GhiChepSzeptember-NHNhung

  Ghi chép szeptember.

                                                   

 

Mỗi lần rời khỏi vị trí hiện tại quay lại chốn cũ xưa, người ta lại dùng từ: trở về.

Nhưng có đúng là trở về không? Ta bắt đầu từ đâu để trở về? Hay đúng hơn, trở về thực ra LẠI là trạng thái tiếp nối  những suy ngẫm ngày hôm nay về những cái đã qua của ngày hôm trước.

Trở về có thể tìm thấy ý nghĩa trong nội dung này chăng:  trở về một vị trí địa lý.

Nhưng cuộc sinh tồn là một dòng chảy liên tục, làm biến đổi toàn bộ thế gian theo những hình thức biến đổi của nó. Vị trí địa lý xưa còn đọng lại ở mỗi cái tên gọi đặc thù

 Vậy thì: chỉ còn trở về đúng với cái TÔI duy nhất của mình- cái tinh thần bên trong làm nên cá tính, tư duy của mỗi cá nhân- trở về với chính nhận thức bên trong đã bộc lộ hoặc chưa kịp bộc lộ, sẽ bộc lộ của mỗi con người với hiện thực bên ngoài.

Mỗi lần trở về với chính mình, sẽ hiểu ra nhiều hơn, thấm thía nhiều hơn cái đã từng trải, đã từng học, đã từng đọc đã từng quan sát.

Mỗi kiếp sống là một sự trở về? Vì mỗi kiếp sống là thêm một lần thu thập  thông tin về cõi vũ trụ bao bọc ta trong đó.

(2010-09-13)

 

Từ VN quay lại đọc Kertész Imre, nhận ra nhiều khía cạnh tương đồng giữa những điều K. viết và xã hội VN, con người VN hôm nay, mặc dù K. không viết về cái gì cụ thể cả, chỉ…”ný nuận!”

Đây là: Giá trị của lý thuyết để hiểu ra thực tế. Vai trò của tư duy triết học để sống cụ thể.

Từ tác phẩm của K. ngẫm nghĩ lại những gì thấy ở VN,  nghĩ về những quan niệm của những người( được gọi là) trí thức VN vẫn thấy cộm lên một đề tài duy nhất dường như con người chưa bao giờ giải đáp nổi: THÁI ĐỘ SỐNG

Tác phẩm của K. và những gì đang xảy ra ở VN khiến người ta ngẫm nghĩ đến thái độ sống của con người trong một bối cảnh lịch sử nhất định, trong một lát cắt xã hội cụ thể: trong thời đại của chủ nghĩa cộng sản, của chủ nghĩa toàn trị, của ý thức hệ một đảng cầm quyền…vvv…

Thông điệp duy nhất của K. trong bối cảnh đó: KHÔNG THỎA HIỆP.

Cách lựa chọn sinh tồn duy nhất của K. trong những tháng năm sống chung với chủ nghĩa cộng sản: tồn tại TỰ THÂN.

đấy là phương cách giữ chút tự do hiếm hoi để không tan vào bầy đàn, vào đám đông.

để làm gì?

để TỈNH TÁO và lựa chọn trạng thái thỏa mãn hạnh phúc như quan niệm của một cá nhân độc lập.

điều này phụ thuộc vào cái gì?

Cần một tâm hồn NGƯỜI biết quằn quại vì đau, vì cái đẹp, vì sự thật, đi kèm với một TRÍ TUỆ người, thứ trí tuệ như một TRỰC GIÁC của thượng đế, của vũ trụ CẢM được sự sống bất diệt của trái đất này.

Cần đọc K. để hiểu thêm về nỗi SỢ HÃI có thật trong xã hội cộng sản, với những tinh vi hủy diệt phẩm chất tự trọng, tự hào bản thân, những phẩm chất tinh thần cao thượng chỉ con người hiểu nổi, xây dựng nổi thông qua văn hóa đọc viết.

