lúc khủng hoảng, nó tụt xuống dưới mức 0,9 $. Bọn đầu cơ tấn công là nhắm vào khoản nợ công của một số nước trong khu vực euro, bắt đầu bằng những khâu yếu là Hi Lạp hay Ireland. Nhưng đứng về mặt kĩ thuật, nó đã trở thành một cuộc khủng hoảng đe dọa sự tồn tại của đồng euro vì các cuộc tấn công liên tiếp của thị trường đã làm lộ ra những khiếm khuyết về cấu trúc tàng ẩn trong quá trình xây dựng tiền tệ của châu Âu. Câu hỏi then chốt đặt ra là : tại sao có những nước cũng gặp khó khăn như khu vực euro, thậm chí xấu hơn, lại không bị tấn công ? Nợ công của Hoa Kì lên tới 100% GDP vào đúng lúc mà các nghị viên Dân chủ và Cộng hòa xâu xé nhau về vấn đề cắt giảm những chi tiêu xã hội và vấn đề tăng thuế. Còn Nhật Bản, với nợ công kỉ lục thế giới, 220% GDP, vẫn chưa thoát ra khỏi hai mươi năm lạm phát đình đốn (stagflation). Còn ở ngay Châu Âu, nước Anh (cường quốc kinh tế thứ ba) ở tình tạng báo động đỏ về nhiều mặt : nợ 84% GDP ; thâm thủng 9,4% ; thất nghiệp : hơn 8% dân số ; tăng trưởng : 0,6% sau hai năm suy thoái. Công ti Moody’s không bớt điểm Hoa Kì và Nhật Bản, và chỉ đặt Anh trong tình trạng giám sát. Vậy mà không thấy « thị trường » tỏ ý muốn tấn công vào kinh tế ba nước này. Ngay cái tên gọi « khủng hoảng nợ chủ quyền » cũng không chính xác nếu ta không nói rõ khu vực Euro. Các nước ở ngoài vùng Euro – kể cả Anh – có « vũ khí nguyên tử » là Ngân hàng Trung ương có thể mua lại các khoản nợ trên thị trường thứ yếu, và nếu cần thì in thêm tiền để mua. Cơ chế đó trong biệt ngữ tài chính gọi là « tiền tệ hóa » hay là « nới lỏng định lượng » (quantitative easing), nôm na là… in thêm tiền. Rủi ro nội tại, cũng dễ đoán ra, là sẽ gây ra lạm phát, và nếu guồng máy bất kham, sẽ thành siêu lạm phát, như ở Đức năm 1923-1924, dẫn tới sự sụp đổ của cộng hòa Weimar và đưa đảng quốc xã lên cầm quyền. Dẫu sao, trong trường hợp khẩn cấp, nên chăng chấp nhận rủi ro ấy ? Về phần Kho dự trữ Liên bang Mĩ (FED), đã từ lâu rồi, họ cho máy in tiền chạy thả dàn một cách điệu nghệ. Tại sao Ngân hàng Trung ương Âu Châu (BCE) không làm như vậy ? Bởi vì quy chế của nó (nằm trong hiệp ước Lisboa) không cho phép. Vai trò đầu tiên chính thức của nó (đây hẳn là vì tiền lệ của những năm 1920) là canh chừng lạm phát, thế thôi. Từ khi xảy ra khủng hoảng, BCE có can thiệp vào một việc là giảm bớt lãi suất bằng cách mua lại trên các thị trường thứ cấp, nhưng khả năng can thiệp của BCE bị hạn chế bởi nhiệm vụ « phi tiền tệ hóa » (trong biệt ngữ kinh tế, là reverse repo), nghĩa là, bằng cách này hay cách khác, « trung tính hóa » một khối lượng tiền tệ tương đương với số tiền mà BCE đã bỏ ra để mua lại. Điều này cho thấy rõ cái ngõ cụt mà khu vực Euro tự giam cầm trong đó. * Đối với người quan sát đứng nhìn từ bên ngoài, giải pháp trước mắt rõ ràng là phải thay đổi quy chế của BCE, cho nó được phép can thiệp bằng « tiền tệ hóa ». Một giải pháp nữa là khả năng phát hành những « trái phiếu Âu Châu » (thay thế công trái của riêng rẽ từng quốc gia), nghĩa là « tương tế hóa » các khoản nợ. Giải pháp mà cuối cùng người ta đã thông qua vào cuối tháng mười 2011 là tái khởi động Quỹ Âu Châu ổn định tài chính (FESF), một cơ quan thành lập từ năm 2010. FESF được sử dùng những quyền mà BCE không được có : ngoài việc mua lại trên các thị trường thứ cấp, FESF có quyền mua công trái của các quốc gia trên thị trường sơ cấp, nghĩa là mua thẳng của các quốc gia ; có thể cho các quốc gia thành viên vay tiền một cách trực tiếp ; FESF sẽ có một « hỏa lực » 1000 tỉ € tài trợ bằng cách phát hành những trái phiếu được sự bảo lãnh của các nước thuộc khu vực Euro, hoặc vay thẳng từ BCE. Là người ngoại đạo, chúng tôi miễn bàn về giải pháp này hay giải pháp kia, mà chỉ nêu ra một nhận xét : cái « nhà máy sản xuất khí đốt » mà người ta vừa lắp ráp như vậy, đến cuối năm 2011 cũng vẫn chưa chạy, mà xây dựng được như vậy cũng phải được quốc hội của 17 nước nằm trong khu vực Euro lần lượt thông qua – xém một chút thì nước Slovakia nhỏ bé đã làm sập tiệm (chỉ vì phe đối lập muốn lợi dụng dịp này lật đổ chính phủ). Điều này biểu lộ một trong những khuyết tật có tính cách cơ cấu trong sự vận hành của Liên hiệp Âu Châu : các quyết định phải được thông qua bằng sự đồng thuận. Đây phải chăng là căn bệnh ấu trĩ của thuở ban đầu hay đã là bệnh già báo hiệu sự tiêu vong ? Trong giai đoạn hiện nay, cuộc khủng hoảng nợ cho thấy rõ đây là khủng hoảng trong cung cách quản trị của Châu Âu. Trong quá khứ, quá trình xây dựng Châu Âu luôn luôn tiến triển thông qua những cuộc chấn động nối tiếp. Chấn động lần này có nguy cơ gây ra tai họa. Dù muốn hay không, khu vực Euro chiếm vị trí trung tâm của Liên hiệp Âu Châu : khu vực này nổ tung thì Liên hiệp Âu Châu sẽ tan vỡ, và kinh tế thế giới sẽ chao đảo, kéo theo một chuỗi dài hậu quả, người ta sẽ quay trở lại những hàng rào biên giới quốc gia cũ, người ta sẽ đua nhau hạ giá đồng tiền quốc gia để cạnh tranh nhau, chiến tranh thương mại sẽ lại tái phát… Nếu có một cơ quan hành pháp, dù chỉ là hình thức, thì ít nhất nó cũng có thể giải quyết vấn đề Hi Lạp trước khi nó suy biến như vậy. Tất nhiên, người cầm lái cũng phải xứng tầm, biết đi về đâu, và có tầm nhìn xa – chứ nhất quyết không phải cái thứ thuyền trưởng Merkozy như ta thấy. Người ta rộn ràng báo tin phen này sẽ « tái kiến tạo Châu Âu », rốt cuộc chỉ thấy « thỏa ước ổn định » được gia cố thành một thứ « liên hiệp ngân sách ». Nghĩa là trước mắt sẽ chẳng có gì, và trung hạn sẽ là một cuộc chạy marathon của 27 quốc hội. Làm sao không đặt ra nghi vấn : phải chăng người ta có những tính toán về chính trị quốc nội. Phải chăng người ta đang nhẩn nha « khẩn trương » sửa lại mái nhà, trong khi ngôi nhà đang cháy ! Không biết cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc ra sao, chỉ mong rằng nó không gây ra đại họa cho nhân dân các nước. Song ở thời điểm này, it nhất có cũng gây ra một tác động tích cực : lay tỉnh ý thức chính trị của đại chúng cho đến nay bị chủ nghĩa tiêu thụ gây mê. Được như vậy là nhờ hai nhân tố : cảm nhận về sự bất công trong sự thi hành chính sách « khắc kiệm » ; phẫn uất vì cảm thấy mình bất lực trước « thị trường ». * Đừng bao giờ coi thường những cảm nhận về sự bất công : cái bánh « brioche » của hoàng hậu Marie-Antoinette hay cái chậu phóng uế bằng vàng của Gogol nhắc ta điều đó (10). Rất có thể là nhân dân các nước đã « quen sống ở mức cao hơn phương tiện của mình cho phép », nhưng có một điều chắc chắn là, không như « những người mua tinh tường » của Blankfein, khi đi bầu, có thể họ không biết đã bỏ phiếu cho những người mà họ không biết đường lối chính sách về tiêu thụ như thế nào. Cứ cho là giải pháp duy nhất (TINA, không có chọn lựa nào khác, mà !) là khắc khổ (người ta dùng chữ khắc kiệm, nghe đạo lí hơn), nhưng ai mà chịu được sự khắc khổ không được phân chia công bằng ! Cuộc khủng hoảng, người làm công phải gánh chịu hai lần : lần thứ nhất là đóng thuế (mà thuế bây giờ không còn là thuế tiệm tiến nữa), lần thứ hai là cắt giảm các cung ứng xã hội. Còn những người có của, thì không những họ được Nhà nước tặng quà (cấp cho họ cái « khiên thuế khóa », những « ổ bớt thuế », giảm bớt thuế chuyển hóa…) mà còn được vuốt ve đủ kiểu, chẳng hạn như vay tiền của họ với những lãi suất cao, làm cho họ đã giàu còn giàu thêm. Mới đây, chính phủ Pháp loay hoay xà xẻo mãi mới kiếm thêm được vài trăm triệu, trong khi mà 500 ổ bớt (trốn) thuế, nếu được dẹp bỏ, sẽ mang lại cho ngân sách quốc gia 145 tỉ Euro, tức là hơn một nửa thu nhập ròng của Nhà nước (báo cáo của Tòa án Kiểm toán). Chỉ cần khai thác cái mỏ thuế ấy là có ngay thang thuốc trị bệnh thay thế cho bài thuốc khắc khổ có nguy cơ ngăn chận khả năng vực dậy nền kinh tế. Bao nhiêu nhà kinh tế đã viết bài và lên đài giải thích : nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng là do lương bổng của người làm công bị ngưng trệ do thặng dư kinh tế bị biển thủ (xem ở trên), và không thể giải quyết nạn thu nhập thiếu hụt bằng cách lấy tín dụng thay thế lương bổng. Người dân bình thường bắt đầu cảm nhận thấy điều đó, bắt đầu biểu tình, đình công, tuần này qua tuần kia, chống lại chính sách TINA, ở Hi Lạp, ở Tây Ban Nha, ở Ý, ở Bỉ, và ở cả đất nước của nữ hoàng Anh nữa (trăm năm mới có lần này, shocking chứ nhỉ !)
