Mùa thu chết
„ Thuở còn trẻ với trái đất ta cũng lãnh đạm
Nhưng trái đất không ta, vẫn trọn đường quay..”
(Adam Mikievich)
Đó là một ngày đầu thu êm ả, bầu trời xanh thẳm, trong vắt, không một gợn mây. Con tàu đưa cô đến thành phố của thưở đi học xa xưa, chạy chậm rì rì trên đường ray, hai bên đường là những thảm cỏ xanh vô tận, hoặc những cánh đồng hoa dại muôn màu sắc.
Cô thò đầu ra khỏi khung cửa, bần thần ngắm những bông cúc vàng óng, rung rinh trong gió, chen chúc nhau là những đóa hoa nhỏ không tên, một vài cánh hoa tím nhạt, chợt bò ra bìa cỏ, rồi lẩn sau những cây dại xanh rờn. Xa xa bát ngát, một màu vàng bắt đầu tàn lụi của cánh đồng hướng dương…
Ôi! cô đã từng là đóa hoa nào trong cánh đồng hoa dại đó?
Con tàu xình xịch tiến vào ga, một sân ga nhỏ xíu, trong cái thành phố, không lấy gì làm rộng lớn cho lắm. Bước lên những bậc thang bằng đá đã mòn, từ đường hầm, dẫn lên cổng chính, cô tưởng như nhìn thấy bóng dáng một cô gái, tóc tết đuôi sam, mặc chiếc áo len mỏng xanh-trắng, tung tăng chiếc túi xách nhỏ, bước vào thành phố.
Thời ấy, gần như không có người ngoại quốc trong thành phố này. Cô và mấy đứa bạn được coi là”mì chính cánh”trong cái trường đại học rộng mênh mông, đầy cây cối bao quanh, như một công viên lớn.
Khi còn học tiếng ở trường Dự bị ngoại ngữ, cô không cảm thấy buồn, khi biết mình sẽ về học tại một trường, ở một thành phố xa lắc xa lơ. Bởi cô sống giống như hòn đá cuội nhỏ im lìm bên dòng Duna, mọi người nhặt về, để lên bệ cửa sổ phòng ngủ, trong ký túc xá, sau một buổi picnic ầm ĩ, náo nhiệt.
Chỉ khi đứng ngơ ngác, với mấy đứa bạn giữa sân trường vắng ngắt, ở cái thành phố cũng vắng ngắt, vào một buổi cuối hè, cô mới biết thế nào là sự buồn bã.
May sao, cô vẫn là một cô gái nhỏ, với bóm tóc tết đuôi sam, vẫn thích vừa đi vừa vung vẩy cái túi, tung tăng trên đường. Cô dần dần không để ý đến khu trường đại học, có những rặng cây to, và những thảm cỏ đầy hoa, cộng với khu ký túc xá lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, nói của đám sinh viên, bắt đầu nhập trường.
Cô thích lên tàu điện, đi vào những dãy phố cổ kính, chứa đựng một điều gì đó bí ẩn, khiến cô cần phải khám phá. Điều đầu tiên khiến cô thích thú, là càng đi sâu vào các phố, hình như thành phố càng trải rộng ra, tuy rất thưa bóng người.
Cô lững thững đi một mình trên hè phố vắng ngắt, hai bên, những ngôi nhà tường đá, rất lâu đời, cửa lúc nào cũng đóng im ỉm. Chỉ tấm rèm cửa sổ trắng toát, khẽ động đậy, mỗi khi chạm vào chậu hoa màu đỏ, hay khóm xương rồng nhọn hoắt đặt ở khung của sổ, mới chứng tỏ sức sống thường trực trong mỗi ngôi nhà.
