DocThoChanPhuongNHNhung

 

Đọc thơ Chân Phương

 

Đã một lần đọc thơ Chân Phương, không cưỡng được sự tò mò, phải tìm đọc tiếp.

Ấn tượng ban đầu chỉ có một : thích thú. Và những ấn tượng tiếp sau, ùa nối theo nhau, rơi xuống thành đôi dòng tâm sự. Của một kẻ yêu thơ, nhưng không biết làm thơ. Của một người nhận xét thơ nghiệp dư, cùng một niềm say mê với thi sĩ : vô cùng  yêu tiếng Việt.

 

Chân Phương nghe nhé ?

 

Đây là  một giọng thơ lãng tử. Không hiểu sao, tôi cứ khăng khăng với nhận định này. Nhưng không phải chàng lãng tử trong truyện kiếm hiệp.

 Lãng tử ngoài đời, mượn thói  kiêu sa của lòng kiêu hãnh che đi nỗi buồn tâm tình,  như sắc lá thay lúc chuyển mùa, mượn thói lộng ngôn chữ nghĩa dấu đi nỗi phiền muội tri thức tỉnh táo, nhận chân dung kiếp bèo bọt sinh tồn, dùng thái độ dửng dưng không ham tham dự vào bất kỳ đam mê nào thái quá, để chỉ ra sự trần trụi biến tướng của thiên nhiên, cảnh vật, nhưng là  của chính tâm hồn thi sĩ.

 

Thơ Chân Phương, đôi lúc ta bật cười, vì những điều hiển nhiên thi sĩ viết, hiển nhiên như cuộc sống, tuy ngẫm cho kỹ, không hiển nhiên cho lắm, vì đây là một cuộc sống đặc thù được miêu tả, của những kẻ chân mây góc biển, của một giấc lưu vong, của những tâm hồn, đứng ngoài tâm hồn, thưởng thức và phán xét cuộc sống.

 

 Tôi cảm giác, hình như vừa tìm ra một nét tương đồng giữa mình với Chân Phương, khi anh luôn luôn ở trạng thái chia ly, trạng thái đang ra đi, đã đi rồi, nhưng không thể đi nổi, vì sự vật cứ quay trỏ lại, ký ức không chịu lìa bỏ ta, đang hưởng đời sống đây, nhưng ta cứ như đang ở cõi nào, chỉ nếm được  hiện hữu mình, bằng mùi vị sự vật trong quên lãng…

 

"Bằng nẻo trăng mờ nào

vĩnh viễn xa nhau ?  ( Ý nghĩa của em và biển)

 

Tiếng Việt ơi ! "những nẻo trăng mờ" gợi cho người đọc những lớp linh hồn mờ mịt ta, những  khi  mình đau khổ !

 

"Kẻ đã làm thất lạc

trên mọi bờ môi

nụ hôn buồn từ các bài thơ dang dở

Đối với tôi

mùa hè nào cũng là mùa hè cuối"  (Khoảng cách)

 

" Bầy phi cơ bay qua bầu trời

vắng bóng tai nạn đam mê

 

Lũ mùa hè còn lại trong đời

sẽ biến thành những con sâu độc

 cắn nát trí nhớ  của em và tôi" ( Returning from summer)

 

"ghế bàn hàng quán lần lượt

rời bỏ các bài thơ lãng mạn

đâu cần ngóng ngó xa xôi

đàn chim thiên di sau cùng

chính là mớ tóc bạc sau cùng" ( Mùa hè vội vàng)

 

"Đắp hết chiếu chăn kỷ niệm lên  mặt hồ hoang

tôi trần trụi theo mây xám về nghĩa trang những tiếng đàn"

                                           ( giao hợp với mùa thu)

 

"Tôi lên xe

thắt nịt an toàn

phóng thẳng trên con đường

không còn dẫn đến địa ngục hoặc  thiên đàng" ( returning from summer)

 

Thi sĩ nghĩ rằng mình sẽ thoát. Cuộc đời trần thế này. Ít nhất trong suy nghĩ, trong cảm xúc. Lãng tử mà. Khi đứng ra ngoài tâm hồn mình để nhìn nhận, nhủ thầm, nguyện sống, như thể ta không thiết đến mi, cái Tôi dày vò này, khi ta đã bỏ nhà ra đi, bỏ luôn mi ra đi…

 

 Mà quên mất, kẻ xa quê sầu muộn và biết yêu, mãi mãi là một  lãng tử. Bởi không thiết bình thường trong đời thường, mà phải thành kẻ trong mộng du vật vờ và sương mờ suy ngẫm,  nhìn đời, thưởng thức, đau, buồn, vui, nhớ, quên và…viết.