* Ở Pháp, người ta còn nhớ năm 2008, bài « diễn văn đọc ở Toulon » đã cho Sarkozy nhảy vọt 20 điểm bách phân trong thăm dò dư luận. Hứa hẹn rất oai là tái kiến tạo chủ nghĩa tư bản : « Từ nay chấm dứt sự độc trị của thị trường ! chấm dứt tài chính man dại ! chấm dứt thiên đường thuế khóa ! ». Ba năm sau, vẫn như cũ, nếu không nói là tồi tệ hơn. Các thiên đường thuế khóa biến khỏi các danh sách « đen » và « xám » vì đã cam kết « hợp tác để tạo sự minh bạch » (giữa họ với nhau !). Tại Mĩ, người ta kì vọng vào Obama, rốt cuộc những trách nhiệm cao nhất của Ngân khố Hoa kì đã rơi vào tay bọn người của Goldman Sachs (như Larry Summers hay Tim Geithner ; có thể xem [Q]). Trên bình diện thế giới, khi hệ thống ngân hàng có nguy cơ sụp đổ, các Nhà nước đã tiếp cứu để rồi ngã theo ; cuối cùng thì các ngân hàng đã leo ra khỏi hố, Nhà nước thì không. Tại Nghị viện Âu Châu, các thế lực lobby đã giết từ trong trứng mọi cố gắng nhằm lệ luật hóa các công ti chấm điểm. Và đến mùa thu năm nay, có thể thấy rõ sức mạnh chính trị của « thị trường » khi nó buộc phải từ chức Thủ tướng Hi Lạp và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Ý (điều mà hàng chục cuộc tuần hành của hàng trăm nghìn người biểu tình không đạt được). Thủ tướng Hi Lạp Papandréou mang tội gì ? Tội muốn trưng cầu ý kiến nhân dân về một vấn đề hệ trọng đối với tương lai đất nước. Hai chữ « dân ý » đã làm cho các nhà lãnh đạo G20 nổi da gà. Tất nhiên chính phủ Hi Lạp đã chuẩn bị cuộc trưng cầu rất ẩu tả và không đúng lúc (trong những tình thế rối ren, dân chủ trực tiếp thường mang tính chất mị dân), nhưng sự kiện này đã điểm trúng một cái huyệt nhạy cảm : công cuộc xây dựng Châu Âu cho đến nay thiên về kĩ trị hơn là dân chủ -- bằng chứng là hiệp ước Lisboa (xem khung) đã tránh né cuộc trưng cầu dân ý hiến định năm 2005. Berlusconi phải từ chức thì chẳng ai tiếc rẻ, nhưng ai là người kế vị ? Mario Monti, một kĩ phiệt đã từng phục vụ trong công ti Goldman Sachs. Còn tay Mario kia, tân giám đốc Ngân hàng Trung ương Âu Châu ? Mario Draghi, kĩ phiệt, cũng đã từng làm cho Goldman Sachs. Khi mà các chính khách chạy theo đuôi « thị trường », thì nền dân chủ gặp cơn nguy khốn. Có lẽ phải bỏ giới tài phiệt và chính khách vào cùng một rọ. Họ có lí chăng, những người « phẫn nộ », những phong trào công dân chưa có tổ chức đang chiếm đóng những quảng trường biểu tượng của các thủ phủ tài chính để, nhân danh 99% nhân dân (We are the 99) để đòi hỏi « dân chủ đích thực » ? Ở trên đã nói rõ là chúng tôi không mong muốn rằng cuộc khủng hoảng kết thúc bằng những tại họa mới cho nhân dân các nước. Nhưng nếu trong họa có phúc, thì hồng phúc là ở chỗ oái oăm này : chính chủ nghĩa « tự do » dạy cho chúng ta cách tự tử bằng sự hà lạm của chính mình. Nguyễn Quang
TÀI LIỆU THAM KHẢO : [J] Paul Jorion : Le capitalisme à l’agonie, Fayard, 2011 [L] Michael Lewis : Le casse du siècle (The Big Short), éd. Sonatine, 2010 [P] Thierry Pech : Le temps des riches - Anatomie d’une sécession, Seuil, 2011 [Q] Jean-Michel Quatrepoint : La dernière bulle, éd. Mille et une Nuits, 2009
(1) Xem « Khủng hoảng kinh tế : Từ 1929 đến 2008 » (2) Xem chú thích (1) (3) « Kim tự tháp Ponzi » hay « dây chuyền Ponzi » : trò ma giáo do Charles Ponzi bày ra ở New York năm 1920. Ponzi đầu tư về tem quốc tế quý hiếm, trả lãi cao cho những khách hàng góp vốn đầu tiên bằng tiền góp vốn của những người đến sau. « Cỗ máy » này chạy trơn tru trong thời gian đầu, nhưng khựng lại rồi đổ sụp khi tiền vốn thu vào không đủ để trả lãi. Trò ma giáo này thực ra không có gì mới : ở các trường học, học sinh cũng hay chơi trò này, gọi là « máy bay » hay « nhảy dù ». Vậy mà gần đây, Bernard Madoff, một nhà tài chính New York, đã dụ khị được hơn 60 tỉ đô la. Từ khi vụ Madoff đổ bể vào mùa thu năm 2008, các đài vô tuyến truyền hình Mĩ đầy những phim bộ ăn khách, với nhân vật chính gợ hứng từ Ponzi và Madoff (phim Damagessang tới mùa thứ ba, Boardwalk Empire mùa thứ nhất…) (4) John Milton (1608-1674) chính là tác giả trường ca nổi tiếng Paradise Lost (1667) (Thiên đường đánh mất). (5) Có thể sẽ có vài nhà mác-xít không đồng ý với cách trình bày này. (6) « Toán học tài chính » là phiên bản hiện đại tân kì của phương pháp « tính toán actuariel » mà các công ti bảo hiểm sử dụng để tính toán các rủi ro. Bộ môn này sử dụng những công cụ tiên tiến nhất của lý thuyết xác suất (quá trình ngẫu nhiên, quá trình Lévy…), nhưng nghi vấn đặt ra là phương pháp này có tương ứng với hiện thặc tài chính không. Bằng chứng là cuộc khủng hoảng subprime, mà các mô hình toán học không hề tiên đoán được. Theo thiển ý của người viết bài này, đây chỉ là những thứ bùa ngài – nói một cách lịch sự -- để người ta nấp sau đó mà đàu cơ trong lãnh vực tài chính. (7) Cả hai đều được giải Nobel về kinh tế học. Để thấy giải này chỉ có giá trị tương đối, chỉ cần lưu ý rằng có khá nhiều vị được giải Nobel kinh tế học đã lập ra hoặc bảo lãnh những quỹ đầu tư sau này bị lụn bại. (8) xem chú thích (5). (9) Cô con gái của bạn tôi, vừa trúng tuyển Trường cao đẳng thương mại (trường thương mại số 1 của Pháp), rất ngạc nhiên thấy có những « xưởng thảo luận » trong đó các nhóm sinh viên công khai tập dượt cách « giết đối thủ » (bằng lời nói). Tương tự, khi được hỏi về những nguy hại của cuộc khủng hoảng, một nhà báo London chuyên về tài chính, đã kể câu chuyện ngụ ngôn như sau : « Một nhóm bạn bè dạo bộ trong rừng. Bỗng nhiên, họ bị một con gấu hung hãn đang đói bụng tấn công. Cả bọn chỉ còn cách chạy thục mạng, nhưng chạy thế nào cũng không nhanh bằng con gấu. Kết luận : vấn đề không phải là chạy nhanh hơn con gấu, mà là chạy nhanh hơn bạn bè của mình ». (10) Khi người dân Pháp kêu gọi bánh mì, tương truyền hoàng hậu Marie-Antoinette : « Hết bánh mì thì sao không lấy bánh brioche mà ăn ! ». Còn nhà văn Nga Gogol thì kể lại, trong một truyện ngắn, rằng những người nông dân mujik đã nổi loạn khi nghe nói tên chủ nô quý tộc (boyard) vừa sắm một cái chậu phóng uế bằng vàng. Tưởng cũng nên nói thêm là bà hoàng Marie-Antoinette ngày nay đã có một hậu duệ tinh thần là bà Christine Lagarde, nguyên bộ trưởng Kinh tế Tài chính Pháp (nay thay thế DSK làm chủ tịch Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF). Giá xăng tăng cao làm nhẹ túi tiền, bà Lagarde khuyên người ta bỏ xe hơi, đi làm bằng xe đạp.
|
Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340
diendan@diendan.org - Contributeurs
Crise européenne
DE 2008 A 2011 :FINANCE ET LIBERALISME
Nguyễn Quang
VERSION VIETNAMIENNE : Từ 2008 đến 2011 : Tài chính và chủ nghĩa "tự do"
Mais qu'arrive-t-il au capitalisme ? L'un après l'autre, il avait enterré tous ses ennemis. Sa résilience, son adaptativité, ses métamorphoses pour survivre à tous les accidents, toutes les catastrophes, toutes les guerres même, avaient fini par faire oublier la prophétie centenaire de Marx -- que le système périrait de ses propres contradictions. Or voici que depuis le milieu des années 80, dans une sorte de caricature de la "théorie" des cycles, les bulles gonflent et les crises éclatent à un rythme accéléré : krach boursier à Wall Street en 1987, au Mexique en 94, en Asie en 97, en Russie en 98, faillite du hedge fund LTCM en 98, du courtier en énergie Enron en 98, krach des valeurs technologiques (bulle Internet) en 2000-2001, faillite de l'Argentine en 2001... Et bien entendu, à l'échelle planétaire, la gigacrise des subprimes de 2008 1. De celle-là, on nous avait vendu l'idée qu'elle était derrière nous, que les experts se souciaient seulement de savoir si la sortie se ferait "en U" ou "en V". Eh bien, non, ce serait plutôt "en W", parce que depuis cet été, la crise des dettes souveraines a pris le relais, qui en vient à menacer les fondements mêmes de l’Union Européenne et de ses Etats constituants.