Thậm chí, đôi khi, vào một buổi chiều tà, cửa sổ nhà nào đó bỗng mở toang, một cụ già có khuôn mặt nhăn nheo và nụ cười phúc hậu, gói gọn trong tấm khăn choàng đầu màu đen, thêu hoa hồng đỏ, bỗng nhiên xuất hiện bên khung cửa. Nếu đúng lúc đó, đi qua, bao giờ cô cũng cất tiếng chào vang, khiến bà cụ lập tức chắp hai tay vào ngực, thốt lên khâm phục bằng một giọng khàn khàn:
- Ôi! cô bé dễ thương quá!
Cô rất thích khởi hành từ nhà ga, nơi đồng thời là bến cuối của tàu điện, cô vừa tiến vào dãy phố chính, vừa thử một trò ngịch ngợm cô mới nghĩ ra: từ đầu phố, cô đếm, sau bao nhiêu viên gach lát trên vỉa hè, cô sẽ nhìn thấy Quán Rượu đầu tiên, lúc nào nhìn vào cũng tối om, dù bên trong, mắc đầy những ngọn đèn xanh đỏ.
Rồi sau bao nhiên gạch nữa, cô sẽ nhìn thấy hiệu Cắt tóc đầu tiên, cũng tối om và sâu thăm thẳm.
Hừ! Một dãy phố có tới ba quán rượu và ba hiệu cắt tóc.
Ngoài ra không còn gì!
Có lẽ đây là hai nhu cầu thiết yếu nhất của dân thành phố tỉnh lẻ chăng?
Những buổi chiều nhàn rỗi, cô cứ tự chơi, tự ngắm cảnh, tự giải trí mình bằng những ý nghĩ vui vui, nho nhỏ như vậy, rồi lại thanh thản quay về ký túc xá học bài, hoặc trò chuyện cùng Ê-va cô bạn cùng phòng.
Trong khi cô mải vận dụng các từ cần thiết, cách chia đuôi ngữ pháp, và phát âm sao cho chính xác, thì Ê-va, cô gái tóc vàng xinh đẹp, vừa tủm tỉm cười, vừa nhẹ nhàng đặt lên cái máy hát Tiệp cũ kỹ, một đĩa hát đang bán chạy nhất của nữ ca sĩ Koncz Zsuzsa nổi tiếng.
Rồi cả hai cùng rên rỉ hát theo, trước còn nho nhỏ trong miệng, sau to dần, to dần. Khi giọng cả hai lên đến cực đại, sắp át cả giọng nữ ca sĩ trên đĩa hát, thì”cư dân” phòng bên cạnh, không chịu được nữa, đấm tường thùm thùm…
Cô và Ê-va lập tức vặn nhỏ máy, hạ giọng và nhìn nhau cười khúc khích.
Cô cứ tưởng sự vô tư của đời thiếu nữ sẽ xanh mãi như bình cây vạn niên thanh, rủ bóng xuống từ giá sách, mỗi ngày dài thêm một phiến lá non..
Cô cứ ngỡ chuỗi kỷ niệm ngồi mải mê tết tóc cho búp bê, khi còn là cô gái nhỏ, sẽ tiếp nối suốt đời, với hình ảnh cô thiếu nữ soi gương tự tết tóc cho mình…
Vậy mà đúng vào hôm dừng lại ở góc đường, dẫn đến quảng trường thành phố, khi cô đột ngột nhận ra, thảm lá vàng dày đặc đã phủ kín lối đi vốn rải đầy sỏi. Từ những ngọn cây cao, vài chiếc lá vàng treo lơ lửng, lơ lửng, rồi trong một khoảnh khắc, chúng đứt cuống, xoay tròn một vòng như muốn vĩnh biệt rặng cây trước khi rơi xuống đất…
Đúng hôm ấy, cô chạm trán với một trong những vị Thần đáng sợ nhất.
Thần Ái Tình chắc chỉ đợi một giây sơ hở, để đánh ngã gục, bao trái tim thiếu nữ thơ ngay, non trẻ như thế đấy..
- Xin chào! Bạn đi đâu thế?