 

 Cảm giác tâm hồn đứng ngoài tâm hồn để chiêm nghiệm này, hình như thượng đế chỉ ban phát cho những kẻ ra đi, phiêu lãng, để nhân đôi, nhân ba, nhân gấp nhiều lần hơn nữa cảm xúc với đời, bù đắp cho cái cây tự nhổ rễ mang mình ra đi, dấn thân vào vũ trụ. Bù đắp cho những người  đành quên bản năng sống hồn nhiên nơi chôn rau cắt rốn, chỉ sót lại trong lòng một nỗi khát Yêu để tồn tại nốt một kiếp ngừoi

 

" đã gãy mọi nhịp cầu tưởng tượng

không gian trong suốt

là cái áo quan

cho các cánh tay không còn

với tới         mống trời

 

Lãng quên ném

Chiếc lưới tóc trắng

                               chụp bắt

                                       bọt sóng vỡ tan"

                                     ( tóc trắng và giấy trắng)

Có em hay không

tôi vẫn điên lên vì trái đất này câm lặng

nơi tôi sinh ra,

tập đi tập nói

rồi chết một mình ( Impromptu)

 

Hãy đọc chầm chậm, từ từ" Một mình với Paris" của Chân Phương, nếu muốn bắt gặp bóng dáng chàng lãng tử, xao xác mọi góc mở tâm hồn, lang thang khắp kinh thành Ánh sáng. Bài thơ này giống như một nét nhạc du dương bay bay trên sóng nước sông Xen, khiến người đọc ngạc nhiên từ một góc nhìn hồn nhiên cây cỏ của thơ Chân Phương.

 

Để chưa kịp xác định nên buồn hay nên vui khi đọc thơ anh, đã bắt gặp ngay một tâm hồn hình như đã sàng lọc kỹ những nỗi đau, lắng buồn phiền, những miền trăn trở, để cách điệu hóa trở thành thời gian, của một giọng thơ dấu những nỗi mê man :

 

"hồn thiêm thiếp, bầy ngựa điên kéo xác hành tinh lạnh lang thang.

Chiếc lá mất đà, vướng trên thềm ký ức

 

Giữa hoài niệm với mưa phùn, buổi sáng lại hôn mê. Mớ từ ngữ lạ mặt lộn trái dòng thơ, phô bầy mấy tiết diện vú dậy thì, và hai bàn tay hư cấu

 

Đêm tối nuốt con rắn hoàng hôn, lật ngược đồng hồ cát, điều chỉnh cơn phiền muội. cà phê đen bốc khói, xạ ảnh vào quạnh hiu

 

Rớt bóng bàn tay trên thang âm lạnh

 

Hoàng hôn bỏ lại con đường,

Đêm vỡ tan khi chạm phải đồ vật trúng độc,

Bầy gián tha đi một ngón tay đeo nhẫn"

                                      ( Thơ mấy bài xuôi)

 

Đến đây chàng lãng tử thoắt biến thành người đàn ông nhiều tâm sự, ngẫm nghĩ nhiều, nhưng  chưa nói ra, chưa bày tỏ hết…

 

"Lật trang   động tác của mọi động từ

dòng nước trôi xuôi,

ngôi nhà trống, nuốt rồi nhả mây mù

cồn cào nỗi đói không ngôn ngữ

 

Lật trang   lật trang

               động tác của mọi động từ

óc tim ngập nắng tháng tư

khởi điểm vòng tròn là tờ giấy xé đôi" ( Nhật tụng)

 

"Đóng kịch với chiêm bao

giữa điệp trùng sân khấu

mặt truớc với mặt sau

viết hay là hiện hữu ?" (Thi nhân)

 

Người đàn ông trong thơ Chân Phương trầm ngâm như một khái niệm, trái với hình ảnh chàng lãng tử dạt dào cảm xúc. Có lẽ người đàn ông này đã định nghĩa  xong thời gian của mình :

 