« Le côté obscur de la Force »
Puisqu'il ne faut plus compter sur les spin doctors des gouvernements ou les ventriloques des médias pour nous refiler autre chose que de la "com", nous convions le lecteur à essayer de voir par lui-même les tenants et aboutissants de cette n-ième crise du capitalisme. D'après Wikipédia, une dette souveraine est une dette émise ou garantie par un émetteur souverain, qui est généralement un Etat ou parfois une banque centrale. Elle peut être constituée de crédits bancaires, de prêts d'autres Etats ou institutions officielles, ou le plus souvent de titres d'emprunts émis par le Trésor public du pays concerné et négociables sur le marché international des obligations (tout le monde connaît par exemple les bons du Trésor américain). Le taux qui s'attache à une obligation d'Etat se détermine par une adjudication auprès des candidats acheteurs. Quand la dette publique d'un pays se détériore, les taux évidemment s'élèvent, reflétant une aggravation du "risque de crédit". Mais quand un Etat débiteur a accumulé trop de déficits budgétaires, ses créanciers peuvent refuser de s'engager davantage, à court terme comme à long terme, d'où une crise de liquidité qui peut s'aggraver en crise de solvabilité. On se souvient que l'offensive des marchés financiers contre les dettes souveraines européennes a commencé au printemps 2010 par des attaques contre la dette grecque. Le cheval de Troie, si l'on peut dire, était bien choisi, à cause du surendettement du pays (120% du PIB à l’époque), mais aussi à cause de ses pratiques irresponsables, comme de maquiller ses comptes ou de lever des fonds hors bilan pour satisfaire aux critères d'entrée dans la zone euro. Malgré plusieurs sommets de l'Eurogroupe et du G20, et des plans de sauvetage présentés à chaque fois comme décisifs (mai 2010, puis mai 2011, juillet 2011, octobre 2011), la situation n'a fait qu'empirer, la spéculation a redoublé, s'étendant à l'Italie (quatrième économie européenne) et menaçant même la France (seconde économie européenne), au point de laisser planer le danger d'un éclatement de la zone euro. Le simple bon sens commande de poser la question : comment est-ce possible ? Comment le mini-problème grec (2% du PIB européen, 4% de la dette européenne) a-t-il pu dégénérer en un problème existentiel pour une Union Européenne qui est tout bonnement la première zone commerciale et économique du monde (PIB de 16 000 milliards E en 2010), devant les USA (14 600 milliards) et la Chine (5 700 milliards) ? Gouvernements et médias agitent régulièrement l’épouvantail d’une crise systémique suivie d'un effet de dominos débouchant sur un « Eurogeddon ». Les commentateurs officiels sont plutôt avares de développements sur le risque systémique, pour des raisons qui apparaîtront bientôt. Selon Wikipédia, le mot désigne, en finance, la probabilité d'occurrence d'un dysfonctionnement paralysant l'ensemble d'un secteur dans une vaste zone (qui peut être la planète entière!) par le biais d'engagements croisés des acteurs économiques en cause, première étape avant des faillites en chaîne qui conduiraient à terme à un effondrement total du système. Par opposition au risque non systémique, qui apparaît face à un événement extérieur, même majeur (tel qu'une guerre), le systémique exprime un changement d'échelle, une prise en considération globale des mécanismes du phénomène et de son environnement. Personne n'a pu oublier les deux crises systémiques de 1929 et de 2008. Comme par hasard, c'est encore le secteur bancaire qui se retrouve aujourd'hui menacé par son exposition à la dette grecque, et plus généralement aux dettes souveraines de ces Etats que les anglo-saxons qualifient aimablement de "Club Med" (Portugal, Italie, Grèce, Espagne), ou moins aimablement de PIGS (cochons en anglais). Quelle est la gravité de cette menace ? Il est difficile de s'y retrouver dans une jungle de chiffres que les acronymes et les règles comptables (exposition nette, exposition brute...) compliquent à loisir, mais l'on peut se faire une idée en regardant par exemple l'exposition des grandes banques françaises (surtout BNP Paribas, Société Générale et Crédit Agricole), que la Banque des Règlements Internationaux (la Banque Centrale des banques) évaluait fin 2010 à près de 400 milliards $. Dans un "top ten" des banques les plus exposées établi par l'EBA (l'Autorité bancaire européenne), la BNP était même championne du monde ! Bref, il apparaît en filigrane que les établissements financiers dans leur ensemble se sont gavés de dettes souveraines comme naguère ils s'étaient gorgés de produits subprimes. Un des motifs d'étonnement du "bon peuple", c'est la rapidité avec laquelle les banques se sont "refaites", comme on dit au casino, après avoir frôlé la faillite en 2008. A peine un an après, elles remboursaient par anticipation les aides publiques, renouaient avec les profits, distribuaient bonus et stock options comme aux plus beaux jours. On n'aura pas la naïveté de croire que ce rétablissement miraculeux ne devait rien à une quelconque spéculation (par exemple sur la dette grecque) avec les crédits si généreusement accordés par les Etats et la BCE à des taux préférentiels... La spéculation se retourne contre les spéculateurs aujourd'hui que la faillite menace les Etats impécunieux. Le danger pour les banques, plus encore que le montant absolu de leur exposition, c'est son taux par rapport à leurs fonds propres : 60% pour la BNP, 150% pour la banque franco-belge Dexia (qui a trépassé depuis). En principe, suivant les bonnes règles prudentielles, les banques détiennent suffisamment de capital pour absorber le risque de crédit, le risque de marché et les risques opérationnels. Les 9/10 d'entre elles ont d'ailleurs passé avec succès les récents "stress tests" basés sur des scénarios de récession sur deux ans en Europe. Sauf que ces tests n'incluaient pas la défaillance grecque -- pas plus que les tests américains de 2007 ne prévoyaient l'effondrement des subprimes. A propos des subprimes, on se souvient d'avoir posé ici même la question du risque systémique : comment une crise immobilière américaine, représentant "seulement" 5% du PIB combiné des USA et de l'UE, a-t-elle pu contaminer la planète financière entière, détruire plusieurs dizaines de milliers de milliards de dollars de richesses et menacer l'économie mondiale (1) ? La réponse, c'est que l'échelle du risque change drastiquement quand intervient la "finance de l'ombre". La finance de l'ombre, ou shadow banking, ce serait, pour un fan de Star Wars, quelque chose comme "le côté obscur de la Force". C'est un terme maintenant usité désignant un ensemble d'activités financières qui, parce qu'elles ne reçoivent pas de dépôts, ne sont pas formellement considérées comme des activités bancaires, donc échappent légalement aux réglementations prudentielles (Bâle I, Bâle II) relatives aux fonds propres. Les acteurs en sont les banques d'affaires (Lehman Brothers, Bear Sterns, Goldman Sachs…), les fonds d'investissements (hedge funds), les firmes spécialisées en "titrisation", les compagnies hors bilan immatriculées dans des paradis fiscaux, etc. -- une liste non exhaustive, mais qui suffit à tracer l'ADN spéculatif de ce secteur. La frontière avec la finance "officielle" n'est pas étanche, puisque le shadow banking, ne disposant pas de dépôts, tire ses liquidités d'une sorte d'échange tripartite : de grandes institutions disposant d'une trésorerie importante (caisses de retraite, assureurs) souscrivent des produits financiers élaborés par les banques d'affaires, lesquelles accordent à leur tour des prêts ou des portages à leurs clients. Par ailleurs, les pistes sont brouillées par les banques "universelles" (comme le trio français précité) qui couvrent tout l'éventail des activités financières, qu'elles soient régulées (banques de détail, prêts aux particuliers et aux entreprises...) ou non régulées (trading, spéculation sur les devises ou les taux d'intérêts, gestion de patrimoine...) [Notons que le Glass-Steagall act de 1930, qui obligeait à séparer les activités de dépôt et d'investissement, aurait permis d'interdire un tel mélange des genres, mais il a été abrogé par l'administration Clinton dans les années 90]. Toujours est-il qu'en termes de volume d'affaires et de valeurs (que le Conseil de Stabilité Financière évaluait en 2007 à 60 000 milliards $, l’équivalent du PIB mondial), la finance de l'ombre fait maintenant au moins jeu égal avec la finance officielle. Or elle porte en elle des virus systémiques mortels, qui se sont manifestés avec les subprimes comme ils vont sans doute se manifester avec les dettes souveraines.
