Những bất chợt trong trẻo
Để có những giờ phút dễ chịu trong ngày, đôi khi không cần làm gì cả, ngoài bắt gặp những bất chợt trong lành của đời sống quanh mình.
Chẳng hạn:
Một buổi sáng mở mail, nhận được chùm thơ của lãng tử Chân Phương, có cảm giác nhận được một lẵng nho thơm ngon, chờ thưởng thức. Ngày đầu tiên của năm mới đã đọc thơ anh, nên tôi biết, cả năm của mình sẽ như lời nguyền của mụ phù thủy trong truyện cổ tích Nga ”Việc gì làm từ sáng, bà sẽ làm đến chiều” -nhưng, sẽ cực kỳ may mắn, nếu- cả năm được liên tục đọc thơ Chân Phương.
Cảm giác thích thú vô hình đọc thơ Chân Phương, không giải thích được. Nó xuất hiện tự nhiên như khi mở cửa ra đường, thấy mùa xuân đã đến, không khí trong lành mát rượi ùa vào lòng, gió hiu hiu nhẹ thổi và cây lá đâm chồi nảy lộc ngay cạnh chân bước. Có lẽ đây là sự hòa hợp giữa nhu cầu đọc của một cá nhân, với vẻ đẹp sáng tạo tinh thần của một cá nhân khác, một bất chợt trong trẻo của đời, tặng con người, cho mỗi con người thôi, nhưng quan trọng và quý giá chẳng kém sự chuyển đổi đều đặn hình hài, nhan sắc của thiên nhiên bốn mùa trong vũ trụ.
Chẳng hạn:
Đi hết tuyến metro phía nam thành phố Budapest, sẽ gặp quảng trường Moszkva. Sáng tinh mơ, bạn hãy đến đây, quảng trường này bước vào nhịp sống của ngày cực kỳ sớm, sẽ rũ bỏ cái dụi mắt ngái ngủ của bạn ngay tức khắc. Được đóng khung giữa hai quả đồi, quảng trường Moszkva lúc nào cũng vui tươi, tấp nập, rộn ràng, theo kiểu bày tất mọi vật lên bề mặt và cùng lúc diễn ra tất, mọi hoạt động đô thị.
Bên phải, bên trái chằng chịt đường tàu điện, sải chân trèo vội những bậc thang dốc lên đồi, gặp chi chít các bến buýt, đi xuống, ngoằn ngòeo loanh quanh quảng trường, là những tuyến đường dành cho xe con, xe buýt, xe khách từ tỉnh lẻ đổ vào.
Bước ra khỏi metro, đụng ngay phải đội quân đợi việc: những người đàn ông đủ hình thù béo gầy cao thấp, không thể đoán ra tuổi, vì những vẻ chai sạm sương gió, vì công việc lao động chân tay, những khuôn mặt tỉnh bơ, râu ria tua tủa, dáng hình đậm đặc trong những bộ quần áo hãn hữu giặt, loang lở vôi vữa, đọng đất cát, mảng sơn các màu, người nào cũng đeo một túi balô nhỏ, đầu đội mũ lưỡi trai. Dân Pest quen gọi đây là Chợ Người của thành phố.
Rồi, những ông chủ lượn lờ từ đâu nhẩn nha tới, tay lắc lắc chùm chìa khóa, không túi đeo, không cặp, áo khoác hững hờ, mặt cũng tỉnh bơ, họ thong thả dừng lại giữa cái sân rộng mênh mông của quảng trường, nhìn quanh quất, không nói một lời, chờ đợi. Đám cửu vạn kẻ hút thuốc, người tán gẫu, kẻ dựa lưng vào thanh sắt hình vòng cung giữa sân, lúc này từ từ tiến về phía đám chủ. Họ trao đổi, bàn cãi, trình bày không ồn ào, mà khẽ khàng từ tốn, như thủ thỉ… tạo thành những đám đông nham nhở giữa sân quảng trường, như những vết mực loang dưới tia nắng mặt trời đầu tiên, hắt xuống từ mỏm đồi cao. Lát sau nắng chan hòa cả cái sân lao xao, đông đặc người, rộn rã chuông tàu điện, tiếng cười đùa, tiếng chân chạy rầm rầm theo xe buýt, tiếng học trò gọi nhau í ới.
