NIỀM HY VỌNG

Chúng tôi vừa định rời khỏi trường, bỗng nhìn thấy một người phụ nữ bước ra, hai bên hai cậu con trai khoác chặt vào cánh tay chị.

-         Thưa chị chị dẫn các em học sinh của chị ra phố?- Tôi vội vã bỏ mặc chàng trai đi cùng đứng đấy chạy tới cạnh người phụ nữ và hỏi.

Người đàn bà nhìn tôi hơi lạ lùng, nhưng thấy chúng tôi cũng vừa ở trường ra nên chị trả lời:

-         Vâng, chúng tôi có giờ thực vật học, chúng tôi đến vườn trường và tôi sẽ dạy các em nhận mặt các loại cây.

-         Chúng tôi đi theo có được không?- tôi vội vã hỏi và nói tiếp- chúng tôi muốn quan sát các em học sinh khiếm thị học như thế nào mà.

Rồi ngắn gọn tôi giới thiệu tôi sống và làm việc ở đất nước của chị từ lâu rồi, còn đây là một thanh niên đang thực tập nghề đạo diễn, nhưng anh ấy không biết ngôn ngữ xứ này nên tôi đi dịch giúp…Đáp lại cái nhìn chần chừ của chị, tôi nói thêm là chúng tôi đã được hiệu trưởng trường khiếm thị cho phép làm việc ở đây. Nghe thấy vậy, cô giáo có tên Zsuzsa đồng ý. Và thế là năm chúng tôi cùng đi.

Nhìn thấy đèn đường đang xanh, tôi bảo Zsuzsa sang, nhưng chị ngăn lại: đợi chút, sắp hết đèn xanh rồi các em đi không kịp. Rồi chị quay sang cậu bé tóc vàng, dáng người nhỏ bé hơn cậu học sinh kia, da cũng trắng hơn và trông trẻ thơ  hơn tuy cả hai cùng học lớp 6, chị bảo :

-         Attila, em giới thiệu cái đèn bấm của em đi.

Cậu bé chìa một cái đèn dẹt có những nốt bấm đeo vào cổ bằng một sợi dây, và bấm. Một âm thanh vang rền bỗng vang lên sau cột đèn báo hiệu.  Đang đèn đỏ- cậu bé bảo; hình như người ta cài sau cái đèn một cái loa thì phải, tôi nghĩ thầm. Một lúc sau từ đó bỗng vang lên một giọng nói: đèn xanh rồi, xin mời sang đường. Chúng tôi cùng sang đường.

Hai cậu học sinh khoác chặt tay vào hai cánh tay cô giáo hai bên, tôi đi bên cạnh lắng nghe sau đó dịch lại cho người bạn đạo diễn. Zsuzsa hỏi: đất dưới chân thay đổi chưa? hai cậu học trò trả lời: rồi ạ. Vậy ta làm gì?- Rẽ trái ạ. Đúng rồi, rẽ trái là vào vườn trường.

Tôi vội nhìn xuống đất, hết con đường trải nhựa bằng phẳng, đúng là đến con đường lát gạch ô vuông hơi gồ lên một chút dẫn đến chiếc cổng sắt của khu vườn thật. Zsuzsa mở cổng, rồi dẫn hai học trò của mình vào, chị bảo tôi:

-         Đây, bên trái có mô hình đắp nổi của khu vườn này, bên cạnh có lời chú thích viết bằng chữ nổi hướng dẫn có thể đi từ đâu đến đâu trong khu vườn.

Theo đề nghị của tôi, Zsuzsa bảo Rô bi cậu bé thứ hai có dáng người to béo và trông già dặn hơn Attila đặt tay lên hàng chữ nổi và đọc. Rồi từ hàng chữ đó, cô giáo cầm những ngón tay của cậu học trò rà sát xuống mặt chiếc la bàn có những đường rãnh, có các hình vòng tròn, đến những điểm nhất định bắt đầu rẽ ra các đường vòng cung…Theo lời chỉ dẫn Zsuzsa giúp Rô bi tìm những hàng ghế đặt xung quanh vườn, thỉnh thoảng lại chạm vào một ký hiệu hình học nào đó nói lên một vật gì đó…

Thấy vậy, tôi cũng nắm lấy bàn tay Attila và giúp cậu bé miết những ngón tay đi theo các rãnh và các đường cong đi tìm vị trí các vật đặt trong vườn. Chúng tôi thích thú rà ngón tay lên mô hình nổi và cười.