Des virus chez les « quants »
On s'excuse d'entraîner maintenant le lecteur, pour la bonne cause (mais, qu'il se rassure, pour un temps seulement), dans une chasse un peu ardue aux virus créés dans les éprouvettes des "quants", ces apprentis-sorciers de la finance. On peut dire que l'ingénierie financière est née au début des années 80 avec les produits dérivés, conçus à l'origine comme des contrats bipartites permettant d'assurer contre des risques très divers (fluctuations des cours de matières premières, aléas climatiques, variations des taux de change, défauts de paiement, etc.) des actifs, appelés sous-jacents, eux aussi très divers (classiquement, une unité négociable d'une matière première, la réalisation d'un événement prévu dans un contrat, etc.; moins classiquement, un taux de change, un taux d'intérêt, une obligation, une action, un indice boursier, etc.) Croissant à des taux à deux chiffres, les produits dérivés constituent aujourd'hui l'essentiel de l'activité des marchés financiers. Leur succès tient bien sûr à la variété multiforme des produits sous-jacents (qui semble n'avoir de limite que l'imagination des contractants), mais aussi, de notre point de vue, à la possibilité qu'ont ces sous-jacents d'être virtuels, c'est-à-dire de ne pas exister encore à l'instant de la transaction. On imagine aisément ce qu'une telle virtualité peut engendrer comme dérives spéculatives (mise de fonds minimale, effet de levier, paris sur les flux...) Un virus mutant nous intéressera spécialement : il s'agit du CDS, oucredit default swap, conçu dans les années 90 par les "quants" de J.P. Morgan Chase. Un CDS est un produit dérivé dont le sous-jacent est un crédit ; on peut le considérer en première approximation comme une assurance contre le risque de crédit d’un émetteur d’obligations, c'est-à-dire un transfert de risque. Dans le schéma traditionnel de l'activité bancaire, c'est le banquier qui analyse les risques d'un crédit et l'assume en cas de prêt ; s'il s'est trompé dans sa gestion des risques, c'est son capital qui encaisse les pertes. Le CDS constitue véritablement un "changement de paradigme", puisqu'en dispensant le prêteur d'assumer le risque complet d'une transaction et en lui évitant d'augmenter ses capitaux de garantie, il permet en pratique aux banques de se transformer en courtiers en crédits, hors réglementation qui plus est. Pas étonnant qu'on ait assisté à un transfert massif de risques de crédit détenus par des banques d'investissement (au premier rang desquelles Lehman Brothers) vers d'autres institutions financières telles que les banques commerciales, les caisses de retraite et les compagnies d'assurance. Le marché des CDS est ainsi passé de 6 400 milliards $ en 2004 à 58 000 milliards en 2007. Mais il y avait deux virus dans la bulle : - le premier, spécifique au marché américain, c'était les subprimes ("en dessous des premiers"), ces crédits hypothécaires immobiliers pourris fourgués en toute connaissance de cause à des emprunteurs insolvables et auxquels s'adossait une grande partie des CDS. Il faut préciser que le sous-jacent d'un CDS ne se compose pas d'un seul crédit, au sens de la finance de papy, mais d'une multitude de crédits découpés en "tranches" d'ABS (asset-backed security) et réassemblés dans un "véhicule spécial" (SPV, special purpose vehicle), ici un instrument de dette appelé CDO (collaterized debt obligation). Après cette opération de "titrisation", les banques d'affaires replaçaient auprès de leurs clients ces « obligations collatéralisées » (le produit sous-jacent), faisant d'une pierre deux coups : se débarrasser des actifs toxiques et faire souscrire des CDS (les produits dérivés) [tous les termes entre guillemets sont ceux du jargon financier]. Malgré leur sophistication, ces échafaudages spéculatifs, quand ils s'appuyaient sur des fondations pourries comme les subprimes, n'étaient au fond que des "pyramides de Ponzi" 2 déguisées. Mais si leur effondrement a ébranlé le système en entier, c'est à cause de l'infection véhiculée par les CDO et CDS - une "démultiplication de la toxicité", selon le Wall Street Journal, dont toutes les métastases ne sont pas encore connues à ce jour. - le second virus est consubstantiel à la virtualité déjà signalée du sous-jacent d'un produit dérivé. Le concept de CDS pousse jusqu'au bout cette logique de virtualité, puisque dans ce type de contrat, il n'est nullement requis de l'assuré qu'il possède le produit qu'il cherche à assurer. Normalement, n'est-ce pas, vous ne pourriez pas prendre une assurance-auto sur la voiture de votre voisin. Avec un CDS, si. C'est l'exemple imagé que donnent les économistes de ce qu'ils appellent une "position nue", quand le contractant d'un CDS ne détient pas l'instrument de dette contre le risque duquel il "s'assure". Le CDS efface ainsi la frontière entre l'assurance et le pari, c'est-à-dire la spéculation. Le mécanisme est démonté en détail dans le best-seller de Michael Lewis, The Big Short ( [L]), probablement le meilleur ouvrage grand public sur la crise des subprimes. Dans ce livre qui se lit comme un roman, l'auteur montre comment une poignée de spéculateurs (tous authentiques), ayant vu la faille dans le système, ont "shorté" le marché (dans le jargon boursier, pris une position pariant sur la baisse) en achetant des montagnes de CDS. Et ont fait des Himalayas de profits en touchant leur "assurance" quand le marché s'est effectivement effondré. Ce n'est évidemment pas cette poignée, à son échelle, qui a accéléré la chute, mais bel et bien les banques elles-mêmes qui, non contentes de fourguer à leurs clients leurs CDO toxiques, se mirent aussi, mais à leur échelle, à "shorter" le marché des CDS ! Si l'on est revenu en détail sur la crise des subprimes, c'est que les mécanismes en sont maintenant bien connus, et qu'on ne doute pas que ce sont les mêmes qui sont à l'oeuvre aujourd'hui dans la crise des dettes souveraines : face à un Etat en difficulté, le spéculateur contracte des CDS en position "nue" sur sa dette ; la demande accrue de contrats est interprétée par "le marché" comme une aggravation de la dette, d'où une dégradation de la "note souveraine" du débiteur, une hausse des taux sur ses emprunts, ainsi qu'une hausse du prix des contrats puisque le risque aura augmenté ; le spéculateur peut alors, soit revendre ses CDS avec bénéfice, soit en acheter d'autres pour pousser carrément au défaut de paiement et toucher son "assurance", avec un coefficient multiplicateur à plusieurs zéros. On ne peut pas interpréter autrement la spirale qui est en train d'aspirer la Grèce, et avec elle toute la zone euro si jamais la Grèce fait défaut. L'explication par le seul risque systémique bancaire ne suffit pas. L'exposition des banques aux dettes souveraines, telle qu'elle apparaît dans leur bilan (voir ci-dessus), n'est rien en comparaison de leur exposition hors bilan, puisqu'une étude du FMI de novembre 2011 estime le montant au niveau mondial des contrats CDS souscrits pour ces dettes à plus de 37 000 milliards $, plus du double du PIB européen ! Il s’agit bien sûr de flux, dont les multiples allers-retours nourrissent la finance, mais s’ils devaient être « réalisés », lors d’une crise par exemple… C'est cette échelle astronomique qui permet au "marché" de défier les Etats. On en a eu la preuve au détour d'un communiqué lors du sommet de novembre, quand on a appris que les dirigeants du G20 devaient négocier pied à pied avec les banques pour qu'elles acceptent de renoncer à 50% de leurs créances grecques. Pourquoi négocier ? Pourquoi ne pas tout simplement restructurer la dette grecque (auquel cas les banquiers auraient perdu leur chemise) ? Tout simplement parce qu'une telle restructuration aurait été interprétée par les marchés financiers comme un "événement de crédit" susceptible de déclencher le paiement des assurances - et une crise comparable à celle des subprimes.
« Credit Card Nations »
La force de frappe des marchés financiers, on l'a vu, est assez redoutable pour accréditer l'hypothèse d'un effet de dominos qui bousculerait l'un après l'autre les Etats européens. En cet automne 2011, tous les PIIGS européens (c'est-à-dire les "cochons" précités plus l'Irlande) sont dans l'oeil des spéculateurs, et la France aussi probablement, puisqu’en dépit de sa note officielle AAA (on y reviendra), elle "décroche", comme on dit en cyclisme, du peloton nordique, en particulier de l'Allemagne. L'examen des écarts en novembre entre les taux des emprunts à 5 ans des différents pays révèle d'ailleurs les tensions centrifuges qui s'exercent sur la zone euro : Allemagne 1,3%, France 3,04% (un « spread » de près de 2 points, du jamais vu!), Grèce 45,85% (source GECODIA). Le taux grec est extravagant, quand on sait ce que c’est que la loi exponentielle (voir plus loin). D’ailleurs, quand le prix annuel d’une couverture CDS de cinq ans sur 10 000 E d’obligations grecques dépasse maintenant 2 000 E, on doit conclure que "le marché" parie déjà sur un défaut total de la Grèce. Même la « vertueuse » Allemagne commence à avoir des difficultés, puisqu'elle n'a réussi à lever que 3 milliards E sur 6 pour son dernier emprunt à cinq ans. A ce compte-là, les soigneurs rejoindront bientôt les malades dans les hôpitaux de la finance. Il faut dire que la spéculation frappe des pays qui ne se sont pas encore remis de la saignée financière de 2008, le refinancement des banques et les divers plans d’aide ayant fait exploser les limites du « pacte de stabilité » européen : quand les « critères de convergence » de Maastricht fixaient pour chaque Etat un maximum de 60% du PIB pour la dette publique (et de 3% pour le déficit budgétaire), en 2011 même les pays européens les plus riches vont crever le plafond, 81,7% pour l’Allemagne et 85,4% pour la France (à titre d’information : Grèce 162,8%, Italie 120,5%, Irlande 108,1%, Belgique 97,2%, Royaume-Uni 84%, etc. – source : Commission européenne). Une note du FMI prévoit même pour 2014, malgré les proclamations de bonnes intentions des intéressés, des dépassements « à l’italienne », de l’ordre de 120%. Mais faut-il rappeler qu’à partir de 2004, déjà, les critères de Maastricht n’étaient plus respectés ? L’arbre de la crise ne doit pas cacher la forêt de la dette : les déficits sont devenus une maladie chronique des pays développés. On espère ne pas abuser de la patience du lecteur en changeant un moment de continent, mais le patient-zéro de cette maladie, le primo-infecté au sens épidémiologique, on le connaît bien, c’est Captain America. Le 15 novembre dernier, la dette publique américaine franchissait le seuil symbolique des 15 000 milliards $, soit 99% du PIB. Tout aussi symboliquement, la semaine d’après, le « super-comité » mixte du Congrès créé pour définir un plan d’économies budgétaires de 1 200 milliards $ sur 10 ans, était officiellement dissous sans être parvenu à un accord. Comment le pays du « rêve américain » est-il devenu en quelques décennies une « credit card nation » ? Rétrospectivement, on peut faire remonter la bifurcation aux années Reagan. Le président républicain avait été élu pour sortir le pays d’une décennie 70 perçue par les Américains comme une période de déclin (baisse du dollar, inflation, chômage, scandale du Watergate, défaite au Viet Nam, humiliation en Iran…) Il y parvint effectivement, au prix d’une politique néo-libérale agressive s’appuyant sur les multinationales, les délocalisations, la consommation de masse dopée par les importations… et le crédit. Le marketing, les médias et la finance martèlent le triple credo « liquidités-dettes- effet de levier », et c’est Alan Greenspan, nommé président de la Réserve Fédérale au début du second mandat Reagan, reconduit ensuite par Bill Clinton, qui l’entérine par sa politique de cheap money. Paul Jorion a finement analysé la philosophie sous-jacente du crédit considéré comme moteur, non seulement de la consommation, mais de toute l’activité économique. « Il ne gagne que 3 000$ par an… mais il vaut 112 290$ », affirme un prospectus [des années 30 !], comparant les revenus actuels de Jim Jones à ses revenus futurs cumulés selon les principes du calcul actuariel. « Ne serait-il pas sympathique, ajoute l’annonce, que Jim puisse utiliser tout de suite une partie de cette somme ? » Il faut croire que la mantra a fini par imprégner la mentalité collective, puisque des études américaines révèlent ce phénomène étonnant : alors même que les inégalités de revenus n’ont cessé de se creuser (voir plus loin), les statistiques, jusqu’à la crise de 2008, ne montrent aucune hausse significative des inégalités en matière de consommation. Une richesse virtuelle fondée sur le calcul actuariel, mais c’est exactement le mécanisme de base des subprimes (1). Cette attitude, souligne Jorion, s’étend depuis les années 80 à l’entreprise elle-même, « caractérisée par une mentalité d’authentique pillage permanent de sa trésorerie : seront distribués aux actionnaires non seulement les gains immédiats, mais aussi ceux à venir » ([J], pp.64-66). Un exemple frappant est fourni par le scandale Enron, une firme américaine de courtage en énergie, qui attribua par anticipation une centaine de millions $ à deux de ses dirigeants, à valoir sur les gains postulés d’une centrale électrique indienne… qui ne fut jamais construite. Le triomphe du néo-libéralisme dans les années 90 a diffusé dans les économies occidentales ce modèle de credit card nation qui, s’appuyant en outre sur une mondialisation présentée comme « heureuse », a pu prétendre faire de nous tous des consommateurs « gagnants-gagnants », comme on dit. Dans son livre sur la bulle américaine, J-M. Quatrepoint résume le mécanisme en des termes qui s’appliquent à tous les pays qui ont pu croire à la martingale consumériste : « Les multinationales délocalisent en Chine et importent des produits bon marché [dans les pays occidentaux] ; leurs produits défiscalisés alimentent la sphère financière qui peut jouer, grâce aux effets de levier et aux produits dérivés, avec les flux de milliers de milliards de dollars. La baisse du pouvoir d’achat [des Occidentaux] en termes réels est compensée par la masse du crédit (…) La dette globale [des pays occidentaux], privée et publique, enfle. Mais elle est financée par les excédents commerciaux que les Chinois et les pays producteurs de pétrole transforment [en obligations d’Etat].Apparemment, la boucle est bouclée. » ([Q], p.37) La croissance aurait-elle pu nous éviter d’entrer dans ce cercle vicieux ? La croissance, c’est la panacée de l’économie politique parce que le plein emploi apaise les luttes sociales et les recettes alimentent les rouages de l’Etat-providence. Les pays européens ont connu cela, dans la période dite des Trente Glorieuses (grosso modo, de l’après-guerre jusqu’aux premiers chocs pétroliers) où ils croissaient à 5% l’an pour rattraper le niveau de développement américain. Malheureusement s’ensuivirent « Trente Piteuses » de croissance molle et de chômage structurel, et la déprime face aux performances des pays émergents, en particulier de la Chine. Mais le culte de la croissance nous paraît d’une étonnante naïveté : - d’une part, la croissance forte des Trente Glorieuses correspondait à une séquence de rattrapage, on l’a dit, exactement comme pour les pays émergents aujourd’hui. Or il est évidemment plus facile de croître à un taux rapide quand on part de bas, avec des besoins d’investissement à la fois matériels et humains pour soutenir l’activité ; et qu’on part de loin, avec en ligne de mire un « lièvre » dont on peut copier ou adapter les savoirs technique et organisationnel. C’est une autre affaire, une fois atteint un certain niveau , que d’inventer de nouveaux schémas et modes de développement (qu’ils soient ou non justifiés). Les Etats-Unis dans les années 70, le Japon dans les années 90 l’ont appris à leurs dépens. Nul doute que la Chine en fera l’expérience à court ou moyen terme.