Đây là bản chất đấu tranh sinh tồn giữa cái thiện và cái ác, giữa tính người và tính súc vật, giữa vật chất và tinh thần, giữa tâm linh thượng đế và tâm địa ma quỷ của tạo hóa.

Cần đọc K. để thấy chất bi hùng đẹp nhất của đời người là cháy lên như một ngọn đuốc chân lý - lý tưởng lựa chọn cách sống, như một tất yếu khách quan của quá trình phát triển biện chứng của SỰ SỐNG,  dù ở bất kỳ mảnh đất trú chân nào trong một kiếp người.

( 2010. szeptember 15.)

 

Tại sao mày muốn dịch tập thơ NĂM THỨ HAI MƯƠI SÁU của Szabó Lõrinc?

vừa run rẩy vừa sợ hãi vừa khao khát…

 nó tìm kiếm toàn bộ 120 bản sonett của tập thơ.

Nó đã ngửi thấy mùi chết chóc của tình yêu vĩnh cửu trong tập thơ này.

nó đã ngập ngừng trước linh cảm chia xẻ của vĩnh viễn chia ly tâm hồn người với nhau…

nó cảm thấy sợ hãi, vì thừa biết nó đủ khả năng yêu như thế

sợ hãi vì sợ sẽ yêu như thế, nghĩa là sẽ giết chết một ai đấy, hoặc chỉ bản thân nó hoặc người nó yêu, vì nếu đọc, hiểu và dịch được, nó sẽ đi hết tâm hồn…

sợ hãi, nhưng lại muốn dịch: vì cái Đẹp vẫy gọi, cái đau vẫy gọi, tình yêu vẫy gọi…

không thể sống lờ mờ vật vờ như thế này mãi được.

trước khi chết phải hấp hối…

hoặc ĐỪNG bắt đầu nữa?

NÀO! DẤN BƯỚC, TIM ƠI!

(2010.09.19)

 

Hôm nay đọc nhiều, làm việc nhiều, từ sáng sớm đã cặm cụi, đói không thể tả mới đứng dậy đi tìm cái ăn. Rồi tỉnh táo, bắt đầu bỏ tất cả sang một bên, bắt đầu dịch Szabó Lõrinc.

Szabó Lõrinc:

 

                  BẰNG VIỄN TƯỞNG VIỂN VÔNG CỦA EM

                                               ( bản sonett 3)

 

 

 

Bằng viễn tưởng viển vông của em anh mường tượng

 em đang nhớ anh- ơi người yêu- khi

bánh xe cuốn nhanh: nỗi  đơn côi anh khát khao vô vọng

Quạnh hiu em vẫy gọi, quanh quẩn bên anh

 

như  anh đang cùng em để, lời an ủi chỉ

 hiện hữu hoang tưởng của em mang lại,

 nỗi đau em chua chát chỉ dịu vòng tay xiết từ con tim em

trong buốt thương anh nhức nhối.

 

Bằng viễn tưởng viển vông của em anh mường tượng

chúng mình bên nhau: ít lắm nếu chỉ riêng anh

ngật ngưỡng với mình, thà thế này,

 

luôn luôn được gấp đôi, như tiên nữ lượn vòng

mang đi - kéo lại - đổi trao, để cùng lúc từ hai nơi xa thẳm

tình yêu khóa chặt vào nhau.

 

                                               Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung

                                ( Tập 120 sonett” Năm thứ hai mươi sáu- Szabó Lõrinc)

 

 

 

Bài thơ này: trước tiên là cảm giác cô độc-gấp đôi cô độc- cùng lúc tác giả hòa quện với một tâm hồn đồng điệu khác, bằng sự quen thuộc thập kỷ của tình tri kỷ xẻ chia.

Đến mức như thể LÀ một mình. Và đúng là luôn luôn một mình. Dù rất hiểu người khác: em cũng chính là anh, sự hoang tưởng đoàn tụ này!

