NguoiRungKFrigyesNHNhung

Karinthy Frigyes

 

                                    Người Rừng

 

 

 

A/ Gặp gỡ người Rừng

 

Buổi tối tôi rất buồn ngủ, đọc giữa chừng tôi quên không gập cuốn sách có tên „Lịch sử sự tiến hóa  bằng hình ảnh”, đúng chỗ có dòng giải thích dưới bức vẽ  người Cổ đại.

 

Việc xảy ra như sau.

 

Chắc tôi xô hơi mạnh cuốn sách, thế là người Cổ đại- người Rừng rơi ra ngoài, hắn lồm cồm bò dậy, khi tôi giật mình thức tỉnh, hắn đã ngồi lù lù đối diện với tôi, cuối bàn  bên kia.

 

Tôi lập tức nhận ra bộ mặt đầy lông lá, cái mồm dựng đứng, cặp mắt hoang dã, và bộ răng cải mả khủng khiếp của hắn. Trong tay hắn cầm một khúc cây lớn, như Darwin mô tả, để đập vào đầu kẻ thù.

 

Có thể tưởng tượng nỗi khiếp đảm của tôi thế nào- lấy gì để tự vệ đây?

 

Tôi chợt nhớ ra võ Giudo học được trong Câu lạc bộ Điền kinh, người run bần bật, răng đập vào nhau lập cập, tôi dùng tay trái tóm  hắn trước ( thế tự vệ, miếng đầu tiên), tôi tát cho người Rừng một cái, huých hắn sang bên phải để hắn ngã nhào ( thế tự vệ, miếng thứ hai), thế nào mà tôi nhằm trúng bụng, hắn từ ghế lăn xuống –  trước mắt,  tự vệ thế là tạm đủ.

 

-      Đừng đánh tôi, vì Chúa! – tôi vẫn run lẩy bẩy, vớ lấy cái nhóm lửa ga – đừng nện tôi bằng khúc cây ấy.

-      Chớ… chớ lo… – Người Rừng cất tiếng- tôi đánh làm gì. Ngài thụi tôi suýt đứt ruột. Làm ơn cho biết, tại sao lại đấm tôi? Tôi chỉ định ngó nghiêng một tý. Tôi đang có diễm phúc gặp ai ?

-      Một người có văn hóa đây– tôi lên giọng – cái diệu mạo lông lá rừng rú của mi khiến thần kinh ta nhậy cảm.  Mi là cái đồ man rợ dã man, giống hệt lũ thú dữ

-      Thế…thế… à …

 

Tôi thấy hắn, chả hiểu gì cả, những điều tôi nói, nhưng ngượng không dám thú nhận.

-      Ta thuộc dòng dõi mãi sau này của mi – tôi nói tiếp- dòng dõi đã vứt hết những bản năng thú vật,  thay vào đó là một nền giáo dục có ý thức về cái đẹp và tư tưởng

-      Thật  à, thế thì…- người Rừng gật gù.

-      Ngậm mõm lại, khi ta đang nói! – tôi bảo hắn bằng cái giọng của ngài phó lễ Kozmas  mà tôi học được, kẻ luôn luôn dạy rằng, với cái bọn ngơ ngẩn vịt giời cần phải nói như thế chúng nó mới hiểu.

 

Người Rừng im thin thít.

 

-      Bọn ta đã bước qua khỏi cái ngưỡng man rợ- tôi bảo hắn- khi con người còn ăn thịt lẫn  nhau như chó sói. Bọn ta đã vượt qua khỏi cái giai đoạn vũ lực, khi con người lấy khúc cây đập vào đầu nhau….Bọn ta không tung tăng lông lá đi lại như mi- mi không tự xấu hổ à? Vác cái mặt như thế này ra đường. Và những cái răng! Những cái răng của mi! Khủng khiếp!

-      Nhưng, xin thưa …chúng nó tự nhớn lên…

-      Cấm quên: bọn bay là lũ vô giáo dục, vô học, mất dạy, trộm cắp cuối cùng. Ngồi xuống. Tự xấu hổ đi!