- d’autre part, le postulat d’une croissance forte et indéfinie n’est pas recevable. Par définition même du taux de croissance, l’entité qui croît (que ce soit une dette ou un PIB) n’obéit pas à une loi « linéaire » (celle qu’on calcule par la règle de trois) mais « exponentielle ». Or, surtout sur le long terme, la seconde est à la première ce qu’une F1 est à une 2 CV ! Prenons l’exemple bien connu de l’échiquier : la légende raconte que l’inventeur du jeu d’échecs aurait demandé à son souverain, comme récompense, qu’on mette un grain de riz sur la première case, puis deux sur la seconde, quatre sur la troisième, et ainsi de suite. « Rien que cela ? » se serait exclamé le monarque. Il a dû déchanter quand toutes les récoltes de son royaume n’ont pas suffi pour aller jusqu’à la 64ième case ! Autre exemple : pour la Chine, avec son taux de croissance de 10% qui fait fantasmer les politiciens, un calcul rapide - qu’on épargnera au lecteur 3 - montre que son PIB doublerait dans 7 ans, ou encore que dans 21 ans (70 ans si l’on s’en tenait faussement à la loi « linéaire »), il ferait près du triple du PIB actuel de l’UE . Pour pousser les choses jusqu’à l’absurde, dans 98 ans, c-à-d. en l’an 2109, il serait multiplié par 11 389 (il faudrait 163 830 ans en « linéaire »), autrement dit, toutes les ressources du globe n’y suffiraient pas ! La réponse à la question du début est donc qu’elle n’a pas de sens. Que c’est plutôt la trinité « liquidités-dettes-effet de levier » qui a été conçue pour essayer de retrouver le Paradis Perdu de la croissance. Ironiquement, l’un des « shorters » interviewé par M. Lewis (op. cit.) avait proposé, au milieu de l’incompréhension totale de ses clients, d’appeler son fonds d’investissement « Milton’s Opus » 4.
Néo-libéralisme et « marché »
Nous reviendrons plus loin sur les responsabilités des Etats et des citoyens devenus « accros » à la croissance, mais tout ce que nous avons exposé jusqu’ici de la crise converge logiquement vers un réexamen de l’idéologie néo-libérale qui nous régente depuis l’effondrement du « socialisme réel ». Quelle est cette doxa ? Depuis trois décennies que toutes les économies développées du monde s’appuient sur le trépied commun « capitalisme-économie de marché-libéralisme », nous avons fini par mettre inconsciemment ces trois concepts ensemble dans une seule catégorie. Après la chute du Mur, certains théoriciens de « la fin de l’Histoire » se sont même permis d’y inclure la démocratie. Or : « Le capitalisme est un système de répartition du surplus économique (c-à-d. la richesse nouvellement créée) entre les trois grands groupes d’acteurs que constituent les salariés, qui reçoivent un salaire, les dirigeants d’entreprise (entrepreneurs ou industriels), qui perçoivent un bénéfice, et les investisseurs ou actionnaires, qui procurent le capital et perçoivent des intérêts ou dividendes 5. L’économie de marché est le système qui assure la distribution des marchandises du producteur au consommateur, accordant au passage un profit au marchand (les marchands constituant le quatrième groupe d’acteurs). Le libéralisme est une politique visant à optimiser le rapport entre les libertés individuelles et l’intervention de l’Etat dans les affaires humaines en vue de protéger ces libertés » ([J], p.28). Cette dernière définition, somme toute assez neutre, doit être précisée car depuis au moins le siècle des Lumières, le « libéralisme » a revêtu diverses significations, parfois antagonistes. Pour ne pas discuter sur le sexe des anges, on donnera ici à ce mot la signification commune qu’il a aujourd’hui (en dehors du monde anglo-saxon), à savoir une philosophie politique qui, au nom de certaines libertés telles que la responsabilité ou le droit de propriété, veut réduire le champ régalien de l’Etat, quitte à le cantonner au rôle de « veilleur de nuit » ; une pensée économique qui, au nom des mêmes principes, bannit toute ingérence de l’Etat susceptible de perturber « l’équilibre général du marché », où seule doit agir la « main invisible ». Revenons à notre propos. Le libéralisme invoque la « naturalité » de ses revendications, mais se garde bien de préciser les critères permettant de situer le point optimal entre les libertés individuelles et l’action de l’Etat. Comme le note P. Jorion, dans la pratique, le libéralisme fait comme s’il excluait a priori l’hypothèse que l’intervention de l’Etat puisse déjà se trouver à un niveau optimal, encore moins à un niveau insuffisant ; en vertu de quoi elle doit toujours être revue à la baisse -- jusqu’à l’extinction de l’Etat s’il le faut, dans les versions extrêmes que sont l’ultra-libéralisme ou l’anarcho-capitalisme. C’est en tout cas à la tâche de bouter l’Etat hors du « marché » que s’est attelé le néo-libéralisme des années Thatcher-Reagan, quand il a pris la relève des politiques keynesiennes défaillantes. Ses principes, sous-entendus dans le « consensus de Washington » (voir encadré), irriguent, depuis, la « pensée unique » de la gouvernance économique mondiale. TINA, disait la Dame de Fer. Ce n’était pas le nom de sa banquière, mais l’acronyme de sa réponse à toute discussion : « There is no alternative ». Le néo-libéralisme pousse jusqu’au bout le postulat de l’infaillibilité de la « main invisible » : le « marché » est auto-régulé, le chômage est « naturel », l’Etat-providence est responsable de l’inflation et de la perte de compétitivité des entreprises… Sans prétendre être systématique, examinons ces différents points. Le lecteur attentif aura sûrement remarqué, depuis le début, la différenciation typographique que nous faisons entre les marchés(sans guillemets), qui sont des lieux ou des institutions bien repérables où s’effectuent les transactions financières, et le(s) « marché(s) » (avec des guillemets), cette entité indéfinie mais omnisciente dont la théorie libérale nous vante les « anticipations rationnelles ». Paradoxalement, c’est Robert Skidelsky, le biographe de Keynes, qui a donné une explication sociologique pertinente de la croyance libérale dans la rationalité du « marché » : «L’histoire des « anticipations rationnelles » est liée à la nature démocratique du rêve américain. Les marchés, représentant le verdict de millions d’individus poursuivant leur intérêt égoïste, produisent un savoir plus vaste et de meilleure qualité que celui dont disposent les gouvernements (…) Les partisans de l’hypothèse des anticipations rationnelles aiment à souligner le caractère démocratique du postulat de rationalité. Il est fondé sur la loi des grands nombres, qui veut que plus le groupe est vaste, plus il est probable que le choix moyen sera optimal. Il n’existe pas de moyen connu pour un gouvernement d’être plus avisé que la foule dans sa masse ». L’omniscience prêtée au « marché » implique que celui-ci connaît la « vérité des prix », le fondement même des échanges, mais en pratique, quelqu’un a-t-il le numéro de téléphone de l’oracle ? Certains répondent par une tautologie, comme le patron de Goldman Sachs, L. Blankfein, lorsqu’il dut se défendre en avril 2010 contre l’accusation de fraude portée par la SEC (le gendarme boursier américain). Amené à expliquer le rôle du banquier, il le présenta comme réduit à la fonction de « teneur de marché » (market maker), c-à-d. d’intermédiaire commercial entre acheteurs et vendeurs. Selon Blankfeld, non seulement la qualité du produit échangé ne concerne pas (irrelevant) l’intermédiaire, mais l’acheteur non plus ne devrait pas s’en préoccuper, parce que le niveau auquel le marché fixe son prix évalue cette qualité correctement. En fin de compte, ce que l’acheteur « averti » (sophisticated) achète, c’est du risque, et le « marché » fait en sorte -- en principe -- que les intérêts alloués reflètent effectivement le risque encouru. Autrement dit, acheteur et vendeur ne connaissent peut-être pas la vérité des prix au moment de la transaction, mais ils la connaîtront après, à leurs risques et périls (perte ou bénéfice). Tout au plus Blankfeld veut-il bien admettre que pour une évaluation correcte des risques, le marché doit faire montre de transparence (c’est le mot magique néo-libéral qui remplace la réglementation). D’autres rebondissent sur le concept de transparence. Faute d’une information complète, et pour éviter une information asymétrique (le délit d’initié), les marchés ont inventé les notations, confiées à des agences dont le métier est d’évaluer les risques de défaillance suivant des méthodes scientifiques - les fameuses « mathématiques financières » 6 - et d’en donner une classification publique par des notes - les fameuses triples lettres. Par exemple, une obligation notée AAA devrait avoir moins de 1 chance sur 10 000 de défaillir durant sa première année d’existence, BBB moins de 1 chance sur 500, etc. Les trois principales agences de notation, par ordre d’importance décroissant Moody’s, Standard & Poor’s et Fitch, toutes trois basées à New York, profitent d’un monopole de fait ; bien qu’elles ne jouissent d’aucun statut officiel, leurs bulletins de notes (ratings) sont attendus comme les oracles de la Pythie : pour fixer les limites des placements des caisses de retraite ou des assureurs, pour calculer les ratios des fonds propres des banques, pour déterminer les levées de capitaux des banques… et pour faire monter ou descendre les taux d’intérêt des emprunts d’Etat. On connaît cette boutade : « Il existe seulement deux puissances capables de détruire l’économie d’un pays : l’aviation américaine en l’écrasant sous les bombes… et Moody’s en dégradant sa notation ». Bien que les « Trois Sorcières », répétons-le, n’aient aucun statut officiel, des Etats-Unis à l’Union Européenne en passant par les pays émergents, toutes les puissances économiques de la planète reconnaissent leur imperium et tremblent devant leurs oukases. Elles ont abaissé la note des USA et de la moitié des pays de la zone euro, elles ont mis l’autre moitié sous surveillance… et pourtant elles se trompent plus souvent qu’à leur tour, du scandale des caisses d’épargne américaines à la faillite de Parmalat, et pour finir, le fiasco des subprimes. Mais qui les a faites reines (ou