Bản chất của tình yêu vĩnh cửu: không chia xẻ được, chỉ có thể là Một. Đúng bằng sự cô đọng âu yếm của TÌNH YÊU.

( 2010.09.20)

 

Tối không làm được gì hết. Trước khi chui vào giường, sửa lại bản dịch bắt đầu trước bữa chiều. Bản sonett thứ 7( khúc ca ngắn thứ 7) này chỉ ra bản chất của sự sống:  những ảo vọng chập chờn giữa ranh giới thực hư của tình cảm người, chỉ là ánh hào quang thoảng qua của hạnh phúc truy tìm mục đích. Với đồng loại. Của nỗ lực cô độc hành động người.

(2010.09.20)

 

 

Szabó Lõrinc:

 

                         MẶT GƯƠNG ĐIÊN

                           ( Bản sonett số 7)

 

 

Sự việc mới tiếp nối nhau nhưng giờ đây em đã

 đứng ra ngoài chúng.  Anh cạo râu

 sực nhớ ra em: nước mắt ứa trào

 câm lặng: em là nửa mục đích của đời anh

 nửa hành động tự do của anh, ôi giá mà

em nhiều hơn thế! Anh sống tiếp ngày

lại ngày tràn việc, để trên khắp ngả anh đi

ăm ắp kỷ niệm cùng vắng thiếu lang thang

phúng viếng…Ôi nước mắt cùng mọi nẻo đường của anh

dùng làm gì em hỡi? để làm gì, bạn đường yêu dấu vắng đồng hành?

Hiện thực sống, giây phút này đây, đều ở đó!

 chỉ khúc xạ lại, chỉ nâng niu  mặt gương em, linh hồn anh và anh

những bức ảnh rụng rơi từ  gương chiếu

mặt gương điên tưởng thúc dậy đời người

 

                                                   Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung

                                                       (Tập 120 sonett” Năm thứ hai mươi sáu”Sz.Lorinc)

 

 

Cả ngày hôm nay trên đường, tối về vừa ăn vừa đọc, và sau cùng ngồi dịch.

 

khúc sonett này bao la như một khoảng trời đất - không gian thượng đế dành riêng cho tình cảm con người, khi „chót” nhìn thấy và phải lòng lẫn nhau. Giây phút định mệnh.

 

Chỉ sự đồng điệu về tâm hồn bất diệt có ý nghĩa cứu vớt khoảnh khắc cùng tồn tại này khi Khắp nơi Không ở đâu cả!Khi cùng lúc xuất hiện cả Anh và Em, để sẽ đến lúc Không còn ai nữa.

 

Sự sống đồng nghĩa cùng lúc với cái chết vì thế. Yêu là hiến dâng vì thế. Cháy trụi để còn lại vết tích vĩnh viễn vì thế.  Con người- ngọn lửa của khát khao thể hiện cái Đẹp –  Hư vô.

(2010.09.21)

 

 

                          Szabó Lõrinc:

 

                              EM Ở KHẮP MỌI NƠI

                                    ( sonett số 9)

 

 

Em ở khắp mọi nơi, từ khi

anh ngỡ ngàng, anh nhìn thấy, và đã yêu em:

con đường, dòng sông, cánh rừng vẫy gọi

làng mạc, thành phố, đêm và ngày

 

không ngừng nhắc nhở, núi thu và tuyết đông

 suối nguồn réo gọi, run rẩy trong tất cả

thèm khát đầu tiên cùng điên rồ vĩnh cửu

hai mươi lăm mùa xuân, mùa hè cháy trụi.

 

Em ở khắp mọi nơi: như cánh đồng hoa

phủ kín đời anh, niềm vui trong trẻo,

đời trai tươi tỉnh, nỗi ngây ngất của anh:

 

tất cả mọi nơi có em hòa nhịp

cùng tiếng thét thầm thì đau đớn

ôi khắp nơi Cái khắp nơi này Không ở đâu!

