GHI CHÉP ÁPRILIS -2019

A képen a következők lehetnek: 1 személy, óceán, égbolt, túra/szabadtéri, víz és természet

Tỉnh dậy nhận được một lá thư dịu dàng. Chỉ những người nghiêm túc biết viết một cách dịu dàng như thế. Chỉ những cuộc đời nghiêm trang mới cần đến những người nghiêm túc. Thẳng thắn, ấm áp, ân cần trong khoảng cách, ăm ắp tri thức tự thân không bao giờ ép buộc cũng như hạ mình trước người khác, những người nghiêm túc giống như tia nắng mặt trời mỗi buổi bình minh, may mắn kết bạn với họ, ta sẽ hướng cuộc đời ta vào một cuộc chơi nghiêm trang cần thiết vì không thể thoát khỏi thế gian khi đã sinh ra.

( 2019.marcius.30)

Hôm qua tôi dạo chơi và dừng lại trước một cây liễu rủ ven hồ. Gió không ngừng thổi đến từ phía chiếc cầu gần đấy khiến cành liễu luôn luôn xao động, ai đi qua cũng không thể rời mắt khỏi nó. Tôi ngồi xuống chiếc ghế vô tình đặt xa xa trước mặt cây liễu, vừa chìm đắm trong nắng ấm lan tỏa khắp người, vừa ngắm liễu đung đưa như những cô thiếu nữ xinh đẹp đang múa.

Một đôi uyên ương dừng lại trước cây liễu, ngắm chán chê, họ nhìn quanh rồi rụt rè lại gần, nhờ tôi chụp ảnh họ đứng trước cây liễu, tôi chụp. Rồi họ đi, lại một đôi khác đến, lại nhìn quanh, thấy tôi, lại rụt rè và tươi cười nhờ chụp...Rồi lại một đôi khác...

Ô! hạnh phúc của kẻ đơn độc là giúp những kẻ có đôi chăng?

Chả biết, nhưng nếu tôi không từ biệt cây liễu để đi chơi lang thang tiếp, chắc tôi sẽ phải làm một nhiếp ảnh gia bất chợt đến mai.... hahahaha.....

https://scontent.fbud5-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/57209053_839330736421641_6549733476092870656_n.jpg?_nc_cat=103&_nc_ht=scontent.fbud5-1.fna&oh=945425535395e3f3838c72ea74a446c8&oe=5D6E2E6B

Buổi chiều, ra đảo chơi. Mới lập xuân cây vẫn còn xơ xác, nhìn kỹ lá non đang nhú, nhưng hoa đã nở khắp nơi, có những loại hoa chỉ khi hoa tàn lá mới đơm, cứ như thể nó vội vã nở để nhắn bầu trời xanh trong trẻo hãy ấm nhanh lên, nếu không con người sẽ tự vẫn hết vì trầm cảm đông.

Và quả thật con người vẫn chưa tin cái lạnh sẽ không còn quay lại, họ rụt rè đổ ra đường, buổi sáng thưa thớt, nhưng buổi trưa khi nắng rắc ánh sáng trắng ngọc ngà lên các rặng cây và lũ hoa vàng, hồng, tím, trắng...cười toe toét hai bên đường ra sông, trong các con phố, lúc đó mọi người mới hoan hỉ kéo nhau đi từng đoàn.

Hình như nửa thành phố đổ ra đảo. Dưới những cây hoa rực rỡ toàn người là người, máy ảnh, điện thoại lăm lăm trong tay, kẻ nọ đợi kẻ kia rời bỏ nụ cười dưới cái gốc cây chật chội để thay thế nhau, nhìn thương quá, nó bèn bỏ con đường phía trong, đi về phía bờ sông vắng thưa thớt.

Nước sông quá cạn, không đủ cho lũ vịt giời cùng hải âu đùa bỡn, tranh giành, chúng trốn sạch, chỉ còn những tia nắng lóng lánh nhảy nhót trên mặt nước cạn xa lắc dưới kia. Bỗng nó nhìn thấy một người phụ nữ loay hoay với cái mobil muốn tự chụp ảnh, nhưng lại sợ mép bờ đá hẹp sỏi đá thấp cao, nó bèn chạy đến:

- Chị có muốn tôi chụp giúp không?

- Ôi tuyệt quá, tôi có một mình nên đang không biết làm thế nào...