Một khuôn mặt cân đối, với đôi mắt mở to trong sáng, và nụ cười tuyệt đẹp, với đôi hàm răng trắng muốt, bỗng dừng lại trước mặt cô.
Cô ngạc nhiên đến mức, không trả lời ngay, chỉ nhìn chằm chằm vào mặt chàng trai tuấn tú. Đó là một bạn học cùng lớp với cô.
Tại sao hôm nay cô mới nhận ra anh? Cách đây một năm, cùng một lớp học tiếng với nhau, sao cô không để ý có anh tồn tại trên đời nhỉ?
Những ngày sau đấy cô hành hạ cái máy hát nhiều hơn.
- Mày yêu rồi? – cô bạn cùng phòng phỏng đoán.
- Có thể! – cô đăm chiêu trả lời
Khi kim đĩa hát lần thứ ba được đặt lên cái đĩa có ảnh Dalida, thì Ê-va không chịu nổi nữa:
.- Tao trông mày chẳng sung sướng gì. Nó có biết không?
Cô không biết phải trả lời như thế nào, bởi chính cô cũng không hiểu, có gì đang xảy ra với mình.
Chỉ biết sau buổi gặp nhau tình cờ ấy, hình ảnh anh đã chiếm hết tâm hồn cô. Cô bắt đầu kiếm cớ để luôn nhìn thấy anh, nói chuyện với anh, để sung sướng và mong chờ.
Vô hình, anh thay thế toàn bộ những niềm vui nho nhỏ của cô. Cô thôi đếm những viên gạc dẫn đến những Quán Rượu và hiệu Cắt tóc. Cô thôi lang thang một mình, chẳng còn bụng dạ đâu ngồi tán gẫu với Ê-va đợi cơm chiều nữa. Cô ở lỳ trong ký túc xá, tuyệt vọng thấy anh vẫn niềm nở, vui vẻ, sự ân cần không nhiều hơn, cũng chẳng ít đi, từ sau buổi gặp nhau.
Anh có yêu cô không nhỉ?
Cô thơ thẩn nghĩ một mình, suốt ngày nọ qua ngày kia.
Thông thường, cứ đến chiều thứ sáu, ký túc xá vắng tanh, sinh viên về nhà hết, chỉ còn lũ sinh viên ngoại quốc. Rồi sau nhiều tuần, hầu như chả còn ai, vì đám sinh viên ngoại quốc cũng xách túi đi chơi, hoặc về thủ đô hết.
Trước kia, cô sẵn lòng ở ký túc xá, nhưng bây giờ cô luôn sống trong trạng thái ưu tư rối bời, lúc thì vui sướng hạnh phúc, khi thì buồn bã vô duyên cớ.
Một tối thứ sáu, cô quyết định xách túi, lên thủ đô thăm một cô bạn gái.
Bạn cô ngỡ ngàng nhìn thấy cô:
- Trời ơi, trông mày khác quá! Trông mày xinh hẳn ra! Chắc có chàng nào rồi hả?
Cô ngập ngừng, rồi kể hết cho bạn nghe. Cô nóng lòng muốn hỏi bạn: làm thế nào để biết, bọn con trai có ý gì với mình không nhỉ? Tại sao anh ta chả nói gì cả? Hay anh ta có ai nhỉ?
Hai ngày phân tích tình hình, đưa ra mọi giả thuyết về tình cảm của bọn con trai trôi vèo qua như một ngọn gió. Bạn cô tiễn cô ra tàu với lời hứa, sẽ điều tra hộ cô xem”anh ta có ai chưa”
- Mà mày không được để Nó thấy mày mê quá đấy nhé! Tỏ tình nhất thiết là không được rồi! Đấy là việc của bọn con trai!
Cô nhận những lời dặn dò cuối cùng trước khi từ biệt bạn.