 

                                                  Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung

                                                 ( 120 sonett”Năm thứ hai mươi sáu”Sz.Lõrinc)

 

 

Hôm nay lang thang trong nắng thu vàng bao bọc thành Budapest. Đẹp đến nghẹn thở: mặt nước Duna lấp lánh vảy cá, nắng vàng ươm, cung điện Buda diễm lệ khoe duyên dáng cùng cao vút tháp chuông nhà thờ, nhà quốc hội dát vàng lóng lánh soi mình xuống mặt sông êm ả.

 

dòng người cuồn cuộn tung trải đi các nẻo đường. Có bao nhiêu khuôn mặt tang Szabó Lõrinc trong đám người đó?

 

Không, dưới nắng vàng ấm áp và gió thơm lùa mái tóc, chỉ có sự sống ca hát. Ban ngày. Dưới âu yếm của nụ hôn thần mặt trời. Tang chỉ đến khi niềm vui sự sống này đi vắng.

 

Lúc nào vắng và lúc nào hội tụ đây: Tang và Sức sống?

 

Chúng quện vào nhau, quấn quýt, vẹn toàn,  cân đối: tang và sức sống. Tồn tại và cái chết.

làm nên Anh và Em- sướng vui buồn tủi-nhớ thương và hạnh phúc.

làm nên mối tình chúng mình.

có phải thế không?

 

Tối về, dịch tiếp.

 

Bản sonett 19 này là mảng hiện sinh tỉnh táo của một người Tình già mất bạn: ký ức là nỗi đau khi nhận ra sức sống tràn trề ngập ngụa của đời bao vây quanh mình. Mình cũng đã mất khi Bạn mất.

 

Hỡi ơi, quý báu làm sao phút vẫn còn được âu yếm gọi nhau: Mình-Ta.

 

Dịch đến bản này bắt đầu hiểu lý thuyết thơ sonett mà lãng tử Chân Phương đã giảng giải: đúng, quan trọng nhất của khổ thơ 4+4+3+3 là nhịp điệu dồn dập cô đọng âm tiết.

 

Trong từ điển ghi chú: sonett bắt đầu và phát triển rực rỡ nhất vào thời trung cổ khi bày tỏ tâm tình người được coi là trọng tâm của hình thức thơ châu Âu rực rỡ này.

 

Tối nay dịch một bài thơ tang mà thấy lòng không nặng trĩu.

 

cán cân sự sống đang nghiêng nặng về phía tình yêu trong tôi!!!!!!!!!!!!

( 2010.09.22)

 

 

 

 

 

                                Szabó Lõrinc:

 

                                HAI MƯƠI HAI TUỔI 

                                            ( sonett 19 )                                  

 

 

 

Em hai mươi hai tuổi lúc

bắt đầu, bốn mươi bảy, khi kết thúc:

 quá nửa cuộc đời em trải cùng anh

và mùa xuân mang cánh én không ở đâu

 

còn thấy nữa:từ mộ em róc rách tuôn dòng

 tuyết băng ứ đọng: cái từng là người trong em

ngưng lại hoặc chỉ còn hấp hối phản hồi

từ những trái tim đớn đau bại trận.

 

Khủng khiếp nhất, dai dẳng nhất trong  anh :

 xuân đầu tiên của đời em lại hé nở,

em, hai mươi nhăm đằng đẵng mùa xuân anh ,

 

để giờ đây xuân về sao run rẩy

  anh kiệt sức, héo mòn già nua quánh lặng:

 em đã mang đi rồi mọi cảm giác của anh.

 

                                         Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung

                            ( tập 120 sonett” Năm thứ hai mươi sáu” Sz.Lorinc)

 

 

       

   Đọc Gályanapló của Kertész Imre: Nhật ký kẻ khổ sai chèo thuyền.