Và thế là hai sự một mình chụp ảnh lẫn cho nhau. Thậm chí sau đó còn mời nhau cùng đi lang thang thưởng thức xuân trên đảo. Nó thuộc hòn đảo này như lòng bàn tay, nên gợi ý người bạn gái tình cờ nên đi chỗ nọ, xem cái kia, ngắm cái này...

- Chị biết không, đảo này rất nhiều tượng, chúng ta sẽ thăm hỏi một loạt các nhà văn Hung già trẻ lớn bé nhá....

Đấy là một người phụ nữ Ba Lan, dù ở đây đã lâu nhưng không học nhiều về văn học nghệ thuật xứ này như nó, nên nó tha hồ đóng vai trò hướng dẫn viên du lịch.

Cả đảo ăm ắp người, nhưng hồn cây vẫn lớn hơn, mạnh hơn, vì đâu đâu cũng là những thân cây vĩ đại hàng trăm tuổi nên con người cảm thấy mình bé nhỏ, như được bảo vệ và âu yếm, họ lang thang chậm rãi như những đàn kiến trên những con đường vòng vèo khuất dưới những rặng cây.

Kỳ lạ, sống đến một độ tuổi nào đó, con người quen nhau rất nhanh, nói với nhau rất ít thông tin, ngắn gọn và trực tiếp nhưng lập tức hiểu nhau. Nó và người phụ nữ dừng lại giữa đường, lúc này mới chìa tay cho nhau và tự giới thiệu tên, nghề nghiệp, cả hai đều dạy học.

- Chị có cảm thấy cô đơn không?- người phụ nữ hỏi- Tôi một mình đã 12 năm rồi, và sáng nào tôi cũng ước có một người cùng ngồi ăn sáng, uống cafe với tôi.

- Không - nó trả lời. Tôi 10 năm rồi, có lẽ tôi có bạn là sách nên tôi không hình dung nổi tự dưng có một ai đó bên cạnh, nhất là phải nói chuyện nhiều với nhau, tôi không thích nói nhiều...

- Ồ, có lẽ chúng ta không bình thường mất rồi...

- Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó, tôi chưa bao giờ hết cái để nghĩ nên không nghĩ đến bản thân, chúng ta đi về phía tu viện của công chúa Margit đi, tôi thích đến đấy lắm....

Và cứ thế hết buổi chiều, đến gần tối, cả hai chia tay nhau giữa bãi cỏ đang còn trụi, mênh mông

- Tạm biệt, thể nào chúng ta cũng sẽ còn gặp nhau

- Tạm biệt, tôi cũng tin thế, chị vui nhé....

Mùa xuân. Mới bắt đầu mà.

( 2019. marcius. 31.)

Cần lưu ý đến những hình ảnh tượng trưng của đời sống, bởi suy cho cùng đời người cũng chỉ là một tượng trưng giai đoạn của sự sống mà thôi. Tôi yêu quý buổi sớm mai vì thế, khi mặt trời lên, cơ thể phục hồi sau một giấc ngủ, lúc đó không chỉ niềm cảm hứng giúp ta làm rất nhanh những công việc tinh thần, mà còn động viên ta sống nốt một ngày trọn vẹn trong sự cân bằng cần thiết. Bởi thường chiều tối, nếu phải đi làm, lúc đó tất cả những gì trong môi trường mình đang sống đều bày ra mọi khía cạnh chán chường tiêu cực của nó, cộng với một thân xác rã rời mệt mỏi, ai có thể vui và sáng tạo được cơ chứ? Tuổi thanh xuân như buổi sớm mai và tuổi già như buổi hoàng hôn, hãy cố gắng chú ý để cân bằng chúng mà sống cho tốt...

( 2019. április 02)

Chiều, đợi một bà" giờ cao su" nổi tiếng, biết còn lâu bà ta mới đến nên phải tìm cách tự tiêu khiển, bèn chọn một chỗ nắng ngồi đợi, những chỗ này thường rất đông người ngồi, phần vì nắng chiếu ấm áp, phần vì nhìn thẳng ra một cái sân chung đông đúc người, xe qua lại, tha hồ ngắm. 

Trong gần một tiếng đợi chờ đếm ít nhất có 4 kẻ "không may mắn" đến kể lể gạ gẫm các loại xin từ chàng trai ngồi cạnh mình. Đầu tiên chúng nhìn mình, mình lắc đầu tỏ vẻ tao không biết tiếng, thế là lần lượt từng đứa"ca cẩm" chàng thanh niên trẻ trung, mặt tỉnh bơ đeo ba lô đang ngồi bấm mobil (như mình). Tất nhiên chúng ta cùng lần lượt nghe chung các màn trình diễn về sự "không may" của các đương sự, mà đoạn cuối bao giờ cũng là: nếu anh có lòng tốt giúp tôi...