 

-      Nhưng…xin kính  thưa thày …

-      Không thưa gửi, xin xỏ gì hết. Không thể để như mi muốn. Đạt tới mức độ như bọn ta hôm nay, cần quá trình bền bỉ, học hỏi, bằng tri thức và kỷ luật.  Đáng lẽ mi phải học từ bé. Chúng ta đây lúc nào cũng giáo dục mình, khám phá thiên nhiên, học hỏi và dạy bảo…Mi hãy nhìn khắp thành phố. Tất cả các phố đều có trường học, các viện nghiên cứu, để nghiên cứu và truyền bá kiến thức…Mi hãy nhìn những trường đại học, những viện hàn lâm…mi hãy nhìn những viện giáo dục, nơi dạy dỗ lũ trẻ đến năm chúng hai mươi tuổi, với những thành tựu của khoa học kỹ thuật và văn hóa.

 

-      Đến năm hai mươi tuổi thì sao ạ?...- người Rừng kính cẩn hỏi.

-      À, lúc đó chúng đi lính. Đấy cũng là viện giáo dục. Ở đấy người ta cũng chăm bẵm dạy dỗ chúng.

-      Dạy gì ạ? Xin thưa…- người Rừng lại kính cẩn.

-      Mi đúng là đồ con bò! Dạy gì? Mi không biết quân đội là gì ? Quân đội dạy, làm thế nào để giết được kẻ thù.

 

Người Rừng suy nghĩ.

-      Nếu được phép hỏi…_ người Rừng vô cùng kính cẩn-  dạy trong bao lâu ạ?

-      Ba năm, đồ bất hạnh nhà mi!

 

Người rừng lại suy nghĩ.

-      Nhiều. – sau cùng hắn bảo- thế thì chúng tôi văn minh hơn. Chúng tôi học nhanh hơn nhiều.

 

Rồi hắn lấy khúc cây đập vào đầu.

 

 

B/ Tôi dạy dỗ người Rừng tiếp

 

Biết làm gì, khi đeo trên cổ, gã trai này , với cái mồm dựng đứng, mặt đầy lông lá, trong tay là một khúc cây, vừa rơi ra khỏi „Lịch sử tiến hóa” của tôi, phải làm gì với hắn chứ?

 

Nói thật, tôi hơi run bởi ý nghĩ: tôi khai sáng văn hóa cho thằng cha tội nghiệp này; những người bố chắc cũng run rẩy như thế, khi cố tình đẻ ra lũ con, chỉ để có đứa ngu hơn, biết ít hơn mình, mà dạy dỗ.

 

-      Nào- tôi bảo người Rừng, vào buổi sáng- dậy đi, hôm nay chúng ta ra đường, để mi học được một cái gì đấy.

-      Xin vâng, thưa ông lớn.- hắn nói một cách khúm núm (còn  tôi khó khăn mãi mới quen tai được  từ ông lớn)

 

Trước tiên tôi chỉ cho hắn những khu nhà. Hơi kỳ quái, hắn cho là như thế, nhưng không ngạc nhiên lắm. Hắn hỏi, cần bao nhiêu thời gian để một thứ như vậy mọc lên khỏi mặt đất.

 

-      Mi thuộc thời kỳ đồ đá? – tôi hỏi.

-      Không. Thời  obsidian- kỳ tecier, chương ba, từ trên xuống dòng mười bảy.

-      Thôi được rồi. Vậy mi hãy nhớ lấy, những thứ này người ta làm ra, chứ nó không nhớn lên. Nhưng điều này mi chưa hiểu đâu, vì theo ông Darwin nhà mi, trí tuệ mi thấp đến nỗi những từ phức hợp mi chưa phát âm được, chỉ ra hiệu cho những cử chỉ của mi bằng vài kiểu âm thanh. Hiểu chứ?

-      Bẩm, hiểu, thưa ông lớn

-      Tốt. Mi đói chưa?

-      Rất là…- hắn cười nhăn nhở.

-      Rồi. Chúng ta đi ăn trưa ở Drechsler. Trên đường Andrasy.

 

-      Đi thôi – hắn nói và định đi.