Trở lại thành phố nhỏ, đặt chân vào lớp, nhìn thấy anh, cô lập tức quên sạch những gì đã nói, và hứa với bạn. lại những ngày vừa buồn, vừa vui, vừa mong nhớ, vừa âm thầm mơ ước…
Rồi một chiều thứ sáu lại tới
Đôi chân vô hướng, đưa cô xuống gác, vào phòng tivi. Cô cảm thấy tim mình đập thình thịch khi nhìn thấy anh đang ngồi xem tivi một mình.Cô bước vào, ngồi xuống một hàng ghế, anh quay lại mỉm cười, gật đầu chào cô, rồi cả hai cùng im lặng xem.
Bỗng anh đứng dậy định đi.
Cô cũng đứng bật dậy, đưa mắt van vỉ nhìn anh:
-Tuấn đừng về!
Anh mỉm cười:
- Mình định lên thủ đô đây
- Đừng đi! Tuấn! – cô van vỉ. Một giọt nước mắt chợt nghẹn ngào, dâng trong khóe mắt của cô.
Cô đứng chắn ngang trước mặt chàng trai, giọng cay đắng:
-Chẳng nhẽ Tuấn không biết rằng tôi yêu Tuấn hay sao?
Cô bật khóc, những giọt nước mắt tuôn như mưa trên má, cô cố nén tiếng nức nở của mình.
Cô không dám nhìn vào mặt chàng trai, cô ngồi thụp xuống, hai tay nắm chặt hai tay anh đang buông thõng. Cô nghẹn ngào nhắc lại.
- Em yêu anh!
- Đừng, Hoa đừng làm thế! Đứng lên đi!
Cô loáng thoáng nghe giọng nói bối rối của anh. Cô vùng đứng dậy, bỏ chạy về phòng, gục xuống giường.
Đêm hôm đó, cô không biết mình khóc bao lâu, và nghĩ những gì. Cảm giác đau đớn làm cô thấy tan nát trong lòng. Đấy là mùi vị của Tình Yêu ư?
Cô ngủ thiếp đi trong tiếng nấc của bản thân, như hồi còn bé, bị mẹ mắng, cô ôm búp bê chui ra sau cánh cửa ngồi khóc, rồi mệt quá, ngủ lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, mở cửa phòng bước ra, một mẩu giấy nhỏ rơi dưới chân cô, cô nhặt lên và đọc: „Đêm nay, thứ bảy, 12 giờ, Tuấn đợi Hoa ở phòng Tuấn”
Thế mà đã hai mươi mấy năm trôi qua. Người thiếu phụ có mái tóc bắt đầu điểm bạc, ngập ngừng bước trên con đường rộng lớn, dẫn từ ga vào trung tâm thành phố.
Dấu vết của tỉnh lỵ năm xưa dường như đã tự tan biến đi, nhìn kỹ mới thấy, vẫn những ngôi nhà tường đá, có cửa sổ buông rèm trắng, nhưng đường phố sặc sở hẳn lên với đủ loại hàng quán.
Bên cạnh hiệu giày là quán ăn châu Á, ba bốn hiệu Cắt tóc nằm kề nhau, với những hình vẽ các mái tóc rất hợp mốt. Từ một Quán rượu vẳng ra tiếng nhạc, tiếng trò chuyện tưng bừng. Bên trong đèn điện sáng choang, tiếng cốc tách va vào nhau loảng xoảng.
Người thiếu phụ nói to thành lời ý nghĩ của mình:” ừ, thế mà đã hai mươi nhăm năm rồi đấy.”
Hai mươi nhăm mùa Thu, kể từ khi cô sinh viên năm thứ nhất, sống dở chết dở vì lời hò hẹn của Tình Yêu!
Cả ngày hôm đó, cô đứng lên ngồi xuống, cô lang thang trong vườn trường, cô thơ thẩn trong thành phố, cô uống nước suông thay cho ăn, cô lẩm nhẩm trong óc bao nhiêu phán đoán, tưởng tượng ra bao nhiêu tình huống, rồi cuống lên vì thấy đầu óc mình rỗng tuếch.