 Zsuzsa bảo, chúng ta đến ghế ngồi đi, cô đọc bài học hôm nay cho các em nghe, trước khi các em sờ lên lá và cây và rễ, hoa, xem chúng như thế nào. Tôi bèn nắm tay cậu bé Attila định dẫn em đi, Zsuzsa bảo, không được, phải để học sinh khoác chặt vào cánh tay cô giáo thì mới không vấp ngã, tôi làm đúng như vậy và vừa đi tôi vừa nói với cậu bé:

-         Attila, bàn tay em mềm và ấm quá.

-         Còn tay cô lạnh quá- Attila trả lời

-         Đúng rồi, cô nắm tay em một lúc tay cô cũng sẽ ấm lên, đúng không?

Zsuzsa đang đi cùng Rô bi chợt dừng lại và hỏi tôi:

-         Tên chị là gì?

-         Tôi tên là Rozsa- Hoa Hồng. Bây giờ chúng ta gọi nhau thân mật hơn được không Zsuzsa? Cậu chắc kém tuổi tớ đấy.

Zsuzsa cười, đồng ý, lúc này tôi mới để ý khuôn mặt hơi khắc khổ của chị  giãn ra tý chút, tôi nghĩ thầm trong đầu: trời ơi trong cái trường khiếm thị này  thày cô nào trông cũng khắc khổ trầm lặng, chắc vì công việc đầy căng thẳng  phải chú ý tập trung cao nhất đến học sinh… Phải rồi, các thày cô  là những đôi mắt thay thế cho những đứa trẻ khiếm thị này. Thảo nào, vẻ trầm lặng ân cần của họ có một vẻ giống nhau đến thế…

Zsuzsa dạy học trò cách lấy ngón tay rà tìm ghế ngồi như thế nào, rồi họ ngồi xuống một cái ghế dài dưới bóng một cây cao có tàn lá màu tím y như một cây tía tô khổng lồ. Tôi cúi lom khom bên cạnh Attila,  nhìn xiên xiên vào trang sách giáo khoa rất nhiều hình vẽ các loại cây, cỏ, hoa mà Zsuzsa đang đọc to cho hai cậu học trò nghe chăm chú. Xa xa chàng đạo diễn phim từ lúc nào không biết đã lấy máy ảnh ra bấm lấy bấm để.

-         Roobi, khi mình bị cảm hay uống trà gì?- Zsuzsa ngừng đọc, hỏi. Rô bi trả lời.

-         Attila, khi em bị đau bụng bố em cho em ăn gì?- Attila trả lời. Cô giáo nói tiếp:

-         Cô sẽ đọc các loại thực vật, chúng ta sẽ đi xem từng loại một, rồi chúng ta học lại xem những cây đó dùng vào việc gì nhé.

Zsuzsa đọc tiếp, hai học trò lắng nghe, đầu nghiêng nghiêng gật gật, mắt nhắm nghiền. Cậu bé Attila thỉnh thoảng đung đưa cái đầu, rồi bỗng đứng lên đung đưa toàn thân, nghe cô giáo nhắc, cậu chợt dừng lại, ngoan ngoãn ngồi xuống.

Tôi đưa mắt nhìn khắp khu vườn. Một khu vườn mênh mông, những cây cao viền xung quanh tỏa bóng râm mát, giữa vườn là những con đường rộng êm ái bao quanh lấy những bãi cỏ sạch mướt mát, hoa dại chen lẫn cỏ xanh, xung quanh,  những bãi đất  đắp cao hơn trồng các loại thảo dược, và hoa đủ màu thi nhau khoe sắc. Dưới một gốc cây nửa nắng nửa râm, lũ bồ câu dạo chơi, mổ lấy mổ để,  tranh giành nhau cái gì đó chắc bác gác vườn vừa tung cho chúng, một ông già gầy gò khỏe mạnh cởi trần đang cầm vòi cao su tưới nước đẫm cho những luống hoa…

Zsuzsa bỏ sách xuống ghế, đứng dậy giơ cánh tay cho Rô bi khoác, tôi vội vã làm đúng như thế với Attila. Chúng tôi dừng lại trước một gò đất vun cao  trồng rất nhiều loại thảo dược, Zsuzsa lên tiếng: đây là cây lá chanh, miệng nói tay nắm lấy những ngón tay của Rô bi đặt vào khóm cây nhỏ. Tôi cũng nắm lấy bàn tay Attila, đặt những ngón tay em lên thân lá mảnh dẻ. Hai đứa trẻ dùng các ngón tay sờ thân, lá , rễ, ngắt đưa lên mũi ngửi, đúng như lời cô giáo đứng bên cạnh đang vừa tả vừa hướng dẫn.