"Rời dần

máy xoay lốc tâm tưởng

                                    đìu

                                     hiu

Như chiếc ghe

              dạt xa

                 mọi bãi bờ

Lênh đênh

trôi khỏi những cuộc tình chết

kéo theo mình

chuỗi ngày

trĩu nặng da thịt nặc danh

         ( độc tấu cho bốn bàn tay ngập cát)

 

Con đường xa hơn niềm tuyệt vọng rã cánh

Con đường xa hơn sự vùi lấp tính danh

 

Trong túi sẵn sàng

tấm vé một chiều,

hành trình

về cõi lãng quên"

                     ( sinh nhật của tôi và gió)

 

Từ đây, người đàn ông lúc nghiêm nghi quan sát, lúc phong trần lãng đãng, bắt đầu một cuộc chơi vui thú nhất với thời gian của mình : đùa nghịch cùng tiếng Việt !

 

Chân Phương chắc hẳn không chịu nổi nhìn sự vật câm lặng, anh bắt chúng trò chuyện với mình. Chẳng khó khăn gì việc ấy, khi anh tìm ra cách điều khiển động từ tiếng Việt   Động từ trong thơ Chân Phương trở thành những con bài chủ đạo, chúng khiến thơ anh mang một sắc thái linh hoạt diệu kỳ :

 

Mấy nốt giáng thăng,

rủ nhau trèo khỏi cửa sổ

bỏ trốn cây đàn kỷ niệm

 

trong căn phòng sa mạc

cơn say cõng lê tôi

đi tìm cái giường ảo giác

         ( Độc tấu cho bốn bàn tay ngập cát)

 

Muốn đê mê với diệu kỳ động từ tiếng Việt, bạn đọc hãy đọc thật kỹ từng câu trong chùm chín bài thơ "Dưới độ âm" của Chân Phương. Trong chùm thơ này,  dưới  bàn tay cầm bút phù thủy của anh, động từ tiếng Việt  góp phần cùng anh tặng cho đời những hình ảnh mùa đông tuyệt đẹp :

 

"đàn ngựa chiến hung hăng truy nã

lũ tàn binh mây xám lang thang

nằm im vờ chết dưới mớ nhành khô

úp mặt vào xác lá

tôi thọ giáo cây già ( Bi khúc)

 

’Vứt mớ tóc giả giữa rừng trụi

mùa thu phất tay áo gió

quay vào hậu trường

 

Quạ già đậu kín nghĩa trang

bắt đầu hợp xướng" ( đêm văn nghệ mùa đông)

 

"Cây già sân trước rét run,

bụi cỏ sân sau co rúm

Gió bấc lẻn dưới da nhăn tìm hơi ấm

Phổi ngực ho hen

chân giường cảm cúm" ( lần cuối về tháng Chạp)

 

Bài " Lời hang động" -  hãy đọc cho kỹ ! Không chỉ là bức tranh  run rẩy buốt giá của đất trời dưới độ âm, mà cả nhịp run rẩy của trái tim buốt cóng đang tự thắp lửa cho mình của thi sĩ cũng khiến người đọc mủi lòng chia xẻ. Một bài thơ xiết bao linh động bởi biết bao động từ tiếng Việt sinh động được huy động !

 

Nhưng đến khi  đọc Thơ Lục bát của Chân Phương, ta mới ngã ngửa,  vì  một trong những điều cuốn hút ta nhiều nhất trong các dạng thơ của anh, chính là tính duyên dáng trữ tình, đằm thắm, bên cạnh  những triết lý sâu sắc và thấm thía, mà trong thể thơ sáu-tám, ta mới cảm nhận được rõ nét nhất.

 

"Giã từ dăm cuộc tình sầu

Môi hôn vứt lại, chân cầu thời gian

Nhạt nhòa những lối hợp tan

Ngổn ngang gạch đá rên than nguyệt tà"

                      ( Khóc T.C.S)

 

Đặc biệt, bài "Giã từ lục bát" không hiểu sao, tôi thấy đậm đặc chất Chân Phương : một chân dung da vàng, tha thiết thơ ca, tha thiết sống, nhận ra đủ mọi góc độ cái Đẹp của đời, vừa khoan dung, vừa buồn bã,  vừa ngậm ngùi, Chân Phương dạo chơi và ca hát :

 

"Này câu lục bát hư hao

Cuộn tròn trang giấy đã nhàu bể dâu

Chui vào làm kén đui mù

Chờ giờ mọc cánh mang sầu bay đi."

 

(2009-01-06. Hồng Nhung)