Thoảng chốc lát, chợ người lặng lẽ ngót dần, rất đặc trưng: ông chủ đi trước, quay lại nói một vài câu bâng quơ, một vài người đi theo ông ta, rất thờ ơ như thể không ai muốn tin và gặp gỡ ai, nhưng chỉ giây lát sau, họ cùng biến mất, không hiểu trên những chuyến tàu điện rung chuông, nặng nề chuyển bánh, hay trên các chuyến buýt lao vùn vụt khỏi bến, hay tản ra đi bộ rầm rập trên các cầu thang dựng đứng lên đồi…
Tiếp bước là đám học trò lôi thôi, cặp nặng trĩu với các loại trang phục xanh đỏ, tím vàng, giày da, áo da đen sì, hoặc váy rộng dài lùng bùng, mũ đội ngược, thuốc lá phì phèo, cười cợt không ngớt, như thể đây không phải sáu giờ sáng tinh mơ, mà là trời bắt đầu tối, để chúng đi giải trí, vui chơi. Đám thanh niên nhốn nháo này cũng nhanh chóng biến mất trên những chuyến tàu đông đặc, chạy rề rề, khua chuông, muốn lấn át tiếng cười đùa trong trẻo buổi bình minh.
Rồi đến những người đi làm sớm, vội vã rời bỏ, hoặc đi ngang qua sân quảng trường. Bỗng chốc, cả quảng trường vắng teo, chỉ còn lũ bồ câu sà từ đâu xuống, đậu kín góc sân, dưới chân bồn phun nước. Một kẻ vô gia cư, quần áo bẩn thỉu, hôi hám, mặt mũi đen như bồ hóng, rậu tóc xồm xoàm, xách túi lớn bị nhỏ, khệ nệ ngồi xuống bệ phun nước, rút từ chiếc túi bẩn thỉu ra những mẩu bánh mỳ, bẻ vụn và tung xa cho bầy chim.
Lúc này nắng đã rực rỡ trăm nghìn màu sắc, nhảy nhót trên những tia nước phun vọt. Một người đàn ông Digan béo, thấp, mái tóc đốm bạc, xách chiếc violon, lặng lẽ xuất hiện, rồi ngồi xuống một bậc nhỏ cạnh bờ cỏ trồng quanh sân, mở hộp lấy cây đàn, bắt đầu kéo.
Tiếng violon cao vút, ngập ngừng, rồi ngân tha thiết, gợn mải miết bay theo gió, khiến những người từ metro ra, từ đồi đi xuống, từ bến buýt vào, những người đi qua đường dưới cột đèn xanh đỏ, bỗng bước chậm lại, nghe ngóng. Dăm người tựa thanh sắt vòng cung ngẩng mặt, nhắm mắt chờ nắng âu yếm, hoặc đọc tờ báo phát không trên metro, một cô bé, bỗng buông tay mẹ, chạy vụt, đuổi lũ bồ câu bay toán loạn, hai cô cậu học trò dừng lại ngay trước mặt người kéo đàn Digan, hôn nhau thắm thiết.
Sáng sớm nào đi ngang qua quảng trường này, tôi cũng nhận từ ban mai một vài khoảnh khắc bất chợt trong trẻo thoảng qua như thế, kịp khiến tôi mỉm cười và bước tiếp, cho dù mỗi một phút, quảng trường lại thay đổi một kiểu khác.
Sẽ có một người đàn ông chở những cái cốc đầy nước, buộc chặt thành hàng trên một cái giá. Ngồi xuống ghế, trước dàn nhạc kỳ diệu, anh ta lấy đũa, gõ vào những thành cốc.