sorcières) sinon les Etats eux-mêmes, quand ils ont abandonné leurs prérogatives de régulation et de réglementation pour se soumettre au verdict du « marché » ? Il est pourtant instructif de connaître les avis des acteurs des marchés eux-mêmes, tels qu’ils ont été recueillis par M. Lewis dans The Big Short : pour les traders et autres gestionnaires de hedge funds, « les types qui ne trouvent pas de boulot à Wall Street vont bosser chez Moody’s ». En particulier, concernant les agents chargés de l’évaluation des obligations subprimes, les appréciations vont de « moins pires » à « abrutis finis » (p.134). « Les salles de marché obligataire de Wall Street, remplies de personnes qui gagnaient chaque année des montants à sept chiffres, décidèrent donc d’embobiner lesdits abrutis, qui ne gagnaient que des montants à cinq chiffres, pour qu’ils accordent la note la plus élevée possible aux pires prêts imaginables (…) Ils ne mirent pas longtemps à comprendre, par exemple, que non seulement les gens de chez Moody’s et S&P n’évaluaient pas les prêts immobiliers individuellement, mais qu’ils ne les regardaient même pas. Tout ce que eux et leurs modèles voyaient et évaluaient, c’étaient les caractéristiques générales des assemblages de prêts [des CDO](…) Moody’s et S&P demandaient aux traders qui assemblaient les prêts non pas le score FICO [mesurant la solvabilité individuelle] de chaque emprunteur, mais le score moyen de l’assemblage dans sa totalité ». Or n’importe quel collégien peut comprendre que si un smicard monte dans le même avion que Bill Gates, la moyenne des revenus des passagers de l’avion fait automatiquement du smicard un homme riche. « Les modèles utilisés par les agences de notations étaient truffés de failles de ce genre ». C’est ainsi que les « sept chiffres » réussirent à embobiner les « cinq chiffres » et à faire classer AAA des CDO pourris. Embobiner vraiment ? « A en juger par leur comportement, toutes les agences de notation ne pensaient qu’à une chose : maximiser le nombre de titres qu’elles évaluaient pour les banques d’investissement de Wall Street, et engranger les commissions » (p.202). A titre d’information, en 2011, la marge opérationnelle de Moody’s est de 40%, celle de S&P (la mal nommée) de 43%, celle de Fitch, de 58%. Au vu des témoignages d’incompétence (modèles grossiers, erreurs grotesques), voire de vénalité (course aux commissions, conflits d’intérêts), c’est la note des agences de notation qu’on devrait dégrader. Du coup, la course des politiques derrière le triple A (surtout en France, où le bégaiement AAA résume l’action sarkozyste) devient elle-même suspecte. Après les démentis apportés par les crises aux prétendus bienfaits de la déréglementation, le triple A ne serait-il pas la dernière feuille de vigne utilisée pour masquer, à l’intérieur des Etats, la poursuite obstinée de la soi-disant « révolution libérale » ?
Néo-libéralisme et société
Pour les néo-libéraux, de Milton Friedman à Friedrich Hayek 7, l’ennemi philosophique à abattre, c’est l’Etat régulateur et répartiteur. Un titre de Hayek,Misère de la justice sociale, ne laisse aucun doute à ce sujet. Mais on ne peut discuter sérieusement de justice sociale sans se pencher d’abord sur les contradictions internes de la formule fondatrice du pacte républicain, « Liberté, égalité, fraternité ». Admettons, même en l’absence de perfection, que les libertés individuelles sont acquises et protégées par l’Etat de droit dans les démocraties modernes. Reste que le principe d’égalité n’est pas contenu dans celui de liberté. C’est un débat ancien, puisque Lacordaire s’écriait déjà en 1848 : « Entre le fort et le faible, entre le riche et le pauvre, entre le maître et le serviteur, c’est la liberté qui opprime et la loi qui affranchit ». Or dans une société fondée sur le capitalisme et l’économie de marché, l’inégalité première, c’est bien entendu celle des revenus, plus précisément, l’inégalité de la répartition entre les producteurs de ce qu’on a appelé plus haut le surplus économique. Le seul revenu du salarié provient de la location de sa force de travail. Ne pas confondre avec son travail, celui qui crée le surplus, la différence constituant une plus-value que se partagent les trois autres acteurs, le capitaliste (dividendes), l’entrepreneur (bénéfices) et le marchand (profits). Ceux qui douteraient de la pertinence de la notion de plus-value n’ont qu’à tourner leur regard vers « l’atelier chinois du monde » pour en trouver l’illustration la plus crue. Dans le partage du surplus économique, qui se fait en fonction de rapports de forces, c’est la position du capitaliste qui prédomine, selon le principe simple que traduit l’adage populaire « L’argent appelle l’argent », et ce mécanisme conduit automatiquement à ce qu’on appellera par commodité une accumulation du capital (5), au sens d’une augmentation des stocks de capitaux et de leur concentration entre les mains d’un nombre de plus en plus restreint de capitalistes. Dans la société néo-libérale qu’on a vue se développer au cours des Trente Piteuses, la position du salarié, à l’inverse, n’a pas cessé de s’affaiblir, à cause de la conjonction de plusieurs facteurs : - la raréfaction du travail dans les pays développés, due à la fois au progrès technique (automation, informatisation) et à la délocalisation (la globalisation permettant d’accéder à une réserve inépuisable de force de travail, l’emploi devient une « variable d’ajustement ») - la montée en puissance du secteur marchand, suite à la mondialisation du commerce, et qu’atteste par exemple, dans les économies développées, le poids acquis par la « grande distribution » - le développement d’un nouveau type de capitalisme, dit « actionnarial », en général étroitement associé à la finance, et qui efface les frontières définies plus haut entre capitalistes et entrepreneurs en alignant, par le biais des « stock options » et autres incitations, les intérêts des seconds sur les premiers - l’effondrement du « socialisme réel » qui a fait disparaître, non pas un contre-modèle (c’était plutôt un repoussoir), mais un contre-poids, il faut bien le dire, dans un rapport de forces Ainsi, au lieu que la richesse créée par le progrès technique et la globalisation profite à l’ensemble de la société, elle a été en réalité captée par une fraction seulement des acteurs économiques. Face à cette coalition, jamais le monde salarial ne s’est retrouvé aussi démuni, et la classe moyenne « se vide par le bas ». L’inégalité accrue dans la répartition du surplus peut se lire par exemple dans une étude de Michel Husson (citée dans [J]) sur la rentabilité des grands groupes français sur la période 1992-2007, où il apparaît que l’augmentation de la rentabilité est due pour l’essentiel à un recul considérable de la part des salaires dans la valeur ajoutée, de 66,4% à 54,8%, soit une baisse de 11,6 points. Au sujet des inégalités tout court, le livre de Thierry Pech, Le Temps des Riches ([P]), révèle des statistiques proprement renversantes (INSEE, 2008). Prenons comme point de référence lerevenu médian français, c-à-d. celui qui sépare la population en deux parties égales [ne pas confondre avec le revenu moyen ; voir plus haut], et qui est d’environ 1 600 E par mois et par personne (après impôts et prestations sociales). En suivant Eurostat et en fixant le seuil de pauvreté à 60% du revenu médian, on trouve en France -- la seconde économie européenne -- près de 8 millions de pauvres, soit environ 13% de la population. Pour la richesse, il n’y a pas de seuil Eurostat, mais l’INSEE définit arbitrairement les bénéficiaires de hauts revenus (délicatesse de langage) comme étant ceux qui font partie des 10% les plus aisés de la population. Notons qu’il est question seulement de revenus, pas de patrimoines. Surprise : on entre dans le « top 10% » français à partir de 3 000 E par mois, soit un peu plus du double du revenu médian, un seuil d’accès somme toute assez modeste. Mais ce n’est qu’un seuil minimal, au-dessus duquel l’échelle des revenus explose littéralement : « top 5% », 5 400 E ; « top 1% », 10 000 E (580 000 personnes environ) ; « top 0,01% », 82 000 E (5 800 personnes environ). Sans surprise, la dernière tranche, l’élite des élites, est constituée à 50% de cadres de la finance. Et l’on ne parle ici que des revenus déclarés. Comme le dit Pech, « on n’approche pas de la véritable richesse en gravissant un à un les degrés réguliers d’une échelle, car tout en haut, c’est la continuité de l’échelle qui est rompue » ([P], p.29). L’égalité, c’est entendu, ne peut pas figurer dans l’ADN d’une société où un individu peut gagner en un an ce qu’un autre ne gagnera pas en une vie. Mais les néo-libéraux (et les sociaux-libéraux à la Blair) ont une réponse toute prête pour justifier l’inégalité : c’est la thèse du « ruissellement » (trickle down), formalisée par John Rawls en 1971 dans A Theory of Justice, qui soutient en gros qu’un accroissement des inégalités demeure acceptable si l’effet dynamique produit par la concentration des richesses profite aussi in fine aux pauvres, par le biais de la création de nouvelles entreprises, de nouvelles industries, de nouvelles richesses. En termes imagés, la richesse « ruisselle » du haut de la pyramide vers le bas. Soit, acceptons de discuter de cette « loi hydraulique » du strict point de vue de l’efficacité économique. Que constate-t-on en regardant l’histogramme du développement des pays riches ? Contrairement aux promesses du « ruissellement », la croissance des hauts revenus et celle de l’économie globale se font en sens inverse l’une de l’autre: ainsi de 2001 à 2007, les revenus des Français ont augmenté de 9% à la base et de 40% à la pointe, alors que le rythme global de l’économie a reculé de 0,7 point par rapport aux 7 années précédentes. En remontant le temps sur une plus longue période, l’étude de Thomas Piketty sur Les hauts revenus en France au 20ème siècle (citée dans [P], p.49) montrent, alors que les deux guerres mondiales avaient « euthanasié les rentiers », que les hauts revenus se remettent à progresser pendant les Trente Glorieuses, mais moins vite que le taux de croissance (5,5%) de