Để khi hoàng hôn xuống, cô hốt hoảng nhìn đồng hồ từng phút. Cô về phòng khóa chặt cửa, rồi lại mở. Khi đồng hồ chỉ 12 giờ kém 5, cô chợt đứng lên đi ra cửa, xoay hai vòng chìa khóa và tắt đèn, cô ngồi thu lu trên giường như một con mèo ốm, mắt căng thẳng nhìn vào màn đêm, tai căng thẳng nghe ngóng từng tiếng động nhỏ.
Không có cái gì xảy ra hết!
Có thể cô đã dựa vào tường, và ngủ thiếp đi trong tư thế ngồi của một con mèo ốm.
Có thể cô đã thức suốt đêm, và khóc vào trong lòng.
Cô đã quên những chi tiết vặt vãnh ấy. Chỉ nhớ rằng cô gầy rộc đi, và chỉ những kỳ thi cuối năm mới cứu thoát cô khỏi những giây phút nằm dài, không nói năng gì trên giường.
Cô lẩn tránh sự tưng bừng vô tận của mỗi ngày trong ký túc xá.
Cô cố tình không nhìn thấy người bạn trai, vẫn niềm nở ân cần khi gặp cô.
Chỉ đúng một lần, không nhịn được, cô đưa cặp mắt nhòe ướt nhìn theo hút bóng anh đi ra khỏi lớp, cay đắng tự hỏi mình:”Tại sao anh không tìm mình, khi mình không đến?”
Hết năm thứ nhất, vì điểm số cao của các môn thi, cô được chuyển lên học tiếp ở thủ đô.
Rồi cô tốt nghiệp đại học.
Rồi một mình, cô xách vali trở lại quê hương.
Có thể thần Tình ái chỉ thích bắn lén những mũi tên tẩm thuốc độc vào trái tim những kẻ vô tư, không biết đề phòng.
Bởi vì suốt ngần ấy năm, cô tự dựng cho mình một hàng rào tự vệ. Bằng sự chôn vùi đi tất cả những cảm giác đã một lần nếm trải, những giờ phút tan nát cả cõi lòng, vì một bóng hình hiện hữu mà quá xa xôi. Cô trở nên bình thản. Cô có công việc, và không thích nghĩ thêm điều gì khác.
Nhưng số phận, có phải số phận không thích để ai yên?
Một hôm, bạn bè kéo cô đi ăn hiệu kỷ niệm sinh nhật ai đó. Khi cuộc vui lên đến điểm đỉnh, mọi người lăn vào sàn nhảy, còn cô lẳng lặng ra ngoài, lẳng lặng chui vào một góc phòng khác, màu tím dịu, văng vẳng tiếng nhạc êm đềm.
Khi cô vừa đưa tách cafe lên môi, một giọng nam tha thiết bỗng hát xoáy vào tim cô:
„ Ta ngắt đi cành hoa màu thạch thảo,
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi..”
Cô ngồi lặng đi, không tin vào tai mình. Nỗi đau đớn ngày nào tưởng quên đi, bỗng trào đến, từ sự run rẩy tuyệt vọng trong giọng ca của chàng ca sĩ, từ lời thơ như một tiếng than:
„ Em nhớ cho, đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhau nữa
Trên cõi đời này,
Từ nay mãi mãi không có nhau,
Từ nay mãi mãi…”
Một giọt nước mắt rơi xuống ly cafe. Cô ngồi im như một bức tượng. Nước mắt rơi đầm trên má.
„ Ôi, ngát hương cành hoa màu thạch thảo
Em nhớ cho, rằng ta vẫn chờ em…”
Có phải người đời cũng khóc cho một sự mất mát, hay đúng hơn cho sự lựa chọn vô tình không được đền đáp, chúng ta, ai là người có lỗi đây?
2003