 

Cuốn sách cực kỳ đáng đọc. Chỉ kẻ nào sống trong chế độ toàn trị cộng sản mới viết được những tư tưởng này. Kẻ là trí thức-theo đúng nghĩa đen- ngày ngày „ăn” chữ, nghĩ bằng chữ, và giải thoát bằng chữ, nghĩa là kẻ có những tư tưởng triết học, dù học ở một ai đấy, một nguồn nào đấy, hay tự mình đúc kết nên.

 

Ở VN có những người viết như Kertész không? chắc chắn có- nhưng dưới dạng một triết gia chưa thấy - tuy nhiên đặc thù văn hóa VN lại „đẻ” ra những cách thức văn chương khác. Nội dung toàn trị cộng sản ở đấy phơi bày dưới hình thức khác, nhưng về bản chất, giống hệt những gì Kertész viết trong cuốn sách này.

Có lẽ ở VN điều nổi bật nhất cần nhìn thật rõ, nhận thức thật tỉnh táo, xoáy thật sâu vào trọng tâm của đời sống xã hội VN( từ bấy đến nay) là sự GIẢ DỐI do ý thức hệ toàn trị cộng sản mang lại. Trục chính của tư tưởng xã hội VN là sự giả dối, mang lại toàn bộ biến thể của các hình thức tồn tại, hay nói một cách văn chương: mối quan hệ con người với con người ở VN là: ”ra khỏi cửa là bắt đầu phải đối phó”.

Cái tạo nên đời sống hàng ngày ở VN là sự đối phó. Với chính cái giả dối tạo nên sự bức bối tồn tại. Và con người VN hiện tại đang HẤP HỐI để thủ tiêu chính quá trình xã hội bệnh hoạn này.

 

Tối nay đọc cuốn sách dịch của Nguyễn Ước” Về từ cõi chết”-tác giả Elie Wiesel.

Thật lý thú, nhà văn Mỹ-Do thái này gốc Hung, sinh ở Rumani,  mảnh đất quê hương ông trước kia thuộc về Hungary. Bản thân nhà văn rất giỏi và am hiểu ngôn ngữ lẫn văn học Hung.

Lại chất Do thái ngạt thở. Lại chất triết lý Người quằn quại. Cái Chết dành cho dân tộc Do thái để họ giảng giải Sự sống cho nhân loại.

 Đúng thế. Chỉ như vậy mọi kẻ hy sinh không biến thành nạn nhân. Mọi tội ác chỉ phơi bày sự thất bại thảm hại của chất Phi Nhân tính -chính trong bản thân con người, trong tất cả chúng ta, kẻ đang sống trên quả đất này.

Cần hiểu ra điều này, hiểu thật sâu sắc.

Để làm gì?

Để nâng chất người cao hơn nữa trong mọi hành vi đối xử với nhau. Để thành NGƯỜI.

Cuốn tiểu thuyết ngạt thở còn do bút pháp của tác giả, một lối viết trực tiếp, không cần hư cấu, mà vẫn đầy rẫy trí tưởng tượng và cảm xúc lãng mạn của nghệ thuật trong đó. Tất cả những phẩm chất của Nghệ thuật nắm chính ngay trong Ý NGHĨA của sự việc làm nên đời sống người. Sống ra hồn, quằn quại như con người mới lột tả hết được toàn bộ tính chất nghệ thuật của đời sống là như thế đó!

Khi nào đời sống người mang lại tác động người một cách chân thật nhất?

Khi vấn đề Sinh-Tử được nhìn dưới góc cạnh Nhân văn nhất.

Trong tiểu thuyết này: nạn nhân có thể đổi thành vai đao phủ và ngược lại. Không đi qua bất kỳ một kênh ngụy biện tinh thần nào hết. Đấy là bản chất của vật lộn sinh tồn, là màn sương Ảo của tất cả triết lý biện hộ cho hành động để tiếp tục sống còn của con người.

Bởi vậy nghẹt thở.

Các loại chủ nghĩa ( izmus) nảy sinh ra trên đời này nhằm cứu vớt trong giây lát sự nghẹt thở sinh tồn người.

(2010.09.24)

Nguyễn Hồng Nhung