l’économie, puis, plus vite que ce taux pendant les Trente Piteuses. Une étude analogue de Piketty et Saez (op. cit.) révèle la même évolution aux USA, où, à partir des années 80, les inégalités américaines ont retrouvé en deux décennies le niveau qui était le leur à la veille de la Première Guerre. On peut penser raisonnablement que l’accumulation du capital, au sens défini plus haut, rompt l’équilibre délicat entre production et consommation qu’une économie de marché capitaliste est constamment obligée de maintenir sous peine d’inflation ou de chômage. La concentration excessive de stocks de capitaux équivaut indirectement à une moindre disponibilité, et l’énormité de ces stocks amène les investisseurs, pour qu’ils ne se déprécient pas du fait de l’inflation, à les placer sur le marché financier – ce qu’ils font d’autant plus volontiers que dans une économie post-industrielle, les profits proviennent plus des flux financiers autour d’un produit que du produit lui-même. Cet argent soustrait à la consommation, d’une part alimente la spéculation sur les fluctuations de prix, d’autre part engendre une conjoncture de surproduction qu’il faut combattre par une politique concertée de « consumérisme » (publicité et crédit). Or la grande masse des consommateurs reste celle des salariés, dont une partie des revenus, déjà rognés (voir plus haut), sera ainsi divertie en paiement d’intérêts, qui diminueront d’autant le pouvoir d’achat… et augmenteront d’autant l’accumulation du capital. La boucle est bouclée, et si vraiment « ruissellement » il y avait, ce serait un ruissellement vers le haut, défiant les lois de la gravité. Sans même parler d’Etat-providence, la mission de tout Etat digne de ce nom serait de chercher à réguler n’importe quel mécanisme susceptible de gripper le fonctionnement de son économie. Il devrait donc par exemple freiner la concentration des richesses précédemment constatée par une politique fiscale efficace. Or, dans l’Etat libéral, on constate l’inverse, de Reagan-Thatcher à Chirac-Sarkozy. Pour une fois on n’ennuiera pas le lecteur avec des chiffres, le phénomène central étant ici que « le formidable relâchement du frein fiscal sur les plus aisés depuis vingt ans est le fait de décisions politiques, non seulement parfaitement démocratiques, mais bien souvent soutenues par un refus largement répandu de l’impôt. Cette contradiction qui traverse l’ensemble du corps social est la signature de notre temps. Elle met aux prises les imaginaires de la solidarité et de la compétition » ([P], p.13). La solidarité remplace le mot un peu daté de fraternité dans la devise républicaine. Elle accompagne la lente genèse de la « société salariale » comme réponse à la vulnérabilité des prolétaires du 19ème siècle et du début du 20ème : le développement du droit du travail (épaulant le salarié dans son rapport de force inégal avec son employeur), la création de grands collectifs protecteurs (confédérations, syndicats), la construction d’assurances sociales (contre la maladie, les accidents, le chômage)… c’est tout cela qui a donné son autonomie à « l’individu salarial ». Mais dans la société néo-libérale, « cet équilibre entre quête d’autonomie et appui de collectifs protecteurs a été rompu, engendrant une nouvelle mutation de l’individualisme » (op. cit.). Parfaitement incarné dans le Bernard Tapie des « années-fric », ce nouvel avatar est un « individualiste compétiteur » dénué de toute consistance morale, lesté d’un appétit obstiné de richesse mais délesté de toute idée de dette sociale. Quelle est donc cette dette sociale ? Le philosophe du 19ème siècle Léon Bourgeois (cité dans [P]) la définit comme étant l’immense « outillage matériel et intellectuel » où peut (doit) puiser chaque individu qui vit au sein d’une société : l’agriculture qui le nourrit, les bâtiments qui l’abritent, l’école qui l’instruit, la médecine qui le soigne, la connaissance scientifique et philosophique qui l’élève au-dessus de l’état de nature… Dès sa naissance, l’individu social monte sans s’en apercevoir sur les épaules des géants qui l’ont précédé, pour paraphraser la formule célèbre de Newton. Passant de l’individu à l’entreprise, on remarque pareillement que le développement économique, même du point de vue libéral, ne se fait pas ex nihilo, mais en s’appuyant sur les infrastructures sociales d’un Etat-nation, qui fournissent le capital humain (éducation, santé publique) et les institutions (marché organisé, Etat de droit), deux apports sans lesquels le capital ne serait que de l’argent qui dort (comparer par exemple l’Afrique du Sud et le Swaziland). En résumé, aucun individu vivant au sein d’une société, aucune entreprise se développant dans cette société ne peuvent se prétendre déliés de toutes les interactions humaines. Or c’est une telle déliaison de la solidarité qui est implicitement à l’œuvre dans le culte néo-libéral de la performance et de la réussite 8. La société ultra-libérale, ce sera celle que redoutait Oscar Wilde, où « tout a un prix et rien n’a de valeur ».
Crise de l’euro, de l’Europe ou de la démocratie ?
D’après ce qu’on vient d’exposer de ses mécanismes, la crise des dettes souveraines est une continuation directe de celle des subprimes, elle-même engendrée par les excès de la finance, elle-même dérégulée par la pratique néo-libérale. Mais la spécificité (apparemment) européenne de la crise ne manque pas de dérouter. * Ce n’est pas une crise de l’euro à strictement parler, puisque la monnaie n’est pas attaquée directement. Depuis des mois que la crise s’est déclenchée, l’euro continue à naviguer aux alentours de 1,35 $, alors que, rappelons-le, sa parité à sa création était de 1,16 $, et qu’à l’occasion de certaines crises, elle avait pu descendre en dessous de 0,9 $. Ce à quoi la spéculation s’en est prise, on l’a vu, c’est la dette publique des pays de la zone euro, à commencer par les maillons faibles tels que la Grèce ou l’Irlande. Mais c’est techniquement devenu une crise menaçant l’existence de l’euro quand sont apparus, au fil des assauts des marchés, les défauts structurels cachés dans la construction de la monnaie européenne. La question-clé est la suivante : comment se fait-il que des pays en aussi mauvaise posture, sinon pire, que la zone euro, ne soient pas attaqués ? La dette publique américaine atteint 100% du PIB, dans le même temps que démocrates et républicains s’écharpent au Congrès sur les dépenses sociales à couper ou les impôts à relever. Le Japon, qui détient le record du monde de la dette, 220% du PIB, n’arrive toujours pas à se sortir de deux décennies de stagflation. En Europe même, la Grande-Bretagne, pourtant troisième puissance économique, a tous ses voyants dans le rouge : dette, 84% du PIB ; déficit, 9,4% ; chômage, plus de 8% de la population ; croissance, 0,6%, après deux années de récession. L’agence Moody’s a dégradé les notes américaine et japonaise, elle a mis le Royaume-Uni sous surveillance. Et pourtant les « marchés » ne manifestent aucune velléité de monter à l’assaut. La crise des dettes souveraines porte mal son nom, si l’on ne précise pas qu’il s’agit des dettes de l’Euroland. Les autres pays -- y compris le R-U, qui n’est pas dans cette zone – disposent, eux, de « l’arme atomique » : leur Banque Centrale, qui peut racheter leurs dettes sur le marché secondaire, au besoin en créant de la monnaie. C’est le mécanisme qu’on appelle dans le jargon la monétisation, ou « l’assouplissement quantitatif » (quantitative easing), ou plus vulgairement la planche à billets. On en devine aisément le risque inhérent : la création de monnaie n’ayant de contre-partie dans aucune richesse réelle engendre à terme l’inflation, et si la machine s’emballe, l’hyperinflation, comme celle que l’Allemagne a connue dans les années 1923-24 et qui a contribué à l’effondrement de la république de Weimar et à l’avènement du nazisme. Mais ce risque ne vaut-il pas la peine d’être couru en cas d’urgence ? Depuis des lustres, la Réserve Fédérale américaine (la FED) manie la « planche à billets » avec une maestria reconnue. Pourquoi la Banque Centrale européenne (la BCE) n’en ferait-elle pas de même ? Parce que ses statuts (contenus dans le traité de Lisbonne) le lui interdisent. Son rôle premier officiel (souvenir des années 20) est de surveiller l’inflation, point. Depuis le début de la crise, elle est intervenue ponctuellement pour faire baisser les taux par des rachats sur le marché secondaire, mais ses capacités d’intervention sont limitées par l’obligation de « démonétisation » (reverse repo dans le jargon), c-à-d. de neutralisation, d’une façon ou d’une autre, de l’équivalent de la monnaie qu’elle a injectée par ses acquisitions. On voit clairement l’impasse dans laquelle l’Euroland s’est enfermé. * Pour l’observateur extérieur, une solution à court terme serait visiblement un changement du statut de la BCE pour lui permettre d’intervenir par « monétarisation ». Une autre solution proposée serait la possibilité d’émettre des « euro-obligations » (des obligations européennes qui remplaceraient les obligations des Etats séparés), ce qui reviendrait à « mutualiser les dettes ». La solution finalement retenue en octobre 2011 fut la réactivation du Fonds européen de stabilisation financière (FESF), un organisme créé en 2010, qui disposera des prérogatives toujours refusées à la BCE : outre les rachats sur le marché secondaire, ce fonds pourra acheter des obligations sur le marché primaire, c-à-d. auprès des Etats ; il pourra aussi accorder des prêts directement aux Etats ; il sera doté d’une force de frappe de 1000 milliards E, qu’il financera en émettant des obligations garanties par les Etats de la zone euro, ou en empruntant directement à la BCE. On se gardera bien, étant profane, d’émettre le moindre avis sur l’une ou l’autre solution. On se bornera à noter que le montage de cette usine à gaz, qui ne fonctionnera pas avant fin 2011, a nécessité l’accord, l’un après l’autre, des dix-sept Parlements de l’Euroland, et que la minuscule Slovaquie a failli tout faire capoter pour des raisons de basse politique (l’opposition voulant en profiter pour faire tomber le