Rồi chúng tôi đi sang những cây thảo dược khác, sờ vào, ve vuốt, nhận xét, ngửi, có lúc cô giáo bảo đợi tý, cô đọc cho các em nghe ngày xưa người ta dùng lá cây này làm gì, thân làm gì, rễ làm gì… Bọn trẻ lẩm bẩm đọc tên cây cỏ theo cô giáo, tự nhận xét, rồi mỗi đứa thể hiện sự thích thú theo một cách khác nhau, Rô bi thường cười vang, Attila trái lại, thì thào nhận xét và cười khe khẽ.

Zsuzsa ngắt một loại lá, vò nát rồi đưa cho hai cậu học trò ngửi: -nào, mùi cây này gợi đến cái gì? Rô bi cười vang: kẹo cao su mùi bạc hà. Attila thì thào: trà bạc hà uống với mật ong. Zsuzsa bảo: đúng rồi, đây là cây bạc hà, và đưa những ngón tay của Rô bi đặt xuống đám cây nhỏ mọc chi chít cạnh nhau. Tôi cũng làm như thế với Attila. Và đúng là những ngón tay mềm mại nóng ấm của em đã làm bàn tay tôi cũng nóng ấm hẳn lên, tôi cứ vuốt ve mãi những ngón tay mềm ấm như những chiếc lá non trong khi cậu bé nghiêng nghiêng đầu, mắt nhắm nghiền giật giật miệng cười tươi tỉnh…

Rồi học đến hoa tử đinh hương, Zsuzsa bảo, bụi hoa này rễ của nó cứng lắm, đây, em phải lồng ngón tay xuống sát đất này này mới chạm đến rễ nó… Tôi đưa mấy ngón tay mềm mại của Attila sát rễ bụi hoa mà chỉ sợ những cành sắc nhọn của cây đâm vào đau em, nhưng hai cậu bé đâu có để ý, chúng đang vùi mặt vào những bông hoa tím xanh cô Zsuzsa bảo  chưa nở đâu để hít hà và kêu lên thơm quá, thơm quá. Zsuzsa đưa ngón tay các học trò lần theo nụ hoa cưng cứng và bảo khi nào  nở tung ra nó sẽ rắc khắp nơi, và theo gió bay đi, thế là làm thành cả một cánh đồng tử đinh hương mà chẳng cần ai phải đi theo để trồng chúng cả. Rô bi lại cười vang, còn Attila thì thào gì đấy rồi cười nhè nhẹ, đầu gật gật…

A! cô Zsuzsa tự nhiên nhớ ra, mùa xuân có loại hoa này hay lắm, mọc chen nhau với cỏ, lúc đầu nó màu vàng rất đẹp, sau rồi nó kết thành những sợi tơ  trắng như màng nhện, trước khi tung bay theo gió…chúng mình ra bãi cỏ đi! cô cho các em xem…

Bỏ tôi lại với hai cậu học trò giữa bãi cỏ xanh mướt, Zsuzsa chạy đi ngắt mấy bông tơ trắng . A! hoa bồ công anh chứ gì!- tôi  hái một bông vàng tươi mang về đặt vào giữa những ngón tay mềm của Attila: đây, em thấy nó như thế nào Attila? – nó mềm, đầy đặn, dày…Đúng rồi, tôi tìm được một bông vàng khác kẹp vào mấy ngón tay Rô bi, cậu vuốt ve và cũng bảo sao nó mềm thế….

Zsuzsa cầm hai cuống hoa bông tơ trắng muốt trong veo in rõ những cái hạt nổi lên ở giữa  đặt vào tay hai cậu học trò…đây này! hoa bồ công anh đổi dạng.  Đấy các em đang bứt những sợi tơ trắng mềm của nó ra đấy, nó đang bay đi , theo gió mà… nó đang bay đi đây này…Rô bi vuốt ve mấy cái hạt còn lại trong tay, cất tiếng cười vang…còn Attila khư khư giữ cái cuống…

Đấy, cô Zsuzsa nói tiếp, đấy, mấy cái hạt này cũng sẽ bay đi theo gió, rắc khắc mọi nơi và thế là cứ mùa xuân chúng ta lại thấy bao nhiêu là hoa bồ công anh nở, trước tiên là một biển hoa vàng óng, sau biến thành những bông tơ trắng, trắng nõn trong suốt như một quả cầu dệt bằng tơ, nhìn rõ cả những cái hạt, rồi gió thổi tới, tơ trắng bay lên cao, bay rất xa mang theo cả những cái hạt lấm tấm rải những niềm hy vọng xuân luôn luôn sẽ quay trở lại….Bồ công anh! hoa của niềm hy vọng!