Cái hay ho nhất là hành vi ứng xử của bọn tây với nhau. Bọn đi xin cứ việc kể lể, bọn bị xin cứ việc nghe, đôi bên nhẫn nại y như nhau, không co kéo, chả lắc đầu, không vội vã cũng chả xua đuổi hay bực bội. Có lúc mình suýt phì cười vì những đoạn trình diễn cùn, kiểu: mày có ít cho tao ít mày có nhiều cho tao nhiều (khác nào: nếu chỉ có tiền chẵn đưa đây tao đổi!)

Khoái nhất là anh chàng tỉnh bơ, nghe một loạt các vai diễn đổi nhau xong chàng ta vẫn im lặng, nhìn một lượt những kẻ lải nhải, không chán không buồn, không vui, sau cùng hạ cái tay nải trên vai xuống và bắt đầu mở, ngần ấy cái miệng im bặt, chờ đợi....Chàng ta lấy ra một gói dày cộm, đặt lên ba lô, tháo và bắt đầu....cuốn thuốc....(hhahah) ngần ấy cái miệng đồng thanh: cho tao một điếu.... (bố thằn lằn!).

Đúng lúc ấy bà "giờ cao su" đến, gọi mình ời ời, còn kịp quay lại thấy cậu chàng thản nhiên đã quấn xong cho mỗi thằng một điếu thuốc dài mỏng dính, còn giơ bật lửa châm cho từng đứa...rồi lũ đi xin thản nhiên bỏ đi, chàng bị xin thản nhiên bấm mobil tiếp....

Văn hóa ăn xin ở Pest vui phết....Cứ như một màn kịch.

………………………………………………………………….

"Người ta đau khổ vì đau khổ thì ít, mà vì cách thừa nhận hay không thừa nhận đau khổ thì nhiều"

( Séneque)

………………………………………………………………

Khi dịch, những từ cần thiết tự động nhảy ra khỏi cái kho từ vựng tiếng mẹ đẻ trong đầu, nơi chứa chất dành dụm ý nghĩa của những bài tập đọc đầu tiên, những cuốn sách bập bẹ đánh vần đầu tiên, cho đến những cuốn truyện dày cộm đọc nghiến ngấu nhanh như chớp nối tiếp nhau sau này. Kẻ nào muốn dịch một cái gì đấy từ một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, rất cần đến cái kho từ vựng chắc chắn phải cất dấu dành dụm từ thuở bé thơ cắp sách đến trường cho đến một ngày dám tự tin sử dụng. Còn nếu không, việc dịch thuật sẽ chỉ là một trò dò dẫm mệt nhọc và căng thẳng giữa muôn vàn trò giết thời gian của con người. Những kẻ không hiểu chân lý giản dị này thường phán một câu:"đấy là cái nghiệp". Chả có nghiệp quái nào không bắt đầu từ số không. Những điều mi chăm chú dồn hết tâm sức và cảm hứng vào đó để hoàn thành đều có thể là nghiệp trong một kiếp. Bí ẩn là tại sao con người lại hứng thú với việc này chứ không phải việc kia, thế thôi....

(2019. április 05)

Buổi tối có thể chết mệt vì những quả bơ, nhưng buổi sáng không bao giờ quên cốc cafe. Kỳ lạ thay cho những kẻ không biết uống cafe, và kỳ lạ hơn cho những người ghét nó. Không gì có thể thay thế vị đắng cafe, giống như không gì làm người ta tò mò hơn khi đọc krimi, vị chết chóc là thứ con người vĩnh viễn ham biết và ưa chuộng, có lẽ vì chết là hết, không thể bàn luận tiếp khi đã chết. Con người biết điều lắm chứ, chỉ làm toáng lên khi còn nhìn thấy những khả năng mấp máy....

Những cuốn sách luôn luôn là một hiện tượng của cái đã chết, được sống lại trong tâm trí người đọc, nếu là hiện tượng sống chỉ có thể là báo chí chứ không phải sách.

Xúc cảm cũng thế, giữ riêng trong bản thân là để người khác được tự do như họ muốn, tưởng như không có cảm xúc với nhau, nhưng kỳ thực ai giữ nó ở chừng mực của cái chết ngấp nghé người kia mới thấu hiểu và biết ơn tình cảm....thứ tình cảm lẫn nhau, cho nhau và vì nhau...