-      Đợi hẵng. Đường Andrasy xa quá. Văn hóa từ thời nhà mi đến nay đã tiến hẳn một mức, con người không cần phải đi bộ bằng chân đến nơi cần đến, mà có thể đi bằng cái gọi là phương tiện gia thông, nó đưa mi đến nơi nhanh gấp năm, bảy, mười, thậm chí gấp trăm lần mi đi bộ. Có nhìn thấy cái đường ray kia không?

-      Có ạ.

-      Tàu điện chạy trên đấy. Giờ chúng ta đứng đây, khi nó đến, ta leo lên, rồi tàu điện  tự chuyển động, sẽ cõng chúng ta trên lưng  rõ nhanh.

-       

Người Rừng kiên nhẫn đợi, nhưng không tỏ vẻ ngạc nhiên lắm. Sau cùng tàu điện đến.

-      Nào, ta nhảy lên chứ?- hắn định lên

-      Gượm. Tàu này không được, nó rẽ vào phố Király.

 

Gã người rừng bạn tôi đợi kiên nhẫn. Một tàu điện khác đến, nhưng chật ních người. Với những tàu điện tiếp cũng thế, dễ đến bốn nhăm phút. Từ lúc đó trở đi tàu điện không đến nữa, vì tất cả đều dừng; đường Körút hỏng một cái gì đó, giờ đây  phương tiện giao thông nằm yên ả.

 

-      Cái này giống như con thằn lằn ichtyosaurus trong thời của tôi- người Rừng triết lý sau khi ngắm một dãy dài tàu điện ngủ ngoan.

 

Tôi hơi cáu, nhưng không trả lời.

 

       -   Ông lớn – hắn khe khẽ

-      Gì?- tôi gắt

-      Hay mình đi bộ? tôi đói quá.

-      Đừng lắm mồm! – tôi điên tiết – lạy Chúa, chúng ta không thể chỉ vì chút vướng mắc mà quay lại thời kỳ primitiv. Ta sẽ lập tức gọi điện cho ban giám đốc xem điều gì xảy ra.

 

-      Ngay lập tức? – người Rừng nhăn nhở - làm gì có ai ở đây?

-      Mi đúng là con lừa- tôi trịnh trọng  - telefon dùng để làm gì?

-      Telefon? Đấy là cái gì?

-      Là cái để con người lập tức nói chuyện với bất kỳ ai, dù ở xa tới đâu.

-      Tuyệt. – hắn bảo. Có vẻ tôi làm hắn yên lòng.

-      Nào vào đây cùng với ta, vào quán cafe.

 

Chúng tôi bước vào, tôi nhấc điện thoại.

 

-      Alô! Alô!

Lại có gì với tổng đài?

-Alô! Alô!

Sao, vẫn không ai nhấc máy đằng kia?

-Alô! Alô!

Nhưng thưa cô, cô ơi, vì Chúa! Cô tổng đài!

-      Alô! Alô!

 

Cô tổng đài! Cuộc đời ngắn lắm! thưa cô! Cô nức nở lên tý nào! cô ơi! Tôi đợi một tiếng rồi! Gượm, cô ơi! Thật không ra thể thống gì nữa!

 

-      Alô! Alô! Có thế chứ!!! 85-93…sao? ông ta đang nói với người khác?...

 

Có đến nửa tiếng, người Rừng biến mất, mà tôi không để ý. Đúng lúc ấy hắn xuất hiện. Trong tay hắn cầm một tảng giăm bông lớn, mà hắn đã ăn mất một nửa.

 

-      Mi lấy ở đâu ra thứ này, đồ vô lại?

-      Bên đường bên kia, nó nằm ngay cạnh cửa sổ. Mắt tôi tinh lắm, tôi nhận ra ngay. Tôi đói kinh!

 

Tôi trợn trừng mắt nhìn hắn. Không câu nào nhảy vào óc tôi. Nhưng cuối cùng tôi nhớ ra.

 

-      Cho tao một miếng! – tôi bảo.

 

                                          Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung

                                                                ( 2009-05-12)