gouvernement). On touche ici du doigt l’un des défauts structurels de fonctionnement de l’UE, la nécessité de prendre des décisions par consensus. S’agit-il d’une maladie infantile ou déjà d’une maladie sénile ? A ce stade, ce que révèle la crise de la dette, c’est bien une crise de gouvernance européenne. Dans le passé, la construction européenne a toujours avancé par ébranlements successifs. Cette fois, l’ébranlement risque d’être cataclysmique. Quoi qu’on en pense, la zone euro est quand même le cœur de l’Union européenne : si elle explose, c’est l’Union qui éclate, c’est l’économie mondialisée qui vacille, c’est le retour aux frontières, aux dévaluations compétitives, à la guerre commerciale… L’existence d’un semblant d’exécutif aurait peut-être permis de régler le problème grec avant qu’il dégénère. Encore eût-il fallu à la barre un capitaine à la hauteur, qui indique un cap et une vision, ce qui n’est certainement pas le cas du capitaine Merkozy. On nous annonçait une « refondation de l’Europe », on eut droit à une « union budgétaire », une mouture renforcée du « pacte de stabilité ». Ce qui nous promet à moyen terme un marathon parlementaire à 27 ou 26, ou 17 ; à court terme, rien. On est en droit de soupçonner des arrière-pensées de politique intérieure. Comme s’il était urgent de réparer -- lentement -- le toit alors que la maison flambe ! On ne sait pas trop comment se dénouera cette crise, même si l’on espère que ce ne sera pas dans le malheur des peuples. Mais à l’heure d’aujourd’hui, elle aura eu au moins un effet positif : l’éveil d’une certaine conscience politique populaire, jusque-là anesthésiée par le consumérisme. Deux facteurs ont pu jouer : le sentiment d’injustice face à la « rigueur » ; le sentiment de révolte né de l’impuissance face aux « marchés ». * Il ne faut jamais sous-estimer le sentiment d’injustice : voir la brioche de Marie-Antoinette ou le pot de chambre en or de Gogol 9. Que les peuples aient vécu « au-dessus de leurs moyens », peut-être, encore que, contrairement aux « acheteurs avertis » de Blankfein, ils ne savaient pas forcément, en votant, ce qu’on leur vendait comme politique de consommation. Que l’austérité, rebaptisée « rigueur » (un mot avec une connotation morale, faut-il le remarquer) constitue la seule voie de sortie, parce que TINA, soit. Mais la rigueur inégalement partagée, non. Les salariés subissent la crise deux fois plutôt qu’une : sous la forme d’un impôt qui a cessé d’être progressif, et sous la forme de prestations sociales en baisse. Alors que les plus fortunés, non seulement l’Etat leur fait des cadeaux fiscaux (bouclier fiscal, niches fiscales, allègement des droits de mutation…), mais il évite en quelque sorte de les fâcher quand, au lieu de les taxer, il leur emprunte leurs fonds à des taux qui les enrichissent encore plus. On a vu récemment le gouvernement français bricoler des rognures, l’expression n’est pas trop forte, pour récolter quelques centaines de millions, alors que les 500 niches fiscales en France représentent au moins 145 milliards E, soit plus de la moitié des recettes nettes de l’Etat (rapport de la Cour des Comptes). Rien que l’exploitation de ces gisements fiscaux aurait pu permettre une autre médecine qu’une austérité qui risque d’étouffer toute possibilité de reprise. Nombre d’économistes nous répètent à longueur de pages et d’antenne que la vraie raison de la crise réside dans la stagnation des salaires due à un détournement du surplus économique (voir plus haut) et que la vraie solution au manque de revenus n’est pas dans la substitution du crédit aux salaires. Le « bon peuple » commence intuitivement à le comprendre, qui manifeste et se met en grève pratiquement toutes les semaines contre TINA, en Grèce, en Espagne, en Italie, en Belgique et même en Grande-Bretagne (une première en cent ans, shocking, n’est-il pas ?) * On se souvient en France du fameux « discours de Toulon », qui avait permis à Sarkozy en 2008 de gagner vingt points dans les sondages. Il promettait rien moins que de refonder le capitalisme : « La dictature des marchés, c’est fini ! La finance sauvage, c’est fini ! Les paradis fiscaux, c’est fini ! ». Trois ans après, rien n’a changé, sinon en pire. Les paradis fiscaux se sont tous extraits de la liste « noire » ou « grise » par un tour de passe-passe (coopérer pour la transparence… entre eux). Aux USA, malgré les espoirs suscités par Obama, le « lobby Goldman Sachs », en plaçant ses hommes (tels que Larry Summers ou Tim Geithner ; voir e.g. [Q]) au plus haut niveau du Trésor américain, a permis à Wall Street de l’emporter sur « Main Street ». A l’échelle mondiale, le système bancaire menaçant de s’écrouler, les Etats se sont portés à son secours et sont tombés à sa suite ; les banques sont sorties du trou, pas les Etats. Au Parlement européen, les lobbies ont tué dans l’œuf toutes les tentatives de réglementation des agences de notation. Enfin, cet automne, on peut dire que les « marchés » ont fait la preuve de leur puissance politique en forçant à la démission le Premier ministre grec et le Président du Conseil italien (ce que n’avaient pu faire des dizaines de manifestations et des centaines de milliers de manifestants). Quel était le crime du premier (Papandréou) ? Il avait voulu consulter le peuple sur une question qui engageait l’avenir de son pays. Révulsion de tout le gratin du G20 devant la seule évocation de la vox populi. Certes le référendum annoncé était mal pensé, mal préparé, mal venu (démocratie directe rime souvent avec démagogie, surtout en période trouble), mais il venait opportunément rappeler que la construction européenne s’était faite jusque-là plutôt dans la technocratie que dans la démocratie – témoin le traité de Lisbonne (voir encadré), qui contourna purement et simplement le non au référendum constitutionnel de 2005. On ne regrettera pas le départ du second (Berlusconi), mais qui est son remplaçant ? Mario Monti, un technocrate et un ex de Goldman Sachs. Et l’autre Mario, le nouveau président de la BCE ? Mario Draghi, un technocrate et un ex de Goldman Sachs. Quand les politiques se mettent à la remorque des « marchés », il y a danger pour la démocratie. Peut-être que financiers et politiciens doivent être tous mis dans le même sac. Peut-être qu’ils ont raison, les « Indignés », ces mouvements inorganisés de citoyens qui occupent les places les plus symboliques des cités pour réclamer, eux, les 99% du peuple (We are the 99), la « démocratie réelle ». On a dit plus haut ne pas souhaiter que cette crise se dénoue dans le malheur des peuples. Mais si à quelque chose malheur devait être bon, ce serait paradoxalement le libéralisme lui-même qui nous montrerait comment se suicider par ses propres excès. NGUYEN QUANG
Bibliographie : [J] Paul Jorion : Le capitalisme à l’agonie, Fayard, 2011 [L] Michael Lewis : Le casse du siècle (The Big Short), éd. Sonatine, 2010 [P] Thierry Pech : Le temps des riches -- Anatomie d’une sécession, Seuil, 2011 [Q] Jean-Michel Quatrepoint : La dernière bulle, éd. Mille et une Nuits, 2009
1 Voir « De 1929 à 2008 » 2 La « pyramide » ou « chaîne de Ponzi », du nom de son « inventeur », Charles Ponzi, qui spéculait vers 1920 à New York sur les timbres-poste internationaux, est un montage financier frauduleux qui consiste à rémunérer les capitaux des premiers clients en siphonnant ceux des derniers, jusqu’à ce que la machine coince faute de flux entrants suffisants. Le système est si primitif que même les collégiens le connaissent, sous le nom « d’avion » ou « parachute ». Il a pourtant permis à Bernard Madoff, un financier de New-York, d’escroquer ses investisseurs de plus de 60 milliards $. Depuis que le scandale a éclaté à l’automne 2008, les personnages inspirés de Ponzi-Madoff font le bonheur des séries télévisées américaines (Damages, saison 3 ;Boardwalk Empire, saison 1…) 3 Mais pas aux mathématiciens, à qui l’on rappelle que le logarithme de 2 est égal à 0,7 approximativement. 4 John Milton (1608-1674) est l’auteur du célèbre poème épique Paradise Lost (1667). 5 Certains marxistes ne seront peut-être pas d’accord. 6 Les « mathématiques financières », version moderne et sophistiquée du « calcul actuariel » dont se servent les compagnies d’assurance pour évaluer les risques, utilisent les outils les plus avancés de la théorie des probabilités (processus stochastiques, processus de Lévy…), mais leur pertinence, c-à-d. leur applicabilité à la réalité financière, est douteuse. Témoin la crise des subprimes, où les modèles mathématiques n’ont rien vu venir. Notre avis personnel est que ces grigris - pour rester courtois - servent simplement d’alibis à la spéculation financière. 7 Tous deux nobélisés. Mais il convient de noter qu’un nombre non négligeable de prix Nobel d’économie ont créé ou cautionné des fonds d’investissement qui ont fait faillite par la suite. Ceci relativise cela. 8 La fille d’un ami, fraîchement entrée à HEC, a découvert avec étonnement des « ateliers de discussion » où des groupes d’élèves s’entraînent tout à fait officiellement à « tuer (oralement) l’adversaire ». Dans le même ordre d’idées, un journaliste financier londonien, interrogé sur les dangers de la crise, s’est fendu de la fable suivante : « Un groupe d’amis se promène dans la forêt. Il est attaqué par un ours féroce et affamé. Tout le monde s’enfuit en courant, mais le plantigrade est bien plus rapide que les bipèdes. Conclusion : l’important n’est pas de courir plus vite que l’ours, c’est de courir plus vite que ses amis ». 9 Aux miséreux qui réclamaient du pain, la reine Marie-Antoinette aurait répliqué : « Qu’ils mangent des brioches ! » Dans une des ses nouvelles, Gogol raconte que des moujiks se sont révoltés quand ils ont appris que leur boyard s’était offert un pot de chambre en or. On peut aussi rappeler que Marie-Antoinette a trouvé une émule en Christine Lagarde, l’ancienne ministre française de l’Economie et des Finances, qui conseilla aux automobilistes, dont la hausse des prix des carburants grevait le budget, d’aller à leur travail à bicyclette.
|
Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340
diendan@diendan.org - Contributeurs