Bản nhạc thủy tinh đầy nước này nhảy tung tăng những âm thanh trong vắt và cao vút, rộn rã và tươi sáng như những giọt nắng cuốn theo bước chân người qua lại đông dần lên trên sân, hoặc ra vào metro. Buổi trưa, bọn thanh niên thường tụ tập ở đây sau giờ học, vừa nghe điệu nhạc thủy tinh vừa hôn nhau, ôm nhau, hoặc phì phèo hút đợi, chí chóe, cười, dấm dúi, trêu chọc lẫn nhau.
Quảng trường liên tục đổi nhạc công : lắm hôm, mờ sáng đã nghe tiếng ácoocdeon rất chậm rãi, phảng phất trong sương, như những đợt sóng dập dìu đánh dạt bờ của dòng Duna. Đúng thế, cạnh hộp telefon công cộng, một người ngồi sùm sụp mũ áo, chỉ nhìn thấy hai bàn tay túm chặt hai cánh đàn ácoocdeon gập vào, đẩy ra nhẹ nhàng, dường như người đấy kéo đàn thưởng thức cho bản thân, vì không hề ngẩng lên, hoặc để ý tới những bước chân vội vãng qua lại quanh mình. Rất lạ, giọng ácoocdeon này thường biến mất khi mặt trời lên cao, và cảnh vật trên quảng trường hoàn toàn hiện ra rõ nét.
Lúc khác, một cây kèn to sù sụ, hình chiếc bánh sừng bò vĩ đại, từ trên trời rơi xuống góc đường dẫn ra bến bussz. Cây kèn này phát ra những âm thanh ồ ồ, cùng tiếng đập nhịp, gõ phách phừng phừng (từ cái gì không rõ) dưới chân một ông to béo phùng mang trợn má, cất những bài quân hành vui tươi, khiến ai nấy qua lại trên quảng trường đều muốn cất nhịp bước mốt hai mốt hành quân...
Cuối giờ chiều, đôi khi một cái lều được dựng lên xiêu vẹo trong một góc sân, để phát chẩn xúp hoặc đồ ăn nóng cho đám lang thang vô gia cư, không hiểu nghe thông tin từ đâu tụ tập tới rất nhanh, kiên nhẫn xếp hàng đợi trong những bộ quần áo bẩn thỉu nhem nhuốc, nặng nề, và nặng mùi.
Hoặc có hôm, một chiếc xe thùng dừng lại giữa sân quảng trường, người ta vội vã chăng dây điện, mắc mikrô »alô, một, hai, ba ...» thử giọng, và sẽ từ lúc ấy- khoảng ba giờ chiều - đến tối, các diễn giả thi nhau nhảy lên chiếc bục dựng tạm, hét vào tai đám khán giả muôn hướng, muôn phương tự dưng tụ tập, với đủ kiểu nội dung : từ việc chứng minh hùng hồn Chúa vẫn đang ở đâu đây quanh quất cạnh chúng ta, đến việc cổ vũ đợt bỏ phiếu sắp tới cho một đảng liên minh, hoặc đối thủ với đảng cầm quyền, hay đơn giản hơn, lũ thanh niên tổ chức một cuộc thi ngẫu hứng tự nguyện »Ai muốn được ai hôn ? »,trong tiếng cười đùa vỗ tay inh ỏi tiếng nhạc tưng bừng xé tai...
Rồi trời tối sập xuống lúc nào không biết, phủ bóng tối xuống cái quảng trường lớn nhất nhì phía nam thành phố…
Những bất chợt trong lành ẩn náu giữa ngổn ngang đời sống, giải mã những bí ẩn ngày thường.
Cần một tâm hồn cực kỳ bình yên, để nhận ra, hứng lấy, tiêu hóa, thứ xúc cảm lạ lùng từ giao tiếp giữa những con người với nhau.
Nguyễn Hồng Nhung
(2009-03-28.)