(Chào một ngày mới lúc 5h sáng.)

………………………………………………………

Thủ đô của BaLan làm ta sửng sốt vì sự tàn phá của cái Ác: gần như biến mất toàn bộ thành quách lâu đài vua chúa xưa. Ngắm những bức ảnh cũ về một thời hoa lệ của Vac sa va và nhìn thành phố hiện đại bây giờ, không thể tin nổi. Còn phần Khu Cổ mới phục hồi, quá ít ỏi và thiếu hụt. Ai đã sống ở Budapest quý tộc và đẹp lộng lẫy mới có thể hình dung nổi một Ba lan quyền quý xưa từng như thế nào, còn nếu không, đành hiểu sai hoặc tưởng tượng hụt hẫng về một thời huy hoàng của châu Âu vua chúa.

Nếu chỉ đến để rảo bước trên phố thì đô thị châu Âu giống hệt nhau. Đọc thêm về lịch sử mỹ thuật và tôn giáo sẽ nhận ra các đặc trưng trường phái trên mọi di tích cũng giống hệt nhau. Vậy cái khác nhau trước nhất cần tìm hiểu là gì? Chính là văn hóa ẩm thực, cái"bên trong" thích thú đầu tiên của con người. Với một kẻ si cafe như mình, bao giờ cũng là ly cafe thứ nhất của xứ sở vừa đến.

Cafe Balan cũng"Đông Âu" chả kém gì bọn Hung...hahaha...nhưng các loại bánh cả mặn lẫn ngọt của họ đều rất đặc trưng, chỉ nhìn thôi đã tò mò đặc biệt, cần nếm lần lượt...

Nhớ ly cafe đầu tiên ở Ý tuyệt chả kém gì phút suýt vấp phải ba chàng Casanova đột nhiên hiện ra giữa một ngõ hẹp ở Milano, cũng như lần đầu tiên được ăn bánh xèo Cà mau hay bánh thuấn xứ Quảng... Ăn! Thú vui thứ nhất!

A képen a következők lehetnek: Nguyễn Hồng Nhung, fa, gyermek és túra/szabadtéri

Sang tận Balan để gặp thần biển, vì đọc Poseidon từ Câu chuyện vô hình và đảo (HB) chỉ càng tò mò thêm... Một khu vườn tuyệt đẹp, nơi những chú sóc tuột từ ngọn cây xuống trò chuyện với khách dạo lang thang, những con quạ đứng giữa bãi cỏ gào lên bài ca khàn khàn của chúng....mình đã ghi được những hình ảnh dịu dàng ấy khi ở Vac sa va.

( 2019. április 10)

Bạn có tin không: trong không gian vô hình này luôn luôn có những thông điệp vô hình nhắc nhở con người chú ý đến những điều nó cần chú ý. Bạn lắng nghe và tự hỏi: cái gì vậy? Nếu chăm chú, bạn có thể lần theo dấu vết âm thanh của những thông điệp vô hình, nó sẽ dẫn dắt bạn đến một sự thể hiện cụ thể khiến bạn kinh ngạc, và nếu tiếp tục tò mò, bạn sẽ từ từ tiếp cận những tri thức mà bạn chưa biết, hoặc biết rất ít hoặc đang có ý định biết. Đấy là hệ quả của một sự suy ngẫm không ngưng nghỉ chăng, khi con người quyết đi đến cùng một hình dung tư tưởng nào đó?

Sắp đến lễ Phục Sinh. Những thông điệp vô hình khéo léo dẫn dắt tôi đọc những văn bản nói về Biblia, về sự tích các nhà thờ trung cổ rải rác khắp nơi xứ tôi đang sống, về các vị tiên tri ẩn từ thời cổ...tôi rất kinh ngạc, tại sao trước đó tôi không hề biết? Có phải một lần bạn đến với một ngôn ngữ xa lạ và yêu nó như tiếng mẹ đẻ của bạn, nó sẽ dẫn bạn đến vương cung của một ký ức văn hóa nguồn và mặc bạn thỏa thích uống cho cạn cơn khát tri thức mê say.....

Sắp đến lễ Phục Sinh: 

" Cách đây hơn hai nghìn năm có một người quen của tôi đã từng sống trên trái đất, thật là một tư duy nối toàn cầu làm sao! Từ con người thời đó và sau này đều trở thành cát bụi, từ cát bụi cỏ mọc ra, và từ cỏ thành cái gì chỉ Thượng Đế biết, nhưng người quen nọ của tôi vẫn sống, đã từng sống và mãi mãi sống.