Hình như những lời trên vừa thốt ra khỏi miệng chàng đạo diễn phim đang quỳ mọp chụp ảnh lia lịa trước bốn cô trò đang cười vang với  hoa cỏ thì đúng hơn…bởi bao nhiêu ngày rồi chàng  đi tìm những cây cầu vô hình nối khát vọng con người với nhau, và hình như bất ngờ chàng nhìn thấy…

Quay trở về chỗ để sách giáo khoa dưới tán cây tía tô tím khổng lồ, Zsuzsa lại giở sách đọc và hỏi học trò tên các loại cây vừa đi nhận dạng bằng tay trước đó.

Đúng lúc ấy ông gác vườn đi tới, ông muốn chỉ cho lũ trẻ biết loài táo dại rất thơm người ta thường  làm táo hộp, hoặ mứt táo mà ông trồng đang sai quả chiu chít. Cả bọn kéo nhau đến hàng táo san sát đứng cạnh nhau, nghe ông bảo, lũ táo  chỉ yêu mỗi chỗ đứng này thôi, vì ở đây nhiều nắng nhất, và chúng chỉ yêu nắng mặt trời nhất trên đời này. Zsuzsa đặt những ngón tay của Rô bi lên quả táo bé bằng ba ngón tay chụm lại, cậu bé cười vang. Còn Attila, khi tôi cho cậu sờ vào trái táo non mềm mại, cậu vuốt ve những cái tai vểnh ra trên miệng quả táo bé xíu và thì thầm: giống như tóc của em bé ấy.

Chúng tôi quay lại hàng ghế dài lấy sách giáo khoa, chuẩn bị quay về trường.  Attila lại khóac chặt tay vào cánh tay tôi, tôi dẫn em đi vòng qua bãi cỏ nửa nắng nửa râm, thấy chúng tôi lũ chim bồ câu  tản ra chấp chới…Attila nghiêng nghiêng tai nghe tiếng vỗ cánh bay lên của chúng và bảo tôi: em đã một lần cho chim bồ câu ăn rồi đấy, nó ăn trên tay em cơ…

Chúng tôi cùng Zsuzsa đưa hai đứa trẻ khiếm thị quay về trường, đến đoạn đèn xanh đỏ qua đường Attila lại bấm cái đèn báo kỳ diệu,   âm thanh báo đang có đèn đỏ dừng lại đột ngột vang lên sau cột đèn và một lúc sau vang lên giọng nhắc nhở khác: đèn xanh rồi, xin mời sang đường!

Bước vào trường Zsuzsa quay lại phía tôi: hôm nay thật kỳ diệu, không bao giờ có thể nghĩ rằng chúng ta sẽ quen nhau? Tôi bảo: nên tất nhiên chúng ta phải kết bạn với nhau, tớ muốn gặp cậu nhiều lần nữa, đi học cùng bọn trẻ con nhiều lần nữa, được không?

 Chúng tôi trao đổi địa chỉ cho nhau.

Rời trường khiếm thị, tạm biệt chàng đạo diễn tôi quay về trường đại học của mình. Bên bức tượng kỷ niệm những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc, người ta trồng hai cây hoa hồng, hôm nay chúng đồng loạt nở rộ, đỏ rực. Tôi đứng rất lâu ngắm những bông hồng xinh đẹp, rút mobil ra chụp ảnh chúng, và ngồi xuống chân tượng, ngẫm nghĩ, cuối cùng quyết định  viết mail cho Zsuzsa:

„Chào Zsuzsa- cảm ơn cậu vì buổi gặp gỡ đầu tiên của chúng ta. Tớ có một đứa con trai tự kỷ, tớ sẽ mang nó đến chơi với bọn học sinh khiếm thị của cậu, chúng nó sẽ kết bạn với nhau và biết đâu chúng nó sẽ giúp nhau được rất nhiều điều, và chúng nó cũng sẽ rất vui như chúng ta hôm nay”

Đêm. Ngồi viết lại sự kiện của một ngày kỳ lạ, tôi nghĩ nhiều đến  những hóa thân khác nhau của Đức Phật. Có lẽ  lũ trẻ thiểu năng của chúng ta là những hóa thân lạ lùng đó chăng, để giúp những người lớn  nhận ra và hiểu cái gì là hạnh phúc khó kiếm tìm nhất của trái tim con người?

Nguyễn Hồng Nhung

( Budapest. 2017. május. 19)