LỜI GIỚI THIỆU
Đọc bản thảo truyện ngắn bao giờ cũng thích hơn đọc bản thảo tiểu thuyết; ít ra đó là ý nghĩ của tôi, và tôi cứ viết nó ra đây mặc dù hoàn toàn không có ý định áp đặt cho ai hết.
Đọc bản thảo tiểu thuyết thì cứ như là được cùng tác giả đi guốc vào lòng đời sống, mà ngay một cuốn tiểu thuyết siêu thực nhất thì cũng chứa đựng ngồn ngộn những cái thực chết người. Những cái thực lắm khi khiến con người càng yêu đời càng khó sống.
Còn một truyện ngắn dù thuộc dòng hiện thực nhất thì cũng vẫn cứ bàng bạc một chút hơi sương viển vông của Thơ. Người nào thích làm thơ, trong cơn bĩ cực ghê gớm của cuộc đời mình, người đó nhất định sẽ viết một truyện ngắn, để nói được nhiều hơn là duy nhất một ý thơ.
Vì truyện ngắn và thơ tuy khác nhau về thể loại nhưng lại rất gần nhau về cấu trúc. Phải có một cảm hứng bất chợt. Phải có một tứ thơ đủ sức sống như một hạt mầm để cứ thể nảy nở ra cho thành một truyện ngắn. Còn da thịt của một truyện ngắn thì chẳng cần đắp điếm chắp nhặt vá víu từ hiện thực như tiểu thuyết. Một "câu chuyện ngắn" sẽ thích hợp hơn với cái tạng người mơ mộng.
Cảm giác đó luôn luôn lởn vởn với ta khi được đọc tập truyện ngắn, như tập tác phẩm này của Nguyễn Hồng Nhung.
Những mảnh đời trong tập truyện ngắn này xoay quanh những bừng tỉnh thiếu nữ, những bừng tỉnh lưu vong, những bừng tỉnh trí thức thời buổi "a còng", những bừng tỉnh của một cây bút vẫn còn nghĩ đến in sách gửi tới bạn đọc trẻ tuổi vào cái thời điểm các giá trị đạo lý vẫn chưa trùng với ánh sáng đạo lý.
Ta bắt gặp ở đây cấu trúc truyện của tác giả như những con búp-bê Nga. Đang đọc dở chừng một truyện, bỗng vặn một cái, lại hiện ra một con búp-bê khác – một truyện ngắn nữa, một bài thơ khác, đã nằm đợi trong lòng một truyện ngắn ấy. Một con búp-bê khác nhưng vẫn là con búp-bê ấy.
Yếu tố bất ngờ trong cách kể chuyện của tác giả thường nằm ở một câu, và cái câu đó lắm khi trốn khá kỹ.
Cái bừng tỉnh của cô gái với người đàn ông mình yêu mê mệt ngay từ cái nhìn đầu tiên khi nhặt được mảnh giấy hò hẹn mười hai giờ đêm H sang phòng T nhé. Cái bừng tỉnh của người con trai chưa vợ trước tình mẹ con của thiếu phụ Hungary khi lắng nghe chị nhận xét bầy con, chúng chờ tuyết từ mùa đông năm ngoái rồi đấy.
Và yếu tố hoang tưởng nữa. Nhưng phải là một cõi lòng nhạy cảm mới có nổi những hoang tưởng như vậy.
Cái hoang tưởng trước hình ảnh một người đàn ông say rượu ở chợ (dạng chợ "vòm") đủ sức để gán cho ông ta cả một giấc mơ. Một giấc mơ sẽ là vô lý nếu dùng lô gích để kiến giải. Nhưng sẽ là một giấc mơ để bạn đọc tiếp tục đọc chầm chậm cho đến hết tập sách, cốt đi cho hết sự cảm thông với một tạng người mơ mộng.
Đầu những năm 1960 tôi có in sách ở nhà xuất bản Thanh niên, Con nhện vàng, Kỷ niệm địa chất, Sống giữa những người anh hùng. Bây giờ đem so với tập truyện này, thấy hơi thẹn, "ngày xưa" sao mình đơn giản thế, sao cái thế giới văn hóa của mình sao mà hạn hẹp thế!
Tính đến hôm nay, năm chục năm đã qua. Nay tôi đang có một cuốn sách mà người viết đã khác hẳn thế hệ tôi, còn người đọc thì cũng vậy, đã thay đổi quá nhanh, thay đổi quá mạnh.
Tác giả Nguyễn Hồng Nhung viết và chia sẻ với thế hệ của chị. Tôi tin rằng bạn đọc của thời đại chị sẽ tìm thấy mối đồng cảm đạo lý và khoái cảm văn chương qua tập tác phẩm ngắn này.
Xin trân trọng giới thiệu!
Phạm Toàn
Hà Nội 12. 2009