Nếu tôi ra đi rõ xa, đến những xứ xa lạ, giữa những dân tộc xa lạ, những khuôn mặt khác, các con vật khác, cỏ cũng khác, bầu trời cũng khác, tất cả đều khác, đến nỗi tôi bắt đầu tin rằng tôi đang bị bỏ rơi trong sự cô độc khủng khiếp, tôi không còn tồn tại trên thế gian nữa, lúc đó tôi bỗng nhìn thấy một cây thánh giá đầu làng, trên đó là một con người máu đang chảy ra từ các vết thương, ôi người quen của tôi.

Người quen của tôi đang ở đây, tôi không bao giờ một mình và bị bỏ rơi nữa. Tôi quỳ xuống trước người quen của tôi và lẩm bẩm nói đúng như một linh mục, nói ra những điều làm trĩu nặng trái tim tôi...."( trích Mikszáth Kálmán- Một nhà văn Hungary nổi tiếng)

 

……………………………………………………………………

Ngơ ngẩn hết cả người vì tin nhà thờ Đức Bà Pari bị cháy, chợt nhớ hồi đầu năm đọc một bài về phong thủy 2019, thày bói phán năm nay nhiều hỏa hoạn, nóng chưa từng thấy...Báo nói nhiều người Pari khóc khi nhìn cảnh cháy đổ này, quả thật bàng hoàng,"cây số không" trên sân nhà thờ, hàng ghế dài mình đã quỳ trong nhà thờ, hình thằng gù trên nóc làm bao kẻ ngây ra ngắm, và bao kỷ niệm nữa, Pari thương... Vì nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng nên nhiều người lập tức quan tâm, xót xa khi nghe tin nó bị cháy. Còn một thủ đô như Vac sa va của Balan bị bom ném sụp đổ tan tành không còn sót lại một tý gì, người ta phải đến tận nơi, ngắm ảnh những bức tranh cũ về cung thành hoa lệ xưa kia, so với một góc kinh đô nhỏ xíu được phục hồi mới vừa kinh ngạc vừa ngậm ngùi vừa luyến tiếc. Nếu mình là dân Balan mình sẽ thương dân tộc hơn nhiều lắm. Ra đường ngắm nghía Budapest đẹp lộng lẫy để nhớ đến những chấn động tinh thần bởi các cuộc thế chiến mà dân Hung, dân Balan, dân châu Âu nói chung phải chịu. 

Nếu ngẫm lại toàn bộ lịch sử thế giới thế kỷ 20, không thể hiểu nổi sao con người đi qua những tháng năm đen tối đến như vậy? Người ta quen nhắc đến lịch sử thời trung cổ tối tăm, biết đâu thế kỷ vừa qua của chúng ta cũng khủng khiếp không kém, nhất là về mức độ hủy diệt.  Cuộc chiến tranh VN chính ta, người VN, cũng đã biết hết, biết rõ về nó đâu? Đời người quá ngắn ngủi so với những kiếp nối tiếp nhau của một dân tộc, một đất nước, một châu lục, một nhân loại. Hãy đọc, hãy học để biết nhiều hơn, rộng hơn về chính thế gian của loài người.

Ai học lịch sử mỹ thuật châu Âu đều hiểu khu nhà thờ trên quảng trường thành phố đóng vai trò gì trong đời sống cộng đồng đô thị. Nó giống như vị trí cung điện vua trong một thủ đô, giống ngôi chùa trong một làng truyền thống. Đều là nơi diễn ra các nghi thức tâm linh theo tín ngưỡng của con người.

Trong thời buổi toàn cầu hóa, dân du lịch tràn ngập bất kể quốc gia nào, những khu nhà thờ như thế này càng được ưa thích, vì gợi lại cả một nền văn hóa tôn giáo xưa trong một không gian tuyệt đẹp và cổ kính, như thể nhân loại cổ vừa bước ra khỏi sách vở và đến đây quây quần cùng ta.

Tôi đến khu nhà thờ bất kỳ lúc nào hứng chí, để xem, để ngồi chơi, để đọc sách khi ngồi trên những bậc thang dẫn lên nhà thờ, hòa vào tiếng rì rào bên tai gió mang đến từ những tâm trạng người bình an, vui tươi, hạnh phúc...Dễ hiểu một vị trí tuyệt diệu như thế ở Pari bị bốc cháy mang cảm xúc gì đến cho con người...

( 2019. április 16.)

NGUYỄN HỒNG NHUNG